NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ
5 .
BẢO VỆ SỰ SỐNG, CHỐNG PHÁ THAI
Hôm nay tôi muốn nói đến vấn đề Bảo Vệ Sự Sống, Chống Phá Thai.
Tại sao tôi chôn cất các thai nhi và tại sao tôi lại xây mộ cho các thai nhi?.
Thành thật mà nói thì trời ban cho mỗi người chúng ta đều có khả năng tự vệ, ai cũng phải lo bảo vệ sự sống của mình. Tôi được nghe kể câu chuyện về một người quen của Đức Cha Lộc, lúc đó Ngài đang chuẩn bị đi Sài Gòn để chữa bệnh, thế rồi người quen của Ngài hỏi đùa Ngài cho vui:
- Đã làm Đức Cha mà cũng sợ chết, cũng lo đi chữa bệnh nữa sao?.
Đức Cha trả lời:
- Ông coi thử có cái con gì mà không sợ chết? Con gián trong xó nhà ông có sợ chết không? Ông rượt, ông giết nó, nó cũng chạy đi trốn mà. Con muỗi trong mùng của ông nó cũng sợ chết, ông bắt nó, nó cũng bay vì nó muốn trốn khỏi sự chết. Ai mà không sợ chết? Tôi đây cũng sợ chết chứ.
Có lẽ là nói chơi cho vui nhưng điều chắc chắn là ai cũng phải lo bảo vệ sự sống của mình.
Tại sao tôi chôn cất các thai nhi?
Năm 1992 khi Gia Lai và Kontum còn là một tỉnh, các y tá Công Giáo cho tôi biết một sự thật rất đau lòng: những người có thai đứa con thứ ba thì họ thường lên bệnh viện tỉnh để giết bỏ đứa con trong bụng mình. Vì ở xa (tỉnh Gia Lai hồi đó rất rộng, diện tích có đến 25.000 km2) cho nên có những người khi tới được bệnh viện tỉnh thì thai nhi đã lớn rồi, dù vậy họ cũng cứ phá bỏ. Tôi còn nghe nói là người ta đã xúm nhau giành giật những thai nhi đó mang về... có thể là để nuôi heo, cũng có thể là để cho chó ăn... v.v... vì họ tin những nhau thai rất là bổ. Nghe rằng sau đó có người gặp những chuyện không may vì những việc họ đã làm. Từ đó không còn ai dám lấy các thai nhi về nữa cho nên bắt buộc họ phải bỏ trong những giỏ rác của bệnh viện, rồi đem đổ vào hầm rác. Cứ năm bữa nữa tháng thì họ đốt hầm rác một lần, đôi khi mùi thịt cháy từ trong hầm bay ra khét lẹt! Có những cháu bé rất dễ thương, người ta áy náy vì không biết phải làm sao nên thôi thì cũng đành phải bỏ vào hầm rác. Họ đã kể cho tôi nghe như vậy để thử xem tôi có ý kiến gì không?
Tôi nói với người ta:
- Nếu vậy thì hãy đem đến cho tôi.
Từ đó người ta bắt đầu đem các thai nhi lớn đã có hình hài đầy đủ đến cho tôi. Tôi thấy các thai nhi nó nằm như là đang ngũ vậy, trông thật là dễ thương, tôi cứ nghĩ là cháu đang ngũ và tôi muốn đánh thức nó dậy... nhưng thật sự thì nó đã chết rồi. Tôi cảm thấy đau lòng quá nên ứa nước mắt. Bắt đầu từ đó tôi đã mua những cái quách nhỏ bằng sành để đặt các cháu nằm trong đó, trước khi tẩm liệm chúng tôi cũng rửa ráy cho các cháu cẩn thận chu đáo, đàng hoàng, mặc dù lúc đó tôi cũng không biết phải chôn cất các cháu ở chỗ nào bây giờ?
Tôi thấy bên cạnh nghĩa trang của thành phố Pleiku có một triền đồi bỏ hoang, triền đồi đó Nhà Nước cấp cho bệnh viện để chôn cất những người chết ở bệnh viện mà không có thân nhân bên cạnh, bệnh viện sẽ chôn cất họ tại mảnh đất đó, có đề tên tuổi đàng hoàng, khi nào thân nhân tới nhận thì người ta sẽ đưa ra đó, chỉ chỗ cho họ. Các tù nhân chết ở trong tù cũng chôn tại đó. Vậy nên với các thai nhi, tôi cũng đem chôn tại đó luôn. Từ đó người ta truyền tai nhau rồi người ta đem tới cho tôi các thai nhi. Có khi là ban ngày, cũng có khi là ban đêm, và cho dù là ban đêm thì chúng tôi cũng đưa đi chôn cất.
Lúc đầu tôi nghĩ đó chỉ là một việc làm nhân đạo, vì nếu như mình có một đứa con hay một đứa cháu như vậy, thì mình cũng phải lo chôn cất tử tế. Cho nên tôi đã chôn cất các cháu như con cháu của mình vậy.
Có một lần tôi đề nghị với một dòng tu kia:
- Đất nhà mình rộng quá, mình có thể... Bởi vì trong nhà mình có 2 tới 3 ngàn cái chậu kiểng, cây cổ thụ bứng chỗ này chỗ kia đem về trồng rất đẹp, mình cũng có thể chừa ra một chỗ nho nhỏ để chôn cất các thai nhi nhỏ bé, nó chỉ chiếm một chút thôi, chỉ là một tất đất thôi mà!
Nhưng thật đáng buồn khi tôi nghe câu trả lời:
- Đó là vấn đề của xã hội chớ đâu phải là vấn đề của chúng tôi.
Tôi tức lên và nói:
- Vấn đề xã hội là sao mới được chứ? Để tôi giải thích cho mà biết vấn đề của xã hội là như thế này: Ví dụ người ta có con chó nó bị chết, người ta ném vào trong vườn của mình, mình sợ nó thối nhà của mình rồi thối lây lan ra cả chòm xóm nữa, nên mình đã làm một nghĩa cử đẹp là mình đem chôn nó để cho mình cũng như... xã hội khỏi bị thối. Đó là vấn đề xã hội vì nó chỉ là một con chó hay con heo bị chết mà thôi. Nhưng đây là con người bị chết mà, rõ ràng thì đây không phải là vấn đề xã hội mà chính là vấn đề của Tình Người .
Tôi luôn nghĩ đây là vấn đề nhân đạo, nhưng dần dà tôi nghĩ đó không chỉ là vấn đề nhân đạo mà thôi đâu. Chúng ta là những người có đức tin, vậy thì đây: Chôn cất các thai nhi chính là vấn đề của đức tin. Tại vì sao? Bởi vì Thiên Chúa tạo dựng nên con người. Bác sĩ Alexis Carel có viết một cuốn sách, tiếc là vì lâu quá nên tôi đã quên tên cuốn sách đó, nhưng tôi luôn nhớ câu: "Con người là một hữu thể không dò thấu được". Nhất định ta phải tin rằng con người do Chúa dựng nên, đó là tác phẩm của Chúa. Chính Chúa đã tạo dựng nên hình hài của ta qua chín tháng mười ngày ở trong bụng mẹ. Ví như cha mẹ mình có làm ra một tác phẩm nào đó mà bị người ta phá bỏ đi, thì mình là con cái, mình có bổn phận phải lo phục chế nó lại, rồi còn phải bảo vệ nó, gìn giữ nó mặc dù người ta phá hỏng nó.
Vì con người là tác phẩm của Thiên Chúa, nhưng một khi người ta phá bỏ đi tác phẩm của Chúa, giết chết nó, thì những người có đức tin như chúng ta phải xem đây là vấn đề của đức tin.
Tôi lại nghĩ đến một điều nữa là: khi chúng ta học giáo lý thì thân thể con người là đền thờ của Chúa Thánh Thần ngự trị; cho nên thân xác của thai nhi cũng là đền thờ của Đức Chúa Thánh Thần.
Chúa cũng cho chúng ta biết thân xác con người sẽ sống lại như Chúa đã sống lại. Các thai nhi cũng là con người và chắc chắn các em cũng sẽ sống lại. Nên việc chôn cất các thai nhi cũng là vấn đề của đức tin.
Có một lần đi họp về chủ đề:" Bảo Vệ Sự Sống" của cả 26 Giáo Phận. Nhưng hôm đó chỉ có 25 Giáo Phận dự họp mà thôi. Chúng tôi được nghe báo cáo rằng: Việt Nam bây giờ cứ 6 giây là có một thai nhi bị giết. Theo bản báo cáo chính thức thì trong cả nước mỗi năm có từ 2.500.000 đến 3.000.000 thai nhi bị giết, bị phá bỏ trong bụng mẹ, còn nếu kể các bản báo cáo bán chính thức thì cũng có thể lên đến 4.500.000 đến 5.000.000 thai nhi bị giết chết mỗi năm.
Có một vị đại diện phát biểu rằng:
- Chúng tôi cũng chôn cất các thai nhi, nhưng cha xứ của chúng tôi nói rằng " chôn cất thai nhi là tiếp tay cho bọn phá thai", nên chi Ngài cũng không đồng ý lắm, vì vậy Ngài cũng không giúp đỡ.
Vị đại biểu khác là phụ nữ, bà lên tiếng phê bình:
- Cha sở đó không biết giáo lý.
Tôi hỏi bà:
- Tại sao bà cho rằng Cha sở đó không biết giáo lý?
Bà ấy trả lời:
- Rõ ràng thương người có 14 mối: thương linh hồn 7 mối, thương xác 7 mối. Trong 7 mối thương xác đó có việc chôn xác kẻ chết. Các thai nhi là kẻ chết, chúng ta phải lo chôn cất cho các thai nhi. Hội Thánh dạy chúng ta phải chôn xác kẻ chết. Chúng ta hãy nhớ lại chuyện ông Tôbia đã chôn xác kẻ chết nên Chúa thương ông, Chúa sai Sứ Thần dẫn con ông ta đi đòi được nợ, chữa được bệnh mù mắt, rồi còn cưới được vợ nữa... Chúa thưởng cho người biết chôn xác kẻ chết là như vậy.
Năm 1992, tại Pleiku tôi bắt đầu công việc chôn cất các thai nhi. Cho tới bây giờ thì Nghĩa Trang Đồng Nhi Pleiku cũng được nhiều người biết đến. Sau một thời gian tôi làm công việc chôn cất các thai nhi thì các chùa ở Pleiku có cử ban trị sự của chùa đến gặp tôi và nói với tôi như thế này:
- Chúng tôi rất cảm phục công việc của Linh Mục làm, chúng tôi muốn cùng chung tay với Linh Mục lo chôn cất các thai nhi, tuy nhiên chúng tôi ngại bị người ta nói là "theo đóm ăn tàn".
Tôi trả lời:
- Thế thì tôi rất lấy làm vui mừng khi các chùa cùng làm với chúng tôi. Vì như vậy các chùa, với các tín đồ của các chùa cùng góp phần để chúng tôi có điều kiện, có tiền nhiều hơn để lo cho công việc chôn cất các thai nhi...
Sau đó chúng tôi đồng ý với nhau như thế này:
- Bây giờ chúng ta cùng nhau làm, vì là khác tôn giáo cho nên nghĩa trang đồng nhi của chúng ta không để một biểu tượng nào của tôn giáo.
Có một điều làm tôi rất cảm kích, ấy là cứ đến lễ Noen lại có nhiều người, kể cả bên chùa cũng lên làm hang đá ở Nghĩa Trang Đồng Nhi. Rồi đến những ngày rằm, ngày mồng một, đặc biệt là rằm tháng 7, ngày Trung Thu, ngày gần Tết thì các chùa và các Phật Tử đều lên cầu siêu ở nghĩa trang Đồng Nhi rất đông, họ khấn điều này, xin cái nọ... vì họ tin rằng vong linh của các thai nhi rất linh thiêng.
Từ năm 1992 đến năm 1995 chúng tôi chưa xây mộ cho các cháu. Rồi một hôm tôi đi chôn người chết là giáo dân của tôi, thường thì tôi đi bằng xe Honda lên trước vì xe tang đi chậm hơn. Tôi muốn dành thì giờ chờ đợi đó để thăm mộ các cháu.
Hôm đó tôi thấy có hai cái mộ mới nằm sát đường đi, mấy cây chân nhang cắm trên mộ còn mới, cỏ còn xanh, hai nấm mộ đó chôn có vẻ sơ sài,cẩu thả, tôi bèn sửa sang lại hai nấm mộ đó. Thường thì khi chôn, chúng tôi chôn đàng hoàng, đào sâu xuống đất. Còn nếu người ta đem đi chôn thì chôn rất cạn, tiện đâu thì họ đào lổ chôn đó, không có hàng lối gì cả. Tôi thấy trong lớp cỏ xanh có kiến bu, tôi vạch cỏ ra và thấy có một thai nhi nữa nhưng không được chôn, chỉ lấy cỏ phủ lên mà thôi, tôi đau lòng lắm. Sau khi chôn xác người lớn xong rồi, tôi nói với ca đoàn:
- Cha nhờ chúng con một chút, chúng con mượn cho Cha một cái cuốc.
Rồi chúng tôi cùng chôn cất cháu.
Vì thế nên tôi quyết định xây mộ cho các cháu.
Tôi đi gặp ông Tư Sang là người quản lý nghĩa địa thành phố, trình bày với ông ý muốn của tôi, ông đã đồng ý, nhưng tôi không biết là có bao nhiêu cái mộ. Ông Tư Sang nói rằng sẽ đếm và cắm cọc từng cái mộ để làm dấu cho tôi xây. Tôi đi gặp thợ hồ và nói ý của tôi, họ đến xem và tính mỗi mộ cần đến 24 viên gạch, xây cái nấm mộ như là cái bụng của mẹ, có một cái lổ để cắm nhang và quét vôi trắng, người ta cho tôi biết giá là 50.000 đồng một mộ.
Ngày Chúa Nhật tiếp theo tôi nói với giáo dân của tôi trong nhà thờ:
- Tôi sẽ xây mộ cho các em Đồng Nhi, nếu tôi có tiền thì tôi sẽ tự xây... nhưng tôi cũng chẳng biết có bao nhiêu ngôi mộ. Nếu tôi thiếu tiền thì tôi xin anh em giúp đỡ cho tôi để tôi có tiền xây mộ cho các cháu... cũng như mình xây mộ cho con mình vậy đó mà. Tôi sẽ gởi thư tới cho anh chị em.
Đó là năm 1995.
Vậy là ngày thứ hai chúng tôi bắt đầu công việc xây mộ cho các cháu, còn ông Tư Sang thì cũng bắt đầu cắm cọc trên những ngôi mộ nhỏ đó. Chỗ nào có cắm cọc thì chúng tôi được xây mộ, nhưng nhỏ nhỏ thôi: một bề là 1,2m, một bề là 8 tấc. Đến thứ tư mà ông cắm cũng chưa xong. Ngày thứ năm tôi lên nghĩa trang Đồng Nhi thì ông bảo:
- Thưa Cha tôi cắm xong hết rồi, có khoảng 840 mộ
Tôi tính chi phí xây một cái mộ là 50.000 đồng, vậy 840 mộ phải tốn hơn 40.000.000 đồng... như thế là ngoài khả năng của tôi. Tôi bèn nói với các cháu:" Cha sẽ viết thư thay cho các con để xin tiền xây cho các con mỗi đứa một nắm mộ như cái nhà của mình, bởi vì không lẽ tao xây cho đứa này cái nhà, còn đứa kia vì không có tiền mà tao bỏ không xây cho nó cái nhà sao đành. Chúng con hãy cầu nguyện cho Cha”.
Tuần nào vào tối thứ năm thì giáo xứ chúng tôi cũng có giờ Chầu Thánh Thể. Nhưng tối thứ năm đó, sau khi Chầu Thánh Thể xong thì bị cúp điện. Tôi phải thắp đèn dầu và viết thư dùm cho các cháu. Thư viết là:
Âm phủ không ngày, không tháng, không năm.
Kính gởi những người đang được quyền sống.
Kính gởi ông bà nội, ngoại, cô bác, cậu dì của con,
Kính gởi ba má mà chưa một lần con được thấy mặt.
Xin hãy thương con và cho con một nắm mồ.
Xin hãy thay ba con thương con,
Xin hãy thay má con thương con.
Ba ơi! Ba đừng chối bỏ con mãi mãi.
Má ơi! Má hãy thương con, dù chỉ một lần thôi thì con cũng được an ủi lắm vậy!
Xin cho con một nấm mồ và gởi về cho cha Đông, nhà thờ Đức An- Pleiku.
Tôi in rõ ngoài bì thư: Xây Mộ Đồng Nhi
Tôi nói với các em trong ca đoàn giáo xứ:
- Ai ở đường Đinh Tiên Hoàng, ai ở đường Hoàng Văn Thụ, đường Wừu, ai ở đường Quyết Tiến, đường Nguyễn An Ninh... Ai biết gia đình nào là người Công Giáo thì chúng con hãy đem thư này đến gởi cho nhà đó. Nếu có người ở nhà thì chúng con đưa tận tay, còn nếu không có người ở nhà thì chúng con đẩy thư này vào dưới cửa nhà họ, thế nào người ta cũng nhận được.
Một chuyện thật lạ lùng đối với tôi hồi đó là không chỉ có người Công Giáo mà có cả người ngoài Công Giáo nữa, đã gởi tiền cho tôi và tôi có trên 40 triệu để xây mộ cho các cháu. Điều này cũng làm cho tôi nghĩ về các cháu, tôi cảm thấy như các cháu đang sống ở bên tôi vậy.
Từ năm 1995 cho đến giờ thì chúng tôi đã xây được hơn 15.000 ngôi mộ. Cảm ơn Chúa vì đã có nhiều người góp phần xây mộ cho các cháu, những người chôn cất, xây mộ và chăm sóc mộ ở nghĩa trang đồng nhi là những người Phật Giáo: như bà cụ Tâm mà chúng tôi hay gọi là bà ngoại, hằng ngày bà tới ở đó để lau chùi mộ phần của các cháu và những người như: ông Phụng, ông Lễ hằng ngày vẫn túc trực ở đó, các ông đã gom, lượm xác các thai nhi, rồi đưa về chôn cất và xây mộ cho các cháu.
Câu chuyện nó là như vậy. Chôn cất hay xây mộ cho các thai nhi, tôi nghĩ đó không chỉ là vấn đề Nhân Đạo mà còn là vấn đề của Đức Tin nữa.
Chương trình Bảo Vệ Sự Sống không phải chỉ đi chôn cất thai nhi hay xây mộ cho các cháu, mà nó còn là một vấn đề khác quan trọng hơn nhiều, đó là phải bảo vệ các thai nhi đang còn trong bụng mẹ.
Một lần kia tôi đi làm lễ trong làng dân tộc, tôi không nhớ rõ là năm nào, tôi thấy có một thiếu nữ người dân tộc khoảng 16, 17 tuổi lên rước lễ. Nó choàng một cái khăn theo kiểu người dân tộc. Mặt mày nó tái mét, hai con mắt thì trắng bệt, nó nhìn tôi, tôi nói bằng tiếng Thượng: " Akâu bok Kritô" - Mình Thánh Chúa Kitô - Nó thưa Amen và cứ nhìn tôi. Tôi cho nó rước lễ và thấy trong nách nó, lộ ra ngoài cái khăn choàng là đứa con của nó. Đứa bé cũng nhìn tôi và tôi thú thật một điều là cái mặt của đứa bé như mặt con khỉ con vậy, nó xanh xao, trơ xương, mắt mở to đau đáu nhìn tôi không chớp. Tự nhiên tôi đâm ra nghĩ ngợi: "Tôi là Linh Mục, mẹ con em đó là giáo dân của tôi... chút nữa đây lễ xong rồi tôi sẽ nói với nó: Lễ xong chúc anh chị em về bình an. Ai về bình an? Tôi về bình an hay nó về bình an?".
Lễ xong tôi nhờ một nữ tu cùng đi với tôi dự lễ hôm đó, tôi bảo:
- Sơ hãy ra ngoài tìm một em bé như thế... như thế... ( tôi diễn tả con bé đó cho sơ).
Sau đó tôi được biết câu chuyện là như thế này:
Trong thời gian người ta làm đường dây điện cao thế 500kw đi qua gần làng đó, thì có anh chàng kia người kinh đã dụ dỗ nó rồi làm cho nó có thai. Nó có thai nhưng mẹ nó rất nghèo nên trong suốt 9 tháng 10 ngày thai nghén nó bị đói triền miên. Mẹ mang thai mà không đủ cái ăn thì nhất định là con bị suy dinh dưỡng rồi. Nay thì con nó gần 10 tháng tuổi. Nó nói rằng nó không có một giọt sữa nào gọi là sữa mẹ để cho con bú, đồng thời nó cũng không có tiền để mua cái gọi là sữa cho con nó uống. Nó chỉ nấu nước gạo cho con uống mà thôi!
Lẽ dĩ nhiên là chúng tôi cứu được người mẹ, cho ăn uống tử tế, còn đứa nhỏ thì chúng tôi cho uống sữa, lúc đó có sữa Dielac. Nhưng đau lòng là đứa con của nó không sống được, nó chết vì quá suy dinh dưỡng chỉ vì người mẹ quá nghèo, mang thai con mà không có gì để ăn...
Ngay ngày hôm đó tôi quyết định:
Chúng ta cần phải có một chương trình nào đó thiết thực để giúp đỡ cho các bà mẹ mang thai mà quá nghèo. Như thế mới gọi là Bảo Vệ Sự Sống.
Cho nên tôi lập ra một chương trình lấy tên là Bảo Vệ Sự Sống, cũng là để giúp đỡ các bà mẹ nghèo đang mang thai.
Nếu tôi nhớ không lầm thì lúc đó gạo có giá là 3.000 đồng 1 kilôgam. Tôi có ban Phát Triển Phụ Nữ, trong đó người kinh có, người dân tộc thiểu số cũng có, công việc của họ là phải để ý đến những người mẹ nghèo đang mang thai ở trong làng của họ. Làm thế nào để họ được lãnh mỗi ngày nữa ký gạo là 1.500 đồng, 1.500 đồng còn lại thì để mua rau, mắm cho họ ăn... Như vậy mỗi tháng tốn khoảng 100.000 đồng cho một người. Người mẹ mang thai mà được 5, 7 tháng ăn no thì đứa con ở trong bụng rất khỏe. Như thế Bảo Vệ Sự Sống là bảo vệ ngay các thai nhi từ khi còn ở trong bụng mẹ, nhất là những người mẹ nghèo. Vậy nên chương trình Bảo Vệ Sự Sống của tôi đã đem lợi ích đến cho rất nhiều người. Chúng tôi làm ruốc sả, trong ruốc sả có thịt heo, sả, tiêu, ớt... chủ yếu là làm sao cho được ngon miệng khi ăn. Chúng tôi làm thật nhiều ruốc sả, mua sả ở Pleiku không đủ nên chúng tôi phải lên tận Kontum để mua. Có năm chúng tôi mua tới 5.000 kg mắm để làm ruốc sả. Món ăn tuy đơn sơ đạm bạc nhưng mà rất quan trọng. Người dân tộc gọi món ruốc sả của chúng tôi làm là "ruốc cao cấp".
Việc vẫn không dừng lại tại đó, vì ngoài việc chúng tôi tìm cách cho người mẹ nghèo có đủ cái ăn để có sữa cho đứa con được bú mẹ, nhưng nếu như người mẹ không có đủ sữa thì chúng tôi còn phải cho người mẹ tiền để mua sữa cho đứa con bú.
Từ những suy nghĩ này đến những suy nghĩ khác, từ những việc phải làm này tới những việc phải làm khác, mà việc nào cũng đều quan trọng như nhau trong chương trình Bảo Vệ Sự Sống. Tôi lại thao thức ưu tư khi nghĩ đến việc các bà mẹ dân tộc ít chịu sinh con mình ở trạm xá hoặc ở bệnh viện. Vì ở những làng xa xôi như tỉnh Gia Lai rộng hơn 15.000 Km2, thì các bà mẹ thường sinh con tại trong làng của mình, và khi sinh con xong là đưa con xuống suối tắm rồi đưa về. Sông suối bây giờ không được trong sạch như ngày xưa, vì dọc theo bờ suối người kinh họ làm ruộng, làm vườn rồi bỏ phân hóa học, bơm thuốc trừ sâu... nên khi người dân tộc đem con xuống suối tắm thường hay bị nhiễm trùng rốn và nhiều khi cắt rốn thì cũng bị vi trùng uốn ván nữa. Vì những lý do đó cho nên chúng tôi nhờ các sơ tổ chức những khóa đào tạo, bởi vì ở làng nào cũng có bà mụ đỡ đẻ gọi là "cô mụ làng".
Cô mụ làng là do mẹ truyền con nối. Chúng tôi không biết làm gì hơn là tập trung các bà mụ lại, rồi nhờ các sơ có học về y tế, hoặc là mời các cô mụ từng làm cho nhà nước đã nghỉ hưu; đến dạy cho các cô mụ làng biết làm cách nào đở đẻ cho có vệ sinh. Nhất là không cho họ đem đứa con vừa mới được sinh ra xuống suối tắm. Chúng tôi còn cung cấp cho họ những thứ cần thiết như là cái thau lớn, dặn là khi mà người mẹ gần sinh thì phải nấu nước sôi để nguội rồi tắm cho đứa bé, cung cấp cho họ những cái khăn, những dụng cụ sát trùng để cắt rốn cho các cháu. Từ đó con số tử vong của các cháu bé sơ sinh mỗi ngày một giảm đi.
Lần nọ có cô mụ làng tên Thưng làm việc ở trong một làng cùi, cô đã được học khóa đở đẻ do các sơ phụ trách. Tôi gặp lại cô Thưng sau đó 6 tháng, tôi hỏi cô:
- Từ bữa con học về thì con đã đở đẻ dược mấy đứa rồi?
Cô Thưng trả lời tôi thật tự nhiên:
- Con đở đẻ được hai đứa rồi mà chưa đứa nào chết.
Nghe câu trả lời như thế tôi rất mừng.
Rồi tôi cũng phải làm thế nào để Ban Phát Triển Phụ Nữ ở các làng dân tộc vận động về ý thức chích ngừa cho con cái, các bệnh như là: uốn ván, ho gà, ho lao, ban sởi, sốt bại liệt... v.v... Phải lo làm thế nào để liên lạc với xã, trạm xá thúc dục các bà mẹ phải đưa con mình đi chích ngừa.
Tôi nói rõ với họ:
- Nếu không đi chích ngừa mà để cho con mình nó bị sốt bại liệt như em đó, em kia thì người mẹ có tội với Chúa. Không chích ngừa cho con cái cũng là một trọng tội chứ không phải nhỏ.
Chương trình Bảo Vệ Sự Sống được tôi nghĩ thêm điều gì nữa? Đó là tôi mở các nhà trẻ ở trong các làng ( tôi sẽ nói thêm về chuyện này sau). Tại sao tôi mở các nhà trẻ trong làng? Lý do là trong các làng dân tộc thường không có nhà trẻ, bởi vì có làng có đến 100 hoặc 200 người nên Nhà Nước không đủ sức để mở nhà trẻ cho từng làng.
Việc chăm sóc Bảo Vệ Sự Sống không đơn giản tí nào. Làm thế nào để có những ý tá, y sĩ hay các bác sĩ? Điều này không đơn giản và có phần khó khăn, phải có những người đó thì chúng tôi mới được đi khám sức khỏe cho các em bé ở các làng. Vì thế nên chương trình Bảo Vệ Sự Sống của chúng tôi là một chương trình đòi hỏi chúng tôi phải có nhiều sự cố gắng và những tấm lòng hảo tâm. Đất nước mình bây giờ người ta phá thai rất nhiều, có nhiều thiếu nữ rất trẻ, họ cũng đau khổ và ngại ngùng vì họ biết phá thai là một tội ác nhưng họ không biết làm cách nào khác! Nên chúng ta phải có đủ cơ sở, đủ điều kiện và đủ uy tín để khuyên họ đừng phá thai, lúc đó họ sẽ sẵn lòng nghe chúng ta.
Và chúng tôi đã thành lập được những cơ sở, tuy khiêm tốn nhưng cũng đáp ứng được những điều kiện tối thiểu và cần thiết. Nhờ vậy mà chúng tôi đã cứu được rất nhiều người. Rất nhiều cháu bé được sinh ra, các cháu kháu khỉnh lắm.
Mỗi lần tôi đi thăm các cháu ở chỗ này hay chỗ kia, nhìn các cháu chơi đùa , trong lòng tôi vô cùng vui sướng. Không chỉ riêng bản thân tôi, mà ngay cả những người có ý định từ bỏ các cháu cũng thay đổi suy nghĩ cổ hủ, ích kỷ của họ mà đón nhận các cháu như một quà tặng bằng cả tâm tình biết ơn, sự thương yêu và niềm hạnh phúc.
Tôi rất vui và hạnh phúc vì đã lo việc chôn cất và xây mộ cho các cháu Đồng Nhi. Hiện giờ tôi đang lo cho khoảng 15 nghĩa trang Đồng Nhi Có nơi tôi giúp nhiều, có nơi tôi giúp ít, có nơi người ta tiếp tục lo thay cho tôi...
Trong việc chôn cất các thai nhi thì tiền là một vấn đề, đất đai cũng là một vấn đề, nhưng quan trọng hơn hết là vấn đề nhân sự. Vì phải có những người có chiều sâu về đức tin, biết được vấn đề này thuộc về đức tin thì mới biết lo việc chôn cất các thai nhi cho tử tế. Tôi ước sao mà Hội Đồng Giám Mục của mình hay những người có trách nhiệm cũng hiểu về đức tin như vậy để lo bảo vệ sự sống cho các cháu từ trong bụng mẹ, đó là cái gốc. Chúng ta cũng lo chôn cất các thai nhi, lo mồ mả cho các cháu như lo mồ mả cho người thân của mình. Vì tôi tin chắc rằng các thai nhi cũng sẽ luôn luôn biết ơn những người thương yêu các cháu.
Tôi cảm thấy các cháu cũng gần gũi với tôi ngay cả trong công việc của mình. Đôi khi tôi thầm bảo: nói rõ ra thì mình không dám nói, nhưng phủ nhận những chuyện đó thì mình cũng không dám phủ nhận. Thường thường những ai thân thiết với tôi, tôi cũng hay kể chuyện này chuyện kia... rồi tôi nghĩ: "chuyện này nó như thế thì tùy người ta nghĩ sao cũng được". Nhưng mà tôi bảo đảm các thai nhi vẫn là những con người có sự sống đời này như chúng ta và Chúa sẽ bù trừ cho các cháu ở đời sau.
Tôi xin gởi đến quý vị những bài thơ mà nhiều người đã làm và tặng cho các cháu. Những bài thơ chan chứa tình yêu thương, nỗi đau đớn, được sáng tác từ nguồn cảm xúc của các tác giả khi nhìn thấy những hình hài bé nhỏ nằm chơ vơ, lạnh lẽo...
TIẾNG KÊU CỨU CỦA THAI NHI
Con muốn tỏ cho mẹ cha được biết
Con đã là người với tim óc, tứ chi
Mẹ cha đừng nghĩ con chẳng biết gì
Chỉ có nói là con chưa biết nói.
Hãy sinh con ra! Nghe theo tiếng gọi
Của chính con - Của nhân loại lương tri.
Cho con thành người - Con mong mỏi quá đi
Nhẫn tâm giết - Tội sát nhân gớm ghiếc!
Con, kết tinh của tình yêu tha thiết,
Của mẹ cha – Của linh khí, anh hoa
Của yêu thương - Của tình ái chan hòa
Của son sắt – Của tơ duyên vĩnh cửu!
Sao giờ đây mẹ cha lại dè bỉu,
Chính đứa con, giọt máu của mẹ cha?
Chính đứa con đã kết nụ đơm hoa
Từ ân ái – Từ tình yêu trân quí?
Cho con ra đời - Dù không hoan hỉ.
Bỏ con nơi bố thí, viện tế bần
Dù cùng cực, sống khốn khổ bần dân
Con muốn sống muôn ngàn lần hơn chết!
Những lời này thật vô cùng tha thiết
Là những lời òa vỡ tự trái tim
Xin ngưng tay! Hãy bớt giận! Con xin
Để con sống dù không nhìn con nữa
Con lạy mẹ cha trăm ngàn lạy nữa
Hãy để con - Cho con được sinh ra!
Ngày chào đời bằng tiếng khóc oa oa
Chính là ngày con vô cùng sung sướng!
Xin hãy gắng- Hãy thương con, rộng lượng
Mẹ cha không... tủi hổ bởi con đâu
Con nằm đây, hai tay chắp, khẩn cầu
Xin Thượng Đế cho mẹ cha can đảm!
Cha thương con! Chớ giết con, mẹ nhá.
Ngày Nhi Đồng Quốc Tế.
Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC
KHÁT VỌNG LÀM NGƯỜI
Nếu con được làm người
Con sẽ là Hoàng Đế
Cha là Thái Thượng Hoàng
Mẹ trở thành Thái Hậu.
Nếu con được làm người
Con sẽ là tiến sĩ
Cho Cha được rạng rỡ
Để Mẹ được vinh hoa
Nếu con được làm người
Con sẽ là nghệ sĩ
Để hát cho Cha nghe
Để đàn cho Mẹ hát
Nếu con được làm người
Con sẽ là thương gia
Đi buôn lòng nhân ái
Ban phát cho mọi người
Nếu con được làm người
Con sẽ là tu sĩ
Để nguyện cầu cho Cha
Và xin ơn cho Mẹ
Nếu con được làm người
Con yêu cha mẹ lắm
Tình thương mãi ngập tràn
Cùng Mẹ Cha chấp cánh
Đã không được làm người
Con xin được nhìn nhận
Cho con một nấm mồ
Cùng nén hương sưởi ấm.
Hãy!...Con làm người.
Giuse Phong Kontum
Kính tặng cha Phêrô Nguyễn Vân Đông Cùng anh em các nhóm BVSS
NIỀM ĐAU CỦA BÉ TRUNG THU
Trời ơi...Con!!!
Hài nhi còn đỏ hỏn
Tại sao nên nông nổi
Bé bỏng trút tàn hơi
Mới sanh đã chết rồi!
Không một miếng chăn bông
Chẳng một manh áo mỏng
Trần trụi con vào đời
Chỉ khóc thôi chưa cười
Con chui ra từ đâu
Mà lọt ngay hố sầu
Phút giây nào trăng hoa
Để con bị sinh ra ???
Liệu con có kịp thở
Như giun dế vào đời
Khi mắt còn chưa mở
Đã mãi nhắm lại rồi
Con bíu lấy tay ai
Con muốn được làm lại
Bước đầu tiên con phải
Vào đời trong sợi hãi?!
Hỡi con ơi...tấm thân
Nằm cong queo lạc lõng
Đây – (tôi xấu hổ lắm
Vì chỉ có tấm lòng!!!
Xót xa trào lệ nóng
Có ấm hồn con...
Một chút nào không?
Xin chia sẻ niềm đau.
Khi nhìn hình của bé Trung Thu.
An Trinh
LỜI CẦU XIN CỦA CON
(viết cho bé Trung Thu)
Con không có lời ru đưa con vào cuộc đời
Để con được làm người.
Con không còn tiếng khóc chào đời
Và làm người như bao người.
Xin thắp lên cho con một ngọn nến,
Một nến nhang
Cho lòng con được ấm lên
Trong lòng đất lạnh tình người
Xin cắm cho con một cành hoa
Và một lời ăn năn dù chỉ là muộn màng.
Con không được thấy
Ánh trăng rằm đêm nay
Con không được biết rong chơi
Bên trống lân rằm.
Xin đến bên con luôn dù trời nắng,
Dù gió mưa.
Cho lòng con được ủi an
Nơi mộ vắng nghĩa địa buồn.
Xin hãy thương con, đừng bỏ con.
Con tội tình gì? Mẹ ơi! Cha ơi!
Ngọc Quang
Ngày Trung Thu năm 2004.
NGHĨA TRANG ĐỒNG NHI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét