Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

NHỮNG ĐIỀU CHIA XẺ - (14) BUÔN THƯỢNG - Lm Phêrô Nguyễn Vân Đông



NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ

14 .
BUÔN THƯỢNG

Những ai ở lâu trên vùng đất Kontum thường nghe nói tới một từ gọi là "Buôn Thượng". Nghĩa là nói tới việc người kinh buôn bán với người thượng.
Trước khi các vị Thừa Sai đi rao giảng Tin Mừng cho vùng Tây Nguyên thì các đoàn đi buôn, là người An Nam cũng đã tổ chức những đoàn buôn từ miền xuôi - tức là từ đồng bằng - đem những sản phẩm như: muối, cá khô... v.v... lên trao đổi buôn bán với người Thượng. Thầy Sáu Do cũng đã có lần vì muốn tìm hiểu đường đi nước bước của vùng Tây Nguyên, để đưa các vị Thừa Sai lên truyền giáo ở trên đó, nên Thầy nhập vào một đoàn đi buôn của người An Nam, thầy phải làm công việc khuân thuê, vác mướn cho họ, bởi vì hồi đó không có xe cộ nên mọi thứ hàng hóa đều phải gánh, khiêng hoặc mang. Đoàn này lên các vùng rừng núi Tây Nguyên để buôn bán với người Thượng. Buôn bán nhất định là phải có lợi nhuận, cho nên khi nói tới từ "buôn Thượng", thì người ta nghĩ ngay đến những người kinh buôn bán với người thượng, thường thì không có sự công bằng vì lúc nào người kinh cũng tìm cách ăn lời quá mức.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng thời xưa, cách đây 40 năm trở về trước, các tình Pleiku, Kontum; Phú Bổn là 3 tỉnh, nhưng nay thì nhập lại thành 2 tỉnh. Tỉnh Gia Lai gồm 2 tỉnh Phú Bổn và Pleiku. Tỉnh Kontum là ranh giới của tỉnh Kontum cũ. Hồi đó rất ít người kinh, mà người Thượng là chính. Bây giờ thì tỉnh Kontum và tỉnh Gia Lai có 25.000 km2, với dân số là 1.600.000, cả người kinh và người Dân Tộc. Hiện nay thì dân số người kinh bằng số người dân tộc.
Ngày xưa mỗi khi người dân tộc muốn dựng làng để ở thì họ luôn luôn dựng ở gần rừng, hồi đó toàn là rừng già. Vì người dân tộc không biết và cũng không có thói quen đào giếng nên khi dựng làng của mình, họ luôn tìm những nơi gần sông, suối, hoặc ở gần những nới có nước giọt, tức là nơi có mạch nước từ trong rừng rậm chảy ra suốt ngày. Nhu cầu của người dân tộc khi dựng làng là phải ở gần sông suối, đồng thời cũng phải ở gần rừng nữa, vì họ sống cũng nhờ vào những thứ có trong rừng.
Người Việt Nam chúng ta thường hay nói "rừng vàng biển bạc". Rừng có nhiều của cải cũng như biển vậy. Người dân tộc sống gần rừng, khi hết lúa, hết gạo thì họ lại vào rừng, vì ở trong rừng có nhiều thứ. Cho nên của cải ở rừng cũng cần cho người miền xuôi, và của cải ở vùng biển cũng cần cho người miền núi. Vậy nên đã có những cuộc trao đổi mua bán. Vì thế mà có những đoàn người gọi là đi "buôn Thượng".
"Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên" là như thế, nhưng người dân tộc thì không hề biết buôn bán, họ sống rất đơn sơ, không có hệ thống tiền bạc. Họ chỉ biết đổi chác mà thôi. Người kinh thì lanh lợi hơn, lại biết buôn bán, cho nên trong những cuộc trao đổi hàng hóa ấy thì chúng ta thấy rõ phần lợi nghiêng về phía người kinh.
Lâu nay tôi nghe nói những người buôn thượng là những người mau làm giàu. Khi mà người thượng còn nhiều rừng, còn đốt rẫy được, thì lúc đó của cải của người dân tộc còn dồi dào. Nhưng bây giờ đất đai là do nhà nước quản lý, kể cả cây cối trong rừng cũng vậy, và như thế đời sống của người dân tộc trở nên khó khăn, vì bây giờ họ không còn được tự do vào rừng để tìm cái ăn như ngày trước, mà sông suối phần thì cạn kiệt, phần thì ô nhiễm... Cuộc sống của người dân tộc hoàn toàn bị xáo trộn. Bây giờ người kinh lên lập nghiệp trên vùng Tây Nguyên càng ngày càng nhiều, nơi nào có làng dân tộc thì lập tức có người kinh đến đó đóng chốt để mua bán, làm ăn... Tôi nói ví dụ: Bây giờ người kinh ở gần người dân tộc, nếu như người dân tộc sa cơ, trong nhà có người bệnh cần chữa trị nên phải mượn tiền của người kinh, lúc đó người kinh cho vay và lấy lãi rất cao, nếu người dân tộc thiếu lúa ăn thì người kinh cho mượn 1 thùng, đến khi trả thì phải trả 2 thùng. Tới mùa gặt thì người kinh đem bao bị chờ sẵn trên bờ ruộng để lấy cho bằng được số lúa đã cho vay, cả vốn lẫn lời.
Với cách tính toán của người kinh như thế thì phần thiệt thòi lúc nào cũng nằm về phía người thượng.
Trong trận bão lụt năm 2009 tại Kontum, có những người Thượng cần tiền để cho con đi học tiếp, hoặc cần tiền để sinh sống, thì họ thường đem sổ đỏ đất đai của mình thế chấp cho người kinh, khi tới ngày trả thì phải chịu một cái giá tiền lời như thế nào đó thì mới lấy lại được sổ đỏ. Nhưng mà thường thì họ bị mất luôn sổ đỏ, bởi vì họ không có tiền nên không có cách nào để chuộc lại sổ đỏ của mình. Vậy nên luôn luôn phần lợi cũng nằm về phía người kinh. Đức Giám mục Kontum đã nói với các Linh Mục là phải tìm mọi cách chuộc lại sổ đỏ, giấy tờ đất đai của người dân tộc rồi đưa trả cho họ. Có như thế thì mới cứu được gia đình người dân tộc nghèo, và chúng tôi đã cố gắng hết sức: Thứ nhất là không để cho người dân tộc lấy sổ đỏ đi thế chấp kiếm tiền. Thứ hai Caritas Kontum đã bỏ ra gần 500 triệu đồng để giúp sức cho học sinh, sinh viên người dân tộc đi học xa nhà. Đến bây giờ thì mùa màng nương rẫy của gia đình họ bị mất hết, không còn thứ gì để cho con đi học. Vậy nên qua sự giới thiệu của các Linh Mục, cũng như các nữ tu tại địa phương, đã giúp được cho anh này, hay cô nọ... có thể tiếp tục việc học hành của mình.
Chúng tôi đã làm công việc vừa giải thích, vừa tạo ý thức cho anh em người dân tộc, trong hoàn cảnh như vậy phải biết sống tiết kiệm để khỏi lấy sổ đỏ của mình đưa cho người kinh, thì người kinh sẽ không có cơ hội lấy được đất đai của mình.
Tôi có quen một gia đình người dân tộc, khi vợ anh ta đau yếu thì anh ta cần phải có tiến để chữa bệnh cho vợ. Anh ta có một rẫy cà phê khoảng 1 sào, mà cà phê còn 2 tháng nữa mới thu hoạch. Khi đó tôi không có ở nhà, anh nói với người cho vay là anh cần 2 triệu, người này thấy anh cần tiền nên ép anh, chỉ chấp nhận đưa cho anh có 1 triệu mà thôi. Cuối cùng ví quá cần tiền nên anh đồng ý giá 1 triệu. Nhưng đến thời hạn trả tiền thì anh không có tiến, thế là chỉ 2 tháng sau người kinh này bán lại rẫy cà phê với giá 7 triệu.
Cuối cùng thì phần thua thiệt bao giờ cũng ở về phía người dân tộc.
Người kinh biết đo đạc, biết diện tích là bao nhiêu, chu vi là thế nào. Còn người dân tộc thì không biết gì về những điều đó.
Tôi biết chuyện có người dân tộc muốn bán đất cho người kinh, người này hỏi:
- Anh bán miếng đất đó là mấy sào? Rộng bao nhiêu mét vuông?
Anh trả lời:
- Mình không biết đâu. Mình chỉ bán từ cây bơ tới cây vú sữa rồi chạy thẳng tới dưới suối thôi.
Tôi đoán như vậy cũng khoảng chừng 3 sào.
Người kinh này vốn rất thủ đoạn, ngõ ý muốn kết nghĩa anh em với người dân tộc kia, 2 người làm một cái lễ gọi là lễ "đeo còng" để kết nghĩa anh em. Người kinh đó làm điều này là có ý lợi dụng người dân tộc, để mua rẻ đất mà làm ăn. Về phía người dân tộc lại khác, một khi đã kết nghĩa anh em và đã đeo còng cho nhau thì đây là một điều vô cùng thiêng liêng và họ rất trân trọng.
Có một điều rất thiệt thòi cho người dân tộc là họ không biết viết giấy tờ, nên để cho người kinh viết, và khi viết thì bao giờ người kinh cũng viết như thế nào để phần lợi thuộc về họ: Bờ rào ở giữa, đất anh ở bên này, đất tôi ở bên kia... và người kinh làm một đường dây thép gai ở giữa, sau đó vợ chồng người kinh mua cây cà phê con rồi chờ đến ban đêm đào lỗ trồng xuống, kéo bờ rào qua bên kia... cứ thế...
Người dân tộc nói với tôi:
- Không biết làm sao mà đất của mình càng ngày càng ít, mà đất của nó càng ngày càng nhiều.
Theo kinh nghiệm của tôi thì tôi thấy như thế này: Những người buôn thượng thì mau giàu có, nhưng giàu mà phi nghĩa thì của cải không thể tồn tại được lâu.
Trước năm 1975 tôi cũng biết một số người buôn thượng rất giàu nhưng cuối cùng cũng tán gia bại sản. Rồi sau này cũng vậy. Từ lúc tôi xuống Gia Lai là năm 1986, tôi cũng biết rõ nhiều người, kể cả những người có đạo mà buôn bán không công bằng, lại có ý gian lận với người nghèo thì cũng đi đến kết cuộc là tán gia bại sản.
Bài này tôi nói lên đây để chúng ta thấy rằng trong buôn bán thì bao giờ người kinh cũng nắm đằng chuôi, và người thượng vì không biết buôn bán nên lúc nào họ cũng nắm đằng lưỡi, chịu đủ thứ thiệt thòi.
Chương trình của tôi là giúp cho người dân tộc nghèo. Tôi thấy có nhiều người kinh tốt bụng cũng luôn yễm trợ cho cách làm này để giúp đở cho người dân tộc. Ví dụ như sắn lát (mì lát), khi tôi biết một làng nào đó có chặt củ mì lát phơi khô, tôi thường bảo người kinh tốt bụng đến cân số mì đó là bao nhiêu, như của anh Mok, của anh H'Dung, của anh Róa... là bao nhiêu... v.v... Rồi tôi nhập chung lại và nói với chủ hãng chế biến thức ăn cho gia súc, người này rất tốt bụng, anh nói:
- Cha không cần phải phân loại 1, loại 2, loại 3 làm gì. Con sẽ xay chung các loại với nhau hết, nhưng vì buôn bán nên con phải nói như vậy. Cha bảo người dân tộc phơi thật khô và con sẽ mua của họ với giá cao nhất.
Và như thế là tôi đã làm điều này rất nhiều lần, sao cho người dân tộc được bán mì lát phơi khô với giá cao nhất. Con buôn đôi khi cũng thấy khó chịu vì việc tôi đã làm. Nhưng tôi thấy người dân tộc rất mừng, có người khoe với tôi:
- Con chưa bao giờ bán mì mà có được nhiều tiền như vậy.
Và họ sẳn sàng cho tôi tiền. Tôi bảo:
- Không, Cha chỉ giúp anh em thôi, nhưng một khi anh em làm được như thế thì anh em mới có tiền cho con mình ăn học, rồi còn sửa lại cái nhà của mình nữa chớ.
Người dân tộc trồng rất nhiều chuối, khi người kinh vô làng mua chuối thì mua với giá rất rẻ. Mỗi khi tôi đi làm lễ trong làng nào đó, tôi thường gom chuối lại đem về. Buồng này là của ai?... Buồng này của ai?... Tôi có thể bán dùm cho họ với giá cao hơn. Đằng khác chúng tôi cũng tìm mọi cách giúp họ, ví dụ người dân tộc muốn mua một chiếc xe gắn máy hay một thứ gì đó, chúng tôi cũng nhờ các nữ tu, hoặc các Linh Mục trao đổi và giúp họ mua món hàng sao cho đúng với giá trị của nó, xứng với đồng tiền họ phải bỏ ra, không để cho ngưởi khác lừa gạt người dân tộc để lấy tiền của họ.
Buôn thượng bây giờ cũng có nhiều cách nhiều kiểu, nhưng cách nào đi nữa thì người dân tộc luôn luôn chịu nhận lấy phần thiệt thòi.
Hôm nay tôi chia sẻ như vậy. Tôi rất cám ơn những anh em người kinh tốt bụng đã luôn thương yêu anh em người dân tộc bằng nhiều cách, như một giáo xứ người kinh đỡ đầu cho một làng dân tộc, giúp cho con họ được đi học, hay là giúp cho họ khi đau yếu. Tôi cũng thấy các bác sĩ công giáo trong thành phố Pleiku luôn sẵn sàng đón nhận anh em dân tộc trong nghề nghiệp của mình, luôn tạo điều kiện giúp đỡ cho người dân tộc. Các bác sĩ này đúng là đã có lòng tốt đối với anh em người dân tộc nghèo.
Ứơc gì có nhiều người kinh chịu chấp nhận phần thiệt thòi về mình dù chỉ là một chút ít, để cho anh em người dân tộc nghèo được có phần hơn. Đó chính là Rao Giảng Tin Mừng Tình Thương và cũng chính là Rao Giảng Tin Mừng Sự Sống.
 
    * NHÀ CỦA NGƯỜI DÂN TỘC NGHÈO * 
    
  
  *CHA CON TA CÙNG NHAU ĐƯA NƯỚC SẠCH VỀ LÀNG *

[Cảm ơn hai em Nguyễn Sơn Phi và Nguyễn Quốc Vũ, là người nhà Cha Đông. Theo lời yêu cầu của tôi, hai em đã gởi cho tôi một số hình ảnh về "Những điều chia sẻ" cho Mùa Đông ấm áp. Ước mong sao người đọc sau khi xem những tấm hình này: Tâm hồn sẽ rộng mở cùng với một tấm lòng yêu thương chân thành, để đến với những người dân tộc nghèo một cách chân tình.

Hồ Thủy]            

... CÒN TIẾP ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét