NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ
15 .
AI ĐÃ DẪN ĐƯỜNG CHỈ LỐI
* Người dân tộc rất yêu thương người thương yêu họ.
* Người dân tộc rất biết ơn người đã giúp đỡ họ.
* Những người dân tộc có hiểu biết thì rất sợ người kinh tới ở gần họ, rồi đưa đường chỉ lối cho con cái họ làm những việc không tốt.
Những nơi có làng dân tộc, thì lúc nào cũng có vài ba cái sạp hàng của người kinh dựng lên bán đủ thứ cho người dân tộc. Trẻ em dân tộc bây giờ có nhiều nhu cầu hơn trẻ em ngày xưa: nào là tivi, rồi karaôkê rồi thì trò chơi điện tử... . Trong khi cha mẹ đi làm suốt ngày, còn trẻ con ở nhà thì thèm coi tivi, thèm chơi điện tử mà lại không có tiền. Từ đó trẻ em người dân tộc dễ trở nên ăn cắp những thứ có trong nhà của mình như: vài cái trứng gà, hay là lấy phân bò đi đổi cho những sạp ở đầu làng để lấy tiền đi chơi điện tử. Và như thế dẫn đến tình trạng một đứa làm được thì nhiều đứa trong làng cũng làm được. Thế nên những người dân tộc có hiểu biết rất lấy làm lo lắng về những người kinh có sạp buôn bán ở đầu làng, vì đã làm hư hỏng con cái của họ.
Nhưng ngược lại có những người kinh thật lòng yêu thương người dân tộc, họ muốn giúp đỡ cho người dân tộc, giúp đỡ cho những người nghèo ở các làng, cũng chỉ đường chỉ lối cho người bệnh ở trong làng thế này thế nọ. Điều này làm cho người dân tộc luôn biết ơn những người kinh đã yêu thương, quan tâm đến họ.
Một lần nọ Mặt Trận Tổ Quốc mời những người dân tộc trí thức họp mặt, tôi cũng có mặt trong buổi họp đó. Một trí thức già người dân tộc ở Gia Lai mà ai cũng biết cụ, tên cụ là Nay Phin. Ngày xưa vào thời Pháp thuộc, cụ là nhà giáo dạy học. Cụ ra Bắc và trở về. Cụ Nay Phin là một người trí thức rất được người dân tộc kính mến. Hôm đó tôi nhận thấy nét mặt cụ không vui khi trong cuộc họp cụ phát biểu một câu như thế này:
- Người dân tộc chúng tôi bây giờ cũng tiến bộ rồi.
Thật tình khi tôi nghe hai chữ "tiến bộ" thì tôi không hiểu tiến bộ về mặt gì? Cụ nói với giọng mĩa mai:
- Người dân tộc mình bây giờ cũng bắt chước người kinh được nhiều thứ lắm. Biết ăn cắp rồi!
Đúng là tôi thấy gương mặt cụ rất buồn khi nói tới điều này. Cụ ngồi trầm ngâm một lúc với ánh mắt đăm chiêu rồi đứng lên nói tiếp:
- Người dân tộc cùa mình bây giờ cũng biết làm cái ruộng nước rồi. Nhưng khi biết làm cái ruộng nước, hay có cái ruộng nước để làm thì không còn ruộng để làm nữa. Lý do là tại sao? Người dân tộc của mình ai cũng thích cái xe Honda, người kinh cũng biết rõ là người dân tộc mình thích cái xe Honda, mà người kinh thì thích có ruộng nước. Người dân tộc không cần giấy tờ đâu. Mình nói bằng cái miệng của mình là được rồi. Thế thì anh có cái ruộng nước, tôi có cái xe Honda. Xe của tôi là xe mới (xe người ta làm cho có vẻ mới). Thế là trao đổi với nhau, người dân tộc thì có xe để chạy, người kinh thì có ruộng nước để làm. Nhưng một thời gian sau, vì người dân tộc không biết xử dụng xe, mà nhiều khi chiếc xe lại là xe cũ nữa, cho nên mấy tháng sau là xe bị hư không chạy được, mà ruộng thì cũng mất luôn.
Cụ thở dài rồi ngồi xuống, không nói nữa.
Bởi vì tôi cũng rất thương anh em người dân tộc, và tôi nhận thấy những điều cụ nói là đúng, lòng tôi cũng ngậm ngùi, cho nên trong giờ giải lao tôi hỏi cụ:
- Chúng ta phải làm gì bây giờ? Tôi thương anh em người dân tộc hết sức.
Cụ biết tôi là Linh Mục, cụ nói với tôi mà nét mặt đầy ưu tư lo lắng:
- Nói thật với Linh Mục là tôi muốn nói nhiều hơn nữa nhưng mà tôi nghĩ... tôi mắc cỡ nên tôi không nói. Con gái người dân tộc của mình bây giờ cũng bị người kinh rủ rê đi làm đĩ, mà làm đĩ thì mau có nhiều tiền hơn là làm ruộng. Mà làm đĩ là bị SIDA rồi, nhưng mà nó thì không biết SIDA là cái gì?...
Tôi thấy cụ buồn rầu, lo âu vì cụ rất thương người dân tộc của mình nên tôi cũng chạnh lòng. Mỗi khi tới mùa làm cỏ cà phê, mùa tưới cà phê hay tới mùa hái cà phê, thì người kinh ở các nơi đổ xô tới Gia Lai, là vùng mà người ta trồng rất nhiều cà phê. Họ đổ dồn về đó để làm thuê làm mướn kiếm tiền. Người kinh ban ngày đi làm mướn, nhưng ban đêm thì cũng tìm cách kiếm thêm "thu nhập", tức là đi ăn trộm chỗ này chỗ kia, gặp bất cứ thứ gì lấy được là lấy. Khi đi thì rủ 3, 4 thanh niên trong làng đi theo, đầu tiên là rủ đi ăn cho vui. Người dân tộc mà có ai đó quen biết rủ đi ăn là vui lắm. Rồi người kinh tổ chức đi ăn trộm dẫn theo mấy em dân tộc. Khi bị bại lộ người kinh co giò chạy trốn mất tiêu, còn mấy em dân tộc đứng lóng ngóng ở đó thì bị hốt hết... Đúng là bị oan, cũng còn may phước vì chính quyền hiểu được điều này, chớ không thì tội nghiệp cho nó, nó bị người ta dẫn dụ đi theo chớ nó không phải là kẻ chủ động đi ăn trộm.
Có những người kinh không tốt đã mướn các em nhỏ người dân tộc, vì họ biết các em này cũng cần tiền để thỏa mãn những nhu cầu này, nhu cầu khác. Họ sắm đèn pin cho nó để ban đêm nó đi hái trộm cà phê. Người dân tộc xem rừng như là nhà mình mà, nên khi nó đi hái trộm cà phê, nếu có ai rượt thì nó chạy cũng nhanh và dễ, còn nếu như nó hái trộm được thì sáng hôm sau những người đó tới làng mua cà phê đó với giá rẻ. Đó là dạy người ta, nhất là dạy cho con nít đi hái trộm.
Tôi nhớ có một lần tôi hỏi một làng dân tộc:
- Tại sao làng mình gần cái rẫy cà phê đó, mà người ta bảo mình đi hái trộm cà phê của người ta?
Qủa thật là những người làng nói:
- Mình không biết đâu, mấy đứa nhỏ nó đi làm điều đó. Bây giờ mình biết rồi, mình sẽ nói với con mình thôi, mình không biết gì đâu.
Ai đã dẫn đường cho ai?
Dọc đường tôi thấy mấy người dân tộc là giáo dân của tôi đi bán mật ong. Tôi dừng lại nhìn mấy chai mật... trời ơi! Cái chai thì đã củ sì mà cũng không sạch sẽ gì, rồi thì có mấy chút bánh sáp, rồi có thêm mấy con ong chết nằm trong chai mật đó nữa. Tôi cứ tưởng là người dân tộc đi lấy mật ong ở trong rừng về. Tôi bảo:
- Đem tới nhà Cha đi, Cha sẽ mua một ít.
Mấy người dân tộc này biết tôi nên nói với tôi:
- Không có đâu, người kinh nó mướn mình đi bán đó. Bán 1 chai thì nó cho mình 5.000 đồng. Một chai là mấy chục nghìn. Cha đừng có mua, của người kinh đó, không phải của người dân tộc đâu.
Tôi tức cười và tôi dặn người dân tộc không được làm như thế.
Người dân tộc trồng rau là không bao giờ xịt các thứ thuốc trừ sâu nọ kia. Rau còn nhỏ là họ đã nhổ đi bán rồi. Người kinh thấy vậy nên rất thích mua rau củ hoặc trái cây của người dân tộc vì nó không có chất hóa học, chất tăng trưởng gì đó. Nhưng bây giờ người dân tộc cho biết là người kinh cũng mướn người dân tộc đi bán rau của người kinh trồng, mà người dân tộc đi bán rau thì người ta thích mua hơn vì nghĩ là rau của người dân tộc trồng không có thuốc trừ sâu.
Ai đã dẫn đường cho ai?.
Ngày xưa tôi học về Tâm lý học thì tôi được biết như thế này: Người tốt thường nghĩ ai cũng tốt như mình. Bản chất người dân tộc là tốt, cho nên họ nghĩ ai cũng tốt như họ, và vì thế mà người tốt hay bị mắc lừa. Ai lừa họ? Những người xấu bụng hay lừa những người tốt để trục lợi cho mình, nên người dân tộc hay bị mắc lừa là như vậy. Người gian xảo quỉ quyệt thì thường hay nghĩ ai cũng xảo quyệt như mình, cho nên họ nghi kỵ người khác cũng có tính gian xảo giống họ. Tục ngữ Việt Nam có câu:" suy bụng ta ra bụng người" là như thế.
Năm 1986 tôi phụ trách một làng dân tộc là làng Ea Luh, Xã Nghĩa Hưng bây giờ. Làng này xưa kia ở gần Biển Hồ; Pleiku, đấy đai nơi đây mấu mỡ tốt tươi, người dân tộc lập làng canh tác trồng trọt ở đây từ mấy mươi năm về trước, cuộc sống của họ rất ổn định. Nhưng sau này thì chính quyền lấy đất này của họ, rồi dời họ vào gần một chân núi. Đất đai nơi chân núi này lại quá khô khan cằn cỗi, ở đây có một hồ nước do nhà nước ngăn giòng để chứa nước. Dân làng cũng góp công rất nhiều để làm đập giữ nước lại. Nhưng mà tất cả mọi sinh hoạt đều dùng từ nguồn nước này, phía dưới đập có giọt nước, nhưng nước cũng từ hồ này chảy ra, giặt giũ cũng tại hồ, rồi tắm rửa cũng tắm trên hồ, thậm chí bò cũng tắm trên hồ này luôn, nghĩa là tất cả nhu cầu dùng nước đều dùng ở hồ này. Và vì thế mà dân làng thường mắc bệnh về đường ruột, nhất là họ bị ghẻ, mọi người đều có ghẻ.
Tôi đã tìm mọi cách để có nguồn nước sạch cho họ. Tôi bắt đầu đào giếng và khuyên mọi người nên uống nước giếng vì nước giếng sạch hơn, Nhưng khổ nỗi có chỗ thì đào giếng được, có chỗ không đào được. Còn dân làng thì vẫn thích uống nước giọt hơn, thích tắm hồ hơn là tắm giếng... Vì hôm nay thì gàu bị đứt dây, ngày mai thì con gà nó rớt xuống giếng, mà cũng không biết làm sao để lấy con gà lên, họ lại bỏ không uống nước giếng nữa.
Đến năm 1994 một lần tôi tình cờ leo lên một ngọn núi gần làng, tôi thấy có con suối nhỏ ở trên đó. Bởi vì gần làng Ea Luh có 2 con suối chảy. Nói suối nghe có vẻ lớn vậy, chứ thực ra nước nó chảy như 2 con mương thì đúng hơn, được cái là quanh năm luôn có nước vì nhờ nguồn nước từ trong núi chảy xuống. Tôi nảy ra ý nghĩ: đem nước sạch từ núi về làng. Tôi cho người lên đo đạc kỷ lưỡng, từ nơi nguồn nước chảy về làng có độ cao chênh lệch là 32 mét, như vậy là dư sức để đưa nước về làng. Nhưng gặp khó khăn là có 2 cái vực, tại 2 cái vực đó chúng tôi phải treo ống từ bờ bên này sang bên kia.
Dân làng đồng ý và chúng tôi thực hiện việc treo đường ống dài 3km. Công trình này vào thời điểm đó tốn hết 100 triệu đồng. Ống dẫn nước về làng loại 100. Khi dẫn nước về đầu làng, chúng tôi xây một hồ chứa, để cho dân làng hằng ngày đi làm nương rẫy về, sẽ tập trung ở đó mà tắm rửa, lấy nước... Sau đó thì chúng tôi dẫn nước từ hồ về tận làng, có 14 điểm, tôi cho xây trụ đàng hoàng, có gắn rôbinê để mở và khóa nước.
Công trình hoàn thành, chúng tôi rất vui mừng.
Hôm đó là ngày lễ Hiển Linh, chúng tôi dâng Thánh Lễ để "khai trương" đường nước này, ngay tại địa điểm của hồ chứa nước.
Tôi dặn người ở đầu nguồn nước:
- Tôi dâng lễ từ 9 giờ đến 10 giờ thì xong. Lúc đó mà nước chảy về tràn hồ chứa nước thì chắc là dân làng vui mừng lắm.
Sáng hôm đó tôi dâng lễ và tuyên bố:
- Chút nữa sẽ có nước về làng của mình, nước chảy suốt ngày suốt đêm.
Tôi đang cho rước lễ thì nước tràn hồ, nước từ 10 cái ống xả trào ra. Dân làng rước lễ xong,, ai cũng đến chỗ hồ chứa nước đưa 2 tay ra dưới cái rôbinê hứng nước vuốt vào mặt mình. Lúc đó tôi cũng "lo ra" nhưng vẫn tiếp tục dâng thánh lễ. Khi xong lễ thì tất cả chúng tôi: Linh Mục cũng như giáo dân ra đứng chung quanh hồ, cùng nhau hát vang những bài ca tạ ơn Thiên Chúa đã cho nước sạch về tới làng.
Và từ đó, do được dùng nước sạch từ đầu nguồn dẫn về nên sốt rét cũng hết, ghẻ cũng hết và những bệnh về đường ruột cũng hết.
Nhờ đường nước chảy suốt ngày đêm nên cây cối trong làng xanh tốt quanh năm và có nhiều cây nhất so với các làng khác. Rồi một sáng kia khi thức dậy không thấy có nước nữa. Mùa cà phê năm đó xuống giá. Những người đi hái cà phê mướn bị thất nghiệp, vì không được ai thuê mướn nhiều cho nên không có tiền, đã rủ nhau đi cắt trộm đường ống dẫn nước của chúng tôi để bán nhôm, nhựa.
Sáng đó dân làng đi theo đường ống nước lên núi thì thấy một đoạn khoảng 50m bị cắt mất nên nước không chảy về làng được. Dân làng biết chắc chắn là người kinh đã cắt trộm đường ống nước của họ, nhất định là như thế, nhưng đi tìm khắp nơi mà vẫn không thấy. Tuy nhiên khu vực này dù đi đâu thì cũng phải qua một cây cầu ngay đầu làng, không có con đường nào khác, và cây cầu này nó nhỏ nên chỉ có xe Honda đi được mà thôi.
Ngày hôm đó cũng có nhiều xe Honda đi qua làng. Dân làng cắt cử người canh tại cầu. Đến gần trưa thì họ thấy có một người chở một cái bao khá to, họ chận người đó lại, mở bao ra và thấy đường ống nước của làng mình đã bị cắt ra từng đoạn để bán đồ nhựa. Người ta liền giữ anh xe thồ này lại, anh ta cương quyết không khai ra là ai đã mướn anh. Người dân tộc trong làng thì đơn sơ, đi báo công an xã nhưng chờ mãi mà công an xã không vào, dù họ chỉ ở cách làng có 3 cây số mà thôi.
Buổi trưa dân làng về ăn cơm, phân công cho một anh thanh niên trong làng giữ anh xe thồ và chìa khóa xe Honda của anh ta lại, định rằng sẽ điều tra cho ra và bắt bồi thường đường ống nước đó. Người xe thồ này thấy chỉ còn một người thanh niên canh giữ, bèn nói rằng:
- "Xe tôi bị chảy xăng, cho tôi tới xe để tôi khóa xăng ". Anh dân tộc này thì đơn sơ, nghĩ là mình đã giữ chìa khóa xe rồi thì sợ gì nữa kia chứ nên đồng ý. Anh xe thồ tới xe và nối sợi dây điện gì đó trong xe, rồi anh ta đạp một cái, xe nổ là chạy luôn, bỏ lại bao nhôm nhựa.
Chiều tôi vào làng thì người làng báo cáo với tôi khi mọi chuyện đã xong xuôi hết rồi. Tôi nói:
- Biết ai bây giờ... số xe là số mấy?
- Mình thấy xe có số mà mình không biết số xe là số nào.
Qua câu chuyện này thì người trong làng càng thêm có ác cảm đối với người kinh.
Đôi khi người dân tộc tâm sự với tôi:
- Con không ưa người kinh, người kinh vô làng của con, cái ổ gà của con đang ấp vậy mà nó bưng đi hết cả ổ gà luôn, vào trong làng con mà bắt không còn một con chó nào. Lần đầu tiên trong làng con mất một con bò, khi mất con bò cả làng đi tìm hết, tìm khắp nơi, rồi thì thấy con bò bị người ta chặt đứt gân chân luôn, con bò nó lết về tới nhà nên không mất. Làng nói đó là người kinh vì người dân tộc chúng con không bắt bò của nhau.
Từ những việc như vậy đã đem đến những sự nghi kỵ lẫn nhau giữa người kinh và người dân tộc. Luôn luôn chúng tôi cố gắng nói cho họ biết là con người, thì có người tốt và người không tốt. Người kinh cũng thế và người dân tộc cũng thế; cũng có người tốt và người không tốt... Nhưng thường thì những điều đó tôi không thuyết phục nổi, bởi vì đa số những việc không tốt xảy ra trong làng của họ đều do người kinh gây ra.
Cuối cùng thì chính tôi cũng phải bỏ tiền ra đề sửa lại đường ống nước, và dân làng sử dụng cho đến bây giờ.
Tôi nói những điều này với là muốn chia sẻ rằng: thật sự thì chúng ta có trách nhiệm và bổn phận, ngay cả khi chúng ta là những người thương yêu giúp đỡ cho người dân tộc, chúng ta cũng phải có trách nhiệm nâng cao trình độ của người dân tộc, như là: biết giữ xe thế nào, biết ghi lại số xe của kẻ ăn cắp để nhà nước họ điều tra.