Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

THƯ GỞI NGƯỜI BẬN RỘN - Bs. Đỗ Hồng Ngọc


Mời bạn đọc :  


1.Không có thì giờ!

2....Đo rồi đếm
3....Thì hãy cứ vui!
4.Thơ tại sao mà làm ra?
5.Cám ơn Asimo

Mời đọc tiếp...


6.Xin lại chào nhau...



Đỗ Hồng Ngọc
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng…
(Bùi Giáng)
Bạn thấy không, chuyện chào nhau… giữa con đường đâu có giản đơn! Có người ôm lấy vai nhau hôn bên này một cái hôn bên kia một cái, có người nắm tay nhau lắc lắc, có người vòng tay xá xá, lại có người chắp hai tay trước ngực…
Bắt tay có vẻ là cách chào nhau phổ biến nhất hiện nay. Nó đến từ văn hóa Tây phương, muốn nói lên rằng ta đầy thiện chí, không mang theo vũ khí trong tay. Nhưng qua cái bắt tay đó người ta cũng nhận ra nhiều điều: có người gần gũi thân thiết, có người cố ý “nắn gân” đối phương  coi nội lực cỡ nào, có người bắt tay hờ hững, kiểu cách, xa lạ hoặc lơ đễnh, tay bắt người này mà nói với người kia, mắt nhìn kẻ khác…  Có cái bắt tay chân tình ấm áp, đầy tin cậy, nhưng cũng có cái bắt tay kẻ cả, ban ơn, có cái bắt tay khúm núm, van nài, cầu khẩn… Qua cái bắt tay người ta đã có thể đánh giá một con người. Một kẻ đáng tin cậy. Một kẻ nịnh hót… Có bàn tay mềm nhão của người sợ nắng sợ gió … có bàn tay gân guốc cứng chắc của người chơi thể thao, lại có bàn tay bắt qua một cái… găng  lạnh ngắt. Phụ nữ luôn được ưu tiên. Phải đợi phụ nữ “ra tay” trước. Phụ nữ làm lơ thì thôi.
Người phương Đông thời xưa không bắt tay. Họ chào nhau bằng cách vòng tay thành một vòng tròn và… xá xá từ xa. Thời đó trang phuc là áo dài, không có túi, ống tay thụng phất phơ, dùng làm túi luôn. Họ có thể giấu nhiều thứ vào cái tay thụng đó, kể cả Lục Tích ăn cắp quít về cho mẹ trong Nhị thập tứ hiếu. Vòng tròn là biểu tượng của Thái cực. Thái cực sinh Lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng. Từ đó sinh sinh hóa hóa…  Vòng tròn còn tượng trưng cho Dịch. Mọi sự đều chuyển biến, đổi thay, vô thường. Cho nên “Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng” (TCS), bởi hết cơn bỉ cực tới thời thái lai. Cái gì xuống đến tận đáy rồi thì sẽ phải lên, cái gì lên cao chót vót rồi thì sẽ xuống. Người giỏi kinh doanh sẽ thấy lúc khó khăn nhất cũng chính là cơ hội lớn nhất và lúc vinh quang nhất sẽ phải chuẩn bị cho bước thối lùi: Biết đủ dầu không chi cũng đủ/ Nên lui đã có dịp thì lui! (Ưng Bình). Cách chào vòng tay cúi đầu này không còn phổ biến nữa, trừ ở trẻ con:  Tiên học lễ!
Còn cách chào chắp hai bàn tay lại làm một đặt trước ngực thì sao? Thì mang một ý nghĩa khác. Có lẽ cũng xuất phát từ phương Đông, từ Ấn độ, mang màu sắc Phật giáo. như ta thường thấy ở các nhà sư. Gần đây bỗng thấy nhiều người cả già lẫn trẻ nhất là giới trí thức, doanh nhân, những người có thiền tập đều thích cử chỉ chào vừa trang trọng  vừa nhiều ý nghĩa này. Có người bảo đó là hình ảnh của búp sen, với hai bàn tay khum khum vào nhau, hoặc hình ảnh của ngọn lửa sẻ chia với nụ cười  ung dung tự tại. Tôi nghĩ không chỉ vậy. Cái chắp hai bàn tay chụm lại làm một đó hẳn mang ý nghĩa của triết lý Bất Nhị ( không hai). Nói khác đi, đó là sự bình đẵng, không phân biệt, không kỳ thị: Tôi là em và em cũng là tôi! (TCS). Khi Lục tổ Huệ Năng bị thượng tọa Huệ Minh rượt đuổi, bắt gặp, Huệ Minh nói chỉ muốn xin đươc nghe pháp. Lục tổ dạy: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bổn lại diện mục của thương tọa Minh?”. Huệ Minh tức thì đại ngộ. Không nghĩ thiện không nghĩ ác cũng có nghĩa là không nghĩ đẹp không nghĩ xấu, không nghĩ giàu không nghĩ nghèo… Giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu … là những cặp phạm trù nhị nguyên xui người ta  tranh đoạt, hơn thua, cấu xé…  tự ngàn xưa!
Thân mến,
(Doanh Nhân Saigon Cuối tuần)


7.Bỗng dưng...nhớ gió


Đường Nguyễn Huệ xưa là một con kênh đổ vào sông Saigòn. Tấp nập trên bến dưới thuyền. Gió thốc từ mặt sông  mơn man những buồm những lái của một vùng đất phương Nam nắng vàng rực rỡ. Khi dòng kênh xanh đã  trở thành con đường hoa – đường Charner, Nguyễn Huệ- thì vẫn còn đó nắng vàng và gió mênh mang của mùa giáp Tết, giữa muôn hồng ngàn tía từ khắp chốn đưa về. Gió lướt thướt qua những rặng cây, rì rào phố thị,  tung bay các tà áo thiếu nữ Sài gòn, yểu điệu thướt tha. Đường hoa không chỉ có hương và sắc, đường hoa có hồn:
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gío thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay…(Nguyên Sa)
Đi giữa chợ hoa Tết Nguyễn Huệ những ngày xưa mà tưởng như đang ngồi trên chiếc thuyền lắc lư giữa dòng kênh, tuồn tuột trôi đi chẳng biết bến bờ.
Bây giờ thì hết. Đường hoa  nay đã khắc chạm, đã chăm xén, đã lối phẳng cây trồng,
cứng đơ và ngơ ngác.
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng
Giải nước đen giả suối chẳng thông giòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm…  ( Thế Lữ)
Nhưng đáng tiếc nhất là đã từ mấy năm nay thiếu vắng những tà áo dài mang hồn gió giữa đường hoa. Thảng hoặc một đôi tà áo lẻ loi lạc lõng của vài chị Việt kiều có tuổi tiếc chút hương xưa hay của đôi cô gái Hàn quốc, Nhật bổn khoe tà áo mới ngại ngùng.
Một nhà văn xưa đã viết:  “Áo dài Việt Nam thắng lớn trong nước và ngoài nước, do đâu mà được vậy? Do nó cho thấy gió!”. – “Mặc áo dài mà đứng yên chưa chắc đã ăn đứt nổi những cô gái Âu Á khác mặc y phục dân tộc của họ. Nhưng mặc áo dài mà đi, mà múa v.v.. thì người con gái VN linh động hẳn lên. Áo dài VN vừa theo sát những nét tuyệt mỹ của thân người, lại vừa trao cho tấm thân ấy sự linh động phơi phới mà nó không có. Những tà áo nhẹ ve vẩy phất phơ trong gió làm cho một thân hình nặng nề nhất, cục mịch nhất, cũng hóa ra thanh thóat. Thân người là đẹp, nhưng thứ y phục chỉ nhằm khai thác cái đẹp của thân người thì rõ ràng là tục.Trang phục là văn hóa. Văn hóa là một cố gắng cải biên thiên nhiên (…). Chiếc áo dài VN là một sự dung hòa giữa tự nhiên và văn hóa. Phần trên của nó đề cao thân người, đã có phần dưới rất thanh, thóat hẳn thân người. Nhìn vào người nữ mặc áo dài, sau khi bị lôi cuốn vì cái phần trên, mắt lần dò  nhìn xuống, thì ở phần dưới lại chỉ thấy…gió! Vâng, ở đây mắt chỉ thấy có gió, có cái thướt tha, cái bay bướm mà thôi”. (VP, Đất nước quê hương, 1973).
Học giả Cao Huy Thuần, giáo sư đại học Picardie,  người đã sống ở Paris gần 40 năm,  khẳng định rằng chỉ có 2 món “văn hóa” thực sự là bản sắc của ta, không sợ lẫn vào đâu giữa thời đại toàn cầu hóa- không những không sợ toàn cầu hóa tấn công  mà còn tấn công ngược lại – đó là …nuớc mắm và áo dài!
Ông viết “Bản sắc đựơc định nghĩa là cái gì khác, cái gì đặc biệt. “Hãy nói cho tôi biết anh ăn thứ gì, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai?”. Thế giới mê chả giò Việt Nam, mà chả giò là phải chấm nước mắm chứ không thể chấm… xì dầu, dù có thể được cuốn bằng bánh tráng Thái lan!
Còn chiếc áo dài Việt Nam?  ” Áo dài thành công bao nhiêu, thân thương bao nhiêu, yêu kiều bao nhiêu, thích hợp bao nhiêu! Nó đi vào lòng dân tộc như thể nó đã được khai sinh từ thuở dân tộc còn nằm nôi! Và nó hãnh diện phất phới trên thế giới; thế giới thán phục nó. Ngày nay, thời trang tha hồ vẽ vời, thêm bớt; nó nhân lên nhiều kiểu mới, nhưng nó vẫn là nó, vẫn là nhan sắc vô địch”. Rồi ông kết luận: “Cái gì hợp với dân tộc qua bao nhiêu thử thách, cái ấy là bản sắc, cái ấy không sợ ma nào ám, kẻ cướp nào lấy”! ( Cao Huy Thuần, Bản sắc và toàn cầu hóa).
Nếu tôi là nhà thiết kế, năm nay tôi sẽ rải trên đường hoa Nguyễn Huệ những tà áo dài để không phải chạnh lòng nhớ gió giữa mùa Xuân nay!
Bs .Đỗ Hồng Ngọc

8.Tiếng ta
Đỗ Hồng Ngọc
Nhà văn VP có lần khẳng định: “Thơ dịch không phải là thơ, dịch thơ không phải là dịch”. Ông bảo thơ dịch giỏi lắm chỉ là dịch được cái ý thơ. Nhưng ý thơ đâu phải là tất cả bài thơ mà chỉ là cái nghĩa của bài thơ gốc thôi.  Bởi ngoài cái ý ra, cái còn lại của bài thơ mới là những cái quan trọng, cốt tủy hơn. Đó là điệu thơ, thể thơ, giọng thơ, lời thơ, không khí bài thơ … Chẳng hạn ta không thể “dịch” bài thơ ‘Tống biệt hành’ của Thâm Tâm ra… thơ lục bát. Cũng vẫn là tiếng Việt đó thôi, nhưng đã là không thể, huống chi dịch qua tiếng Anh tiếng Pháp? Khi dịch Tống biệt hành sang thể thơ lục bát, nó đã không còn cái không khí của “tống biệt hành” nữa rồi!
Thế mà tập thơ Hồ Xuân Hương dịch sang tiếng Anh – Spring Essence – của John Balaban nghe nói đang bán rất chạy, đang có rất nhiều người đọc. Một chuyện lạ, thú vị quá chớ!
John Balaban, dịch giả, không phải người xa lạ với tiếng Việt. Ông là giáo sư đại học Miami, một thi sĩ có tiếng tại Mỹ với hơn mười tác phẩm đã hai lần được đề cử giải thưởng Sách quốc gia và đã đoạt hai giải thưởng uy tín về thơ. Năm 1974 ông đã từng dịch một tuyển tập ca dao Việt Nam sang tiếng Anh.
Trong một bài viết của nhà văn Lý Lan trên Văn Nghê Tp.HCM đã nói rằng cô rất xúc động và biết ơn khi cầm quyển Thơ Hồ Xuân Hương, bản dịch tiếng Anh của John Balaban trên tay:
“Nhưng một nỗi sợ hãi đột nhiên vỡ ra: bản tiếng Anh này chuyển tải được bao nhiêu “chất Hồ Xuân Hương”?… Những độc giả sống ở một xã hội phương Tây mà đề tài sex và đề tài nữ quyền được khai thác thường xuyên dưới muôn hình vạn trạng, song lại không có hình trạng nào như Hồ Xuân Hương, thì liệu họ có cảm nhận được Hồ Xuân Hương không, hay đọc bài thơ Ốc nhồi chỉ thấy con ốc nhồi, đọc bài Đèo Ba Dội chỉ thấy cây với đá? Họ có cảm nhận được chăng nỗi chua chát một cách nghẹn ngào trong giọng thách thức đầy mơn trớn: Quân tử có thương thì bóc yếm, và nỗi tủi hờn pha ngạo mạn trong lời van xin giận dữ:Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi. (John Balaban dịch là: Kind sir, if you want me, open my door. But please don’t poke up into my tail. Và giải thích tính song nghĩa của từ “yếm”). Đọc đi đọc lại những bài thơ Hồ Xuân Hương bằng tiếng Anh, càng cảm động và khâm phục nỗ lực của John Balaban; và càng nhận ra chữ nghĩa Hồ Xuân Hương không ai theo kịp suốt chiều dài thời gian mà cũng không có tương đương trong bình diện không gian. Trong bài Làm lẽJohn Balaban dịch chữ Chém cha là Screw và giải thích cut father là một tiếng chửi. Nhưng đến câu Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng. Cầm bằng làm mướn, mướn không công thì câu tiếng Anh You try to stick to it like a fly on rice but a rice is rotten. You slave like the mai, but without pay nếu được dịch lại tiếng Việt sẽ là Mày cố bám vô nó như một con ruồi đậu dính vô xôi, mà xôi lại hỏng. Mày làm việc quần quật như một con ở, mà không được trả công. Điều chắc chắn là John Balaban thấu hiểu ý nghĩa từng chữ từng câu thơ của Hồ Xuân Hương, nhưng rõ ràng trong tiếng Anh không có tương đương của thành ngữ “Cố đấm” và “Cầm bằng” đặc thù của văn hóa làng xã và tâm thái nông dân ở một đất nước có nền văn minh hàng nghìn năm trải qua điều kiện thiên nhiên, chính trị, xã hội luôn trắc trở ”.
Thơ Hồ Xuân Hương đã khó trong khi dịch ý với nào bóc yếm, nào khuấy lỗ trôn, nào đóng cọc, nào nhựa ra tay… ; đến như cố đấmcầm bằng cũng khó mà dịch được huống chi là cách chơi chữ, nói lái trong tiếng ta. Làm sao dịch được “Trái gió cho nên phải lộn lèo” ? Làm sao dịch được “Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?” nhỉ?
Nhà văn Huỳnh Ngọc Chiến kể ở xứ Quảng có ông Dương Quốc Thạnh, biệt hiệu Sơn Hồ, chuyên làm thơ “nói lái” theo thể Đường luật rất hay. Có lần một cặp trai gái yêu nhau chưa cưới đã mang bầu mấy tháng. Đàng gái xin cho cưới gấp đàng trai không chịu. Nhà thơ quen biết cả hai bên nên nhà gái nhờ ông thuyết phục. Cuối cùng đám cưới vẫn được diễn ra với cô dâu mang bầu 6 tháng (!). Không khí nặng nề giữa hai họ được giải tỏa hoàn toàn khi nhà thơ – với tư cách chủ hôn- đọc bài thơ:
Ai bàn  chi chuyện đã an bài
Trai khiển đồng tình gái triển khai
Cứ sợ cho nên thành cớ sự
Mai than mốt thở lỡ mang thai
Tính từ  ngày tháng vương tình tứ
Khai ổ  bây giờ báo khổ ai
Cưỡng chúng ông bà nghe cũng chướng
Thôi đành để chúng được thành đôi!
Đúng vậy, tình thế này mà cưỡng chúng thì coi cũng chướng, thôi đành để cho chúng thành đôi vậy!

9.Chuyện kể ngày tình yêu
Đỗ Hồng Ngọc

Bạn thân,
Bạn làm khó tôi nữa rồi! Bạn bảo hình như đã có… thông lệ, cứ đến ngày Thầy Thuốc thì tôi kể mấy chuyện cười về nghề Y, đến ngày Nhà giáo lại có chuyện vui về thầy giáo, nay đến ngày Tình Yêu, chẳng lẽ…?
Tôi có biết Ngày Tình Yêu là cái ngày gì đâu! Thời tôi, chả cần có ngày tình yêu gì cả mà người ta cũng yêu nhau ra rít suốt năm, suốt tháng đó thôi (Xưa nữa thì người ta còn nói “suốt đời suốt kiếp” gì gì đó nũa!). Bây giờ bày ra Ngày Tình Yêu chẳng lẽ các ngày khác còn lại trong năm là Ngày… không tình yêu?
Có người bạn nói sáng nay ra cửa, thấy trước cửa nhà mình người ta bày rất nhiều lẵng hoa tươi thắm, tưởng ai đó tặng mình nhân Ngày tình yêu, hóa ra nhà hàng xóm là Tiệm bán hoa tươi, nhân ngày này họ bày biện ra để bán, lấn sang cửa nhà mình thế thôi!
Lại nhớ hôm qua, đến “Động” Hoa Vàng trên đường Hồng Lĩnh thăm Phạm Thiên Thư, tác giả của bài thơ tình nổi tiếng Ngày xưa Hoàng thị ( nhạc Phạm Duy).
“Động” nhỏ xíu, hết chỗ ngồi, phải kéo nhau ra vỉa hè đối diện.
- Sao? Năm nay Hoàng thị của anh chắc cũng bảy mươi rồi đó nhỉ?
- Không, bảy mốt chứ!
- Giờ ở đâu? Làm gì?
- Ở Mỹ. Tiến sĩ…
- Tiến sĩ ngành gì?
Bóp trán hồi lâu, lắc đầu, hổng nhớ!
- Cái cô Hoàng thị N gì đó báo chí nói… không phải hả?
- Không phải. Đến bây giờ ít nhất đã có 6 cô nhận mình là… Hoàng thị của bài thơ đó. Có cô mới 30 tuổi!
- Không sao. Giả sử ngàn năm nữa, có cô Hoàng thị nào đó nhận mình là… Hoàng thị Ngày xưa cũng được chớ có sao đâu!
Rồi cùng mà cười.
- À, hôm nọ có hai cô gái trẻ đến đây tìm Phạm Thiên Thư, gặp tôi, mấy cô hỏi. Tôi nói Phạm Thiên Thư đi chơi rồi. Vậy bác là gì của Phạm Thiên Thư? Tôi nói tôi là Phạm Kim Long, cha của Phạm Thiên Thư. Mấy cô thất vọng bỏ về! (Phạm Kim Long là tên thiệt của Phạm Thiên Thư).
Chúng tôi lại nói về ba trăm bức thư tình của Trịnh Công Sơn gởi cho một cô gái sắp được xuất bản, tôi hỏi anh có hay viết thư tình không đó? Anh lắc đầu quầy quậy. Không không. May cho anh.
Đó là chuyện kể thứ nhất.
Chuyện thứ hai là có một người bạn gởi cho tôi bài vè này, không biết tác giả là ai, nói về tình yêu của các cô gái, còn đố tôi có biết người vùng nào, miền nào không? Tôi chịu! Bạn đoán xem. (Xin phép tác giả).
1) Ý chèng ui
Hổng được đâu
Cái mặt ngầu
Tui ớn lạnh
Ngồi bên cạnh
Rục rịch hoài
Lỡ gặp ai
Kỳ quá hà
Thôi dzô trỏng
Cho thỏa lòng
Đồ qủy sứ
Để từ từ
Nè cha nội
2) Dị kể chi
Răng làm rứa
Người chi mô
Nhột thấy mồ
Anh bên nớ
Tui bên ni
Răng cớ gì
Ưa lấn đất
Đừng lật đật
Mạ ra chừ
Mang tiếng hư
Nói nhỏ nì
Tối nay hỉ
3) Em chả đâu
Ngượng lắm đấy
Ai lại thế
Cứ như ranh
Tí tẹo thôi
Nhớ đấy nhé
Mặt dầy tợn
Chỉ nghịch ngợm
Không ai bằng
Cứ hung hăng
Như ăn cướp
Thôi cũng được
Phải giao trước
Cấm chạy làng
Hễ lang bang
Em xẻo trước
(Khuyết danh)
………
Có cần thêm chuyện thứ ba? Thì đây. Nhà thơ Trần Vấn Lệ vừa gởi tôi bài thơ còn nóng hổi này của anh dành cho ngày Tình Yêu:
Happy Valentine’s Day
Những đóa hoa còn nụ, em thấy giống gì không?
Hai má em ửng hồng, đáp chi mà nhỏ vậy?
Nhưng anh nghe được đấy:  Em nói giống Trái Tim
Hôm nay Valentine mà nghe em nói nhỉ…
Dù lời em lí nhí…thì cũng Lễ Tình Yêu!
Cảm ơn em thật nhiều, nói điều như anh nghĩ…
*
Chúng ta, đầu Thế Kỷ, tình dài nhé Trăm Năm?
Dẫu anh có nói thầm, chắc em nghe được chứ?
Chúng ta dù có lỡ – lỡ nửa đời buồn hiu
Nhưng có những buổi chiều nắng nồng nàn như sáng!
Anh làm thơ lãng mạn, em làm còng trốn đi!
Ngày Valentine’s Day, đố em mà trốn được…
*
Anh theo em từng bước như xưa Ngô Phù Sai
Theo Tây Thi, miệt mài rắc hoa vàng sau gót…
Anh sẽ mời chim hót chào em mỗi bình minh
Anh sẽ viết chữ Tình, ai nhìn đều ca ngợi…
Em em ơi anh nói, nói gì như gió vang
Nói gì như chuông vàng từ trên Chùa rung xuống…
*
Hôm nay tôi ước muốn được đi bên người yêu
Và, hôm nay, buổi chiều, Người Tôi Yêu, đã đến!
Trn Vn L

10.Mùa cưới
Đỗ Hồng Ngọc
Mua-cuoi-1vhoa-21.8
Mới giữa tháng 9, tôi giật mình thấy dày đặc các ngày cưới trên lịch. Có ngày hai đám, trưa và tối. Có ngày trùng giờ, trùng địa điểm. Thời buổi bây giờ, chạy “show” đám cưới là chuyện thường…! Đang ngồi quanh bàn tiệc chưa kịp làm quen, một anh bạn đứng lên, cáo lỗi, vì còn phải chạy cho kịp giờ đến nơi khác. Chẳng ai nài ép, việc phải thế. Có người đến trình diện, nhe răng cười, bỏ vội cái phong bì, ký một chữ làm kỷ niệm, chụp chung cái hình với hai họ, ngó qua ngó lại, vọt lẹ để không ai kịp phát hiện.

Đám cưới bây giờ cũng đã trở thành một công nghiệp. Có hẳn Menu cho mọi sự chọn lựa. Tây Ta kim cổ, khiêm tốn hoành tráng đều có đủ. Có đám cưới rình rang, có đám cưới ấm cúng, thân mật trong chỗ họ hàng, có đám cưới vội vã “chạy hưu”. Và có những đám cưới với mục tiêu… làm kinh tế. Nghe nói tới đây sẽ có những đám gọi là “đám ly dị”, cũng rôm rả như đám cưới. Tình trạng chờ mỏi cổ cũng đã giảm. Giấy mời thường ghi rõ giờ “nhập tiệc” nên chỉ chờ chừng… một tiếng đồng hồ!
Về hình thức thì đám cưới nào cũng lộng lẫy như chốn thiên thai. Các tiên nữ dập dìu múa hát. Ánh sáng lóa mắt. Nhạc đinh tai nhức óc. Những lời bay bỗng thụôc lòng rỗng tuếch. Cô dâu chú rễ bước dưới lộng vàng. Bố mẹ hai bên nắm tay nhau từng cặp từng cặp. Bước vào khu nhà cưới dễ bị lạc như vào khu công nghiệp kỹ thuật cao thiếu sơ đồ hướng dẫn. Cô dâu chú rể chĩ đựơc ghi trơ trọi cái tên Văn A, Thị B, không có họ, tuy cũng đựơc gọi là “hai họ”. Người ta có vẻ bứt đứt với gốc rễ ngay từ lúc đó! Những bạn nhậu quen đi đám cưới thì đây là cơ hội tốt để nhậu. Họ tới rất sớm, tụm lại từng khối, chiếm lấy một góc phòng và mặc kệ đám cưới làm gì thì làm, ta cứ giang hồ dứt lác.. không say không về! Mỗi lần cụng ly, không còn nghe hô một tiếng “dô” vang dội như xưa mà hô có “echo” hẳn hòi! Cũng có khi có một nhạc trưởng đếm một hai ba và mọi người hô nhịp nhàng náo lọan một góc trời! Cô dâu chú rễ nhiều cặp … cười toe toét, như đã hẹn nhau từ muôn kiếp trước! Nhiều cặp đã trải qua mấy ngày cưới trước đó di chuyển từ tỉnh nọ sang tỉnh kia. Có những cặp vẫn giữ nét truyền thống và ngày cưới là một ngày trọng đại, linh thiêng, nhưng có những cặp thậm chí chưa nhớ đựơc tên nhau. Hiện nay thì công nghệ cưới đã tiến tới chỗ làm đám cưới… trên mây, nghĩa là trên máy bay. Động phòng lúc đó sẽ đựơc gọi là ‘động trời”. Có nơi làm đám cưới dưới biển, lúc đó sẽ gọi là “biển động” cấp mấy cấp mấy. Không lạ bão tố sóng thần áp thấp triền miên!
Khi tiệc dọn ra, rõ ràng mọi người có vẻ nghiên cứu thực đơn kỹ hơn trước. Món nào có nhiều cholesterol, món nào không dành cho tiểu đừơng, béo phì, huyết áp, gút, trĩ… Rồi nào cúm A/H1N1, cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo tai xanh, heo sữa đông lạnh từ các container, tôm đực biến đổi giới tính v.v.. rôm rả. Cũng đã thấy ít người hút thuốc lá hơn trước. Cũng không thấy ép ăn, gắp bỏ chén người như xưa! Và uống thì ai uống gì uống. không ép. Một nét văn minh đáng mừng!
Đáng mừng hơn nữa là gần đây có đám cưới “chạy cúm”, không tụ tập chỗ đông người quá lâu. Nhà hàng thừa thế dọn ăn ào ào, chưa kịp quơ đũa đã thấy dọn món khác. Đám cưới nhờ đó mà đựơc rút gọn, mọi người đều vui.


11.Chuyện kể đêm giáng sinh
Đỗ Hồng Ngọc

giangsinh
Cô  Dina dạy lớp Hai tại một trường ở Ontario, Canada. Năm ấy cô được nhà trường giao cho một hoạt cảnh trong đêm văn nghệ mừng Chúa giáng sinh.  Sau khi đắn đo suy nghĩ rất lâu, cô bắt đầu phân vai cho các học sinh trong lớp. Rắc rối là cháu Ralph, chín tuổi. Lẽ ra cháu phải học lớp Bốn, nhưng cháu vụng về, chậm chạp, và chậm hiểu nên vẫn phải học lớp hai. Đám bạn lại rất thích cháu, vì cháu lớn xác hơn cả, dễ dàng đứng ra bảo vệ chúng nếu bị trẻ lớp khác bắt nạt.
Ralph nằng nặc đòi làm người chăn cừu, thổi sáo trong vở kịch. Cô giải thích Ralph có một vai khác quan trọng hơn, là làm chủ quán trọ. Thật ra, cô chủ ý dành cho cháu vai này vì cháu chỉ cần nói vài câu ngắn, dễ học thuộc, phù hợp với khả năng cháu. Hơn nữa với vóc dạng to hơn các bạn, Ralph dễ làm ra vẻ hùng hổ, hung hăng của ông chủ quá trọ khi xua đuổi ông bà Giu-se.
Đêm văn nghệ của trường chật ních khán giả. Ai cũng háo hức muốn xem con cháu nhà mình trổ tài trên sân khấu cuối năm.
Hoạt cảnh lớp cô diễn ra suôn sẻ từ đầu vì  bọn trẻ được tập luyện rất nhuần nhuyễn. Thế  rồi đến cảnh ông Giu-se chậm chạp, mệt mỏi dìu bà Ma-ri-a đến cánh cửa quán trọ đóng im ỉm. Ông gõ cửa.
Ralph chỉ chờ có thế. Cháu mở tung cánh cửa ra, hùng hùng hổ hổ quát: “Mấy người muốn gì?”
“Chúng tôi tìm chỗ trọ qua đêm.”
“Chật hết rồi. Đi chỗ khác đi!”
“Xin ông làm ơn. Chúng tôi đã hỏi hết các nơi khác nhưng đều bị từ chối. Chúng tôi đi đường xa, mệt mỏi.”
“Không còn phòng nào hết!”
“Xin ông mở lòng lành. Đây là vợ tôi, sắp đến ngày sanh nở. Vợ tôi rất cần được nghỉ ngơi đêm nay. Xin ông cho một xó xỉnh nhỏ hẹp nào cũng được.”
Ralph nhìn bà Ma-ri-a, rồi đứng ì ra khá lâu. Cả hội trường im phăng phắc, bối rối trước thái độ của Ralph. Nấp sau cánh gà, cô giáo nhắc tuồng: “Không, xéo đi!”
Ralph vẫn đứng như phỗng đá.
Cô  nhắc đến lần thứ ba. Mỗi lúc một lớn  giọng hơn. Các cháu đóng vai thiên thần ở hậu trường cũng sốt ruột, lo ngại không kém mọi người.
Cuối cùng Ralph cũng mở miệng như cái máy: “Không, xéo đi!”
Ông Giu-se buồn bã, thất thểu dìu bà Ma-ri-a bước đi. Tay chủ quán không quay vào đóng sập cánh cửa lại như đã tập dượt thuần thục hàng chục lần. Y đứng sững đó, dõi mắt nhìn theo ông bà Giu-se. Y chau mày, vẻ mặt khổ sở, bờ môi run run nén cơn cảm xúc, và kìa, hai tròng mắt y đã ướt sũng tự lúc nào!
Ralph gào lên: “Đừng đi, Giu-se! Đưa Ma-ri-a quay lại đây!”
Tay chủ quán dang rộng hai cánh tay, miệng cười rạng rỡ:  “Mời ông bà ngủ lại trong phòng của tôi.”
Cô  giáo bật khóc. Các cháu nhỏ thủ vai thiên thần  ùa cả ra sân khấu trong lúc khúc nhạc mừng giáng sinh trổi lên rộn rã. .( Chuyện kể theo thầy Lê Anh Dũng).
BS Đỗ Hồng Ngọc

12.Chuyện kể trong ngày nhà giáo
Đỗ Hồng Ngọc


Buổi sáng hôm đó cả bọn bốn người đàn ông trung niên kéo ghế ngồi quay quần bên tách cà phê cạnh bờ hồ hiếm hoi giữa lòng thành phố.  Người trẻ tuổi nhất trong bọn họ cũng đã 50, một nhà giáo, trắng trẻo, nghiệm nghị; người thứ hai là nhà nghiên cứu văn học, chuyên cổ văn, tóc điểm sương, khắc khổ; người thứ ba là một nhà thơ, từng là giáo viên dạy văn cấp ba, đã về hưu và người thứ tư là… tôi.
Bọn tôi người thì vừa đưa con tựu trường, người thì dẫn cháu đến lớp… giờ rảnh tay tụ lại uống cà phê, rôm rả nói cười, thấy mình như trẻ lại, nhắc cái thuở còn thơ “ngày hai buổi tới trường”.  Bỗng một người cảm khái đọc ro ro một bài học thuộc lòng ngày đó: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh… “. Trời ạ, như khơi trúng mạch, cả bọn không ai bảo ai cùng “rống” lên như ca bè:… “Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp… con dường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ… Hôm nay tôi đi học!“ (Thanh Tịnh). Rồi hình như thấy trong quán cà phê còn có nhiều người mà cả bọn “hợp xướng” như vậy coi hổng được bèn ngưng bặt. Nhìn nhau cười lỏn lẻn.  Cả bọn như chìm lắng trong một ký vãng mờ xa, ở đó là những cậu bé “ khét nắng hôi trâu thèm đi học” (Trang Thế Hy), rồi “Ai bảo chăn trâu là khổ… Em bé không quên học đâu… “ (Phạm Duy). Cái thuở đó sao người ta ham học vậy không biết!  Im ắng hồi lâu để nghe cho rõ tiếng lách cách quậy cà phê, bỗng một người trầm ngâm như sực nhớ: “Hằng năm cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại hoang mang nao nức… ” Rồi ai đó bỗng đọc tiếp “Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers diners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonent…”  cả bọn lại bèn “hợp xướng” cái đoạn văn về ngày khai trường đó của Anatole France mà cùng nhớ lại những bữa cơm dưới ngọn đèn tù mù…,cảnh cha ngồi xem báo, mẹ ngồi khâu áo, bên cây đèn dầu hao… Rồi một người nhảy qua quốc văn giáo khoa thư hồi nào không hay “Chân bước đi mặt còn ngoảnh lại, từ cái mái nhà, cái thềm nhà, cái lối đi, cho đến bụi cây, đám cỏ, cái gì cũng làm cho tôi quyến luyến khác thường…!” ..của một kẻ rời quê lên tỉnh, học xa.
Nhận ra cả bọn hình như hơi vô duyên, lãng mạn một cách lảng xẹt, ai đó bèn chuyển gam về chuyện bây giờ, chuyện chạy trường, chuyện học phí,  quốc tế quốc nội, chuyện You and I của bọn trẻ.. . Ông bạn nhà giáo kể một hôm, trong một lớp học, thầy dạy văn ra câu đố kiểu  Truyền hình vẫn hay làm. Một câu tục ngữ nói về tình thầy trò gồm 6 từ, thầy cho 2 từ để học trò đoán tiếp. Em nào đoán trúng được thưởng. Hai từ đó là   “thầy” và “mày”. Học trò ngơ ngác. Một em xin cho thêm hai từ nữa mới đoán được. Thầy đồng ý: hai từ nữa là: “đố” và “nên”. Cả lớp im lặng nhìn nhau. Thầy chán ngán nói: Thôi được, để thầy cho nốt hai từ nữa rồi các em xếp thành câu tục ngữ nhé: Đó là “không” và “làm”. Đến đây thì có một cánh tay nhanh nhẹn đưa lên: Thưa thầy, có phải câu tục ngữ đó là “Làm thầy mày không nên đố” không ạ?

12.Coi đá banh bây giờ thiệt sướng!
Đỗ Hồng Ngọc

                           
Coi đá banh bây giờ thiệt sướng!
tặng CĐN
Coi đá banh bây giờ thiệt sướng! Không cần mua vé vẫn có thể ung dung ngồi coi cùng lúc với mọi người trên thế giới. Sân máy lạnh. Vừa ăn, vừa uống, vừa la hét như mọi người. Những pha hấp dẫn còn bắt đá đi đá lại cho coi.  Thấy từng nét mặt cầu thủ. Thấy từng giọt mồ hôi. Vừa coi cầu thủ hùng hục đá dưới sân lại coi các người đẹp ỏng ẹo trên khán đài. Thỉnh thỏang chùi kiếng coi các nữ cổ động viên Brazil, Ý ăn mặc mát mẻ, lắc lư, trong khi các nam cổ động viên ở trần trùng trục vừa khóc vừa cười.
Lý thú nhất là được gặp mấy ông vua, hoàng đế từ Pélé đến Maradona, Beckenbauer. Chỉ có ở sân banh mới thấy rõ tổng thống, thủ tướng các nước lép vế cỡ nào so với vua, hòang đế! Họ chẳng được tung hô gì cả. Chỉ thỉnh thỏang ống kính cho thấy cái sự nghiêm nghi lạc lõng của họ. Trong khi Maradona thì được một người đẹp ái mộ ôm cổ hun chùn chụt, còn hoàng đế Beckenbauer mang cả hoàng hậu mới cưới đi cùng. Bởi chỉ có các hoàng đế, nhà vua, mới làm cho người ta khóc, người ta cười, người ta hát quốc ca khản cổ, người ta vác cờ xí chạy như điên như dại mà thôi! Không ở đâu tình yêu nước nồng nàn, hừng hực như sân bóng. Tưởng chừng thế giới đại chiến có nổ ra cũng chỉ nên nổ đến thế! Xe tăng đánh với gà trống, đại bàng xanh đánh với con quỷ đỏ, củ sâm đánh với samba…!
Coi đá banh bây giờ thiệt sướng! Ta có quyền cắt ngang trận đấu vì buồn ngủ quá,  bảo ngưng đá thì tất cả đều ngưng ngay lập tức, trả lại sự yên tĩnh để ta làm một giấc ngon lành rồi thức dậy coi tiếp.  Cảm xúc vẫn cứ y như thế. Tóm lại, những người có tuổi có thể… điều tiết trận đấu theo ý mình, theo tình trạng sức khỏe của mình, nhờ… sáng sau coi lại khi chưa biết kết quả!.
Sướng nữa là nghe bình luận! Với bóng đá bây giờ  người ta không chỉ coi mà còn nghe, còn ăn, còn ngủ, còn sờ… bóng đá. Tóm lại, không có giác quan nào được yên ổn. Mới hôm qua thôi, các nhà bình luận cỡ Chánh Trinh, Chu Đình Ngạn… chửi tưng bừng thì hôm sau đã ca tụng lên mây xanh! Khán giả cũng tham gia bình luận hay không kém.
Các chuyên gia than phiền chiến thuật bóng đá ngày nay đã thay đổi rồi. hết còn thứ bóng đá đẹp, bóng đá tấn công; bóng đá hào hoa như thời Tam Lang, Tư Lê nữa mà ngày càng nhiều bạo lực,  nhiều kịch sĩ, và nói chung bây giờ người ta lấy…phòng thủ làm gốc. Bóng đá không còn có chỗ cho sự sáng tạo cá nhân. Tất cả đều phải răm rắp theo ý đồ chiến thuật của huấn luyện viên. Nhiều khi dẫn banh đến goal rồi vẫn cố gắng sút ra ngòai! Với tình hình này, hy vọng rồi đây sẽ có nhiều thay đổi lớn trong chiến thuật bóng đá: chẳng hạn cầu thủ hai đội không cần phải chạy qua chạy lại sân đối phương làm chi cho mệt, chỉ có Huấn luyện viên là phải xung trận thôi. Y như đánh nhau trong truyện Tàu:  hai bên dàn quân, mỗi bên cử một tướng ra đánh. Vỗ ngực, xưng tên. Thắng thì thúc trống xông lên, thua thì khua chiêng rút chạy. Nếu cần thì “treo miễn chiến bài”!
Tóm lại, coi đá banh bây giờ thiệt sướng!

13.Maradona, Maradona...
Đỗ Hồng Ngọc

Tưởng tượng cái cảnh Maradona cỡi truồng chạy quanh thủ đô Buenos Aires khi Argentina vô địch World Cup 2010 hẳn sẽ rất là thú vị. Ngày hôm đó chắc chắn các công sở sẽ đóng cửa, trường học được nghỉ học, chợ búa bãi thị… Những cuộc tranh luận tại nghị trường cũng tạm hoãn. Cảnh sát phải một ngày vất vả, toát mồ hôi hột, lườm lườm lựu đạn cay để dẹp đám đông… Và, các hãng truyền thông lớn nhỏ khắp thế giới sẽ phải cật lực giành chỗ để tiện thu những hình ảnh sống động nhất của cuộc chạy khỏa thân này phuc vụ người dân xứ họ. Chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra lắm chứ, tại sao không? Bởi Argentina năm nay có Messi làm xiếc bên trong, Maradona làm xiếc bên ngoài, cùng một chùm sao đang rãi bùa khắp các sân bóng Nam Phi?
Argentina tìm đâu ra một người tuyệt vời đến vậy để làm huấn luyện viên đội tuyển dù trước đó người ta đã tranh luận gay gắt chuyện có nên hay không để một nhân vật “kỳ quặc”, tính khí thất thường như vậy làm thầy các ngôi sao.  Nhưng vốn những ngôi sao đâu có  chịu khuất phục bởi những ngôi sao? Nên chỉ có phù thủy Maradona mới ra tay trấn ếm nổi. Cho nên dù bị trầy trật, dù bị xỉ vả thậm tệ ở vòng loại, chẳng ai dám gạt bỏ Maradona! Chẳng chễm chệ như “vua” Pélé, chẳng uy nghiêm như “hoàng đế” Beckenbauer, chẳng hào hoa như “thánh” Cruiff,  Maradona vừa là một con người- con người trần truị, đủ thói hư tật xấu- lại vừa như một thiên thần có đôi cánh lượn bay và những đức hạnh cao quý đan xen, lúc thiên đàng lúc địa ngục thong dong vô ngại. Điều quan trọng, Maradona sẵn sàng thay đổi. Thay đổi bên ngoài lẫn thay đổi bên trong. Từ một người nghiện ma túy nặng, mấy lần suýt chết vì quá liều, từ một người nghiện rượu nặng, gan có vấn đề phải vào cấp cứu đôi phen, rồi nhồi máu cơ tim, rồi đột quỵ vì béo phì, cao huyết áp, tiểu đường… với đủ thừ biến chứng linh tinh khác… vậy mà suốt 6 năm nay ông đã không đụng đến bất cứ một chất gây nghiện nào, sẵn sàng cho cắt bao tử để giảm cân, sẵn sàng tự cách ly vào trại tâm thần để điều trị… Và sẵn sàng thay hình đổi dạng từ một tay “giang hồ hảo hớn” thành một đức ông râu tóc bệ vệ, bạc phơ, veston cà vạt nghiêm trang đến ngộ nghĩnh… trên sân bóng những ngày gần đây chỉ vì một lời nói của cô con gái út rằng thì là  “Gia đình vẫn cần đến ông như một người cha”!  Không chỉ là một người cha, bây giờ Maradona còn là một “người ông ngoại” nữa! Cho nên không ngạc nhiên khi thấy ông dẫn đội tuyển Argentina đến Nam Phi còn đèo theo con gái và cháu ngoại. Cái bộ tịch phục phịch, mủm mỉm, hay nhảy cỡn rồi chùi mình trên sân cỏ ướt… không còn thấy ở ông nữa, mà bây giờ thay vào đó là cái ngượng ngập ôm choàng lấy bất kỳ ai bên cạnh khi ngây ngất thấy học trò mình đưa banh vào lưới đối phương.
Maradona theo tôi quả thật là một tấm gương vĩ đại, để ai nấy cũng có thể tự nhủ lấy mình: Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!
Nghiện ma túy nặng. Bỏ, rồi nghiện lại, rồi bỏ. Nghiện rượu nặng. Bỏ, rồi nghiện lại, rồi bỏ. Nghiện thuốc lá, xì gà nặng… Béo phì có lúc tới 128 kg, phải cắt bỏ dạ dày cho giảm tật tham ăn! Các bệnh viện ở Argentina không dám phẫu thuật vì sợ Maradona chết trên bàn mổ, phải đưa  sang Colombia để cắt, rồi đưa sang Cuba cai nghiện, chữa trị tâm thần.
Nhồi máu cơ tim, đột quỵ mấy phen, có lúc huyết áp tăng đến trên 230 cm Hg, hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, từ Thụy Sĩ tới Cuba, Argentina…
Một huấn luyện viên “kỳ quặc” như Maradona hẳn đã tạo ra một môi trường kỳ quặc nhưng đầy ắp tình người cho đội tuyển,  một không khí huyền hoặc vừa rất con người lại vừa rất tâm linh cho đội tuyển. Mỗi khi có xung đột nội bộ, hẳn Maradona sẽ đập bàn quát tháo rồi ôm mọi người khóc, nếu cần thì lập đàn cầu an, tay bắt ấn, miệng niệm thần chú, đốt bùa và… nhắc lại lời hứa cỡi truồng chạy quanh Buenos Aires không chỉ riêng cho mình mà còn cho toàn cả đội!
Tóm lại, Maradona, một con người nhu nhược đầy ý chí!

14.Cái đẹp mong manh
Đỗ Hồng Ngọc

Messi khóc, Ronaldo khóc, Kaka khóc… nhưng Maradona lần này không khóc.  Ông còn khen ngợi xe tăng Đức đã “hủy diệt” vũ điệu tango của ông, và khen ngợi học trò mình đã chơi bóng như chơi bóng, nghĩa là cống hiến và không toan tính. Cũng vậy, cơn lốc nhẹ Hà Lan đủ dập tắt vũ điệu samba của Brasil. Cái đẹp vốn mong manh. “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng / Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”… Cái đẹp phải biết dừng đúng lúc cho nhân gian luyến tiếc.
Người ta trách Dunga không phải vì ông thua mà vì ông đã biến Brasil thành không phải Brasil. Dunga ráng trở thành người tính toán. Dù sanh ở Đức, Dunga không có gene Đức thứ thiệt. Nên càng tính toán ông càng trật lất. Cái cách tính toán của Joachim Loew, huấn luyện viên Đức mới là đáng nễ. Cách làm “tâm lý” cũng hay. Cho thầy bói bạch tuột lên tiếng, đâu có thua gì Nguyễn Trãi ở núi Chí Linh lấy mỡ viết lên lá cây cho kiến đục! Ngày đá với Anh thì cho cả đội đi vườn thú săn… sư tử! Ngày đá với Argentina lại có sự hiện diện của nữ thủ tướng Đức, Angela Merkel trên khán đài, vỗ tay từng chập. Chẳng thấy nữ tổng thống Argentina, Cristina Fernandez đâu cả! Nếu có, hai bà sẽ “đấu” với nhau một trận trên khán đài cũng hay! Bà Merkel vốn là một bác sĩ, bệ vệ, uy nghiêm, đúng kiểu Đức, còn bà Fernandez vốn xinh xắn dịu dàng như một người mẫu, đúng kiểu Argentina. Một âm một dương, một cương một nhu.
Dunga có lúc cũng được ca ngợi là đã thay đổi chiến thuật, đã xây dựng cho Brasil có một hàng hậu vệ vững chắc “nhất thế giới” nên kết quả là họ thua từ hàng hậu vệ này.  Maradona tự hào vì Argentina có hàng công xuất sắc “nhất thế giới” nên cũng thua vì hàng công này. Lão Tử nói rồi: cái gì đầy quá tất đổ! Sự tự tin quá đáng đã làm cho Dunga quên dặn học trò phải làm gì khi hậu vệ tự đốt lưới nhà, phải làm gì khi bị thẻ đỏ.  Còn Maradona ỷ vào hàng công làm xiếc của mình nên khi bị xe tăng tổng lực nghiến thì đành… nát!
Một bài học khác cũng thú vị là chỗ Brasil vì có bàn thắng quá sớm mà thua đau – tưởng dễ ăn, chủ quan, khinh địch- còn Argentina vì có bàn thua quá sớm mà thua đau – mất hết nhuệ khí, vỡ trận. Tóm lại, cái gì… quá sớm cũng không tốt, nhất là khi người ta sống với đầy cảm xúc. Nếu là một đội châu Âu, vài ba phút bù giờ đủ để lội ngược dòng!
Maradona nói: “Rất có thể tôi sẽ ra đi ngay trong ngày mai, nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã cho thế giới thấy được chúng tôi chơi bóng như thế nào và đó là thứ bóng đá không có sự tính toán. Tôi chỉ quan tâm đến điều duy nhất là bóng đá phải làm đẹp lòng người hâm mộ và tôi đã làm được điều đó với Argentina. Sự thực, Argentina cũng không thể theo một phong cách nào khác ngoài lối chơi cống hiến hết mình đó”.
Đúng vậy. Argentina nên là Argentina và Brasil nên là Brasil. Không nên thay hình đổi dạng, không nên bắt chước một ai khác. Toàn cầu hóa thì toàn cầu hóa, con gà vẫn là con gà và con vịt vẫn là con vịt.
“Chúng tôi đã thi đấu hết sức mình nên thất bại này không thể lấy đi niềm tự hào của tôi. Tôi muốn cám ơn các học trò của mình. Điều đáng tiếc là giấc mơ đã không thành hiện thực nhưng tôi thích một Argentina chơi tấn công đẹp mắt và cống hiến như thế. Tôi muốn các học trò của mình tiếp tục thể hiện những gì mà họ đã làm trong kỳ World Cup lần này”. Maradona khẳng định.
Riêng cái chuyện Maradona hứa cỡi truồng chạy quanh Buenos Aires nếu Argentina vô địch coi bộ sắp thành đại dịch như cúm A H1/N1. Một người mẫu xinh đẹp của Paraguay cũng đã bắt chước hứa cỡi truồng chạy… nếu Paraguay vô địch. May mà các đội này đều rơi rụng cả. Tưởng tượng Argentina vô địch, Maradona chạy như vậy thì thực tế có gì để coi? Ông từng bị béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… nên chắc  cũng đã có nhiều biến chứng. Cái đáng ngại là “dịch” chạy cỡi truồng này nay mai lan sang nước ta. Các đội bóng xứ mình cũng không hiếm những người đẹp cổ động viện, người mẫu, diễn viên… Nếu họ cùng chạy ào ào như vậy thì sẽ ra sao nhỉ? Người ta sẽ bớt coi bóng đá!

15.Cái đẹp vĩnh hằng
Đỗ Hồng Ngọc





1. Khi nói đến Hà Lan, người ta nói đến cơn lốc màu da cam, đến Hà Lan bay… thế nhưng càng ngày Hà Lan càng thực dụng và dần đi vào… bạo lực, mất đi cái đẹp lãng mạn vốn có. Trước tôi mê Hà Lan. Hôm Hà Lan đụng Brazil ở tứ kết, Nguyễn Nhật Ánh, tức Chu Đình Ngạn- nhà bình luận bóng đá trường phái “Kim Dung” với Thiên cang Bắc đẩu trận và Độc cô cửu kiếm đã rủ tôi đến cùng tham dự buổi tiệc bóng đá này tại nhà anh cùng các thân hữu nhưng tôi đã từ chối. Tôi nói, Brazil và Hà Lan gặp nhau lúc 9 giờ thì 8 giờ tôi sẽ đi ngủ! Chu Đình Ngạn cười hihi, chịu thua…
Khi Hà Lan đã chuyển từ sự bay bỗng rực rỡ của mình sang bảy thẻ vàng và một thẻ đỏ trong trận chung kết thì thua trước Tây Ban Nha “phong nhã” là cái chắc, dù trước đó không phải Hà Lan không có nhiều cơ hội. Nếu Robben lãng mạn hơn một chút nũa, bay bỗng hơn chút nữa thì hai lần banh đã lọt vào lưới Tây Ban Nha! Nhưng có lẽ vì quá mãi mê “chặt chém” cùng toàn đội theo lời dặn của huấn luyện viên anh quên đi nét “hào hoa” vốn có của mình. Cuối cùng, chiến thắng vẫn dành cho cái đẹp vậy.
Khi nói cái đẹp… mong manh thì cũng có nghĩa là cái đẹp vĩnh hằng.
2. Nước mắt như mưa của các cầu thủ cả hai phía từ trên sân cỏ. Người thua khóc đã đành, người thắng càng khóc dữ! Cầu thủ bóng đá tưởng là sắt đá lắm, tưởng là chỉ biết vai u thịt bắp, hùng hùng hổ hổ, giành giựt lừa lọc chặt chém nhau trên sân, ai dè cũng khóc, khóc dữ dội hơn bất cứ lúc nào khác. Cái khóc của đàn ông có vẻ đẹp riêng. Nói khác đi, nước mắt không phân biệt, cũng chừng ấy thành phần hóa học, có chín phần ngàn muối vốn pha từ biển mặn của đại dương.
Cho nên mới nói khổ đau và hạnh phúc là một.
3. Phải công nhận Pelé có mắt tinh đời, “anh hùng đoán giữa trần ai mới già”! Ngay khi World Cup chưa diễn ra, Pelé đã nói Tây ban Nha sẽ vô địch năm nay! Không mấy ai tin vì lâu nay Pélé vốn là vua… đoán sai! Nhưng lần này vua đúng, tài ba không kém gì… Paul, chú bạch tuộc ở Oberhausen!
4. Lần này thì ai nấy đều phải “tâm phục khẩu phục” Paul, vì không chỉ đoán đúng với đội nhà Đức, bạch tuộc Paul còn đoán đúng cả với những đội người ngoài! Nói Đức hạng ba thì Đức hạng ba. Nói Tây Ban Nha vô địch thì Tây Ban Nha vô địch!  Nhưng không ít lần bạch tuộc Paul bị hăm dọa xẻ thịt chỉ vì sự “trung thực” đó của mình!
Người ta đã không ngớt lời ca ngợi Paul, nào “chuyên gia Paul”, nào “siêu sao bạch tuộc”, “ngài Paul”, “thầy Paul”, “nhà tiên tri Paul” nhưng sau đó khi cần thì người ta lại sẵn sàng nói đến… lẫu Paul, bạch tuộc rang, bạch tuộc luộc, bạch tuộc xào cần tây, bạch tuộc nấu cari, bạch tuộc nướng, rồi nấu kiểu Marseille Pháp, kiểu ô-liu Italy, kiểu yeopo-tang Nhật, rồi món Hàn quốc, Việt Nam. Trong lúc ở phương Tây có cả luật bảo vệ bạch tuộc như ở Anh, ở Đức và có những nhà nghiên cứu chuyên sâu về sự thông minh của bạch tuộc thì ở phương Đông, bạch tuộc hình như là món nhậu hẩu xực… để tăng cường sự… thông minh cho con người!
Đã có những nghiên cứu cho thấy hành vi của loài bạch tuộc là có ý thức hơn chỉ là bản năng. Bạch tuộc có bộ não lớn, với nửa tỷ tế bào thần kinh, được xếp trong một mạng lưới nhiều thùy phức tạp. Bạch tuộc có khả năng phòng thủ bằng cách phun ra một loại mực đen như một đám mây để thoát thân, hoặc ngụy trang nhờ những tế bào da có thể thay đổi màu và thậm chí có thể tự tháo bỏ các “tua” để đánh lạc hướng địch thủ, sau đó lại mọc lại như đuôi thằn lằn. Con đực thường chết trong vòng vài tháng sau “hôn phối”, còn con cái sau khi được thụ tinh, sẽ đẻ khoảng 200.000 trứng. Bạch tuộc mẹ chăm sóc trứng, bảo vệ chúng, và chết sau khi trứng nở (theo Wikipedia).   Loài bạch tuộc xanh có độc tố có thể gây chết người như trong một số trường hợp ngộ độc ta thỉnh thoảng vẫn gặp ở các tỉnh ven biển miền Trung.
Bạch tuộc có thị lực rất tốt, lại có cả hai cơ quan đặc biệt gọi là những túi thăng bằng, định hướng, giúp cho bạch tuộc lúc nào cũng nằm ngang (đó chính là hai tai).
Những giác hút của bạch tuộc là xúc giác, có những thụ quan rất nhạy.  Bạch tuộc di chuyển bằng cách bò hoặc bơi. Chúng bơi bằng cách hút nước vào và đẩy ra tạo lực.
Các nhà sinh vật học cho biết bạch tuộc không phải có tám xúc tu như ta tưởng mà thật ra đó là tám chân “cơ bắp”, trong đó chân thứ ba bên phải là bộ phận sinh dục- gọi là “tua” giao cấu-  dùng để “chuyển” bào tinh vào con cái. Tua “giao cấu” sẽ tách khỏi bạch tuộc đực trong thời gian hoạt động tình dục. Nếu có một nhà bác học bạch tuộc nào nghiên cứu về loài người hẳn sẽ “báo cáo” rằng loài người là một… sinh vật có năm chân nếu là con đực, hai chân dùng để đá bóng, hai chân để bắt bóng, hoặc chơi bóng còn gọi là “bàn tay của Chúa” như Maradona hay Henry, còn một chân thì dùng để “chuyển” bào tinh vào con cái…
5. “Người ôm lấy muôn loài, nằm trong tiếng bi ai…” (TCS).
Hãy thả Paul về biển cả đi nhé!

16."Đại khai nhãn giới"
Đỗ Hồng Ngọc


Bạn thân,
Cảm ơn bạn đã gởi tôi bài “Dâu Tây dạy con, mẹ chồng đại khai nhãn giới” gần đây thấy tranh luận nhiều trên mạng và hỏi tôi nghĩ sao về chuyện này, khi tôi vừa mới có bài viết “Thương cho roi cho vọt”…
Chuyện “Dâu Tây dạy con…” có thể tóm tắt như sau:
Peter 3 tuổi, mỗi sáng, phải tự mình leo lên ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich,  tự về phòng tìm quần áo trên tủ, tự mình mang giày, bất kể chưa phân biệt trái hay phải. Có lần, Peter mặc ngược chiếc quần, bà nội (Ta) vội vàng chạy đến , nhưng Susan (dâu Tây) cản lại, nói: Nếu nó cảm thấy không thoải mái tự nó cởi ra, mặc lại, nếu nó thấy thoải mái, tùy”. Cả ngày đó, Peter cứ mặc quần ngược chạy tới chạy lui, Susan như không thấy gì hết. Khi Peter chơi với Lucy 5 tuổi, bé hàng xóm một lúc về nói: “Mẹ ơi, Lucy bảo  con mặc quần ngược, đúng không?” Susan mỉm cười nói: “Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?” Peter gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem tỉ mỉ rồi mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không bao giờ mặc ngược quần nữa.
Một buổi trưa, Peter giận dỗi, không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu, Peter giận đẩy khay cơm xuống đất. Susan nhìn Peter, giọng nghiêm khắc: “Xem ra con đúng là không muốn ăn thật! Nhớ lấy, từ giờ đến sáng mai, con không được ăn gì hết.” Peter gật gật đầu, kiên quyết trả lời: “Yes!”. Buổi chiều, Susan nhờ tôi nấu món ăn Việt Nam thật ngon cho bữa tối . Bắt đầu bữa cơm tối, Peter vui mừng nhảy lên ghế ngồi. Susan đến lấy đi dĩa và nĩa của con, nói: “Chúng ta giao ước rồi phải không, hôm nay con không được ăn gì hết, chính con cũng đồng ý rồi đó.” Peter nhìn nét mặt nghiêm khắc của mẹ, “òa” lên khóc: “Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn cơm.” “Không được, nói rồi là phải giữ lời.” Susan không một chút động lòng.
Tôi thấy đau lòng muốn thay cháu cầu xin, nói đỡ lời, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai tôi và lời dặn khi tôi mới sang thăm: “Ớ nước Mỹ, lúc cha mẹ giáo dục con cái, người ngoài không nên nhúng tay, bất kể là trưởng bối cũng không ngoại lệ.” Không còn cách nào, tôi chỉ còn giữ im lặng mà thôi. Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, Peter tội nghiệp mắt trưng trừng nhìn ba người lớn chúng tôi ăn. Buổi tối, Susan chúc Peter ngủ ngon. Peter dè dặt hỏi: “Mẹ ơi, con đói lắm, giờ con có thể ăn món Việt không?” Susan mỉm cười lắc đầu, kiên quyết nói: “Không!” Peter nuốt nước miếng, lại hỏi: “Vậy để con ngủ dậy con được ăn chứ?” “Đương nhiên được rồi”, Susan thật dịu dàng khẽ đáp.  Sau bài học này, Peter rất tích cực ăn cơm.
Chưa hết, chuyện còn kể có lần Peter chơi với bạn, “ bất ngờ, Peter tinh nghịch cầm cái nồi bằng nhựa lên, đập rất mạnh lên đầu một cô bé. Cô bé bần thần một lúc trước khi oà khóc thật lớn. Sau khi hiểu được đầu đuôi sự việc, Susan không quát nạt một tiếng, cầm lấy cái nồi ấy, gõ mạnh một cái lên đầu Peter. Peter không phòng bị, té ngã xuống bãi cỏ, khóc nức nở. Susan hỏi Peter: “Đau không? Lần sau có còn làm thế nữa không?” .
Lần khác, Peter làm đổ nước trên sàn nhà, Susan bắt con phải tự lau sàn nhà, thay quần áo ướt và tự giặt lấy. “Peter không chịu vừa khóc vừa la. Susan không nói thêm lời nào, lập tức kéo con đến phòng trữ đồ, đóng chặt cửa lại. Nghe từ bên trong tiếng khóc hoảng sợ của nó, tim tôi đau thắt lại, rất muốn chạy đến ẵm cháu ra. Bà ngoại (Tây) của Peter lại cản tôi, nói: “Đó là chuyện của Susan”.
*  *  *  *  *
Rõ ràng chuyện không thể tin được. Như ta biết, ở Mỹ, ông bà cha mẹ chỉ cần “bạo hành” với con cháu (dù chỉ bằng lời nói) cũng đủ cho nó nhắc điện thoại gọi cảnh sát tới bắt bỏ bót, huống chi là bỏ đói, đánh đập, hành hạ… như cô “Dâu Tây” này! Trừ phi cô dâu bị tâm thần! Nếu không thì bà mẹ chồng có “vấn đề”.
Dù sao thì bạn đã hỏi, nên cứ “bình luận” chút cho vui nhé. Tục ngữ ta có câu: “Thương cho roi cho vot, ghét cho ngọt cho ngào”, Ở đây ta không thấy có “thương” hay có “ghét”, chẳng roi vọt mà cũng chẳng ngọt ngào gì cả, nói khác đi không thấy có cái tình, chỉ thấy có cái . Cái lý thể hiện ở đây là sự lạnh lùng, khắc nghiệt đến nhẫn tâm của người mẹ (giả sử vậy)- trong khi ở đứa bé thì hoàn toàn trái ngược, gần gũi với nhân tình(cận nhân tình): biết đói, biết khóc, biết hờn dỗi, biết sợ hãi, biết van xin, biết quậy phá, biết hối lỗi… Nói khác đi, nhờ còn bé, nó “người” hơn. Khi lớn thêm chút nữa, nếu bị uốn nắn trong cái khuôn “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, nó chẳng sẽ nghiễm nhiên trở thành một người…  lạnh lùng, sòng phẳng, khắc nghiệt hay sao?
Tiếng ta có từ “dạy dỗ”. Dạy phải dỗ, dỗ phải dạy. “Con hư tại mẹ cháu hư tại bà”. Người ta không nhắc đến ông. Khi nói con hư tại mẹ thì cũng có nghĩa là “con nên tại mẹ”. Nếu không có Mạnh mẫu ba lần dời nhà thì không có Mạnh Tử. Ở cô “dâu Tây” này ta thấy hình như có “dạy” mà không có “dỗ”. Cái “kỹ năng sống” mà cô dạy đó (nếu đúng vậy) chưa chắc đã mang lại điều tốt lành cho đứa bé về sau. Nó sẽ luôn sống trong sợ hãi, căm thù, đề phòng, thủ thế,  cảm xúc bị dồn nén đợi ngày bùng nổ! Cũng có thể có một thời nào đó, có đôi gia đình nào đó cá biệt nó vậy! Cho nên ngành “Phân tâm học” (Psychanalysis) phát triển mạnh ở Tây phương, nhằm gỉai tỏa ẩn ức của con người từ thuờ còn thơ.
Trẻ 3 tuổi mặc quần trái mà cứ để vậy, “miễn nó cảm thấy thoải mái” thì nó sẽ ở truồng cho thoải mái mãi tới lớn được không? Bé 3 tuổi chưa ý thức được thời gian bữa ăn trườu tượng đâu! Thời gian của nó là thời gian cụ thể, tùy theo nồng độ acid trong dạ dày làm nó cồn cào đói bụng, và nhu cầu năng lượng của nó thì rất cao, nên dễ dẫn đến loét bao tử!  Cách dạy “ăn miếng trả miếng”  sẽ gây “oán oán chồng chất” thôi. Nhưng vui ở đây là ông “bố Ta” hoàn toàn lạnh lùng, bỏ mặc, “không can thiệp”…
Nếu quả thật cô dâu Tây nào cũng “tâm thần” dạy con “kỹ năng sống” kiểu này, sẽ không lạ khi cha mẹ già, con “sòng phẳng” đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, và lâu lâu lại có những vụ nổ súng vào đám đông không vì một lý do nào cả…

17.Nỗi khổ của thần đồng
Đỗ Hồng Ngọc


thandongNhìn bé Adora Svitak, thần đồng văn chương Mỹ, súng sính trong chiếc áo dài xanh  truyền thống Việt Nam với mái tóc cắt ngắn giản dị, xinh tươi, không ai là không thương mến và ngưỡng mộ. Từ lâu người ta  thấy nhiều thần đồng về bóng đá, về âm nhạc, cờ vua,   toán học mà ít thấy thần đồng về văn chương! Adora hiện đã là một thần đồng văn chương, có lẽ không chỉ của Mỹ mà còn của cả thế giới. Những ngày ở TP.Hồ Chí Minh, cô bé tất bật với bao nhiêu là buổi họp mặt giao lưu nơi này nơi khác, gặp gỡ các nhà báo, nhà văn, thầy cô giáo, trả lời trực tuyến trên báo Tuổi Trẻ, ra mắt tủ sách ở báo Thanh Niên, trò chuyện trên đài truyền hình… Bận rộn là vậy nhưng em vẫn không quên nhai hạt điều và ăn xoài, những món khoài khẩu của em tại đây. Có lẽ dòng máu Đông phương trong em làm cho em không khác chút nào với một bé gái Việt Nam, đã gợi lên trong lòng nhiều bậc cha mẹ trẻ ước mong mình cũng có đựơc một đứa con xuất chúng như thế!
Thực ra ở nước ta từ xưa đã có những thần đồng như Lương Thế Vinh, Lê Qúy Đôn… nổi tiếng trong sử sách và gần đây cũng đã phát hiện nhiều dấu hiệu của thần đồng như một bé 3 tuổi nào đó chưa học mà đã biết đọc báo, đọc sách, một bé 4 tuổi đã làm toán xuất sắc và có trí nhớ tuyệt vời… ! Nhiều bà mẹ bây giờ có khuynh hướng chọn ngày chọn giờ để mổ đẻ, mong cho con mình đựơc sinh vào ngày tốt, giờ tốt, nếu không đựơc là thần đồng, thiên tài thì ít ra sau này cũng đựơc hơn người, giàu sang phú quý…  Đó chính là một trong những lý do đưa đến việc mổ đẻ ngày càng nhiều, gây nhiều tai biến cho trẻ do sinh non ngày tháng, dẫn đến suy hô hấp, nhiễm trùng và trong tương lai không xa có thể còn bị bệnh thần kinh, tâm thần rất đáng lo ngại! Chính vì thế mà ngành y tế mới đây đã có quyết định ngăn cấm sự lạm dụng sanh mổ!
Trên thế giới cũng không thiếu những thần đồng! Mozart, 250 năm trước, mới 3 tuổi học đàn, 5 tuổi sáng tác nhạc và 6 tuổi đã là một thiên tài âm nhạc nổi tiếng. Gần đây báo chí nhắc đến Sha Yano, được xem là một trong những thần đồng nhỏ tuổi nhất, người Mỹ mang trong mình hai dòng máu Nhật – Hàn với chỉ số thông minh (IQ) trên 200 (người bình thường là 85-115). Sho Yano phải học riêng tại nhà với bố mẹ do không có trường nào nhận cậu bé mới 7 tuổi vào học bậc trung học. Khi 8 tuổi, Sho Yano đậu trung học phổ thông và bước vào đại học lúc 9 tuổi. Đại học Loyola đã cấp học bổng cho Sho và chỉ mất 3 năm Sho đã hoàn thành chuyên ngành hóa sinh.  Còn thần đồng Ấn độ William James Sidis 7 tuổi xuất sắc về tóan học;  8 tuổi, vượt qua môn thi Cơ thể học tại Đai học Y khoa Harvard, 9 tuổi biết cả chục ngoại ngữ và năm 11 tuổi đã là giảng viên toán tại Harvard. Cha cậu là nhà tâm lý học hàng đầu, giáo sư của Đại học Harvard. Chính ông đã chỉ trích mạnh mẽ cách dạy trẻ theo truyền thống – mà ông cho là cản trở sự phát triển của trẻ- để tự đề ra những phương pháp dạy mới mẻ. Giới truyền thông đặc biệt quan tâm từng bứơc phát triển của Sidis. Nhưng bất ngờ là chẳng bao lâu sau, Sidis rơi vào tình trạng khủng hoảng thần kinh, và chết vào tuổi 46.
Akrit Jaswal'sKhi nghiên cứu não bộ của các thần đồng qua hình ảnh máy chụp cắt lớp cộng huởng từ (MRI), các nhà nghiên cứu ghi nhận có sự họat động mạnh của chuyển hoá tế bào não, khối lượng máu cung cấp tăng cao ở các vùng não tương ứng. Thần đồng rõ ràng có nguồn gốc từ gène di truyền nhưng rất cần có môi trường thuận lợi mới mong phát triển tốt đẹp. Một thần đồng có thể có IQ rất cao, vượt cả Einstein như Akrit Jasswal ở Nurpur – thần đồng y học- nhưng cũng lại rơi vào thất bại dù có đựơc cả một labo riêng để nghiên cứu điều trị ung thư và AIDS. Không có gì đảm bảo một người trẻ có IQ cao sẽ thành công khi trưởng thành bởi không thể chỉ dựa vào IQ.  Có hai mối nguy cơ lớn cho thần đồng: một là sự kỳ vọng của cha mẹ, người thân, và hai là sự “giám sát, theo dõi” của giới truyền thông và dư luận. Để một trẻ phát triển đựơc hài hòa, cần có sự phát triển cân đối cả về trí tuệ, về cảm xúc, về xã hội và về thể chất. Bác sĩ Pralhjot Malhi, tiến sĩ tâm lý học, giáo sư Nhi khoa nói: cha mẹ những bé xuất chúng cần đựơc tham vấn. Những kỳ vọng không thực tế của họ có thể đẩy trẻ đến chân tường! Một bé 12 tuổi dù trí thông minh đến đâu thì về cảm xúc, về thể chất vẫn là một bé 12 tuổi. Sự “lệch pha” này tạo nên những khó khăn cho trẻ, nhất là khi phải hòa nhập với cộng đồng. Sự phát triển không hài hòa làm cho trẻ bị dồn nén, có những hành vi không phù hợp. Trong nhóm trẻ cùng lứa, các em không thể chơi chung, bởi trong khi các em say mê toán, say mê y học, văn chương thì các trẻ khác chỉ chơi trò chơi… con nít! Do đó, các em dễ trở nên cao ngạo, và bị kỳ thị, xa lánh. Chủ yếu là do trở ngại về truyền thông, ngôn từ sử dụng và hành vi không phù hợp. Bản thân các em cũng thường tự đòi hỏi ở mình quá cao, luôn luôn muốn tuyệt đối hoàn hảo, nên rất dễ rơi vào thất vọng,  ngã lòng một khi thất bại. Và cũng vì quá thông minh, quá nhạy cảm, các em càng dễ bị sốc khi nhận thấy mọi sự không trơn tru, không tốt đẹp như mình nghĩ tưởng!  Nghiên cứu còn cho thấy các bé gái thần đồng thường không chấp nhận giới tính của mình, không có đựơc hạnh phúc trong đời sống bình thường mai sau. Tóm lại, thần đồng rất cần đựơc sự chăm sóc đặc biệt để tránh những nguy cơ nói trên.
Trở lại với Adora Svitak. Em thật dễ thương. Thật ngoan. Em có đựơc ông bố và bà mẹ ý thức rõ thế giới của em, biết cách hỗ trợ em.  Adora hiện không học ở trường mà học ở lớp riêng tại nhà, học cả chương trình cấp 1 và 2, vẫn tiếp tục đọc sách và viết lách và đi đây đi đó với mẹ. Mơ ước của em rất đơn giản: trở thành một cô giáo. Thế nhưng thấy cách làm việc của em hiện nay ai cũng phải lo ngại cho em: trong khi các bạn cùng tuổi đang vui chơi “như một đứa con nít” thì em đã phải đọc mỗi ngày 2-3 cuốn sách văn học, lịch sử, triết học…mỗi năm viết hằng trăm truyện ngắn và tiểu thuyết, không kể các họat động xã hội, đi đó đi đây…
Cầu chúc em đựơc bình an!
Các vấn đề mà một “thần đồng” thường gặp phải:
1. Phát triển không đồng đều:Trí thông minh của một người lớn – hơn cả người lớn- nhưng cảm xúc vẫn là của một đứa con nít nên hành vi không phù hợp, thể chất yếu đuối, thiếu kinh nghiệm giao tiếp xã hội, dễ bị phê phán…
2. Lúc nào cũng muốn hoàn hảo. Tự đặt mục tiêu cho mình quá cao. Tưởng tượng rất mạnh, quá mẩn cảm, trong khi tiếp cận thực tế thấy không phải vậy, mất kiên nhẫn, nản lòng, tự coi là thất bại. Đặc biệt khi có sự tâng bốc của dư luận.
3. Kỳ vọng của người thân quá lớn. Không có thì giờ vui chơi với bạn bè cùng lứa, không hòa mình đựơc với chúng bạn, bị cách ly, cô độc.
4. Quan niệm lệch lạc về mình: phát triển sớm trong một lãnh vực nào đó, cộng với kỳ vọng của người thân đưa đến khủng hoảng tâm lý, lẫn lộn mục tiêu trong nghề nghiệp, bị cái nhìn soi mói, dò xét  của mọi người, dễ tự cô lập.
5. Khó kết bạn  Trong nhóm bạn cùng lứa thì tỏ ra là một người lớn. Suy nghĩ nói năng như một người lớn. Trở ngại truyền thông: ngôn từ, hành vi, ý tưởng không phù hợp lứa tuổi. Dễ tự cao tự đại.
6. Môi trường học tập không phù hợp. IQ khác biệt dẫn đến học hành chán nản.
7. Không chấp nhận giới tính/ Khó khăn trong hôn nhân gia đình, nghề nghiệp
8. Cha mẹ sẵn sàng “dán nhãn” cho con mình. Thầy cô sẵn sàng truyền đạt hết kiến thức cao nhất của mình, ai cũng muốn em phải xuất sắc môn mình dạy khiến em bị “tẩu hỏa nhập ma”! Giới truyền thông theo dõi giám sát từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói!

18.Nghĩ về thành công
Đỗ Hồng Ngọc

canfieldĐến bây giờ tôi vẫn còn thấy ái ngại mỗi khi nhớ lại cảnh ông Jack Canfield té chõng gọng trên bục diễn thuyết khi có hai thanh niên chạy vọt lên xô vào ông để giành lấy cuốn sách trên tay ông: “Bí quyết thành công”,.do chính ông là tác giả.
Trong buổi phỏng vấn của chương trình Người đương thời của VTV, cảnh té chõng gọng đó  đựơc chiếu đi chiếu lại nhiều lần. Có lẽ VTV cũng như đa số khán giả  đều
thấy có gì đó không ổn, xa lạ với văn hoá của người VN, khi một người đã có tuổi, tóc bạc phơ như Jack Canfield bị chèn ngã để giành lấy cuốn sách trên tay. Trả lời người dẫn chương trình Người đương thời, ông nói  đại ý nếu tự nhiên mà họ chạy lên giựt sách trên tay ông thì không tốt, nhưng đây là do ông giơ quyển sách lên và hỏi ai muốn có quyển sách này…Vậy thì họ không đáng trách. Theo tường thuật của các báo: “Lúc đó ông đặt một câu hỏi với các tham dự viên: “Bạn có biết sự khác biệt giữa kẻ thắng , người thua trong xã hội là gì không?”.- Ông cầm quyển sách của mình lên và bảo: “ Có ai muốn đựơc quyển sách này không? Hãy đến lấy”. Cả hội trường đông đúc, người này nhìn người kia. Thế rồi có hai thanh niên chạy vọt lên giành lấy quyển sách chèn ông té văng vì cú chen lấn này, song ông vẫn thản nhiên tiếp lời: “ Họ đã có đựơc quyển sách. Khác biệt chính ở chỗ họ đã hành động!” – Vâng, họ đã hành động. Và đã thắng. Tóm lại, để thắng, họ phải sẵn sàng giành giật và sẵn sàng xô ngã mọi chướng ngại! Triết lý ở đây là dám hành động- một trong những bí quyết thành công của Jack Canfield !!.
Có điều như chính Jack Canfield đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn trước đó không lâu, trước khi đến Việt Nam: “ Sẽ không thể gọi là thành công nếu hôm nay chúng ta làm tổn thương người khác, vì chắc chắn một ngày nào đó đến lượt mình sẽ bị tổn thương!”. Một vị khách  ngồi ở hàng ghế đầu bất nhẫn đã chạy vội lên  đỡ ông dậy. May mà chưa đến nỗi chấn thương sọ não. Sau đó tuy ông vẫn  giữ đựơc vẻ điềm nhiên, nhưng không giấu được ít nhiều gượng gạo khi phát biểu, và chắc chắn sẽ… rút kinh nghiệm dài lâu khi khuyến khích người ta hành động với bất cứ giá nào!
Jack Canfield là một tỷ phú Mỹ,  nổi tiếng với quyển sách “Chicken soups for the soul” (Súp gà cho tâm hồn), hiện là tác già của hơn 110 đầu sách với hàng trăm triệu bản phát hành trên toàn thế giới bằng 46 thứ tiếng và ngay tại Mỹ, người ta gọi ông là America’s Success Coach. Ông  đã đi diễn thuyết khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, mở nhiều lớp huấn luyện dạy “bí quyết thành công” cho mọi người. Tháng 10.2006,   lần đầu tiên ông đến Việt Nam và diễn thuyết tại khách sạn Equatorial, Tp. HCM.
Theo báo chí tường thuật thì Jack Canfield bắt đầu buổi diễn thuyết của mình bằng cách “Chiếu rõ to lên màn hình: Thủ tướng VN yêu cầu TP. HCM từ nay đến cuối năm tăng GDP lên 13%”. Cử tọa vổ tay reo ầm. Hầu hết là các nhà doanh nghiệp trẻ, những người đã bỏ 300 USD để được nghe thuyết giảng về các nguyên tắc thành công. Trong lúc mọi người chưa biết chuyện gì sau đó thì ông chiếu tiếp slide: “Jack Canfield muốn các bạn tăng 200% thu nhập trong 2 năm tới”! Sau đó là lời hứa  thứ hai: Giảm thời gian làm việc một nửa! Rồi  điều hứa thứ ba: Hạnh phúc gia đình được tăng lên.( theo Hữu Nghị, Tuổi Trẻ). Quá hấp dẫn. Làm ít, tiền nhiều, hạnh phúc gia tăng. Những nguyên tắc ông đưa ra không lạ: dám ước mơ, dám hành động,  tự chịu trách nhiệm về mình, không đổ lỗi cho ai khác… Nhưng hành động như thế nào mới là vấn đề. Một nguyên tắc khác của ông cũng đáng suy gẫm: hãy giao du vượt cấp và biết ơn người khác. Biết ơn người khác thì tốt nhưng giao du… vượt cấp thì có lẽ cần coi lại. Có thể đó là  kinh nghiệm của riêng ông khi có dịp may gặp nhà triệu phú W. Clement Stone. Nhưng nếu nhà triệu phú kia cũng theo nguyên tắc đó thì sợ là ông không có cơ hội tiếp cận để có ngày hôm nay chăng?
Đọc tiểu sử của Jack Canfield, thì đó là một người tự thành đạt – self made man- đáng khâm phục. Con đường ông trải qua không hề dễ dàng. Lớn lên ở miền Tây Virginia, cha làm ở một cửa hàng bán hoa, mẹ nghiện rượu.  Ông phải phụ cha mẹ trong các kỳ nghỉ hè. Ông từng làm bảo vệ hồ bơi, bán hàng, phục vụ bữa ăn sáng trong ký túc xá, làm việc cật lực để trả tiền sách vở, quần áo dù đựơc học bỗng. Ở các năm cuối đại học còn phải đi dạy thêm. Có thời, mỗi tối chỉ có 21 xu  để ăn tối, “chỉ để tồn tại” như ông tiết lộ. Tốt nghiệp đại học, ông dạy sử ở một trừơng người da màu, và may mắn gặp W. Clement Stone, một triệu phú “tự thành đạt” giúp đỡ. Jack Canfield là một người có ý chí, có nghị lực, và hiếu học.. Hồi trẻ, ông đã đọc rất nhiều sách, cả ngàn cuốn, “cứ hai ngày ngốn một cuốn”. Khi nổi tiếng, ông vẫn tiếp tục học  hỏi bằng cách đi nhiều nơi, phỏng vấn nhiều người thành đạt, lặn lội đến tận Ấn Độ, Népal để học Thiền. Ở ông tóat ra một sự tự tin,  dễ mến, nhưng cách thuyết giảng của ông thực là đáng ngại nhất là đối với những người bạn trẻ, mới vào đời, trên đường lập nghiệp, dễ tin vào cái hào quang hiện tại mà quên đi sự phấn đấu gian khổ của ông trong quá khứ để có đựơc ngày hôm nay. Cách quảng cáo các lớp học của ông và các cộng sự như : “6 days for prosperity” (6 ngày để đạt tới sự thịnh vựơng), Change your life in under a week ( Thay đổi đời bạn trong chưa đầy một tuần lễ)… nhằm kích thích lòng ham muốn của mọi người cũng rất cần được cảnh giác! Gần đây báo chí cũng đã lên tiếng kiểu tự nhiên có người báo tin mình trúng số, mời đi lãnh hoặc tự dưng được nhận bằng khen quốc tế; có ngay một văn bằng hợp pháp mà không cần phải học, thậm chí “chỉ cần tốn ít tiền, trong 5 ngày có ngay tấm bằng từ trung học đến cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ”!
Bản thân Jack Canfield  đã là một tấm gương tốt cho giới trẻ: gương kiên nhẫn, gương chiến đấu với nghịch cảnh để tự thành đạt, đáng đựơc trân trọng. Nhưng cùng với cái cách quảng cáo tiếp thị ồn ào, đao to búa lớn, truyền tiêu đa cấp…  mọi nơi mọi lúc hiện nay thì lại rất cần phải cảnh giác. Phát hiện lớn nhất giúp ông thành công, theo tôi đó là sự“chuyển hóa tâm’, giúp một người thất bại, ngã lòng, tự ti có thể thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, để phấn đấu vươn lên. Có thể nói bài học đó ông đã học từ phương Đông,  đựơc nói từ nhiều ngàn năm trước: nhất thiết duy tâm tạo,  mà theo cách nói hiện đại của ông là “just by shifting your mindset” chỉ cần chuyển hoá cái tâm của bạn,  “re-boot the mind” chỉ cần kích họat lại cái tâm đó, hoặc “ through the mind alone”. Điều này thì đúng. Nhưng ở phương Đông,  đó là sự “phát tâm Bồ đề”, cái tâm tỉnh giác, tiết độ, kham nhẫn, tri túc, từ bi hỷ xả, thì mới có đựơc hạnh phúc bền lâu. Ông đã áp dụng triết lý Đông phương kết hợp với hành động Tây phương, cái “phát tâm bồ đề” của Đông phương thành cái “phát tâm làm giàu”. Dĩ nhiên phát tâm làm giàu, quyết chí làm giàu, là điều rất tốt nhưng làm giàu bằng mọi giá, làm giàu thật nhanh mà không phải tốn công sức thì dễ nguy! Bởi thành nào cũng phải có công, thành mà không có công thì rất đáng ngại!.
Cũng trong thời điểm đó, giới trẻ VN rộ lên một sự kiện khác, đựơc báo chí –cả báo viết lẫn báo mạng- nhất là các blogs của giới trẻ, truyền đi một bài văn của một nữ sinh lớp 10, cũng nói về sự thành công, bản chất của thành công. Đó là bài tập làm văn của  em Hà Minh Ngọc,  với đề tài: “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em”. Hà Minh Ngọc đã đạt  điểm 9+ với lời phê của cô giáo: “Cám ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất! Em đã thực sự thành công đấy. Mong em tiếp tục thành công.”.
Điều thú vị ở đây, em chỉ đựơc cô giáo cho có 9 điểm thôi, không cho điểm 10. Bởi vì người phương Đông ai cũng biết cái gì đầy quá tất đổ, “con heo ú quá tất bị xẻ thịt”! Cô còn chừa cửa cho em phấn đấu. Em mà tự cao tự đại thì em…hỏng! Phần cô, cô rất khiêm tốn, cô coi học trò cũng là “thầy” mình, cô cám ơn học trò “đã tặng cô một bài học”, đã cho cô “một lời động viện” đúng lúc. Tóm lại, cô sẵn sàng “giao du” với kẻ thấp hơn mình!
Theo cái nhìn của người học trò nhỏ kia thì thành công chính là biết vượt qua chính mình.  Em viết đó là “Khi bố và con trai bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ” . Hóa ra thành công là đem hạnh phúc đến cho người khác, bằng cách vượt qua chính mình.
Thành công còn có nghĩa là phải có nghị lực, và phải khổ luyện. Đó là câu chuyện một cậu bé bị dị tật ở chân mà ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá, để rồi sau bao nỗ lực khổ luyện, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ. Bài học tiếp theo của thành công là phải  kiên nhẫn, và nỗ lực hết sức để khẳng định mình.
Điều quan trọng, thành công phải chất chứa tình yêu thương:  Em kể chuyện một bài văn lạc đề của một cậu bé, thay vì tả người mẹ, đã tả bà ngọai, người đã cưu mang mình từ nhỏ vì mất mẹ. Bài văn bị bắt lỗi lạc đề, phải viết lại, Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế? Cô bé học trò viết.
Thành công còn là sự hy sinh: Khi một cậu học trò nghèo đậu thủ khoa một kỳ thi đại học, đươc báo chí vinh danh thì có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học.. Rồi là khi một cô sinh viên chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để có đựơc một gia đình hạnh phúc, trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ : “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”!
Cô học trò 15 tuổi kết luận: Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Không chỉ giàu có về vật chất mà còn phải giàu có  cả tâm hồn.
Trên một vài trang blogs của những người bạn trẻ Việt Nam,  tôi thấy đã có sự so sánh giữa Jack Canfield và cô học trò nhỏ Hà Minh Ngọc. Tự dưng tôi  muốn nói lên lời cảm ơn họ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét