NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ
6 .
GiÁO PHẬN KONTUM
VÀ NGƯỜI PHUNG CÙI
VÀ NGƯỜI PHUNG CÙI
Đức Giám Mục Kontum: Micae Hoàng Đức Oanh đã có lần nói:
- Giáo Phận Kontum chúng ta là Giáo Phận có bệnh nhân phong nhiều nhất trong các Giáo Phận ở Việt Nam, mà cũng có thể là nhiều nhất trong các Giáo Phận trên cả thế giới.
Bởi vì chúng tôi là Linh Mục, nhất là các nữ tu, chúng tôi đã chăm sóc lo lắng cho khoảng từ 3.000 đến 5.000 người cùi. Lẽ dĩ nhiên kể luôn số người trong gia đình của họ, là con cái họ. Đa số các bệnh nhân phong đã được chữa lành, bởi vì có rất nhiều trung tâm da liễu ở các tỉnh thành, các tỉnh miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên. Thường thì bệnh nhân phong được tập trung đưa về trại phong Qui Hòa, còn có tên gọi là Khu Điều Trị Bệnh Phong Qui Hòa để họ được chữa trị và chữa trị miễn phí. Được có cơm ăn áo mặc, được cấp tiền lộ phí về làng của mình sau khi đã lành bệnh. Nhưng thực tế thì cũng không đủ đâu vào đâu.
Có một số người cùi giấu bệnh của mình, họ không chịu đi bệnh viện vì sợ rằng bệnh cùi của mình không được chữa lành, bị cắt tay hay bị cưa chân... họ sợ rằng sau khi chết họ sẽ qua thế giới bên kia mà không có tay để làm việc, không có chân để đi. Rồi họ còn sợ rằng đi chữa bệnh thì con cái của mình ở nhà không ai nuôi, bò của mình không ai giữ, nên họ từ chối không đi. Phải thuyết phục dữ lắm thì họ mới chịu đi. Các nữ tu là những người thuyết phục họ rất giỏi.
Một điều nữa là chúng tôi luôn phát hiện bệnh nhân mới, mặc dù trên nguyên tắc như đã tuyên bố là không còn bệnh nhân phong nữa! Nhưng Bệnh cùi luôn ủ bệnh trên dưới 10 năm nên chi khi phát hiện ra bệnh thì thường là quá trễ.
Kể từ thập niên 1930 của thế kỷ XX thì Giáo Phận Kontum đã thành lập một trại phong ở cách thành phố Kontum bây giờ khoảng 6 cây số. Các bệnh nhân hầu hết là người thuộc các sắc tộc thiểu số không có tôn giáo.
Năm 1975 nhà nước quản lý tất cả các trại phong trong nước, trong đó có trại phong Đakkia. Nếu người dân tộc bị phát hiện mắc bệnh cùi - đôi khi chỉ là bệnh da liễu mà thôi - thì người bệnh đó bị đuổi ra khỏi làng của mình, phải ở cách xa làng mình khoảng 3 đến 5 cây số, đôi khi là 7, 8 cây số. Để làm gì? Để cho người nhà của người bị bệnh có thể tiếp tế lương thực cho họ. Nhưng có những gia đình người dân tộc rất nghèo nên việc tiếp tế lương thực cho người nhà bị bệnh cũng không dễ, vì thế người bệnh cùi bị đói là rất nhiều.
Thường thì người ta tập trung lại từ 5 đến 10 gia đình ở với nhau trong một góc rừng nào đó. Người thân che cho họ một cái chòi để họ ở và nơi đó được gọi là làng Phung. Đã có rất nhiều làng Phung như thế ở tỉnh Gia Lai và tỉnh Kontum.
Nhà Nước thì muốn tập trung nhiều làng như vậy rồi lập thành một làng lớn. Để làm gì? Để được những tổ chức từ thiện quốc tế xây cho mỗi gia đình một căn nhà, và nơi đó cũng có trường học, có trạm xá, có nước sạch, có điện để cho dân trong làng cùi cũng được hưởng những phương tiện của đời sống văn minh của bây giờ. Nhưng mà khi có đông người ở thì nó lại nẩy sinh ra một vấn đề khác nữa: ấy là không có đủ đất đai để trồng trọt, không có đủ chỗ để họ nuôi con bò, con dê... cho nên họ thường trở về nơi ở cũ của mình để canh tác, con cái của họ thì ở lại trong làng do nhà nước tổ chức để được đi học. Nhưng vì không biết giữ vệ sinh cho nên các vết thương - hay còn gọi là lỗ đáo - ngày càng trở nên nặng hơn.
Ngoài bệnh cùi thì người cùi cũng có nhiều bệnh khác như mọi người. Người cùi thì cũng thường sinh nhiều con. Công việc lo cho con cái của họ khỏi bị lây nhiễm bệnh phong của cha mẹ cũng là một cố gắng rất lớn của Giáo Hội. Phải tìm cách cho con cái họ được cách ly và được đi học cũng là một điều vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự cố gắng của nhiều người có lòng hảo tâm.
Các nữ tu trong Giáo Phận là những người làm công việc này rất tốt. Cũng có những em là con cái của những người phong cùi được học tới Đại Học, có người trở thành Bác Sĩ.
Chúng tôi cũng tổ chức làm giày dép cho người cùi, vì họ phải có dép thì mới đi lại được, nhưng mà họ không thể mua dép ngoài phố chợ như chúng ta, bởi vì bàn chân của họ đã trở nên dị dạng, vậy nên phải đo cho họ từng bàn chân, rồi làm từng chiếc dép, một đôi dép có đến hai kích cở to nhỏ khác nhau tùy theo bàn chân của họ, và họ mang dép rất mau hư.
Một lần nọ tôi gặp mấy người cùi, họ xin thêm dép. Tôi nói:
- Mới làm dép đi có hai tháng thôi mà, tại sao lại mau hư như vậy?
Thì có một bà già nói với tôi:
-Tôi đâu có muốn nó hư đâu, tại nó hư chớ tôi đâu muốn. Cha có 2, 3 đôi dép, Cha luôn đi bằng xe thì làm sao mà dép của Cha mau hư được chớ. Tụi tôi đâu có xe mà đi, tụi tôi đi bộ mà... tôi muốn nó không hư nhưng mà nó vẫn hư.
Từ đó tôi mới hiểu là với đôi bàn chân dị dạng, khi đi thì khập khiểng không được cân bằng nên dép rất mau hư. Tôi chỉ hiểu được điều này khi nghe họ nói. Họ rất muốn giữ đôi dép của mình đừng hư, nhưng rồi nó vẫn hư. Nhà nước cung cấp dép không kịp cho họ mang, mà không có dép thì họ không thể đi lao động được. Chúng tôi đã tổ chức quyên góp để làm thật nhiều dép cung cấp cho họ.
Tôi được biết các trại phong ở Việt Nam hầu hết là do Giáo Gội thành lập. Ở phía Bắc thì tôi không được biết nhiều, nhưng tôi biết trại cùi Qủa Cảm ở Bắc Ninh, trại cùi Vân Môn ở Thái Bình, chắc chắn là do Giáo Hội lập nên, còn những trại cùi khác thì tôi không được rõ. Nhưng những trại cùi ở phía Nam thì hầu hết là do Giáo Hội thành lập. Như trại cùi Qui Hòa ở Qui Nhơn, trại cùi Dakkia ở Kontum, trại cùi Núi Sạn ở Nha Trang, trại cùi Di Linh ở Lâm Đồng, trại cùi Bến Sắn ở Bình Dương, rồi có thêm những trại cùi khác như là trại Phước Tân, Bình Minh, Thanh Bình, Cù Lao Giêng. Đây là những trại cùi mà tôi biết một cách chắc chắn là của Giáo Hội thành lập.
Đến năm 1975 thì nhà nước quản lý tất cả. Nhưng điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Giáo Hội đã đóng góp rất nhiều trong công tác Từ Thiện Xã Hội và Bác Aí Xã Hội, đặc biệt là cho bệnh nhân phung cùi.
Giáo Phận Kontum gồm hai tỉnh Gia Lai và Kontum.
1. Tỉnh Gia Lai là một tỉnh rộng lớn nhất nhì ở Việt Nam - với diện tích hơn 15.500 km2.
2. Tỉnh Kontum cũng rộng, nhưng không tới 10.000 km2.
Chỉ riêng huyện Sa Thầy (thuộc tỉnh Kontum) thì diện tích còn lớn hơn tỉnh Thái Bình. Hai tỉnh này có rất nhiều làng Phung, các làng này đã được các Linh Mục và các nữ tu tìm đến để giúp đỡ, chăm sóc cho họ, mặc dù cũng còn gặp nhiều khó khăn về phía chính quyền.
Gia Lai có Làng Tang, làng Tar, làng Bluk Blui, làng Ngó, làng Kon Thụt, làng Kon Chiêng, làng Hồ Long, làng Phung - Nhơn Hòa và còn nhiều nữa...
Kontum thì có: trại phong Dakkia,làng Dak Lung, làng Dak Ring, làng Kon Kơlóc và còn nhiều làng khác nữa... Nói tóm lại là huyện nào cũng có và những làng Phung cùi thì ở khắp nơi.
Tôi rất khâm phục những nữ tu của các Dòng tu. Nơi nào có người Cùi thì các nữ tu đều tìm mọi cách để có mặt. Không phải chỉ đem đến cho họ một viên thuốc, một gói mì, một lon gạo, một con cá khô... mà thôi, nhưng sự hiện diện của Tình Thương từ nơi các nữ tu qua những cử chỉ chăm sóc vết thương cho họ là một niềm an ủi rất lớn đối với những người mang bệnh cùi. Có những bệnh nhân không chịu vào trại phong Qui Hòa ở Qui Nhơn, nên các nữ tu đã tìm đủ mọi cách, dùng mọi lời giải thích nhằm thuyết phục họ để đưa họ đi. Các nữ tu còn phải luôn theo dõi, tìm những bệnh nhân mới rồi báo cáo cho các nhân viên Da Liễu để những nhân viên này cấp giấy cho họ được đi chữa trị sớm nhất chừng nào có thể.
Người ta có thể cho mà không thương, nhưng người ta không thể thương mà không cho. Một điều rất đáng trân trọng là: Các nữ tu đã vì tình thương yêu của mình mà dấn thân đến với những người mang bệnh phong cùi.
Một vị bác sĩ nọ ở khu điều trị Phong - Qui Nhơn - có nhiệm vụ lo cho các bệnh nhân Phong ở Miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên. Ông đã nói:
- Nhờ nhà thờ mà các bệnh nhân phong ở các tỉnh Tây Nguyên có một đời sống vật chất khá tốt và một đời sống tình thần hạnh phúc.
Bệnh Phong bây giờ có thể chữa lành được, và nếu được chữa lành sớm chừng nào thì tốt chừng đó, nếu để trễ thì họ có thể bị tàn phế. Nhưng thường thì người dân tộc ít hiểu biết và có người ở những vùng xa xôi tận trong rừng sâu, nên khi đến được trại phong để điều trị thì quá trễ. Nguyên tắc thì Nhà Nước chữa trị bệnh nhân phong hoàn toàn miễn phí, từ thuốc men cho đến cơm ăn áo mặc, kể cả lộ phí để về làng cũng được nhà nước cung cấp. Người bệnh phong khi lành rồi họ vẫn được tiếp tục giúp đỡ, những người tàn phế ít thì họ còn có thể lao động được, nhất là nuôi con bò, con heo, con dê, con gà... Và chúng tôi phải cố gắng hết sức để cho họ một con bò, cho họ ít vốn nuôi một con heo, con dê, hay là nuôi ít con gà... Một phần là để cho họ được lao động, được thấy kết quả từ mồ hôi nước mắt của họ, phần khác nữa là họ cũng sẽ lấy làm tự hào về công sức lao động của mình.
* Sự phân biệt và kỳ thị đối với các bệnh nhân phong cùi đã đem đến cho họ nhiều mặc cảm.
Những bệnh nhân bị tàn phế nhiều thì cần phải giúp đỡ họ nhiều hơn. Nhưng có một điều mà chúng tôi cảm thấy rất khó khăn là làm thế nào để họ khỏi bị phân biệt, bị kỳ thị sau khi đã lành bệnh. Khi họ bệnh thì bị đưa ra khỏi làng, nhưng khi họ đã lành bệnh rồi, dù được bác sĩ cấp giấy chứng nhận đàng hoàng thì họ vẫn không được hòa nhập lại một cách bình thường trong làng của mình, chỉ vì họ bị tàn phế. Tội nghiệp nhất là người phung cùi thường sinh nhiều con, và con cái của họ cũng như con cái của mọi người, cũng thường đau ốm. Thế nên những người cùi tay chân bị cụt mà đưa con tới bệnh viện thì luôn luôn cảm thấy mình bị kỳ thị. Ngay cả những người phung cùi đã lành rồi, thì họ cũng bị bệnh nhiều hơn những người bình thường vì sức đề kháng của họ kém, và khi bị bệnh như vậy mà đến bệnh viện thì họ cũng rất ngại vì mặc cảm bị kỳ thị. Nhiều khi chúng tôi phải bằng cách nào đó như là phối hợp với các Y, Bác Sĩ tổ chức những chuyến khám bệnh thông thường như nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm... thì chúng tôi mới có thể tìm đến nhà hoặc làng của họ để đem thuốc tới cho họ.
* Tình thương đối với người cùi rất là quan trọng. Họ ao ước một khi họ đã lành bệnh thì họ cũng được cư xử như mọi người.
Có lần một nữ tu ở trại phong Qui Hòa là sơ Huyền đã cùng tôi tổ chức đưa hơn 100 người cùi đi du lịch. Họ ao ước được đi La Vang, mặc dù trong số hơn 100 người đó có khá nhiều người không phải là Công Giáo. Tôi là người hướng dẫn họ đi.
Trước khi chúng tôi đi, Bác sĩ cấp giấy chứng nhận cho những người cùi là họ hội đủ điều kiện: mạnh khỏe, không có vi trùng nữa (nghĩa là không có vết thương) để họ đi du lịch. Chúng tôi đi 2 xe, mỗi xe hơn 50 người. Những người bị cụt tay khi đi qua những trạm thu lệ phí, họ trình giấy giới thiệu họ là người của trại phong, họ kẹp một cái kẹp vào tờ giấy rồi cột nó trong cái tay cụt của mình để đưa cho những nhân viên canh gác trạm thu phí và họ được miễn phí.
Thế nhưng họ vẫn bị kỳ thị.
Tôi đã thấy rất rõ điều kỳ thị đó, như khi chúng tôi dừng lại một nơi: đó là xứ đạo ở Quảng Nam để cho những người phong cùi nghỉ ngơi một chút, có chỗ đi vệ sinh, uống nước... nhưng khi những người phong cùi xuống xe: kẻ thì đi khập khiễng, người thì dìu nhau... thì những người tiếp chúng tôi có vẻ sợ. Họ cho chúng tôi uống nước nhưng không đưa ly. May mà vì người cùi biết thân phận của mình nên họ đã đem theo cái ca hay cái ly để uống nước.
Chúng tôi đi tới Huế, ai cũng vui khi nhìn thấy thành phố xinh đẹp này, nhất là khi đi qua sông Hương thì tất cả mọi người đều trầm trồ, khen ngợi...Rồi chúng tôi ra tới La Vang. Chúng tôi vô gặp Cha sở La Vang, Ngài cho 100 người chúng tôi được nghỉ lại một bên hiên của nhà thờ. Chúng tôi có đem theo chiếu... những người đã nằm sẵn ở đó thấy chúng tôi trải chiếu ra, rồi thấy những người cùi đi lếch thếch hay bò lết thì họ sợ và rồi họ bỏ đi chỗ khác...
Có một điều vui nữa là: có một bồn nước cho mọi người xài chung với nhau, khi thấy những người cùi ra lấy nước để rửa mặt mủi tay chân... thì người ta bỏ đi chỗ khác hết. Vậy là chúng tôi có nguyên một bồn nước, trời ơi ! Thật là thoải mái nhưng đồng thời chúng tôi cũng cảm thấy trong lòng rất ngậm ngùi, buồn tủi vì mặc cảm là mình luôn bị kỳ thị.
Cha sở cho tôi biết ngày mai lúc 5 giờ sáng có lễ chung cho mọi người. Nhưng thật đáng buồn khi hình như có ý kiến nào đó của ai đó. Thành ra tối hôm đó Cha sở La Vang nói với tôi là:
- Cha có thể làm lễ cho người phung cùi lúc 4 giờ, và 5 giờ thì làm lễ chung cho cộng đoàn.
Hôm sau 4 giờ chúng tôi dâng Thánh lễ. Chúng tôi cũng đọc kinh, hát kinh. Mọi người đểu vào nhà thờ. Tôi thấy mấy người nằm phía bên kia hè nhà thờ, họ nghe tiếng đọc kinh, tiếng hát bèn vào trong nhà thờ dự lễ với chúng tôi. Tôi cảm thấy vui vì ít nhất là người cùi cũng phần nào được an ủi. Thế nhưng tới khi tôi đọc Tin Mừng thì những người đó họ thấy người ngồi bên cạnh mình bị cụt tay cụt chân, họ cũng sợ nên bỏ ra ngoài hết.
Sau lễ đoàn phung cùi của chúng tôi lên đài viếng Đức Mẹ. Có người phải được dìu lên, có người phải cõng người khác lên, rồi có người phải lum khum bò lên mấy bậc cấp. Những người khác thấy chúng tôi như vậy thì họ lần lược rút lui, nên chỉ có chúng tôi ở trên đài Đức Mẹ.
Chúng tôi cảm thấy thật là buồn vì ngay những nơi đạo đức nhất mà chúng tôi cũng bị kỳ thị.
Nhân đây tôi cũng xin được chia sẻ một câu chuyện thật là cảm động: Tôi có quen biết rất thân với một nữ thi sĩ tên là Hàn Lệ Thu, người Bình Định. Bà là một thiếu nữ xinh đẹp và chơi đàn Violon rất hay. Khi mới vừa 18, 19 tuổi; là lứa tuổi đẹp nhất của người con gái thì bà phát hiện mình bị mắc bệnh cùi, bà vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Bà tâm sự:
- Nhờ con được biết Chúa mà con cảm thấy niềm vui trong cuộc sống người cùi của con. Khi tay con không còn bấm được phím Violon để chơi đàn nữa thì con buồn vô cùng.
Nhưng thật là may mắn vì trong lúc buồn rầu này thì có Cha Alix dòng Phanxicô ở trại phong Núi Sạn - Nha Trang dạy cho bà biết Chúa và bà đã tin Chúa. Cuộc sống của bà tuy mang thân phận người cùi nhưng bà vẫn vui. Bà không đi La Vang được vì bà bị đau tim, nên bà gởi bài thơ mình làm cho một người quen thân của bà tên là Thái, nhờ người này đọc trước đài Đức Mẹ La Vang.
Khi chúng tôi lên tới đài Đức Mẹ La Vang, cô Thái lấy bài thơ ra đọc, bài thơ có tựa đề: " Con không đi được Mẹ ơi". Nhưng chỉ đọc có một hai câu, vì quá xúc động nên cô đã khóc nức nở mà không đọc tiếp được. Cô Thái đưa bài thơ của bà Hàn Lệ Thu cho một ông đứng bên cạnh mình, nhưng ông này cũng chỉ mới đọc được 2 câu thì khóc và không thể đọc tiếp. Cuối cùng thì ông đưa cho sơ Huyền. Tôi thấy sơ Huyền cầm bài thơ, nhìn một lúc và xếp lại rồi bỏ vào trong túi áo mà không đọc. Tôi hỏi sơ:
-Sao sơ không đọc bài thơ của thi sĩ Hàn Lệ Thu trước đài Đức Mẹ La Vang mà bỏ vô túi áo?
Sơ trả lời:
- Nếu con đọc thì con cũng khóc, nên con không đọc. Con chỉ cầu nguyện cho bà ấy mà thôi.
Nghe sơ Huyền trả lời như thế, tôi bùi ngùi chạnh lòng đến xót xa và cũng nghẹn ngào muốn khóc...
Sau này thi sĩ Hàn Lệ Thu có gởi tặng tôi một số bài thơ của bà, trong đó có bài: "Con không đi được Mẹ ơi". Tôi xin ghi lại vào đây để nhớ đến một nữ sĩ tài hoa nhưng có số phận không may mắn vì mang bệnh phong cùi.
CON KHÔNG ĐI ĐƯỢC MẸ ƠI
Kính gởi Mẹ La Vang
Thưa Mẹ!
Con tàn tật không về thă;m mẹ được
Em con đây (Têrêsa) thay thế chị thân yêu
Kính dâng lên hiền Mẫu chuỗi Kinh chiều
Con hiệp ý nơi này xin ơn phước
Trong thinh lặng... con thì thầm mơ ước
Một ngày gần, núp áo Mẹ thương che
Bao đau thương tội lỗi chốn u mê
Nhờ áo Mẹ tẩy con nên trong sáng
Xin Mẹ nhận chuyến hành hương trọn vẹn:
Những tâm hồn khao khát, những hy sinh
Những ước mơ hạnh phúc mỗi gia đình
Mẹ thấu hiểu! Xin ban tròn như ý
(Con hư của Mẹ: Clara)
Nhà dưỡng lão Quy Hòa
3 giờ sáng ngày 15/6/1999
Rời La Vang chúng tôi đi thăm Dòng Thiên An. Khi gặp các thầy Dòng chúng tôi cảm thấy được an ủi hết sức. Các thầy Dòng tiếp đón chúng tôi vô cùng tử tế: các thầy đem ly, đem nước cho chúng tôi uống, đem thức ăn cho chúng tôi ăn. Đoàn chúng tôi đi vào Dòng Thiên An vui thật là vui, được đi thăm nhà thờ, thăm các cơ sở trong nhà Dòng... được đối xử một cách ân cần thân thiện nên mọi người cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng vì có được niềm an ủi.
Sau đó thì chúng tôi đi thăm lăng Khải Định. Đoàn chúng tôi có tất cả hơn 100 người, vì là phong cùi nên chúng tôi cũng ao ước xin được miễn phí để vào thăm lăng, nhưng ban tổ chức không chịu. Cuối cùng thì họ đồng ý chỉ bán 50% vé, ấy là mua cho 50 người. Người đại diện phong cùi xin:
- Cho chúng tôi được vào thăm lăng, nhưng chỉ mua chừng 10 vé thôi vì chúng tôi là phong cùi mà, không có nhiều tiền. Chúng tôi ao ước vào thăm lăng vua vì đây là lần đầu tiên chúng tôi được đến đất Thần Kinh.
Dù chúng tôi có năn nỉ cỡ nào đi nữa thì họ vẫn không chịu. Cuối cùng bổng có một người nói to:
- Không có vé cũng cứ lên luôn!
Khi nghe nói như vậy họ cứ thế mà lọt thọt đi lên, người thì bò, người thì lết, người thì dìu nhau... Những người soát vé lui ra hết và thế là chúng tôi đi vào lăng Khải Định. Vì không có người làm "hướng dẫn viên du lịch" nên tôi xung phong làm người hướng dẫn. Tôi giải thích cho họ biết về triều Nguyễn nhà vua như thế này, như thế kia... đang thao thao bất tuyệt ngon lành như vậy thì "đùng một cái" điện cúp cái rụp...làm chung quanh tối thui tối mò luôn. Chúng tôi không hiểu tại sao thì bỗng nhiên có mấy người trong nhóm nói lớn:
- Mở điện cho chúng tôi xem, nếu không mở điện chúng tôi phá hết cho bây giờ.
Ấy thế là nháo nhào lên và điện được mở lại. Tôi tiếp tục giải thích cho họ nghe... sau đó thì chúng tôi ra về. Không ai hỏi gì chúng tôi nhưng ai cũng nhìn chúng tôi bằng cặp mắt không mấy thiện cảm.
Trên đường về, chúng tôi cảm thấy rất buồn và lòng đầy ngậm ngùi cay đắng.
Trưa hôm đó chúng tôi ăn cơm trong một nhà thờ ở Bình Định, đó là nhà thờ Phù Mỹ quê của tôi. Tôi đã gọi điện thoại trước cho Cha sở, kể với Cha là chúng tôi đã đi như thế... như kia... ,chúng tôi đã có niềm vui và nỗi buồn như thế nào... Tôi tha thiết xin Cha sở Phú Mỹ là Cha Anrê Đinh Duy Toàn:
- Hãy cho chúng tôi được vui vẻ trước khi chúng tôi về lại trại phong Qui Hòa ở Qui Nhơn, cho chúng tôi ăn một bữa cơm trưa và xin Cha hiểu cho rằng chúng tôi được giấy của bác sĩ cho đi du lịch. Những người này được lành bệnh rồi, họ chỉ bị tàn phế một phần cơ thể mà thôi.
Chúng tôi được tiếp đón ân cần, được ăn uống vui vẻ, các giáo dân ở Phù Mỹ cùng ăn chung với những người phong cùi, rồi hát cho nhau nghe và còn làm thơ tặng cho nhau nữa. Điều này làm cho chúng tôi cảm thấy ấm áp trong lòng.
Tôi muốn nói lên một điều:
Người cùi không những cần đến sự chia sẻ về vật chất của chúng ta mà người cùi rất cần chúng ta chia sẻ tình thương của chúng ta cho họ.
* Người ta có thể cho mà không thương.
Đã có rất nhiều người cho người cùi nhưng mà không thương.
Vì đức tin của chúng ta là đức tin của người Kitô hữu, thì việc trước tiên chúng ta làm không phải là cho, mà phải là thương, thương thật lòng.
* Người ta không thể thương mà không cho
Vậy thì điều chúng ta lo cho người cùi bây giờ là: lo cho họ đi chữa bệnh, những người vừa mới phát hiện bị bệnh cùi, những người bị tàn phế chân, tay sau khi đã được chữa lành bệnh. Thì xin mỗi người trong chúng ta hãy thương để rồi nhất định rằng: Người ta không thể thương mà không cho. Chúng ta hãy biết thương yêu người cùi. Đây chính là điều mà tôi luôn thiết tha mời gọi những tấm lòng nhân ái.
Hãy cho với tấm lòng yêu thương rộng mở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét