NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ
9 .
DẠY CHO CÁC THIẾU NỮ DÂN TỘC
BIẾT LÀM VỢ, LÀM MẸ
BIẾT LÀM VỢ, LÀM MẸ
Người Việt Nam chúng ta có câu:" Phúc đức tại mẫu". Cái Đức là nhờ ở người Mẹ.
Người Việt Nam ta cũng thường hay nói:" Con dại thì Cái mang". Con mà có như thế nào: không ngoan ngoãn, hư hỏng thì người mẹ là người chịu trách nhiệm, vì "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Người Việt Nam chúng ta theo Phụ hệ, con cái mang họ cha, không lấy họ mẹ. Nhưng đa số các sắc tộc ở Tây Nguyên thì theo Mẫu hệ, tức là con cái mang họ mẹ. Mẹ là Ksor thì con cũng họ Ksor... Vì theo chế độ mẫu hệ nên người ta vẫn xem người mẹ có một vai trò rất quan trong trong gia đình và trong việc giáo dục con cái nữa.
Người dân tộc xưa nay đều lập gia đình rất sớm, con gái mới 16, 17 tuổi.., con trai thì 17, 18... là đã lập gia đình rồi. Con gái mà đi học như kiểu của người kinh là học tới tú tài hoặc trên tú tài, cử nhân hay học những gì khác, mà trên 20 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình thì bị xem như quá trễ và khó mà lập gia đình. Vì con trai ở lứa tuổi 20 là đã lấy vợ rồi.
Chúng ta cũng biết đa số người dân tộc sống trong vùng sâu vùng xa nên rất ít được học hành. Ngày trước các em muốn học cấp III thì những gia đình ở huyện phải đưa con mình lên thành phố, hay về tỉnh lỵ để học. Nhưng ngày nay các huyện cũng đã có trường cấp III, còn các xã thì có trường câp I. Các cụm xã có trường cấp II nữa. Nhưng nếu như người dân tộc muốn theo việc học hành ở đó thì nhiều khi cũng gặp lắm điều khó khăn.
Tôi tập trung tất cả các em thiếu nữ lứa tuổi 16,17 trong các giáo xứ ở thành phố Pleiku về để học làm vợ và làm mẹ. Các em này là những em đã bỏ học ở các trường địa phương của mình, các em biết đọc, biết viết rất ít mặc dù có em đã học đến lớp 5.
Tôi hỏi:
- Tại sao hồi nhỏ các con không đi học?
Các em trả lời:
-Hồi nhỏ con có đi học chớ, nhưng lên tới lớp 6 cô giáo nói con không hiểu gì cả, nên con không đi học nữa.
Những em thiếu nữ như thế, muốn cho các em hiểu biết thêm thì tôi có những khóa học và nhờ các Cha, các nữ tu đang sống và làm việc tông đồ ở những làng khác nhau giới thiệu cho các em về học. Mỗi khóa học như vậy kéo dài 6 tháng, có từ 40 đến 60 em. Hồi đó ở giáo xứ Đức An tôi có một nhà Sinh Hoạt để lo cho các em là như thế. Khi các em về nhà tôi ở lại và theo học, các nữ tu Dòng Nữ Vương Hòa Bình ở Ban mê Thuột nhận nhiệm vụ chăm sóc cho các em.
Vấn đề mà chúng tôi lo là sức khỏe của các em. Các em được đi khám sức khỏe. Nhất là những em đang có những "trục trặc" nào đó về sức khỏe thì phải báo ngay để các bác sĩ lo chữa trị cho các em. Nhờ thế mà có nhiều em phát hiện được nhiều bệnh. Có những bệnh thật ra chỉ cần chữa 1, 2 tuần là khỏi, nhưng vì các em không được tiếp xúc với thầy thuốc, với thuốc men. Chẳng hạn như có em đó bị nhiễm trùng tai, nó đau đầu suốt nhưng vì cha mẹ không biết. Khi tới nhà Sinh Hoạt của tôi ở, em được chữa trị trong vòng 1 tháng thì khỏi hẳn và còn lên ký lô nữa. Bác sĩ nói nếu để lâu thì em có thể bị điếc tai.
Cho nên tôi nói rằng:
Điều thứ nhất là chúng tôi phải lo cho sức khỏe của các em, mình phải chịu tốn kém để chữa trị cho các em được khỏe mạnh. Sau này một người vợ, người mẹ mạnh khỏe bao giờ cũng tốt cho gia đình, cho con cái của mình.
Điều thứ hai là chúng tôi lo dạy văn hóa cho các em. Các Cha cũng như các thầy Dòng Phanxicô đã giúp tôi trong công việc dạy văn hóa cho các em. Việc trước tiên là các em phải học và đọc cho giỏi tiếng kinh. Một khi các em đọc được tiếng kinh thì các em đọc được tiếng của dân tộc mình ngay. Mà các em viết được tiếng kinh thì các em cũng viết được tiếng của dân tộc mình.. Vì thế cho nên chúng tôi nhất định phải dạy và trau dồi cho các em nói thông thạo được tiếng kinh và phát âm đúng dấu; đúng giọng của tiếng kinh.
Như tôi đã từng nói: thật sự thì người dân tộc không biết cân, đo, đong, đếm... cho nên chúng tôi phải dạy cho các em biết cộng, trừ, nhân, chia... đó là cả một vấn đề. Phải làm thế nào để giải thích cho các em hiểu một cách dễ dàng, nên chúng tôi phải dùng những hình ảnh cụ thể để dạy thì các em mới hiểu thế nào là toán cộng, toán trừ, toán nhân hay toán chia...
Rồi một lần có 2 em đến gặp tôi và nói:
- Thưa Cha, trong làng chúng con không cần học toán nhân, toán chia đâu, chúng con học toán cộng và toán trừ là đủ rồi.
Tôi phì cười, bảo với hai đứa:
- Cả thế giới này cần toán nhân toán chia mà sao tụi con lại không cần? Thôi thì các con học được cái gì hay cái đó. Để Cha nói với các sơ dạy cho các con rành toán cộng, toán trừ rồi chúng con sẽ biết toán nhân là thế nào? Toán chia là thế nào? Để lúc đó chúng con có thể biết như mọi người đã biết. Không chỉ có dạy cho các em học chữ, học toán mà các sơ còn phải dạy cho các em cách sống đạo đức: đạo đức làm vợ và làm mẹ. Làm vợ, làm mẹ là làm như thế nào? Rồi thì dạy cho các em biết chăm sóc sức khỏe cho mình và cho trẻ em. Vì người dân tộc sinh con mà không biết chăm sóc con cho đúng vệ sinh nên các em chết lúc tuổi nhỏ là khá nhiều.
Rồi chúng tôi còn phải dạy cho các em những kiến thức căn bản như uống nước đun sôi hay uống nước lọc. Vì tôi biết 80 % trẻ em bị bệnh là do uống nước không sạch. Các sông suối đều đã bị ô nhiễm, người dân tộc không biết đào giếng. Ngày trước các làng dân tộc thường ở gần bờ sông, bờ suối hoặc các nguồn nước, nước chảy cả ngày... Nhưng bây giờ các nguồn nước đó không còn tinh khiết như cách đây 30, 40 năm về trước nữa.
Người kinh bây giờ thường hay san bằng những mảnh đất nằm dọc theo bờ sông, bờ suối để làm ruộng, khi làm ruộng thì họ phun thuốc trừ sâu, rồi bón phân hóa học... Do đó các giòng sông, giòng suối không còn tinh khiết nữa.
Các thiếu nữ dân tộc mà chúng tôi nhắm đến cho các khóa học 6 tháng, thì tôi nhờ các Linh Mục, các nữ tu đang phục vụ tại các vùng xa xôi chú ý chọn dùm tôi, vì những nơi đó thiếu thốn trường lớp, ít được tiếp xúc với y tế và giáo dục, đó là lý do tôi thường chọn các em ở những vùng ấy.
Sự đóng góp về vật chất của các em là rất ít, nhiều em không có gì để đóng góp. Nhưng có những gia đình trong giáo xứ hoặc những nơi khác biết nên người ta cũng chung phần với tôi để có điều kiện lo cho các thiếu nữ này. Bởi vì mọi người biết công việc này rất ích lợi cho các thiếu nữ người dân tộc, nhất là khi họ làm vợ, làm mẹ trong gia đình.
Tôi lấy một ví dụ: các nhóm từ thiện như nhóm “Hướng về Tây Nguyên”, đây là nhóm bạn của tôi khi họ còn ở Việt Nam, họ đã thấy công việc của tôi như thế nên khi về nước, họ đã góp phần của họ vào công việc này để đào tạo những thiếu nữ dân tộc thành những người phụ nữ biết lo cho gia đình của mình.
Năm 1992: Tôi mở Nhà Nội Trú cho các em học sinh. Học sinh người kinh thì nhiều mà người dân tộc thì rất ít. Các em này cũng về ở trong nhà của tôi để đi học tại các trường cấp III trong thành phố Pleiku. Nhà nước cũng khen tôi là biết nhường nhà của mình cho học sinh các nơi về học, thậm chí là cán bộ cũng gởi con đến nhà nội trú của tôi, có các nữ tu Dòng Phaolô chăm sóc và dạy dỗ thêm. Đa số các em bây giờ đã trở thành những người rất đàng hoàng trong xã hội. Cho tới năm 2002 thì các huyện cũng đã có trường cấp III, các xã có nhiều trường cấp I, các cụm xã đếu có trường cấp II. Các em học sinh có thể về học cấp II tại xã, cấp III tại huyện. Vì thế nên các em ở gần nhà cũng thuận tiện để có thể giúp đỡ công việc trong gia đình, nhất là khi ở gần gia đình thì sẽ được cha mẹ quan tâm chăm sóc dạy dỗ thêm.
Từ năm 1992 đến năm 2002: Tôi mở nhà nội trú cho các em người kinh, có khi số lượng các em trong nhà nội trú lên đến 135 em. Có một số các em là người ngoài Công Giáo. Khi ở nội trú các phụ huynh người kinh cũng đi thăm con, các phụ huynh người dân tộc cũng đi thăm con. Sự khác biệt giữa người kinh và người dân tộc khi đi thăm con là như thế nào? là như thế này:
Cha mẹ người kinh khi đi thăm con mình, họ đem quà thì chỉ đem cho con của mình mà thôi, các em muốn chia sẻ cho người khác thì tùy ý các em.
Năm 2002: Tôi mở nhà nội trú cho các em người dân tộc, tôi nhận thấy rằng:
Người dân tộc khi đi thăm con của mình, nếu trong làng có mấy em ở nội trú thì mấy em đó tới gặp cha mẹ của bạn mình một cách thân tình như người nhà của mình vậy. và người dân tộc đi thăm con, khi mang quà là mang cho tất cả mọi người luôn, chẳng hạn như là ổi , bắp, mía... thì mang theo cả một gùi cho các em ăn chung. Nhiều khi tới mùa bí đỏ thì người ta chở tới cả một xe bí cho các em nấu ăn chung với nhau.
Điều này cho tôi thấy rằng người dân tộc rộng rãi hơn người kinh và có tính cộng đồng gắn bó với nhau rất đặc biệt. Đó là gương tốt cho tôi. Khi sống xa nhà người dân tộc rất hay nhớ làng, họ không quan trọng việc học hành cho lắm nên nhiều khi đang học mà nhớ nhà quá, thì em đó nói "con nhớ nhà" và đòi đi về làng, nếu không cho nó về thì nó cũng trốn về. Chúng tôi biết điều đó nên ngoài các sơ Nữ Vương Hòa Bình ra, thì chúng tôi còn chọn thêm một số em người dân tộc đang học trường Cao Đẳng Sư Phạm Gia Lai, hoặc là đã tốt nghiệp, chúng tôi để các em này ở chung với các em nội trú. Những gì mà các sơ nói với các em học viên, nếu các em không hiểu thì các sơ sẽ nhờ các em phụ tá này nói lại với các em học viên, như một người chị nói chuyện với người em của mình, như thế các em sẵn lòng nghe và dễ hiểu.
Chúng tôi mở một khóa học như vậy với thời gian là 6 tháng, sau mỗi khóa học chúng tôi cấp cho các em một chứng chỉ rất đẹp, có hình ảnh của các em, cho các em biết các em đã học được những gì. Chúng tôi còn tổ chức lễ bế giảng hết sức long trọng, mời những ân nhân đã đóng góp giúp đỡ chúng tôi trong việc lo cho các em đến dự lễ. Cũng có chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn" nho nhỏ do các em phụ trách, sau đó là một bữa tiệc chia tay và phát chứng chỉ cho các em. Các em cũng như cha mẹ các em đều rất vui mừng khi nhân được chứng chỉ tốt nghiệp này. Vì tôi biết các chàng trai trong làng cũng thích kết hôn với những thiếu nữ biết nói thông thạo tiếng kinh, đã được học qua trường lớp để có thể làm vợ, làm mẹ tốt.
Sau 6 tháng chúng tôi lại mở một khóa khác, và sau mỗi khóa học như vậy chúng tôi giữ lại chừng 5, 6 em; để các em của khóa mới được các em của khóa trước hướng dẫn cho những điều cần thiết. Khi các em khóa học mới tới ở chừng 10 ngày thì chúng tôi cho các em khóa cũ được về nhà. Các em khóa mới cũng được về thăm nhà 1 tuần. Sau đó các em khóa cũ có thể ở nhà luôn. Còn các em khóa mới thì tùy ý. Nếu các em thấy trong 10 ngày đi học ở nhà tình thương của chúng tôi mà thích học thì các em trở lại học tiếp, em nào không thích thì ở nhà. Và như thế khóa nào cũng có đôi ba em khi về nhà là ở nhà luôn mà không trở lại học.
Mỗi khi có một khóa học mới, chúng tôi phải hứa với các em như sau:
- Từ đây cho đến 1 tháng nữa Cha sẽ cho chúng con về làng 1 lần để thăm nhà.
Và điều này rất phù hợp với não trạng của người dân tộc vì họ ít khi xa nhà, nên một khi xa nhà thì họ rất nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ núi nhớ rừng của mình.
Có một lần tôi tổ chức lén cho 10 em ở một làng gọi là làng Hà Bàu, làng này do tôi phụ trách, cách Pleiku 20 cây số. Tôi đưa 10 em đó ra một cộng đoàn của nhà Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và nhờ các sơ dạy cho các em nấu ăn, dù đó chỉ là những món ăn đơn sơ nhưng nếu biết cách nấu thì ăn vẫn ngon hơn bình thường, ví dụ như khi phải nấu củ mì thì nấu làm sao để ăn cho ngon, hay kho một con cá khô thì làm thế nào cho ngon... các em đếu phải học. Một khóa chỉ có 10 ngày thôi, thế nhưng mới 4, 5 ngày thì đã có em xin về làng, mà cái làng của nó thì tôi đã vô đó nhiều lần rồi: Nhà cửa thì trống trải, còn nước thì phải lên tới nguồn, tới giọt mới có... Còn tại nhà sơ thì có tivi, có điện, có nước máy...v.v... đầy đủ mọi tiện nghi. Thế mà nó vẫn nhất định đòi về.
Tôi hỏi: - Ở trong làng có cái gì mà con đòi về?
Thì các em trả lời:
- Ở trong làng có Mẹ con.
Vậy nên tôi mới hiểu được rằng đối với các em người dân tộc thì cái tình gia đình, tình làng nghĩa xóm nó quan trọng đến thế nào. Đó là lý do mà tôi phải cho các em về vài ngày là như vậy.
Kể từ năm 2003 đến năm 2009 Tôi đã thu hoạch được nhiều hoa trái từ các khóa học do tôi mở ra. Mỗi khóa ít nhất là 40 em, nhiều nhất là 60 em. Một lần các chị bên nhóm Phát Triển Phụ Nữ kể cho tôi nghe:
- Có một em ở làng nọ. Em đó khi ở nhà nó không biết cái chữ dù nó cũng đã học tới lớp 3, lớp 4 rồi không đi học nữa, nó cũng không rành tiếng kinh, mà thanh niên trong làng thì muốn cưới các cô gái biết tiếng kinh, biết nói, biết đọc và biết viết tiếng kinh. Em này khi ở làng chưa được đi học ở nhà tình thương thì "không có một anh thanh niên nào thèm đụng tới".
Nhưng sau 6 tháng học ở nhà tôi về, em trở thành một con người mới: đẹp đẽ, sạch sẽ hơn. Rồi khi về làng em lại biết dạy, biết tập hát cho các trẻ nhỏ ở trong làng. Đó là một điều mà em rất hãnh diện về mình. Vậy nên lúc đó có 3 thanh niên trong làng muốn làm quen với em. Cuối cùng thì em cưới con của ông Kọ Khun của làng, tức là con của gìa làng.
Khi nghe các chị bên nhóm Phát Triển Phụ Nữ kể chuyện đó, tôi nói vui:
Khi nghe các chị bên nhóm Phát Triển Phụ Nữ kể chuyện đó, tôi nói vui:
- Đó là điều thành công nhất của chúng ta.
Nhắc lại Vấn Đề sức khỏe của các em: về câu chuyện một em bị nhiễm trùng tai và được chữa lành. Khi tôi vô thăm làng, ông bố của em đã ôm và còn hôn tôi. Ông ta nói với tôi:
- Cám ơn ông Cha vì ông Cha đã làm cho con mình lúc này khác rồi, bây giờ nó về nhà nó làm đủ thứ chuyện, nó cũng lo đủ thứ chuyện trong nhà của mình. Hồi đó nó đau đầu miết mà bây giờ nó hết đau rồi.
Nó đau đầu chỉ vì nó bị nhiễm trùng tai.
Tôi hết sức vui mừng vì những chuyện như vậy, tuy là nhỏ thôi nhưng lại ảnh hưởng lớn đến suốt cuộc đời của em đó.
Người dân tộc không bao giờ biết đi khám răng hoặc trồng răng, hay là đi trám răng. Tôi nói với các sơ:
- Nếu em nào bị hư răng thì tìm cách trám lại cho nó, cố gắng đừng có nhổ.
Có một em đi trám răng về kể với tôi:
- Cha ơi! Nếu không có sơ ngồi bên cạnh con là con chạy về rồi.
Tôi hỏi:
- Sao con lại chạy?
Nó ngây thơ trả lời:
- Người ta lấy súng đưa vô miệng con nên con sợ lắm. (ai đã từng đi trám răng thì biết cái súng là cái gì!)
Nghe nó nói mà tôi cười quá sức, nó nói tiếp:
- Con đâu có biết là cái răng của mình đau, mà trám rồi thì hết đau.
Tôi nghĩ đó là những hoa trái mà chúng ta đã đạt được. Những em ở các làng theo học các khóa này, sau khi học xong rồi về làng, các em trở thành những người quan trọng trong làng, về mặt xã hội cũng như về mặt Giáo Hội. Một người kinh có thể được tập hát như:" Ba ngọn nến lung linh... Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh", sau khi học xong rồi nó đem về bỏ vô... tủ lạnh. Nhưng người dân tộc thì khác, họ học được những bài hát sinh hoạt của cộng đồng, họ về tập cho các em trong làng hát, thế là các em trong làng nắm tay nhau cùng hát...
Đời sống cộng đoàn của các làng dân tộc đặc sắc hơn nếp sống cộng đồng của người kinh.
Riêng các em Công Giáo ở các làng, thì các Cha Dòng Phanxicô kể với tôi:
- Khi chúng con vào một làng nào đó mà có các em từng ở nhà mình học 6 tháng, các em chạy ra chào đón chúng con làm chúng con vui lắm. Bởi vì em đó rất có ảnh hưởng ở trong làng, các em giới thiệu chúng con với người làng của nó, kể cho các người trong làng biết về những công việc mà chúng con đã làm. Những ông thôn trưởng trong làng cũng tỏ ra thân thiện với chúng con khi các em giới thiệu chúng con với làng: "đây là Cha này... đây là thầy nọ... đây là sơ kia... "
Có lần tôi dẫn 2 sơ Nữ Vương Hòa Bình đến một làng xa để làm lễ. Có mấy em trong làng đã từng ở nhà tôi học 6 tháng. Các em đang ngồi nơi dành cho ban hát, có người kinh, có người dân tộc nữa. Các em thấy 2 bà sơ vừa bước vào là các em đó chạy tới ôm chặc 2 bà sơ trước mặt mọi người, làm cho ai cũng cảm động, kể cả hai bà sơ. Rồi thì sau lễ các em tập trung chung quanh các sơ và hát những bài hát mà các sơ đã tập cho các em. Các em hát trước sự ngạc nhiên lẫn ngỡ ngàng của những người chung quanh, có cả người kinh
Tôi kể lại những câu chuyện như thế, vì đó là những hoa trái mà chúng ta có được do công lao của nhiều người vun trồng. Những công việc này vô cùng ích lợi cho đời sống của người dân tộc ở vùng sâu vùng xa. Tôi tự hỏi: Tại sao tôi làm những điều này? Tôi nhớ lúc xưa, thời của Đức Cha Phaolô Kim, Ngài đã mở một ngôi trường gọi là trường Nữ Công Gia Chánh ở Kontum, rồi nhờ các sơ Bác Ái Vinh Sơn đào tạo các thiếu nữ. Thời đó ở Kontum có một ngôi trường đào tạo Giáo Phu tên là trường Cuénot. Trường này đào tạo các Giáo Phu trong vòng từ 6 đến 7, 8 năm tùy theo lứa tuổi của mỗi người khi vào trường. Rồi những người này sau khi ra trường họ được bổ nhiệm đi đến làng này làng nọ, mặc dù các sắc tộc có khác nhau. Các Giáo Phu này khi cưới vợ thì thường là họ cưới các thiếu nữ trong trường Nữ Công Gia Chánh của Đức Cha Phaolồ Kim.
Một khi hai vợ chồng Giáo Phu đến ở trong một buôn làng nào đó thì họ phải là một đôi vợ chồng gương mẫu. Người Giáo Phu dạy giáo lý, dạy chữ cho dân làng và còn là chủ sự cho các buổi cầu nguyện ở trong làng nữa... cho nên người Giáo Phu bao giờ cũng được dân làng kính trọng hết mực. Thường thường là dân làng phải làm rẫy giúp cho gia đình người Giáo Phu. Nhờ thế mà nạn mù chữ ở các làng dân tộc thời xưa là rất ít. Bởi vì người Giáo Phu đã được học hành 7, 8 năm, họ nói rành tiếng kinh và tiếng sắc tộc của họ. Họ dạy cho những người dân tộc ở các làng của họ bằng tiếng kinh và luôn cả tiếng dân tộc của họ nữa. Vì thế mà gia đình của những Giáo Phu ngày xưa và các bà vợ của họ có nhiều ảnh hưởng tốt đối với phụ nữ trong làng.
Người dân tộc chỉ nói những chuyện riêng tư của mình với những người cùng chung một sắc tộc. Họ ít khi nói với người khác sắc tộc. Vì thế mà tôi nghĩ rằng các sơ là những người dễ dàng làm công việc chăm sóc cho các em nội trú nhất. Tôi nhận thấy trong địa phận Kontum chỗ nào cũng được Đức Giám Mục khuyến khích các sơ mở nhà nội trú ở những nơi xa xôi, từ huyện Dak Glei, huyện Ngọc Hồi, huyện Sa Thầy, huyện Dak Tô thuộc tỉnh Kontum. Ở tỉnh Gia Lai cũng vậy, các nữ tu cũng mở nhà nội trú. Đây là một điều vô cùng ích lợi cho giới thiếu nhi và giới trẻ người dân tộc. Nhất là tôi cũng xin các nữ tu thường xuyên lưu ý tới việc đào tạo cho các thiếu nữ được ở nhà của các sơ để đi học. Ấy là đào tạo cho họ những kiến thức cần thiết để tự chăm sóc bản thân cũng như sức khỏe cho mình, để phát triển văn hóa của mình và trở thành những người vợ, người mẹ như ý Chúa muốn.
Mong ước làm sao mà tất cả chúng ta, Giáo Phận của chúng ta làm được những điều mà ta có thể làm trong khả năng của mình để cho người dân tộc thiểu số được phát triển theo văn minh Tình Thương của Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét