Để định vị trí của những tác phẩm văn học Công giáo Việt Nam trong bối cảnh lịch sử văn học và truyền giáo ở Á Đông, chúng ta phải xét tình hình văn học công giáo Nhật Bản và Trung Hoa trong thế kỷ XVI và tiền bán thế kỷ XVII. Chúng ta phải hạn chế vấn đề trong khuôn khổ phiên âm ngôn ngữ theo mẫu tự La tinh và soạn thảo các sách giáo lý và chỉ nhấn mạnh một vài tác phẩm có quan hệ trực tiếp đến các tác giả Công giáo ở Việt Nam thời ấy.
I. SỬ LIỆU XÁC NHẬN ẢNH HƯỞNG CỦA NHỮNG CÔNG TRÌNH VĂN HỌC NHẬT BẢN VÀ TRUNG HOA
Các giáo sĩ Dòng Tên được chỉ định truyền giáo ở Việt Nam đều thừa hưởng kinh nghiệm truyền giáo ở Nhật Bản và Trung Hoa. Lúc bấy giờ Áo Môn là một trung tâm truyền giáo theo lời giáo sĩ Alexandre de Rhodes, là một nơi “đào tạo những tay thợ cả đem ánh sáng Phúc Âm chiếu khắp Đông phương”.[1]
Hơn nữa, Nhật Bản cấm đạo năm 1596. Trong số 123 giáo sĩ truyền giáo, chỉ còn 30 vị lén lút ở lại Nhật Bản để nâng đỡ đức tin của giáo hữu. Phần lớn những vị khác phải trở về Áo Môn, có vị được phái sang truyền giáo ở Việt Nam.
Về phần Việt Nam, có nhiều sử liệu chứng tỏ các sách công giáo do các giáo sĩ Dòng Tên soạn thảo bằng Hán văn đã du nhập nước ta từ cuối thế kỷ XVI. Vào khoảng năm 1585 giáo sĩ Micae Ruggieri (Minh Kiên) gặp sứ thần Việt Nam ở Bắc Kinh, và có trao tặng cuốn sách giáo lý nhan đề là Thiên Chúa thực lục chính văn[2]. Sách này được sứ thần lưu giữ làm gia bảo và vào khoảng cuối năm 1627 đến năm 1620, giáo sĩ Alexandre de Rhodes tình cờ nhận thấy sách này trong một tu sĩ Phật giáo đến nghe giáo sĩ thuyết giáo ở Kẻ Chợ:
“Một buổi sáng chủ nhật, đang khi giáo dân đang họp nhau dự lễ thì ông đến, đem theo một cuốn sách chữ Hán, trong bìa ngoài có hình chữ tên cực trọng Giêsu. Vừa nom thấy, tôi nhận ngay là một tác phẩm của các cha dòng chúng tôi ở Trung Quốc, và tôi bỡ ngỡ hỏi sao cuốn sách đó lại rơi vào tay ông ta. Ông sãi kể: Ông cụ thân sinh của ông được vua xứ Đông Kinh này sai cống lễ vật vẫn quen dâng cho vua Tàu ở Bắc Kinh, khi trở về mang theo cuốn sách đó. Ông cụ quí nó lắm, khi ông gần chết thì ông mới có mười tuổi, ông cụ trối lại bảo rằng: Này con ơi, cầm lấy sách này và gìn giữ cẩn thận như một kho vàng quí báu, cuốn sách đó do một ông Nghè Tây phương đã tặng Cha và Cha đã mang từ Bắc Kinh về. Ông Nghè đã cho cha cuốn sách đó, quyết nói với cha rằng: nếu tuân giữ và tin theo những lời đã chép trong sách, thì sau đời sống trần tục sẽ được đưa lên cõi cực lạc trên trời. Ông sãi đã giữ gìn nó hơn ba mươi năm trời nay để trong một thúng mây nhỏ. Ông đã đọc nhiều lần mà vẫn chưa hiểu được lời sách, nhưng sau khi nghe chúng tôi giảng một vài lần thì đã bắt đầu hiểu ra chút ít. Tôi hỏi ông ta có hiểu mấy chữ đại tự ở trang đầu có ý nói gì? Ông ta trả lời không, tôi liền đưa ra một cuốn sách của các cha dòng tôi viết trang đầu cũng có hình chữ tên cực trọng Chúa Giêsu và giơ cho các người tân tòng xem. Họ thấy hai cuốn có hình chữ giống nhau thì lấy làm vui mừng lắm. Đoạn tôi trao cho họ cuốn sách đó và họ đọc ra đó là một cuốn sách đạo lý Công giáo viết theo một thứ tự y như tôi đã theo để dạy cho họ, nhờ đó mà những người tân tòng càng thêm bền vững trong đức tin. Còn ông sãi thì vì đố kỵ nhất định không muốn cho người công giáo sao lại cuốn sách đó”[3].
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes không ghi rõ nhan đề sách nhưng một suy luận giản dị đưa đến kết luận đó là cuốn sách của Minh Kiên xuất bản ở Trung Hoa năm 1584. Câu chuyện xảy ra vào khoảng cuối năm 1627 đầu năm 1628, lúc giáo sĩ mới đến Đàng Ngoài. Thầy sãi đã giữ sách đó 30 năm tức là sách ấy phải mang về trước năm 1598. Giáo sĩ Minh Kiên đã gặp thân sinh thầy sãi năm 1585 và cuốn sách trao tặng dĩ nhiên là cuốn Thiên Chúa thực lục chính văn in năm 1584.
Đoạn trích dẫn trên đây còn cho chúng ta biết rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes và có lẽ các giáo sĩ khác cũng vậy, có mang đến đất Việt các sách giáo lý Hán văn để phổ biến. Hơn nữa, lối giảng đạo của giáo sĩ đã theo đúng thứ tự như trong sách của Minh Kiên.
Một sử liệu khác chứng tỏ cuốn Thiên Chúa Thực nghĩa (1603) của giáo sĩ Ricci (Lợi Mã Đậu) đã là cơ hội thúc đẩy cụ Phaolô Quảng Nam trở lại đạo Công giáo năm 1622. Cụ là cố vấn pháp luật của hoàng tử trấn thủ Quảng Nam đọc nhiều sách về đạo lý kim cổ, nhưng chưa có tác phẩm nào làm cụ vừa lòng. Sau khi nghe giáo sĩ Pina thuyết giáo và đọc sách của Lợi Mã Đậu, cụ nói chắc tìm thấy đạo thật. Sau rằm tháng giêng năm ấy cụ đã tổ chức tiệc mời các quan chức, trình bày lý do cụ theo đạo Công giáo và cụ cũng đã tổ chức hội họp để nghe cha Pina thuyết giáo[4].
Lại theo Pfister[5], cuốn sách bổn chữ Hán của giáo sĩ P. Soerio in năm 1601 ở Trung Hoa có lẽ đã được dịch ra quốc âm và phổ biến năm 1631.
Nói về ảnh hưởng của các sách giáo lý chữ Hán lưu hành ở Trung Hoa thời ấy đối với giáo hội Việt Nam, thiết tưởng chúng ta có thể đồng ý với giáo sĩ André Mariller[6] như sau:
“Đối với các tân tòng người Việt cũng như đối với các thừa sai rao giảng Phúc Âm, công trình văn học phô diễn đức tin thực hiện ở Trung Hoa dường như đã đóng vai trò công nhận hơn là ảnh hưởng trực tiếp, chi phối toàn bộ. Khám phá sự đóng góp quan trọng của những định chế và tín ngưỡng Trung Hoa, các thừa sai đều xem người Việt là một dân tộc độc sáng, nên trong khi tiếp xúc với người Việt Đàng Ngoài và Đàng Trong, các ngài tự do tìm kiếm một phương pháp thông khảo và một ngôn ngữ phô diễn thích hợp. Vũ trụ tinh thần và đạo đức mà các thừa sai nhận thấy biểu lộ trong các tu sĩ Phật giáo, nho sĩ, quan chức cũng như quân nhân, thợ thuyền và nông dân, có nhiều điểm tương tự với thế giới tư tưởng Trung Hoa. Và những vị tông đồ ấy cùng sôi nổi một tinh thần, cùng được đào tạo giống nhau, cùng gặp những trở ngại giống như trường hợp các bạn đồng liêu truyền giáo ở Trung Hoa. Do đó chúng ta hiểu tại sao có sự đồng nhất trong phương thức truyền giáo, có những hình thức ngôn ngữ giống nhau mà chúng ta khám phá ở bên này cũng như bên kia, mặc dù không nhất thiết là có chính thức vay mượn ngôn ngữ”.
Công trình văn học Công giáo Nhật Bản bắt đầu từ thời Thánh Phanxicô Xaviê. Năm 1549, Yajirô, một người Nhật Công giáo đầu tiên do thánh Phanxicô Xaviê rửa tội đã phiên dịch cuốn giáo lý của ngài ra tiếng romaji, tức là chữ Nhật La mã hóa. Nhận thấy tầm quan trọng của chữ Hán đối với các nước Viễn Đông, Thánh Phanxicô Xaviê đã cho phiên dịch cuốn giáo lý ra Hán văn.
Nguyễn Khắc Xuyên [7] cho chúng ta biết rằng bản thảo của Yajirô “không lưu lại cho người thời nay” nhưng công cuộc nghiên cứu thư tịch đã phát giác được nhiều tác phẩm bằng chữ Nhật Hán tự và chữ Nhật La mã hóa từ năm 1692.
Theo một học giả người Nhật, Shingetomo Koda[8] có 10 cuốn bằng chữ Nhật Hán tự và 16 cuốn bằng chữ Nhật La mã hóa. Tác giả có xác định rằng từ năm 1592 đến 1596 có sáu cuốn bằng chữ Nhật La mã hóa. Trong nhà in của Dòng Tên thời kỳ ấy tại Amacusa, có một chuyên viên về nghề in chỉ biết chữ romaji, tên là thầy Gioan Baotixita, người Ý và một chuyên viên khác chỉ biết chữ Hán tự tên là thầy Phêrô người Nhật. Những tác phẩm đáng chú trọng là cuốn tự điển La-Bồ-Nhật in năm 1595 và sách giáo lý in năm 1592.
Cuốn tự điển nhan đề là: Dictionarium latino lusitanicum ac japonium – (In amacusa in Collegia Japonico Societas Jesus, Anno 1595).
Cuốn giáo lý tiếng Nhật với mẫu tự la tinh nhan đề là: Dotrina Iesus no Compania no Collegio Amacusa ni voite supeiores no vou xi no comuni core uo fan to nasu mono nari, Nenqi, 1592.
Vẫn theo học giả Shingetomo thì hiện nay còn giữ được trong thư viện Vatican cuốn sách nhan đề là Doctrina (giáo lý) và trong thư viện Casatense tại Rôma một cuốn khác nhan đề là Doctrina Christans (giáo lý Kitô).
Đến năm 1632, nhà in của Thánh bộ Truyền giáo tại Rôma còn cho in ba tác phẩm bằng romaji của một soạn giả Dòng Thánh Đa Minh là giáo sĩ Didaco Collado.
Cuốn thứ nhất là một tập nhỏ nhan đề là Phương pháp xưng tội và xét mình, gồm 65 trang, khổ 8, một bên tiếng La tinh, một bên bằng romaji: Modus confitendi et examinandi paenitentem Japoneusem, Romae 1632.
Cuốn thứ hai là một cuốn tự điển La-Bồ-Nhật gồm 352 trang, khổ 8, mỗi trang 2 cột:Dictionarium sive Thesauri linguae japonicae compendium, Romae, 1632.
Cuốn thứ ba là một sách văn phạm Nhật, in chung với tự điển với số trang riêng nhan đề là: Ars grammaticae japonicae linguae, Romae 1632.
Ngoài ra, tưởng cũng nên kể những sách ngữ vựng xuất bản ở Nagasaki (1604) và Manilla (1632).
Những công trình trên đây là những kinh nghiệm quý báu đối với những giáo sĩ truyền giáo ở Việt Nam thời ấy. Thứ chữ romaji chắc đã gây cảm hứng cho các giáo sĩ sáng chế chữ quốc ngữ. So sánh các tự điển, sách văn phạm và cuốn phương pháp xưng tội và xét mình in ở Rôma năm 1632 với các tác phẩm của giáo sĩ Alexandre de Rhodes in ở Rôma năm 1651, chúng ta thấy Alexandre de Rhodes cũng soạn tự điển và văn phạm như Didaco, chỉ khác là trong lúc Didaco soạn một cuốn giáo lý thực hành thì Alexandre de Rhodes đã soạn một tác phẩm lý thuyết sâu rộng hơn.
Muốn nhận xét đại cương về giá trị các sách giáo lý Nhật Bản nói trên, chúng ta cần biết qua tình hình giảng dạy giáo lý vào thế kỷ XVI, XVII. Ở Bồ Đào Nha, lúc bấy giờ được coi như là trung tâm truyền giáo, có một giáo sĩ đã viết hai cuốn giáo lý: một cuốn dài gọi là giáo lý diễn giải(Symbolifidei Declaratio) và một gọi là giáo lý đại cương (Doctrina). Cuốn sau phổ biến rộng rãi ở các miền truyền giáo vào thế kỷ XVI, đã từng được phiên dịch sang tiếng tamoul, tiếng Mã Lai, tiếng Nhật viết theo lối romaji.
Nguyễn Khắc Xuyên có phân tích cuốn Doctrina bằng romaji in ở Amacusa năm 1592 làm thí dụ: “Trước hết là cách thức làm dấu thánh giá rồi tới mấy kinh cần thiết hay thông dụng trong Kitô giáo: Kinh lạy Cha, Kinh kính mừng, Kinh thân lạy Nữ vương, Kinh tin kính sau đó tới mười giới răn Thiên Chúa, sáu giới răn Hội Thánh và cuối cùng là những điều hiểu biết về tội nặng tội nhẹ, bảy phép bí tích, các nhân đức gồm có: bảy mối tội đầu, bảy công việc phúc đức, bốn nhân đức cả, ba nhân đức đối thần, bảy ơn Đức Chúa Thánh Thần, tám mối phúc thật, Kinh cáo mình…”[9].
Những sách giáo lý với nội dung sơ sài, khô khan như thế không thích hợp với những dân tộc có một nền văn hóa cổ truyền ở Á Đông. Do đó, có phong trào sáng tác sách giáo lý sâu sắc linh động hơn để tăng gia hiệu lực truyền giáo bằng cách giới thiệu đầy đủ đạo Công giáo là một đạo mặc khải khác hẳn các tôn giáo ở Á Đông.
III. CÔNG TRÌNH VĂN HỌC CÔNG GIÁO TRUNG HOA
Sự đóng góp của văn học Trung Hoa trong văn học Việt Nam là một sự kiện hiển nhiên. Trong trường hợp văn học Công giáo, điều đáng nói là những tác phẩm chữ Hán đã gây ảnh hưởng ở Việt Nam là công trình của những giáo sĩ truyền giáo ở Trung Hoa.
1 – Công trình phiên âm Hoa ngữ
Cuốn ngữ vựng hay tự điển Bồ-Hoa đầu tiên là công trình của hai giáo sĩ Dòng Tên, Micae Ruggieri (Minh Kiên) và Matteo Ricci (Lợi Mã Đậu) vào khoảng những năm 1584-1588. Theo Nguyễn Khắc Xuyên[10], tài liệu này còn là bản viết tay, lưu trữ tại Văn khố Dòng Tên ở Rôma[11]. Người ta nhận thấy mỗi trang có ba cột: một là chữ Bồ, hai là chữ Hán, ba là Hoa ngữ phiên âm. Phương pháp phiên âm còn thiếu sót, chưa có ký hiệu để phân biệt các thanh, cách La mã hóa xét ra theo lối phát âm của người Ý bởi vì các tác giả là người Ý.
Năm 1598, Ricci hợp tác với giáo sĩ Cateneo khám phá ra những ký hiệu riêng để ghi các thanh[12].
Nhưng công trình ngữ học vĩ đại hơn cả là của giáo sĩ Trigault, tác giả bộ Âm vận kinh xuất bản tại Hang-Tchéou năm 1626. Sách này in bản gỗ gồm 700 tờ giấy nho. Các nho sĩ đương thời sửng sốt trước công trình của một người Âu đã trình bày Hoa ngữ theo một cách phát âm chu đáo và khoa học[13].
Theo H. Bernard[14], cuốn tự điển Bồ Hoa của Ruggierio và Ricci đã làm mẫu cho cuốn tự điển Bồ-Nhật năm 1595 và theo Nguyễn Khắc Xuyên[15] “biết đâu bộ tự điển Bồ-Hoa kia cũng đã là khuôn mẫu cuốn tự điển Bồ-Việt của giáo sĩ Antonio Barbosa mà cha Đắc Lộ đã nói tới trong cuốn tự điển Việt-Bồ-La của ngài” (1651).
Nguyễn Khắc Xuyên cũng đã dè dặt nêu mối tương quan giữa nỗ lực của Ricci-Cattaneo và Trigault và của Alexandre de Rhodes:
“Chúng tôi chưa định được phần ảnh hưởng của Hoa ngữ phiên âm trong công việc thành lập chữ quốc ngữ. Song chúng tôi có thể đoán được rằng: những tác phẩm trên rất có thể rơi vào tay các giáo sĩ sửa soạn đến xứ ta, và bởi vì tiếng Trung Hoa có các thanh tương tự như Việt ngữ nên ảnh hưởng của nó, nếu thực ra có, dễ dàng được thâu nhận hơn ảnh hưởng của Nhật ngữ La mã hóa. Thật vậy, kể đến những ký hiệu để ghi các thanh, chúng tôi nhận thấy phương pháp của Ricci-Cattaneo và Trigault rất giống phương pháp của Đắc Lộ. Phải chăng đây là nguồn gốc của những dấu “sắc, huyền…” của chúng ta ngày nay?”[16].
2 – Tác phẩm giáo lý bằng Hán văn
Trong giai đoạn đầu tiên, người ta thấy xuất hiện những bản dịch toàn bộ hoặc một phần của sáchGiáo lý đại cương xuất bản ở Bồ Đào Nha. Những bản dịch này đã được giáo sĩ Matteo tu chính và cho xuất bản.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn sáng tác những tác phẩm phong phú hơn như: sách giáo lý của Ruggerio (1584), sách giảng giải Thập điều (1584), sách dạy tân tòng của Soerio (1601), sách giáo lý của Ricci (1603), sách giảng giải kinh Tin Kính của Pantofa (+1618), sách dịch thuật cuốn giáo lý vấn đáp Bồ Đào Nha của Rocha (+1623) và rất nhiều sách kinh nguyện, tu đức[17].
Trong số những tác phẩm này, chúng ta đặc biệt đề cập đến tác phẩm của Ruggerio và Ricci.
a. Thiên Chúa thực lục chính văn (1584).
Đây là tác phẩm chữ Hán của Micae Ruggerio (Minh Kiên) xuất bản năm 1584 tại Phúc Kiến.
Sách gồm có mười sáu chương:
Chương I: Chân hữu nhất vị Thiên Chúa (chỉ có một Thiên Chúa thật)
Chương II: Thiên Chúa sự tích (những đặc tính của Thiên Chúa)
Chương III: Giải thích thế nhân… Thiên Chúa (luận về sự loài người tìm hiểu Thiên Chúa).
Chương IV: Thiên Chúa chế tác Thiên Địa nhân vật (luận về Thiên Chúa sáng tạo trời đất cùng loài người và muôn vật).
Chương V: Thiên nhân, Á Dương (về thần, về Adong).
Chương VI: Luận lý nhân hồn bất diệt,di ư cầm thú (luận về hồn loài người bất diệt khác với thú).
Chương VII: Giải thích hồn qui tứ xứ (nói về hồn về bốn nơi, sau khi lìa khỏi xác)
Chương VIII: Thiên Chúa tự cổ cập kim chỉ hữu tam giáng kỳ qui giới (nói về từ xưa tới nay, Chúa ban luật: luật tự nhiên, luật Maisen và luật Phúc Âm, tức Kitô giáo).
Chương IX: Thiên Chúa giáng thế thục nhân đệ tam thứ qui giới (Chúa giáng thế thuộc loài người vào kỳ thứ ba).
Chương X: Giải thích đệ tam thứ dữ nhân qui giới sự tích (bàn về tính cách của luật thứ ba).
Chương XI: Giải thích nhân đương thành tín Thiên Chúa thực sự (Bàn về những sự mầu nhiệm mà loài người phải tin theo).
Chương XII: Thiên Chúa thập giới (mười giới răn Thiên Chúa)
Chương XIII: Giải thích đệ nhất bi văn (bài về bia thứ nhất, gồm ba giới răn đầu tiên).
Chương XIV: Giải thích đệ nhị bi văn (bài về bia thứ hai, gồm bảy giới răn).
Chương XV: Giải thích tăng đạo thành tâm tu hành thăng thiên chi chính đạo (bàn về kẻ tu hành thành tâm theo chính đạo).
Chương XVI: Giải thích tịnh thủy trừ tiên tội (bàn về nước thánh diệt tội xưa).
So sánh với loại sách Doctrina được phiên dịch sang Hoa ngữ, chúng ta thấy tác phẩm của Ruggerio phong phú hơn nhiều. Tác giả đã lần lượt đề cập đến mấy vấn đề căn bản trong đạo công giáo như những tín điều về Thiên Chúa sáng tạo, Thiên Chúa quan phòng, Thiên Chúa thưởng phạt loài người xứng với phúc tội của mỗi người, Thiên Chúa giáng sinh cứu chuộc loài người, Thiên Chúa giáng sinh trong lòng một nữ “đồng thân”, thụ thống thụ khổ thụ hình thập tự, sống lại, lên trời và ngày sau lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Vấn đề linh hồn cũng được bàn giải kỹ càng. Phép bí tích rửa tội đề cập sau cùng, kết thúc tác phẩm bằng cách mở cửa kín đáo mời người ta vào nước Chúa.
Tác giả biết lợi dụng các giá trị tích cực cổ truyền của Trung Hoa và không ngại dùng những từ ngữ Phật giáo hay Khổng giáo: đạo tăng, sư trưởng, đạo nữ, đạo sĩ…
Thật ra tác giả chỉ mới sửa soạn tâm hồn người đọc đón nhận các chân lý của đạo Công giáo nên tác phẩm có tính cách minh giáo rõ rệt. Xét kỹ, tác phẩm có thể làm cho nhiều người hiểu lầm về đạo Công giáo nên người ta đã dự định thay thế bằng một tác phẩm ngay từ năm 1593. Các bản gỗ khắc tác phẩm của Ruggieri đã bị hủy bỏ theo lệnh của Ricci năm 1596.
b. Thiên Chúa thực nghĩa (1603)
Đó là tác phẩm của Matteo Ricci (Lợi Mã Đậu) xuất bản năm 1603 ở Bắc Kinh gồm có 8 chương, gồm 111 tờ,kể về lượng thì dày hơn sách của Ruggieri, chỉ gồm có 39 tờ, kể về phẩm thì sâu sắc hơn.
Sách của Matteo Ricci gồm có tám chương hay tám cuộc đàm thoại giữa một nho gia Tây phương hay Tây sĩ với một nho gia Trung Hoa hay Trung sĩ:
Chương I: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và cai trị bằng toàn năng săn sóc của ngài.
Chương II: Loài người có nhiều tư tưởng sai lầm về Thượng Đế.
Chương III: Loài người có linh hồn bất tử khác hẳn với muông chim cầm thú.
Chương IV: Người ta lý luận sai lạc về thần thánh và về linh hồn loài người. Vũ trụ không phải chỉ là một thể.
Chương V: Thuyết luân hồi chỉ là thuyết mơ mộng và sợ sát sinh là trẻ con. Tại sao lại giữ chay? Những lý do đích đáng để giữ chay?
Chương VI: Mục đích con người trên trần gian, ý hướng của con người trong công cuộc mình làm. Có địa ngục để phạt kẻ dữ và thiên đàng để thưởng người lành.
Chương VII: Bản tính loài người vẫn tốt. Người tín hữu phải học biết những gì?
Chương VIII: Người Âu có thái độ nào đối với tôn giáo? Tại sao linh mục giữ khiết trinh? Tại sao Thiên Chúa hóa thân giáng thế?[19]
Tác phẩm của Ricci quảng diễn mấy chủ đề của vấn đề tôn giáo: có một Thượng Đế và chỉ có một Thượng Đế thôi, có linh hồn và linh hồn thiêng liêng bất tử, loài người và hành vi thuộc luân lý tính của loài người.
Tác giả chú trọng về triết học Kitô giáo hơn là thần học chính tông, ít đề cập đến những mầu nhiệm Kitô giáo trừ mấy đoạn nói về nguồn gốc loài người theo sách sáng thế, về bậc đồng trinh và phép thanh tẩy. Tác giả viện dẫn tứ thư ngũ kinh của Nho giáo để chứng minh vấn đề Thượng Đế, linh hồn, đồng thời chỉ trích những sai lạc trong các tôn giáo như Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo.
Có thể nói là tác phẩm Thiên Chúa thực lục là một sách minh giáo viết cho các nho gia thời đó mà tác giả gọi là Trung sĩ. Tác phẩm được dịch ra tiếng Mãn Châu, Cao Ly, Nhật Bản… Năm 1667 có người cho nó đã được “mặc khải và trợ lực riêng của Chúa” và năm 1778, có người đã so sánh nó với những tác phẩm cổ điển của Trung Hoa.
Sau khi kiểm điểm việc sáng chế chữ Nhật La mã hóa, việc phiên âm Hoa ngữ, chúng ta nhận thấy nỗ lực sáng chế chữ quốc ngữ trong tiền bán thế kỷ XVII nằm trong khuôn khổ công trình ngữ học của các giáo sĩ truyền giáo ở Á Đông muốn có công cụ phổ biến dễ dàng Phúc Âm. Những cuốn tự điển và sách văn phạm ở Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam cùng nằm trong khuôn khổ ấy và có thể xem là những công trình khảo luận ngữ học đầu tiên căn cứ trên quan điểm khoa học và phát huy cá tính dân tộc. Từ việc dịch thuật đến việc sáng tác, các tác giả sách giáo lý Nhật Bản và Trung Hoa đã biểu thị hai khuynh hướng văn học: một là vận dụng lối phiên âm La tinh, hai là vận dụng văn tự cổ truyền. Hai khuynh hướng này cũng xuất hiện ở Việt Nam với hai loại tác phẩm: tác phẩm bằng chữ quốc ngữ và tác phẩm bằng chữ Nôm.
Võ Tòng Lê
Chú thích
[1] Alexandre de Rhodes, Voyages et Missions Éd. Lille 1888 trang 69. André Mariller dẫn trong Le catéchisme du Père de Rhodes, in trong Cathéchismus, Tinh Việt tái bản, ấn bản Pháp ngữ trang XLII.
[2] Xem Henri Bernard, Pour la compréhension de l’Indochine et de l’Occident, Hanoi 1939, trang 91-92 và Aux Portes de la Chine, trang 200, chú 29.
[3] Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume du Tonkin et des grands progrès que la prédication de l’Evangile y a faits en la conversion des infidèles, Lyon 1651, Nguyễn Hồng trích dịch trong Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, sđd, trang 120-121.
[4] Xem Bartoli, Historia della Compania di Gesu Vol. V trang 207-222.
[5] Pfister, Notices biographiques et biliographiques sur les Jésuites de l’Ancienne mission de Chine T.l. Chang Hai 1932, trang 75. Dẫn theo André Mariller, Le catéchisme du Père de Rhodes, sđd, trang XLIII chú 28.
[6]André Mariller, sđd trang XLIII và XLIV.
[7] Nguyễn Khắc Xuyên, Chung quanh vấn đề thành lập chữ Quốc ngữ, bài in trong VNHS, loại mới số 39 tháng 3-4 năm 1959.
[8] Shingetono Koda, Notes sur la presse jésuite au Japon et spécialement sur les livres imprimés en caractères japonais trong Monumenta nipponica, Tokyo 1939, II trang 374. Chú thích của Nguyễn Khắc Xuyên, bđd.
[9] Nguyễn Khắc Xuyên, Quan điểm thần học trong phép giảng tám ngày của giáo sĩ Đắc Lộ, bài trong Đại Học số 19 tháng 2, 1961.
[10] Nguyễn Khắc Xuyên, Tác phẩm quốc ngữ đầu tiên: Phép giảng tám ngày in trong Giáo sĩ Đắc Lộ và Tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, sđd trang XLI.
[11] Vocabulario Portughese, ARSI, sin I, 45 chú thích của Nguyễn Khắc Xuyên, bđd, trang XLI.
[12] D’Elia, Fonti Ricciane, II, trang 33 chú 3 như trên.
[13] ARSI, Jap-sin II, 127.
[14] H.Bernard, Les adaptations chinoises d’ouvrages européens, 1945, trang 316 chú 100. Chú thích của Nguyễn Khắc Xuyên trong bài Vấn đề chữ quốc ngữ Trung Hoa hay Vấn đề phiên âm Hoa ngữ cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, in trong VNHS, loại mới số 43 tháng 8 năm 1959, 44 thang1-1959.
[15] Bđd, VNHS số 44 trang 1153.
[16] Nguyễn Khắc Xuyên, Tác phẩm chữ quốc ngữ đầu tiên: Phép giảng tám ngày, bđd, trang XLII. Các thanh và ký hiệu đó là:
Bình thượng: —
Bình hạ: ^
Thượng thanh: `
Khứ thanh: ´
Nhập thanh:
[17] Pfister, Notices biographiques et bibliographiques et sur les Jésuites de l’ancienne mission de Chine, t1 Chang Hai, 1932.
[18] Xem Nguyễn Khắc Xuyên, Quan điểm thần học trong Phép giảng tám ngày của giáo sĩ Đắc Lộ, bđd, trang 39-40.
[19] Xem Nguyễn Khắc Xuyên, bđd, trang 41-42. Matthieu Ricci, Entretiens d’un lettré chinois et d’un docteur Européen sur la vraie idée de Dieu trong Lettres édifiantes, Paris, 1783, XXV, trang 111-418. Henri Bernard, Le père Matthieu Ricci et la société chinoise de son temps, Tientsin, 1937, I, trang 122. D’Elia, Fonti Ricciane, II, trg 294.
[2] Xem Henri Bernard, Pour la compréhension de l’Indochine et de l’Occident, Hanoi 1939, trang 91-92 và Aux Portes de la Chine, trang 200, chú 29.
[3] Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume du Tonkin et des grands progrès que la prédication de l’Evangile y a faits en la conversion des infidèles, Lyon 1651, Nguyễn Hồng trích dịch trong Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, sđd, trang 120-121.
[4] Xem Bartoli, Historia della Compania di Gesu Vol. V trang 207-222.
[5] Pfister, Notices biographiques et biliographiques sur les Jésuites de l’Ancienne mission de Chine T.l. Chang Hai 1932, trang 75. Dẫn theo André Mariller, Le catéchisme du Père de Rhodes, sđd, trang XLIII chú 28.
[6]André Mariller, sđd trang XLIII và XLIV.
[7] Nguyễn Khắc Xuyên, Chung quanh vấn đề thành lập chữ Quốc ngữ, bài in trong VNHS, loại mới số 39 tháng 3-4 năm 1959.
[8] Shingetono Koda, Notes sur la presse jésuite au Japon et spécialement sur les livres imprimés en caractères japonais trong Monumenta nipponica, Tokyo 1939, II trang 374. Chú thích của Nguyễn Khắc Xuyên, bđd.
[9] Nguyễn Khắc Xuyên, Quan điểm thần học trong phép giảng tám ngày của giáo sĩ Đắc Lộ, bài trong Đại Học số 19 tháng 2, 1961.
[10] Nguyễn Khắc Xuyên, Tác phẩm quốc ngữ đầu tiên: Phép giảng tám ngày in trong Giáo sĩ Đắc Lộ và Tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, sđd trang XLI.
[11] Vocabulario Portughese, ARSI, sin I, 45 chú thích của Nguyễn Khắc Xuyên, bđd, trang XLI.
[12] D’Elia, Fonti Ricciane, II, trang 33 chú 3 như trên.
[13] ARSI, Jap-sin II, 127.
[14] H.Bernard, Les adaptations chinoises d’ouvrages européens, 1945, trang 316 chú 100. Chú thích của Nguyễn Khắc Xuyên trong bài Vấn đề chữ quốc ngữ Trung Hoa hay Vấn đề phiên âm Hoa ngữ cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, in trong VNHS, loại mới số 43 tháng 8 năm 1959, 44 thang1-1959.
[15] Bđd, VNHS số 44 trang 1153.
[16] Nguyễn Khắc Xuyên, Tác phẩm chữ quốc ngữ đầu tiên: Phép giảng tám ngày, bđd, trang XLII. Các thanh và ký hiệu đó là:
Bình thượng: —
Bình hạ: ^
Thượng thanh: `
Khứ thanh: ´
Nhập thanh:
[17] Pfister, Notices biographiques et bibliographiques et sur les Jésuites de l’ancienne mission de Chine, t1 Chang Hai, 1932.
[18] Xem Nguyễn Khắc Xuyên, Quan điểm thần học trong Phép giảng tám ngày của giáo sĩ Đắc Lộ, bđd, trang 39-40.
[19] Xem Nguyễn Khắc Xuyên, bđd, trang 41-42. Matthieu Ricci, Entretiens d’un lettré chinois et d’un docteur Européen sur la vraie idée de Dieu trong Lettres édifiantes, Paris, 1783, XXV, trang 111-418. Henri Bernard, Le père Matthieu Ricci et la société chinoise de son temps, Tientsin, 1937, I, trang 122. D’Elia, Fonti Ricciane, II, trg 294.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét