Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam: Chương VII – Văn học Công giáo chữ quốc ngữ



A. Tiểu sử và tác phẩm của giáo sĩ Alexandre de Rhodes
Với cuốn Tự điển Việt-Bồ-La và cuốn văn phạm Việt ngữ, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã tổng hợp các nỗ lực phiên âm Việt ngữ để đưa ra một hình thức hoàn hảo hơn. Giáo sĩ lại thí nghiệm hình thức này trong một tác phẩm sáng tác đầu tiên bằng chữ quốc ngữ: cuốn Phép giảng tám ngày. Những tác phẩm này sẽ được lần lượt phân tích, nghiên cứu để nhận định về công trình ngữ học, văn học, và thần học của tác giả.
Nếu chúng ta cần phải dè dặt về danh hiệu “thuỷ tổ chữ quốc ngữ” phong tặng cho giáo sĩ Alexandre de Rhodes [1], chúng ta đều đồng ý công nhận tác giả là người khai sáng nền văn học công giáo chữ quốc ngữ.
I. TIỂU SỬ ALEXANDRE DE RHODES
Giáo sĩ dòng Tên Alexandre de Rhodes sinh vào khoảng năm 1593 [2] tại địa hạt Comtat Venaissin tỉnh Agvinon bây giờ thuộc Pháp nhưng lúc bấy giờ là lãnh thổ của Tòa thánh La Mã nên có thể nói giáo sĩ là “công dân Đức giáo hoàng”’. Tổ tiên Đắc Lộ vốn là người gốc Do Thái trở lại đạo Công giáo. Ông nội giáo sĩ đã di cư từ Tây Ban Nha đến Avignon từ giữa thế kỷ XVI [3]. Thân sinh giáo sĩ được liệt vào bậc thân hào của địa phương.
Sau những năm tiểu học và trung học ở quê nhà, năm 1612, Đắc Lộ được nhận vào dòng Tên ở La Mã, học tại Tập viện Saint Adré du Quirinal. Chủng sinh Đắc Lộ chuyên chú về thần học và toán học. Nhờ môn toán học mà sau này Đắc Lộ gây được uy tín với vua quan và dân chúng ở nước ta.
Sau sáu năm học tập, Đắc Lộ được cha bề trên cả dòng Tên chấp thuận sang Viễn Đông truyền giáo như sở cầu. Giáo sĩ Đắc Lộ khởi hành từ Lisbonne, thủ đô Bồ Đào Nha cùng ngày 4-4-1619 trên chuyến tàu Thánh nữ Têrêsa, đồng hành với 4 giáo sĩ dòng Tên, trong đó có giáo sĩ Girolamo Majorica.
Sau những chặng ghé tại Goa (Ấn Độ) Malacca (Mã Lai) giáo sĩ đến Áo Môn (Trung Hoa) ngày 29-5-1624, định vào giảng đạo ở Nhật Bản. Nhưng lúc ấy Nhật Bản cấm đạo, nên giáo sĩ Đắc Lộ được phái đến Đàng Trong.
Vào cuối tháng chạp năm 1624, đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), giáo sĩ đến Đà Nẵng sau 19 ngày vượt biển, cùng với giáo sĩ dòng Tên, trong đó có cha Gabriel de Mattos và một giáo sĩ người Nhật thạo chữ Hán. Lúc bấy giờ cha Buzomi làm Bề trên phái đoàn truyền giáo ở Đàng Trong, cha Pina thông thạo tiếng Việt và giảng đạo không cần thông ngôn.
Giáo sĩ Đắc Lộ bắt đầu học tiếng Việt, sau bốn tháng, giải tội và sau sáu tháng, giảng dạy được bằng tiếng Việt, cha thuật lại việc học như sau: “Một thiếu niên trong xứ, chỉ trong ba tuần lễ đã dạy tôi đủ hết các cung giọng của tiếng Việt, và cách đọc của tất cả các tiếng. Cậu ấy không hiểu tiếng tôi, và tôi cũng chẳng hiểu tiếng cậu, nhưng cậu thông minh đến nỗi tự nhiên hiểu được hết các điều tôi muốn nói, và thật sự, cũng trong ba tuần lễ ấy, cậu đã học đọc được các thư của chúng tôi, lại còn viết được tiếng Pháp, và giúp được lễ bằng tiếng La Tinh. Tôi ngạc nhiên thấy một trí khôn mẫn tiệp như vậy và cả trí nhớ vững chắc nữa. Từ đó, cậu làm thầy giảng giúp các cha, và đã trở nên một lợi khí rất đắc lực làm sáng danh Thiên Chúa ở Giáo đoàn này và trong xứ Lào, vì về sau thầy sang đó hoạt động mấy năm rất có hiệu quả. Thầy giảng ấy yêu mến tôi đến nỗi lấy tên tôi.”[4]
Sau khi thông thạo tiếng Việt, giáo sĩ Đắc Lộ cùng giáo sĩ Pina từ Quảng Nam ra Thuận Hóa giảng đạo rồi lại trở về Quảng Nam năm 1626. Giáo sĩ Pina từ trần năm ấy vì chết đuối ở ngoài cửa chợ Hội An. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cấm đạo, nhưng thế tử Nguyễn Phúc Kỳ trấn thủ Quảng Nam khoan dung nên các giáo sĩ vẫn ở lại tiếp tục truyền giáo.
Tháng 7 năm 1626 Bề trên gởi giáo sĩ Đắc Lộ về Áo Môn và ngày 19-3-1627, giáo sĩ đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) làm Bề trên phái đoàn truyền giáo Đàng Ngoài. Cùng đi với giáo sĩ Đắc Lộ, có giáo sĩ Pierre Marquez.
Nhờ nói tiếng Việt nên giáo sĩ Đắc Lộ truyền giáo có kết quả ngay từ lúc đầu. Giáo sĩ yết kiến chúa Trịnh Tráng lúc bấy giờ có mặt ở Thanh Hóa trong dịp vào Nam đánh chúa Nguyễn, rồi lại theo chúa Trịnh Tráng về Thăng Long.
Năm 1629, chúa Trịnh Tráng cấm đạo và buộc các giáo sĩ phải về Áo Môn hoặc vào Đàng Trong. Giáo sĩ bị giải xuống thuyền để đi vào Nam. Trong ba tuần lênh đênh trên mặt biển giáo sĩ đã rửa tội được 24 người lính trong số 36 người. Thay vì đưa giáo sĩ vào Đàng Trong, quân sĩ đưa giáo sĩ lên bộ ở Bố Chính. Giáo sĩ hoạt động ở vùng Nghệ Tĩnh, trong 4 tháng rồi đáp một thương thuyền Bồ Đào Nha đến Thăng Long. Đến tháng 5 năm 1630, chúa Trịnh buộc giáo sĩ phải rời Đàng Ngoài.
Giáo sĩ trở về Áo Môn làm giáo sư thần học trong 10 năm. Năm 1640, giáo sĩ lại được cử đến Đàng Trong làm Bề trên thay thế cha Buzomi vừa từ trần.
Giáo sĩ yết kiến chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) tại Thuận Hóa. Bốn tháng sau, giáo sĩ được lịnh quan Cai Bộ dinh Quảng Nam [5] bắt phải từ giã xứ Nam.
Nhưng giáo sĩ Đắc Lộ trở lại Đàng Trong lần thứ ba vào ngày áp lễ sinh nhật 1640 rồi lại bị trục xuất 2-7-1641.
Lần thứ năm và lần chót, giáo sĩ vượt biển trở lại Đàng Trong vào đầu tháng 3 năm 1644. Giáo sĩ chứng kiến cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên ngày 26-7-1644.
Hai tháng sau, chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) lên án tử hình giáo sĩ, sau đổi ra án trục xuất. Giáo sĩ từ giã Đàng Trong ngày 3-7-1645, “lòng và trí lúc nào cũng để ở xứ Nam cũng như xứ Bắc” theo lời tự thuật trong sách Hành trình và truyền giáo của giáo sĩ.
Giáo sĩ trở về Áo Môn, dạy tiếng Việt cho hai cha Metello Saccano và Carlo della Rocca.
Ngày 20-12-1645 trong lúc hai giáo sĩ này đáp tàu đến Đàng Trong, giáo sĩ Đắc Lộ đáp tàu đi Âu châu để vận động thành lập hàng giáo phẩm ở Việt Nam.
Giáo sĩ đến La Mã ngày 27-6-1649 sau một hành trình kéo dài trong ba năm sáu tháng, trải qua bao gian nan nguy hiểm.
Giáo sĩ dâng hai bản điều trần, một cho Bộ truyền giáo ngày 2-8-1650, một cho Đức giáo hoàng ngày 6-3-1651, đại khái xin cử giám mục sang Việt Nam để củng cố một giáo hội đang có triển vọng trưởng thành.
Giáo sĩ rời La Mã đi Balê ngày 11-9-1652 để vận động cho công cuộc truyền giáo. Giáo sĩ làm quen với nhóm “Les Bons Amis” đầy tinh thần truyền giáo, và nhất là với cha Francois Pallu, là người sáng lập Hội truyền giáo ngoại quốc ở Balê.
Kết quả là do đoản sắc ngày 29-7-1658, Tòa thánh phong cha Pallu làm giám mục hiệu tòa Heliopolis và cha Lambert de la Motte làm giám mục hiệu tòa Béryte, cả hai làm Đại diện tông tòa ở Việt Nam. Đoản sắc ngày 9-9-1659 quy định địa phận của Đức cha Pallu gồm có Đàng Ngoài, Lào và 5 tỉnh ở Trung Hoa, địa phận của Đức cha Lambert de la Motte gồm có Đàng Trong, 4 tỉnh ở Trung Hoa và đảo Hải Nam.
Chính giáo sĩ Đắc Lộ đã từ chối không nhận vinh dự được cử làm giám mục ở Việt Nam. Vâng lệnh Tòa thánh, giáo sĩ rời Marseille ngày 16-11-1654 đi truyền giáo ở Ba tư, đến Ispahan, thủ đô Ba tư vào đầu tháng 11 năm 1655. Giáo sĩ làm Bề trên phái đoàn truyền giáo, học tiếng Ba tư cũng như trước kia đã say xưa học tiếng Latinh, Hy Lạp, Do Thái, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, ấy là chưa kể tiếng Provencal, Pháp và Ý là những thứ tiếng quê hương của giáo sĩ.
Dân Ba tư sùng Hồi giáo nên việc truyền giáo không có nhiều kết quả như ở Việt Nam. Niềm hoan hỉ lớn lao nhất của giáo sĩ trong thời gian ở Ba tư là được tin Đức giáo hoàng đã ký các đoản sắc bổ nhiệm các giám mục sang Việt Nam và ấn định ranh giới hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài. Bức thư đề ngày 3-6-1659 của giáo sĩ đã nói lên niềm hoan hỉ đó.
Giáo sĩ từ trần tại Ispahan ngày 5-11-1660 [6]
II. TÁC PHẨM CỦA ALEXANDRE DE RHODES
Tác phẩm của giáo sĩ Đắc Lộ viết bằng nhiều thứ tiếng: La ngữ, Ý ngữ, Pháp ngữ, Việt ngữ và gồm có các loại du ký, sử địa Việt Nam, truyền giáo sử, giáo lý và điển chế Việt ngữ [7].
Sau đây là danh sách các tác phẩm theo thứ tự xuất bản với những ghi chú thư tịch cần thiết:
1. Lettre du P.Alexandre de Rhodes, SJ au P.Général escritte de la Cochinchine, 1641. Đó là “Thư của cha Alexandre de Rhodes thuộc dòng Tên gởi cho cha Bề trên cả dòng Tên, viết từ Đàng Trong năm 1641”.
Thư này có in trong tác phẩm của Francois Cardim nhan đề là Relation de la Province du Japon escritte en Portugais par le Père Francois Cardim de la Compagnie de Jésus, procureur de cette province. [Tournai, 1645, in 12 o , trang 106-114); trong bản dịch tiếng Ý: Relatione della provincea del Giappone… (Romae, 1645 tr.93-99).
2. Relizione de’felici succesi della Fanta Fede prédicata da’Padri della compagnia de Giesu nel Regno di Tunchino alla Santita di N.N.PP. Inno cenxio decimo di alessandro de Rhodes, avignonese della medesima Compagnia e Mimonario apostolico della Sacra Congregatione de Propaganda Fide, Roma 1650).
3. Histoire du Royaume du Tonkin et des grands progrès que la prédication de l’Evangile y a faite en la conversion des infidèles. Depuis l’année 1627 jusques à l’année 1646. Composée en latin par le R.P. Alexandre de Rhodes, de la compagnie de Jésus et traduire en francais par le R.P.Henri Albi de la mesme Compagnie Lyon, 1651).
[Lịch sử Đàng Ngoài và những bước tiến triển lớn lao mà Phúc âm rao giảng đã làm ở nước này để cải hóa lương dân, từ năm 1627 đến năm 1646. Cha Alexandre de Rhodes thuộc dòng Tên soạn bằng La ngữ và cha Henri Albi cũng thuộc dòng Tên dịch ra Pháp ngữ, Lyon 1651).
4. Tonchinensis histoiriae libri duo quoum altero status temporalis hyjus Regni, altero Mirabilis Evangelicae proedicationis progresus referuntur, ceptae, per Patres Societatis Jesu ab anno 1627 ad annum 1646. Authore p. Alexandro de Rhodes, avenionensi ejusdem Societatis preshytero eorum quoe his narrantur teste oculato. Lyon 1652.
Bản La ngữ này do cha Henri Albi dịch ra Pháp ngữ và tái bản tại nhà in Kẻ Sở (Việt Nam, năm 1906, Ex typis Missionis Tunquini Occidentalis).
5. Dictionarum Anamiticum Lusitanum et Latinum ope congregationis de Propaganda Fide in lucem editum… Typis et symtibus ejusdem Sacrae Congregationis, Romae 1651 khổ 4 o 645 trang.
Đó là cuốn Tự điển Việt-Bồ-La do Bộ truyền giáo xuất bản. Cùng in chung với cuốn này có cuốn quen gọi Văn phạm Việt ngữ, nhan đề là Linguae Annamiticas seu Tonkinensis Brevis Declaratio (Tiểu lược về tiếng Việt hay tiếng xứ Đông Kinh).
6. Catechismus pro iis qui volunt suscipere baptisnum in octo dies divisus. Phép giảng tám ngày cho kẻ muan chịu phép rửa tội mà beào đạo Thánh đức Chúa blời. Ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in lucem editus. Ab. Alexandro de Rhodes e Societas Jesu, ejusdem Sacrae Congrationis Missionario apostolico, Rome, Typis Sacreae Congregationis de Propagnada Fide (1651).
Đây là cuốn giáo lý song ngữ La Việt quen gọi là Phép giảng Tám ngày do Bộ truyền giáo xuất bản, đã dịch ra tiếng Thái Lan và tiếng Pháp.
Về bản dịch tiếng Thái Lan, sách Voyages et Missions của Alexandre de Rhodes, tái bản năm 1854 ở Paris, trang VI có nói: “Cuốn giáo lý này được ông Laurent, con của ông Barkalor, cựu thủ tướng của vua Thái Lan dịch ra tiếng Thái Lan, vào khoảng cuối đời vua Louis XIV. Chẳng biết rõ bản dịch này có được ấn hành hay không”.
Bản dịch tiếng Pháp là công trình của Đức cha Chappoulie nhan đề là: Le catéchisme d’ Alexandre de Rhodes pour les missions d’Annam, in trong Aux Origines d’une Eglise, Rome et missions d’Indochine, cuốn II (Paris, Bloud et Gay 1943 tr.145-260)
Năm 1961, Tinh Việt văn đoàn, có tái bản nguyên bản La ngữ và Việt ngữ của Alexandre de Rhodes. Trong hai ấn bản Pháp ngữ và Việt ngữ, phần sao lục chú giải do Marillier phụ trách, phần khảo luận do Phạm Đình Khiêm, Nguyễn Khắc Xuyên và Claude Larre đảm nhiệm.
7. Relation des progrès de la foi au royaume de la Cochinchine vers les des derniers quartiers du Levant, Paris 1652, in 8 o
Đó là một bản điều trần về những tiến triển đức tin ở xứ Đàng Trong.
8. La glorieuse mort d’André catéchiste de la Cochinchine qui a le premier versé son sang pour la querelle de Jésus-Christ en cette Nouvelle Eglise par le père Alexandre de Rhodes qui a toujours été présent à toute cette histoire, Paris 1653).
Cái chết vinh quang của thầy giảng Anrê ở xứ Đàng Trong, người đầu tiên đổ máu vì chúa Giêsu Kitô tại Giáo hội tân lập này. Tác giả là cha Alexandre de Rhodes luôn luôn có mặt lúc xảy ra biến cố này.
9. Relatione della morte di Andrea catechista di primo Christiani nel Regon di Cocicina è jlate ucciso da gl’infedeli in odio della fede alli 26 di Luglio 1644, Rome 1665.
Đó là cuốn tiểu sử thầy giảng Anrê, nay in năm 1652 ở Rôma bằng tiếng Ý và do tác giả viết lại bằng tiếng Pháp in năm 1653 ở Paris.
10. Sommaire des divers voyages et missions apostoliques du P. Alexandre de Rhodes de la Compagnie de Jesus à la Chine et autres Royaumes de l’Orient avec son retour de la Chine à Rome, depuis l’année 1618 jusques à l’année 1653, Paris.
Sơ lược những cuộc hành trình và truyền giáo của cha Alexandre de Rhodes thuộc dòng Tên tại Trung Quốc và các xứ Viễn Đông, với cuộc trở về Trung Quốc đến Roma, từ năm 1618 đến năm 1653.
11. Divers voyages et missions du père Alexandre de Rhodes en la Chine et aures royaumes de l’Orient, avec son en Europe par la Perse et l’Arménie, le tout divisé en troisparties, Paris 1653.
Những cuộc hành trình và truyền giáo của cha Alexandre de Rhodes ở Trung Quốc và các xứ khác ở Đông phương, với cuộc trở về Âu châu ngang qua Ba tư và Arménie, toàn bộ chia làm ba phần, Paris 1653.
III. PHÂN TÍCH CÁC TÁC PHẨM CHỮ QUỐC NGỮ CỦA ALEXANDRE DE RHODES
Trước khi nhận định phần đóng góp của giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong công cuộc sáng chế chữ quốc ngữ và hình thành ngôn ngữ Công giáo, chúng ta hãy lần lượt giới thiệu ba tác phẩm chữ quốc ngữ của giáo sĩ là Tự điển Việt Bồ La, Văn phạm Việt ngữ, và Phép giảng tám ngày.
1. Tự điển Việt Bồ La
Cuốn này in tại Roma ngày 5-2-1651 do thánh bộ truyền giáo xuất bản với nhan đề: Dictionarum Anamiticum Lusitanum et Latinum.
Trong bài tựa bằng tiếng La tinh, tác giả cho chúng ta biết về quá trình soạn thảo và xuất bản cuốn tự điển này.
Theo tác giả, mục đích xuất bản cuốn tự điển là để giúp ích cho công cuộc truyền giáo. Về sự quan trọng của tiếng Việt, tác giả viết: “Tiếng Việt Nam là thứ tiếng không những chung cho hai xứ khá rộng lớn là xứ Đàng Ngoài và xứ Đàng Trong, thêm vào đó ta còn phải kể đến xứ Cau Bằng là một xứ cũng dùng thuần tiếng Annam, mà còn chung cho nhiều xứ lân cận, Ciampa, Cambogia, Laorum và Siam”[8]. Tác giả còn cho biết đã học tiếng Việt với những người bản xứ trong thời gian 12 năm ở Đàng Trong và Đàng Ngoài nhất là với các giáo sĩ khác như giáo sĩ Francesco de Pina. Tác giả lợi dụng cuốn tự điển Việt Bồ của Gaspar d’Amaral và cuốn tự điển Bồ Việt của Antonio de Barbosa và chua thêm tiếng latin. [9]
Cuốn tự điển này dày gần 500 trang, mỗi trang chia làm hai cột, đánh số theo cột chứ không theo trang.
Tác giả sưu tập những tiếng đơn và thành ngữ thông dụng. Chẳng hạn như tiếng ác, tác giả lần lượt đưa ra tiếng đồng nghĩa dữ và các thành ngữ: ác tâm (làõ dữ = lòng dữ) đại ác (dữ lắm), chơi ác, hay ác, ác nghiệp.
Về tiếng ăn, tác giả lần lượt đưa ra các thành ngữ: ăn cơm, ăn mầng, ăn tết, ăn mày, ăn mót, ăn vía, ăn táp, ăn chay, ăn chay cả, ăn kiêng, ăn lại, ăn tiền, ăn géy, ăn chỉ, ăn lờ, ăn lãi, của tàu ăn, géy ăn mực, buầm ăn rỡu, buầm ăn gió, ăn năn tội, ăn trộm, ăn cướp, cưa ăn gỗ.
Tác giả còn định nghĩa theo nhận định của người đương thời. Chẳng hạn như tiếng Bà lão là một bà đáng kính, bà già là người đàn bà đã có tuổi, bà sang là một vị cung phi của nhà vua đã quá cố.[10]
Cuốn tự điển Việt Bồ La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes không những là hóa thân của các tự điển của Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa, mà còn là tài liệu chắc chắn về hình thức chữ quốc ngữ. Nhờ công trình san định và dịch nghĩa của Alexandre de Rhodes mà chúng ta có tài liệu để tìm hiểu sự tiến hóa của ngôn ngữ văn tự Việt Nam.
2. Văn phạm Việt ngữ
Như trên đã nói, đây là một tác phẩm riêng biệt bằng tiếng Latinh đóng chung vào với cuốn tự điển Việt Bồ La và mang nhan đề: Linguae annamiticae seu Tunkinensis Brevis Declaratio (Tiểu lược về tiếng Việt hay tiếng Đông Kinh).
Mở đầu tác giả nói chung về những đặc tính căn bản của tiếng Việt. Theo tác giả, tiếng Việt cũng như tiếng Tàu, tiếng Nhật không có giống loại, từ ngữ không biến thể như các thứ tiếng Tây phương. Để chỉ định thời gian cho động từ, có những tiếng thêm vào động từ. Các dấu giọng lên xuống là linh hồn của tiếng Việt.
Tiếp theo là 8 chương bàn về văn phạm Việt ngữ.
Chương I: De littéris et syllabis quibus haec linguae constat (Bàn về các chữ và vần cấu tạo nói tiếng Việt).
Sau khi luận rằng chữ nôm khó học, có thể có hơn 80 ngàn tiếng khác nhau nên khó mà thông thạo hết được, tác giả bàn về các mẫu tự chữ quốc ngữ: “Tiếng Bắc Kỳ có hết các chữ như tiếng chúng ta, chỉ thiếu có chữ z. Thực ra họ không có chữ F của chúng ta mà chỉ có chữ ph hay đúng hơn chữ phi Hy Lạp. Tuy vậy chúng tôi có dùng chữ ph cho dễ dàng hơn và tiện lợi hơn, cần sao tránh được sự lẫn lộn. Ngoài ra, còn phải thêm bốn chữ mới để phát âm mấy tiếng riêng biệt mà trong tiếng Âu châu không có. Bốn chữ đó là hai chữ nguyên âm ơ và ư và hai chữ phụ âm b và đ”[11].
Tác giả lần lượt giải thích các nguyên âm và phụ âm a, b, c, d, đ, e, f, đúng hơn là ph, g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, x.
Chương II: De accentibus et aliis signis in vocalibus (Bàn về âm thanh và các dấu của nguyên âm).
Tác giả cho rằng linh hồn của tiếng Việt ta ở các dấu lên xuống và sáu dấu lên xuống trong tiếng ta như sáu dấu trong nhạc lý Âu châu.
Tác giả có tiểu xảo đưa ra những tiếng Việt tương đương với nốt nhạc để chứng minh lập luận: dò (pedica) rệ (radix), mĩ (momen cojusdam familiae) pha (miscere) sổ (cathalogus) lá (folium) (dò rệ mĩ pha sổ la = đô rê mi fa sol la)
Chương III: De mominibus (bàn về danh từ)
Tác giả chia làm hai loại danh từ: một loại thuần tuý là danh từ, không thể trở lại tiếng khác được: Trời, Đất, Người, một loại vừa có thể là danh từ, vừa có thể là động từ, tuỳ phận sự của nó trong câu, như chèo vừa là cái chèo, vừa là công việc chèo.
Bàn về số ít nhiều của danh từ, tác giả nêu ra ba cách chỉ số nhiều:
Cách thứ nhất là thêm trước danh từ những tiếng như : những, mớ, chúng.
Cách thứ hai là thêm n hững tiếng tổng hợp như coên (quân), các, mọi, nheo (nhiều), muấm (muốn) hết.
Cách thứ ba là dùng những tiếng chỉ giống chỉ loại như: muâng (muông) chim, cây cối, hoa quả.
Chương IV: De pronominibus (bàn về đại từ).
Tác giả xác nhận tính cách phong phú và phiền phức của các đại từ Việt Nam và giải thích từng đại từ.
Chương V: De adjuactibus (bàn về trạng từ).
Chương VI: De verbis (bàn về động từ).
Chương VII: De reliquis orationis partibus indeclinabilibus (bàn về những loại tiếng không có dạng).
Chương VIII: De praecepta quaedam ad syntaxim pertinentia (Bàn về nguyên tắc liên quan đến cú pháp).
Tác giả nêu tám nguyên tắc:
Nguyên tắc 1: chủ từ phải đi trước động từ, nếu không, chủ từ không còn là chủ từ nữa. Thí dụ: mầy cười / cười mầy.
Nguyên tắc 2: danh từ nào đi theo động từ thì là túc từ của động từ ấy. Thí dụ: Tôi mến Chúa / Chúa mến tôi.
Nguyên tắc 3: tiếng chủ động phải đặt trước tiếng trạng từ giúp nghĩa cho nó. Thí dụ: Chúa cả, thằng nhỏ. Nguyên tắc này cũng có trường hợp ngoại lệ. Thí dụ: cả làõ (cả lòng), cả gan.
Nguyên tắc 4: hai danh từ đặt liền nhau thì danh từ thứ hai là túc từ cho danh từ thứ nhất. Thí dụ: chúa nhà / nhà chúa.
Nguyên tắc 5: trạng từ thường có ý nghĩa một động từ vì thế thường không cần phải dùng đến động từ, nhất là khi trước trạng từ còn có một tiếng chỉ định rõ ràng. Thí dụ: núi này cao / thằng ấy lành / áo này cũ / Mlời Chúa thật.
Nguyên tắc 6: tiếng Việt ít dùng liên từ, bỏ đi thì lời nói trở nên văn hoa hơn. Thí dụ như câu: kẻ có đạo thì thức sớm đaọc (đọc) kinh, lần hột, đi xem lễ, thí của cho kẻ khó, làm phúc…
Nguyên tắc 7: phải lập lại động từ trước từng động từ một. Thí dụ: Tôi lạy thầy, tôi bởi làng mà đến, tôi đã nhaọc (nhọc), tôi xin xưng tội, tôi xin chịu mình Chúa.
Nguyên tắc 8: có những tiếng Việt có vẻ sang trọng đài các khó có thể dịch ra bằng một tiếng ngoại ngữ, chẳng hạn tiếng thì vừa là để chỉ nguyên nhân (có muấn (muốn) thì làm), vừa để chỉ tính cách đối lập (có kẻ thì lành, có kẻ thì dữ) [12].
Cuốn Văn phạm Việt ngữ là một tài liệu về hệ thống phiên âm Việt ngữ phôi thai, và chứng tỏ tác giả hiểu rõ đặc điểm âm thanh và cú pháp của tiếng Việt.
3. Phép giảng tám ngày
Tác phẩm này do Thánh bộ truyền giáo ấn hành tại nhà in của Thánh bộ tại Roma năm 1651, nhan đề là Catechismus pro iis qui volunt suscipere baptisnum in octo dies divisus. Phép giảng tám ngày cho kẻ muan chịu phép rửa tội mà beào đạo Thánh đức Chúa blời.
Sách dày 324 trang khổ 17×23 in bằng hai thứ tiếng song song, bên trái là La ngữ, bên phải là Việt ngữ. Để tiện việc so sánh, tác giả ghi mẫu tự theo thứ tự từ a đến z trước mỗi câu La ngữ và Việt ngữ tương đương.
Theo hiện tình nghiên cứu, chúng ta không biết ấn bản đầu tiên gồm bao nhiêu cuốn cũng như không rõ sách có được tái bản hay không. Có điều chắc chắn là cuốn Phép giảng tám ngày được sao chép rất nhiều hoặc bằng chữ quốc ngữ hoặc bằng chữ nôm, và được phiên dịch ra tiếng Thái Lan và tiếng Pháp.
Chúng ta không rõ sách được soạn thảo năm nào, chỉ biết rằng năm 1649 khi về đến Roma, tác giả đã dự liệu xuất bản cuốn Phép giảng tám ngày, cuốn Tự điển Việt Bồ La và Văn phạm Việt ngữ. Nguyễn Khắc Xuyên ức đoán rằng cuốn Phép giảng tám ngày “đã được biên soạn hay khởi thảo từ những năm 1627-1629”[13]. Điều có thể tin được là sách này được soạn thảo trong kinh nghiệm truyền giáo, sao chép tay bằng chữ quốc ngữ hay chữ nôm để thông dụng trong các giáo đoàn, sau này được tác giả tăng bổ trước khi ấn hành 1651.
Theo sự nghiên cứu của André Marillier, “bản văn La ngữ của cuốn Phép giảng tám ngày không phải là quá đơn giản sơ lược, cũng không phải là theo cú pháp cổ điển: nhiều lúc thì là phiên dịch thẳng từ câu văn Việt ngữ” [14]. Cũng như tác giả đã thêm phần chú giải La ngữ trong cuốn Tự điển theo lệnh của các Đức Hồng y, tác giả đã phụ thêm thoại La ngữ để cuốn Phép giảng tám ngày giúp ích cho các thừa sai.
Sách chia làm tám ngày như nhan đề đã nói rõ, mỗi ngày là một chương, không ghi đại mục và tiểu mục. Trong khi sao lục để tái bản, André Marillier có dựa vào nguyên tác để đặt đại mục và tiểu mục giúp ta thấy rõ bố cục toàn sách và toàn chương như sau:
Ngày thứ nhất: Đạo thánh Đức Chúa trời
- Đời này, đời sau.
- Trời và Đức Chúa Trời
- Ba đấng bề trên
- Ba đấng thưởng phạt
- Đạo Chúa không phải đạo Pha lang.
Ngày thứ hai: Đức Chúa Trời
- Đức Chúa trời là cội rễ đầu
- … chứ không phải loài người
- Cũng không phải một thể chất nào
- Cội rễ đầu là đấng thế nào?
- Ba loài như bậc thang
- Phép tắc vô cùng
- Tính vô cùng
- Hằng sống vô cùng
- Lòng lành vô cùng
- Công bằng vô cùng
- Ta phải đối lại thế nào với những sự trọn lành của Chúa.
Ngày thứ ba: Đức Thợ cả
- Ngày thứ nhất: chín đấng thiên thần
- Lucifer và đức thành Michael
- Năm ngày sau
- Loài người: ông Ađam
- Bà Eva
- Ngày thứ bảy
- Trong vườn vui vẻ
- Tổ tông phạm tội
Ngày thứ tư: Những đạo vạy
- Con cháu ông Ađam
- Ông Noe và lụt cả
- Tháp Babel
- Nước Đại Minh phân ra nhiều đạo vạy
- Đạo bụt: giáo ngoài và giáo trong
- Đạo Lão
- Đạo Nho: việc thờ ông Khổng
- Những sự dối trá của Thích Ca về linh hồn ta
- Những điều lầm lỗi trong việc thờ cúng cha mẹ
- Linh hồn ta chẳng hay chết
Ngày thứ năm: Một Đức Chúa trời ba ngôi – Đức Chúa trời ra đời cứu thế.
- Sáng siêu nhiệm [15]
- Một Đức Chúa trời ba ngôi
- Đức Chúa trời ra đời cứu thế
- Đức bà Maria đồng thân
- Thiên thần truyền tin
- Đức Mẹ Chúa trời
- Đức Mẹ viếng bà thánh Elisabeth
- Ông thánh Ioseph định để bạn mình
- Đức Chúa Iesu sinh đẻ ở Bethléem
- Đức Mẹ vẫn còn đồng thân
- Kẻ chăn chiên đến thờ lạy
- Ba vua dâng cúng của lễ
- Lạy ảnh tượng Đức Mẹ và Đức Chúa Con
Ngày thứ sáu: Thầy thuốc cả
- Chúa Iesu tại Nazareth
- Chúa Iesu giảng đạo “gratia”
- Chúa Iesu làm nhiều phép lạ
- Phép lạ đầu hết ở Cana
- Phép lạ bắt cá
- Chúa Iesu làm cho bánh ra nhiều
- Người đàn bà tật huyết
- Con gái ông câu đàng nhà thánh
- Con trai bà góa
- Chúa Iesu tỏ mình là Đức Chúa trời
- Người Scribae và Pharisaei ghen ghét Chúa Iesu
- Người đau nặng đến ngày thứ bảy
- Người liệt chân tay
- Người tối mắt từ thủa mới sinh
- Chúa Iesu biến hình
- Ông Lazaro sống lại
- Người Iudaeo lo toan giết Chúa Iesu
- Ngày thứ bảy: con chiên lành và chó sói dữ
- Thằng Iuda nộp Chúa Iesu cho oan gia
- Quân dữ đến bắt Chúa Iesu
- Đến thầy cả Caipha
- Trước quan tòa Pontio Pilato
- Lên núi Calvaria
- Chúa Iesu bị đóng đinh
- Chúa Iesu linh hồn ra khỏi xác
- Trước ảnh Chúa Iesu bị đóng đanh
- Viếng địa ngục “limbo”
- Chúa Iesu trong mả
- Chúa Iesu sống lại
- Hiện ra cùng đầy tớ
- Chúa Iesu lên trời
- Chúa Spirito Sancto hiện xuống
- Dân Ierasalem tan hoang
Ngày thứ tám: Mười bậc thang lên thiêng đàng
- Phán xét chung
- Những dấu hiệu báo trước
- Mọi người đều sống lại
- Chúa Iesu lại xuống thế phán xét
- Lên thiêng đàng hay xuống địa ngục
- Mười điều răn
- Lời răn thứ nhất
- Lời răn thứ hai
- Lời răn thứ ba
- Lời răn thứ tư
- Lời răn thứ năm
- Lời răn thứ sáu
- Lời răn thứ bảy
- Lời răn thứ tám
- Lời răn thứ chín và thứ mười
- Dọn mình chịu phép rửa tội
- Những điều trở ngại.
Qua sự phân tích trên đây, chúng ta thấy bố cục của cuốn Phép giảng tám ngày rất chặt chẽ, nội dung cốt trình bày giáo lý trong màu sắc minh giáo, thích hợp với văn hóa và xã hội Việt Nam trong tiền bán thế kỷ XVII.
Với ba tác phẩm này, chữ quốc ngữ được điển chế và thí nghiệm trong phạm vi sáng tác. Một nền văn học công giáo bằng chữ quốc ngữ chính thức bắt đầu với giáo sĩ Alexandre de Rhodes. [16]
Võ Tòng Lê
Chú thích
[1] Phạm Đình Khiêm viết về Alexandre de Rhodes dưới tiêu đề “Thuỷ tổ chữ quốc ngữ”: “Khi các giáo sĩ Âu Châu tới giảng đạo, các ngi sng chế ra một lối viết tiếng Việt theo mẫu tự La M, thoạt đầu chỉ có ý cho dễ nhớ bi học Việt ngữ. Đến lượt Cha Đắc Lộ, ngi đ lm cho lối phin m đó hon hảo hơn, đ bắt đầu dng lối chữ đó để soạn sách, v đến khi về La M, đ nhờ ấn qun của Tịa Thnh đúc ring lối chữ mới để ấn hnh cc sch đó. Như vậy, người l vị cĩ cơng nhất trong việc thnh lập “chữ Quốc Ngữ” v chính l thủy tổ cc sch Quốc Ngữ vậy. (Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ, sđd, tr.XXX)
Thanh Lãng “căn cứ vào chính tài liệu của Đắc Lộ”, kết luận: “Như vậy đã rõ ràng là Đắc Lộ không phải là vào số những nhà truyền giáo đã sáng lập ra chữ quốc ngữ mà chỉ là người có công lớn mà thôi, nhưng xác định cho rõ cái phần đóng góp riêng của Đắc Lộ là bao nhiêu, quả thực là khó khăn khi mà ta chưa tìm ra được những sách vở đã xuất bản trước Đắc Lộ”. (Những chặng đường của chữ viết quốc ngữ, bđd, tr.14-15)
Trương Bửu Lâm, đưa rà một ý kiến trung dung: “Vậy thì không còn ai có thể bào chữa thuyết cho rằng giáo sĩ Đắc Lộ là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ. Nhưng một điều mà không ai có thể chối cãi được là, trong tình trạng hiện tại của vấn đề chữ quốc ngữ, trong những tài liệu mà chúng ta còn giữ lại đuợc liên quan đến thứ chữ ấy thì giáo sĩ Đắc Lộ là người có công rất lớn” (Vài lời phi lộ, Việt nam khảo cổ tập san, số 2, sđd, tr.9).
[2]
 Chúng tôi tin theo sự suy luận của Phạm Đình Khiêm. Theo các sách đã xuất bản thì Alexandre de Rhodes chào đời ngày 15-3-1591.
[3]
 Theo Gaide, trong Quelques renseignements sur la famille de De Rhodes (BAVH, 1927 tr.22) gia đình Đắc Lộ đến Avignon vào cuối thế kỷ 15. Phạm Đình Khiêm “xét ra không đúng. Giáo sĩ sinh vào những năm chót thế kỷ 16, mà gia đình đến Avignon mới từ đời ông nội mà thôi, vậy thì chỉ độ 5, 6 chục năm về trước”.
[4]
 A.de Rhodes, Voyages et Missions (1654) tr.88-89, Phạm Đình Khiêm trích dịch, bđd, tr.XVIII
[5]
 A.de Rhodes chép là Onghebộ tức là quan cai bộ (cai bạ). Phạm Đình Khiêm giải thích: “Cứ theo danh xưng như nói trên, và theo cách giáo sĩ Đắc Lộ tả về chức vụ của ông, thì ông không phải là trấn thủ cũng không phải là ký lục. Lúc ấy quan trấn thủ tuy có quyền tuyệt đối trong dinh, song có lẽ quá bận riêng về quân sự, nên ông cai bộ này hành động như không có ai quyền trên. Còn quan ký lục, tuy lo việc từ tụng văn án, nhưng chắc là quyền dưới, vả lại việc phân quyền giữa hành pháp và tư pháp lúc ấy chưa rõ rệt. Vì thế mà ta sẽ thấy “Ông Nghè Bộ” ra lệnh bắt thầy giảng Anrê, triệu tập phiên tòa (có quan khác dự) và tuyên án xử tử. Sử liệu không ghi lại tính danh của ông, song từ đây tiếng xưng hô “Ông Nghè Bộ” đã trở nên tên riêng của ông rồi.” [Người chứng thứ nhất, tr.116-117)
[6]
 Phạm Đình Khiêm có viết về ngày từ trần của giáo sĩ Đắc Lộ như sau: Rất nhiều tác giả, trong đó có cha Cadière và chúng tôi, trước đây viết giáo sĩ Đắc Lộ từ trần ngày 16 tháng 11 năm 1660. Cũng có một tài liệu ghi một nhật ký khác nữa. Theo sự tra cứu cuối cùng của chúng tôi, thì ngày 5 tháng 11 là đúng hơn cả. bộ Ménologe của dòng Tên ở La mã khi chép tiểu sử giáo sĩ và nói ngày người chết là 5-11-1660, có kể trong số tài liệu tham khảo, một bức thư luân lưu của cha Aimé Chézaud viết tại Ispaphan ngày 11 tháng 11 năm 1660 nói về việc cha Đắc Lộ từ trần. Đó là chứng cớ rõ ràng nhất. (bđd, tr.XXXIV). Chúng tôi dựa theo bđd của Phạm Đình Khiêm để viết phần tiểu sử trên đây.
[7]
 Nguyễn Khắc Xuyên có lược khảo về việc xuất bản những tác phẩm của Alexandre de Rhodes trong bài “Giáo sĩ Đắc Lộ với công việc xuất bản”, in trong Việt Nam khảo cổ tập san, số 2, 1960.
[8]
 Theo bản dịch của Thanh Lãng, Biểu nhất lãm văn học cận đại, sđd, tr.23. Cau bang = Cao Bằng, bấy giờ thuộc về nhà Mạc, Ciampa = Chiêm Thành, Laorum = Lào, Siam = Thái Lan.
[9]
 Xem chương VI, tiểu mục Gaspar d’Amaral và Antoino Barbosa.
[10]
 Theo Thanh Lãng, sđd, tr.22.
[11]
 Thanh Lãng trích dịch, sđd, tr.24. Về các điểm này, xem thêm chương VIII, tiểu mục I sau đây.
[12]
 Theo Thanh Lãng, sđd, tr.33-36
[13]
 Nguyễn Khắc Xuyên, Giáo sĩ Đắc Lộ với chữ quốc ngữ, tr.97.
[14]
 Chúng ta hãy lưu ý đến lối chính tả đương thời, đặc biệt về lối viết hoa về các nhân danh.
[15]
 André Marillier viết là xiêu nhiệm
[16]
 Là công dân Đức giáo hoàng như đã nói ở phần tiểu sử, giáo sĩ Alexandre de Rhodes hoạt động vì sứ mạng truyền bá Phúc Âm. Công trình văn học của giáo sĩ dù to tát đến đâu cũng là phụ thuộc sánh với sự nghiệp thành lập Giáo hội Việt Nam mà giáo sĩ đã tích cực góp phần xây dựng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét