NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ
10 .
TIẾNG NÓI NGƯỜI DÂN ĐEN
Qủa thật người dân tộc nghèo đã đem đến cho tôi nhiều bài học, đã để lại cho tôi nhiều gương sáng trong đời sống mục vụ cũng như trong đời sống làm người của tôi.. Những nét đẹp nhất nơi tâm hồn của họ: là họ sống một cách đơn sơ, thành thật, không hề biết dối trá, họ có một đời sống nội tâm sâu sắc, đạo đức chân thành. Dù sống trong cảnh nghèo nhưng luôn có niềm vui, tuy cuộc sống thiếu thốn nhưng họ lại luôn luôn rộng rãi đối với người khác. Đó là những gương tốt mà tôi đã học được từ nơi người dân tộc nghèo.
Tiếng Nói Dân Đen là tựa đề của một bài trong cuốn Tuyển Tập Dân Tộc mà tôi không còn nhớ tên tác giả. Qua cuốn Tuyển Tập Dân Tộc này thì tôi biết tác giả là một người rất tin vào tình thương của Chúa, và một người rất thương người dân tộc. Trong những bài viết của anh, đôi khi anh cũng dâng cho Chúa tất cả những nỗi khổ cực của người dân tộc.
Trong Tiếng Nói Dân Đen có một đoạn như sau:
" Sao các người lại nhìn tôi? Sao các người lại cười tôi? Sao các người lại chọc ghẹo tôi? Sao các người bịt mũi khi đi ngang qua tôi? Sao các người lại le lưỡi, bỉu môi, nhăn mặt khi bước vào căn chòi của tôi? Tại sao vậy? Tại sao vậy hỡi các người ơi? Hãy nói cho tôi biết, cho dân tộc của tôi biết những gì các người đang nghĩ. Hay là tôi; dân tộc của tôi khác loài với các người? Tôi và dân tộc của tôi, cũng như các người vậy mà. Da thịt, máu đỏ của các người cũng giống da thịt máu đỏ của tôi, của dân tộc tôi. Trái tim của các người có nhịp đập cũng như tôi, dân tộc tôi. Thức ăn từ đất của các người cũng là của tôi, dân tộc tôi. Thú vật làm thực phẩm của các người cũng là của tôi, dân tộc tôi mà. Tại sao các người hắt hủi chê bai tôi? Xa lánh khinh dể tôi, dân tộc tôi? Rồi gán cho dân tộc tôi là " đồ man rợ, đồ mọi đen, đồ Thượng Thúi, đồ sắc tộc, đồ ăn bám xã hội"... Đúng rồi, vì tôi là "đồ Thượng Mọi" sinh ra làm người Thượng Mọi, sống chui rúc trong rừng, gia sản của đất nước Việt Nam này đâu dành cho tôi, cho dân tộc tôi. Nên những thế hệ trước đã thấy thân phận yếu hèn của mình, vì vậy đã chui vào rừng sinh sống. Giờ đây cũng vậy, tôi được sinh ra trong cảnh rừng rú, làm bạn với cỏ cây thú rừng nên thân tôi cháy nám, da thịt tôi sần sùi vì nhiễm các khí của núi rừng. Tôi ăn chuột, rắn mối, cào cào, cóc nhái, tôi ăn những hạt bắp nướng, những lát khoai khô, những túm bo bo, những củ năng củ mài, những trái cây rừng, rau cỏ hoang dại. Những con suối nước là nơi tôi uống, cảnh thiên nhiên là nơi tôi ở, rừng núi là nơi tôi than thở, lá cây rừng làm thuốc khi đau.
Tất cả những di sản đó chỉ dành cho dân tộc chui rúc của tôi, tôi đâu có thể phủ nhận điều đó chứ. Dân tộc của tôi đâu có tranh giành đất, đâu có đòi quyền lợi. Dân tộc của tôi là đứa con hoang, đứa con nuôi của đất nước Việt Nam nên dân tộc của tôi chưa đóng góp gì cho đất nước cả, một dân tộc ăn bám mà.
- Ê! thằng Thượng thúi, đi đâu vậy mày?
Tôi cúi đầu xuống, đi thụt lùi rồi chạy về chòi của mình, úp mặt vào trong vách lá rồi thút thít khóc, khóc cho số kiếp làm người Thượng Mọi, khóc cho dân tộc của tôi phải chịu nhiều điều như thế, không phải từ hôm nay mà là từ quá khứ cho đến bây giờ và cả tương lai nữa. Tôi đã nghe biết bao nhiêu lời tương tự như thế, từ đứa nhỏ cho đến lớp thanh niên, đến người lớn và ngay cả những bậc quan quyền trí thức cũng thốt ra những câu dành cho dân tộc tôi. Cho nên tôi, dân tộc tôi không dám chung đụng với các người, không dám tiếp xúc với các người. Mỗi lần chúng tôi gặp các người ở đằng xa là chúng tôi sợ.
Chúng tôi chạy trốn vì chúng tôi là dân mọi rợ, không xứng đáng đối diện với các người. Nhưng tôi, dân tộc tôi vẫn yêu đất nước mà chúng tôi đang ở. Tôi tri ân rừng núi, nơi mà tôi được sinh ra, nơi tôi được lớn lên. Dù tôi sống bám ở đất nước nào thì tôi vẫn yêu đất nước đó.
Nước Mẹ Việt Nam nơi mà tôi đang ở, tôi không biết phải lấy gì đóng góp cho đất nước này và bằng cách nào! Tôi chỉ biết lấy thân tôi làm phân bón cho cây cỏ trên mảnh đất thân yêu Việt Nam này, để được đóng góp một phần nhỏ mà tô thêm sức sống cho thế hệ những người con thân yêu của đất nước mẹ Việt Nam. Thật đau lòng khi phải nói lên điều này, vì điều này vẫn luôn xảy ra giữa con người với con người, phân biệt sắc tộc để rồi tránh né nhau: Một bên thì khinh khi, một bên lại mặc cảm. Một bên là trí thức, một bên dân ngu đen. Hiện nay trên đất nước vẫn còn thực trạng đó, vẫn còn phân biệt màu da, sắc tộc. Tất cả đều là sự phân cách: chia màu da, chia ngôn ngữ, chia lòng nười. Con dân mẹ Việt Nam ơi, đến khi nào con tim cùng một nhịp đập? Đến khi nào lòng người không còn xa cách nhau? Đến khi nào ngôn ngữ dịu dàng yêu thương nhau? Đến khi nào tôi và anh là con một Cha đây?
Quả thật khi đọc xong bài này tôi rất xúc động và càng thương người dân tộc nhiều hơn, tôi cảm thấy rằng mình cần phục vụ họ nhiều hơn nữa. Hơn 160 năm về trước các Linh Mục, các vị Thừa Sai đã tìm lên rừng núi Tây Nguyên này để đem Tin Mừng tình thương của Chúa đến với anh em người dân tộc, cũng từ đó anh em dân tộc ở các làng khác nhau, các sắc tộc khác nhau trở nên gần gủi và yêu thương nhau mỗi ngày một nhiều hơn. Anh em người dân tộc khi biết Chúa, họ thấy mình được Chúa yêu thương ngang bằng với tất cả mọi người và Chúa còn yêu thương những người nghèo khổ thiệt thòi nhiều hơn nữa. Tôi là lớp đi sau, tôi rất cảm phục các lớp đàn anh đi trước. Họ là những Linh Mục, những tu sĩ nam nữ đã lặn lội vào tận trong rừng sâu núi thẳm để: không những rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô cho anh em dân tộc, mà còn nâng cao đời sống của người dân tộc trong khả năng có thể được. Công việc đó đòi hỏi sự hy sinh rất lớn và rất nhiều của các vị tiền bối của chúng tôi.
Chúng tôi biết trong 3 Giáo Phận ở Tây Nguyên là: Giáo Phận Đà Lạt thì giám mục, Linh Mục cũng như nhiều người đã ra sức để mang Tin Mừng của Chúa đến cho anh em dân tộc. Giáo Phận Ban Mê Thuột cũng thế. Tôi biết nhiều Linh Mục nói tiếng Ê Đê rất giỏi và họ yêu thương người Ê Đê có khi còn hơn cả yêu thương người kinh cùng chung tiếng nói với mình.
Và như tôi đã nói, Giáo Phận Kontum của tôi gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kontum. Hai tỉnh này dân số khoảng hơn 1.700.000 người, ngày trước thì người dân tộc đông hơn người kinh, nhưng bây giờ thì số người kinh ở trong 2 tỉnh Gia Lai, Kontum ngang bằng với số người dân tộc ở trong 2 tỉnh nảy. Giáo dân Công giáo của Giáo Phận Kontum có khoảng 250.000 người, mà trong số đó thì giáo dân người dân tộc là khoảng 150.000 người, còn giáo dân người kinh có khoảng 90.000 người.
Chúng tôi cũng biết rằng trong 2 tỉnh này, thì có khoảng 100.000 giáo dân theo đạo Tin Lành, tin vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô, tin vào Thiên Chúa là Cha của mình. Chúng tôi làm mọi cách để tiếp bước theo các vị cha anh của chúng tôi: cũng đem Tin Mừng tới, cũng xoa dịu những vết thương cho những người anh em dân tộc bằng cách này hay cách khác, và chúng tôi cũng phải làm thế nào để rao giảng cho giáo dân người kinh, cho mọi người Việt mà chúng tôi quen là phải biết cư xử với anh em người dân tộc, giúp đỡ cho anh em người dân tộc cách này hay cách khác đúng theo tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Chúng tôi xin hứa với tác giả “tiếng nói dân đen” là chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để xoa dịu những thiệt thòi, đau khổ mà trong bài viết của anh, anh đã viết cho chúng tôi. Chúng ta có cùng một Cha ở trên trời, vậy thì chúng ta là anh em với nhau. Chúng ta; tất cả cũng như anh nói đều có một dòng máu đỏ chảy trong thân thể của mỗi người. Chúng ta, cũng như anh nói đều có con tim cùng nhịp đập. Nhất định tất cả chúng ta phải trở thành anh em với nhau. Chúng ta hãy nâng đỡ nhau, với những mẫu gương tốt và những nét đẹp tâm hồn của anh em người dân tộc, như tôi đã nói ở đầu bài, đó là những gương sáng và cũng chính là những điều làm cho tôi cảm phục đời sống của anh em. Chúng ta sẽ cố gắng chung sức với nhau để làm việc này vì đó chính là ý của Chúa. Ngài muốn chúng ta phải làm như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét