Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam: Chương V – Văn học Công giáo chữ nôm



Sự trở lại của những nho sĩ và tu sĩ Phật giáo là một yếu tố phát triển văn học công giáo. Các tân tòng này đã giúp các thừa sai ghi chép bằng chữ Nôm những văn kiện công giáo cần thiết. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, khi mới đến xứ Bắc đã nhờ một thầy đồ chép những kinh tối sớm  kinh mười điều răn[1]. Chắc các thầy giảng cũng ghi chép những lề luật do các cha ấn định cho tổ chức tông đồ giáo dân tiên khởi mà các thầy là những cán bộ đắc lực[2]. Có sách chép rằng trong lúc vắng các cha, các thầy đã soạn một cuốn lịch công giáo để nhắc nhở giáo dân về các tiết lễ Công giáo[3]. Cha Onuphre Borgès bề trên Phái đoàn Truyền giáo Đàng Ngoài từ năm 1656, có soạn một tác phẩm huấn luyện các thầy giảng, giảng giải cách dạy bổn cho người tân tòng, cách giúp kẻ liệt và rửa tội khi cần kíp[4]. Ngay đến cuốn Phép giảng tám ngày của giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong thời kỳ còn là sơ thảo cũng đã được ghi chép bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ để các thầy giảng và giáo dân tiện dụng[5].
Phong trào văn học công giáo chữ nôm là một nhu cầu thực tế trong lúc chữ quốc ngữ chưa được ổn định hay phổ biến rộng rãi. Về những tác phẩm kể trên đây, được nhắc nhở trong các ký thuật của các thừa sai hay trong một sự suy luận không xa sự thật bao nhiêu, chúng ta ước ao sẽ phát giác được những bút tích hay văn kiện chứng minh.
Trong hiện tình, chúng ta mới khám phá được một số tác phẩm bằng chữ nôm của giáo sĩ Girolamo Majorica truyền giáo ở Đàng Ngoài và của thầy giảng Gioan Thanh Minh ở Đàng Trong[6].
I. GIROLAMO MAJORICA (1605-1656)
Giáo sĩ Dòng Tên Girolamo Majorica không những nổi tiếng vì sự nghiệp truyền giáo ở Đàng Ngoài mà còn được nhiều người biết đến vì đã có công sáng tác và chủ trương biên soạn những tác phẩm công giáo chữ nôm.
1. Tiểu sử
Giáo sĩ sinh ở thành Naples (Ý đại lợi) vào Dòng Tên năm 1605. Hoạt động truyền giáo của giáo sĩ bắt đầu từ năm 1619 ở Ấn Độ, trong triều đình của Adie Khan. Sau hai năm làm việc giáo sĩ đến Áo Môn năm 1623 và từ Áo Môn đến Đàng Trong, ngang qua Macassar. Trong thời gian lưu trú ở đây, giáo sĩ học nói và viết tiếng Việt. Năm 1629, giáo sĩ bị chúa Nguyễn trục xuất rồi bị cầm tù hai năm ở Chiêm thành. Sau khi được người Bồ Đào Nha giải thoát, giáo sĩ ra Đàng Ngoài năm 1621 và lưu lại đây cho đến khi từ trần năm 1656[7].
Sự nghiệp truyền giáo của giáo sĩ Girolamo Majorica ở Đàng Ngoài rất khả quan. Sau khi giáo sĩ Felix Morel chết vì đắm tàu năm 1650, giáo sĩ Girolamo Majorica lên thay thế làm Bề Trên phái đoàn Truyền giáo. Theo Marini[8], lúc bấy giờ có 4 nhà thờ, 12 nhà thờ ở vùng ngoại ô; nhiều hơn là ở Nghệ An có 120 nhà thờ, rồi vùng Kẻ Nam 114, vùng Thanh Hóa 74, Kẻ Đông 50, Kẻ Bắc 23, Kẻ Tây 15. Dưới thời giáo sĩ Majorica, có tất cả 70 thầy giảng chia làm ba bậc: các thầy đang tập sự, các thầy đã hoạt động nhưng chưa khấn trọn đời và các thầy đã khấn trọn đời. Dưới thời giáo sĩ Alexandre de Rhodes có 3 thầy khấn trọn đời, năm 1635 được 7 thầy và dưới thời giáo sĩ Majorica 10 thầy. Số người trở lại tăng gia rất chóng: năm 1648 có 19.577 giáo hữu, vào năm 1657 (một năm sau khi giáo sĩ từ trần) số giáo hữu tăng gấp đôi tức hơn 350.000 người[9].
2. Tác phẩm
Trong bản tiểu sử của giáo sĩ Majorica Dòng Tên, sử gia ca ngợi công nghiệp truyền giáo và nhấn mạnh lòng đạo đức rất cao và nói rõ giáo sĩ đã sáng tác hoặc phiên dịch rất nhiều tác phẩm, cộng được 48 cuốn[10].
Năm 1634, giáo sĩ đã soạn tiểu sử thánh Inhatiô, các bà thánh Đôrotê, Bacbara, Lutia, Agnès, Agata, Xébastianô, các thánh Faustin và Jovite Job, và nhiều vị thánh khác. Giáo sĩ cũng có lẽ đã viết nhiều bài suy niệm về Thánh lễ Misa về sự chuẩn bị rước mình Thánh Chúa, một bài về lòng trung kiên giữ đạo khi bị truy nã cấm đoán, tiểu sử Đức Mẹ, tiểu sử của thánh Jérôme, thánh ẩn sĩ Antônio và một bức thư rất dài về sự cần thiết phải từ bỏ những điều hà lạm[12].
Vào năm 1638, trong một bức thư, chính giáo sĩ Majorica ôn lại sự nghiệp văn chương như sau:
“Tuân lệnh bề trên tôi đã soạn và viết rất nhiều tác phẩm với mục tiêu cứu rỗi linh hồn. Tôi đã viết tiểu sử thánh Phanxicô Xaviê và cũng có viết về Phép lạ mà thánh đã ban ở Napoli (Naples) cho thánh đã tử đạo Marcello[13]. Tôi đã viết tiểu sử của Á Thánh Phanxicô Borgea[14], các bà Thánh Engrace, Olaya [15] và 7 vị thánh khác. Tôi đã soạn một tập thảo luận rất dày về những tội lỗi gây ra bởi những cái lưỡi và những phương cứu chữa. Một tập khác dày hơn nữa nhan đề “An ủi kẻ đau khổ”, một tập khác về đức trong sạch[16] với nhiều tiểu sử của các bà thánh đồng trinh như Agnès, Cécile, Agathe. Tập này tôi vừa sửa chữa lại. Tiếp theo là 7 bài suy gẫm về Thánh Giá, về sự Phán Xét, và một cuốn sách nhỏ về việc tử đạo… Giáo dân bắt đầu thờ phượng thánh Phanxicô Xaviê vì phép lạ cho thánh tử đạo Marcello được truyền lan nhiều” [17].
Năm 1642, giáo sĩ cho ra đời một tập khái luận về thiên thần hộ mệnh[18].
Một tài liệu khác viết tổng quát về sự nghiệp văn chương của giáo sĩ:
“Giáo sĩ đã viết rất nhiều sách vở bằng ngôn ngữ và văn tự của xứ Bắc. Giáo sĩ đã phiên dịch hoặc sáng tác hơn 45 quyển: đó là một kho tàng mà giáo hội ngày nay gìn giữ và kính trọng. Giáo sĩ có soạn 12 quyển khác bằng văn xuôi hay thơ, ví dụ để ngợi khen Thánh Thể, Đức Bà Maria, các thiên thần, Thánh tổ Inhatiô, Thánh Phanxicô Xaviê và các ông cùng bà Thánh khác. Công việc này làm giáo sĩ rất bận. Luôn cả trên tàu khi đi viếng thăm giáo dân, giáo sĩ không khi nào ngưng công việc”[19].
Qua những tài liệu tham khảo và phần viện dẫn bút tích của Majorica, chúng ta nhận thấy tác giả đã chú trọng đến công việc soạn thảo những tác phẩm công giáo đủ loại và hiện nay thư viện Quốc Gia Paris còn tàng trữ những tác phẩm chữ nôm của giáo sĩ Majorica. Tại phòng nghiên cứu văn chương và văn học sử Việt Nam của trường Đại Học Sư Phạm Huế có chụp hình một số tác phẩm chữ nôm của giáo sĩ Majorica, đánh số từ B đến B16[20].
Sau đây, chúng tôi lược kể theo Thanh Lãng[21] một số tác phẩm đã chụp ảnh ở Thư viện Quốc gia Paris:
  1. – Thiên Chúa Thánh giáo hối tội kinh, theo cách xếp đặt cũ đánh số Fourmont 369, Chinois 6713, cách xếp mới đánh số B4, dày 54 tờ viết năm 1634.
  2. – Ông thánh I-na-xu truyện, cách xếp cũ đánh số Fourmont 377, cách xếp mới đánh số B16, dày 56 tờ, viết năm 1634, theo chữ viết thì đoán là cùng một kiểu chữ như Văn nghiêm.
  3. – Ngắm lễ trong mùa Phục Sinh tháng bảy, cách xếp cũ đánh số Fourmont 370, cách xếp mới đánh số B9, viết năm 1634, có lẽ do chính Majorica.
  4. – Thiên Chúa Thánh Mẫu gồm có hai cuốn: cuốn I theo cách xếp cũ đánh số Chinois 3270, cách xếp mới đánh số B12, viết năm 1634, do chính Majorica; cuốn II, theo cách xếp cũ đánh số Fourmont 326, cách xếp mới BII, viết năm 1635, do chính Majorica.
  5. – Ông Thánh Phanxicô Xaviê truyện, cuốn này đóng liền vào cùng với cuốn ông Thánh Inaxu truyện, có lẽ do văn nghiêm, viết năm1650.
  6. – Các Thánh truyện, cách xếp cũ đánh số Chinois 375, cách xếp mới đánh số B13, có lẽ do Vito Trí, một linh mục Việt Nam soạn năm 1650.
  7. – Một cuốn Các Thánh truyện thứ hai không đề tên, theo cách xếp cũ đánh số Chinois 4978, cách xếp mới đánh số B14.
  8. – Thiên Chúa thánh giáo khai mông, cách xếp cũ đánh số Fourmont 366, cách xếp mới đánh số B6, là tác phẩm của Lôbatô Balamino, do Majorica phiên dịch ra văn nôm.
  9. – Đức Chúa Chi thu, cách xếp cũ đánh số Fourmont 371, cách xếp mới đánh số B1, do Majorica viết.
  10. – Truyện Đức Chúa Chi thu, cách xếp cũ đánh số Chinois 2745, cách xếp mới đánh số B1.
  11. – Những điều ngắm trong các ngày lễ trọng, cách xếp số Fourmont 365, cách xếp mới B10, do Majorica viết.
  12. – Kính những lễ mùa Phục sinh, cách xếp cũ đánh số Fourmont 373, cách xếp mới đánh số B7, ký tên Antôn, một người thuộc làng Trung Hà, Thanh Hóa.
1. Ngôn ngữ Công giáo
Girolamo Majorica đã ứng dụng ngôn ngữ Công giáo đương thời và thí nghiệm một số danh từ và thể cách diễn đạt mới. Về phương diện hình thành ngôn ngữ Công giáo Việt Nam, tác phẩm chữ Nôm của Girolamo Majorica đã đánh dấu một chặng đường tiến triển khả quan.
Nhiều danh từ do các giáo sĩ truyền giáo ở Trung Hoa sáng chế đã nhập tịch vào ngôn ngữ Công giáo Việt Nam và trở nên những danh từ Hán Việt Công giáo như trường hợp đa số các danh từ Hán Việt khác. Đấy là một sự vay mượn ngôn ngữ tự nhiên vì lẽ tiếng Việt liên hệ mật thiết với chữ Hán và nhất là vì uy tín của chữ Hán đối với các tín hữu vốn tinh thông nho học.
Những danh từ chữ Hán phiên âm tiếng La tinh và đọc theo lối Hán Việt như Chi thu (Đức Chúa Chi thu) là do một sự vay mượn trực tiếp để đáp ứng một nhu cầu diễn đạt cấp thời. Các thế hệ sau sẽ trực tiếp phiên âm tiếng La tinh chứ không qua trung gian của chữ Hán như thời Majorica nữa, do đó chúng ta sẽ có danh từ Kitô thay vì Chi thu.
Lại có những danh từ chữ Hán phiên dịch từ tiếng La tinh như: Thiên Chúa Thánh giáo, Thiên Chúa Thánh mẫu, sau này sẽ được kiêm dụng với những danh từ thuần túy Việt Nam hơn nhưĐạo Thánh Chúa Trời, Đức Mẹ Chúa Trời.
Ngoài một số ít danh từ vay mượn của Trung Hoa, Majorica còn làm giàu ngôn ngữ Công giáo Việt Nam bằng hai cách:
Một là trực tiếp phiên âm tiếng La tinh như: Giêsu, I-na-xu, Phêrô, Phanxicô Xavie, Giêrusalem, Isave, Giudêu, Câu-rút, Phiritô xăngtô, Xăngti Sacaramentô. Lối này rất hợp lý đối với những danh từ riêng. Còn đối với những danh từ chung như Câu-rút, các thế hệ sau sẽ thay thế bằng những danh từ dịch ý như Thập giá, Thập tự.
Hay là lối dịch ý như trường hợp các danh từ Đức Chúa Trời, Rất Thánh Đức Bà ngày nay vẫn còn thông dụng.
Công nghiệp lẫy lừng của Majorica là sáng chế một số từ ngữ giản dị mà sâu sắc hợp với tinh thần tiếng Việt và vừa tầm hiểu biết của giới bình dân: Phó mình đi tu hành, Phúc mọn, đánh tội, giải tội [22], dốc lòng chừa [23]ý Đức Chúa Trời sâu nhiệm lắm [24]. Ngoài ra lại có một số từ ngữ Phật giáo và Nho giáo được thánh hóa để diễn tả những khái niệm Công giáo như ác nghiệt, ăn chay, lời khấn[25].
2. Bút pháp
Theo xu hướng văn học của thời đại, Girolamo Majorica có sáng tác văn vần bằng chữ Nôm. Nhưng phần lớn văn nghiệp của Girolamo Majorica đều trứ thuật bằng văn xuôi theo nhiều thể loại như lịch sử, luận thuyết. Do đó chúng ta phải kể Girolamo Majorica là một trong những nhà văn đầu tiên viết tản văn chữ Nôm.
Bút pháp của Girolamo Majorica tự nhiên thành thực, nghĩ sao viết vậy, không dụng đẽo gọt trau chuốt lời văn:
“Ông Thánh Y-na-xu chịu khó bề ngoài lắm vậy, nhưng mà trong linh hồn càng chịu khó nữa. Vì đêm ngày băn khoăn, những lo chẳng hay Đức Chúa Lời tha tội hay là chưa, thì người làm hết sức cho được khỏi sự ngờ trong lòng ấy, vì bởi chưa được yên lòng, thì toàn ăn chay trọn đời cho đến khỏi sự tội lỗi trong lòng”[26].
Lối kể chuyện của Girolamo Majorica rất linh động, ngôn ngữ của người trong chuyện được tường thuật để giúp ta hiểu được tâm tư và hành động:
“Ban đêm dù mà giá rét thì ông thánh Y-nha-xu năm trên ván không mà thức suy nghĩ sự Đức Chúa Lời. Khi người đỗ nhà ấy tên là Giu-ông, hễ là đêm thì ông thánh Y-nha-xu khiến ông Giu-ông đi nằm trước. Mà Giu-ông có nhiều lần làm thinh, rình ngó mà xem, bèn ông thấy thánh Y-nha-xu khi quỳ gối, khi sấp mình xuống đất, khi ngửa mặt lên, mà thấy người nỗi lên không, chân khỏi (?) (?) ở mặt mũi có hào quang sáng láng mà than thở cùng Đức Chúa Lời rằng: “Chúa chữa lòng tôi, chớ gì thiên hạ biết Đức Chúa tôi mà thờ”.
“Có kẻ thấy mặt mũi ông thánh Y-nha-xu chẳng phải kẻ mọn, thì mắng người rằng: sao ông, ông đi ăn mày làm vậy, hay là có làm sự lỗi chi trọng mà hoặc người ta bắt mình thì ẩn, giả chước vậy chăng?
Khi người ta mắng làm vật thì ông thánh Y-nha-xu nghểnh cổ trở lại, vui mặt mà nghe hết lời ấy đoạn mới trả lời rằng: “Ơn ông làm phúc cho tôi”[27]
Sự ngạc nhiên của Giu-ông, mỗi thắc mắc của những người thấy ông thánh Y-nha-xu khổ hạnh, cuộc đời tận hiến và tâm lý khiêm nhường của ông thánh Y-nha-xu, bấy nhiêu sự việc và tâm tư đã được diễn tả trong một đoạn ngắn với những chi tiết sống động.
3. Giá trị
Chúng ta nhận thấy văn phẩm của Girolamo Majorica hoàn toàn phục vụ mục tiêu truyền giáo và tu đức với những đề tài rút trong giáo lý, thánh sử. Đạo giáo đã chi phối nghệ thuật trong văn phẩm của Girolamo Majorica. Đó là những văn kiện quý báu giúp chúng ta tìm hiểu phương pháp giảng đạo, ngôn ngữ công giáo trong tiền bán thế kỷ XVII.
II. GIOAN THANH MINH (1588-1663)
Giáo sử chép ông là một giáo hữu viết văn nôm công giáo nhưng hiện nay chúng ta biết rất ít về lý lịch và chưa sưu tầm được văn phẩm.
1 – Tiểu sử
Về nhà văn này, có sách chép là João Ketlâm[28], có sách chép là João Vuang[29]. Ketlâm là quê quán của người mẹ, một địa danh mà chúng ta chưa tìm được vị trí trong bản đồ Việt Nam. João là tên thánh viết theo lối Bồ Đào Nha, tức là Gioan. Thanh Minh là sinh quán, một xã tại quận Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nay chúng ta gọi nhà văn này bằng Gioan Thanh Minh gồm tên thánh và sinh quán, là theo một lối gọi thuần túy dân tộc, vừa xưng tước hiệu, vừa nhắc nhở đến quê hương như kiểu chúng ta vẫn gọi Nguyễn Khuyến là Tam Nguyên yên đỗ, Nguyễn Công Trứ là Uy Viễn tướng công.
Cha mẹ Gioan Thanh Minh là người ngoại đạo. Thân sinh là một quan chức lớn [30] vào bậc thứ nhì trong tỉnh[31]. Khi ông lên mười lăm tuổi, ông gia nhập của Khổng sân Trình, dưới sự giáo huấn của một danh sư do thân sinh ông lựa chọn. Đến năm lên 25 tuổi, ông nổi tiếng là một nhà nho thông thái học lực vượt hẳn các bạn đồng môn và có thể cho phép ông trở nên một quan chức cao trọn. Lúc bấy giờ ông đã là một thi sĩ thời danh.
Một biến cố xoay hướng đời ông vào năm 1622, lúc ông được 34 tuổi: ông được đọc các sách giáo lý chữ nho do các cha Dòng Tên ở Trung Hoa soạn thảo. Ông bèn nhập đạo Thiên Chúa và cha Manuel Fernandez thuộc Dòng Tên đã dạy đạo và rửa tội cho ông cùng vợ ông. Từ đấy ông trở nên một giáo hữu cộng tác mật thiết với các giáo sĩ Dòng Tên. Cha Manuel Fernandez đã ẩn trú ở nhà ông trong 6 tháng để tránh cơn bắt đạo. Sau ông theo cha để làm thầy giảng và nhiều người đã trở lại đạo vì uy tín, học thức, những lời giảng dạy và nhất là vì những văn phẩm của ông.
Nhưng đến năm 1629, tất cả giáo sĩ đều bị trục xuất và ông đến ẩn trú ở Ketlâm trong vài năm. Sau đó với tư cách người đi thâu thuế, ông đến mỏ vàng ở Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ, lòng đạo đức của ông bị suy giảm; uống rượu quá độ[32]. Giáo dân phật lòng, phái chín người đến yêu cầu ông tiếp tục giảng đạo như xưa. Trước khi phái đoàn giáo hữu đến ông nằm mộng thấy Đức Mẹ quở trách ông từ lâu không xưng tội. Bấy giờ là năm 1648. Ông bèn theo phái đoàn giáo hữu đến Hội An gặp các giáo sĩ, nhận lại chức vụ thầy giảng và viết sách[33]. Ông hoạt động tông đồ ở đấy cho đến khi từ trần.
Từ khi hối ngộ, ông sốt sắng như lúc mới tòng giáo, dạy giáo lý cho trẻ em và giảng đạo cho các tân tòng. Ông lại được mọi người kính phục vì đời sống thánh thiện của ông. Ông bỏ tật uống rượu và suy gẫm hàng giờ về sự Thương Khó của Chúa Giêsu, hễ nói đến là ông không cầm giọt lệ. Năm ông 75, ông đã chết vinh quang dưới lưỡi gươm của đao phủ ngày 11 tháng 5 năm 1663[34].
2 – Văn phẩm
Ông viết nhiều thi phẩm chữ nôm về tiểu sử các thánh như Constantini Le Grand, Barlam, Josaphat, Marie Mađalêna, Inhtio Loyola, Phanxicô Xaviê, Dominico, Catarina. Tác phẩm cuối cùng của ông là một cuốn sách về tuần trai lấy sự ăn chay của Chúa Cứu Thế trong sa mạc làm chủ điểm[35]. Georg Schurhammer kiểm điểm tất cả là 15 tác phẩm[36].
Thi phẩm của ông được viết với “lời thơ hết sức chải chuốt cùng với lòng thành kính lớn lao đến nỗi làm cho các truyện ấy được ưa thích bởi tất cả mọi người trong xứ”[37]. Giới quan lại đương thời đã chú ý và chịu ảnh hưởng các thi phẩm của Gioan Thanh Minh[38], chính Chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1658) khi nghe ông ngâm thơ cũng phải khen[39].
 Văn phẩm của Girolamo Majorica và Gioan Thanh Minh chứng tỏ rằng trong thời sơ khai, văn học công giáo Việt Nam đã được trứ thuật bằng chữ nôm để dễ dàng phổ biến trong nhân dân. Lúc bấy giờ nho học được sùng thượng và phong trào thi văn chữ nôm đang phát triển. Hai tác giả này đại diện cho chủ trương dùng văn tự địa phương song song với chữ Quốc ngữ do Alexandre de Rhodes đề xướng. Lúc bấy giờ chữ quốc ngữ chưa được ổn định và phổ biến rộng rãi cho nên có thể nói rằng tác dụng những văn phẩm chữ nôm của Girolamo Majorica và Gioan Thanh Minh mạnh mẽ rộng rãi hơn. Công nghiệp của hai tác giả này là đã sử dụng văn tự của thời đại để ảnh hưởng đến thời đại. Xét trên bình diện quốc gia, hai tác giả này đã đem lại một nguồn cảm hứng mới cho văn học chữ nôm. Và nói đến văn xuôi cổ chữ nôm, nhà viết sử không thể bỏ qua công trình của Girolamo Majorica, cũng không thể bỏ qua những truyện thơ của Gioan Thanh Minh, đáng được kể vào số những tác phẩm tiền phong của loại truyện nôm vậy.
Võ Tòng Lê
Chú thích
[1] Xem Nguyễn Hồng. Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam sđd. Về trường hợp trở lại của sư cụ Gioankim ở An vực, tác giả viết: “Không dám phiền cụ, cha Đắc Lộ nhờ một thanh niên biết chữ chép ra chữ nơm những kinh cha đọc cho để những người tân tòng theo đó mà học”(trang 105).
Về trường hợp giảng đạo cho một người phong hủi ở làng Văn Nô, tác giả viết: “Trong số đó có ông Simon, một người có chữ nghĩa. Được cha Đắc Lộ gửi cho một bản kinh mười giới răn Chúa, ông liền đem dạy cho các người hủi trong làng và ngày chủ nhật vì không thể đến nhà thờ được, những làng hủi họp nhau lại trước ảnh Chúa và đọc các kinh đó với nhau.” (trang 106)
[2]
 Xem Phan Phát Hườn, Việt Nam giáo sử, I, trang 77.
[3]
 Xem Nguyễn Hồng, sđd, trang 139.
[4]
 Xem Nguyễn Hồng, sđd, trang 295.
[5]
 Xem Nguyễn Hồng, sđd, trang 136, chú I. Để cảm ơn một lão quan ở Bố Chánh, “Cha Đắc Lộ cũng biếu ông một cuốn bổn bằng chữ nôm” (trang 136) và tác giả suy luận rằng “có lẽ đó là cuốn bổn 8 ngày do chính cha soạn và xuất bản sau này bằng chữ quốc ngữ ở Rôma 1651” (chú 1).
[6]
 Xem 1/ Hoàn Xuân Hãn, Girolamo Majorica, ses oeuvres en lanue vietnamienne conservés à Bibliothèque Nationale de Paris trong Archivum Historium Societas lesu, tập XXII, 1953, trang 203-214; 2/ Thanh Lãng, Những chặng đường của chữ quốc ngữ, bđd, Georg Schhurhammer, Annamitisch Xavierius Literatur, bđd; 3/ Sommervogel, Bibliothèque de la compagnie de Jesus, tome V (1894), p. 361. Sau khi công bố danh sách tác phẩm của Majorica (1589-1656), Sommervogel có viết theo tài liệu của Sotwel, Bibl. Script, Jesu: “Scripsit vel traduxit ad volumina Instructionum piarum, Idiomate Tunchinensi seu annamatico cujus peritus insigniter erat solatis et salute illorum”.
[7]
 Theo một bản chép tay và danh sách tác phẩm và tiểu sử các người tử đã chết tại giáo hội Nhật Bản trong Jap-sin. 64, 366-368v và Jap-sin 89, 297-395v.
[8]
 Xem Marini, Missioni, trg 264.
[9]
 Xem Nguyễn Hồng, sđd, trg 226.
[10]
 Jap-sin 64, 366v.
[11] Jap-sin 88, 20v.
[12]
 Jap-sin 85a, 26.
[13]
 Nhan đề của sách ấy là: Miraculi A.S. Francisco Xaverio Indiarum Apostolo – In collegio Neap. Soc. Jesu Patrati die III – January Anno Dom. MDC XXXIV narratio – Ex Archigepiscopalis Curiae Tabulis deprompta Neapoli – Apud Lazarum Scoregium 1634. Bản chép tay hình như đã được sữa chữa bởi cha P. Marcello Mastrilli thuộc Dòng Tên.
[14]
 Borgia.
[15]
 Eulalia.
[16]
 Dịch giả viết: sự trong sạch.
[17]
 Do Georg Schurhammer, bđd, trích dẫn, Bản dịch của Trương Bửu Lâm và Đỗ Văn Anh, bđd.
[18]
 Jap-sin, 85-200
[19]
 Jap-sin 89-299v.
[20]
 Theo Đặc san Đại học Sư phạm, số 1, niên khóa 60-61, Huế, trg 11.
[21]
 Thanh Lãng, Những chặng đường của chữ quốc ngữ, bđd, trg 10-11.
[22]
 Ông Thánh I-na-xu truyện, bản chữ nôm chép tay, ký hiệu Anamite B16 lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Paris, đoạn thứ 3: Ông Thánh I-na-xu đi tu hành.
[23]
 sđd, đoạn thứ 4: Ông Thánh I-na-xu đi sang thành Giêrusalem.
[24]
 sđd, đoạn thứ 5: Ông Thánh I-na-xu đến viếng các nhà thánh thành Giêrusalem.
[25]
 sđd, đoạn thứ 4.
[26]
 sđd, đoạn thứ 4.
[27]
 sđd, Đoạn thứ 7: Ông Thánh I-na-xu đi học cùng chịu khó ở thành Sai-lô-na. Phần trích dẫn chính văn đều phiên diễn từ nguyên văn chữ Nôm.
[28]
 Xem: Georg Schurhammer, bđd, M. Ferreira, Noticias Summarias das Perseguicoẽs da missa de Cochinchina, Lisboa, 1700, trg. 187-218. A. Launay, Historie de la mission de Cochinchine, III, trg. 510-520; Jap-sin 73, 171.
[29]
 A. Launay, sđd, tr. 510.
[30]
 Jap-sin 73, 171.
[31]
 A. Launay, sđd, 520.
[32]
 Jap-sin 73, 171, AA. Ferreira. 191-192.
[33]
 M. Ferreira, sđd, 192.
[34]
 M. Ferreira, 192-193, 187-188; II Jap-sin 73, 170, 175. A. Launay 510-520.
[35]
 Japsin 73, 171.
[36]
 Georg Schurhammer, bđd, trg. 153.
[37]
 Georg Schurhammer, bđd, trg. 153.
[38]
  M. Ferreira, sđd, trg. 81.
[39]
 A. Launay, sđd, trg. 520.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét