Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Lịch sử văn học Công giáo: Chương II – Sự hình thành ngôn ngữ Công Giáo



Công cụ diễn đạt của văn học là ngôn từ nên chúng ta phải xét sự hình thành của ngôn ngữ Công giáo Việt Nam trước khi đi sâu vào các văn phẩm Công giáo chữ nôm và chữ quốc ngữ.
Suốt thế kỷ XVI, không có sử liệu nào chứng tỏ các thừa sai Công giáo thông thạo Việt ngữ. Lẽ dĩ nhiên, muốn truyền giáo trong thời kỳ này cần phải có thông ngôn. Chúng ta có thể phỏng đoán họ là những thương gia ngoại quốc vì như cầu thực tế phải tập nói tiếng Việt hoặc là những người Việt có năng khiếu ngoại ngữ trong giới thân cận các thương gia ngoại quốc.
Trong tiền bàn thế kỷ XVII, có nhiều Cha Dòng Tên học hỏi Việt ngữ, có nhiều giáo hữu tinh tường chữ Hán và chữ Nôm. Trong số những giáo hữu tân tòng, có người là nho sĩ hay tu sĩ Phật giáo. Lẽ dĩ nhiên, trình độ Việt ngữ cũng như trình độ giáo lý của họ tiến bộ hơn những lớp người thông ngôn trong thế kỷ trước. Do đó sự chuyển dịch danh từ Công giáo từ ngôn ngữ Tây phương sang Việt ngữ có phần mỹ mãn hơn. Từ sự chuyển dịch là giải pháp cấp thời, giáo sĩ và giáo dân lại nổ lực sáng chế các danh từ Công giáo đúng với tín lý và thích ứng với tinh thần Việt ngữ.
Một số văn liệu đã sưu tầm được chứng minh ý thức và nổ lực xây dựng ngôn ngữ Công giáo Việt Nam. Trình bày những văn liệu ấy, tức là nêu ra những chặng đường của một lịch trình tiến triển phát khởi từ thế kỷ XVI và sôi động trong tiền bán thế kỷ XVII. Trong số những văn liệu này, tác phẩm chữ nôm của Girolamo Majorica (1619-1656) Gioan Thanh Minh (1588-1663) và tác phẩm chữ quốc ngữ của Alexandre de Rhodes (1593-1660) có một tầm quan trọng đặc biệt nên sẽ được nghiên cứu riêng trong những chương dành cho văn học Công giáo chữ nôm và chữ quốc ngữ.
I. DANH XƯNG CỔ NHẤT CỦA ĐẠO CÔNG GIÁO (Thế kỷ XVI)
Danh xưng cổ nhất của đạo Công giáo là Hoa lang đạo. Từ ngữ này xuất hiện trong Đỗ tộc gia phả, theo đó thì Đỗ Hưng Viễn nếu không là người Việt đầu tiên theo đạo Công giáo thì cũng là một trong số những người Việt đầu tiên chịu phép thanh tẩy[1].
Theo sự nghiên cứu của sử gia C.A. Poncet., Đỗ tộc cư ngụ ở làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Bản gia phả họ Đỗ được viết trong thế kỷ XVII, có chép sự tích Đỗ Hưng Viễn theo đạo Công giáo vào khoảng 1562-1573, trong một dịp đi sứ đến vùng buôn bán của người Bồ Đào Nha “hoặc ở Áo Môn, hoặc có lẽ chắc hơn ở đảo Célèbes, trên một thương thuyền của người Bồ Đào Nha”.[2]
Đoạn gia phả nói Đỗ Hưng Viễn theo đạo Hoa lang như sau:
“Thứ chi hựu thất đại tổ. Chính trị thất niên, Kỷ Dậu, khoa hương thí cống sanh. Chính trị thập ngũ niên, khâm sắc thô Kiết Tiết Tuyên lực công thần, đặc tấn Kim tử Vinh Lộc đại phu, Lại bộ thuyên khảo thanh lại tư viên ngoại lang. Lương khê Nam Đỗ tướng công (?) Thụy Mỹ Trinh Hiền, hiệu Trúc Lâm tiên sinh (?) Đức (?) đệ tam tử, tỷ Dương thị, hiệu Từ Ái, sinh đắc tam tử. Mộ tại Cồn Cổ Ngựa xứ. Thiếp mộ tại Cồn Xương xứ. Thập nguyệt thị thập lục nhật kỵ. Nhất nam Viên Đức, nhị nam Hưng Viễn, tùng Hoa lang đạo”.
Dịch nghĩa như sau:
“Ngành thứ hai ông tổ đời thứ bảy, niên hiệu Chính trị thứ 7 (1558-1571) năm Kỷ Dậu (1564) đậu cống sinh khoa thi hương, đến năm Chính trị 15, được sắc phong Kiệt Tiết Tuyên lực công thần, đặc tấn Kim tử Vinh Lộc đại phu, chức Lại Bộ Thuyên khảo thanh lại tư viên ngoại lang, nam tước Lương khê Đỗ tướng công (tức là Đỗ Công Biều). Cụ tên thụy là Mỹ Trinh Hiền, hiệu là Trúc Lâm tiên sinh. Cụ là con thứ ba. Mẹ họ Dương hiệu Từ Ái, sinh hạ được ba con. Mộ chôn tại xứ Cồn Cổ Ngựa, kỵ ngày mồng bảy tháng mười. Người thiếp mộ chôn tại xứ Cồn Xương, kỵ ngày 16 tháng 4. Con trai đầu là Viên Đức, con trai thứ là Hưng Viễn, theo đạo Hoa lang”.
Tại sao đạo công giáo lại mệnh danh là Hoa lang đạo?
Sử gia L.A. Poncet giải thích:
“Những dân tộc Viễn Đông nói chung dân tộc Việt Nam nói riêng, ngày trước chỉ danh đạo công giáo theo quốc hiệu của những người Tây phương giao thiệp với họ: nếu là người Phu-tu-ghe (Bồ Đào Nha) thì gọi là đạo Phu-tu-ghe; nếu là người Y-pha-Nho, thì danh xưng đổi là đạo Y-pha-Nho; nếu là người Pháp thì gọi là đạo Pha-lang-sa, đạo của người Falenkis mà cha Henri-Bernard, Dòng Tên, đã nói đến trong sách Để thông hiểu Đông dương và Tây phương (trang 58).
Trong thời kỳ Đỗ Hưng Viễn được ghi chép vào gia phả họ Đỗ, nghĩa là vào thế kỷ XVII, người Hòa Lan đã thay thế địa vị của người Bồ Đào Nha ở Viễn Đông, vậy đối với người Việt, đạo công giáo là đạo Hoa lang[3]
Lời giải thích của L.A. Poncet phù hợp với chứng tích của cha Royer thuộc Dòng Tên, trong một bức thơ gửi cho em là Le Royer D’Arfix đề ngày 10-6-1700:
“Bốn năm về trước, vào khoảng tháng 8 năm 1696, một cuộc bắt đạo lại diễn ra, sau khi công bố sắc dụ cấm đạo Phu-tu-ghe (đạo công giáo được chỉ danh ở nước này như thế)”[4].
Có người lại giải thích hơi khác về nguồn gốc danh từ Hoa lang:
“Hoa lang là tên gọi những người lái buôn Bồ, Tây Ban Nha đến buôn bán ở xứ ta. Nhiều người cho nguồn gốc tên đó do một thứ vải có hình hoa khoai lang, lái buôn Bồ đem vào bán ở xứ ta. Hiểu nhầm đạo Công giáo là đạo của người Bồ, Tây Ban Nha, dân chúng gọi là đạo người Hoa Lang hay Hoa lang đạo”[5].
Nhưng lời giải thích có thể tin cậy hơn cả là của nhà bác học L. Cadìere:
“Đạo Hoa Lang hay đạo người Hoa Lang, ( ) Hoa Lang Đạo. Chữ ( ) đọc là hoa nhưng ở miền Bắc Trung phần, và trong trường hợp từ ngữ này, hoa thường đọc là ba và ta có từ ngữ đạo người Ba lang. Trong nhiều thổ ngữ miền Hoa Nam, hoa đọc là fa và ta có từ ngữ đạo người fa lang.
Từ ngữ này, chắc là do sự phiên âm danh xưng Franc: Fa-lang, Ba-lang, Hoa-lang. Người Trung Hoa đã biết giống Franc trong thời tiếp những sứ bộ và những du khách đời Trung Cổ, hoặc xưa hơn nữa, thời Thánh chiến hay đời Đại đế Charlemagne, do sự trung gian của người Thổ Nhĩ Kỳ và người Ả Rập. Nói chung thì từ ngữ đạo Hoa lang là danh từ chỉ đạo giáo của người Âu Châu”[6].
Theo những tài liệu và những lời giải thích trên đây, danh xưng Hoa lang đạo được thông dụng trong thời kỳ truyền giáo phôi thai. Trong khi chưa sưu tầm được sử liệu nào xuất hiện trước Đỗ tộc gia phả, chúng ta có thể xem danh xưng cổ nhất của đạo công giáo ở nước ta là Hoa lang đạo.
Xét về phương diện cấu tạo ngôn ngữ, danh xưng này biểu thị khuynh hướng diễn tả bằng hình ảnh khả cảm. Đây không phải chỉ là một mỹ từ pháp mà chính là một yếu tính của ngôn ngữ và tư tưởng Việt Nam. Đa số các từ ngữ, nghĩa là những đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ đều chứa đựng hình ảnh. Trong trường hợp từ ngữ Hoa lang đạo, hình ảnh không đủ sức gợi nên yếu tính của đạo Công giáo. Nếu chỉ căn cứ vào từ ngữ mà phán đoán thì có thể nói rằng có một ngộ nhận là đồng hóa tôn giáo với chính trị, cho rằng theo đạo công giáo tức là chấp nhận quốc tịch của những thừa sai công giáo.
Nếu quả thật có những sự ngộ nhận này thì trình độ giáo lý của các giáo hữu tiên khởi quá đơn giản. Đạo Công giáo nhập thể trong các dân tộc nhưng không đồng hóa với một dân tộc nào, điều này đã được lịch sử truyền giáo chứng minh. Gương xưng đạo và tử đạo của các giáo hữu tiên khởi không cho phép chúng ta nghi ngờ đức tin mới chớm nở nhưng khá nhiệt thành của họ.
Thiết tưởng chúng ta có thể nhận định rằng danh xưng Hoa lang đạo, tuy không chứa đựng tất cả thực tại phong phú sâu sa của đạo Công giáo, nhưng cũng đã được thông dụng để biểu thị một tôn giáo đã đi sâu vào lòng những người giáo hữu Việt Nam tiên khởi nhưng chưa kịp thể hiện trong ngôn ngữ.
II. DANH TỪ TÔN GIÁO CỦA THÔNG NGÔN GIẢNG ĐẠO (trước năm 1615)
Chứng tích về danh từ tôn giáo của các thông ngôn giảng đạo rất ít ỏi. Tác phẩm của Christoforo Borri và Bartoli gián tiếp cho chúng ta biết một đôi điều về cách giảng đạo ngớ ngẩn trước khi các cha Dòng Tên đến truyền giáo năm 1615.
Giáo sĩ Christoforo Borri giảng đạo ở nước ta từ 1618 đến 1621. Trong một tác phẩm xuất bản năm 1631, giáo sĩ Christoforo Borri có viết:
“Người Việt không hiểu danh từ Kitô hữu có ý nghĩa gì và lý do chính là câu nói của những người thông ngôn thường dùng để hỏi người ta có muốn trở nên Kitô hữu hay không, bởi vì câu nói của những người thông ngôn vô nghĩa, nếu không có nghĩa rằng có muốn trở nên người Bồ Đào Nha hay không. Cha Buzoni nhận thấy như thế trong trường hợp sau đây: phường tuồng trình diễn một hài kịch ở một nơi công cộng và cha nhận thấy trong một màn phụ diễn, một diễn viên ra sân khấu, ăn mặc theo lối Bồ Đào Nha, mang một cái túi che khuất một trẻ em. Diễn viên ra sân khấu, nhìn khán giả, lôi đứa trẻ từ bụng ra rồi hỏi đứa trẻ xem nó có muốn trở lại trong túi không bằng câu nói sau đây: “Con gno muon bau tlom laom Hoalaom chiam”(phiên diễn theo chính tả ngày nay là: con nhỏ ơi, con muốn vào trong bụng người Bồ Đào Nha không? Đứa trẻ đáp: Vâng, và diễn viên lại bỏ nó vào trong bụng, rồi một lần nữa lại lôi nó ra, hỏi nó như trước, lặp lại nhiều lần trò hề này để giải trí khán giả. Cha Buzoni nhận thấy câu hỏi do diễn viên nhắc đi nhắc lại nhiều lần chính là câu hỏi mà những người thông ngôn đã dùng để biết họ có muốn trở nên Kitô hữu hay không, cha mới hiểu rằng người Đàng Trong thường ngộ nhận rằng trở nên Kitô hữu không gì khác hơn là từ bỏ danh vị người Đàng Trong để trở nên người Bồ Đào Nha”[7].
Giáo sĩ Bartoli, trong một tác phẩm xuất bản năm 1663, có viết về giai thoại này với vài chi tiết dị biệt:
“Buzomi đến Turo (?) thì gặp một bọn phường chèo đang ở công trường, chế giễu những người theo đạo mới. Họ không diễn lại nghi lễ rửa tội mà chỉ diễn lại một trò hề ngộ nghĩnh họ đã tự nghĩ ra, vừa để chế giễu người theo đạo mới, vừa để mua vui, bắt khán giả phải cười bò. Được người ta báo, Buzomi đến tận nơi điều tra thì thấy như sau: Một anh phường chèo mặc áo giả làm người Bồ Đào Nha. Y gọi đứa bé lại bên, hỏi xem nó có muốn đi theo đạo mới hay không. Khi đứa bé tỏ ý bằng lòng, y vạch áo bụng ra, dấu đứa bé vào trong. Từ đó, cái người Bồ Đào Nha trá hình mang cái bụng bà chửa to ghê gớm, miệng nói ba hoa, không còn thiếu trò hề gì. Giữa lúc khán giả hò thét cười reo, thì y vạch áo rặn đẻ ra một đứa bé, rồi y bảo nó: “Từ nay mày là đứa có đạo”. Giáo sĩ Buzomi hiểu ngay đấy chỉ là một trò hề có ý chế giễu cách dạy đạo ngớ ngẩn của các nhà truyền giáo đi trước ông. Cách hỏi người theo đạo chỉ là hỏi xem họ có muốn trở nên người Bồ Đào Nha hay không. Theo đạo mới chỉ là thay đổi quốc tịch chứ không phải thay đổi tôn giáo”[8].
Hai đoạn văn trên đây, ngoài công dụng cho biết những người theo đạo Công giáo đã bị chế giễu đến độ trở nên đề tài cho một hài kịch, còn chứng tỏ rằng những người thông ngôn chưa hiểu yếu tính của đạo Công giáo. Câu hỏi ngớ ngẩn của họ có thể khiến cho những người ngoài đạo Công giáo hiểu lầm rằng theo đạo Công giáo là thay đổi quốc tịch.
Cũng như danh xưng Hoa lang đạo, ngôn ngữ của những người thông ngôn chứng tỏ rằng đạo Công giáo chưa được chuyển dịch với những danh từ đạt ý.
III. SỰ ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO SĨ FRANCESCO BUZOMI (1615-1622)
Sự hình thành của ngôn ngữ Công giáo bước sang một giai đoạn mới với sự đóng góp của giáo sĩ Dòng Tên Francesco Buzomi, Bề Trên phái đoàn truyền giáo Đàng Trong.
Như đã nói ở đoạn trên, tấn hài kịch chế giễu người theo đạo Công giáo diễn ra năm 1615, lúc giáo sĩ Buzomi mới đặt chân đến Đàng Trong. Giáo sĩ nhận thấy câu hỏi của người thông ngôn lập lại trong hài kịch là ngớ ngẩn sai lầm nên đã thay đổi thành một câu có ý nghĩa hơn: Muon bau dau Christiam chiam? (phiên diễn theo chính tả ngày nay là: Muốn vào đạo Christiam chăng?)[9].
Trong bút tích của giáo sĩ Francesco Buzomi, chắc có những di tích ngôn ngữ Công giáo do giáo sĩ hiệu chính hay sáng chế. Theo sự khảo cứu của linh mục Nguyễn Khắc Xuyên[10], trong một văn kiện đề ngày 20-5-1622 tại Nước Mặn (Qui Nhơn) hiện lưu trữ trong Viện Bảo Tàng Dòng Tên ở Rôma dưới ký hiệu ARSI Jap. Sin. 68a ff 1-4 và 6-10, danh sách từ Hán Việt Thiên chủđã được phiên âm là Thienchu viết liền nhau, không có dấu mũ (^) và dấu hỏi ( ).
Qua hai văn liệu ngắn ngủi trên đây, chúng ta có thể phỏng đoán mà không sai lầm bao nhiêu là giáo sĩ Buzomi đang do dự giữa hai phương thế làm giàu ngôn ngữ Công giáo Việt Nam.
Phương thế thứ nhất là phiên âm hay dùng chính danh từ Âu Châu ghép vào tiếng Việt như trường hợp đạo Christiam. Kết quả là chúng ta có những từ ngữ lai Việt lai Âu, không thích hợp với thanh vận và nhạc điệu cố hữu của tiếng Việt.
Phương thế thứ hai là nhập tịch những danh từ gốc Hán, tạo nên những danh từ Hán Việt như trường hợp Thiên chủ. Kết quả là chúng ta có những từ ngữ cấu tạo theo lề lối tự nhiên của Việt ngữ, không làm cho những người thấm nhuần nho học phải bỡ ngỡ mất công tìm hiểu như trường hợp những danh từ nguyên lai ở các ngôn ngữ Tây phương.
IV. QUỐC THƯ CỦA CHÚA TRỊNH TRÁNG (1627)
Năm 1627, các giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Pedro Marquez được chúa Trịnh Tráng (1722-1657) cho phép lưu trú ở Kẻ Chợ (Hà Nội) để truyền giáo.
Nhân dịp thương thuyền Bồ Đào Nha trở về Áo Môn, chúa Trịnh Tráng có gởi cho cha Phụ tỉnh Dòng Tên một quốc thư khắc trên miếng đồng lá. Văn kiện ngoại giao này gảy mất mấy hàng đầu, hiện lưu trữ tại Thư viện Vatican, Fonds Barberini, Orient 158[11].
Nguyên văn chữ Hán, phiên âm và dịch ra Việt ngữ như sau:
… Tiểu nghi đồ bình cống thượng, tỷ nhị giáo sĩ lai cứu giáo. Kim phục tuyển nhị giáo sĩ tinh thức thiên văn địa lý chi học nghệ bổn quốc xiển minh thánh giáo, nghiêm thập giới tổng tập tại tam, tinh kỳ bồi thục kiều ngụ nhị giáo sĩ đẳng, tỷ đắc thông hảo, mậu dịch, hỗ thị, cập cống phỉ nghi số đoan đẳng. Nhân ký đắc dị vật thái ánh vân hà, kiêm đắc giáo sĩ thông thiên địa, bất thăng cảm hạ. Cặp văn nghiệm giới tại tam, thường thường phỉ ngoạn đệ nhiễm ễiểm mộ. Kỳ bồi thực nhị giáo sĩ, dĩ định lữ thứ cư trú trữ liên quan càn tượng, sát khôn trục chi giai âm. Nhược thông hảo hỗ thị nãi thuận nhân tình, tiện dân dụng chi sự hề đãi ư ngôn.
Tư phục thư.
Kê: Trầm hương nhị cân,
Bạch tế bố bát thất
Cát nhạn nhất lâu trọng thập cân.
Bổn nhật khắc cụ.
Bản dịch Việt ngữ:
…những lễ vật nhỏ dâng cống như những bức đồ và bình phong, để hai giáo sĩ đến xem xét về tôn giáo. Nay ngài lại chọn hai giáo sĩ tinh thông thiên văn địa lý đến bản quốc để mở mang thánh giáo, dạy mười điều răn tóm vào ba mối, lại yêu cầu giúp đỡ và cho phép hai vị giáo sĩ ấy trú ngụ để được giao hảo, trao đổi hàng hóa, buôn bán với nhau. Ngài lại cống hiến mấy thứ lễ vật. Tôi đã nhận được mấy thứ lễ vật lạ đẹp đẽ và đã tiếp hai giáo sĩ thông thiên văn địa lý ấy, thật là cảm kích vô cùng. Tôi cũng đã nghe giảng những điều răn cấm tóm vào ba mối, lấy làm tốt đẹp và mến chuộng lắm.
Việc giúp đỡ hai vị giáo sĩ, tôi đã định xong, cho cư trú ở nơi dành cho khách ở phương xa, ở đó có thể xem hiện tượng của trời đất và xét nghiệm điềm lành. Việc giao hảo buôn bán là thuận lòng người và tiện cho sự cần dùng của dân, hà tất phải nói.
Nay phúc thư
Kê: Trầm hương hai cân
Vải trắng nhuyễn tám tấm
Cát nhạn một xâu nặng 10 cân
Ngày này khắc đủ.
Hai giáo sĩ đến “cứu giáo” chính là Julien Baldinotti và Jules Piani đã đến Đàng Ngoài năm 1626. Còn hai giáo sĩ “tinh thức thiên văn địa lý” chính là Alexandre de Rhodes và Pedro Marquez. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có thuật lại rằng đã dâng tặng chúa Trịnh Tráng “cuốn chữ Hán có vẽ hình trái đất tròn của Euclide, do các cha Dòng Tên soạn, có vẽ nhiều hình địa lý và chú thích bằng chữ Hán”. Đó là bản đồ thế giới do cha Ricci vẽ và chú thích bằng chữ Hán theo những tài liệu đã khám phá được trước thế kỷ XVII. Cha đã giải thích cho Chúa và triều thần nghe; từ vấn đề địa lý sang vấn đề tôn giáo, cha đề cập đến Thiên Chúa, “vua của vũ trụ, người sẽ thưởng phạt cho các bầy tôi trung thành của người hạnh phúc bất diệt trên Thiên quốc”[12].
Danh từ Công giáo trong bức quốc thư này có phần điêu luyện và chính xác. Phải chăng đó là kết quả giảng đạo của giáo sĩ Alexandre de Rhodes và ảnh hưởng của các sách giáo lý Hán văn do các cha Dòng Tên soạn thảo ở Trung hoa?
Đạo Công giáo được chỉ tính là Thánh giáo đúng như đã ghi nhận trong kinh Tin Kính. Danh từgiáo sĩ đã được đặc dụng để chỉ thị các linh mục Công giáo. Từ ngữ thập giới nghiêm tổng tại tam hàm súc một sự thông hiểu giáo lý thể hiện trong một công thức gọn gàng đầy đủ có nghĩa là: mười điều răn của Thiên Chúa tóm vào ba mối tức là ba nhân đức đối thần: Đức Tin, Đức Mến, Đức Cậy.
Với sự đóng góp của văn chương chữ Hán, ngôn từ đã bắt đầu có khả năng diễn đạt thực chất của Đạo Công giáo.
V. TÂM THƯ CỦA GIÁO HỮU ĐÀNG NGOÀI (1630)
Sau ba năm làm Bề Trên phái đoàn truyền giáo ở Đàng Ngoài, giáo sĩ Alexandre de Rhodes bị chúa Trịnh trục xuất năm 1630. Các giáo hữu đàng ngoài có nhờ giáo sĩ chuyển dâng Đức Giáo Hoàng Urbain VIII một bức thư tỏ lòng kính mến trung thành. Đồng thời họ cũng nhờ giáo sĩ chuyển trình cha Bề Trên cả Dòng Tên một bức thư khác, “nội dung thư này với thư trên không khác mấy” theo sự nhận xét của Phạm Đình Khiêm[13].
Linh mục Nguyễn Hồng cho biết bức thư sau còn lưu trữ ở Bảo Tàng viện Dòng Tên ở Rôma dưới ký hiệu ARCH, Jap. Sin N 0] 80F. 12 v]-13 r] [14].
Nguyên văn chữ Hán phiên âm như sau:
“An-nam quốc các bổn đạo thần đẳng bái tạ Thiên Địa Chân Chúa thư túc trình Đại Sư Tây phương, Ý đại lị a quốc, sứ tôn sư vãng Đông phương giáo hóa chúng sinh. Hạnh ngộ hữu sự đáo An nam quốc giảng Thiên Chúa thánh đạo. Cố bản quốc hâm mộ bất thăng. Vãn đạo thậm tảo, kế đắc ngũ thiên dư nhân, kỳ dư tin đạo dữ đa. Nhiên bản quốc quân thần thượng vị thông hiểu, phỉ báng bất dĩ tất viết sơ vị hữu kim hà xử đắc lai. Độc bản đạo tâm vô nghi nhị ý đốc kinh nhạ. Vi thử cảm thư túc trình Đại Sư thùy lân mẫn chi chân tình, cứu man di chi tiểu quốc. Hữu hà kế sứ An nam quốc, quý tiện cộng đắc thánh đạo, tận khi tha kỳ, dĩ thoát trầm luân thụ phúc chỉ tắc kỳ tứ hữu dư hỉ.
Thần bổn đạo đẳng, kê thủ đốn thư, túc trình tư thư.
Tự Thiên Chúa giáng sinh chí kim nhất thiên lục bát tam thập niên”.
Bản dịch Việt ngữ:
“Tất cả các bổn đạo nước An nam, đều lạy tạ Chúa thật Trời Đất, cúi mình dâng thư lên Đại Sư ở phương Tây nước Ý đại lị a, xin sai thầy đáng kính sang phương Đông dạy dỗ chúng sinh. Thực là hạnh phúc cho chúng tôi được các thầy đến nước An nam giảng đạo Thánh Chúa Trời. Nước chúng tôi vốn hân hoan mến đạo khôn xiết. Nghe theo đạo rất sớm, kể được hơn năm ngàn người, ngoài ra còn nhiều người nữa muốn tin đạo. Dẫu vua, quan nước chúng tôi chưa hiểu biết đạo nên có nói lời phỉ báng những từ đầu đến nay vẫn chưa lên án đạo. Còn bổn đạo chúng tôi không bao giờ lòng nghi ngờ hai ý, vẫn rất mực tôn kính đạo. Vì thế chúng tôi cả dám kính đệ lá thư này lên Đại Sư, đấng rất chân tình thương xót, xin cứu nước nhỏ man rợ chúng tôi. Xin liệu cách nào sai đấng làm thầy sang nước An nam để chúng tôi, sang hèn tất cả đều được đạo thánh, tỏ hết đàng tà, để thoát khỏi chìm đắm, được phúc lành tức là được ơn thanh nhàn vậy.
Chúng tôi tất cả bổn đạo cùng nhau cúi đầu kính đệ bức thư mọn này.
Từ Thiên Chúa giáng sinh đến nay là một ngàn sáu trăm ba mươi năm.”
Bức thư lịch sử này có lẽ là công trình tập thể của một số tân tòng hay thầy giảng tinh thông nho học và xuất thân từ cửa Phật mà giáo sĩ Đắc Lộ đã nhắc nhở trong các sách ký thuật về việc truyền giáo ở Việt Nam.
Ảnh hưởng của các sách giáo lý chữ Hán do các cha Dòng Tên soạn thảo đã làm cho ngôn ngữ công giáo Việt Nam điêu luyện cao nhã hơn.
Đức Chúa Trời được mệnh danh là Thiên Địa Chân Chúa, đạo Công giáo được gọi là Thiên Chúa thánh đạo Những từ ngữ như bổn đạo, Thiên Chúa giáng sinh còn lưu truyền đến ngày nay.
Một số từ ngữ Phật giáo đã được rửa tội và làm giàu cho ngôn ngữ công giáo: đại sư, tôn sư, giáo hóa, chúng sinh, thoát trầm luân, thụ phúc.
Chúng ta cũng nên ghi nhận rằng chưa có danh từ thỏa đáng để chỉ định các phẩm trật Công giáo. Các danh từ đại sư, tôn sư chưa biểu thị đúng đắn nội dung thánh chức linh mục Công giáo, cũng như danh từ giáo sĩ trong quốc thư của chúa Trịnh Tráng.
Điều quan hệ là ngôn ngữ Công giáo đã nhập vào cộng đồng ngôn ngữ của dân tộc, với những từ ngữ thông dụng nhưng chứa đựng thực chất của đạo Công giáo.
VI. DI NGÔN CỦA THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN (1644)
Từ khi bị giam cầm cho đến khi được phước tử đạo, thầy giảng Anrê Phú Yên bị tử đạo tiên khởi của Đàng Trong [15] đã nói những lời thống thiết cảm động.
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có ghi lại với tư cách là chứng nhân. Nhưng tiếc thay, Cha viết bằng tiếng Ý và tiếng Pháp nên chúng ta không được may mắn lưu tích di ngôn của thầy giảng Anrê bằng Việt ngữ[16].
Tuy nhiên, một tài liệu tiếng Bồ Đào Nha đã trực tiếp phiên âm một câu nói của thầy giảng Anrê. Đó là một văn kiện viết tay, do Phạm Đình Khiêm phát giác trong sách Người chứng thứ nhất ][17], nhan đề là Relaçao da gloriosa morte que paderao pella confissao da Companhia de Jesus em a Reino Conchinchina nos annos de 1644 e 1645.
Căn cứ vào những báo cáo về tin tức nhận được từ Việt Nam, cha Mathias de Maya, quản nhiệm Dòng Tên tỉnh hạt Nhật Bản soạn thảo vào năm 1649 một bản báo cáo dày 45 trang khổ 20x25cm gởi về trình Cha Bề Trên Cả Dòng Tên cùng một lần với thủ cấp thầy giảng Anrê Phú Yên. Theo văn liệu này, Thầy giảng Anrê đã từ giã các giáo hữu lần sau hết vào năm 1644 như sau “… Ju nghiao cũ duc choe Jesu cho đen est eoj cho den blen đoij”.
Phiên diễn theo chính tả ngày nay và thêm cho trọn câu, ta có:
(“Hỡi anh em, chúng ta hãy) giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có thuật lại câu này, dịch từ Pháp văn ra như sau:
“Hỡi anh em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết; không một điều gì có thể giập tắt lòng kính mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta”[18].
Và theo lời tường thuật của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, thầy giảng Anrê đã không ngớt đọc tên cực trọng: Giêsu! Maria! khi đao phủ đâm mũi giáo vào khoảng giữa hai bả vai, xuyên sau lưng ra trước ngực.
Một điều lạ lùng đã xảy ra khi đầu thầy giảng đã rời khỏi cuống họng. Chúng ta hãy nhường lời cho giáo sĩ Alexandre de Rhodes:
“Người thanh niên thánh thiện này (như trên đã nói) vẫn không ngớt đọc thánh danh Chúa Giêsu; ngay lúc đầu thầy này đã rời khỏi cuống họng và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rõ ràng tên cực trọng Giêsu ấy phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rõ ràng và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng lại vừa kinh ngạc”[19].
Câu nói do Cha Mathias de Maya nhắc lại và các thánh danh do cha Alexandre de Rhodes ghi chép là tài liệu để chúng ta nhận định về ngôn ngữ công giáo của thầy giảng Anrê cũng như của những giáo hữu đương thời.
Từ ngữ giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu, giản dị mà thâm thúy, chứng tỏ rằng đạo Công giáo đã nhập thể trong tiếng Việt.
Các danh từ phiên âm Giêsu, Maria qua lối phát âm thống thiết cảm động của thầy giảng Anrê trong một trường hợp tử đạo vinh quang, đã được rửa tội để nhập tịch hệ thống thanh vận Việt ngữ bằng giá máu và trở nên thông dụng.
Di ngôn của một người đã sống đạo như thầy giảng Anrê chứng tỏ rằng tiếng Việt đã bắt đầu có khả năng diễn đạt một Đạo Sống.
VII. CÔNG THỨC RỬA TỘI (1645)
Năm 1645, theo đề nghị của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, 35 giáo sĩ Dòng Tên truyền giáo tại Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản, nhóm họp dưới quyền chủ tọa của giáo sĩ Cabrol để thảo luận và quyết nghị về công thức rửa tội bằng Việt ngữ.
Theo linh mục Nguyễn Khắc Xuyên, biên bản hội nghị này còn lưu trữ tại Viện Bảo Tàng Dòng Tên ở Rôma dưới ký hiệu ARSI Jap. Sin 80ff 35-39[20].
Linh mục Thanh Lãng khám phá rằng đó là bản tường trình của giáo sĩ Marini viết năm 1654 gởi cho P.Assislente de Portugal để thuật lại hội nghị năm 1645 “dưới hình thức một biênbản, trang thứ nhất có thể coi là tiểu dẫn (viết năm 1654) để giới thiệu biên bản đã làm năm 1645”[21].
Dù viết năm 1645 hay sau lại năm 1654, văn kiện về công thức rửa tội cũng là một chứng tích về danh từ công giáo năm 1645.
Theo La ngữ, công thức rửa tội là: Ego te baptizo in nomine Patris, et Fillii, et Spiritus sancti. Công thức này không bắt buộc phải đọc bằng La ngữ nên các thừa sai công giáo đã dịch ra tiếng địa phương để dễ hiểu. Nhưng dịch thuật không phải là dễ dàng vì cần phải đạt ý La ngữ và thích ứng với tinh thần và cú pháp tiếng địa phương.
Ở Trung Hoa, việc sử dụng công thức rửa tội trải qua ba giai đoạn: trước là dùng La ngữ, sau là ghép chữ Hán và chữ Bồ: Ngã tẩy nhữ nhân Patêlê, cập Feilio, cập Spiritu santo danh giả,sau cùng là dùng toàn chữ Hán: “Ngã tẩy nhữ nhân Phụ, cập Tử, cập Thánh Thần chi danh”[22].
Ở Việt Nam, công thức được công nhận trong thời kỳ này chỉ còn hai tiếng ngoại lai: (spirito santo): “Tao rửa mầ nhễn Danh Cha và con và Spirito santo”(phiên diễn theo chính tả ngày nay là: Tao rửa mày nhân danh cha và con và Spirito Santo).
Cuộc thảo luận rất sôi nổi về từ ngữ nhân danh và các quan điểm được phát biểu là tài liệu giúp chúng ta hiểu biết về tình hình ngôn ngữ Công giáo lúc bấy giờ.
Đạo Công giáo tin rằng chỉ có một Thiên Chúa nhưng một Thiên Chúa Ba Ngôi. Điều quan hệ là phải nói thế nào để hiểu rõ là một Thiên Chúa ba ngôi vị, chứ không phải là ba Thiên Chúa.
Những ý kiến đối lập được nêu ra trong cuộc thảo luận liên hệ đến từ ngữ nhân danh.
Có người muốn dùng tiếng Việt thuần túy thay vì tiếng Hán Việt và công thức là: Tau lấy tên Cha và con và Spirito Santo rửa mầy.
Phải chủ trương dùng nhân danh viện lý rằng nhân danh đã gọn và đẹp hơn tau lấy tên lại đã được công nhận ở Trung Hoa nên có thể dùng ở Việt Nam.
Nhưng người ta hồ nghi về số ít hay số nhiều của chữ danh nên có nhiều giải pháp đã nêu ra.
Giải pháp của những người hồ nghi do dự là dùng tiếng La tinh với công thức: In nomine Cha và Con và Spirito Santo hay dùng tiếng Bồ Đào Nha với công thức: In nome Cha và Con và Spirito Santo. Công thức Bồ Đào Nha đã bị chế giễu vì In nome đã bị nhại là in u mê với ý nghĩau mê trong tiếng Việt.
Giải pháp của những người muốn dịch in nomine ra tiếng Việt cũng khác biệt nhau từ quan điểm của họ về số ít hay số nhiều của chữ danh.
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes thuộc nhóm thiểu số không công nhận từ ngữ nhân danh và chủ trương dùng nhân nhất danh vì sợ rằng danh có nghĩa là nhiều danh, nhiều tên. Trong tự điển Việt Bồ La, giáo sĩ cũng hồ nghi như thế: “Nhin danh Cha (Nhân danh Cha): In nomine Patris est dubium an habeat eum sensum nghĩa là Nhân danh Cha: hồ nghi không biết có phải nghĩa ấy không”.
Một số giáo dân không đồng quan điểm với giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Cha Thanh Lãng có phát giác biên bản ba trang chữ Nôm, bên cạnh chữ Nôm có ghi chú chữ Quốc ngữ và chữ La tinh, nguyên văn phiên diễn như sau:
“Nhin danh Cha và Con và Phirito Santo i nà Annam các bỏn đạo thì tin rằng ra ba danh bí bàng muon í làm một thi phảy nóy nhin nhit danh Cha ecc… tôy là Giu aõ câ (?) Trâm (?) cũ nghi bậ tôy là An re Sen (?) cũ nghi bậ tôy là Ben tô uãn Trien cũ nghi bậ tôi là Phero uãn nhit cũ nghe bậ tôi là An jo uãn Tãu (?) Cũ nghi bạ tôy là Tho me cũ nghi bậ tôy là Si le cũ nghi bậy tôy là Lu i si cũ nghi bậ tôy là Phi-lip cũ nghi bậ toi là Đa Minh cũ nghi bậ tôy là an ton cũ nghi bậ tôy là Giu ão cũ nghi bậ”[23].
Có người đồng quan điểm với giáo sĩ Alexandre de Rhodes nhưng lại dịch nhân nhất danh ra tiếng Việt thuần túy thành ra có công thức: Tao lấy một tên Cha và Con và Spirito Santo rửa mầy.
Cuối cùng chủ trương danh là số ít được nhiều người ủng hộ. Theo Gaspar d’Amaral, tác giả cuốn tự điển Việt Bồ (thất lạc) và Antonio Barbosa, tác giả cuốn tự điển Bồ Việt (thất lạc), không cần thêm chữ nhất hay chữ một để chỉ số ít. Có nhiều trường hợp không cần dùng dung tù chỉ số mà vẫn hiểu là số ít như cát ma (cất mả), cát xác (cất xác). Chỉ khi nào muốn tỏ số nhiều như blai có ba hồn bảy vía (trai có ba hồn bảy vía) hay Chúa blờy ba ngôy (Chúa Trời Ba Ngôi).
Kết quả cuộc thảo luận là các giáo sĩ đã căn cứ vào văn pháp Việt ngữ và uy tín của Chữ Hán để công nhận công thức: Tao rửa mày nhân danh Cha và Con và Spirito Santo.
Dưới biên bản có ghi danh sách những giáo sĩ ủng hộ, phản đối hay trung lập trong quyết nghị chấp thuận công thức này. Kèm theo còn có ghi chức vụ hoặc khả năng Việt ngữ nữa.
Có 31 giáo sĩ chấp thuận trong đó có Cha Cabrol, chủ tọa hội nghị, cha Semedus, phụ trách Trung Hoa, cha Antonio Barbosa với ghi chú thông thạo tiếng (peritus linguae) cha Gaspar d’Amaral với ghi chú rất thạo tiếng (peritisimus linguae).
Có 2 giáo sĩ bỏ phiếu trắng: cha Carolus de Rocha, môn đệ Việt ngữ của cha Alexandre de Rhodes và cha Ascanius.
Có 2 người giáo sĩ phản đối là Cha Alexandre de Rhodes và cha Metellus Saccamus, môn đệ Việt ngữ của cha Alexandre de Rhodes. Biên bản không ghi khả năng Việt ngữ của cha Alexandre de Rhodes mà chỉ phụ chú là : giáo sư thần học, khi xưa làm Bề Trên Truyền giáo phái đoàn Truyền giáo Đàng Trong.
Qua công thức được hội nghị chấp thuận, chúng ta nhận thấy sự thận trọng của các thừa sai trong công việc chuyển dịch ngôn ngữ thần học Âu Châu sang Việt ngữ. Phần đông các ngài đã nỗ lực học hỏi Việt ngữ đến độ nhận định tinh vi ý nghĩa của các danh từ và văn pháp đặc biệt của ngôn ngữ nước ta. Thái độ thận trọng và nỗ lực học hỏi ấy là những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành của ngôn ngữ Công giáo Việt Nam.
Chủ đích của các giáo sĩ là tạo nên một công thức được mọi người hiểu rõ đầy đủ ý nghĩa của bí tích rửa tội và tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Về văn từ, các giáo sĩ không ngại dùng một từ ngữ Hán Việt khá phổ thông và gọn gàng thuần nhã.
Danh từ Spirito Santo chưa được phiên dịch ra Việt ngữ có lẽ vì các giáo sĩ chưa tìm ra được một danh từ tương xứng. Phải đợi đến thời kỳ truyền giáo sau mới có danh từ Chúa Thánh Thầnvới nội dung với tín lý Công giáo. Phương chi, khuynh hướng dùng nguyên văn danh từ ngoại quốc đang thắng thế ở tiền bán thế kỷ XVII.
VIII. THƯ CỦA BENTO THIỆN VÀ IGESSIO VĂN TÍN GỞI CHO GIÁO SĨ FILIPPO DE MARINI (1659).
Filippo de Marini là một giáo sĩ Dòng Tên đến Đàng Ngoài năm 1647 và bị trục xuất năm 1658.
Theo Hoàng Xuân Hãn trong bài Một vài văn kiện bằng quốc âm tàng trữ ở Âu Châu[24], Viện bảo tàng Dòng Tên ở Rôma còn giữ một bức thơ của Bentô Thiện gởi cho giáo sĩ Filippo de Marini đề năm 1659 và một bức thư của Igessio Văn Tín gởi cho giáo sĩ Filippo de Marini, cuối thư đề (mồng 2 tháng 9 Đức Chúa Trời ra đời 1659” (nguyên văn là: mùng hay thánh chính D.C.J. ra đờy một nghìn sáu mươi nam muoy chính)[25].
Ngoài ra còn có một bài dài kể sử ký địa dư phong tục nước ta mà Hoàng Xuân Hãn cho là “Bentô Thiện làm và gửi cho Filippo de Marini năm 1659 để giáo sĩ này viết sách Historia et relatione del Tunchino năm 1665”.
Đoạn chót của bức thư của Bentô Thiện như sau:
“Ơn đức Chúa Blờy blả caõ cho thầ đờy đờy. Bấ nhieu mlờy tôy chép tháng mươy Igrega mà thư nầ thì ngà Lễ Bà Thánh Davia cũ õn Thánh Miganto tử vì đạo, tôy lại ơn thầ là cha vì thương đến con cũ tôy xin cha chớ quên làm chi.
Từ Đức Chúa Jesu ra đờy cho đến rà một nghìn sáu trăm năm mươy chín năm.
Bento Thiên tôy tá nhà Thầ.”
Trong bức thư của Igessio Văn Tín, với bút pháp cũng giống như của Bentô Thiện, chúng ta gặp từ ngữ sau: thà cả, (thầy cả) bổn đạii (bổn đạo) D.C. Blờy blả co~n cho Thà dờy nà và đờy sau (Đức Chúa Trời trả công cho Thầy đời này và đời sau).
Khuynh hướng trở về với ngôn ngữ Việt Nam thuần túy đã được thắng thế với từ ngữ Đức Chúa Trời thay thế cho Thiên Chủ (năm 1622) Thiên Địa Chân Chúa (năm 1627), Đức Chúa Giêsu ra đời thay thế cho Thiên Chúa giáng sinh (năm 1630).
Lối phô diễn giản dị nhưng thâm thúy mà chúng ta thấy thể hiện trong từ ngữ giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu của thầy giảng Anrê là đặc tính bút pháp của Bentô Thiện với từ ngữ tử vì đạo, của Igessio Văn Tín với đoạn: Đức Chúa Trời trả công cho Thày từ đời này và đời sau.
Danh từ bổn đạo xuất hiện năm 1630 đã được thói quen công nhận. Cách xưng hô với linh mục thấm nhuần tình phụ tử, gọi linh mục là Thầy cả, là cha, tự xưng là con. Để tỏ ý khiêm nhường vâng phục, có lúc xưng là tôi tớ nhà Thầy.
Đến giai đoạn này, chúng ta nhận thấy ngôn ngữ Công giáo Việt Nam sống động với tâm tư của giáo hữu nhiệt thành với hình thức thuần túy dân tộc, giản dị chất phác mà vẫn tao nhã đoan trang.
Từ cuốn Đỗ tộc gia phả đến bức thư của Bento Thiện và Igessio Văn Tín, chúng ta vừa nhìn lại tiến trình của ngôn ngữ Công giáo Việt Nam trong khoảng gần 150 năm.
Trước khi các cha Dòng Tên đến truyền giáo, nghĩa là từ năm 1615 trở về trước, chúng ta gặp những từ ngữ, những kiểu nói chưa đủ khả năng diễn đạt thực chất Công giáo. Ngôn từ lúc bấy giờ chưa đi kịp nội dung muốn phô diễn.
Nỗ lực truyền giáo của các Cha Dòng Tên trong tiền bán thế kỷ XVII đã phát động một cuộc tiến hóa vượt bực trong ngôn ngữ Công giáo Việt Nam. Thừa hưởng kinh nghiệm ngôn ngữ Công giáo Trung Hoa, cảm thông sâu sắc với tinh thần Việt ngữ, các thừa sai với căn bản thần học vững vàng và đức tin sống động, đã cùng nhau góp cơng chuyển dịch, sáng chế danh từ, thí nghiệm trau dồi lối phô diễn. Kết quả là có một số danh từ bị đào thải, nhiều danh từ được công nhận. Lối dụng ngữ lai Việt lai Âu hay hoàn toàn chịu ảnh hưởng Hán văn chỉ là biện pháp tạm thời đáp ứng nhu cầu cấp bách[26]. Trong nỗ lực xây dựng ngôn ngữ Công giáo Việt Nam, chúng ta nhận thấy khuynh hướng phát huy công giáo tính và dân tộc tính dần dà thắng thế.
Đó là đường hướng tiến triển mà chúng ta nhận thấy trong những văn liệu giới thiệu trên đây và nhất là trong các tác phẩm chữ quốc ngữ của Alexandre de Rhodes.
Võ Tòng Lê
Chú thích
[1]  Xem C.A. Poncet., L’un des premiers annamites, sinon le premier, converti au catholicisme, BAVH năm thứ XXVIII, số 1 tháng 1-3 năm 194, trang 85-91.
[2]
  Như trên, trang 86.
[3]
  Như trên, trang 85-86.
[4]
 Xem: Lettres des missionnaires de la Cochinchine et du Tonkin au commencement du 18è siècle, traduites de l’allemand par A.V. delvaux. Préface de L. Cadière. Notes de L. Cadière et H. Cosserat, BAVH số 3 tháng 7-9-1943 trang 299.
[5]
Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tập I, Hiện tại xuất bản Sài Gòn 1959, trang 23 chú 4.
[6]
 Annotations par L. Cadière, n 0]12. Phụ lục sau bài của C.A. Poncet., bđd. trang 95-96. Đối chiếu: Truyện Đàng Trão của Philipphê Bỉnh trang 15 ghi là đạo Português (Sách viết năm 1802 ở Lisbonne).
[7]
 Christoforo Borri, Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine, Lille, 1631, Bản dịch từ nguyên văn tiếng Ý của Bonifacy trong BAVH tháng 7-12-1931.
Bartoli, Historia della Compagnia di Gesu, La Cina 3a Parte dell’ Asia, Roma 1663 trang 616. Thanh Lãng trích dịch trong Biêu nhất lãm văn học cận đại, tập I. Tự do xuất bản, Sài Gòn 1958, trang 19-20.
[8]
  Xem Thanh Lãng, sđd, trang 19.
[9]
Nguyễn Khắc Xuyên, Chung quanh vấn đề thành lập chữ quốc ngữ vào năm 1645, VHNS loại mới, số 48 tháng 1-2 năm 1960 trang 2.
[10]
Việt Nam khảo cổ tập san, số 2, Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản Sài Gòn 1960.
[11]
Trích theo Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tập I. Hiện tại xuất bản, Sài Gòn 1959 trang 110.
[12]
Theo Phạm Đình Khiêm, giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, Tinh Việt xuất bản, Sài Gòn 1960 trang XXIII, chú 1.
[13]
  Nguyễn Hồng, sđd, trang 140-141.
[14]
 Xem Phạm Đình Khiêm, Người chứng thứ nhất, Tinh Việt xuất bản, Sài Gòn 1959.
[15]
 Xem Alexandre de Rhodes: 1/ La glorieuse mort d’André catéchiste de la Cochinchine, qui a le premier versé son sang pour la querelle de Jésus Christ, en cette nouvelle église. Par le Père Alexandre de Rhodes, qui a toujours eté présent à toute cette histoire, Paris 1653.  2/ Relatione della morte di Andrea catechista chi primo de Christiani nel Regno di Cocicina è flate ucciso da gl’indefedeli in odio della fede alli 26 di Luglio 1644, Roma 1652.
[16]
  Sđd, trang 154, 240.
[17]
Alexandre de Rhodes, La glorieuse mort… trang 53. Phạm Đình Khiêm trích dịch, sđd trang 154.
[18]
  Phạm Đình Khiêm trích dịch, sđd trang 156-157.
[19]
  Nguyễn Khắc Xuyên, bđd, xem sách này, trang 111 chú 10 chương II.
[20]
Thanh Lãng, Những chặng đường của chữ viết quốc ngữ, in trong Đại học số 19, tháng 3-1961 trang 22.
[21]
Xem P.MD, Elia. De prima forme baptisimatis apud Sinenses signis sinensibus expressa, trong Péridioca, trang 2 Roma 1938 trang 340-348. Chú thích của Nguyễn Khắc Xuyên, bđd trang 4.
[22]
Theo Thanh Lãng, bđd, trang 24-25.
[23]
  Đại học số 10, tháng 7-1959, trang 108-119.
[24]
  Theo tài liệu chụp hình của L.M. Vũ Khánh Tường.
[25]
 Các sách bổn các Địa phận Bắc Việt đều có chép bản kinh Hán văn, quen gọi là Kinh Cầu Chữ. Chúng tôi phỏng đoán kinh này thông dụng từ thời kỳ sơ khai của giáo hội Công giáo Việt Nam.
Kinh cầu chữ
Thiên Chúa căng lân thần đẳng.
Thưa: 
Kirixitô căng lân thần đẳng.
Thiên Chúa căng lân thần đẳng.
Kirixitô phủ thính thần đẳng.
Thưa:
 Kirixitô thùy doãn thần đẳng.
Tại thiên Thiên Chúa phụ giả.
Thưa: 
căng lân thần đẳng.
Thục thế Thiên Chúa tử giả.
Thánh Thần Thiên Chúa giả.
Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả.
Thánh Maria.
Thưa:
 Vị thần đẳng cầu
Thiên Chúa thánh mẫu
Đồng thân chi thánh đồng thân giả.
Kirixitô chi mẫu.
Thủy thai Vô nhiễm nguyên tội chi hậu.
Chí thánh Mân Côi chi hậu
An hòa chi hậu.
Trừ miễn thế tội Thiên Chúa dương cao giả.
Thưa:
 Chúa xá thần đẳng.
Trừ miễn thế tội Thiên Chúa dương cao giả.
Thưa:
 Chúa lân thần đẳng.
Thiên thần lai báo Thánh Mẫu Maria nãi nhân Thánh Thần thụ dựng thính chúng đồng đảo khẩn kỳ Thiên Chúa, dĩ Chúa thánh sủng phó ư thầu đẳng linh hồn (hay là linh hồn mổ). Tỉ thần phàm do Thiên thần chi báo dĩ chi Thiên Chúa tử giáng dựng giả, nhân kỳ khổ nạn cập kỳ thập tự Thánh giá hạnh đại ư phục sinh chi vinh phúc, diệc vị thị thần đẳng Chúa Kirixitô Amen.
Thiên Chúa đồng hựu vĩnh dữ thần đẳng giai yên. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét