Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ - (8) NGƯỜI DÂN TỘC PHẢI BIẾT TIẾNG KINH - Lm Phêrô Nguyễn Vân Đông



NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ

8 .
NGƯỜI DÂN TỘC PHẢI BIẾT TIẾNG KINH

Người dân tộc biết tiếng kinh là một điều vô cùng quan trọng. Nước Việt Nam chúng ta có tất cả là 54 dân tộc trong dải đất hình cong chữ S này. 54 dân tộc có nghĩa là nói 54 thứ tiếng khác nhau. Mỗi một sắc tộc không những có một thứ ngôn ngữ riêng của mình mà còn có đời sống văn hóa khác nhau, qua những câu ca dao tục ngữ, hay những câu chuyện cổ tích của dân tộc mình... Nên bản sắc của người dân tộc cũng có nhiều điều khác nhau.
Vậy thì thứ tiếng nói chung của mọi người gọi là tiếng phổ thông. Tiếng phổ thông trong sách giáo khoa cũng như trong giấy tờ hành chánh... tất cả đều bằng tiếng Việt - người dân tộc gọi là tiếng Yuan - riêng địa phận Kontum gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kontum đã có trên 30 thứ ngôn ngữ khác nhau rồi. Với hơn 30 thứ ngôn ngữ khác nhau đó, thì trong công tác Mục Vụ của các vị Thừa Sai, của các nhà truyền giáo, đòi hỏi rất nhiều đến sự hy sinh và cố gắng của mỗi người làm công tác khai hóa, hay là làm công tác rao giảng Tin Mừng cho các sắc tộc khác nhau. Nên việc quan trong nhất là người dân tộc cần phải biết tiếng kinh, từ trẻ nhỏ cho tới người lớn. Từ những vùng xa xôi cho đến những làng ở gần người kinh.
Biết tiếng kinh là rất quan trọng. Vì sao?
      * Sách giáo khoa các cấp đều bằng tiếng kinh.
      * Giấy tờ hành chánh, đơn từ cũng bằng tiếng kinh.
      * Mọi giao tiếp trong xã hội cũng bằng tiếng kinh.
Người dân tộc biết tiếng kinh thì đỡ mặc cảm khi tiếp xúc với mọi người. Một khi người dân tộc đọc được tiếng kinh thì họ cũng đọc được tiếng của dân tộc mình. Người dân tộc viết được tiếng kinh thì họ cũng viết được tiếng của dân tộc mình.
Các vị Thừa Sai ngày xưa đi rao giảng Tin Mừng cho các sắc tộc ở Tây Nguyên, thì tiếng kinh là thứ tiếng đầu tiên mà các vị phải học. Rồi từ vốn liếng hiểu biết tiếng kinh đó, các vị Thừa Sai mới làm ra các thứ chữ viết của các sắc tộc khác nhau ở Tây Nguyên: Từ sách dạy giáo lý cho đến các thứ sách vở khác cũng đều dựa vào mẫu tự a, b, c... Bây giờ chương trình học cấp I. cấp II, cấp III ở trong cả nước cũng bằng tiếng kinh. Nếu các em nhỏ vào trường Mẫu giáo hoặc trường cấp I mà các em không rành tiếng kinh thì chỉ học được chừng 1, 2 năm; nó nghe nhưng không hiểu gì thì nó ngã lòng và không muốn tiếp tục đi học nữa.
Thứ nữa vì không biết tiếng kinh nên các em không hòa nhập được với các bạn trong lớp. Có những em học sinh người kinh cũng ưa kỳ thị với người dân tộc. Một em kể chuyện với tôi:
- Con đi học, cô giáo cho con ngồi gần một bạn người kinh nhưng bạn người kinh đó không thích cho con ngồi gần. Bạn đó lấy cái cặp của con bỏ xuống đất rồi đạp chân lên. Con tức quá con mét cô giáo. Cô giáo la bạn đó thì bạn đó ra ngoài đường đánh con, con đánh lại bạn đó, bạn đó bị thua con rồi chạy về nhà mét cha mẹ, cha mẹ bạn đó tới nhà con hăm dọa: "Mày ra đường tao đánh mày chết" thành ra con không dám đi học nữa, vì thế nên con phải nghỉ học.
Cho nên khi vào lớp 1, lớp 2, dù học sinh dân tộc đi học cũng nhiều, nhưng lên đến lớp 3, lớp 4, lớp 5 thì các em dần dần bỏ học: một phần vì bị kỳ thị, một phần là do cha mẹ người dân tộc thấy việc học của con cái không cần thiết như sự suy nghĩ của người kinh.
Thêm một điều này nữa: Thầy cô giáo người kinh nói đủ giọng: giọng Bình Định, Quảng Ngãi... Giọng Bình Định thì nói: "cái lốp xe đạp", giọng Quảng Ngãi thì nói: " cái láp xe độp", "con gà" thì nói là "con gòa"... Còn như các thầy cô người Huế, người Quảng Trị, Hà Tỉnh, Nghệ An thì nói nhiều thứ giọng khác nhau rất khó nghe, nên các em học sinh dân tộc khi vào lớp 1 thì rất bở ngỡ trước nhiều giọng nói khác nhau của người kinh. Cho nên: Biết tiếng kinh, giỏi tiếng kinh là một điều rất cần thiết cho người dân tộc.
Nhà trường thường có bệnh thành tích. Các em lên lớp 3, lớp 4; nhưng chưa đủ trình độ ngang tầm với lớp 3, lớp 4. Rồi lên lớp 4, lớp 5... thì cũng có bằng Tiểu Học như mọi người, bệnh thành tích mà! Lên lớp 6 các em không thể học được nữa, nó đành phải ở nhà. Dù có bằng Tiểu Học nhưng nó không nói được, không viết được, cũng không rành tiếng kinh là phải chịu thiệt thòi như thế.
Người dân tộc mà không biết tiếng kinh, nhất là người lớn, họ rất lúng túng trong việc giao tiếp với xã hội. Người dân tộc không biết nói tiếng kinh thì họ ngại đi chợ, ngại mua bán vì không hiểu nhau được, khi bị bệnh họ cũng rất ngại đến bệnh viện vì họ không biết đọc và không biết viết.
Người ta kể cho tôi nghe có một người dân tộc nọ tới bệnh viện thăm người thân của mình, dù biết số phòng người thân của mình đang nằm nhưng lại không biết đọc cho nên đã đi từ phòng này sang phòng nọ hết một ngày. Họ không ngờ bệnh viện rộng lớn đến như thế... cho nên dù đã đi hết một ngày mà vẫn không tìm được người nhà, chỉ vì không biết đọc chữ. Ngày hôm sau phải nhờ một người biết đọc dẫn họ tới phòng đó, bấy giờ mới gặp được người thân.
Ở Gia Lai chúng tôi chẳng hạn, khi có một người dân tộc đem con đến bệnh viện, mà bệnh viện bảo bệnh này nên chuyển đi bệnh viện Nhi Đồng 1 ở thành phố Hồ Chí Minh; thì người dân tộc thường hay bồng con về. Bởi vì sao? Bởi vì: thứ nhất là họ không biết tp HCM ở chỗ nào? Vì họ chưa bao giờ đi ra khỏi cái làng của mình, họ cũng không biết tiếng kinh nên không biết làm thế nào để giao tiếp trong những ngày nuôi con ở bệnh viện. Rồi thì lo ngại vì không có tiền để đi, mặc dù trẻ em thì được chữa bệnh miễn phí. Nhưng những người đi theo cũng phải ăn để nuôi con, cũng phải có chỗ ở mới lo cho con của mình được... Vì thế mà có những người đành phải bồng con mình về nhà chờ chết! Rất may là có những nữ tu có nhà Mẹ ở Sàigòn cho nên họ cũng tìm đủ mọi cách để đưa các em bệnh nhân đó cũng như các bệnh nhân khác về Sàigòn, hoặc là đưa đi Chợ Rẫy, hoặc là Nhi Đồng 1, hoặc là bệnh viện Ung Bướu để được chữa trị. Đôi khi chi phí chỉ là 5 hoặc 3 triệu cho một em bé thì được chữa khỏi bệnh. Nhưng giả như không có ai chỉ đường, chỉ lối thì họ ngại đi vì không biết tiếng kinh... cho nên họ đành đem người thân của mình về nhà.
Các sắc tộc thiểu số trong hai tỉnh Gia Lai và Kontum tuy có đến hơn 30 ngôn ngữ khác nhau, nhưng bây giờ sự giao tiếp giữa dân tộc này với dân tộc khác là rất thường xuyên. Một người Công giáo đi tham dự một Thánh lễ của địa phận như Lễ Dầu hoặc một Thánh lễ lớn chẳng hạn, mà có nhiều sắc tộc khác nhau, khi người dân tộc qui tụ về một chỗ thì tiếng nói có thể dùng để giao tiếp với nhau là tiếng Kinh. Người Xê đăng biết tiếng kinh nói với người Bahnar, người Jarai nói tiếng kinh với người Xê đăng... vv... Một khi ngồi lại với nhau mà có một thứ ngôn ngữ chung thì dễ giao tiếp với nhau hơn, còn nếu không biết tiếng kinh thì khi đó người dân tộc thường co cụm lại với nhau. Không biết tiếng của nhau thì không thể giao tiếp với nhau được. Các nữ tu đã làm một việc rất quan trọng là: cùng với những người Thiện Nguyện mở những lớp xóa nạn mù chữ trong các làng. Nhưng tôi lại thấy đa số những người học ở các lớp xóa mù chữ là giới nữ. Họ là mẹ, họ học chữ rất nhanh, họ đọc và viết được cũng khá nhanh. Cho nên họ có thể giúp được cho con cái họ đang học lớp 1, lớp 2. Sửa lại cái chữ, hoặc kiểm tra bài cho các con học lớp 1, lớp 2 một cách dễ dàng.
Tôi cảm thấy rằng các lớp xóa mù chữ cho các bà mẹ như vậy là có nhiều ích lợi trong việc giáo dục con cái. Nếu thực sự chúng ta thương người dân tộc thì chúng ta phải làm mọi cách để người dân tộc, từ nhỏ cho tới lớn đều biết nói, biết đọc và biết viết tiếng kinh.Tôi nhận thấy các Linh Mục và các nữ tu đã có những sự cố gắng rất hữu ích cho học sinh người dân tộc. Học sinh người kinh thường được các bậc cha mẹ có tiền cho đi học thêm, nhưng người dân tộc thì không được như thế. Trong khi các em người kinh học sách giáo khoa bằng tiếng kinh mà còn có buổi học thêm, còn người dân tộc học sách giáo khoa như học tiếng nước ngoài mà lại không có giờ học thêm, thế nên những buổi học thêm rất cần cho các em, nhằm để giảng giải những bài học mà các em chưa kịp hiểu được bằng tiếng kinh trong lớp của mình. Các nữ tu đã mở những lớp học bồi dưỡng tiếng kinh cho các em ở các cấp chẳng hạn. Các lớp học này rất là ích lợi cho các em về nhiều mặt: ví dụ như các em đi học buổi chiều thì buổi sáng các em tới nhà của các nữ tu đang ở, các nữ tu sẽ lo cho các em bài học của buổi chiều, hay giải nghĩa lại cho các em những bài các em đã học trong những ngày trước để các em hiểu bài hơn. Những em đi học buổi sáng thì buổi trưa cũng về nhà các nữ tu, họ cho các em ăn. Rồi buổi chiều các nữ tu cũng dạy cho các em những bài học mà các em đã học buổi sáng.
Nhưng quan trong hơn hết là các nữ tu đã dạy cho các em đọc chuẩn tiếng kinh, nhờ vậy mà trong nhà thờ có những người dân tộc đọc sách Thánh bằng tiếng kinh còn hay hơn cả người kinh nữa. Các em cũng rất hảnh diện vì mình biết tiếng kinh, các em luôn sẵn lòng làm thông dịch cho những người trong làng của mình mỗi khi có y, bác sĩ về làng để khám bệnh cho dân làng, hay đi tới bệnh viện để làm thông ngôn cho cha mẹ, vì cha mẹ của các em không rành tiếng kinh bằng con mình.
Nếu chúng ta thương người dân tộc thật sự, nhất là phía Giáo Hội, Giáo Phận, hoặc những người làm việc cho Giáo Phận, mà trong Giáo Phận đó có nhiều sắc tộc khác nhau, thì không những chúng ta cần phải học để biết được tiếng dân tộc nơi các sắc tộc mình đang sống, mà các Linh Mục, các nữ tu còn phải biết ít nhiều một số thứ tiếng của người dân tộc nơi mình đang ở là rất cần thiết. Nhưng cần thiết và quan trọng hơn nữa là nếu các linh mục, các nữ tu có lòng thương anh em dân tộc thì nên tìm mọi cách để giúp đở, tạo mọi điều kiện cho người dân tộc được biết tiếng kinh, nhất là các em học sinh dân tộc từ mẫu giáo cho đến cấp 1, các em phải hiểu tiếng kinh, một khi đã hiểu tiếng kinh rồi, thì các em học và hiểu bài rất nhanh. Đã có những em học sinh dân tộc học rất giỏi vì các em giỏi tiếng kinh.
Có một điều quan trọng chúng ta cần lưu ý là chúng ta đừng để người dân tộc mất gốc. Bởi vì các dân tộc thuộc các sắc tộc ở những miền xa xôi họ có các mặt đạo đức tự nhiên rất là tốt. Họ ăn ngay nói thật, sống đơn giản, không trộm cắp, không ăn xin...
Tôi nhận thấy cách sống của một số người kinh đã làm gương xấu cho các anh em người dân tộc. Những người già có tuổi họ rất sợ người kinh tới sống ở gần làng của họ. Tại sao? Tại vì họ bị mất chó hết trơn. Người dân tộc ít khi nào đi lấy chuối hay các thứ trái cây của người khác. Người dân tộc thường trồng chuối ở bờ suối, có thể ông A trồng bụi chuối của mình gần bụi chuối của ông B, nhưng của ai trồng thì người đó ăn chứ không lấy của người khác. Người kinh thì trái lại... tới ngày kỵ ngày giỗ, cần chuối để bán thì ban đêm rọi đèn pin đi ra rẫy... thấy cây chuối nào cũng chặt, thấy cái gì cũng lấy... Thế thì nhất định mình phải giữ cho được những điều tốt đẹp trong lòng người dân tộc. Tôi thiết nghĩ Giáo Hội có vai trò quan trọng và trách nhiệm lớn trong việc này. Vì thế cho dù với thứ ngôn ngữ của bất cứ sắc tộc nào, thì chúng ta cũng nên cố gắng gìn giữ và ghi chép giúp cho họ, như những ca dao tục ngữ, những câu chuyện cổ tích của sắc tộc họ, những văn hóa phi vật thể...v.v...
Như văn hóa Cồng Chiêng chẳng hạn, là điều mà ta phải và nên khơi dậy. Vì đó chính là di sản của nhân loại, chúng ta phải giữ lại nơi người dân tộc và cho người dân tộc. Như ngôn ngữ chẳng hạn, những bài học giáo lý, những bản dịch Kinh Thánh này kia, kia nọ... ta phải làm cách nào đó cho mỗi bộ lạc, mỗi tiếng nói đều có một bản Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của họ, để từ đó họ hiểu lời Chúa nhiều hơn nữa, bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình. Vậy chúng ta phải cố gắng gìn giữ những điều tốt đẹp nơi người dân tộc. Lẽ dĩ nhiên cũng có những điều không tốt ở nơi họ và chúng ta cần khuyên họ, nhắn nhủ với họ. Chẳng hạn như thói quen uống rượu. Người nào cũng uống rượu... cũng có thể vì họ ở vùng sâu vùng xa bị sốt rét lạnh quá, mà họ không có thuốc uống nên họ uống rượu cho ấm... nhưng chúng ta phải giải thích cho họ biết uống rượu thì rất là tai hại. Cho nên chúng ta vừa phải tìm mọi cách để gìn giữ những nét đẹp trong đời sống văn hóa của họ, đồng thời chúng ta cũng cố gắng khuyên bảo và giúp họ bỏ đi những hủ tục, những điều mê tín dị đoan trong đời sống thường ngày của họ, vì đó không phải là những niềm tin chân chính.
Tôi lấy một ví dụ:
Như thời Đức Cha Phaolồ Kim, Ngài có một cuốn phim nói về công cuộc truyền giáo ở Tây Nguyên, trong cuốn phim đó có một đoạn diễn về cảnh lễ đâm trâu của người dân tộc. Khi qua bên Châu Âu chiếu phim này thì người ta phản đối đoạn có cảnh Lễ đâm trâu, vì thế mà Ngài đã phải cắt bỏ đoạn đó trong phim. Ngài nói rằng:
- Lễ Đâm Trâu bị người ta phản đối và Ngài thấy cũng có lý, bởi vì chúng ta sống trong xã hội Á Đông, đa số theo Phật Giáo, mà phật giáo thì không có sát sinh. Chúng ta tổ chức lễ Đâm Trâu như vậy là chạm đến niềm tin của anh em trong tôn giáo bạn.
Những nét đẹp văn hóa về đời sống của người dân tộc trong nước Việt Nam, chúng ta không thể để cho họ bị mất gốc. Anh em người kinh mình có những điều gì hay, tốt đẹp. thì chúng ta cũng nên đem đến cho người dân tộc. Những người Kitô giáo chúng ta có Tin Mừng, có Chúa Giêsu thì chúng ta phải đem văn hóa Tình Thương của Chúa Giêsu đến cho anh em dân tộc.
Ca dao Việt Nam có câu:
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối cha dối mẹ...qua cầu gió bay
Ngày đó tôi cũng nghe, cũng hát... nhưng nếu khi về nhà mà dối cha, dối mẹ thì đó là một nét văn hóa cần phải xét lại. Vì tôi muốn nói đến Văn Hóa Chúa Giêsu, là nền văn hóa cho tất cả thế giới này. Chúa Giêsu Ngài bảo:" Yêu nhau là rửa chân cho nhau. Thầy là Thầy mà Thầy còn rửa chân cho anh em, thì anh em hãy rửa chân cho nhau". Bởi thế những gì hay, đẹp, phù hợp với chân lý, phù hợp với lẽ phải thì chúng ta phải phổ biến cho mọi người, trong đó có anh em dân tộc thiểu số của chúng ta.
Tôi thường hay nói với anh em người dân tộc:
“Chúng ta là người dân tộc nghèo, chúng ta phải thương yêu nhau trước, trước khi chờ đợi người khác thương yêu mình. Chúng ta phải giúp nhau trước, trước khi chờ người khác giúp mình”.

... CÒN TIẾP ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét