Hầu hết các nền văn học trên thế giới đều bắt đầu bằng hình thái truyền khẩu, với những tác phẩm được cộng đồng chấp thuận làm của chung đến độ khó tìm ra tác giả. Văn học Công giáo Việt Nam cũng thế. Những lối hùng biện tôn giáo, những bài ca nhạc phụng vụ đã là những hình thức phô diễn truyền khẩu đi trước những tác phẩm thành văn.
I. CA NHẠC CÔNG GIÁO BÌNH DÂN
Trong những yếu tố cấu tạo nền văn học truyền khẩu Việt Nam, các học giả thường nhấn mạnh nhạc điệu cố hữu của tiếng Việt và tinh thần mơ mộng của người Việt. Những câu ca dao thi vị, những điệu dân ca phong phú, chính là những tuyệt phẩm nho nhỏ được dư luận tán thưởng.
Những nhận định trên đây có thể áp dụng đối với các tác phẩm ca nhạc công giáo bình dân, xuất hiện ở Việt Nam từ buổi bình minh của đạo Công giáo ở Việt Nam, như bút tích của nhiều vị thừa sai đương thời ghi nhận.
Noi gương thánh Phanxicô Xaviê, vị tông đồ miền Đông Á, các thừa sai chủ trương thích ứng việc truyền giáo với các nền văn minh cổ truyền bản xứ. Người chủ xướng thời danh chính là giáo sĩ Alexandro Valignano (1539-1606) đã có dịp đi quan sát các cơ sở truyền giáo ở Trung Đông và Viễn Đông. Chủ trương khôn ngoan này được các giáo sĩ thực hiện ở Ấn Độ với giáo sĩ Nobili, ở trung Hoa, với các giáo sĩ Ruggieri và Ricci.
1 – Ca nhạc phụng vụ bình dân
Ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XVII, phong trào ca nhạc phụng vụ bình dân chứng tỏ nỗ lực thích nghi việc truyền giáo với các giá trị tích cực của văn học Việt Nam. Kinh nguyện và mầu nhiệm của đạo Công giáo đã được trình bày theo thể điệu cổ truyền để giáo dân cảm nhận dễ dàng hơn. Trong thiên khảo luận Nền văn chương công giáo về Phanxicô Xaviê tại Việt Nam[1] Georg Schurhammer đã ghi nhận:
“Người Việt Nam có thói quen vừa học vừa hát [2] nên các thi phẩm xuất hiện rất mau chóng. Ca và kịch thường có cơ hội để được sáng tác, đặc biệt vào những ngày lễ Giáng sinh. Các ngày đó, với những cuộc lễ long trọng và Máng cỏ thu hút giáo dân và cả người ngoại đạo rất đông đảo đến nhà thờ. Trong xứ Nam, các giáo sĩ đã làm Máng cỏ năm 1626 ở Cacham [3] ]và năm 1647 ở Hội An[4]. Ở xứ Bắc, trong dịp lễ Giáng sinh năm 1634 tại Rum [5], cuộc trình diễn đời sống của hai Thánh Alexis và Eustache đã làm khán giả rơi lệ[6]. Ở Lăng cô[7] rất nhiều người theo đạo vì các bài hát về phép mầu nhiệm của ngày Giáng sinh[8]. Năm 1642, lễ Giáng sinh đã được cử hành Kê Mlé[9], có Máng cỏ, ca và kịch như đã vừa trình bày trên đây. Năm 1648, cũng nhân ngày lễ này, 4000 giáo dân đã tụ họp tại Kẻ bố [10] ]để xem diễn lại sự cải giáo của Josaphat. Trong buổi lễ có những cuộc đối thoại và âm nhạc bản xứ”[11].
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có thuật lại lễ nghi Tuần Thánh cử hành tại Hội An năm 1644, trong dịp đó giáo hữu “hát những lời than thở bằng tiếng bản quốc rất thảm thiết về sự Thương Khó của Chúa Giêsu”[12].
Những cung điệu ca vãn nhắc nhở trong các sử liệu trên đây chính là tác phẩm tập thể đầu mùa của một cộng đồng giáo hữu mới thành lập, được bảo tồn trong các giáo xứ từ thế hệ này sang thế hệ khác[13], tạo nên một truyền thống ca nhạc phụng vụ bình dân[14].
Dân Việt vốn ưa ca hát, tiếng Việt vốn có nhạc tính phong phú nên ngay những lời kinh nguyện nhật tụng cũng đã là những cung điệu trầm bổng nhịp nhàng. Cao hơn một bậc nữa là những cung ngân nga khi đọc sách Thánh trong nhà thờ, những điệu bi ai đọc trong mùa Thương Khó, những bài vè vãn kính mừng Sinh Nhật và dâng tiến Đức Bà. Tất cả đều thấm nhuần hồn nhạc lời thơ cổ truyền của dân tộc và sống động đức tin sốt sắng.
Đặc sắc hơn hết là những bài Vãn Dâng Hoa, tổng hợp ba nghệ thuật thi, vũ, nhạc trong niềm kính mến Đức Mẹ. Nhà nhạc học Chương Thi, đã giới thiệu phần tinh túy của Vãn Dâng Hoa như sau:
“Ngày xưa, không ai biết tự đời nào, vãn hoa đã liên kết chặt chẽ với việc tôn sùng Đức Mẹ trong tháng năm. Vì vậy mà có những kiểu nói đầy ý nghĩa: “Tháng Đức Bà Tháng rước kiệu Đức Bà, Tháng rước hoa, Tháng dâng hoa, Tháng hoa”. Ngày rước hoa là ngày vui mừng cho cả xứ, cả họ, cả đoàn thể tổ chức, là ngày ai nấy tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ một cách phi thường: nào kết hoa làm kiệu, nào mời các đoàn thể của xứ lân cận tới thông công. Riêng các trẻ em được cả một buổi vui thú: nào cờ quạt, nào khăn áo, nào quà bánh… như không một ngày nào có. Trung tâm điểm cuộc rước chính là lúc dâng hoa. Giờ phút kiệu hoa vào nhà thờ và bắt đầu dâng hoa là giờ phút tột độ. Ai nấy thu hết tâm trí vào cảnh trang hoàng của nhà thờ, vào kiệu Đức Mẹ, vào đàn con thơ ấu đang thay mặt mọi người “dâng hoa dâng nến cùng tỏ lòng” cho Mẹ nhân ái. Say mê không phải vì tàn, quạt, hoa, nến không phải vì bầu khí tưng bừng náo nhiệt, không phải vì dáng điệu mềm mại và đoan trang của các con Đức Mẹ cho bằng say mê vì bài Vãn Dâng Hoa. Chính vì lời ca và cung vãn làm sống động những màu sắc và những công trình bài trí làm rung chuyển tâm hồn mọi người dự cuộc. Vì bài vãn là lời cầu nguyện có nhịp nhàng, có thú vị, có ý nghĩa tượng trưng rất phong phú và tính cách đặc biệt Việt Nam vậy.
Vãn Dâng Hoa đã có một lịch sử, đã được coi như lời tâm huyết của từng thế hệ Công giáo dâng lên trước tòa Đức Mẹ Việt Nam. Riêng về phương diện âm nhạc, vãn hoa là bước đầu của nghệ thuật âm nhạc Công giáo Việt Nam[15].
Lời ca được sáng tác theo các thể thơ dân tộc như nói lối, lục bát, thường gồm những từ nhữ cổ, hay những kiểu nói đặc biệt của Công giáo. Cung điệu rất phong phú đặc sắc có bài là những điệu ca lý cổ truyền, có bài được “cấu tạo theo một đường lối riêng biệt, khác xa những điệu cổ truyền kia”[16]
Sau đây là một bài vãn Đức Bà [17] theo thể nói lối rất gần lối hát nói về phương diện dùng vần liên tiếp và yêu vận:
Gió huân phong thoảng qua vườn cấm,
Cảnh thanh hòa sắc đã sang hè.
Trăm thứ hoa đua nở tứ bề,
Hoa thanh lịch chỉ về nhân đức.
Mừng Đức Bà như hoa ngũ sắc,
Mùi thơm tho nực chốn trần gian,
Chữ đồng trinh ghi tạc đá vàng,
Gương trung nghĩa khắp nhân hoàn lấp lánh.
…
Chúng con nay tiến hoa phụng sự,
Giãi tấm lòng xích tự bấy lâu,
Ơn ga-xa vẫn đội trên đầu,
Tay dâng hát mấy câu cầu nguyện.
Cảnh thanh hòa sắc đã sang hè.
Trăm thứ hoa đua nở tứ bề,
Hoa thanh lịch chỉ về nhân đức.
Mừng Đức Bà như hoa ngũ sắc,
Mùi thơm tho nực chốn trần gian,
Chữ đồng trinh ghi tạc đá vàng,
Gương trung nghĩa khắp nhân hoàn lấp lánh.
…
Chúng con nay tiến hoa phụng sự,
Giãi tấm lòng xích tự bấy lâu,
Ơn ga-xa vẫn đội trên đầu,
Tay dâng hát mấy câu cầu nguyện.
Ga-xa, phiên âm la ngữ gratia nghĩa là duyên dáng, ơn nghĩa là một từ ngữ cổ. Trong những câu vẫn theo thể lục bát sau đây, chúng ta cũng gặp những từ ngữ cổ như mọn mạy, Chúa Dêu. Thiết tưởng có thể căn cứ vào những từ ngữ ấy để ấn định soạn niên của các bài vãn đó là thuộc thời khởi thủy của Giáo hội Công giáo Việt Nam:
- Chúng con mọn mạy phàm hèn
Dám đâu ngửa mặt trông lên bàn thờ.
Dám đâu ngửa mặt trông lên bàn thờ.
- Lạy ơn Đức Mẹ Chúa Dêu
Chúng tôi trông cậy cùng kêu van Bà.
Chúng tôi trông cậy cùng kêu van Bà.
Khuôn khổ thể thơ lục bát thường được nới rộng để thích ứng với những lề lối đặc biệt của nền ca xướng Việt Nam, như ngân nga nhấn nháy hay dự diễn (anticipation), nghĩa là đưa ra trước một số chữ của câu thơ. Ví dụ chứng minh sau đây được trích dẫn theo sự ghi chép và ký âm của Chương Thi[18]:
Dâng tấm lòng (i) thành,
Chúng tôi dâng tấm lòng (i) thành,
Mấy lời vạn phúc (i) mấy ngành (a) mấy ngành Mân Côi (i).
Chúng tôi dâng tấm lòng (i) thành,
Mấy lời vạn phúc (i) mấy ngành (a) mấy ngành Mân Côi (i).
Văn học sử và nhạc sử Việt Nam không thể bỏ qua truyền thống ca nhạc phụng vụ bình dân. Gần đây công cuộc sư tầm [19] và phát triển [20] nền ca nhạc ấy đã được đặt thành vấn đề trong khuôn khổ duy trì những giá trị văn hóa dân tộc và qui định đường hướng sáng tác mới. Tựu trung, nhà nhạc học Chương Thi đã đưa một nhận định xác đáng về giá trị văn nghệ và tôn giáo của những cung điệu ca vãn Công giáo cổ truyền:
“Đây đó người ta ca tụng các cung sách, các lễ nghi á phụng vụ (para-litergique) như ngắm đứng của ta, nhất là đối với những người đã có dịp so sánh các lễ nghi tôn giáo Đông Tây. Dùng y phục đại tang và giọng khóc lâm ly kia để khóc Chúa Giêsu tối ngày chịu chết, dùng cung giọng dịu dàng và những vần thơ uyển chuyển kia để vào hang đá kính mừng Chúa Hài Đồng một vè Sinh Nhật, cũng như dâng kính Đức Mẹ hiển vinh một cung lục bát và ngành hoa ngũ sắc, đó là những lễ phép giàu ý nghĩa cũng như giàu cảm tình, có sức kích động tâm hồn chúng ta rất mạnh, đó là sự thành kính tận tình của con cháu Tiên Rồng muốn dâng tiến Thiên Chúa tất cả những gì mình có”[21].
2 – Giáo sử diễn ca
Phong trào ca nhạc bình dân còn vượt khỏi phạm vi các giáo đường mà phổ biến khắp nơi. Những đề tài trong giáo sử được soạn thành lời thơ, phổ thành điệu nhạc truyền tụng khắp nước.
Năm 1622, bà chị của Chúa Đàng Trong xin chịu phép rửa tội. Bà thường nghe những bản hát đạo và tiểu sử các thánh do một nữ ca sĩ Đàng Ngoài trình bày[22].
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có kể lại trường hợp của bà Catarina, em gái Chúa Trịnh Tráng: “Bà đặt thành thơ vãn tất cả lịch sử đạo Công giáo bắt đầu từ tạo thiên lập địa đến khi Chúa xuống thế làm người, đời sống, cuộc tử nạn, phục sinh và lên trời của Đấng Cứu thế, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và ở cuối còn phụ thêm đoạn kể chuyện chúng tôi đến xứ Đông Kinh và công cuộc truyền giáo ở đó. Bà làm rất hay. Đến sau vẫn còn được tất cả người có đạo truyền tụng cho nhau, họ ngâm lên lúc làm việc ở nhà, lúc làm việc ngoài đồng hay lúc đi đường. Người biết ca nhạc còn họa nhạc thêm vào. Rồi chẳng những người có đạo mà còn cả những người không có đạo cũng thích ngâm vịnh. Nhờ những thơ văn đó mà nhiều người đã trở lại đạo”[23].
Ngoài những điều trên đây, chúng ta chưa biết gì hơn về các tác phẩm công giáo truyền khẩu đầu mùa. Chúng ta hy vọng rằng rồi đây các nhà khảo cổ sẽ phát giác được chính văn cuốn giáo sử diễn ca của bà Catarina. Tác phẩm này lúc đầu lưu truyền theo lối truyền khẩu nhưng có lẽ về sau được chép thành văn và chắc được lưu trữ trong thư viện các cơ quan Công giáo hay lãng quên trong tài liệu của tư gia.
II. HÙNG BIỆN TÔN GIÁO
Theo giáo sử, các giáo sĩ Dòng Tên truyền giáo ở Việt Nam trong tiền bán thế kỷ XVII phần đông đều thông thạo Việt ngữ và giảng đạo trực tiếp bằng tiếng Việt. Đối thoại với người ngoại đạo, diễn giải Phúc Âm cho giáo hữu, huấn luyện thần học cho thầy giảng, đó là những trách vụ giáo mục cấp bách đòi hỏi các giáo sĩ phải trổ tài hùng biện bằng Việt ngữ. Về phần giáo dân, ý thức tông đồ phát sinh từ đức tin chớm nở nhưng nhiệt thành đã thể hiện trong những lúc mạn đàm tranh luận với người ngoại đạo.
Lời nói tuy bay đi như lời nhận xét của ngạn ngữ, nhưng nội dung của lời giảng đạo truyền khẩu của giáo sĩ và giáo dân đã kết tinh trong đức tin và củng cố nền móng của Giáo hội Việt Nam. Từ thời khởi thủy, dưới hình thức truyền khẩu, nền văn học Công giáo Việt Nam nở hoa trong tài hùng biện tôn giáo.
Sau đây là một ít trường hợp lý thú đã được ghi chép vào giáo sử:
1 – Giáo sĩ Buzomi tranh luận với Thầy Tư Bình[24]
Từ năm 1618 đến năm 1620, giáo sĩ Buzomi hoạt động truyền giáo ở Nước Mặn (Qui Nhơn). Lúc bấy giờ, Thầy Tư Bình là một đạo sư danh tiếng có 200 môn đệ. Để duy trì ảnh hưởng Thầy đã yêu cầu giáo sĩ Buzomi mở cuộc tranh luận tôn giáo trước công chúng.
Đúng ngày giờ ấn định, Thầy cùng 200 môn đệ đến nơi hẹn gặp mặt, kèn trống đến rước, linh đình trọng thể. Giáo sĩ Buzomi âm thầm đến nơi đơn sơ trong bộ áo tu hành không người đưa đón. Công chúng dự thính rất đông, nào là quan chức, nào là kỳ hào, nào là các thầy sư sãi.
Nhờ sự giúp đỡ của Thánh Linh và căn bản thần học – Cha vốn là giáo sư thần học ở Áo Môn, giáo sĩ Buzomi đã đánh đổ tất cả lý luận của Thầy Tư Bình, Thầy lúng túng rút lui trong lúc giáo sĩ Buzomi được công chúng hoan hô đưa tiễn về nhà. Số người trở lại đạo mỗi ngày thêm đông: năm 1621, cha rửa tội được 172 người.
2 – Giáo sĩ Francesco de Pina thuyết phục các nho sĩ
Trong lúc giáo sĩ Francesco Buzomi truyền giáo ở Qui Nhơn, giáo sĩ Francesco de Pina hoạt động ở Quảng Nam.
Lúc bấy giờ có một lão nho có uy tín ở Quảng Nam. Cha Pina vốn đã tinh thông Việt ngữ và am tường văn hóa Việt Nam, tìm cách giao thiệp với cụ để đưa cụ trở lại đạo thật. Giáo sĩ nhận thấy cụ có tinh thần phục lý, muốn tìm hiểu đạo Công giáo nhưng đang còn rụt rè do dự vì tính bảo thủ. Sau khi nghe giáo sĩ Pina thuyết giáo, cụ bí mật đi vào Nước Mặn, gặp giáo sĩ Buzomi để đối chiếu các lời thuyết giáo. Cuối cùng cụ đã xin rửa tội, tên thánh là Giuse. Cụ Giuse còn lôi cuốn nhiều nhà trí thức trở lại như cụ Phêrô, một hưu quan trước đây tu trì tại gia, cụ Manuêlê, nguyên là một sư cụ danh tiếng, cụ Phaolô, cố vấn pháp luật của hoàng tử trấn thủ Quảng Nam[25].
3 – Giáo sĩ Alexandre de Rhodes thuyết giáo ở Đàng Ngoài và Đàng Trong
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có thuật lại nhiều cuộc thuyết giáo đã chinh phục được nhiều linh hồn nhờ tài hùng biện và khả năng sử dụng Việt ngữ.
Năm 1627, giáo sĩ đến Cửa Bạng. Trước đám đông dân chúng đến xem hàng hóa do thương thuyền Bồ Đào Nha đem đến, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã giảng: “Tôi có một món hàng còn quí hơn nữa và rẻ tiền hơn hết mọi thứ khác, ai muốn có thì tôi cho không, ấy là đạo thật, là đường thật đưa đến hạnh phúc”[26]. Sau bài giảng đầu tiên ấy, hai người xin tòng giáo và trong hai tháng ở lại Thanh Hóa, giáo sĩ đã rửa tội được 200 người.
Năm 1644, giáo sĩ Alexandre de Rhodes giảng đạo ở Quảng Nam. Đây là một buổi thuyết giáo do giáo sĩ thuật lại:
“Trong lần thuyết giáo hôm trước, tôi trình bày cho họ về nguồn gốc linh hồn là do chính Thiên Chúa tạo dựng, cha mẹ chúng ta không tham dự vào đó chút nào. Hôm đó tôi tiếp tục trình bày về ông bà nguyên tổ và tội phạm của ông bà truyền lại cho con cháu muôn đời về sau vết nhơ mình đã sa ngã. Khi tôi vừa trình bày xong thì một người tân tòng trí khôn thông minh sắc sảo, đã dự buổi thuyết giáo hôm trước, đứng lên hỏi tôi: – Thưa đạo trưởng, làm thế nào hòa hợp điều mà đạo trưởng vừa thuyết giáo lần này với điều mà đạo trưởng đã nói lần trước? Linh hồn chúng ta như đạo trưởng đã quyết không một nguyên nhân nào ngoài tay Chúa Trời Đất, còn cha mẹ chúng ta không có tham dự vào việc tạo dựng linh hồn con người cả. Vậy sao linh hồn lại hoen ố do tội lỗi của người mà có hay không có không tùy thuộc ở họ. Ở dân chúng tôi, chúng tôi cũng gặp những nố khi cha mẹ có tội, con cái bị giáng xuống làm thường dân. Nhưng ở đây như đạo trưởng đã nói, linh hồn không có người cha nào khác Chúa Trời Đất, thì Adam không sinh ra linh hồn được. Tôi thật bỡ ngỡ khi nghe thấy ở miệng một người xứ Nam câu vấn nạn xưa kia đã làm cho Thánh Âu-cu-tinh (Augustin), vị tiến sĩ cả, phải suy nghĩ. Tôi không tìm trả lời cho ông theo lối luận lý tinh vi của nhà trường, có thể làm cho ông càng rối trí hơn. Tôi đưa ra cho ông một tỷ dụ nho nhỏ và nó đã làm ông hài lòng. Tôi nói với ông thế này: Chẳng hạn ông có trong tay một ngọc trai trong trắng, chẳng may viên ngọc bị rơi vào vũng bùn lầy đã làm nó hoen ố. Nhưng nếu bây giờ ông đem rửa nó đi, nó sẽ lại trắng đẹp như trước. Linh hồn chúng ta cũng thế trong tay Chúa Trời Đất, nó là một ngọc quí trong trắng nhưng rơi vào một thân xác đã bị nhơ bẩn, linh hồn bị hoen ố vì không còn phải là một linh hồn biệt lập, nhưng là một con người có hồn có xác sinh bởi Adam. Trong nước phép rửa, linh hồn được rửa sạch hết mọi vết nhơ và lại được trở nên sáng ngời như mặt trời”[27].
4 – Huấn luyện thần học cho các thầy giảng và giảng dạy giáo lý cho giáo dân
Tổ chức thầy giảng là một sáng kiến của giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Với tư cách là Bề Trên Phái đoàn truyền giáo Đàng Trong, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã lựa chọn, huấn luyện những người tân tòng nhiệt thành và giao phó cho họ nhiệm vụ phụ tá các cha trong việc truyền giáo. Trước khi rời khỏi Đàng Ngoài năm 1630, giáo sĩ đã tổ chức lễ khấn hứa cho các thầy giảng mà bốn thầy xuất sắc là Phanxicô, Anrê, Ynhaxô và Antôn. Họ tuyên thệ: 1/ giữ đức khiết tịnh cho đến khi có thừa sai khác đến thay thế; 2/ để làm của chung tất cả của cải giáo dân dâng cúng cho các thầy; 3/ vâng lời thầy Bề Trên do các giáo sĩ trạch cử.
Ở Đàng Trong, trong thời lưu trú từ cuối tháng giêng 1642 đến tháng chín 1643m giáo sĩ đã thành lập đoàn thầy giảng. Trong số mười người đầu tiên làm lễ khấn hứa ngày 31 tháng bảy năm 1643, sẽ có ba vị tử đạo: Anrê Phú Yên, Vinh sơn Quảng Ngãi, Ynhaxô Quảng Trị.
Ngoài những tài liệu huấn luyện quan trọng hoặc những bản kinh sách giáo lý mà các giáo sĩ đọc cho các thầy chép bằng chữ Nôm hoặc đã phiên âm ra quốc ngữ cổ, chúng ta có thể phỏng đoán rằng việc huấn luyện thần học cho các thầy giảng đã thực hiện theo lối truyền khẩu. Nhờ sống gần các giáo sĩ, các thầy giảng đã lãnh hội những lời giảng dạy, học thuộc lòng những nguyên tắc tu đức được những lời nguyện ngắm, những bài diễn giảng Phúc Âm.
Việc giảng dạy giáo lý cho giáo dân chắc cũng thực hiện theo lối truyền khẩu trong những dịp thuyết giáo công cộng, những cuộc thăm viếng các họ đạo, những lễ nghi phụng vụ cộng đồng.
Giá trị nghệ thuật của ca nhạc phụng vụ bình dân và giá trị đạo đức của những bài thuyết giáo và tranh luận đã được chứng minh trong sự trưởng thành của giáo hội Việt Nam do các cha Dòng Tên góp phần xây dựng. Giáo lý được giảng dạy trong một ngôn ngữ càng ngày càng thuần nhã, đức tin được bồi dưỡng củng cố đến độ có nhiều giáo dân sẵn sàng lãnh phước tử đạo, nghi lễ phụng vụ thích nghi với truyền thống văn hóa của dân tộc, đó là những thành tích truyền giáo khả quan trong một giáo hội tân lập, đúng như lời bình luận của L.E. Louvet trong sách La Cochinchine religieuse: “Đối với những giáo hội tân lập, Thiên Chúa thường hay cho phép tái diễn mầu nhiệm ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, đó là ngày giờ của những giáo hội mới. Thánh sủng Chúa đổ tràn xuống nhiều hơn trên tất cả mọi linh hồn ngay lành, và lòng người cũng sẵn sàng hơn để tiếp thụ thánh sủng bởi vì họ chưa bao giờ lạm dụng ơn Chúa. Giáo hội Việt Nam lúc ấy sống trong những ngày tươi đẹp của nhiệt ái buổi đầu; trong thánh ý Chúa, những ngày tươi đẹp ấy cốt để chuẩn bị và tăng cường giáo hội hầu đối phó với những gian nan thử thách của ngày mai”[28].
Tiếp theo ý kiến của L.E. Louvet và riêng trong trường hợp văn học công giáo, chúng ta có thể nói rằng dưới sự tác động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần, một sự chuyển mình hóa thân quan trọng đã thành tựu: hình thái truyền khẩu tiến sang hình thái thành văn.
Những tác phẩm chữ Nôm và chữ quốc ngữ tiêu biểu cho tiền bán thế kỷ XVII chính là công trình của những giáo sĩ và giáo dân đã hoạt động đắc lực cho công cuộc truyền giáo. Đã từ lâu, người ta nói đến những tác phẩm của Alexandre de Rhodes và mới đây, người ta phát giác thêm tác phẩm của Girolamo Majorica và Gioan Thanh Minh.
Điều quan trọng đáng nêu ra là phần nhiều những tác phẩm ấy đã được thai nghén trong kinh nghiệm truyền giáo, phổ biến và thử thách bằng lối truyền khẩu trước khi được tác giả tu chỉnh thành sách. Vì nhu cầu đòi hỏi, các giáo sĩ đã soạn một cuốn giáo lý bằng tiếng Việt. Một bút tích năm 1620 hay 1621 ghi rằng: “Cuốn giáo lý soạn bằng tiếng Việt đã tạo nên nhiều lợi ích; bởi vì không những trẻ con mà cả người trưởng thành cũng học thuộc lòng”[29]. Theo sự phỏng đoán của L. Cadière, đó là công trình tập thể của các giáo sĩ, các người thông ngôn và các tân tòng trí thức, hoặc phiên âm bằng quốc ngữ cố để các giáo sĩ tiện dụng, hoặc ghi chép bằng chữ Nôm để phổ biến trong dân chúng. Sách này chắc chắn còn sơ lược nhưng chính là một văn kiện căn bản.
Võ Tòng Lê
________________________________________
Chú thích
[1] Georg Schurhammer, Annamitish Xavierius Literatur, bài đăng trong quyển Missionwissenschaftlich Studien, Aix la-ChaPeele, 1951 trang 300-314. Bản dịch Việt ngữ của Trương Bửu Lâm và Đỗ Văn Anh, Việt Nam khảo cổ tập san, số 2, Bộ Quốc Gia giáo dục, Sài Gòn, 1960, trang 144-181.
[2] Bài ký sự của Alexandre de Rhodes đề năm 1663 trích trong A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, III, Paris, 1925. Tr. 510 (chú thích của Georg Shurhammer)
[3] Cacham là làng Thanh Chiêm. Xem Phạm Đình Khiêm, Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII, trong Việt Nam khảo cổ tập san số 1 tr. 72-77 (chú thích của Trương Bửu Lâm và Đỗ Văn Anh).
[4] Japsin. 71, 98. 352v. (chú thích của Georg Shurhammer).
[5] Rum: có lẽ là Cửa Rùm trong tỉnh Nghệ An, của Sông Cả (chú thích của T.B.L và Đ.V.A).
[6] Japsin. 88, 203, D, Bartoli nghĩ vở kịch đó do Majorica soạn (chú thích của G.S.)
[7] Viết là Langou; có lẽ là Lăng cô, dưới chân đèo Hải Vân về phía Huế (chú thích của TBL và ĐVA).
[8] Japsin 88, 450v. (chú thích của G.S.).
[9] Kê Mlé: chúng tôi chưa nhận được tên địa điểm này (chú thích của TBL và ĐVA).
[10] Kẻ Bố: viết là Kẻ Bò, chắc là Kẻ Bố, làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, (chú thích của TBL và ĐVA).
[11] Japsin 85, 205 (chú thích của G.S.)
[12] Alexandre de Rhodes, Voy. et Mis. trg 173.
[13] Linh mục Cadièré có nhận xét về địa vị của các cung điệu ca vãn tại các giáo xứ như sau: “Việc hát các u vãn được tổ chức một cách phiền nhiễu và cảm động, nhất là tại các giáo đoàn Bắc Việt. Việc lần hạt Mân Côi được chia ra từng hồi từng lớp có điểm bằng những bài gẫm về từng giai thoại của cuộc đời Chúa Cứu Thế để gợi cho mọi người những tình cảm thích hợp” (Bulletin de la Ligue Mission, Paris, 1938, trg. 47. Trích dẫn theo Thanh Lãng, BNLVHCĐ, trg 56, 57).
[14] Năm 1965, nha Tuyên Úy Công giáo Quân Lực Việt Nam Cộng hòa có tổ chức một giải Dâng Hoa tại Sài Gòn, có 21 đoàn tham dự. Xem bài tường thuật và phê bình cuộc thi trình diễn này trong nhật báo Xây Dựng (tháng 6-1965): “Giải Dâng Hoa 1965 theo sự nhận xét của một nhạc sĩ”, bài ký H.H.H và nguyệt san Tinh thần số 18, Tháng 8 năm 1965 đặc biệt về Đại Hội Văn Nghệ Công Giáo.
[15] Chương Thi, Vãn Đức Bà, Tập I, nhạc đoàn Tiếng Chuông Nam, Hà Nội, 1952, trg 3-4.
[16]Xem bài của H.V.H, bđd, nhật báo Xây Dựng, ngày 6-6-1965.
[17] Trích dẫn theo Nguyễn Khắc Xuyên, Tìm hiểu Giáo nhạc, Tinh Việt, Hà Nội 1952, trg 35-36. Tác giả ghi chép từ miệng một bà trùm đã có tuổi, “thời còn xuân sắc, bà là tay ca vãn bậc nhất”.
[18] Vãn Đức Bà, sđd, trg 30.
[19] Xem Tìm hiểu giáo nhạc của Nguyễn Khắc Xuyên và Vãn Đức Bà của Chương Thi. Theo chỗ chúng tôi biết, nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Huế đã hoàn thành một bộ sách phân tích nhạc ngữ và sưu tập giáo nhạc cổ truyền Việt Nam.
[20] Theo sự tiết lộ của H.V.H (bđd), “ai cũng mong rằng rồi ra sẽ có những cuộc thi Dâng hoa tổ chức mỗi năm không những ở Sài Gòn mà còn ở nhiều địa phận khác. Và như vậy số bài bản cổ truyền tất phải khai thác hết. Cuộc trở vì nguồn đó vừa phù hợp với tinh thần Công đồng Vatican II vừa hòa nhịp với phong trào khảo cứu cổ nhạc mà Trường Quốc Gia Âm nhạc đang tiến hành và một nhạc sĩ đã thực nghiệm một cách thành công trong những bài tân nhạc. Kể thì ngay từ 1948, giới nhạc sĩ Công giáo đã tìm ra hướng đi đó và đã gặt hái được kết quả bền vững, chứng cớ là trong cuộc thi vừa kể nhiều bài tân tạo đã xen kẻ với bài cổ truyền mà vẫn gây được vẻ hòa hiệp tự nhiên” (Nhật báo Xây Dựng, ngày 6-6-1965).
[21] Chương Thi, Vãn Đức Bà, sđd. trang 7.
[22] Japsin 71.462 (chú thích của G.S)
[23] Alexandre de Rhodes, Hist. Tung. trg 164. Trích dịch theo Nguyễn Hồng, sđd. trg 118.
[24] Xem Bartoli, Historia della conpagnia de Gesu, Vol. V. Trg 196-199. Lược thuật theo Nguyễn Hồng sđd. trg 71.
[25] Alexandre de Rhodes, Voyages et Missions tr. 109. Trích dịch theo Phạm Đình Khiêm, Giáo sĩ Đắc Lộ và Tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, Tinh Việt xb, Sài Gòn 1960, tr XX.
[26] Alexandre de Rhodes Voyages et Missions, tr. 109. Trích dịch theo Phạm Đình Khiêm, Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, sđd. tr. XX.
[27] Alexandre de Rhodes, Voyages et Missions tr 130-131 do Nguyễn Hồng trích dịch, sđd, tr. 169-170.
[28] L.E. Louvet, La cochinchine religieuse, I, Paris 1885. Trích dịch theo Phạm Đình Khiêm, Minh Đức Vương thái phi, Tinh Việt xb, Sài Gòn 1957 tr. 102.
[29] Dẫn trong một bức thư của giáo sĩ Gaspar Luis gởi từ Áo Môn ngày 7-12-1621 cho Cha Bề Trên Cả Dòng Tên. Bản dịch Pháp văn Paris, 1687 tr. 127-128. Chụp hình làm phụ bản in trong B.A.V.H. tháng 7-12 năm 1931.
[1] Georg Schurhammer, Annamitish Xavierius Literatur, bài đăng trong quyển Missionwissenschaftlich Studien, Aix la-ChaPeele, 1951 trang 300-314. Bản dịch Việt ngữ của Trương Bửu Lâm và Đỗ Văn Anh, Việt Nam khảo cổ tập san, số 2, Bộ Quốc Gia giáo dục, Sài Gòn, 1960, trang 144-181.
[2] Bài ký sự của Alexandre de Rhodes đề năm 1663 trích trong A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, III, Paris, 1925. Tr. 510 (chú thích của Georg Shurhammer)
[3] Cacham là làng Thanh Chiêm. Xem Phạm Đình Khiêm, Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII, trong Việt Nam khảo cổ tập san số 1 tr. 72-77 (chú thích của Trương Bửu Lâm và Đỗ Văn Anh).
[4] Japsin. 71, 98. 352v. (chú thích của Georg Shurhammer).
[5] Rum: có lẽ là Cửa Rùm trong tỉnh Nghệ An, của Sông Cả (chú thích của T.B.L và Đ.V.A).
[6] Japsin. 88, 203, D, Bartoli nghĩ vở kịch đó do Majorica soạn (chú thích của G.S.)
[7] Viết là Langou; có lẽ là Lăng cô, dưới chân đèo Hải Vân về phía Huế (chú thích của TBL và ĐVA).
[8] Japsin 88, 450v. (chú thích của G.S.).
[9] Kê Mlé: chúng tôi chưa nhận được tên địa điểm này (chú thích của TBL và ĐVA).
[10] Kẻ Bố: viết là Kẻ Bò, chắc là Kẻ Bố, làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, (chú thích của TBL và ĐVA).
[11] Japsin 85, 205 (chú thích của G.S.)
[12] Alexandre de Rhodes, Voy. et Mis. trg 173.
[13] Linh mục Cadièré có nhận xét về địa vị của các cung điệu ca vãn tại các giáo xứ như sau: “Việc hát các u vãn được tổ chức một cách phiền nhiễu và cảm động, nhất là tại các giáo đoàn Bắc Việt. Việc lần hạt Mân Côi được chia ra từng hồi từng lớp có điểm bằng những bài gẫm về từng giai thoại của cuộc đời Chúa Cứu Thế để gợi cho mọi người những tình cảm thích hợp” (Bulletin de la Ligue Mission, Paris, 1938, trg. 47. Trích dẫn theo Thanh Lãng, BNLVHCĐ, trg 56, 57).
[14] Năm 1965, nha Tuyên Úy Công giáo Quân Lực Việt Nam Cộng hòa có tổ chức một giải Dâng Hoa tại Sài Gòn, có 21 đoàn tham dự. Xem bài tường thuật và phê bình cuộc thi trình diễn này trong nhật báo Xây Dựng (tháng 6-1965): “Giải Dâng Hoa 1965 theo sự nhận xét của một nhạc sĩ”, bài ký H.H.H và nguyệt san Tinh thần số 18, Tháng 8 năm 1965 đặc biệt về Đại Hội Văn Nghệ Công Giáo.
[15] Chương Thi, Vãn Đức Bà, Tập I, nhạc đoàn Tiếng Chuông Nam, Hà Nội, 1952, trg 3-4.
[16]Xem bài của H.V.H, bđd, nhật báo Xây Dựng, ngày 6-6-1965.
[17] Trích dẫn theo Nguyễn Khắc Xuyên, Tìm hiểu Giáo nhạc, Tinh Việt, Hà Nội 1952, trg 35-36. Tác giả ghi chép từ miệng một bà trùm đã có tuổi, “thời còn xuân sắc, bà là tay ca vãn bậc nhất”.
[18] Vãn Đức Bà, sđd, trg 30.
[19] Xem Tìm hiểu giáo nhạc của Nguyễn Khắc Xuyên và Vãn Đức Bà của Chương Thi. Theo chỗ chúng tôi biết, nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Huế đã hoàn thành một bộ sách phân tích nhạc ngữ và sưu tập giáo nhạc cổ truyền Việt Nam.
[20] Theo sự tiết lộ của H.V.H (bđd), “ai cũng mong rằng rồi ra sẽ có những cuộc thi Dâng hoa tổ chức mỗi năm không những ở Sài Gòn mà còn ở nhiều địa phận khác. Và như vậy số bài bản cổ truyền tất phải khai thác hết. Cuộc trở vì nguồn đó vừa phù hợp với tinh thần Công đồng Vatican II vừa hòa nhịp với phong trào khảo cứu cổ nhạc mà Trường Quốc Gia Âm nhạc đang tiến hành và một nhạc sĩ đã thực nghiệm một cách thành công trong những bài tân nhạc. Kể thì ngay từ 1948, giới nhạc sĩ Công giáo đã tìm ra hướng đi đó và đã gặt hái được kết quả bền vững, chứng cớ là trong cuộc thi vừa kể nhiều bài tân tạo đã xen kẻ với bài cổ truyền mà vẫn gây được vẻ hòa hiệp tự nhiên” (Nhật báo Xây Dựng, ngày 6-6-1965).
[21] Chương Thi, Vãn Đức Bà, sđd. trang 7.
[22] Japsin 71.462 (chú thích của G.S)
[23] Alexandre de Rhodes, Hist. Tung. trg 164. Trích dịch theo Nguyễn Hồng, sđd. trg 118.
[24] Xem Bartoli, Historia della conpagnia de Gesu, Vol. V. Trg 196-199. Lược thuật theo Nguyễn Hồng sđd. trg 71.
[25] Alexandre de Rhodes, Voyages et Missions tr. 109. Trích dịch theo Phạm Đình Khiêm, Giáo sĩ Đắc Lộ và Tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, Tinh Việt xb, Sài Gòn 1960, tr XX.
[26] Alexandre de Rhodes Voyages et Missions, tr. 109. Trích dịch theo Phạm Đình Khiêm, Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, sđd. tr. XX.
[27] Alexandre de Rhodes, Voyages et Missions tr 130-131 do Nguyễn Hồng trích dịch, sđd, tr. 169-170.
[28] L.E. Louvet, La cochinchine religieuse, I, Paris 1885. Trích dịch theo Phạm Đình Khiêm, Minh Đức Vương thái phi, Tinh Việt xb, Sài Gòn 1957 tr. 102.
[29] Dẫn trong một bức thư của giáo sĩ Gaspar Luis gởi từ Áo Môn ngày 7-12-1621 cho Cha Bề Trên Cả Dòng Tên. Bản dịch Pháp văn Paris, 1687 tr. 127-128. Chụp hình làm phụ bản in trong B.A.V.H. tháng 7-12 năm 1931.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét