Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Lịch sử văn học Công giáo: Chương I – Bối cảnh lịch sử



LỜI DẪN ĐẦU 
Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam gắn liền với lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Từ lúc hạt giống Phúc âm nảy mầm ở Việt Nam, một động lực mới đã gây ra nên một biến chuyển trong văn học. Ý thức phát sinh nền văn học công giáo được manh nha và trưởng thành với thời gian do nhu cầu dùng ngôn ngữ văn tự để truyền giáo và nuôi dưỡng đức tin.
Theo những nguồn sử liệu chắc chắn, đạo công giáo du nhập xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVI. Chúng ta cho rằng văn học công giáo bắt đầu từ thế kỷ XVI là để nhấn mạnh hậu quả văn học tất nhiên của công cuộc truyền giáo. Thật ra, trong thế kỷ XVI, công cuộc truyền giáo chưa được tổ chức quy mô và cũng như chưa có tác phẩm văn học đáng kể. Kể từ thế kỷ XVII trở đi, nền văn học công giáo mới chính thức phát sinh trong khuôn khổ công cuộc truyền giáo do các cha Dòng Tên phụ trách từ năm 1615 ở Đàng Trong và từ năm 1626 ở Đàng Ngoài.
Thời kỳ thứ nhất của văn học Công giáo Việt Nam chấm dứt vào giữa thế kỷ XVII. Giới hạn này căn cứ vào những biến cố quan trọng về lịch sử và văn học.
Do sự vận động của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, năm 1658, Đức giáo hoàng Alexandre VII bổ nhiệm các giám mục tiên khởi ở Việt Nam.
Kể từ đấy, công cuộc truyền giáo bước sang một giai đoạn mới và nền van học Công giáo Việt Nam cũng biến tính.
Đàng khác, những vị có công với nền văn học công giáo trong giai đoạn đầu tiên cũng từ trần vào giữa thế kỷ XVII: Alexandre de Rhodes mất năm 1660, Girolamo Majorica năm 1656, Gioan Thanh Minh năm 1663.
Thời kỳ thứ nhất của văn học Công giáo Việt Nam manh nha trong thế kỷ XVI, hình thành trong tiền bán thế kỷ XVII sẽ được nghiên cứu sau đây. 
Chương I
BỐI CẢNH LỊCH SỬ
 
Nền văn học công giáo phát sinh trong một thời kỳ có nhiều biến cố trọng đại. Có thể nói rằng thế kỷ XVI và tiền bán thế kỷ XVII là một thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, báo hiệu sự trưởng thành của dân tộc theo những đường hướng mới.  
I. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ
Sự tan rã nền thống nhất hành chánh và việc mở mang bờ cõi về phía Nam là những biến cố làm thay đổi sinh hoạt và các cơ cấu quốc gia.
1. Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê
Thế kỷ XVI bắt đầu với sự suy tàn của nhà Hậu Lê (1428-1527). Sau khi vua Lê Hiến Tông (1497-1504) mất, các nhà vua kế vị không đủ tư các đảm đương việc nước: Vua Lê Chiêu Tông (1504) chỉ trị vì được sáu tháng thì mất. Vua Lê Uy Mục (1505-1509) say đắm tửu sắc, tính tình hung ác nên sứ Tàu đã mỉa mai là quỷ vương Vua. Lê Tương Dực (1510-1516) cũng chơi bời xa xỉ và hoang dâm nên sứ Tàu chế nhạo ngài là tướng lợn; vua Lê Chiêu Tông lên ngôi năm 1516 và bị lộng thần Mạc Đăng Dung giết năm 1524; vua Lê Cung Hoàng cũng bị chung số phận năm 1527. Bây giờ, Mạc Đăng Dung bắt triều thần nhà Lê thảo bài chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc, đặt niên hiệu là Minh Đức.
Nhưng cựu thần nhà Lê vẫn luyến tiếc chủ cũ. Có người bèn ẩn cư để gìn giữ lòng thanh bạch như Nguyễn Hãng đã kín đáo trình bày trong bài phú Tịch cư ninh thể phú:[1]
Cỏ cây thương vì nét lãn dung;
Non nước thấu thửa lòng thanh bạch.
2. Nhà Lê trung hưng
Có người quyết liệt hơn, tìm cách khôi phục ngôi báu cho nhà Lê, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Kim. Lúc đầu, Nguyễn Kim trốn sang Ai Lao, đến năm 1532, lập con vua Lê Chiêu Tông là Duy Ninh lên làm vua tức là Lê Trang Tông (1533-1548). Nhà Lê trung hưng kể từ đó. Năm 1542, vua Trang Tông cất quân về đánh Thanh Hóa, Nghệ An và năm 1543 chiếm lại Tây Đô.
Nước Việt lúc bấy giờ phân thành Nam, Bắc Triều: từ Thanh Hóa trở vào Nam thuộc nhà Lê, từ Sơn Nam trở ra thuộc nhà Mạc.
Thế nhị phân ấy sẽ hóa ra thế tam phân vì sự xung đột quyền lợi giữa họ Trịnh và họ Nguyễn.
Năm 1545, Nguyễn Kim bị tướng nhà Mạc đánh thuốc độc chết lúc đem quân đánh Sơn Nam. Binh quyền từ đấy thuộc về con rẻ là Trịnh Kiểm. Sợ họ Nguyễn tranh quyền, Trịnh Kiểm giết con Nguyễn Kim là Nguyễn Uông. Người em là Nguyễn Hoàng lo sợ, nên vấn kế Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tiên tri thời danh này hiến kế an toàn cho họ Nguyễn: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nguyễn Hoàng nhờ chị xin với Trịnh Kiểm vào trấn đất Thuận Hóa năm 1558. Cơ nghiệp chúa Nguyễn dấy lên từ đấy.
Bấy giờ nước Việt, trong thực tế chia làm ba: nhà Mạc ở Đông Đô, nhà Lê ở Tây Đô cùng chúa Trịnh, chúa Nguyễn ở Thuận Hóa.
Năm 1592, Trịnh Tùng cất quân lấy Đông Đô và dứt được nhà Mạc (1527-1592). Nhưng con cháu nhà Mạc lên chiếm đất Cao Bằng, mãi đến năm 1625, Trịnh Tráng mới giết Mạc Kính Cung. Mạc Kính Khoan (1638-1677) xin hàng được phong làm Thái uý Thông Quốc Công và giữ đất Cao bằng theo lệ tiến cống.
3. Trịnh – Nguyễn phân tranh
Kể từ khoảng đầu thế kỷ XVII, nước Việt lại trở về với thế nhị phân: trên có vua Lê trị vì nhưng thực quyền ở Đàng Ngoài ở trong tay chúa Trịnh và ở Đàng Trong ở trong tay chúa Nguyễn.
Ngay từ khi vua Lê Trang Tông mất năm 1550, Trịnh Kiểm đã muốn tự xưng làm vua, nhưng còn lưỡng lự, nên cho người vấn kế Bạch Vân Cư sĩ: Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm không nói gì cả, chỉ ngoảnh mặt lại bảo đầy tớ rằng: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ”. Nói rồi lại sai đầy tớ ra bảo tiểu quét dọn chùa và đốt hương, để ông ra chơi chùa, rồi lại bảo tiểu rằng: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”[2]. Theo lời khuyên bóng bẩy ấy, Trịnh Kiểm không mưu sự thoán nghịch, nhưng trong thực tế nắm giữ mọi quyền hành, vua Lê chỉ có hư vị và không có thực quyền.
Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn cũng mưu đồ vương nghiệp mặc dầu vẫn giữ tiếng thần phục nhà Lê. Năm 1627, Trịnh Tráng gởi cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên một sắc dụ của vua Lê buộc phải nộp thuế cho nhà Lê. Sắc dụ viết bằng chữ nôm, lục một đoạn như sau:
“Hoàng thượng sắc dụ cho Thái Bảo Thuỵ Quận Công là Nguyễn Phúc Nguyên được biết rằng:
Mệnh lệnh triều đình,
Đạo làm tôi phải nên tuân theo;
Thuế má phủ huyện,
Tướng cõi ngoài không được tự chuyên…”[3]
Nhưng chúa Nguyễn từ chối. Đồn Trường Dục và Định Bắc trường thành xây dựng trên bờ sông Gianh theo kế của Đào Duy Từ là thành trì phân định đôi miền Nam Bắc.
Theo mưu của Đào Duy Từ, Văn Khương đi sứ ra Thăng Long dâng tiến một mâm đồng hai đáy, trong có sắc phong của nhà Lê và một bài tứ tuyệt:
Mậu nhi vô dịch
Mịch chi kiến tích
Ai lạc tâm trường
Lực lai tương địch.
Theo sự giải thích của Phùng Khắc Khoan, bài thơ tứ tuyệt là một lối chơi chữ hiểm hóc, tựu trung có nghĩa là:
Dư bấc thụ sắc.
Cuộc tranh chấp giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài đã chính thức khởi diễn. Trịnh, Nguyễn đánh nhau bảy lần vào những năm 1627, 1630, 1648, 1655, 1661 và 1672. Con sông Gianh trở nên ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.
4. Nam tiến
Công nghiệp quan trọng nhất của chúa Nguyễn là hoàn thành cuộc Nam tiến. Cuối thế kỷ XV nước ta chỉ mở rộng đến Bình Định. Năm 1611, Nguyễn Hoàng đánh Chiêm Thành, lấy đất lập ra phủ Phú Yên. Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tân lại can thiệp vào nội bộ Chiêm Thành, để từ sông Phang Lang trở vào Nam cho vua Chiêm, còn từ sông ấy trở ra Bắc lập thành Thái Ninh phủ, sau đổi thành phủ Diên Khánh (tức Khánh Hòa ngày nay).
Ngay từ đầu thế kỷ XVII, một số người Việt lánh nạn binh đao, đã vào khai khẩn đất đai và lập nghiệp ở Thuỷ Chân Lạp (tức Nam Việt bây giờ), nhất là ở vùng Mô Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai (Biên Hòa). Đến năm 1658, chúa Nguyễn Phúc Tân lại chính thức can thiệp vào nước Chân Lạp, đem quân đánh ở Mỗi Xuy (Biên Hòa ngày nay), bắt vua Nặc Ông Chân đem về giam ở Quảng Bình một thời gian rồi tha cho về nước, bắt phải triều cống và bênh vực người Việt cư trú ở Thuỷ Chân Lạp. Cuộc chinh phục ôn hòa này sẽ hoàn tất vào cuối thế kỷ XVII.
5. Một cuộc khủng hoảng phát triển
Đã đến lúc cần đưa ra một vài kết luận về tình hình chính trị trong khoảng 150 năm, từ lúc nhà Hậu Lê suy đồi đầu thế kỷ XVI cho đến Trịnh Nguyễn phân tranh giữa thế kỷ XVII.
Các nhà vua thời Lê Mạc không đủ tư cách đảm đương việc nước nhưng lòng dân vẫn nặng tình hoài Lê nên nhà Lê đã trung hưng. Gia dĩ nhà Mạc vẫn noi theo chánh sách của nhà Lê, không cống hiến điều gì đặc sắc nên cơ nghiệp không bền vững.
Nhưng sự trung hưng của nhà Lê chính là cơ hội gây nên sự phân tranh giữa hai họ Trịnh, Nguyễn. Hậu quả tốt đẹp bất ngờ của sự phân tranh là Đàng Ngoài được củng cố và Đàng Trong được mở rộng về phía Nam. Sự tan rã nền thống nhất quốc gia chính là cuộc khủng hoảng của một quốc gia đang phát triển.  
II. TÌNH HÌNH VĂN HỌC
Văn học thế kỷ XVI và tiền bán thế kỷ XVII chịu ảnh hưởng của những giao động chính trị và chuyển mình để tiến đến một giai đoạn mới, đón nhận những nguồn cảm hứng và thể cách diễn đạt mới.
1. Văn học thể kỷ XVI
Dương Quảng Hàm gọi thế kỷ này là thời kỳ văn học Lê, Mạc và nhận xét như sau:
“Trong thời kỳ này, Nho học nhờ có triều đình cổ võ và tưởng lệ, nên dần dần át cả Phật học mà chiếm địa vị ưu thắng.
“Còn tác phẩm về Hán văn đã có phần phong phú, có nhiều thơ văn, sách vở xuất hiện. Nhưng tuy về đường từ chương có tiến mà về đường đạo lý ngày một kém dần. Trừ những bộ sử ký và sách truyện kí, hầu hết các tác phẩm đều là thơ văn ngâm vịnh cả.
“Văn nôm thì sau thời kỳ phôi thai nhà Trần, một ngày một phát đạt, nhưng nền văn ấy còn chịu ảnh hưởng của văn Tàu nhiều (dùng nhiều chữ nho, mượn đề mục, thi tứ, cảnh sắc ở thơ văn Tàu)”.[4]
Chúng ta hãy lược kể những tác giả và tác phẩm quan trọng.
Lê Đức Mao (1462-1527) đậu tiến sĩ năm 1505 mở đầu thế kỷ XVI với Bài hát chúc làng, thuộc loại hát ả đào, vào ngày hội xuân, tế thần cầu phúc, gồm 128 câu chia làm 9 đoạn.
Nối tiếp truyền thống văn học đời Hồng Đức, vua Lê Tương Dực (1510-1516) sai Binh bộ thượng thư Vũ Quỳnh làm sách Đại Việt thông giám thông khảo (1511) và Lễ bộ thượng thư Lê Tung làm bài toát yếu bộ sử này, nhan đề là Đại Việt thông giám tổng luận (1514). Chính nhà vua còn trứ thuật các sách Trị bình bảo phạm, Trung hưng thực lục, Bảo thiên thanh hạ tập, Quang hiên thanh hạ tập [5]. Ngoài thơ Hán văn, nhà vua còn làm thơ quốc âm.[6]
Bùi Vinh (1508-1545) đậu Bảng nhãn năm 1532 đời vua Mạc Đăng Doanh, về hán văn có làm bài thơ ngũ ngôn 49 vần, bài phú Đế đô hình thắng, về văn nôm có làm bài Cung trung bảo huấn[7] dụng ý dạy hai cháu gái là cung nữ nhà Mạc.
Nguyễn Hãng đậu cử nhân đời vua Lê Tương Dực, đang học thi Hội ở Quốc tử giám thì Mạc Đăng Doanh tiếm ngôi (1527) bèn về ẩn cư ở xã Đại Đồng (tỉnh Tuyên Quang). Họ Vũ chống nhà Mạc, đóng quân ở xã này, có mời ông làm quan, nhưng ông chối từ. Bài phú nôm của ông nhan đề là Tịch cư ninh thể phú diễn tả nỗi lòng của một người gặp thời loạn lạc muốn thoát khỏi vòng danh lợi, xứng với danh hiệu Thảo mao dật sĩ do nhà Lê truy phong. Bài phú Tam ngưng động, hiện thất truyền, chắc cũng lấy thoát tục làm chủ đề. Bài phú Đại đồng phong cảch hiện còn lưu truyền.[8]
Hoàng Sĩ Khải, đậu tiến sĩ năm 1544, làm quan với nhà Mạc đến chức Hộ bộ thượng thư, nổi tiếng về thơ nôm với các tập Sử trình khúc, Tứ thời khúc, Tiền độc lạc thú[9]. Bản Tứ thời khúc[10] còn được lưu truyền, gồm 340 câu theo thể song thất lục bát. Xét ra, tác phẩm này được viết ra vào thời vua Lê chúa Trịnh đã đánh đuổi được nhà Mạc, nội dung bao hàm xảo ý chúc tụng ngợi khen của một cựu thần nhà Mạc được tân triều khoan dung đãi ngộ, ngoài phần dụng điển miêu tả bốn mùa còn ghi được nhiều lễ nghi tục lệ cổ thời.
Hà Nhiệm Đại, đậu tiến sĩ năm 1574 đời vua Mạc Mậu Hợp (1562-1592) là tác giả một tập thơ vịnh sử vừa chữ Hán vừa chữ Nôm, nhan đề là Khiếu vịnh thi tập, bình luận xác đáng về các nhân vật lịch sử Việt Nam.[11]
Nguyễn Lễ, đậu tiến sĩ năm 1568 đời vua Mạc Phúc Nguyên (1546-1561), khi nhà Mạc mất, bỏ về ẩn dật ở núi Huyền Đăng, có làm thơ quốc âm, tỏ ý thoát tục.[12]
Trịnh Kiểm (?-1570) cũng có tài về văn nôm. Văn học sử còn lưu bản Trịnh Kiểm di Phan Quận Công thư[13], giọng điệu mộc mạc, ý tứ rõ ràng.
Nhưng tiêu biểu cho thế kỷ XVI chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1587) với tập thơ chữ Hán Bạch Vân am tập và tập thơ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi. Từ cuộc đời cho đến tác phẩm, Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện như một tâm thức bi đát của một thời loạn lạc.
Nguyễn Bỉnh Khiểm, huý là Văn Đạt, tự là Hạnh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ được nhà Mạc phong tước Trình Toàn Hầu rồi Trình Quốc Công, lại đậu trạng nguyên dưới triều vua Mạc Đăng Doanh (1530-1540) nên tục gọi là Trạng Trình, đời sau tôn là Tuyết Giang phu tử. Ông người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lạc nay là phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Vốn là môn sinh của quan bảng nhãn thượng thư Lương Đắc Bằng, một nhà nho lỗi lạc, giỏi lý số. Ông trưởng thành trong thời Lê mạt, học giỏi nhưng không chịu đi thi, năm 44 tuổi mới thi hương (1534) và năm sau đậu trạng nguyên. Ông làm quan 8 năm, đến chức Lại bộ Tả Thị Lang kiêm Đông Các Đại Học Sĩ, từng sâng sớ hạch tội 18 lộng thần, đến năm 1542 xin về trí sĩ; ẩn cư ở Bạch Vân am. Từ đấy, ông từ chối không trở lại chính trường hoạn lộ, thường dùng những lời bóng bẩy để khuyên bảo những chính khách đương thời. Ông nghiên cứu kinh Dịch, nổi tiếng về khoa bói Thái At, lưu truyền nhiều câu sấm ký tiên đoán vận mệnh tương lai.[14]
Giáo sư Đỗ Đình đã nhận định rất xác đáng về Nguyễn Bỉnh Khiêm như sau: “Ông là một nhân vật bình dân và kỳ bí. Trong thời ẩn cư, ông là hiện thân của tài trí trầm tư mặc tưởng. Thoạt tiên, người ta không nghe ông nói gì, nhưng khi đã lắng tai chú ý, người ta phải cầm trí theo dõi, tưởng không bao giờ bỏ qua được. Mà ông nói những gì, ông biết những gì? Đó là những điều rất giản dị. Đó là đạo lý do các nhà tư tưởng Trung Hoa thế kỷ XIII thuộc hệ phái Chu Hy suy diễn từ nguồn mạch trong kinh Dịch cổ kính. Đó là nguyên lý trung hòa và tương khắc tương sinh. Vực sâu một ngày kia sẽ hóa thành bãi cát ven bể, cái gì lên cao sẽ hạ xuống, cái gì nhỏ sẽ thành lớn, họa đi đôi với phúc, phú quý đi đôi với bần hàn, mọi sự đều diễn biến trong vòng âm dương đối nghịch. Bậc trí giả lui về ẩn cư ở Bạch vân am, hiểu rằng có gì là của riêng, Nguyễn Bỉnh Khiêm minh giải điều đó bằng thi điệu cổ điển ngôn từ đối xứng:
Am Bạch Vân rồi nhàn hứng
Đám hồng trần biếng ngại chen
Ngày dài hợp mặt hoa là khách
Đêm vắng soi lòng nguyệt ấy đèn.
Trong cảnh hòa điệu nhập thần với tự nhiên thâm sâu, có cái gì hơn cả tài trí lịch duyệt, hơn cả học thuật uyên bác sinh động trong chốn ẩn dật nhàn cư, chính là cái nhìn sâu sắc bi đát hướng về cuộc tồn sinh”.[15]
2. Văn học tiền bán thế kỷ XVII
Bước sang thế kỷ XVII, tư tưởng thoát tục mà hướng nội của Nguyễn Bỉnh Khiêm còn di truyền trong tác phẩm của một môn đệ là Phùng Khắc Khoan (1529-1613). Ông đậu tiến sĩ năm 53 tuổi (1580) làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư, tước Mai Quận Công. Về Hán văn, ông là tác giả Phùng Công thi tập (cũng gọi là Nhi trai thi tập) sáng tác trong dịp đi xứ Trung Hoa, năm 1597. Về quốc âm, ông soạn Ngu phủ nhập Đào Nguyên truyện, Sấm văn và Chu Dịch quốc âm ca quyết.
Nguyễn Văn Giai[16] đậu tiến sĩ đời vua Lê Thế Tông (1573-1599), có công đánh nhà Mạc, làm đến chức Lại Bộ thượng thư kiêm chưởng lục bộ sự vụ, kiêm Đô đài ngự sử Phong Quận công. Sách Văn đàn bảo giám[17] có sao lục bốn bài thất ngôn của tác giả, chứng tỏ tác giả một hàn nho (bài Nghèo nằm co) sống vào thời Lê trung hưng sau khi đã khôi phục Thăng Long (bài Nói khoát), làm quan được nhiều uy tín và ân sủng (bài Trình khứ hưu), có nhân cách đa tình đa cảm (bài Chê gái lấy chồng già) và gốc gác ở Nghệ Tĩnh (bài Chê gái lấy chồng già) vì có nhiều thổ âm vùng này.
Nguyễn Minh Triết (1567-1662) đậu thám hoa năm 1631 niên hiệu Đức Long (1629-1634) đời vua Lê Thần Tông (1619-1643) làm quan đến chức Binh bộ thượng thư. Sách Hải dương phong vật khúc của Trần Đạm Trai, người cuối Lê đầu Nguyễn có viết về Nguyễn Minh Triết:
Nhiệm an lão cập tuần năm lẻ,
Khoa tân mùi (1631), đệ nhị danh khôi
Đã hay thần mộng yên bài,
Ngọc lành cũng bởi chuốc mài ra công.
Thơ quốc âm của ông còn lưu truyền bài Thơ hà tiện và đôi câu đối.[18]
Những nhà thơ trên đây đều ký thác trong tác phẩm nguyện vọng thoát tục, nỗi lòng hoài cổ, là những chủ đề thích dụng từ thế kỷ trước. Hầu hết họ đã từng làm quan ở Đàng Ngoài, hoặc với nhà Mạc, hoặc với nhà Lê trung hưng. Trước thế cuộc xoay vần nhanh chóng, hầu hết đều có phản ứng nhận định giống như Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nhà thơ đặc sắc của tiền bán thế kỷ XVII, chính là Đào Duy Từ (1572-1634) với sự nghiệp chính trị, quân sự phục vụ chúa Nguyễn ở Đàng Trong và với các thi phẩm chữ nôm: Ngọa long cương vãn, Tư dung vãn và binh thư Hổ trướng khu cơ. Ay là nhà văn đầu tiên của Đàng Trong và cũng là một người trong thế hệ tiền phong rời bỏ Đàng Ngoài để vào Đàng Trong, nam tiến theo đường hướng phát triển tự nhiên của dân tộc.
Ông người làng Hoa trai, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, học giỏi, con ông Đào Duy Hán làm chức linh quan coi đội nữ nhạc đời vua Lê Anh Tông (1553-1573), vì quan trường theo thành kiến xuớng ca vô loại nên ông bị đánh hỏng trong kỳ thi hương. Ông phẫn chí, vào Đàng Trong mưu lập sự nghiệp. Ông đến Bình Định ở chăn trâu cho một phú gia làng Tùng Châu, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhân, giống như Bách Lý Hề đời Tấn, làm tập Ngọa long cương vãn, tự ví mình với Gia Cát Lượng. Quan khâm lý xứ Quy Nhơn Trần Đức Hòa gả con gái và tiến cử Đào Duy Từ với chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Ông được thu dụng là Nha uý Nội Tán phong tước Lộc Khê Hầu, coi sóc việc nội ngoại quân cơ, tham lý quốc chính. Ông có công trong việc xây đắp đồn Trường Dục (ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình) và luỹ Nhật Lệ (ở cửa Đồng Hới) tức là Định Bắc trường thành, tục gọi là Luỹ Thầy.
Trong tập Ngọa long cương vãn dài[19] 136 câu, Đào Duy Từ ca tụng thú thanh nhàn ẩn dật như Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Thú vui bốn thú thêm yêu,
Kìa ngư, nọ mục, ấy tiều, này canh.
Hạc già trực cửa nghe kinh,
Trái dâng màu thắm, thức xanh phượng quỳ.
Gốc ngăn trúc uốn vo ve,
Ngõ đua hạnh tía, hiên khoe cúc vàng.
Lời thơ bình dị nhưng uyển chuyển hơn Bạch vân quốc ngữ thi, nhưng điều khác biệt đáng nói hơn cả là xu hướng hoạt động nhập thế của Đào Duy Từ. Trong lúc Nguyễn Bỉnh Khiêm ngồi nhìn nước sông Tuyết Giang với đôi mắt thản nhiên của một ẩn sĩ, Đào Duy Từ vượt trùng dương đi tìm một đất hứa. Trong khi phục vụ ở Đàng Trong, ông là người công thần văn võ kiêm toàn với tài đức của một Khổng Minh mà ông đã cực tả:
Có phen xem tượng Thiên tào
Kìa ngôi khanh tướng, nọ sao quân thần
Có phen binh pháp diễn trần,
Điểu xà là trận, phong vân ấy đồ.
Có phen thơ túi rượu hồ,
Thanh y sớm chúc, hồ lô tối mời.
(Ngọa long cương vãn)
Nếu Ngọa long cương vãn là ngọn gió khí phách hào hùng từ Bắc chuyển vào Nam thì tập Tu Dung vãn dài 336 câu là cái nhìn tha thiết hướng về giang san cẩm tú mà cửa Tư Dung (tức là cửa Tư Hiền ở Thừa Thiên) là một biểu tượng thanh nhã:
Vẳng nghe tiếng mõ già lê,
Ngồi phiền bến não, rữa thì sạch không.
Dịch nên cảnh lạ vô song,
Hứng xui tao khách điệu trùng ngợi khen.
Vừa là tao nhân mặc khách, vừa là kẻ ưu thời mẫn thế, Đào Duy Từ đã thực hiện sự hòa điệu kỳ thú giữa thi văn và hoạt động.
Trở lên là những tác giả chính yếu trong khoảng thế kỷ XVI và tiền bán thế kỷ XVII. Muốn được đầy đủ, chúng ta phải kể hai cuốn truyện bằng thơ Đường luật, chưa tìm ra tác giả nhưng soạn niên được các học giả phỏng định thời Lê mạt. Đó là truyện Tô Công phụng sứ và truyện Bạch Viên Tôn Các (còn biệt nhan là Lâm Tuyền kỳ ngộ).
Truyện Tô Công phụng[20] sứ gồm 24 bài thơ Đường luật, là truyện Hán Vũ Đế sai Tô Vũ đi sứ Hung Nô và bị Hung Nô cầm tù 19 năm. Lời thơ có những chữ cổ thịnh hành thời Lê Mạc. Đối chiếu cốt truyện với Việt sử, chúng ta thấy đời Mạc có Nguyễn Quang Bật đi sứ nhà Minh cũng bị giữ ở Tàu 19 năm (1548-1566). Vua Mạc Phúc Nguyên nhờ chuyện Tô Vũ phong cho ông là Tô quận công. Phải chăng tập thơ này của Nguyễn Quang Bật?
Truyện Bạch Viên Tôn Các (hay Lâm Tuyền kỳ ngộ)[21] gồm 150 bài thơ Đường luật, căn cứ vào chữ cổ thì cũng đoán là xuất hiện thời Lê Mạc. Truyện kể một tiên nữ bị lưu đày xuống cõi trần làm con vượn trắng biết nói và đi tu tiên là Bạch Viên, mãn hạn lưu đày Bạch Viên hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp kết duyên với Tôn Các và sinh hạ được hai con. Sau khi về cõi tiên, Bạch Viên nhớ chồng con và xin phép xuống trần tái hợp. Câu chuyện kết thúc khi Tôn Các đậu Trạng làm quan tại Kinh.
Thật khó mà trình bày đầy đủ 150 năm văn học trong một tiết mục của một chương sách. Để bổ khuyết, chúng ta thử đưa ra những nhận định đại cương về tánh cách văn học của thời kỳ này.
3. Tổng quan về văn học thế kỷ XVI và tiền bán thế kỷ XVII
Truyền thống tôn trọng đạo lý của thời kỳ trước vẫn được duy trì nhưng không được hiển minh như trước. Khuynh hướng giáo huấn chi phối ngay cả những đề mục có tính chất tự tình. Tình cảm cá nhân bị dồn ép dưới uy lực của đoàn thể, của các giáo điều. Dù thỏa hiệp với chính quyền hay dù ẩn cư nhàn dật, các nhà văn chú trọng biện minh cho thái độ xử thế của mình hơn là giải bày trực tiếp tâm tư.
Tuy nhiên bầu không khí văn học trầm tĩnh ấy đã bắt đầu xao xuyến vì một ngôn ngữ văn chương mới tạo nên những nét dị biệt bất đồng.
a. Một ngôn ngữ văn chương mới
Về hình thức chúng ta nhận thấy nỗ lực tìm kiếm một ngôn ngữ văn chương mới. Lối dụng ngữ chú trọng đến danh từ đặc biệt của thời đại. Tác phẩm của Lê Đức Mao, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ gồm có nhiều chữ cổ, nhiều thể cách diễn đạt đặc biệt thời Lê, Mạc.
Về thể cách, lối hát ả đào được phổ biến với Bài hát chúc làng của Lê Đức Mao. Lối lục ngôn thể, thịnh hành đời Hồng Đức, còn được ứng dụng trong Bạch Vân quốc ngữ thi nhưng xao nhãng trong tiền bán thế kỷ XVII. Lối song thất lục bát manh nha trong Bài hát chút làng, đã bắt đầu ổn định trong Tứ thời khúc vịnh của Hoàng Sĩ Khải, báo hiệu tính chất điêu luyện của Chinh Phụ Ngâm sau này:
Gió hiu hiu gối cao song bắc,
Tả mối sầu, chẳng mắc chút lo
Tréo chân, nằm ệch, ngáy pho
Ngẫm hay chẳng khác người vua Hy, Hoàng.
Lối phú nôm đã trở nên thuần nhã, báo hiệu những tác phẩm đặc sắc đời sau. Tịch cư ninh thể phú đáng kể là một bài phú có giá trị nghệ thuật.
Muốn nhận thấy phần đóng góp mới mẻ của thế kỷ XVI và tiền bán thế kỷ XVII thiết tưởng chúng ta có thể so sánh bút phát của Nguyễn Trãi (thế kỷ XIV) với bút pháp của Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XVI) và Đào Duy Từ (thế kỷ XVII).
Nguyễn Trãi còn lý luận về cảnh nhàn, còn bị ám ảnh bởi lịch sử trong khi nhìn thiên nhiên:
Bá Di người rằng thanh là thú
Nhan tử ta xem ngặt ấy lề.
(Quốc âm thi tập, bài 48)
Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đào Duy Từ hoàn toàn hòa điệu nhập thần trong cõi tự nhiên:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến cội cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
(Bạch Vân quốc ngữ thi)
 Dịch nên cảnh lạ vô song
Hứng xui tao khách điệu trùng ngợi khen.
(Tư Dung vãn)
b. Nhận thức dị biệt, văn chương đa dạng
Sự phong phú về nội dung còn rõ rệt hơn nữa. Thời thế loạn lạc đặt các nhà văn trước một sự lựa chọn nhiều khi đến đau khổ. Từ việc xác định lập trường chính trị hoặc hợp tác với nhà Mạc, hoặc trung thành với nhà Lê, hoặc nấn ná đợi thời ở Đàng Ngoài, hoặc dứt khoát với hiện tại đi vào Đàng Trong lập nghiệp, các nhà văn đã đề cập đến những quan niệm đạo giáo hay triết lý biện giải cho lập trường đã lựa chọn. Phùng Khắc Khoan mơ về một cõi thiên thai vĩnh phúc trong Ngư phủ nhập Đào nguyên truyện, nhưng từ tiên giới nàng Bạch thị của truyện Lâm tuyền kỳ ngộ vẫn hướng về trần gian trong tình yêu đôi lứa:
Trót mang một nghĩa cùng nguyền ước,
Chỉ để đôi nơi luống khát khao.
Bùi Vinh tha thiết với cung vàng điện ngọc nhà Mạc trong Cung trung bảo huấn, nhưng Nguyễn Hãng quyết tâm thoát tục hưởng nhàn trong Tịch cư ninh thể phú và Nguyễn Bỉnh Khiêm rời bỏ chính trường trở về tồn tâm dưỡng tánh ở Bạch vân am:
Danh toại công thành hưu hỉ hưu
Đẳng nhàn thế cố nhất hư châu.[22]
Nhưng Đào Duy Từ lại khẳng khái hơn, đi vào Đàng Trong thực hiện triết lý hành động theo gương Khổng Minh
Hỏa công dâng chước lạ nhường
Gió ngàn Xích Bích thổi làn nguy binh.
(Ngọa long cương vãn)
Những sự lựa chọn là tìm kiếm như thế chứng tỏ rằng văn học Việt Nam đã độ sinh thành chuyển hướng. Trong tình trạng cởi mở này, nền văn học công giáo được phát sinh và được chấp nhận như là một ước vọng của thời đại, thỏa mãn sự tìm kiếm và lựa chọn của một số người không còn tìm thấy sự bình an trong khuôn khổ tam giáo cổ truyền và được ơn phước an nghỉ trong Thiên Chúa.  
III. TÌNH HÌNH TRUYỀN GIÁO
Theo nghi sử, đạo công giáo du nhập nước ta từ thời các thánh Tông đồ, có sách chép rằng thời thánh Tôma tông đồ truyền giáo ở An Độ, một số môn đệ đã đi theo các thương thuyền đến truyền giáo cho người Việt. Sĩ Nhiếp đã dựng đền thờ với hình Thánh Giá trong dinh ở quận Cửu Chân (Thanh Hóa), con cháu của ông giữ đạo cho đến người cháu năm đời thôi.[23]
Đó là những truyền thuyết không có bằng chứng kiểm nhận. Sử liệu hiện nay chỉ xác nhận rằng kể từ thế kỷ XVI, đạo công giáo được truyền giảng ở Việt Nam.
1. Thế kỷ XVI: việc truyền giáo trong thời kỳ phôi thai
Đến thế kỷ XVI, thương thuyền Bồ Đào Nha đã đi lại ở An Độ dương và Nam hải. Năm 1510, thành Goa (An Độ) thuộc đế quốc Bồ. Năm ấy, người Bồ gởi phái bộ đến Thái Lan. Năm 1514 họ đến Quảng Đông (Trung Hoa) và sau đó họ đã hết bờ bể Bắc Việt, như các ông Fernandez Perez năm 1516 và Duarte Coelho năm 1524; ông Antonio de Faria vào vũng Đà Nẵng và chú ý đến Hải phố (Hội An). Những cuộc tiếp xúc như thế chính là cơ hội để linh mục tuyên uý các thương thuyền “tiếp xúc với dân địa phương cùng giảng cho họ về Thiên Chúa giáo”.[24]
Sử liệu Việt Nam chép: “Năm Nguyên hòa nguyên niên đời vua Lê Trang Tông nhà Lê (1533-1548) có một người Tây phương (dương nhân) tên là Inêkhu đi đường bể len vào giảng đạo Giatô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân (tức Nam Trực) và ở miền làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thuỷ (về miền Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình ngày nay)”.[25]
Inêkhu là phiên âm tiếng Inigo, chắc là một giáo sĩ công giáo từ Mã Lai đến.
Gia phả họ Đỗ ở Thanh Hóa có ghi chép Đỗ Hưng Viễn theo đạo Hoa Lang tức làng đạo công giáo. Theo sự suy luận của giáo sĩ Poncet, Đỗ Hưng Viễn trở lại đạo công giáo trong một chuyến công du hoặc ở Ao Môn hoặc ở đảo Celèbes “trong khoảng hậu bán thế kỷ XVI” dưới triều vua Lê Anh Tông (1556-1573)[26] và có lẽ một trong những người đầu tiên theo đạo công giáo ở nước ta.
Nguồn sử liệu ngoại quốc cũng xác nhận rằng việc truyền giáo khởi diễn ở Việt Nam từ thế kỷ XVI.
Theo giáo sĩ Marco Gispert, “vị thừa sai Au Châu, theo chúng ta biết, đến đất Việt giảng đạo trước tiên là giáo sĩ Gaspar de Santa thuộc dòng Đa Minh, quốc tịch Bồ Đào Nha, tỉnh dòng Santa Cruz (Goa). Năm 1550, dưới triều Lê Trung Tông (1548-1556), cha vào cửa bể Cần Cáo thuộc tỉnh Hà Tiên trong vương quốc Việt Nam. Trong 5 năm cư ngụ tại tỉnh này, không những cha đã đi khắp tỉnh từ Bắc chí Nam, mà cha còn vượt ranh giới tỉnh và đến vùng Bà Rịa ở Nam Việt rồi từ đấy đi Quảng Đông”[27]. Theo tài liệu này, thì trước khi Chân Lạp chính thức sáp nhập lãnh thổ Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII, ngay từ thế kỷ XVI người Việt đã có mặt ở Hà Tiên ngày nay, đến độ có thể xem đó là lãnh thổ Việt Nam.
Tiếp theo cha Gaspar de Santa, dưới đời vua Lê Anh Tông (1548-1556), hai cha dòng Đa Minh đến đất Việt Nam (1563), hoạt động truyền giáo trong 10 năm, sau bị trục xuất nên phải trở về Ao Môn.
Năm 1580, hai cha dòng Đa Minh, từ Malacca đến truyền giáo ở Quảng Nam: cha Luis de Fonséca người Bồ và cha Grégroire de la Motte người Pháp. Chúa Nguyễn Hoàng ra lệnh bắt. Cha Luis de Fonséca bị giết đang khi hành lễ và cha Grégroire de la Motte bị tử thương.
Theo tài liệu các dòng tu, vào khoảng cuối thế kỷ XVI, nhà Lê và nhà Mạc có ngỏ ý xin các giáo sĩ đến giảng đạo trong nước.
Năm 1570 vua Lê Anh Tông, sau khi tiếp nhận một bức họa cuộc phán xét chung do một linh mục dòng Phanxicô dâng tặng, có mời linh mục đến giảng đạo, nhưng vì thiếu linh mục nên lời yêu cầu không được thỏa mãn. Nhà vua có yêu cầu Tòa giám mục ở Ao Môn song cũng không có kết quả.
Năm 1580, theo linh mục Ordonez de Cevallos[28], Mai Hoa Công chúa, chị vua Lê Thế Tông, bấy giờ giữ chức Nhiếp chính, cũng có yêu cầu các Tòa giám mục Ao Môn và Goa gởi các thừa sai đến đất Việt. Chính cha Ordonez de Cevallos đã rửa tội cho Mai Hoa Công chúa. Bà có lập một nữ tu viện ở An trường (Thanh Hóa). Theo sự khảo cứu của giáo sĩ Poncet, chuyện Mai Hoa Công chúa mà Ordonez Cevallos gọi Flora Maria và sử ta gọi là Bà chúa Chè là chuyện có thật. Hiện nay, gần An Trường có một nơi gọi là nền Thờ, có lẽ là nơi xưa kia đã xây nhà thờ nữ tu viện. Lại có một cái giếng tục gọi là giếng Giatô, có lẽ do bà Mai Hoa Công chúa đã cho đào lên, nên gọi như thế để nhớ ơn Bà.[29]
Năm 1581, tu viện dòng Phanxicô ở Ao Môn cũng được Mạc Mậu Hợp mời đến giảng đạo. Dòng thiếu linh mục nên dòng ở Manille đã phái linh mục đến khu vực nhà Mạc: từ thủ đô Phi luật tân, 7 linh mục dòng Phanxicô đến Bắc Việt năm 1583 nhưng vì dân chúng chống đối nên phải trở về. Cha Bartholomé Ruiz thuộc phái đoàn này, trở lại cùng một cha khác, được vua Mạc Mậu Hợp trọng đãi. Song cha phải trở về năm 1589 và có hai cha dòng Phanxicô quốc tịch Bồ Đào Nha đến thay thế: các cha Andre dos Anjos và Jacomo de Conceicas.
Cha Martin Ignace Loyola, dòng Phanxicô quốc tịch Bồ Đào Nha từ Malacca và được biết việc vua Mạc Mậu Hợp yêu cầu xin dòng Phanxicô gởi thừa sai đến giảng đạo. Cha có đến Việt Nam và sau khi nhận thấy triển vọng truyền giáo, bèn đi Au Châu để vận động các thừa sai đến đất Việt.
Ngày 24-6-1599, hai cha Diego Aduarte, Alonso Ximenses và thầy Juan Deca thuộc dòng Đa Minh đến Đà Nẵng và không khỏi ngạc nhiên khi trông thấy một cây Thánh Giá vĩ đại dựng trên một đỉnh đồi ở đấy. Hai cha có gặp hai cha dòng Au cơ tinh làm tuyên uý cho các thương thuyền Bồ Đào Nha.
Trước khi các cha dòng Tên chính thức đến truyền giáo năm 1615, một cha dòng Phanxicô đi tàu gặp bão có ghé đất Việt năm 1605. Và theo cha Ordonez Cevallos, còn có 3 linh mục do Tòa giám mục Ao Môn phái đến.
Nhưng chúng ta đã thấy, việc truyền giáo trong thế kỷ XVI ở Việt Nam đang ở trong thời kỳ phôi thai, thiếu hẳn một hệ thống tổ chức chặt chẽ, một kế hoạch liên tục nên kết quả không được mỹ mãn như trong thời kỳ sau đó các cha dòng Tên phụ trách.
2. Tiền bán thế kỷ XVII: việc truyền giáo do giáo sĩ dòng Tên phụ trách.
Năm 1614, Nhật Bản cấm đạo và trục xuất các giáo sĩ dòng Tên ra khỏi nước. Một số đông giáo sĩ phải trở về Ao Môn. Nhân có Ferdinand da Costa, một thương gia người Bồ đã hoạt động ở Hải phố (Hội An) trình bày triển vọng truyền giáo ở Đàng Trong, cha giám tỉnh dòng Tên ở Ao Môn quyết định gởi phái bộ truyền giáo ở Đàng Trong năm 1615 mãi đến năm 1626, một phái bộ truyền giáo khác mới được gởi đến Đàng Ngoài.
a. 50 năm truyền giáo ở Đàng Trong (1615-1664)
Ngày 18-1-1615 hai cha dòng Tên Francesco Buzomi và Diego Carvallo trở về đến Cửa Hàn. Qua năm sau, cha Diego Carvalho trở về Nhật Bản và tử đạo năm 1624. Còn cha Francesco Buzomi, với tư cách Bề Trên ở lại Đàng Trong cho đến năm 1639 mới trở về Ao Môn và từ trần ở đấy. Cha là linh mục dòng Tên đầu tiên đến nước Việt và đã thành công rực rỡ. Lúc cha mới đến, chỉ có một số ít giáo hữu do các tuyên uý tàu buôn rửa tội; lúc cha từ trần, số giáo hữu ước lượng 50.000 người.[30]
Cộng tác với cha Buzomi còn có nhiều giáo sĩ khác như Andréa Fernandez (1616), Francesco de Pina, Francois Barrete (1617), Pedro Marquez, Christoforo Borri (1618) Antonio de Fontès, Alexandre de Rhodes, Gabriel de Mattos, Gaspar Lui, Mattias Machido, Dirolamo Majorica, Michel Marchini (1624).
Cha Francesco Buzomi rất thông hiểu phong tục văn hóa người Việt. Các cha Francesco de Pina, Girolamo Majorica và nhất là cha Alexandre de Rhodes có công nghiệp lớn lao với ngôn ngữ văn tự Việt Nam. Cuốn ký thuật của cha Christoforo Borri xuất bản năm 1622 ở Roma là một tài liệu đầu tay về tình hình nước ta thời bấy giờ.[31]
Sau 18 tháng hoạt động ở Đàng Trong, cha Alexandre de Rhodes được bề trên phái ra Đàng Ngoài, mãi đến năm 1640 mới trở lại Đàng Trong. Cha nhiều lần bị trục xuất khỏi Đàng Trong, nhưng lần nào cha cũng tìm cách trở lại để coi sóc giáo hữu, đến ngày 3-7-1645 mới lên đường đi Au Châu để vận động thành lập hàng giáo phẩm ở Việt Nam.
Tính cho đến năm 1664 là năm cha Loui Chevreuil thuộc Hội truyền giáo Ngoại quốc Ba Lê đến Đàng Trong, còn có nhiều cha dòng Tên đến truyền giáo như các cha Metello Saccano, Baldassare Cadeira, Fransesco Rivas, Dominiques Fuciti, Pierre Marquez, Ignace Baudet.
Giáo hội Đàng Trong phát triển mạnh mẽ, những giáo hữu đạo đức, sốt sắng được giáo sĩ ghi nhận là bà Gioanna, một bà quý phái tại Kẻ Chàm được cha Buzomi rửa tội năm 1616, bà Minh Đức Vương thái phi được cha Pina rửa tội năm (1626)[32], bà Maria Manuêlê… Các thầy giảng đã cộng sự chặt chẽ với các cha và thay thế các cha những lúc các cha phải ẩn tránh hay bị trục xuất. Trong số những vị tông đồ giáo dân này, ta phải kể thầy giảng Anrê Phú Yên, tử đạo tiên khởi giáo hội Đàng Trong năm 1644[33], các thầy giảng Ynhaxu Quảng Trị và Vinh Sơn Quảng Ngãi năm 1645.
b. 37 năm truyền giáo ở Đàng Ngoài (1626-1663)
Nói đến việc truyền giáo ở Đàng Ngoài là phải nói đến Alexandre de Rhodes trước tiên, mặc dầu cha không phải là linh mục dòng Tên đầu tiên đến Đàng Ngoài.
Năm 1626, Giuliano Baldinotti đến Đàng Ngoài với một thầy trợ sĩ người Nhật Giulio Piani để khảo sát triển vọng truyền giáo. Tiếp theo phúc trình của cha Giuiano Baldinotti, các cha Alexandre de Rhodes và Pierre Marquez được điều động từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài để lo việc truyền giáo.
Hai cha đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) ngày 19-3-1627, nhằm lễ thánh Giuse nên chọn Thánh Giuse làm bổn mạng Đàng Ngoài. Sự lựa chọn ấy sẽ được các Đức giám mục bản quyền chấp nhận. Hai tháng sau cha rửa tội được 200 người.[34]
Chúa Trịnh Tráng có nhã ý tặng các cha một ngôi nhà bằng gỗ, một phần nhỏ để ở, một phần lớn làm nhà thờ. Đến năm 1629, cha rửa tội được 3.000 người, trong số có bà Catarina, em chúa Trịnh, một nữ sĩ đã diễn ca giáo sử và cuộc đời Chúa Giêsu.
Năm 1630, chúa Trịnh cấm đạo, cha phải trở về Ao Môn làm giáo sư thần học và đến năm 1640 mới trở lại Đàng Ngoài. Các thầy giảng do cha Alexandre de Rhodes huấn luyện đã thay mặt các cha coi sóc giáo hữu.
Đức tin của giáo hữu rất sốt sắng. Giáo hữu Phanxicô đáng xem là vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội Đàng Ngoài “Phanxicô là người hầu cận hộ giá một ông Hoàng… ngày ngày trong lúc rảnh, Phanxicô thường đi giúp việc tống táng các giáo hữu nghèo khó. Thấy Phanxicô quên phẩm giá, nhiều người đã bắt đầu dị kị. Câu chuyện dần dần đến tai ông Hoàng. Ông mới truyền gọi và dạy phải bỏ việc ấy đi vì cho là một tội phạm đến uy danh của ông: “Bàn tay đã nâng đỡ kẻ chết, đâu còn xứng đáng động vào song loan của ông hoàng bà chúa?” Phanxicô phân trần hết lời nhưng uổng công. Ông hoàng vẫn một niềm cương quyết, lại còn buộc Phanxicô bỏ đạo. Phanxicô không kém lòng cương nghị; vì thế mà phải chịu một trận đòn đến ngất người đi. Tình cờ lại còn bị tra tấn một lần nữa, Phanxicô vẫn dạ sắt gan đồng. Ông hoàng cho là cứng đầu cứng cổ mới dạy quân đao phủ lấy búa bổ đôi óc Phanxicô. Đó là những giọt máu khai nguồn cho dòng máu rất phong phú cho 10 vạn con dân đất Việt trong ngót 300 năm biết hy sinh tính mạng vì đức tin và vì lý tưởng công giáo. Có lẽ Phanxicô tử vì đạo vào năm 1630 hoặc 1631; đến năm 1644, nghĩa là 14 năm sau Anrê mới chết vì đạo ở Nam”.[35]
Năm 1631, cha Gaspar d’Amaral đến coi sóc giáo hội Đàng Ngoài, tháp tùng có hai cha Antonio de Fontès và Francois Cardim. Các cha sung sướng nhận thấy các thầy giảng đã rửa tội thêm 3340 người và dựng thêm 20 nhà thờ.
Lần lượt các cha sau đây lại đến Đàng Ngoài để củng cố Giáo hội Đàng Ngoài: Girolamo Majorica, Bernadio Regro (1631) Antonio Barbosa, Felix Morelli, Baldassare Caldeira, Guiseppe Mauro (1639) Pietro Aberto, Manoel Cardozo (1641).
Năm 1639, cha Gaspar d’Amaral trở về Ao Môn dưỡng bệnh và cha Felix Morelli thay thế làm Bề trên. Cha Antonio Barbosa mắc bệnh lao sau 9 năm giảng đạo, trở về Ao Môn và từ trần ở Goa.
Năm 1646, cha Gaspar d’Amaral trở lại Đàng Ngoài với cha Pietro Alberto, Ignace Leviski, Francesco Ascanio Ruida, tàu gặp bão bị chìm, sống sót chỉ có giáo sĩ Lubelli thuộc địa phận Hải Nam (Trung Hoa) và một thầy giảng Đàng Ngoài tên Egidio. Chúa Trịnh có đến phân ưu với các cha ở Kẻ Chợ.
Cuối năm 1646, Đàng Ngoài có 200.000 giáo hữu[36]. Thấy việc truyền giáo có cơ phát triển, Bề trên giáo đoàn tăng phái các cha: Giovanni Cabral, Francesco Rangel, Francecsco Figuera, Francesco Monte Foscoli, Stanislas Tortente và Filippo de Marini.
Năm 1649 cha Girolamo Majorica làm Bề trên và khi cha qua đời năm 1656 thì cha Onuphre Borgès thay thế.
Năm 1657 chúa Trịnh Tráng từ trần và Trịnh Tạc nối ngôi. Trịnh Tạc trục xuất các cha và chỉ cho phép ba cha Onuphre Borgès, Joseph Tissanier và Pierre Albier ở lại, nhưng các cha không được phép ra khỏi Kẻ Chợ.
Năm 1663, sau khi Ao Môn bị nhà Thanh phong tỏa, Trịnh Tạc trục xuất ba cha ngày 12-11-1663. Mãi đến năm 1669, các cha mới trở lại Đàng Ngoài và bấy giờ Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong thuộc quyền các Đức giám mục Đại diện Tông tòa.
c. Tiến tới sự thành lập hàng giáo phẩm
Công tác quan trọng nhất của các cha dòng Tên là chuẩn bị tiến tới sự thành lập hàng giáo phẩm. Tổ chức thầy giảng là chủng viện đào tạo các cán bộ truyền giáo và linh mục tương lai. Cha Alexandre de Rhodes lên đường đi Au Châu ngày 16-6-1649 để vận động việc bổ nhiệm các Đức giám mục. Cha tường trình với Bộ truyền giáo và Đức giáo hoàng về giáo hội Việt Nam: ước chừng có 300.000 giáo hữu, hàng năm có thể tăng thêm 15.000 linh hồn, cần phải có 300 linh mục để coi sóc[37]. Cha đề nghị xin Đức thánh cha trạch cử các giám mục sang Việt Nam để đào tạo các giáo sĩ bản quốc, lựa chọn trong số các thầy giảng “hiện đang tu đức như trong bậc linh mục”
Lúc bấy giờ, theo các sắc dụ của các Đức giáo hoàng Léon X (1514-1516), Paul III (1539), Paul IV (1553), Grégoire XIII (1573), Paul V (1616), chính phủ Bồ Đào Nha “bảo trợ” việc truyền giáo ở Viễn Đông. Để tránh sự xung đột, cha Alexandre de Rhodes đề nghị các vị giám mục sang Việt Nam sẽ do Tòa Thánh ban tước hiệu Đại diện tông tòa (vicaire apostolique) tại các dân ngoại (in partibus infidelium), chứ không mang tước hiệu giám mục chính tòa (êvêque résidentiel).
Hội truyền giáo ngoại quốc Ba Lê được thành lập để cung cấp linh mục thừa sai. Ngày 29-7-1658, Đức giáo hoàng Alexandre VII, cử cha Francois Pallu làm giám mục hiệu tòa Héliopolis coi sóc Giáo hội Đàng Ngoài, cha Lambert de la Motte làm giám mục hiệu tòa Béryte coi sóc Giáo hội Đàng Trong.
Nhiệm vụ cấp bách của các Đức giám mục là “truyền các chức thánh kể cả chức linh mục” và tuỳ nghi cho đọc kinh bằng ngôn ngữ bản quốc.[38]
Theo truyền thống khôn ngoan của Giáo hội, Tòa thánh La Mã căn dặn các Giám mục “tránh xa việc chính trị” bởi vì “xen lẫn vào chính trị thì thiệt thòi cho tôn giáo và làm cho các thừa sai xao nhãng mục vụ, mặc dầu xen lẫn thì thấy có thêm hy vọng chắc sẽ phát triển tôn giáo và truyền bá đức tin”.[39]
Vấn đề thích nghi văn hóa, Tòa thánh chỉ thị tôn trọng văn hóa phong tục địa phương “miễn là không công khai trái nghịch đạo Công giáo và thuần phong mỹ tục”, bởi vì “đức tin không xua đuổi hay làm thiệt thòi những lễ nghi và phong tục, miễn là không phải là xấu xa và trái lại đức tin chủ trương là đáng được tôn trọng”.[40]
Khi các tân giám mục và thừa sai thuộc Hội Ngoại quốc Truyền giáo Ba Lê đến đất Việt, lịch sử truyền giáo và văn học công giáo bước sang một giai đoạn khác.
Chúng ta đã trình bày tình hình chính trị, văn học và truyền giáo trong khoảng thời gian phát sinh van học Công giáo Việt Nam. Đạo công giáo du nhập Việt Nam trong một thời kỳ khủng hoảng phát triển. Xã hội Việt Nam trong thể kỷ XVI và tiền bán thế kỷ XVII là một xã hội đang biến chuyển theo những đường hướng mới. Trong bối cảnh lịch sử ấy, đức tin công giáo đã nảy mầm và sinh động, tạo nên Giáo hội công giáo Việt Nam. Nền tảng tinh thần thay đổi thì thể cách diễn đạt tình tự, cảm nghĩ cũng thay đổi theo. Đó là nguyên nhân xâu xa của nền văn học Công giáo Việt Nam.
Võ Tòng Lê
Chú thích
[1] Xem thêm đoạn nói về Nguyên Hãng, chương I, đoạn II
[2]
 Xem Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tr.276
[3]
 Xem Trần Trọng Kim, sđd, tr.295
[4]
 Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, tr.192. Đối chiếu: Phan Văn Diêu, Văn học Việt Nam, tập I, tr.87
[5]
 Xem Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, tr.268, Phan Văn Diêu, sđd, tr.430-431.
[6]
 Canh hai, đêm 25 tháng 4 (năm canh ngọ, hiệu Hồng Thuận (niên hiệu của vua Lê Tương Dực) (xảy sự) quan nội thị Nguyễn Khắc Hải dấy loạn bức vua viếng cung Trùng Hòa rồi sang các điện Văn Thọ, Cẩn Đức, Kính Thiên. Vua làm thơ quốc ngữ, các quan văn võ đại thần vào chầu đều phụng họa… Song chỉ có quan Đông Các hiệu thơ là Trần Dực, (thơ) họa hiệp cách, (vua ban) thưởng cho 5 quan tiền” – Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 15, tờ 2-3. Trích dẫn Phạm Văn Diêu, sđd tr.430.
[7]
 Xem Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, Thi văn Việt Nam tập 1, tr.101-103.
[8]
 Xem Nam Phong tạp chí số 93, Vũ Khắc Tiệp, Phú nôm, tập trên, tr.128-131.
[9]
 Xem Đông Thanh số 6; Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, Thi văn Việt Nam tập 1, tr.122-123. Theo lịch triều Đăng khoa hư lục.
[10]
 Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, Thi văn Việt Nam tập 1, tr.139-150.
[11]
 Xem Lê Quý Đôn, Nghệ văn chí; Phan Huy Chú, Kinh tịch chí, Lịch đại thế biên.
[12]
 Xem Văn đàn bảo giám, quyển II, tr.55; Trần Trọng Kim, Việt thi tr.46 và 132.
[13]
 Xem Văn đàn bảo giám, quyển I, tr.239-240.
[14]
 Học viện Viễn Đồng Bác Cổ còn giữ bản môn như Trình tiên sinh quốc ngữ, Trình Trạng nguyên sấm ký diễn ca, Trình quốc công sấm.
[15]
 Trình dịch của Đỗ Đình, mục l’Annam, tr.265-270, in trong tuyển tập Les plus beaux écrits de l’Union Francaise et du Maghreb présentés par.Mohamed el Rholti, Léopold Cedar Senghor, Pierre Đỗ Đình, A.Rakoto Katsimmanger, E.Ralajmihiatra, la colombe xuất bản, Paris 1947.
[16]
 Xem Việt Nam nhất thống chí, quyển 13
[17]
 Văn đàn bảo giám, quyển I, Nam ký in lần thứ ba, tr.6-7; Trần Trọng Kim, Việt Thi, tr.83.
[18]
 Văn đàn bảo giám, quyển I tr.18, Trần Trọng Kim, Việt Thi, tr.60.
[19]
 Xem Văn học tạp chí số 4, Văn đàn bảo giám, quyển II tr.217-223; Bùi Văn Lang và Tô Văn Cầu, Lịch sử Đào Duy Từ, 1937.
[20]
 Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, Thi văn Việt Nam tập 1, tr.154-159.
[21]
 Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, sđd, tr.161-178;
[22]
 Dịch nghĩa: như thế cũng gọi là công toại danh thành rồi đây, thôi thế cũng nên thôi. Việc đời phó mặc cho con thuyền vơi voi nó lênh đênh muốn đến đâu thì đến mà ta tìm lại cái thú vui của ta. Bản dịch của Đỗ Nam, Danh nhân Hải Dương, VII, Nam Phong tạp chí, tập XXXIII số 160.
[23]
 Xem Trương Vĩnh Ký, Cours d’histoire d’Annam, cuốn I, tr.27.
[24]
 Géographie d’Earisi, bản dịch tiếng Pháp, tr.84.
[25]
 Nguyễn Phương, cha Đắc Lộ với sự thành lập Giáo hội Công giáo Việt Nam, in trong Đại học, số 19 tháng 2 năm 1961 tr.71-87.
[26]
 C.A.Poncet, L’un des premiers annamites, sinon le premier converti au catholicisme, in trong BAVH năm XXVIII, tháng 1-3 năm 1941 tr.81-89.
[27]
 Marcos Gispert, Historias de las missiones Dominicas en Tunkin.
[28]
 Ordonez Cevallos, El Tralado de las relationes verdateras de les Reynos de la Chine, Cochinchina, y Champa y shas cosas nolabables y varios successos sacados sus originales laen, 1628; Historia y viage del Mundo.
[29]
 Xem C.A.Poncet, la princesse Marie d’Ordonnez de Carvallos, BAVH, 10-12 năm 1941 tr.351-358.
[30]
 Xem Marini, Histoire nouvelle et curieuse du Royaume de Tunquin et de Lao, Paris 1966.
[31]
 Christoforo Borri, Relatione della nuova missione delli P.P.Della Compagnia di Giesu al Regno della Cocincina Scrita dal Padre Christoforo Borri.
[32]
 Xem Phạm Đình Khiêm, Minh Đức Vương thái phi, 1957.
[33]
 Xem Phạm Đình Khiêm, Ngừơi chứng thứ nhất, 1959
[34]
 Xem C.A.Poncet, Le voyage du Père A.De Rhodes de Cửa Bạng à Hanoi en 1627 in trong BAVH, 1942 tr.216-282.
[35]
 Phan Phát Hườn, Việt Nam giáo sử, tập I, tr.78.
[36]
 Xem Bonifacy, Les débuts du christianisme, tr.37
[37]
 Xem Champoulie, Rome et les missions d’Idochine.
[38]
 Archives MEP, vol 247, trích dịch theo Nguyễn Hữu Trọng, les Origines du clergé vietnamien, tr.47-48.
[39]
 Chỉ thị của Bộ Truyền giáo ngày 10-11-1959 gởi cho Đức cha Pallu.
[40]
 tài liệu đã dẫn
Nguồn: Dũng Lạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét