Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam: Chương VI – Công cuộc sáng chế chữ quốc ngữ



Những tác giả, mặc dầu đã dày công nghiên cứu công cuộc sáng chế chữ quốc ngữ cũng đều công nhận rằng công cuộc nghiên cứu “còn trong thời kỳ phôi thai” [1] và “tài liệu của những thế kỷ đầu cũng là ít ỏi lắm”[2]. Tuy nhiên căn cứ vào những sử liệu chắc chắn và những suy luận hợp lý, chúng ta có thể quyết đoán rằng công cuộc sáng chế chữ quốc ngữ là một công trình tập thể, nằm trong một khuôn khổ những nỗ lực phiên âm các thứ tiếng tượng hình ở Viễn Đông do các thừa sai Âu Châu khởi xướng từ thế kỷ XVI.
Trong chương IV, chúng ta đã xét mối liên hệ giữa chữ quốc ngữ với công trình La tinh hóa chữ Nhật và các lối phiên âm ghi thanh Hoa ngữ.
Trong chương này, chúng ta sẽ trình bày phần đóng góp của những người đã sáng chế chữ quốc ngữ.
I. F. BUZOMI VÀ J. BALDINOTTI (1625-1627)
Chúng ta có thể suy luận mà không xa sự thật là các giáo sĩ truyền giáo tiên khởi phải dùng một lối phiên âm những nhân danh địa danh nước ta cùng một số từ ngữ cần thiết. Trong những tài liệu viết tay còn lưu trữ tại văn khố Dòng Tên ở Rôma, chúng ta gặp một số chữ có thể xem là tiền thân chữ quốc ngữ, tỷ dụ như Thienchu (tức Thiên Chủ) trong một bức thư của Francesco Buzomi viết năm 1925, hay 1926 [3], trong tác phẩm của J. Baldinotti in ở Rôma năm 1627 chúng ta thấy tác giả ghi một vài chữ quốc ngữ hay Việt ngữ phiên âm [4].
II. CHRISTOFORO BORRI (1631)
Christoforo Borri là một giáo sĩ Dòng Tên người Ý đến truyền giáo ở Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1921. Giáo sĩ có ghi chép một số chữ quốc ngữ trong một tác phẩm xuất bản ở Rôma năm 1631 nhan đề là
Relatione della nouva missione delli P.P. Della Compagnia, di Giesu al Regno della Cocincina. Scrita dal Padre Christoforo Borri Milan ese della medesina Compagnia, che fu uno de primi ch’entrono in delto Regno. Alla Santito di N. Sig. Urbano PP Ottavo. In roma Per Francesco Corbellini MDCXXXI con licenza de Superiori.
Sau đây là những chữ quốc ngữ do Christoforo Borri đã ghi chép. Chúng tôi sao lục từ bản dịch của Bonifacy:
- Trang 285: Anam (An-nam)
- Trang 286: Lai (Lào)
Cacciam 
(Kẻ Chiêm = người làng Thanh Chiêm, địa vực Hội An xưa)
Quamguya
 (Quảng Ngãi)
Quignin
 (Qui Nhơn)
- Trang 288: Renran (Đà Nẵng, Đà Rằng = Phú Yên)
- Trang 289: da dèn lùt (đã đến lụt)
- Trang 292: gnoo (nhỏ)
- Trang 301: nayre (nài cỡi voi)
- Trang 306: Nuocmon (Nước Mặn)
- Trang 309: doij (đói)
- Trang 315: chia (trà, chè)
- Trang 322:  (có)
- Trang 328: Sinnua (Thuận Hóa)
- Trang 340: con gnoo muon bau tlom Hoalaon chiam (con nhỏ muốn vào lòng Hoa lan chăng)
- Trang 343: onsaij (ông sãi)
- Trang 350: muoecmam (nước mắm)
- Trang 374: dan nưa, da an het (đã ăn nữa, đã ăn hết)
- Trang 382: Tiu ciam biet (Tui chẳng biết)
- Trang 383: on sãy di lay (ông sãi đi lại)
- Trang 386: çakio (Thích Ca)
- Trang 388: Banco (Bàn cổ)
- Trang 389: maa (ma)
- Trang 394: maqui (ma quỷ)
Maco (ma cò)
- Trang 396: Omgne (Ông nghè)
- Trang 399: Bũa (vua) ; Chiuua (Chúa)
- Trang 401: Kemoi (Kẻ mọi)
Đó là những danh từ, những từ ngữ và những câu ngắn rải rác trong tác phẩm tiếng Ý của Christoforo Borri. Chúng ta có thể xem đó là tài liệu in cổ nhất hiện có. Tưởng cũng nên lưu ý rằng trong bản tiếng Ý, người ta không phân biệt chữ Ý với chữ quốc ngữ nên đều in một kiểu chữ. Trong bản tiếng Pháp in ở Lille, “những chữ Việt đều in ngả” [5] như trong bản tiếng Pháp do Binifacy dịch.
Căn cứ vào những tài liệu hiếm hoi trên đây, chúng ta có thể đưa ra một ít nhận xét về lối phiên âm tiếng Việt trong thời kỳ sơ khai.
1/ Lối phiên âm tiên khởi tiếng Việt theo giọng Ý hay giọng Bồ? Đó là một đề tài được Nguyễn Khắc Xuyên [6]. Borri là người Ý nên câu phiên âm có khuynh hướng ngã về tiếng Ý: nh được viết là gn (như quignin = Qui Nhơn; gnoo = nhỏ); x được viết là sc (như scin = xin); ch được viết là (như tuiciambiet = tui chẳng biết).
Thanh Lãng [7] trái lại, nhận xét rằng Borri tuy là người Ý mà vẫn phiên âm theo lối Bồ và dẫn chứng: “chẳng hạn lối phiên âm những chữ như Chiampa, chiu (chữ) chia (trà) bữa chiuua (vua chúa) chiam (chăng) đều là lối phiêm âm theo lối Bồ Đào Nha; phụ âm kép ch trong tiếng Ý đọc cứng như ta đọc k, còn ch trong tiếng Bồ đọc như ch trong tiếng Pháp”.
Chúng ta chưa đủ tài liệu để quả quyết về lối phiên âm tiếng Việt tiên khởi. Theo tài liệu của Christoforo Borri, chúng ta chỉ có thể tạm kết luận rằng bây giờ lối phiên âm theo giọng Bồ đã khá thông dụng đến độ một người Ý như Christoforo Borri cũng phải áp dụng lối này trong nhiều trường hợp.
2/ Ký hiệu ghi các thanh tiếng Việt chưa được hoàn bị. Một số chữ được phụ vào cuối chữ thay cho dấu giọng, chẳng hạn như j thay thế cho hai dấu ’ và ~: doij (đói); onsaij (ông sãi), o thay cho dấu ’: gnoo (nhỏ). Lại có nhiều chữ không có ký hiệu ghi thanh như lut (lút) da (đã).
3/ Chữ quốc ngữ thời Christoforo Borri còn thiếu các nguyên âm ă, â, ê, ơ, ư cho nên mặn thì viếtman, muốn thì viết muonbiết thì viết bietnước thì viết nuoec; ôn thì viết ông.
4/ Chữ quốc ngữ thời Christoforo Borri chưa đầy đủ phụ âm: đ thì viết d (doij=đói); x thì viết sc(scin mocaij = xin một cái); v thì viết b ( bũa=vua, bau=vào).
Lại có nhiều phụ âm kép được sử dụng và sẽ bị đào thải như tl (sau này là tr), gn (sau này là nghvà nh).
5/ Giọng tiếng Việt miền Trung đã được phiên âm với những chữ tui (tui), gnin (nhơn). Điều này chứng tỏ rằng các giáo sĩ đã học tiếng Việt theo giọng Trung.
III. GIROLAMO MAJORICA (1631-1645)
Trong những tác phẩm chữ nôm của Girolamo Majorica có một vài nơi ghi chú bằng chữ quốc ngữ khi cách đọc những chữ nôm khó đọc. Theo sự phát giác của Thanh Lãng [8] những chữ quốc ngữ ấy “không khác gì hình thức ngày nay” như: chọn, biết, mai, bên. Chúng tôi ngờ rằng người đời sau đã thêm vào nên đồng ý với Thanh Lãng rằng “thực khó lòng căn cứ vào đấy mà quy định một hình thức chữ quốc ngữ từ 1631 đến 1545”.
IV. HỘI NGHỊ THẢO LUẬN CÔNG THỨC RỬA TỘI (1645)
Trong chương II, chúng ta đã xét đến nội dung hội nghị năm 1645 thảo luận công thức rửa tội. Tài liệu về hội nghị này dù viết năm 1645 hay sao lại năm 1654, cũng vẫn là chứng tích đáng tin cậy về chữ quốc ngữ năm 1645.
Tài liệu này có những câu như sau:
- Trang 1: Tau rữa mầ nhân danh Cha, và con và Spirito Santo.
- Trang 2: Tau rữa mầ – Tau lấy tên – Chúa Tốt lên, tốt danh, Danh cha cả sáng
- Trang 3: Tau lấÿ một tên Cha và Con và Spirito Santo rữa mầ, – Blai có ba hồn bảy vía – Chúa Blờy ba ngôy.
- Trang 4: Nhẫn danh Cha và danh con và danh Spirito Santo.
- Trang 7: Sóữ (sóữ : sống), Cha ruột con ruột
Đối chiếu với tài liệu in của Christoforo Borri, tài liệu viết tay này chứng tỏ rằng vào năm 1645, nghĩa là sáu năm trước khi xuất bản những bộ sách của Alexandre de Rhodes, chữ quốc ngữ đã đến giai đoạn định hình:
1/ Thứ chữ không đủ dấu giọng trong Christoforo Borri đã có đầy đủ các ký hiệu như ngày nay:
Năm dấu giọng: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng đã xuất hiện: tốt, và cả, rữa, ruột.
Dấu hai chấm (…) được ghi trên những nguyên âm u, i, y (tẵ, mầ, lấÿ)
2/ Các nguyên âm cũng đã có đủ: a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư.
Có những nguyên âm kép sau này sẽ bị đào thải: â (mầ), ây (lấy), âÿ (ngôy), oư (sóữ), ơy (Blờy).
3/ Các phụ âm kép nh đã thay thế cho ng (nhân danh), ch đã thay cho ci (Cha), ng đã thay thế cho gn (ngôy). Tuy nhiên phụ âm Bl vẫn được dùng thay vì tr (Blờy).
Lối phiên âm thời 1645 tiến bộ hơn thời 1631 và ngã hẳn về lối Bồ Đào Nha.
V. MATHIAS DE MAYA (1649)
Trong chương II, chúng ta đã xét đến bản báo cáo của cha Mathias de Maya viết năm 1649 ở Goa về cuộc tử đạo của ba thầy giảng đầu tiên ở Đàng Trong. Ở đây chúng ta xét lối phiên âm lời di chúc của thầy giảng Anrê:
… Ju nghiao cũ dức chóe Jesu cho den est eoj cho den blen doj. (Giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến khi hết hơi cho đến trọn đời).
Lối phiên âm này còn đơn sơ, chưa ghi chép đầy đủ âm thanh tiếng Việt: chưa có các phụ âm đ(dức), h (hết viết là est, hơi viết là eoj), gi (giữ viết là ju), chưa có dấu giọng ngã (~) (nghiao = nghĩa), sắc (´) (den = đến), huyền (`) (doj = đời), nặng (.) (blen = trọn).
Phụ âm bl được dùng thay vì tr (blen) và vần ong được ghi theo lối Bồ Đào Nha: cùng viết là .
Chúng ta được biết là Cha Mathias de Maya căn cứ theo những phúc trình nhận từ Áo Môn và Việt Nam từ năm 1645 để viết báo cáo này vào năm 1649. Tại sao chữ quốc ngữ trong công thức rửa tội (1645) đã định hình mà trong tài liệu này lại đơn sơ như thời Christoforo Borri (1631)? Do thắc mắc này, chúng ta có thể ngờ rằng trong công thức rửa tội 1645 chữ quốc ngữ đã viết lại theo lối quốc ngữ 1654, nghĩa là ba năm sau khi các bộ sách của Alexandre de Rhodes ra đời nên mới có hình thức tương đối tiến bộ. Nếu quả quyết rằng công thức phiên âm năm 1645 thì chỉ còn một cách giải quyết thắc mắc trên đây: Cha Mathias Maya, làm việc ở Goa (Ấn Độ) không có dịp theo dõi sự tiến triển của chữ quốc ngữ ở Việt Nam, nên đã phiên âm di ngôn của thầy giảng Anrê theo ý riêng hoặc theo lối cũ.
Chúng tôi ước ao sưu tầm thêm sử liệu để giải quyết dứt khoát vấn đề này.
V. GASPAR D’AMARAL và ANTONIO BARBOSA
Giáo sĩ Dòng Tên Gaspar d’Amaral là tác giả cuốn tự điển Việt-Bồ và giáo sĩ Dòng Tên Antonio Barbosa là tác giả cuốn tự điển Bồ-Việt. Đó là hai cuốn tự điển đầu tiên về tiếng Việt. Công trình của hai tác giả này được Alexandre de Rhodes khai thác để soạn bộ tự điển Việt-La-Bồ: “Tôi – Alexandre de Rhodes – (còn) lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc Dòng Tên, nhất là của Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa. Cả hai ông này đều làm mỗi ông một cuốn tự điển. Ông Gaspar d’Amaral làm cuốn Annamiticum-Lusitanum; ông Antonio Barbosa làm cuốn Lusitanum-Annamiticum. Nhưng tiếc rằng cả hai ông đều chết sớm. Tôi lợi dụng công việc của cả hai ông viết ra cuốn tự điển mới có chứa thêm tiếng Latinh, mục đích để giúp người bản xứ học tiếng Latinh theo lệnh của các Đức Hồng Y” [9].
Giáo sĩ Gaspar d’Amaral được hội nghị thảo luận công thức rửa tội 1645 nhận là rất thông thạo tiếng (peritissimus linguae). Sinh năm 1592 tại Curvacera (Bồ Đào Nha), ngài vào Dòng Tên năm 1608, làm giáo sư văn chương tại Braga, Coimbré và Euore. Năm 1623, giáo sĩ được cử đi giảng đạo tại Nhật Bản. Từ năm 1628 đến năm 1630, hình như giáo sĩ có theo thương thuyền cập bến đất Bắc mấy lần, cho đến 1630 hay 1631, giáo sĩ ở hẳn Đàng Ngoài. Giáo sĩ làm Bề Trên Phái đoàn Truyền giáo. Năm 1634, giáo sĩ có phái tu sĩ đem thư đền triều đình Lào, song không có kết quả gì. Năm 1638 giáo sĩ về dưỡng sức ở Áo Môn, sau trở lại Đàng Ngoài và chết đuối vì tàu đắm ngày 14-2-1646. Cuốn tự điển Việt-Bồ của giáo sĩ hiện nay chưa tìm được.
Giáo sĩ Antonio Barbosa được hội nghị thảo luận công thức rửa tội năm 1645 nhận là thông thạo tiếng (peritus linguae). Antonio Barbosa sinh tại Villa de Arrifana de Souza (Bồ Đào Nha). Năm 1624, ngài vào Dòng Tên và năm 1629 giáo sĩ được cử đến giảng đạo ở Đàng Trong. Giáo sĩ có ra Đàng Ngoài hoạt động truyền giáo. Theo cha Alexandre de Rhodes, giáo sĩ Antonio Barbosa bị bệnh vào khoảng 1639 và về Áo Môn tĩnh dưỡng, sau đưa về Goa (Ấn Độ) chữa bệnh. Có lẽ năm 1645 giáo sĩ còn ở Áo Môn vì giáo sĩ có tham dự vào cuộc tranh luận về công thức rửa tội. Giáo sĩ từ trần ở Goa, có lẽ là sau năm 1645. Cuốn tự điển Bộ-Việt của giáo sĩ cũng bị thất lạc như cuốn tự điển của giáo sĩ Gaspar d’Amaral.
Vì chưa sưu tầm được hai cuốn tự điển của hai giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa nên không có thể thẩm định ảnh hưởng của hai giáo sĩ này trong tự điển Việt-La- Bồ của giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Chúng ta hy vọng có ngày đưa ra ánh sáng công trình tiên phong của hai giáo sĩ. Hiện nay một hướng sưu tầm được hé ra: Thanh Lãng có phát giác rằng tại Thư Viện Tòa thánh Vatican có hai bản sao tự điển mà Thanh Lãng ngờ rằng là của hai giáo sĩ[10]. Trong thư mục Borg. Tonch, có cuốn Dictionarum Annamiticum Lusitanum ký hiệu Borg. Tonch 23 và cuốn iDictionarum Lusitanum – Annamiticumký hiệu Borg. Tonch 23. Hai cuốn ấy do linh mục Philiphê Bỉnh sao lục và không đề tên tác giả, cuốn trên Thanh Lãng gọi là cuốn BTA 23, dày 288 trang, cuốn dưới là BTB 23 dày 324 trang. Ngoài ra Philiphê Bỉnh còn trích sao cuốn tự điển Việt-La-Bồ của Alexandre de Rhodes và Thanh Lãng gọi là cuốn BT 28 dày 411 trang. Thanh Lãng nghi rằng hai cuốn tự điển BTA 23 và BTB 23 có thể là hai cuốn tự điển Việt-Bồ và Bồ-Việt của Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa vì những nhận xét sau đây:
1/ Cuốn BT 8 viết âm l rất đúng, nhưng BTA 23 và BTB 23 còn ngập ngừng giữa cách viết leìa(lìa), leinh (lênh), lệinh (lệnh).
2/ Cuốn BT 8 đầy đủ hơn BTA 23 và BTB 23, tất cả các chữ trong BTA 23 đều có trong BT 8 nhưng có nhiều chữ trong BT 8 mà không có trong BTA 23.
3/ Cuốn BT 8 có ghi tên người sao sách là Philiphê Bỉnh và tác giả là Alexandre de Rhodes, còn hai cuốn BTA 23 và BTB 23 đều không ghi tên người sao và tên tác giả.
Thật ra trên đây chỉ là nghi vấn chưa có thể quyết đoán được về tác giả và soạn niên của hai cuống BTA 23 và BTB 23. Hai cuốn tự điển của Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa, nếu sưu tầm được, sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về chữ quốc ngữ trước Alexandre de Rhodes.
VII. ALEXANDRE DE RHODES (1651)
Trong các tác phẩm của giáo sĩ Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Rôma, chữ quốc ngữ đã định hình và không khác hình thức bây giờ bao nhiêu. Chúng ta chưa tìm được tài liệu gì có thể đoán định soạn niên của tác phẩm nên phải lấy năm 1651 làm niên hiệu khai sinh hình thức chữ quốc ngữ do Alexandre de Rhodes góp công hoàn tất.
Đành rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes không phải là người duy nhất sáng chế và làm cho chữ quốc ngữ trở nên hoàn hảo, nhưng lịch sử vẫn xem giáo sĩ là thủy tổ chữ quốc ngữ vì đã có công thử thách chữ quốc ngữ trong cái lãnh vực soạn sách tự điển, văn phạm, giáo lý và nhất là phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ bằng những tác phẩm ấn loát tại nhà in Thánh Bộ Truyền Giáo.
Chúng ta sẽ đi sâu vào các tác phẩm nói trên trong hai chương VII và VIII dành cho Alexandre de Rhodes.
VIII. FILIPPO DE MARINI (1654)
Thanh Lãng có tìm được bản tài liệu viết tay liên quan đến công thức rửa tội thảo luận năm 1654, do Filippo de Marini viết hoặc chủ trương.
Chúng tôi xin trình bày những tài liệu ấy căn cứ theo sự khảo cứu của Thanh Lãng [11] :
1 – Thư gởi cho Padre Assistente de Portugal (API).
Bức thư này dài bốn trang: trên đầu và ở giữa viết tắt ba chữ J.H.S. (Jesus Hominum Salvator), lui về phía tay trái có mấy chữ Pe Assistente de Portugal. Cuối thư, trước chữ ký Filippo se Marini có mấy chữ De V.R. minimo servo en Xto.
Để tiện gọi tắt sau này, chúng tôi gọi tài này là tài liệu AP (viết tắt hai chữ Assistente de Portugal). Tài liệu này viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, một bức thư gởi cho P. Assistente de Portugal nói về cuộc tranh luận giữa hai phe truyền giáo. Marini, trước hết thuật lại một công thức bằng tiếng Trung Hoa cho người Trung Hoa rồi bàn đến công thức bằng tiếng Việt Nam.
Trong thư này ta đọc thấy:
- Nơi trang II, dòng thứ 14: công thức lai Tàu lai Tây: Ngò (ego) Sỳ (baptizo) Sh’ (te) in (in) Fu’ (Patris) Kiẽ (et) (Philio) Kiẽ (et) Supilito (Spiritus) Santo (sancti) mỉm (nomine) chè
Dòng 22: công thức Tàu hoàn toàn: Ngò (ego) Sỳ (baptizo) Sh’ (te) in (in) Fu’ (Patris) Kiẽ (et) Ciè (Filii) Kiẽ (et) Xim (Sancti) Xĩn (Spiritus) Chi min (nomine) chè.
- Nơi trang III:
dòng thứ bốn: áu tôi (áo tôi)
dòng thứ bảy: chém đầ nó (chém đầu nó)
dòng thứ tám: chép tên Thầ (chép tên Thầy)
dòng thứ mười chín: Vì kẻ trộm bất lê bò chúng tôi. (Vì kẻ trộm lấy bò chúng tôi)
dòng thứ mười ba: nhẫn một danh (nhân một danh)
Bức thư này, nơi dòng thứ bốn trang bốn có một câu tiếng Latinh mà chúng tôi cho là cực kỳ quan trọng, đó là câu: “Reliqua vide fusius infra” (còn các sự khác xin xem dài rộng hơn ở sau đây). Do câu trên này, mà chúng tôi quả quyết tài liệu thứ hai sau đây tức là tài liệu AP 2 cũng là của Filippo de Marini.
2 – Bản tường trình gởi cho P. Assistente de Portugal (AP 2).
Tài liệu này, chúng tôi cho là cũng do tay Marini viết để tường trình cho Assistente de Portugal về cuộc hội thảo giữa 35 giáo sĩ Dòng Tên về công thức rửa tội. Trong cuối thư AP 1, trong khi xin Assistente de Portugal đọc một tài liệu dài hơn, Marini hẳn là có ý chỉ bản tường trình này. Chúng tôi gọi bản tường trình này là AP 2. Bản tường trình AP 2. Bản tường trình AP 2 này dài 8 trang, trên đầu và ở giữa trang có ba chữ viết tắt như ở thư AP 1 tức J.H.S.; xích về bên trái là Pe Assistente de Portugal, lùi xuống dưới và đặt giữa trang là câu này:
Manocristo, em que se prova, que a forma do Bauptismo pronunciada em lingoa Annamica he verdadeira.
Bản tường trình này phải là của Filippo de Marini, thứ nhất vì câu dặn Reliqua vide fusius infratrong bức thư AP 1, thứ hai vì cùng gởi cho một người là Assistente de Portugal, thứ ba vì cùng một lối chữ viết, thứ bốn vì nội dung bản tường trình cho ta thấy người viết là người đã tham dự vào buổi hội thảo, thứ năm vì những lý mà tác giả đưa ra để phản đối Đắc Lộ giống y như ở các thư gởi đi nơi khác mà có ký tên Marini, thứ sáu vì tên của tác giả tức là Marini để ở cuối cùng trong danh sách những người chống lại Đắc Lộ. Trong AP 2 ta đọc đại khái:
- Trang 1:
dòng 34: Tẵ rữa mầ nhẫn danh Cha, và Con, và Spirito Santo.
- Trang II:
dòng 4: Nhẫn danh.
dòng 7,8: Tẵ lấÿ tên.
dòng 13: Tẵ rữa mầ
dòng 26: Tẵ lấÿ tên.
dòng 27:  Tẵ lấÿ tên.
dòng 36: Danh Cha cả sáng.
- Trang III:
dòng 4: Vô danh.
dòng 13:  Tẵ lấÿ một tên Cha và con và Spirito Santo rữa mầ.
dòng 20: Cất ma.
dòng 21: Cất xác, Blạ có ba hồn bảy vía.
dòng 25: Chúa Blờÿ ba Ngôy.
- Trang IV:
dòng 7,8: Nhẫn danh Cha và danh Con và Spirito Santo rữa mầ.
dòng 10-11: Nhẫn ba danh, nhẫn một danh.
- Trang VII:
dòng 13: Tẵ rữa mầÿ.
dòng 18: Phu.
dòng 19: .
dòng 23: Sóữ (sống) ngọt.
dòng 27: Cha ruột, con ruột.
Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên, trong Văn Hóa Nguyệt San số 48 tháng 1-2 năm 1960 gọi tài liệu AP 2 này là biên bản 36 giáo sĩ Dòng Tên làm ra năm 1645. Chúng tôi đếm lại thì thấy chỉ có 35 tên. Nơi đầu trang 8 trước bản danh sách 35 cha Dòng Tên ghi chú thế này: De Azdo Vis Pro.Japonensio et vice Proae sinensis, interfuere consulatanioni, et forman Baptismi linguae Annamica prolatam, legitiman et validã affirmarerut Anno 1645. Có lẽ linh mục Nguyễn Khắc Xuyên căn cứ vào đấy mà cho rằng tài liêu này viết ra năm 1645. Theo chỗ nghiên cứu của chúng tôi thì tài liệu AP 2 này viết năm 1645 nghĩa là cùng một lượt với một bức thư khác có đề năm 1645 mà Marini gửi cho P. Assistente de Portugal. Tài liệu AP 2 viết năm 1645 nhưng thuật lại một biến cố xảy ra năm 1645. Câu đầu bản tường trình viết như vầy: Na ere de 1645 propos o Pe Alexe Rhodes ao Pe, Mel de Azevedo V 02 que então era de Jappaõ e China, qua mandasse ouvir sobre huãs duvidas, que tinha acerta de forma Bauptismo em lingoa Tunkinica em junta plena. Ý nghĩa là năm 1645, theo đề nghị của giáo sĩ Đắc Lộ, một hội nghị gồm các nhà truyền giáo ở Nhật, Trung Hoa và Việt Nam để bàn về công thức rửa tội bằng tiếng Việt Nam. Tài liệu này không thể viết năm 1645 được vì nơi dòng thứ 23 trang I có nói đến việc xảy ra năm 1651: Desta resolução sedes conta as Sen Patriarcha de Etÿopia, O gual a approvou e souou porẽ como o anno passado de 1651.
Như trên đã nói, tài liệu này tuy không viết năm 1645 nhưng nhắc lại việc xảy ra năm 1645, mà nhắc lại dưới hình thức một biên bản. Cả trang thứ nhất có thể coi như là tiểu dẫn (viết năm 1645) để giới thiệu cái biên bản đã làm năm 1645. Vì thế có thể coi các chữ quốc ngữ trong biên bản như là có từ năm 1645. Tuy nhiên không có gì là tuyệt đối. Như vậy, ngoài tài liệu AP 2 này, hãy còn là nghi vấn,  tất cả các tài liệu như AP 1 và các tài liệu kể sau đây đều do Filippo de Marini gửi về Âu Châu năm 1645.
3 – Thư gởi Pe Assistent d’Italie (AL1)
Tài liệu này là tài liệu rõ ràng hơn cả. Trên đầu thư có đề năm là năm 1645 có để chức tước và tên người nhận thư là Pe Assistente d’Italie Gio. Luigi Consolationi. Cuối thư, ký Minimo Servo in X 0 Phelipe Marino.
Chúng tôi lấy chức tước người nhận thư này mà đặt tên cho tài liệu này tức là Assistente và Italia. Nhưng vì có hai thư gửi cho Assistente Italia cho nên gọi là APvà AP2 gởi Bồ Đào Nha; còn AI1 và AI2 gởi về Ý đại lợi. Về tài liệu này nơi trang thứ hai ta đọc:
- dòng thứ 5, công thức rửa tội tiếng La tinh: Ego baptizo te in nomine Patris et Filii ex Spiritus Sancti Amen.
- dòng thứ 6, công thức bằng chữ quốc ngữ, các chữ xếp đối với các chữ La tinh ở trên: Tau rữa mầ nhễn danh Cha và Con và Spirito S 0 Amen.
- dòng thứ bảy, công thức viết bằng chữ Nôm.
4 – Thư gửi Assistente d’Italia (AI2)
Không hiểu sao lại có bức thư thứ hai này cùng gởi cho một người là Assistente d’Italia Gio Luigi Consolationi, cùng một bản nguyên văn như bức thư AI1. Chỉ khác là bức thư trước chữ to nên chiếm ba trang, còn thư này viết nhỏ nhú nhí cho nên chiếm không đầy hai trang. Cái khác thứ hai là bức thư này không có đề năm. Cái khác thứ ba là câu kết trong hai bức thư khác nhau. Một điều đáng chú ý là ở trong AI2 cũng như AI1 nơi phần kết bức thư, Marini có nhắn lời hỏi thăm em ông là Giáo sĩ Nicolo Marini, vào dòng từ năm 1646: “Non srivo al P e Gio: Nicolo Marini moi fratello supplico a VR. gli dj nuove mie ho pur un alteo fratello che entio nella conga in messina l’anno 1646.
5 – Bản tường trình về cuộc tranh luận công thức (CFB)
Chúng tôi gọi tài liệu thứ năm này là CFB tức là lấy ba tiếng đầu: Circa Forman Baptismi mà chỉ tên. Tài liệu này viết bằng tiếng Latinh dài 6 trang. Tài liệu này có lẽ không phải do tay Marini viết vì nét chữ khác hẳn các tài liệu kể trên. Chữ nét hoa lá chứ không đơn sơ như chữ Marini. Cứ như lời lẽ trong đó, thì tác giả của nó phải là một vị trong 35 vị đã dự cuộc hội thảo và cũng thuộc vào phe chống lại Đắc Lộ. Cũng có thể là do Marini dịch ra tiếng Latinh nhưng sai thư ký chép viết bằng tiếng Latinh, có lẽ để những ai không hiểu tiếng Ý hay Bồ có thể hiểu được. Về tài liệu này, ta đọc:
- Nơi trang II:
dòng 20: Nhơn danh Cha và con và Spirito Santo.
dòng 28: Dức Chúa Blờy sinh ra chín đấng thiên thần là cũôn cũốc Đức Chúa Blờy.
dòng 35: Nhơn danh Cha và Con và Spirito Santo.
- Nơi trang III:
dòng 1: Nhơn danh Cha và Con và Spirito Santo.
dòng 2: Nhơn danh mấ tên?
dòng 3: ba tên.
- Nơi trang V:
dòng 6-7: Tau (i. ego) rữa (i. baptizo) mầ (i. te) in nomine Cha (i. Patris) và (i. et) con (i. et) Spirito Santo.
6 – Biên bản 14 giáo dân (BB14)
Tài liệu này không có tên. Chúng tôi tự đặt cho nó là BB14 (tức biên bản 14 giáo dân). Tài liệu này có ba trang viết bằng chữ Nôm và bên cạnh mỗi chữ nôm có ghi chú chữ quốc ngữ và chữ La tinh. Đây là một tài liệu hay đúng hơn biên bản của 14 giáo dân Việt Nam làm ra để bênh vực lập trường của giáo sĩ Filippo de Marini. Chúng tôi sao lại các tiếng quốc ngữ mà thôi. Đây là nguyên văn biên bản đó:
“Nhin danh Cha và Con và sự Phirito Sangto, i nà Annam các bỏn đạo thì tin ràng ra ba danh bí bàng muốn í làm môt thì phảy nóy nhin nhit danh cha ecc… tôy là giu ão câ (?) Trâm (?) cũ nghi bậ tôy là Anre Sen (?) cũ nghi bậ tôy là Batô uẫn Triễn cũ nghi bậ tôi là Phero uẫn nhít cũ nghi bậ tôy là Anjo uẫn taũ (?) cũ nghi bậ toy là Geronimo cũ nghi bậ toy là Inaxu cũ nghi bậ tôy là Thome cũ nghi bậ tôy là Sile cũ nghi bậ tôy là Luisi cũ nghi bậ tôy là Philip cũ nghi bậ tôy là Dominh cũ nghi bậ tôy là Antôn cũ nghi bậ tôy là gui aõ cũ nghi bậ”.
7 – Bảng đối chiếu bốn thứ tiếng (JTSL)
Chúng tôi gọi tên tài liệu này là JTSL; đó là một bản đối chiếu 4 thứ tiếng gồm có Nhật, Việt, Tàu, Latinh. Gọi là tiếng Việt nhưng chỉ là cách người Việt đọc chữ Tàu.
Công thức rửa tội:
- Tiếng Nhật: ga xin vô in Bu Kiu Xi Kiu Xê Xin Xi mê xa.
- Tiếng Việt: Ngã tẩ nhĩ nhẫn Phụ Cập Tử cập Thánh Thần chi danh yã.
- Tiếng Tàu: (vừa phiên âm và viết tiếng nho) Gò sì sh’in Fù Kiẽ Çù Kiẽ Xĩm xĩn chì mìn chè.
- Tiếng La tinh: Ego baptizo te in Patris et Filii et Sancti Spiritus nomine.
- Một câu phúc âm: 
Chúng tôi chỉ trích tiếng Việt và La tinh: Nhẫn (in) Thiên (coeli) Chúa (Domini) chi ( ) Danh (nomini) ngã (ego) maĩnh (proecipio) Thâm (tibi) Việt (surge) lai (sursum) nhi (et) Tã (ambula).
- Một câu khác: Ma (Doemon) Quỉ (diabolus) kính (tinet) Cầ (Hoe) se (Je) su (su) Thánh (sanctum) Danh (nomen).
Tài liệu JTSL này viết năm 1654.
Tổng kết về 7 tài liệu liên quan đến công thức rửa tội: trong số 6 tài liệu kể trên AP1, AP2, AI1, AI2, BB14, JTSL thì có hai tài liệu có đề năm tức là AI1 và JTSL: đề năm 1654. Năm tài liệu kia không đề năm nhưng hoặc của Marini hoặc do Marini chủ trương đều do ông làm ra năm 1654 để gửi đi nhiều nơi khác nhau. Trừ tài liệu AP2 mà chúng ta cho là có thể có từ 1645, sáu tài liệu khác đều thuộc năm 1654 tất cả” [12].
So sánh chữ quốc ngữ trong bản tài liệu trên đây của giáo sĩ Filippo de Marini với chữ quốc ngữ trong các tác phẩm của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, chúng ta nhận thấy những dị biệt quan trọng như sau:
1/ Theo giáo sĩ Marini, dấu hai chấm (tréma) đặt trên các chữ i, y, u. Trái lại giáo sĩ Alexandre de Rhodes công kích thói quen dùng các ký hiệu nhất là dấu hai chấm trên các nguyên âm như , ÿ, .
2/ Theo giáo sĩ Marini, y dùng thay cho i; g đi liền trước e (Geronimo); lại có thêm phụ âm j (an jo) dùng phụ âm y trước nguyên âm a(yã); phụ âm tr thay vì bl (kẻ trộm, trâm, triên)
3/ Theo giáo sĩ Marini, chúng ta không thấy chữ nào có nguyên âm kép ba như giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã dùng. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes viết lếy (lấy), tao trong khi giáo sĩ Marini thì viết lấ, tau.
Cùng một thời đại nhưng có hai khuynh hướng phiên âm chữ quốc ngữ.
Lịch sử đã chứng minh rằng khuynh hướng của giáo sĩ Alexandre de Rhodes sẽ thắng thế, một phần lớn cũng nhờ uy tín và sự phổ biến tương đối rộng rãi của những tác phẩm in.
VIII. BENTÔ THIỆN và IGESSIO VĂN TÍN (1659)
Hai bức thư của Bentô Thiện và Igessio Văn Tín [13] gởi cho giáo sĩ Filippo de Marini năm 1659 không phải là nét bút xưa nhất còn lại của người Việt viết bằng chữ Latinh trên mặt giấy tây như nhận định của Hoàng Xuân Hãn [14] vì tài liệu cổ nhất về loại này phải kể là biên bản 14 giáo dân (BB14) về công thức rửa tội.
Theo hai bức thư nay, chữ quốc ngữ lối 1659 có những đặc điểm sau:
1/ Hệ thống nguyên âm và phụ âm giống như chủ trương của giáo sĩ Đắc Lộ:
- Nguyên âm ba uyê viết với i ngắn: truiện.
- Thay phụ âm kép ng đặt sau nguyên âm bằng dấu ngã: cũ (cũng), làõ (lòng)/
- Một phần v viết bằng bêta Hy Lạp
- Một phần Tr viết bằng bl hay tl
-
 Một phần nh viết bằng Ml (Mlat: nhạt).
2/ Tuy nhiên vẫn có nhiều lối phiên âm giống giáo sĩ Marini và khác giáo sĩ de Rhodes:
- Dùng i hai dấu chấm thay cho y sau nguyên âm: vậ (vậy), lậ (lậy)
- Dùng i thay cho y sau nguyên âm: hai (hay).
- Yên
 thì viết là Iên
- Phụ âm kép tr phân biệt với tltrộm chứ không tlộm, trăm chứ không tlăm.
Hai bức thư Bento Thiện và Igessio Văn Tín chứng tỏ rằng đến giữa thế kỷ XVII, lối phiên âm chữ quốc ngữ chưa theo hẳn một khuynh hướng độc tôn nào. Ảnh hưởng của hai giáo sĩ Marini và de Rhodes đang chi phối hình thức chữ quốc ngữ.
Qua những tài liệu hiếm hoi trình bày trên đây, chúng ta nhận thấy có nhiều khuynh hướng trong việc phiên âm chữ quốc ngữ. Một di tích của các khuynh hướng này cũng còn được ghi chép trong cuốn tự điển Việt-La-Bồ của giáo sĩ Alexandre de Rhodes giúp chúng ta đối chiếu các lối phiên âm đồng thời với lối phiên âm của tác giả. Điều này tuy cải chính dư luận đơn giản cho rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã sáng chế chữ quốc ngữ nhưng lại xác nhận công trình của giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã làm cho lối phiên âm chữ quốc ngữ được hoàn hảo hơn.
Võ Tòng Lê
Chú thích
[1] Nguyễn Khắc Xuyên, giáo sĩ A-lịch-sơn Đắc Lộ với chữ quốc ngữ, VNKCTS số 2 trang 105.
[2]
 Thanh Lãng, Những chặng đường của chữ quốc ngữ, bđd trang 7.
[3]
 Xem phần thứ nhất, chương II, trang 111-112
[4]
 J. Baldinotti, Relatione des Viaggio di Tuquin, trích trong Lettere dell Ethiopia… Romae, 1629.
[5]
 Nguyễn Khắc Xuyên, Công cuộc khảo cứu chữ quốc ngữ vào năm 1931, VHNS loại mới, số 42 tháng 7 năm 1659, trang 689.
[6]
 Nguyễn Khắc Xuyên, bđd, tang 89.
[7]
 Thanh Lãng, bđd, trang 9.
[8]
 Như trên, bđd, 11.
[9]
 Thanh Lãng trích dịch, Biểu nhất lãm văn học cận đại, tập I, bđd, trang 21. Chúng tôi chỉ đổi danh từ từ vựng thành tự điển.
[10]
 Thanh Lãng, Những chặng đường của chữ quốc ngữ, bđd, trang 35.
[11]
 Trích lục nguyên văn Thanh Lãng, bđd, trang 20-25. Chúng tôi chỉ sử dụng cách viết nhân danh là Filippo de Marini cho duy nhất.
[12]
 Đến đây hết phần trích lục nguyên văn của Thanh Lãng, bđd.
[13]
 Xem phần thứ nhất, chương II, tiểu mục VIII.
[14]
 Hoàng Xuân Hãn, bđd, Đại học số 10 tháng 7 năm 1959.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét