NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ
12 .
NHỮNG ĐIỀU DỄ THƯƠNG
NƠI NGƯỜI ANH EM DÂN TỘC
NƠI NGƯỜI ANH EM DÂN TỘC
Chúng tôi phải nhìn nhận một điều là người anh em dân tộc quen sống giữa thiên nhiên, giữa núi rừng, chính đời sống gần gũi với thiên nhiên rừng núi như vậy đã hun đúc trong lòng người dân tộc có những tâm tình hết sức là đơn sơ, mộc mạc, vô cùng dễ thương, dễ mến. Vì những đức tính đó của họ mà mình rất yêu mến và rất thích đến với họ. Những câu chuyện mà tôi kể sau đây, trong muôn vàn câu chuyện tôi thấy được ở nơi người anh em dân tộc.
* Câu chuyện thứ nhất:
Tháng 9 năm 2009 xảy ra một trận lũ lụt lớn ở tỉnh Kontum, các huyện Dak Glei, Ngọc Hồi, Dak Tô, Dak Hà và luôn cả thành phố Kontum cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề. Có rất nhiều đoàn từ thiện từ các nơi, kể cả các đoàn từ thiện của các tôn giáo khác, nhất là Phật Giáo đã đến với anh em người dân tộc trong vùng bị lũ lụt.
Đem quà tới với người dân tộc ta luôn có cảm giác rất dễ chịu vì họ không giành giật, không leo lên xe để rút hàng xuống trước như người kinh ở các nơi khác mà tôi nghe kể. Trong trận lũ lụt năm 2009 đó, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã đề cử Cha Quế thuộc Caritas Hà Nội đến Kontum thăm viếng đồng bào dân tộc bị lũ lụt. Chúng tôi đi một xe tải chở quà gồm có: mì ăn liền, gạo, cá khô và các thứ khác... v.v... có cả bánh kẹo nữa bởi vì đó là những ngày sau tết Trung Thu.
Lần này thì phát quà cho làng Kon Mơnay, là một làng trong thành phố Kontum bị nước tràn về ngập cả làng, chỉ toàn là bùn đất. Cùng đi với Cha sở là Cha Hữu. Người dân tộc đã tập trung tại đó. Khi chở quà tới làng Kon Mơnay, Cha Quế rất ngạc nhiên vì không thấy có người nào bu lại rồi leo trèo lên xe, cũng không ai giành giật nhau gì cả (bởi vì Ngài đã đi giúp các nơi khác của người kinh). Anh em dân tộc được Cha Hữu bảo đem quà từ trên xe xuống. Gạo để với gạo, mì ăn liền để với mì ăn liền, cá khô để với cá khô... v.v...
Tiếp theo đó người dân tộc đứng quanh rồi có một người đại diện là chú Giáo Phu của làng kêu tên từng người. Kêu tên ai thì người đó tới nhận mỗi thứ một cái... và cứ như thế mà họ nhận quà một cách hết sức là thứ tự trong sự trật tự. Những người không có mặt ngày hôm đó vì đi lao động chỗ này chỗ kia thì chú Giáo Phu ghi lại tên của những người chưa lãnh quà, ông bảo anh em đã lãnh quà giúp thì đem hàng gởi vào phòng áo của nhà thờ Kon Mơnay. Người Giáo Phu nói khi nào họ về thì họ sẽ đến lãnh phần quà của mình.
Cha Quế rất ngạc nhiên về sự thứ tự và trật tự khi họ nhận quà, so với những nơi khác: mới nghe nói xe chở hàng tới, dù xe chưa tới nơi mà người ta đã chạy theo rồi leo lên xe kéo hàng, kéo quà xuống như là ăn cắp vậy.
Có một chuyện rất dễ thương nữa là: hôm đó Cha Quế thấy các em nhỏ đứng đó, Cha đã cho mỗi em một cái bánh trung thu. Nhưng có một em cũng đứng gần đó mà không lảnh bánh trung thu, Cha kêu tôi hỏi sao em kia sao nó không lãnh bánh? Rồi Ngài đưa cho nó một cái, nó lắc đầu không nhận. Tôi hỏi nó:
- Sao con không lấy bánh?
Nó trả lời:
- Con lấy rồi.
Tôi hỏi:
- Con lấy rồi thì đâu rồi?
Nó nói:
- Con ăn rồi.
Tôi hỏi tiếp:
- Con có thích ăn nữa không?
Nó gật đầu:
- Con thích.
Và rồi lúc đó nó mới dám đưa tay ra nhận quà lần thứ 2.
Đó là điều rất dễ thương nơi trẻ em người dân tộc. Đã lấy quà rồi thì thôi chớ không có cái kiểu lấy tay trái xong rồi dấu tay trái sau lưng, sau đó đưa tay phải ra lấy tiếp như tôi đã thấy ở nhiều nơi
* Câu chuyện thứ hai:
Tôi không nhớ vào năm nào. Nhưng Chúa Nhật hôm đó cũng là vào gần dịp Trung Thu. Sáng đó tôi phải đi làm 2 lễ. Một lễ cho giáo dân người kinh cách chỗ tôi 15 km lúc 6g30 sáng. Sau đó 10g là lễ thứ 2 cho người dân tộc trong làng Ya Luh cách đó 5 km. Có một số ân nhân muốn tặng quà cho người nghèo. Tôi đem các phần quà trung thu đã được gói sẵn mỗi phần đâu ra đó. Đây là quà tôi muốn tặng cho các em học giáo lý mà thôi.
Chỗ giáo dân người kinh thì tôi để số quà dư ra khoảng 3, 4 phần. Sau lễ tôi bảo Ca Đoàn mà cũng là các anh chị giáo lý viên:
- Các con phát quà Trung Thu của các ân nhân này cho các em học giáo lý giúp Cha.
Mấy đứa nhỏ chen nhau, giành nhau rồi cuối cùng tôi nghe nói:
- Thưa Cha... thiếu.
Tôi nói không thể thiếu, vì ngoài danh sách của các em ra thì tôi luôn luôn mang dư vài phần quà. Các anh chị giáo lý viên nhìn qua cái giỏ cần xế đựng quà của các em người dân tộc rồi ngõ ý xin thêm. Tôi dứt khoát nói:
- Không, đây là phần quà của các em người dân tộc, cũng đâu ra đó cả rồi, không được lấy.
Thế là chúng tôi đi. Ra khỏi nơi làm lễ chúng tôi thấy có 2 bà già, trên tay mỗi bà xách một phần quà, tôi dừng xe lại hỏi:
- Tại sao lại lấy quà của các em giáo lý chứ?
Hai bà trả lời:
- Ở nhà có mấy đứa cháu nhỏ.
Tôi nói:
- Không được, đâu phải ra đó, quà này chỉ phát cho các em học giáo lý mà thôi, các bà không được làm như thế.
Rồi tôi lấy lại phần quà đó luôn. Đây cũng là một cách giáo dục để cho họ biết rằng " cái gì ra cái đó". Tôi lên xe đi tiếp, lúc đó tôi nói với những ân nhân ngồi trên xe:
- Chút nữa vào trong làng của người dân tộc mà xem, không có chuyện giành giật như thế này đâu.
Và quả nhiên là như thế. Tôi để giỏ cần xế trước hiên nhà thờ, tôi biết một điều chắc chắn là những người dân tộc đứng ở ngoài nhà thờ sẽ không ai dám đụng đến những cần xé đựng quà đó. Làm lễ xong tôi bảo các em học giáo lý:
- Những em nhỏ khác không học giáo lý thì các bà trong nhóm Phát Triển Phụ Nữ đã cho quà các em đó. Còn các em học giáo lý thì các con mỗi người có một phần quà. Có chị Mai đang đứng bên giỏ cần xế quà đó, các con cứ tự động ra lấy;" "minh nu minh pôm" (một đứa một cái). Thế là... y chang còn dư lại 4 phần quà, vì mỗi em chỉ lấy một phần của mình mà thôi. Thật dễ thương vô cùng!
Và như thế chúng ta sẽ dành tình cảm cho ai đây? dĩ nhiên là chúng ta dành tình cảm cho những người biết tôn trọng sự công bằng.
* Câu chuyện thứ ba:
Ngày hôm đó có lễ tạ ơn của một Cha mới Dòng Phanxicô. Bởi vì Cha đó làm việc cho người dân tộc và cho người kinh nữa nên lễ tạ ơn được làm trong một nhà thờ của thành phố Pleiku. Hôm đó có một chuyện xảy ra làm tôi cũng mắc cỡ vì một số người kinh của chúng ta. Và khi tôi nghĩ lại, tôi thương người dân tộc nhiều hơn. Chuyện như sau:
Sau lễ thì tiệc mùng được tổ chức ở 2 nơi, một nơi của khu vực người dân tộc, một nơi dành cho người kinh thì ăn buffet cùng với các Cha, các tu sĩ, các ân nhân, thân nhân của Linh Mục mới và các giáo dân người kinh. Có những dãy bàn để thức ăn, những két bia, nước ngọt...
Lễ xong, các Cha cũng như các tu sĩ, các thân nhân... mãi lo chụp hình. Chưa chi mà tôi đã thấy có một số người đi vào rồi thì vừa bốc vừa hốt thức ăn, thậm chí có mấy anh lại mở két bia lon ra rồi lấy bỏ vô túi quần. Tôi hết sức mắc cỡ vì các Cha cũng như các tu sĩ chưa có ai vào, cũng chưa cầu nguyện trước khi ăn theo lẽ thông thường. Mà đằng này người ta lại tới dành nhau để lấy thức ăn trên bàn, thậm chí còn lấy khăn giấy (dùng làm khăn ăn) để bỏ chả ram hay thứ này, thứ kia vào rồi gói lại.
Đúng là tôi cảm thấy vô cùng ngượng và xấu hổ, tôi đã cầm micro lên và nói lớn:
- Hãy để lại, hãy chờ các Cha tới, chúng ta cầu nguyện rồi chúng ta hãy ăn. Có ít thì chúng ta ăn ít, có nhiều thì chúng ta ăn nhiều. Chúng ta phải biết chờ đợi những người lớn hơn chúng ta chứ!
Những người đó rất khó chịu với tôi, nhưng tôi cảm thấy có một số giáo dân người kinh biết tự trọng cũng khó chịu vì những điều bất lịch sự như thế.
Trong khi đó ở bên khu vực người dân tộc thì khác, người ta đã kiên nhẫn chờ đợi, chờ đợi mãi cho đến khi các Cha đến uống một chút rượu đầu tiên, cũng như cầm một cái bánh thì người ta mới bắt đầu. Khi tôi đến chỗ của người dân tộc, tự trong thâm tâm tôi, tôi cảm thấy kính trọng họ vì họ đã biết chờ đợi, mặc dù phía người kinh ăn trước vì các Cha nhập tiệc ở bên đó trước. Người kinh thì vội vã lo ăn cho xong để về nhà lo công việc, còn người Dân Tộc thì họ mang cồng chiêng ra đánh, rồi họ nhảy múa, chờ các Cha đến để mời các Cha uống chút rượu cần trước, ăn cái gì đó trước, rồi họ mới vào bàn tiệc, rồi tiếp tục đánh cồng chiêng, cùng nhau nhảy múa để mừng các Cha.
Như thế thì ai dễ thương hơn ai chứ? Chúng ta phải làm thế nào để nêu cao những điều dễ thương đó là tấm gương tốt, đồng thời chúng ta phải xấu hổ vì có nhiều người kinh có những cử chỉ, hành động không tốt, làm gương xấu cho người khác.
* Câu chuyện thứ tư:
Tại một giáo xứ nọ của người kinh, mà Cha Sở thì coi 2 giáo xứ: một của người kinh và một của người Dân Tộc. Hôm đó là lễ mừng Bổn Mạng giáo xứ của người kinh. Cũng nhờ Kinh nghiệm buổi lễ lần trước nên Cha xứ không tổ chức ăn buffet nữa, mà mỗi người sẽ có một phần quà, trong đó có bánh mì và nhiều thứ thức ăn, có cả nước uống. Theo như Cha xứ cho tôi biết thì có đủ số các phần quà, bởi vì có đến 600 phần như thế, và người dự lễ hôm đó có lẽ không tới 600 người, vì giáo xứ này cũng xa thành phố và ít giáo dân.
Lễ xong rồi, người dân tộc cũng như lệ thường là đánh cồng chiêng, cầm tay nhau múa hát. Còn những người kinh họ ra lãnh mỗi người một phần quà, 5 phút sau là không thấy bóng dáng người kinh nào, họ nhận quà rồi và khi về nhà còn xúi con nhỏ của mình đến lấy thêm quà nữa. Còn lại những người dân tộc thì đương nhiên là thiếu quà rồi! Nhưng họ chia sẻ với nhau những gì còn lại mà vẫn tỏ ra vui vẻ, không có gì là khó chịu về những hành động tham lam của người kinh.
Một điều đáng buồn và mâu thuẫn là: lễ mừng bổn mạng của giáo xứ người kinh mà chỉ có người Dân Tộc ở lại vui vẻ với Cha xứ và chung vui với nhau.
* Câu chuyện thứ năm:
Hôm đó một vị đại diện tòa thánh đi thăm Giáo Hội Việt Nam, sau đó lên thăm Giáo Phận Kontum. Giám Mục Kontum tổ chức lễ tiép đón Phái Đoàn đại diện Tòa Thánh tại nhà thờ Dân Tộc của một làng dân tộc, dĩ nhiên là phải tổ chức tại nhà thờ lớn nhất của người dân tộc, đó là nhà thờ Plei Chuet tại Pleiku. Vì được tổ chức tại nhà thờ người dân tộc, hát lễ cũng là ca đoàn của người dân tộc nên buổi lễ hôm đó người dân tộc đông hơn người kinh.
Tôi biết lễ xong thì có tiệc tiếp đải phái đoàn và đại diện của Tòa Thánh, rồi còn có đại diện của chính quyền nữa. Giáo dân người dân tộc mang cồng chiêng đến đánh, rồi cùng nhau cầm tay hát múa rất là vui vẻ với phái đoàn.
Theo phong tục của người dân tộc, khi đãi tiệc họ để thức ăn lên những chiếc lá dọn trên những bàn dài và dùng tay để bốc ăn, có một ít bà người kinh vào và tự động gom lấy lá gói thịt mang đi!
Khi phái đoàn của Tòa Thánh và phái đoàn quan khách tới. Ban tổ chức phải vội vàng sửa sang lại bàn tiệc, để làm thế nào cho nó dễ coi một chút! Tôi nhìn thấy như vậy thì trong lòng vừa ngượng vừa mắc cỡ trước người dân tộc, may sao hôm đó có mặt tôi tại chỗ nên tôi đã ngăn chặn lại kịp thời, còn những người dân tộc đang dọn bàn không hề dám lên tiếng.
Tôi nhận xét một điều:
Đây là một trường hợp trong nhiều trường hợp người dân tộc thấy điều sai trái của người kinh mà không dám lên tiếng để ngăn chặn, mặc dù tôi biết rằng:tuy họ không nói ra nhưng chắc chắn trong thâm tâm họ không phục.
* Câu chuyện thứ sáu:
Người dân tộc mỗi khi tổ chức một buổi lễ gì đó trong làng của họ, nếu họ có mời người kinh thì luôn luôn họ tôn trọng khách mời. Có món gì ngon cũng để dành cho khách, như là xẻ thịt một con bò, con heo, hay chén rượu cần... mà họ cho là ngon thì họ đều nhường cho khách.
Ngày hôm đó là lễ khánh thành nhà thờ Kon Mah ở huyện Chư Păh. Cha sở tên là Binh. Lễ khánh thành nhà thờ này, đồng ý là cũng có một số người kinh đã giúp đỡ cho người dân tộc cất lên được cái nhà thờ đó. Trong làng có một cái nhà Rông thật dài. Lễ xong rồi, người dân tộc trong các làng tập trung (vì xứ đạo đó có tới 9 làng) và dọn tiệc trong nhà Rông đó. Chỉ có người kinh, quan khách và một số chức sắc của các làng dân tộc lên dự mà thôi, còn dân làng thì phải chờ đợi. Mỗi làng đều có tổ chức riêng, có ghè rượu riêng. Chờ các Cha và quan khách ăn rồi thì họ cũng mời chúng tôi tới chỗ đó để nhấp một chút rượu cần, ăn chút thức ăn. Tôi để ý điều này: Các thức ăn ngon thì tôi thấy họ dành để mời khách, còn họ... Những chuyện mà tôi đã chứng kiến, tôi nhận thấy cách cư xử của người dân tộc rất có Văn Hóa, mặc dù họ không được đi học nhiều như người kinh, nhưng họ biết cách cư xử, hiếu khách và biết tôn trọng khách. Chúng ta là người kinh nhưng cần phải học ở nơi họ những điều tuyệt vời này, vì thật sự thì có một số anh em người kinh trong cách cư xử đã thua xa những người dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét