Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT - Tác giả Phạm Đình Khiêm



Sơ lược tiểu sử ông cố Phêrô Phạm Đình Khiêm

pdkhiem

Sinh ngày 2/8/1920 tại Ninh Bình (Giáo phận Phát Diệm) trong một gia đình nông dân nghèo. Thời thơ ấu ông đã được giáo dục và hấp thụ nền tảng Đức tin Kitô giáo tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse – Ba Làng (Thanh Hóa). Ông là một người có năng khiếu về viết lách và ham học hỏi. Năm 22 tuổi, ông đã là chủ bút bán nguyệt san Thanh Niên. Sự nghiệp cầm bút của ông đã có những bước đi đầy lòng ham mê với nghệ thuật văn chương và báo chí. Đặc biệt, những tác phẩm có giá trị như: “Hành động xã hội của Giáo hội qua các thời đại và ở Việt Nam”. Năm 1949, tại Sàigòn, ông tiếp tục tham gia vào công việc truyền thông Công giáo, và tác phẩm “Người chứng thứ nhất” chính là “chứng cứ” có giá trị trong việc phong Chân phước cho Thầy giảng Anrê Phú Yên.
 Năm 1993, ông đã yết kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và dâng Ngài cuốn sách “Người chứng thứ nhất” với bản tóm lược bằng tiếng Pháp và thỉnh nguyện về việc tôn phong Chân phước Anrê Phú Yên.
Năm 2000, ông đến Vatican lần thứ hai, và dâng kính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cuốn sách “Thánh Giuse trong Dân Chúa” với ý nghĩa tri ân Đức Thánh Cha và hai vị tiền nhiệm đã đặt Thánh Giuse làm đấng bảo trợ cho Giáo hội Việt Nam.
Ông còn là một nhà dịch giả nhiều tác phẩm như: Mẹ tôi, Tình Cha, Thánh Giuse tuyệt diệu, Đức Giêsu quang lâm giữa dòng thời gian theo các văn bản Tân Ước…
Những độc giả yêu mến có thể nhận ra ông qua các bút danh: Kiêm Ngôn, Hưng Bình, Thanh Nghị, Dục Đức, Đức Khiêm.
Ông được Chúa gọi về vào ngày 13/3/2013.
Có thể nói những đóng góp của ông cho Giáo hội Công giáo Việt Nam rất đáng khích lệ. Những gương mẫu sống động cũng như những tác phẩm của ông là tài sản quý giá cho lịch sử và công cuộc phát triển đạo Chúa tại quê hương Việt Nam.

 Nguồn: WTGPSG 
NB:

Thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Chân phước vào ngày 05 tháng 3 năm 2000.
________________________________________


NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

Lời nói đầu

Anre PhuYen 1Trong quá trình sinh hoạt của dân tộc Việt Nam, nếu có một nhân vật nào, ngay sau khi từ trần, đã được người đời viết sách ca tụng bằng nhiều thứ tiếng, xuất bản ở nhiều thủ đô lớn trên thế giới, làm vẻ vang chung cho cả dân tộc trên lãnh vực tinh thần, đạo đức và dũng cảm, người ấy chính là vị anh hùng trẻ tuổi mà chúng tôi sắp họa lại chân dung trong cuốn sách này: THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN, tiên khởi tử đạo miền Nam, nói riêng, và cũng đáng gọi là tiên khởi tử đạo Việt Nam, nói chung.
Ông sống vào đầu thế kỷ XVII, lúc Việt Nam vươn mình ra ngoài vòng ảnh hưởng truyền thống của Trung Hoa, và bắt đầu tiếp xúc với văn hóa Tây phương.
Lúc ông cất tiếng khóc chào đời, trên bờ sông Cái Phú Yên, năm 1625, thì đạo Công giáo mới truyền bá vào nước ta được mười năm, chưa có kết quả bao nhiêu. Năm mười sáu tuổi, ông được chịu phép rửa tội do tay giáo sĩ Alexandre de Rhodes – phiên âm tắt là Đắc Lộ. Hai năm sau ông dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, quyết chí tu hành, luyện tập nhân đức và làm thầy giảng truyền bá Phúc Am. Không tiếc cuộc sống giữa mười chín tuổi xuân, năm 1644, ông đổ máu cách anh dũng và thánh thiện để làm chứng cho chân lý và bảo vệ quyền thiêng liêng tự do tín ngưỡng.
Cuộc tử đạo này, lần thứ nhất xảy ra ở xứ Nam, đã gây nên một xúc động mạnh mẽ giữa đồng bào lương cũng như giáo, và các giới giáo sĩ, thương gia ngoại quốc. Kết thúc một cuộc sống ngắn ngủi nhưng nhân đức phi thường, cái chết anh dũng ấy lại càng nổi bật lên vì những phép lạ lớn lao liên tiếp xảy ra tại Quảng Nam, nơi ông thọ hình, tại Ao môn (Macao), nơi ông gởi xác, trên mặt biển Thái Bình Dương, và cả bên trời Au nữa.
Ngay tức khắc, tòa Giám mục Ao môn, lúc ấy phụ trách việc truyền giáo cả mấy nước lân cận, quyết định mở cuộc điều tra theo luật Hội thánh (1644-1645), lấy lời cung khai của 23 thương gia và thủy thủ Bồ Đào Nha đã chứng kiến hoặc nghe biết cuộc tử đạo, rồi gởi hồ sơ về La Mã để xin phong thánh cho vị tử đạo đầu tiên Việt Nam.
Bốn năm sau (1649), từ Goa (An Độ thuộc Bồ), cha quản lý Dòng Tên tỉnh hạt Nhật Bản Mathias da Maya, sau khi thu thập các tin tức từ Ao môn và Việt Nam, đã lập một bản tường trình đầy đủ bằng tiếng Bồ Đào Nha, gởi về cha Bề trên Cả dòng Tên ở La Mã, báo cáo việc thầy giảng Anrê tử đạo năm 1644, và hai thầy khác tử đạo năm 1645.
Về phần giáo sĩ Alexandre de Rhodes, ông đã trước tác riêng hai cuốn sách bằng tiếng Ý (1652) và tiếng Pháp (1653) để giới thiệu với thế giới, nhân đức thánh thiện của vị anh hùng tín ngưỡng người Việt.
Ngoài ra trong nhiều cuốn ký sự, giáo sĩ Đắc Lộ cũng dành nhiều trang nói đến vị tử đạo Anrê Phú Yên, với một lòng mến yêu và cảm phục vô cùng.
Sau đó lịch sử cuộc tử đạo của thầy giảng Phú Yên lại được viết tường tận trong một tác phẩm của Emmanuel Perreyra, bằng tiếng Bồ Đào Nha, in năm 1700 tại Lisbonne, một thủ đô quan trọng bậc nhất Au Châu thời ấy.
Như vậy là trong thế kỷ XVII- XVIII uy đức của vị tuẫn giáo đầu tiên Việt Nam đã lừng lẫy khắp Tây phương.
Qua thế kỷ XIX, đến lượt một nhà trước tác Việt Nam viết truyện thầy giảng Anrê Phú Yên bằng chữ “Quốc ngữ” – lối quốc ngữ cổ lưu truyền từ đời cha Đắc Lộ. Đó là linh mục Philipphê Bỉnh, dòng Tên, với tác phẩm nhan đề: Truyện nước Annam Đàng Trong, soạn tại Lisbonne năm 1822. Trong sách này tác giả dành ba chương để tuờng thuật tiểu sử vị tử đạo tiên khởi Việt Nam, với dụng ý – theo ông nói – chẳng những cho kẻ hậu sinh được biết, mà cho cả những người kim thời nữa, vì người ta ít nhớ đến việc đời trước. Tiếc thay cuốn sách đó không hề được xuất bản. Nhưng bản cảo còn lưu lại, là một tài liệu quý giá.
Qua đầu thế kỷ XX, một bản Đại cương (Summarium) liên hệ đến vụ án phong thánh cho nhiều vị tử đạo trong đó có thầy giảng Anrê Phú Yên, được ấn hành để chính thức đệ trình vụ án. Tiếp đó lại có một bản Lược trình (Informatio) đề ngày 17 tháng 12 năm 1901, tóm lại bản “Đại Cương” và yêu cầu xét xử vụ án.
Xem thế đủ rõ, thầy giảng Anrê Phú Yên là một nhân vật lẫy lừng, được ghi vào lịch sử bằng những tài liệu giá trị và đầy đủ hiếm có.
§
Nhưng… thời gian qua. Bao nhiêu tài liệu quý hóa kia bị chôn vùi trong quên lãng. Mặc dầu tên tuổi thầy giảng Anrê còn được nhắc nhở tới mỗi khi người ta nói đến việc truyền giáo ở Việt Nam, nhưng không ai hiểu rõ cuộc đời ông ra sao, tính hạnh ông thế nào, đến quê quán và các nơi hoạt động của ông xưa kia, người ta lại càng không biết nữa. Chính tác giả, khi viết cuốn “Minh Đức Vương Thái phi” đã có ý tìm tòi, cũng chỉ thu lượm được những tài liệu rất sơ sài, đủ viết bốn trang ngắn ngủi. Bất ngờ ngay sau khi cuốn sách ấy vừa ra khỏi nhà in, một vị linh mục mới du học Au Châu về được ít lâu, nhân đọc cuốn sách nói trên, đã mau mắn đến tìm tôi trong tận cùng ngõ hẻm quanh co, để trao tận tay một tài liệu quý giá: Cuốn ký sự của cha Đắc Lộ về “Cuộc tử đạo oanh liệt của thầy giảng Anrê”, bằng tiếng Pháp in năm 1653, hiện nay cực kỳ hiếm hoi. Tôi rất xúc động khi nhận tài liệu ấy.
Thoạt đầu tôi tưởng chỉ dịch nguyên văn tài liệu ấy, đủ giới thiệu thầy giảng Anrê với đồng bào, nhưng sau khi đọc xong, tôi thấy rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ cuộc đời vị Anh hùng trong khung cảnh lịch sử đất nước. Vì thế tôi vùi đầu vào công cuộc tra cứu. Hàng trăm trang thư từ và phiếu tra cứu được gởi đi nhiều nơi trong nước và ngoại quốc: La Mã, Ba Lê, Ao Môn, Lịch Bôn (Lisbonne). Sau mười tháng nhẫn nại tìm tòi, tôi đã may mắn thâu thập được đủ hết các tài liệu quý giá và hiếm hoi, liên hệ trực tiếp đến lịch sử vị tử đạo Phú Yên, kể cả bản “Đại cương” vụ án phong thánh ghi những lời kê khai quan trọng nhất của 23 người Bồ Đào Nha (tài liệu này nhận được bằng phim ảnh).
Ngoài các tài liệu, tôi lại được cha J.B.Janssens, Bề trên cả Dòng Đức Chúa Giêsu, trong thư đề ngày 19 tháng giêng d.l.1958, kèm với nhiều hình ảnh, xác nhận đầu vị tử đạo Anrê Phú Yên hiện còn giữ và tôn kính tại tòa Bề trên cả Dòng Tên, số 5 Borgo Santo Spirito, Roma.
Từ Ao môn, tôi được tin hài cốt của vị tử đạo Anrê Phú Yên hiện giữ tại nhà thờ chính tòa Giám mục sở tại. Đặc biệt hơn nữa: một sợi tóc của vị tử đạo đáng kính từ La Mã đã bay về quê tổ sau ba trăm năm xa cách! Chỉ một sợi tóc – không quá năm phân – nhưng tôi đã lĩnh nhận với một lòng thành kính và xúc động vô cùng, khác nào như được đón rước vị anh hùng đích thân đến cùng tôi, trong cảnh tầm thường của tôi, để giúp tôi nhìn nhận rõ hơn chân dung sáng lạn của Người!
Người đã về Quê Hương, nhưng Quê Hương chưa nhận biết Người: chưa ai biết đích xác Người sinh ở chỗ nào, hoạt động trên những nẻo đường nào, và đổ máu vinh quang trên chiến trường nào. Vì sử liệu Tây phương chỉ cốt ghi các sự kiến mà không để ý đến các chi tiết về địa lý, hay nói cho cùng đúng chỉ ghi “Ranran” là tỉnh quê hương và “Caciam” là nơi tử đạo.
Nhưng một ngày kia, ôm sợi tóc quý giá trong mình, với một mớ bản đồ cổ kim và một tập hồ sơ sử địa, tôi đã lên đường về miền Trung, vừa khảo sát vừa hành hương kính viếng. Nhờ khám phá được địa điểm và di tích dinh Trấn Biên xưa do chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lập năm 1629, tôi đã nhận định được đích xác nơi người sinh trưởng và tái sinh trong phép Rửa tội, nay thuộc địa sở Mằng Lăng, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên, với ngôi thánh đường nguy nga nhất trong mấy tỉnh Nam Trung.
Từ Tuy An, tôi đã ngược lên phía Bắc, theo đường quốc lộ số 1, qua Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, lên đến Thừa Thiên, Quảng Trị: tôi đã đi theo lộ trình quen thuộc của thầy giảng Anrê, xưa đã đặt dấu chân truyền giáo trên khắp các tỉnh ấy. Tôi đã viếng thăm Hôi An, nơi Người bị bắt vì đức tin. Và sau khi tìm thấy địa điểm và các di tích dinh trấn thủ Quảng Nam do chúa Nguyễn Hoàng xây năm 1602, nay là thôn Thanh Chiêm, xã Vĩnh Thọ, quận Điện Bàn, tôi đã kính viếng mảnh đất người bị giam giữ vì đức tin, và cả chính cho người đổ máu làm chứng cho Chúa.
§
Đến đây, việc tra cứu đã hoàn tất, việc xây dựng lịch sử bắt đầu. Chúng tôi xin thưa trước, mặc dầu sử liệu dồi dào, và khảo cứu công phu, cuộc đời vị tử đạo Anrê vẫn còn một vài khía cạnh chưa sáng tỏ, như vấn đề dòng họ, hoàn cảnh những năm thơ trẻ, và nhất là tính danh riêng của nhà tử đạo. Về điểm nay, ta cần hiểu rằng, trong buổi đầu truyền giáo, các giáo sĩ ngoại quốc thường hay gọi các giáo hữu nhất là các thầy giảng bằng tên thánh và trong các ký sự để lại, khi nói đến các giáo hữu ấy cũng chỉ kể tên thánh mà không ghi tên họ thông thường. Còn như sử liệu của người công giáo Việt Nam về thời kỳ ấy, hầu như không có gì lưu lại, mà dẫu có chăng nữa, những cuộc bách hại tôn giáo trong hai thế kỷ cũng không để cho tồn tại với thời gian. Vì lẽ ấy, ta không dễ gì tìm lại được tính danh các giáo hữu buổi đầu, trừ một vài trường hợp đặc biệt như bà Vương phi Maria, mà ta biết là Minh Đức Vương thái phi, nhờ ngọc điệp có ghi tước hiệu ấy.
Về trường hợp của thầy giảng Anrê, chúng ta cũng chẳng nên quá thắc mắc không tìm được tính danh thế tục của ông, vì ông đã thoát ly thế tục để dâng mình cho Chúa trong bậc tu hành rồi. Tên thánh Anrê, bổn mạng của ông, đã trở nên tên thật của ông, vì sinh thời mọi người đều biết và gọi ông như vậy. Trong lịch sử, nhiều nhân vật cũng chỉ lưu lại tước hiệu hoặc bí danh, chứ không phải tính danh đích thực. Và ngay ngày nay, cũng có nhiều tu sĩ bỏ tên riêng mình để chỉ mang tên vị thánh bổn mạng mà thôi, hoặc nếu là nhà tu hành Phật giáo, thì mang “pháp danh” thay cho tục danh.
Tuy nhiên, để làm vinh hạnh cho quê hương đã sản xuất vị anh hùng, và để dễ phân biệt, trong sách này, chúng tôi gọi ông bằng danh hiệu ANRÊ PHÚ YÊN, nghĩa là lấy quê hương ông mà đặt tên cho ông, theo một truyền thống đặc biệt Việt Nam, như ta quen gọi: ông Tam Nguyên Yên Đỗ, bà Huyện Thanh Quan, Thi sĩ Tản Đà v.v… 1
Ở đây, chúng tôi tưởng cũng nên nhận định rõ về tước hiệu “Tiên khởi tử đạo Việt Nam” dành cho ông Anrê Phú Yên. Đúng ra, thầy giảng Anrê là “Tiên khởi tử đạo ở xứ Nam (Đàng Trong). Còn nếu kể toàn quốc, thì ở xứ Bắc (Đàng Ngoài), vào năm 1630, có một giáo hữu tên thánh là Phanxicô, gia nhân của một vị quan lớn trong phủ chúa Trịnh, đã bị quan này tự ý giết vì giữ đạo Thiên Chúa. Tài liệu của cha Đắc Lộ, nguồn duy nhất, chỉ kể rất sơ lược về ông, khen ngợi ông đổ máu vì Chúa, tuy không dùng danh từ rõ rệt “Tử đạo” (Martyr). Về phần giảng Anrê Phú Yên, đời sống và cuộc “tử đạo” với những phép lạ sau khi chết, đã biểu dương rất rõ rệt với đầy đủ chi tiết, lại được lập hồ sơ để chờ ngày phong thánh, cho nên ta cũng có thể kể người như vị tử đạo vinh quang đầu tiên của Việt Nam.
Nhận định rằng tài liệu dẫu dồi dào, nhưng nếu khai thác không có phương pháp, thì công việc xây dựng lịch sử không có bảo đảm. Vì vậy chúng tôi hết sức thận trọng trong việc nghiên cứu và đối chiếu các tài liệu, hết sức khách quan trong việc phê bình phân tích, và suy luận phải hợp tình, hợp lý.
Ap dụng phương pháp khoa học trong sự tìm tòi và đường lối nghệ thuật trong cách xây dựng, chúng tôi mong ước vị anh hùng sẽ sống lại trước mắt bạn đọc, trong bối cảnh lịch sử của thời đại người, với những rung động, cảm nghĩ, khát vọng của người, từ chỗ thâm sâu nhất của tâm hồn phát xuất ra hành động.
Với tất cả lòng thành kính, chúng tôi dâng sách này trước đài kỷ niệm 130.000 vị tử đạo Việt Nam trong ba thế kỷ: Thầy giảng Anrê Phú Yên chẳng những là người đã mở đầu dòng dõi oai hùng ấy (protomartyr), mà còn là vị tử đạo điển hình của Giáo hội Việt Nam.
Chúng tôi trân trọng cống hiến sách này cho toàn thể đồng bào, không phân lương giáo: Vị tử đạo Anrê, trước khi là tín hữu và tử đạo, đã và vẫn mãi mãi là người Việt, mà tín ngưỡng Công giáo đã đặt lên đài vinh quang, với những nhân đức làm vinh dự chung cho cả giống nòi.
Và bởi vì Anrê Phú Yên là bông hoa hàm tiếu của vườn xuân, làm sao tôi có thể quên không gởi những trang chân thành này đến các bạn thanh niên nam nữ ở giữa dòng đời cũng như nơi tu viện, đang tha thiết sống và yêu?
… Thì đây, cuốn sử của một thanh niên đã sống và đã yêu – yêu tuyệt đối để sống muôn đời!
Phạm Đình Khiêm
_______________________________

Chú thích
(1) Trong bài Iconographie du Père Alexandre de Rhodes (trong B.A.V.H 1938, tr.27-61) cha Cadière có đăng một bức thơ của Tòa giám mục Macao, gởi cho tác giả. Nhân nói đến thầy giảng Anrê, trong thơ có chỗ viết:  “André (Ly)”. Hai dấu ngoặc đơn bọc lấy chữ Ly chắc là của cha Cadière thêm vào vì không nhận tên thầy giảng Anrê là Ly hay Lý. Thực ra, Trung Hoa có một vị tử đạo rất thời danh là linh mục André Ly (1692-1775). Tác giả bức thư, khi nói đến vị tử đạo Anrê của Việt Nam đã viết “André Ly”, có lẽ vì nhớ lẫn với André Ly Trung Hoa. Trong cuốn Histoire des Persécutions au Việt Nam (Paris, 1955), tác giả, ông Trần Minh Tiết, kể tên vị tử đạo đầu tiên năm 1644, là André Trung (tr.39, 41).
Chúng tôi có viết thư hỏi tác giả lấy nguồn nào đưa ra tên ấy, xin chỉ giáo cho, song không được trả lời (hoặc giả thơ tôi không tới tác giả). Chúng tôi nghĩ có lẽ tác giả đã lẫn thầy giảng Anrê tử đạo ở Phú Yên 1644, với thầygiảng Anrê Trống (tác giả chép là Thông) tử đạo ở Huế năm 1835 (tr.111) hoặc linh mục Anrê Trung, tử đạo ở Đồng Hới cũng năm 1835 (tr.90).
Tiếp tục tra cứu mãi đến khi sắp giao bản thảo cho nhà in, chúng tôi đã tưởng tìm được tên riêng Việt Nam của thầy giảng Anrê trong tài liệu viết tay bằng tiếng Bồ Đào Nha (Relacao da gloriose morte…) của giáo sĩ Mathius da Maya ở Goa, báo cáo về cuộc tử đạo của mấy thầy giảng Việt Nam đầu tiên. Tiếc thay tác giả chỉ cho biết tên ông trùm trưởng Anrê già, cùng bị bắt và bị giam chung với thầy giảng “Anrê trẻ”. Tên ông Anrê già ấy được phiên âm là “Sen” chắc hẳn do chữ “Sơn”, vì tên đàn ông nhất là ở miền Trung Bắc ít khi dùng các chữ “Sen”, “Son” và không thể là “Sên”. Đó là cơ hội chót hết để tìm tên riêng thầy giảng Anrê mà không được.
_____________________________________________

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

Chương I: Quê Xưa

Trên đường quốc lộ về miền Trung, sau khi vượt qua Nha Trang ngoài 80 cây số, du khách thấy sừng sững trước mặt, một dãy núi chạy dài từ tây sang đông, với mũi đá lấn sâu vào đại dương. Đó là dãy núi Đại lãnh đèo Cả, với mũi Nai, mà người Tây phương từ thế kỷ XVII, đã đặt tên là “Cap Varella”.
Dãy Hoành sơn phương Nam này, xưa kia đã có lúc dùng làm biên giới thiên nhiên giữa hai nước Chiêm Thành và Việt Nam, ngày nay còn dùng làm địa giới cho hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.
Muốn vào đất Phú Yên, du khách phải vượt qua 12 cây số đường đèo quanh co, lúc vào thẳm rừng sâu, khi chênh vênh mé biển, chỗ cao nhất lên tới 800 thước, quanh năm gió táp mưa sa, mây mù dày đặc. Nếu đi xe lửa, du khách phải chui qua 1296 thước đường hầm nghẹt thở, tối tăm.
Vừa đặt chân vào đất Phú Yên, du khách khoan khoái ngắm nhìn một thắng cảnh lịch sử: Núi Đá Bia (705 thước), ghi dấu cuộc Nam tiến của dân tộc. “Chiều chiều mây phủ Đá bia”: một tấm bia khổng lồ cao vút mây xanh, do Thợ Trời tạo dựng, như để ghi nhận chí kiêu hùng của nòi Việt luôn luôn thắng vượt để sinh tồn.1
Từ đây đường thiên lý băng qua một vùng đồng bằng rộng rãi, phía tây giáp dãy Trường sơn, phía đông ăn ra Nam hải, xa xa trước mặt là thị xã Tuy Hòa trong một khung cảnh nên thơ: núi Nhạn Tháp, sông Đà Ràng. Sông này, còn gọi sông Ba, là con sông lớn nhất miền Nam Trung, phát nguyên từ Kontum, chảy ngang tỉnh Phú Yên, đổ ra cửa Đà Diễn, dài 300 cây số.
Sau Tuy Hòa, du khách vượt qua một vùng núi non hiểm trở rồi bỗng thấy hiện ra trước mắt một cánh đồng phì nhiêu, với những dòng sông lớn. Đó là đồng Tuy An, ở châu thổ sông Cái. Phát nguyên từ miền núi Cà Lố, sông này chảy xuống Tuy An, chia làm nhiều nhánh đổ ra vũng Xuân Đài và đầm Ô Loan. Mắt nhà địa lý xưa, nhìn mấy nhánh sông uốn khúc, đã tưởng đến một vực rồng, nên một làng quan trọng ở đây được đặt tên là Long Uyên và được chọn làm nơi lập tỉnh đường dưới thời quân chủ. Một đồi đất đỏ, vài ngọn núi lam, mọc lên giữa cảnh đồng ruộng tốt tươi, xóm làng sầm uất sau luỹ tre xanh, càng tô thêm nét thắm cho cảnh thiên nhiên tại đây, khiến một vị đường quan đời Tự Đức đã không ngần ngại tâu về Triều: “Thần quan Phú Yên nhất tỉnh, sơn thuỷ chi thắng vô du Long Uyên” (Tôi thấy toàn tỉnh Phú Yên, thắng cảnh núi sông không đâu bằng Long Uyên). 2
Cảnh thiên nhiên đã lạ lùng, bàn tay nhận tạo càng làm cho thêm khởi sắc: chính giữa phong cảnh ngoạn mục ấy, một ngôi nhà thờ đồ sộ với hai ngọn tháp cao vút màu trắng, nổi bật trên nền xanh của cảnh vật. Đó là nhà thờ Mằng Lăng, ở xã An Ninh, trên hữu ngạn sông Cái, xây từ đầu thế kỷ nay, và là ngôi nhà thờ lớn nhất, đẹp nhất trong cả miền Nam Trung phần.
Du khách theo đường Quốc lỗ số 1, nếu không có thì giờ dừng chân, vẫn có thể tha hồ ngoạn cảnh vì tàu khi qua bến đò Ngân Sơn (trên sông Cái) con đường thiên lý cứ chạy vòng chung quanh, theo sườn núi Đá Trắng và núi Gành Đỏ, trên một khoảng dài hơn mười cây số. Đèo càng lên cao, du khách càng bao quát được cả miền: sông núi, bể khơi, đồng ruộng, xóm làng và ở chính giữa, ngôi thánh đường trắng: cảnh đẹp thật hiếm có vậy!
Tôi vừa nói đến hòn Đá Trắng: màu đất và khí lành nơi triền núi sản xuất ra một giống cây xoài có trái thơm ngon không đâu bằng. Xưa kia, mỗi năm đến tiết Đoan Ngọ, quan Tổng đốc Bình Phú 3 phải mua xoài Đá Trắng tiến nhà vua. Trong dân gian cũng có ca dao:
Rủ lên Đá Trắng ăn xoài,
Muốn ăn tương ngọt, Thiên thai thiếu gì.
Đã có mỹ quan lại thêm mỹ vị, phong cảnh nơi đây hình như còn ảnh hưởng đến cả tài nghệ con người. Quả thực, khắp Việt Nam, duy làng Ngân Sơn có nghề dệt gấm, từ bao đời cha truyền con nối, sáng tạo những thứ gấm vóc tinh xảo và mỹ thuật hơn cả gấm Thượng Hải, được các vua chúa Việt Nam xưa vẫn ưa dùng.4
Nếu du khách từ miền Bắc đi vào, sau khi vượt dãy núi Cù Mông ngăn cách Bình Định với Phú Yên, đường quốc lộ sẽ dẫn bạn thẳng tới Sông Cầu, một cửa bể với những bãi dừa vô tận, một thị xã được chọn làm tỉnh lỵ dưới thời Pháp thuộc. Từ Sông cầu xuống Tuy An, đường dài hơn hai chục cây số chạy theo ven biển, đẹp không kém những khúc đường “Côte d’Azur” của Pháp hay bờ biển Ý Đại Lợi. Chính đường đó đưa bạn đến vùng thắng cảnh Tuy An, ở giữa khoảng đường dài 116 cây số ngăn cách đèo Cả với đèo Cù Mông.
Địa linh nhân kiệt: cảnh trí vô song này ở trung tâm tỉnh Phú Yên, chính là nơi chôn rau cắt rún của vị Anh hùng tử đạo đầu tiên Việt Nam: Thầy giảng Anrê Phú Yên.
Tự bao đời xưa đến bây giờ, cảnh thiên nhiên vẫn y nguyên không thay đổi, nhưng đời sống xã hội đã trải biết bao thăng trầm!
Vài hàng lịch sử Phú Yên
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Phú Yên nguyên là đất Việt Thường, đời nhà Tần gọi là Tượng Quận, đời Hán gọi là Nhật Nam, sau bị Lâm Ap chiếm, đến khi Chiêm Thành diệt Lâm Ap, miền đất này thuộc châu Vijaya của Chiêm quốc, có tên là Bà Đài, nay còn danh từ Xuân Đài đặt cho vùng Phú Yên.
Năm Hồng Đức thứ nhất (1479) vua Lê Thánh Tôn cử đại binh chinh phạt Chiêm Thành, phong ông Phạm Nhữ Tăng, cháu ba đời ông Phạm Ngũ Lão, làm Trung quân Đô thống, lãnh mười đạo tinh binh đi trước, nhà vua ngự giá tập hậu. Vua Thánh Tôn chiến thắng Chiêm Thành đến tận sông Phan Rang, lấy đất lập ra Thừa Tuyên thứ 13 gọi là Quảng Nam Thừa Tuyên, gồm sáu phủ: Thăng Ba (nay là Quảng Nam), Tu Ngãi (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (Quy Nhơn), Phú An (Phú Yên), Thái Ninh (Khánh Hòa), Hòa Thuận (Phan Rang), đặt dưới quyền cai trị của ông Phạm Nhữ Tăng, tước Phụ chánh Tham tướng phủ Quảng dương hầu5. Nhờ công khai sáng của vua Lê, nhân dân Phú Yên lập đền thờ ngài tại Long Uyên, quận Tuy An, hiện còn câu đối như sau:
Giang sơn khai thác hà niên,
Phụ lão tương truyền Hồng Đức sự.
Trở đậu hinh hương thử địa,
Thanh linh trường đối Thạch Bi cao. 6
Dịch:
Giang sơn khai thác năm nào,
Phụ lão còn truyền công Hồng Đức.
Lễ kính hương thơm đất ấy,
Danh thiêng muôn thưở ngọn Đá bia.
Nhưng cuộc chiếm cứ này chưa được vĩnh viễn, vì khi ông Nguyễn Hoàng kiêm lãnh tổng trấn Thuận Hóa và Quảng Nam (1570), uy quyền của ông dừng lại nơi đèo Cù Mông, nghĩa là tới hết tỉnh Bình Định mà thôi.
Năm mậu dần (1578), ông Nguyễn Hoàng sai ông Lương Văn Chánh làm trấn biên quan, đuổi lui quân Chiêm Thành, rồi chiêu tập lương dân đến ở đất Phú Yên7. Đến năm tân hợi (1611) quân Chiêm mưu phản, chúa Nguyễn Hoàng sai quan chủ sự Văn Phong vào đánh dẹp, lập ra phủ Phú An gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, cho lệ thuộc dinh Quảng Nam và giao cho Văn Phong cai trị, chức gọi là lưu thủ. 8
Năm kỷ tỵ (1629) đến lượt Văn Phong toa rập với quân Chiêm làm phản, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên sai quan Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh vào đánh dẹp, trừ được loạn Văn Phong. Bấy giờ chúa Nguyễn sai đắp đồn luỹ, lập thành dinh Trấn Biên (sau gọi là dinh Phú An), giao cho Nguyễn Phúc Vinh làm trấn thủ, cho phép dùng ấn son. 9
Thầy giảng Anrê chào đời
Chính trong khung cảnh ấy, thầy giảng Anrê Phú Yên đã mở mắt chào đời, một ngày trong năm 162510, đời vua Lê Thần Tôn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ sáu, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cai trị xứ Nam (Đàng Trong) năm thứ 12.
Lúc ấy Phú Yên mới gia nhập vĩnh viễn đại gia đình Việt Nam được 14 năm, công cuộc khai phá, xây dựng còn đang bắt đầu. Ông cha của Anrê tất nhiên cũng là một trong số các gia đình từ các miền Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Quy Nhơn, theo trào lưu Nam tiến, di cư đến đây lập nghiệp.
Sử liệu không nói rõ về gia thế, thì cho biết rằng ông có nhiều anh em mà ông là út; cha ông chết sớm, mẹ là người công giáo rất đạo đức, tên thánh là Gioanna, chăm lo nuôi nấng, dạy dỗ đàn con.11
Còn sinh quán của ông, thực ra tài liệu của giáo sĩ Đắc Lộ chỉ ghi là tỉnh “Ranran” ở giáp với Chiêm Thành về phía nam 12 mà không chỉ rõ địa phương nào. Nhờ bản đồ của giáo sĩ Đắc Lộ vẽ tỉnh “Ranran” này ở bên dưới Quy Nhơn và bên trên núi Nai – đèo Cả, nên ta biết đó là tỉnh Phú Yên, có lẽ do tiếng Chàm “Đà ràng” (hoặc Rà ràng?) 13 nay còn dùng để chỉ con sông Ba chảy qua Tuy Hòa. Chính nhờ các chi tiết liên hệ đến cuộc tòng giáo và lễ Rửa tội của ông, mà ta tìm được sinh quán của ông.
Quả thực, như chúng tôi sẽ nói rõ ở chương hai,14 thầy giảng Anrê được rửa tội năm 1641, tại chính nơi đóng Dinh của quan trấn Phú Yên, cùng với 90 người khác trở lại đạo trong vòng bốn ngày, nhân dịp cha Đắc Lộ viếng thăm địa hạt này. Xét vì cuộc viếng thăm của giáo sĩ chỉ thâu hẹp trong các làng phụ cận dinh Trấn Biên, mà phương tiện truyền tin và giao thông thời ấy lại rất hạn chế, người ta có lý do để tin rằng những giáo hữu tân tòng kia không phải từ ở nơi xa đến mà chính là những người ở ngay chỗ Trấn lỵ và phụ cận. Vậy dinh trấn Phú Yên lúc ấy đặt ở chỗ nào?
Xét địa lý lịch sử tỉnh Phú Yên, ngừơi ta thấy ba miền quan trọng, kẻ từ bắc xuống nam: Sông Cầu, Tuy An và Tuy Hòa.
Tuy Hòa xưa là chỗ đồng bãi hoang vắng, mới trở nên một thị xã đông đúc từ khoảng 50 năm trở lại đây, nhất là từ khi thiết lập cầu và ga xe lửa trên đường xuyên Việt Nam, và xây dựng đập Đồng Cam, tạo nên thịnh vượng cho cả vùng. Mặc dầu có tháp Chàm trên núi Nhạn và di tích thành cổ Chiêm Thành (Hồ Thành) ở làng An Nghiệp, nhưng không thể nào nghĩ rằng quan ta xưa đã lập dinh trại ở đó vì hai lý do: Một là quan niệm phong thuỷ của ta khác hẳn với quan niệm phong thuỷ của người Chàm, nên không khi nào ta đóng thủ phủ tại thủ phủ cũ của Chàm15. Hai là lúc ấy chúa Nguyễn mới chiếm đất Phú Yên, còn phải đề phòng sự phản công của Chiêm Thành, nên không thể đóng quân quá xa đường tiếp tế từ Quy Nhơn đến và quá gần tầm chiến đấu của địch.
Ở phía bắc, thị xã Sông Cầu cũng mới có từ đời Pháp thuộc, và được lập thành tỉnh lỵ từ năm 1888 mà thôi.
Còn lại Tuy An: đây chính là thủ phủ tỉnh Phú Yên trước đời Pháp thuộc như đã nói trên, hiện còn di tích một nếp thành cũ tại An Thổ – Long Uyên16, nay thuộc xã An Dân. Thành này, cùng một lối xây đắp kiểu Vauban như các thành Huế, Quảng Nam, Bình Định… mới xây từ đời Minh Mạng mà thôi.
Cách An Thổ độ hai cây số về phía đông nam, bên kia con sông Cái, và sát bở sông, trong địa hạt làng Hội Phú (nay thuộc xã An Ninh), chúng tôi nhận thấy một thôn nhỏ có tên là thôn “thành cũ”; ông già bà cả trong làng, nhìn nhận xưa kia, rất lâu đời, ở đấy có một nếp thành cũ, không rõ nguyên lai thế nào.
Tra cứu bản đồ của giáo sĩ Đắc Lộ, chúng tôi nhận thấy một thị trấn mệnh danh là “Dinh Phoan” được vẽ trên bờ một con sông ở giữa hai con sông khác thuộc tỉnh “Ranran”, mà chúng tôi nhận định được đích xác là con sông Cái. Đối chiếu di tích kia với bản đồ này, chúng tôi nhìn nhận đây chính là thành cũ của Dinh Trấn Biên do chúa Sãi lập năm 1629 tại đất Phú Yên và sau gọi là Dinh Phú An vậy. 17
Sau khi vua Minh Mạng bỏ thành này để dời sang Long Uyên An Thổ, các quan tỉnh có lập ở đó, vào đầu thế kỷ này, một “nghĩa trũng” để kỷ niệm các chiến sĩ văn thân. Ngày nay thành xưa đã lở hết xuống dòng sông Cái, chỉ còn lại ít chút di tích nghĩa trũng và ít chút di tích nền móng của thành. Phía đông thành, cách độ 1.500 thước, gần cửa bể có một di tích gọi là “trại thuỷ”, tức là căn cứ thuỷ quân hoặc tiền đồn của quan trấn thủ.
Như vậy sinh quán của anh hùng Anrê Phú Yên, không đâu khác ngoài các làng Hội Phú và lân cận là Long Uyên, Diêm Điền, Hội Tín, Phú Thọ, Minh Chính… Tại Long Uyên ngày nay có một ngôi nhà thờ nhỏ lợp lá, với một họ đạo non vài trăm nhân danh, gọi là họ “Lò giấy”. Theo lời truyền tụng, đó là họ đạo xưa nhất trong cả miền, đã cống hiến cho Giáo hội mấy chục người tử đạo đời Văn thân. Phải chăng đó chính là làng quê của thầy giảng Anrê? Dầu sao thì tất cả miền này đều thuộc địa sở (họ chính) Mằng Lăng, một địa sở tôn giáo rất quan trọng, gồm 12 họ nhánh, 3000 giáo hữu, với ngôi nhà thờ nguy nga đẹp đẽ nhất tỉnh. Vậy nếu không định rõ được đích xác làng, thôn nào đã sản xuất vị anh hùng, ít nhất ta cũng được biết chắc chắn Mằng Lăng là “xứ đạo quê hương” (paroisse natale) của người, và đó là một nhận định quan trọng, vì “xứ đạo” (địa sở tôn giáo) là đơn vị căn bản của địa dư Giáo hội.
Định rõ được nguyên lai xuất xứ của thầy giảng Anrê rồi, bây giờ ta hãy bước chân theo dõi vị anh hùng trên quãng đường đời ngắn ngủi nhưng vinh quang của người.
________________________________________
Chú thích
(1) Tục truyền khi vua Thánh Tôn đuổi quân Chiêm Thành đến đèo Cả, thấy hòn đá đứng sững như một tấm bia lớn, ngài liền sai khắc hai chữ “Hồng Đức” (niên hiệu của ngài) để ghi cuộc chiến thắng. Đó là sự tích núi Đá bia hay Thạch bi sơn. Vào năm 1937 ông tri phủ Tuy Hòa Nguyễn Văn Thơ có phái người trèo lên trên đỉnh để tìm kiếm bút tích, song không thấy gì cả (xem: B.A.V.H 1937 tr.71). Như vậy hoặc là bút tích đã mờ đi vì mưa gió, hoặc câu truyện khắc bia trên núi chỉ là truyền thuyết, mặc dầu đích thực vua Thánh Tôn có đặt chân tới đây.
(2) Tương truyền tại địa phương, câu này của ông Bố chánh Đinh Nho Quang tâu trình vua Tự Đức.
(3) Trước đây, chức Tổng đốc chung cho hai tỉnh Bình Định, Phú Yên.
(4) Vì ảnh hưởng của thời cuộc, từ năm 1945, nghề dệt gấm ở Ngân Sơn, đến nay, vẫn chưa hoạt động trở lại. Thật là điều đáng tiếc nếu tài nghệ ấy phải mai một.
(5) Theo gia phả dòng dõi Phạm Ngũ Lão, hiện còn giữ tại xã Quế Hương, quận Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cùng với nhiều bằng sắc do vua Thánh Tôn cấp cho Phạm Nhữ Tăng (xem bài: Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của tiền nhân, của Nguyễn Lê Thọ, trong tập san hội Cổ học Quảng Nam từ số 5 đến số 8, 1958). Chúng tôi cũng có một bản dịch tập gia phả lịch sử này.
(6) Đôi câu đối này của ông Đinh Nho Quang, Bố chánh Phú Yên, đề năm Tự Đức tân tị (1881). Khi ngôi đền bị Việt cộng tàn phá, ông từ cất giấu được bài vị và đôi câu đối, nay đều xây lại, mới đem ra bày.
(7) Liệt truyện, quyển III, tờ 10.
(8) Tôn Thất Hân: Généalogie des Nguyễn avant Gia Long trong B.A.V.H, 1920, từ trang 295.
(9) Thực lục q.II, tờ 14.
(10) Có nhân chứng (Smmarium, num 1) nói ông sinh khoảng 1624. Song cha Đắc Lộ quả quyết nhiều lần rằng ông tử đạo lúc 19 tuổi. Vậy ông sinh năm 1625 mới đúng.
(11) A.R. Glorieuse mort, tr.75 – Tên thánh bà mẹ được ghi bằng tiếng Bồ Đào Nha “Juana” trong “Relacao”. Đối chiếu: Philipphê Bỉnh: Truyện Đàng Trão, trang 46.
(12) A.R. Glorieuse mort, tr.75 – Relation Progrès Foi, trang 58 – Ph.B, Truyện Đàng Trão, trang 46.
(13) Xem dưới đây.
(14) Tiếng Chàm: “Đà” nghĩa là nước, khe, sông.
(15) Trừ thành Bình Định (nơi ông Võ Tánh hỏa thiêu) xưa là kinh đô Chà Bàn của Chiêm Thành, có một thời gian do Nguyễn Nhạc chiếm đóng, sau ông Võ Tánh, tướng của chúa Nguyễn, mới đánh lấy lại và tự hỏa thiêu ở đó. Sau khi lên ngôi vua, Gia Long lại bỏ thành đó lập thành Bình Định mới ở Vĩnh Phước, sau vua Minh Mạng xây lại và gần đây bị Việt cộng phá huỷ.
(16) Xưa kia là đất Long Uyên, sau mới tách ra gọi là An Thổ. Dân địa phương gọi thành này là Phủ cũ, vì sau khi tỉnh đường dời ra Sông Cầu, thành đó dùng làm trụ sở phủ Tuy An.
(17) Muốn rõ thêm chi tiết, xin xem bài: Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII của chúng tôi trong tập san của Viện Khảo cổ.

 ____________________________________________


NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG II: TIN MỪNG ĐƯA ĐẾN PHÚ YÊN

Ở vào địa thế hiểm trở, núi lớn sông dài, tỉnh Phú Yên trong buổi sơ khai, giao thông với bên ngoài phần lớn nhờ đường thuỷ. Đó là lý do giải thích vị trí dinh Trấn Biên, lập ngay trên bờ sông Cái, cách cửa Tiên Châu chừng ba bốn cây số, trong vũng Xuân Đài.
Vũng này khá rộng lớn, nước êm sóng lặng nhờ có núi bao vây phía Bắc, mấy cù lao chấn trước mặt (hòn Yến, hòn Mái Nhà…). Vào thời kỳ việc tiếp tế Phú Yên chỉ có thể thực hiện bằng đường bể, chính vũng này xưa kia đã tiếp đón những tàu bè khá lớn1 đến buôn bán hoặc vận lương cho binh sĩ. Gần cửa bể Tiên Châu, tại Vũng Lắm, có làng Minh Hương, xưa là một thương cảng thịnh vượng, mà người Pháp còn được chứng kiến khi họ đến đó lập tòa Công Sứ đầu tiên năm 1887 2. Đến sau, Sông Cầu và Tuy Hòa được mở mang, Vũng Lắm mới mất dần địa vị của nó. Ngày nay mặc dầu bị tàn phá, làng Minh Hương còn đó để làm chứng cho quá khứ: Một tiểu Hội An trong tỉnh Phú Yên ngày xưa.3
Chính do cửa bể này, vào khoảng tiền bán thể kỳ XVII, Tin Mừng đã được đem đến cho dân Phú Yên, do các tông đồ Chúa Cứu Thế, cũng như cửa bể Hội An, Đà Nẵng đã nhận Tin Mừng ấy cho dân Quảng Nam Thuận Hóa.
Giáo đoàn sơ khởi
Đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên năm thứ hai, ngày 18 tháng giêng 1615, nhằm lễ kỷ niệm thánh Phêrô lập Tòa ở La Mã, hai giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng: Francesco Buzomi người Ý, và Diego Carvalho, người Bồ Đào Nha. Giáo sĩ thứ hai này chỉ ở ít lâu, rồi được phái qua Nhật Bản và tử đạo ở đó năm 1624. Cha Bề trên Buzomi ở lại điều khiển việc truyền giáo trong 24 năm liền, đáng gọi là nhà sáng lập Giáo đoàn Đàng Trong.
Hai giáo sĩ cất một ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đà Nẵng; ngày Phục Sinh năm ấy (1615) các ngài cử hành Thánh lễ đầu tiên và rửa tội cho mười giáo hữu tiên khởi. Ít lâu sau, cũng trong năm 1615, cha Buzomi lại xây ngôi nhà thờ thứ hai tại ngay thủ phủ dinh Quảng Nam4 với sự giúp đỡ của các giáo hữu tân tòng ở đấy, nhất là bà quý phái Gioanna. Tổng cộng một năm đầu đã có ba trăm tín hữu.5
Mười năm sau, khi thầy giảng Anrê Phú Yên chào đời (1625) thì đạo Thiên Chúa đã có ở các thị trấn lớn trong xứ, do mười giáo sĩ kế tiếp nhau đến truyền giáo6. Tại Quy Nhơn, nhà thờ và họ giáo lập tại Nước Mặn 7 từ năm 1618 do sự ủng hộ nhiệt thành của quan Tri phủ sở tại, mỗi ngày một tiến triển, nhất là từ sau cuộc lễ rửa tội (1620) của vợ chồng ông sứ thần đầu tiên được chúa Sãi cử sang vương triều Miên quốc: ông Inhaxô và bà Ursula8. Tại Thuận Hóa phong trào tòng giáo cũng lan rộng nhờ gương sáng và hành động tông đồ của bà tiết phụ chúa Nguyễn Hoàng, tước hiệu Minh Đức Vương thái phi, rửa tội năm 1625 với tên thánh Maria Mađalêna. Bà lập nhà thờ công cộng ngay tại dinh con trai bà, ông Tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, phò tá Công thượng vương, được truy phong tước Nghĩa hưng Quận vương. Từ đấy cho đến khi từ trần (1648-1649), bà thực hành mọi nhân đức, nhiệt thành với việc truyền giáo, giúp đỡ giáo sĩ, bênh vực giáo dân, làm cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa, trong đó có nhiều người trong hoàng tộc.9
Giáo sĩ Đắc Lộ
Cũng năm sinh của thầy giảng Anrê Phú Yên (1625) còn đem đến cho Việt Nam một giáo sĩ trứ danh lưu lại một sự nghiệp lừng lẫy về cả hai phương diện tôn giáo và văn hóa: giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes).
Ông vốn thuộc dòng dõi Tây Ban Nha, cha Bernardin de Rhodes đến lập nghiệp ở Avignon (Pháp) từ cuối thế kỷ XV10. Ông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1591 tại Avignon, với tư cách “công dân của Đức Giáo hoàng” (sujet du Pape), vì Avignon thuộc địa hạt Comtat Venaissin, nhượng địa của Tòa thánh La Mã. Năm 1612 ông gia nhập Dòng Tên ở La Mã. Sau khi xin được cử sang Viễn Đông truyền giáo, ông rời thủ đô Giáo hội qua Lịchbôn (Lisbonne) đáp tàu ngày 4 tháng 4 năm 1619 đi Goa, Malacca rồi đến Ao Môn ngày 29 tháng 5 năm 1623, định vào giảng đạo ở Nhật Bản. Nhưng lúc ấy cửa ngõ nước Nhật đã đóng kín, giáo sĩ được cử đến xứ Nam. Ông lên bộ tại Đà Nẵng vào cuối tháng chạp 1624, bắt đầu học tiếng, chỉ trong sáu tháng đã giảng được bằng tiếng Việt Nam. Chính ông đã chứng kiến lễ rửa tội của bà Minh Đức Vương thái phi ở Thuận Hóa năm 1625. Sau 18 tháng hoạt động, giáo sĩ được gọi về Ao Môn rồi được phái sang giảng đạo ở xứ Bắc (1627).
Giữa kinh đô Hà Nội (Kẻ Chợ), chúa Trịnh Tráng cấp cho giáo sĩ một căn nhà để làm nhà thờ và nhà ở. Nhờ biết nói thông thạo Việt ngữ, am hiểu phong tục và tính tình ngừơi Việt, lại đầy lòng tận tâm bác ái, giáo sĩ Đắc Lộ hoạt động rất có kết quả, xứng đáng là vị Sáng lập Giáo hội Đàng Ngoài. Với sự hiệp tác của các thầy giảng Việt Nam trong ba năm đầu, giáo sĩ đã rửa tội được 6.700 người, trong đó có nhiều thân hào, nhiều nhà sư và cả một người em gái chúa Trịnh Tráng tới 17 gia nhân.11
So sánh với Giáo hội Trung Hoa sơ khởi, nhận thấy 25 hoạt động (1584-1609) của nhà truyền giáo thời danh Lợi Mã Đậu (Mateo Ricci), với 11 vị đồng liêu Dòng Tên, chỉ đem lại được 2.500 giáo hữu12, ta càng hiểu rõ ơn lạ lùng dành cho dân Việt, và lòng đại lượng của dân này hưởng ứng ơn kia.
Bị trục xuất hồi tháng 5 năm 1630, giáo sĩ về dạy học ở Ao Môn mười năm, rồi được cử đến Đàng Trong lần thứ hai vào đầu năm 1640 để thay thế cha Buzomi từ trần năm trước. Sau khi yết kiến chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, giáo sĩ hoạt động trong xứ được 7 tháng thì bị trục xuất do lên ông quan ở Quảng Nam mà giáo sĩ ghi tên là Onghebo: Ông Nghè Bộ.13
Lần thứ ba, giáo sĩ Đắc Lộ đến Đàng Trong vào ngày 24 tháng 12 năm 1640, trứơc lễ Giáng Sinh. Sau khi cùng với ba đồng sự là giáo sĩ Benoit de Mattos hoạt động ít lâu ở Quảng Nam, hai người chia tay: de Mattos lên phía bắc: Thuận Hóa, Quảng Bình; Đắc Lộ xuống miền nam: Quảng Ngãi, Quy Nhơn, và Phú Yên, giáp giới Chiêm Thành (1641).
Cuộc hành trình này suýt làm cho giáo sĩ Đắc Lộ bỏ mình dưới làn sóng bạc biển Đông, nhưng lại dành cho giáo sĩ, khi tới Phú Yên, nhiều ngạc nhiên và thỏa mãn về tinh thần.
Họ giáo Phú Yên
Quả thực, lúc ấy Phú Yên đã có một họ giáo tuy ít ỏi nhưng rất nhiệt thành, gồm cả một số người trong giới quan chức. Đó có thể là những giáo hữu cũ từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn theo cơ quan quân, chính, hoặc trào lưu di dân, vào khai thác đất Phú Yên. Đó cũng có thể là những giáo hữu đã được rửa tội ngay tại chỗ, từ đời cha bề trên Buzomi14. Dầu sao những bổn đạo ấy, từ lâu lắm, đã không được gặp linh mục, và cuộc viếng thăm của cha Đắc Lộ là một tin mừng lớn cho họ.
Trong số những giáo hữu này, đáng chú ý hơn hết là bà Maria Mađalêna, thuộc vương tộc và là vợ quan trấn thủ dinh Trấn Biên. Cuộc tòng giáo của bà được sử liệu ghi chép như sau:
“Tại tỉnh Phú Yên lúc ấy xảy ra một cuộc cãi lý giữa một giáo hữu sốt sắng tên là Hiêrônimô, và một nho sĩ ngoại giáo trước mặt quan trấn thủ… Nho sĩ này phải đuối lý không trả lời được câu nào… Quan trấn thủ rất mộ mến đạo ta, song ông không theo, vì ông không thể bỏ được các vợ bé của ông; tuy vậy ông cho phép bà vợ cả theo đạo, nếu bà muốn. Bà này liền tòng giáo và chúng tôi hy vọng bà sẽ làm cho chồng bà trở lại”.15
Giáo sĩ Cardim tường thuật việc này, không ghi rõ năm nào, song phúc trình của giáo sĩ Mathias da Maya cho biết đích xác là năm 163616. Vì bà này là người họ hàng chúa Nguyễn, người ta không thể nghĩ đến tấm gương của bà Minh Đức Vương thái phi, tiết phụ chúa Nguyễn Hoàng, đã rửa tội từ năm 1625. Cũng như bà Minh Đức, sau khi tòng giáo, bà Maria Mađalêna Phú Yên giữ đạo rất sốt sắng, nhiệt thành với việc tông đồ. Ngoài việc lập một nhà nguyện công cộng ngay trong dinh quan trấn thủ, bà Maria Phú Yên còn là thuỷ tổ công cuộc xã hội công giáo tại Việt Nam, vì bà đã sáng lập ngôi nhà thương đầu tiên, để săn sóc, cứu chữa các bệnh nhân, đồng thời lo việc cứu giúp các linh hồn. Hằng ngày nhiều bổn đạo cũ đến tham gia công cuộc bác ái và truyền giáo này, làm cho nhiều người trở lại cùng Thiên Chúa.17
Không kể bà trấn thủ, còn có vợ chồng ông quan coi cửa bể (có lẽ đóng ở Trại Thuỷ hoặc Vũng Lắm) cũng giữ đạo sốt sắng. Hai ông bà đều lấy tên thánh là Biển Đức (Benoit và Benoiste)18. Ngoài ra, có ông Emmanuel, một thầy thuốc danh sư ở ngay trấn lỵ (làng Hội Phú) cũng nổi tiếng nhân đức. Ông hằng sốt sắng cứu giúp người đồng đạo cũng như người khác đạo, phần xác và phần hồn, làm cho nhiều người trở lại đạo. Ít lâu trước khi giáo sĩ Đắc Lộ đến Phú Yên, ông ngọa bệnh rất trầm trọng. Tất cả giáo hữu lo sợ mất một bó đuốc sáng trong Giáo hội. Họ đến quây quần bên giường ông, khóc lóc thảm thiết như ông đã tắt thở. Mà thực ông đã ngất đi đến mấy tiếng đồng hồ, nhưng sau đó ông tỉnh lại, trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông cho biết rằng, trong lúc ngất trí, Đức Chúa Trời đã cho ông thấy cảnh thiên đàng, tốt đẹp vô cùng, không miệng lưỡi nào tả xiết, và ông cũng được thấy nhiều giáo hữu ông quen biết, xưa đã sống một đời thánh thiện, nay được hưởng phúc thiên đàng. Một điều làm cho mọi người càng tin lời ông mà không nghĩ rằng đó là giấc mộng: Ngay lúc đó, ông khỏi hết bệnh tật, lành mạnh như không hề đau ốm gì, mặc dầu trước đó mấy giờ, bệnh tình ông nặng đến nỗi không ai tin rằng ông qua khỏi. Tuy nhiên từ đó ông không thiết ăn uống gì nữa, ngày đêm chỉ mơ tưởng và nói đến nước thiên đàng. Mấy tháng sau ông từ trần êm ái và hoan lạc, khác hẳn thường tình.19
Bà Gioanna, thân mẫu của thầy giảng Anrê mai sau, cũng là một giáo hữu “rất nhân đức”20 của họ Phú Yên. “Bà rất chăm sóc việc giáo dục cho Anrê về đường đức hạnh và đường học vấn”21. Quả thực, mặc dầu góa bụa và đông con “bà đã lo cho cậu, ngay từ những năm đầu, được học chữ nghĩa, kinh sử”22. Nhưng có một điều khiến bà ngày đêm lo lắng không yên: con út của bà đã khôn lớn mà chưa được chịu phép rửa tội. Hơn mọi người khác, bà hằng cầu mong cho có giáo sĩ đến để rửa tội cho con bà.
Phần cậu thiếu niên, được mẹ hiền ngày đêm dạy dỗ, lại được thấy những tấm gương sáng lạn kia, lẽ nào không mong ước ơn tái sinh phần hồn để được cùng đi một đường với mẹ?
Thì đây, ngày mong chờ đã đến.
“Từ nay con sẽ gọi là Anrê”
Trên con đường nam tiến truyền giáo, sau khi rời Đà Nẵng, Hội An, giáo sĩ Đắc Lộ lần lượt qua thăm các họ giáo thuộc Quảng Nghĩa, Quy Nhơn, rồi đến thứ sáu Tuần thánh, tức 29 tháng 3 năm 1641, ông xuống tàu đi Phú Yên23. Ngày hôm sau, giáo sĩ bị một trận bão dữ dội, tưởng chừng không sống sót, nhưng, theo giáo sĩ nói, Đức Chúa Trời đã cứu giáo sĩ, vì sáng ngày lễ Phục Sinh (31-3-1641) giáo sĩ bỗng thấy mình ở trong một vụng êm lặng song không biết là ở đâu. Giáo sĩ làm lễ sốt sắng cho mọi người trong tàu dự. Sau đó, nhận được phương hướng, tàu trực chỉ cửa bể Bà Đài, tức vụng Xuân Đài ngày nay.24
Ông quan coi cửa bể này và vợ, là ông bà Biển Đức, nghe tin có giáo sĩ đến, liền sai người đi đón về nhà và tiếp đãi rất trọng hậu. Tại đây, giáo sĩ cử hành thánh lễ đầu tiên, mở đầu kỳ “đại phúc” ở Phú Yên.
Theo nhiệm vụ, quan coi cửa bể làm báo cáo lên quan trấn thủ dinh Trấn Biên25 về việc có giáo sĩ Tây phương đến Bà Đài. Quan trấn là người lương, nhưng có bà vợ là người Công giáo, bà Maria Mađalêna, lúc ấy đang ở phủ chúa tại Thuận Hóa26. Nhận được báo cáo, biết giáo sĩ là người đồng đạo với vợ mình, ông trấn thủ vội vàng sai hai thuộc viên đi đón và đưa cha Đắc Lộ vào dinh của ông. Dọc đường, nhiều bổn đạo ra gặp giáo sĩ rất niềm nở.
Đến dinh Trấn Biên, giáo sĩ được quan trấn thủ tiếp đãi rất tử tế và tỏ ra nhiều thiện cảm. Đến tối, ông cho giáo sĩ ở một ngôi nhà rất thuận tiện, và cáo lỗi vì trong nhà riêng của ông không có chỗ xứng đáng để mời giáo sĩ nghỉ.
Giáo sĩ bắt đầu thi hành nhiệm vụ hằng ngày theo luật Dòng. Làng Hội Phú, nơi đặt dinh trấn, đã trở nên căn cứ truyền giáo của cha Đắc Lộ. Từ căn cứ đó, trong hai tháng liền, giáo sĩ đi thăm viếng tất cả các làng lân cận như Long Uyên, Phú Hội, Diêm Điền v.v… trong cánh đồng Tuy An.
Trong khi đó, bà trấn thủ Mađalêna đã từ phủ chúa về đến Phú Yên. Vì lúc ấy người ta đồn rằng chúa Thượng ra lệnh cấm đạo, bà liền vào nhà thờ trước hết, để tạ ơn Thiên Chúa đã cho bà đi về bằng an, và để khuyến khích các đồng đạo. Bà nói: “Hỡi anh chị em, anh chị em há chẳng biết rằng quân lính anh dũng thì phải can đảm hy sinh vì vua chúa mình sao?… Ta cũng vậy, ta phải can đảm hy sinh để chiến chiến đấu cho Thiên Chúa, bên vực lề luật của Chúa chúng ta…” Bà còn nói nhiều điều rất sốt sắng, khiến chính cha Đắc Lộ cũng cảm thấy mạnh sức và thêm lòng hăng hái bênh vực thánh danh Chúa Giêsu.
Bà đạo đức ấy cầu nguyện rồi, liền về tư dinh của bà. Ngày hôm sau, bà mời cha Đắc Lộ vào làm lễ tại nhà nguyện trong dinh trấn, có tất cả các giáo hữu trong họ hàng bà đến dự. Giáo sĩ đến, được quan trấn thủ ra đón từ cổng dinh. Giáo hữu tựu hợp rất đông, nên lễ xong, giáo sĩ phải ở lại trong dinh bốn ngày liền. Trong những ngày ấy, giáo sĩ dạy giáo lý và rửa tội cho chín mươi (90) người trong số đó có cả em gái quan trấn thủ. Quan trấn rất hài lòng, và tuyên bố rằng ông muốn cho cả nhân dân trong trấn được rửa tội. “Cho đến bây giờ, lời giáo sĩ Đắc Lộ ghi chép, Thiên Chúa chưa đánh động lòng ông để ông được nhận ơn phúc mà ông cầu mong cho kẻ khác. Nhưng Chúa đã dùng ông để làm gia tăng cách lạ lùng đoàn chiên của Chúa. Sau đó ít lâu, tôi cáo từ ông cùng bà Maria và cả bổn đạo nơi này, để trở về Đà Nẵng”.
Đoạn trên đây tường thuật theo một bức thư của giáo sĩ Đắc Lộ viết năm 1641, báo cáo cùng cha Bê trên Cả dòng Tên, được giáo sĩ Cardim ghi lại trong ký sự của ông27. Giáo sĩ không nói gì đến cuộc tòng giáo của Anrê, vì lúc ấy, Anrê chỉ là một thiếu niên thường như mọi thiếu niên khác, nào có gì đáng kể. Nhưng sau này, khi tường thuật cuộc “tử đạo oanh liệt” của thầy giảng Anrê, giáo sĩ xác nhận rằng: “Đúng ba năm trước khi chết, mẹ thầy dẫn thầy đến cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy”.28
Anrê được rửa tội ba năm trước khi chết, tức là năm 1641. Năm này, giáo sĩ Đắc Lộ đến Phú Yên lần đầu và chỉ đến mở tuần đại phúc ở đó có một lần, trong hai tháng (tháng tư và tháng năm dương lịch) từ lễ Phục Sinh đến khoảng lễ Chúa Ba Ngôi, rồi ông trở về Quảng Nam và đến ngày 2 tháng 7 thì đáp tàu đi Maní, Ao Môn29. Như vậy, cậu thiếu niên Anrê chính là một trong số 90 giáo hữu tân tòng được giáo sĩ Đắc Lộ rửa tội trong kỳ tĩnh tâm bốn ngày liền tại nhà nguyện của bà Mađalêna trong dinh trấn thủ.
Để chuẩn bị lễ rửa tội lớn lao đó, giáo sĩ đã phải dành phần lớn thì giờ trong hai tháng lưu trú ở Phú Yên: nào thăm viếng khuyên bảo, nào dạy dỗ tập tành… Vậy cuộc rửa tội chắc đã cử hành vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, hoặc trong tuần chín ngày trước, hoặc trong tuần tám ngày sau: thật không còn cơ hội nào tốt đẹp và thuận lợi hơn để kéo ơn Thánh Linh xuống cho những môn đệ mới của Chúa. Nhiều nhà truyền giáo học đã sánh buổi khai nguyên Công giáo Việt Nam với thời kỳ Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh tông đồ tại nhà Tiệc biệt ly30. Cuộc lễ này ở Phú Yên minh chứng một cách cụ thể cho ý nghĩ đó vậy.
Như vậy, làng Hội Phú, nơi lập dinh trấn xưa kia, nay là “thôn Thành cũ”, thuộc xã An Ninh, địa sở Mằng Lăng, quận Tuy An, chính là quê tái sinh phần hồn của vị tử đạo tiên khởi Việt Nam.
Lúc bà Gioanna dẫn đứa con 16 tuổi31 đến cho cha Đắc Lộ rửa tội, giáo sĩ có ngờ đâu thiếu niên ấy, “ngoài ơn thánh tẩy bằng nước, lại được Đức Chúa Trời ban ơn thánh tẩy bằng máu” theo một câu nói của giáo sĩ32. Khi lấy tên Anrê đặt cho thiếu niên, giáo sĩ tuy thầm mong cho thiếu niên ấy theo gương thánh bổn mạng, nhưng không ngờ rằng người ấy sẽ tái diễn hoàn toàn cuộc đời vị Tông đồ xưa.
Còn bà trấn thủ Maria Mađalêna, nếu không phải là mẹ đỡ đầu riêng của Anrê, thì cũng là ân nhân chung của toàn thể nhóm tân tòng, và riêng của Anrê vậy. Gương sáng đạo đức và tinh thần tông đồ của bà chắc hẳn đã gây một ảnh hưởng quyết định trong tâm hồn trong trắng của thiếu niên. Chẳng những thế, ông trấn thủ chồng bà cũng đã có công lớn trong cuộc tòng giáo của Anrê. Vậy ông trấn thủ Phú Yên lúc đó và bà Maria Mađalêna là ai?
Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh và Ngọc Liên công chúa.
Như trên đã nói, quan trấn thủ đầu tiên được chúa Nguyễn cử vào giữ dinh Trấn Biên từ năm 1629 là quan phó tướng Nguyễn Phúc Vinh. Nếu sử liệu cho biết thêm một chi tiết nhỏ: ông trấn thủ ấy còn trị nhậm ở Phú Yên cho đến năm 1641, thì chúng ta biết ngay được bà vợ ông, mà sử liệu truyền giáo ghi là Maria Mađalêna, chính là Ngọc Liên công chúa, trưởng nữ Sãi vương, theo sử liệu nhà Nguyễn33, đương thời gọi là bà Quận Thanh, do tước của chồng là Thanh Lộc hầu, theo gia phả giữ ở làng Cổ Trai, tỉnh Quảng Trị.34
Tiếc thay, tất cả các sử liệu cũ mà chúng tôi tra cứu đều không nói gì đến hậu vận của ông trấn thủ này. Nhưng sử học còn nhiều đường khác để tìm sự thật.
Trước hết, xét về thân thế ông, ta nhận thấy ông là một võ quan cao cấp, có công dẹp giặc an dân, sáng lập dinh Trấn Biên, làm trấn thủ đầu tiên ở Phú Yên, lại là con rể của vị chúa đương thời, nên càng được tín nhiệm.
Trong hoàn cảnh đất chúa Nguyễn thời ấy, ông là một trong vài ba lãnh tụ quan trọng nhất. Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên, nối nghiệp Tiên vương Nguyễn Hoàng, lúc ấy đóng dinh tại Phước Yên, cách Huế 10 cây số về phía Bắc35. Năm bính dần 1629, Sãi vương đặt em (cùng cha khác mẹ) là Nguyễn Phúc Khê, con bà thái phi Minh Đức, làm Tổng trấn tức như Tổng tư lệnh ngày nay. Tại dinh Quảng Nam, thủ phủ quan trọng nhất, chúa đặt con trai cả là Nguyễn Phúc Kỳ làm trấn thủ (1614). Hoàng tử Kỳ chết sớm (1631), con thứ ba của chúa là Anh được lên thay, còn Nguyễn Phúc Lan, con trai thứ hai, được chúa giữ tại Thuận Hóa để phụ lực với chúa và sau này kế vị.
Trong nước lúc ấy còn hai dinh khác, Trấn Biên dinh và Quảng Bình dinh, thì chúa giao cho hai con rể làm trấn thủ: phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, chồng của Ngọc Liên công chúa, và phó tướng Nguyễn Cửu Kiều (nguyên họ Lê) được ban “Quốc tính” (họ vua) từ ngày cưới Ngọc Đỉnh công chúa.36
Vợ chồng Nguyễn Phúc Vinh vào Phú Yên được năm năm, thì chúa Sãi từ trần (1635). Xét trong năm năm ấy, trong xứ không có biến cố gì quan trọng khiến phải đặt ra vấn đề thuyên chuyển, hoặc phải đảo lộn các cơ sở hành chánh; vả lại thời gian ấy cũng vừa mới đủ để hoàn thành việc xây dựng đồn luỹ và thiết lập cơ sở cho dinh Trấn Biên, nên chắc chắn chúa Sãi đã không đổi con rể ông đi nơi khác.
Đến khi Công Thượng vương Nguyễn Phúc Lan lên nối nghiệp chúa vào năm 1635, liền xảy ra cuộc nổi loạn của em ruột là Anh, trấn thủ Quảng Nam. Nhà vương liền sai bọn ông Bùi Hùng Lương, Tống Triều Phương, Tôn Thất An, Tống Văn Hùng, Tôn Thất Tuyên v.v… đem quân từ Thuận Hóa vào dẹp loạn 37. Như vậy, giữa một hoàn cảnh xáo trộn, ông Nguyễn Phúc Vinh vẫn không bị điều động: sự hiện diện của ông ở dinh Trấn Biên vẫn còn là sự cần thiết không thể thiếu được.
Trong khi đất Quảng Nam nổi giông tố vì em trai, xứ Phú Yên ở tận biên giới vẫn được bình trị: chúa Thượng tất cũng hài lòng đối với người anh rể trấn ở đó. Vả lại từ năm 1635 đến năm 1641, mới có sáu năm, mà lúc đó là thời kỳ chúa Thượng đang cần ổn định tình thế, thì không có lẽ gì lại thay đổi một vị tư lệnh vừa trung thành vừa đắc lực như thế ở chốn biên thuỳ.
Mặt khác, theo lệ thường ở các chế độ chuyên chế và bảo thủ xưa kia, thời gian trị nhậm của một vị quan to ở một địa phương thường kéo dài không hạn định. Riêng trong hoàn cảnh chúa Nguyễn lúc đó, các chức vụ lớn còn ít ỏi, mà người tín nhiệm để trao phó chức vụ (thường là họ hàng nhà vương) cũng không có nhiều, thì việc thuyên chuyển lại càng ít xảy ra. Chứng cớ là phó tướng Nguyễn Cửu Kiều, trấn thủ dinh Quảng Bình từ năm quý dậu 1633, đến lúc chết là năm bính thân 1656: trong 23 năm liền. Lại như Nguyễn Phúc Kỳ cũng làm trấn thủ Quảng Nam 17 năm (1614-1631).
Vì thế ta có thể luận rằng ông trấn thủ mà giáo sĩ Đắc Lộ gặp ở Phú Yên năm 1641, chính là quan phó tướng Nguyễn Phúc Vinh. Quả thực, giáo sĩ tả ông là “một trong những ông quan lớn nhất trong nước”38 – có “tất cả chức tước sang trọng trong triều”39 – “một ông quan lớn” 40… “rất được nhà vương yêu chuộng”41. Lúc giáo sĩ làm quen với ông, thì ông đang làm “trấn thủ” hay “tổng trấn”42 tỉnh “Ranran”, “Ranran” hay “Daran” hay “d’Aran” – tức Phú Yên. Giáo sĩ còn cho biết ông là một quan võ, điều khiển quân đội của nhà vua43. Thật là xứng hợp hoàn toàn với chức tước và nhiệm vụ ông Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh trong sử Việt. Nhiều chi tiết cụ thể khác xác nhận điều đó.
Bản phúc trình của giáo sĩ Mathias da Maya mà chúng tôi đã nói ở trên chứng minh rằng ông trấn thủ mà giáo sĩ Đắc Lộ gặp ở Phú Yên năm 1641, chính là ông trấn thủ có bà vợ là Maria (Mađalêna) tòng giáo năm 1636 trong khi ông bà đang ở Phú Yên. Thế nghĩa là từ 1641 trở ngược lên 1636, dưới đời chúa Thượng, không hề có sự thuyên chuyển trấn thủ. Còn lại giai đoạn từ 1636 lên đến 1629, là năm ông Nguyễn Phúc Vinh vào đánh Văn Phong lập dinh Trấn Biên, người ta lại càng không thấy lý do nào khiến chúa Sãi, mới có bảy năm, đã đổi người con rể tài ba và tín nhiệm ấy đi nơi khác, như chúng tôi đã nói. Thế là ông trấn thủ Phú Yên năm 1629 với ông trấn thủ Phú Yên năm 1641 vẫn chỉ là một: phó tướng Nguyễn Phúc Vinh.
Theo tài liệu của giáo sĩ Đắc Lộ, thì đến cuối năm 1643 đầu năm 1644 mới có cuộc thuyên chuyển vị trấn thủ dinh Trấn Biên: Ông trấn thủ có bà vợ công giáo đã tiếp đón giáo sĩ hai năm trước, không còn ở Phú Yên nữa và đã có người khác để thay thế 44. Chính sự kiện này cũng chứng minh thêm việc ông Nguyễn Phúc Vinh còn ở Phú Yên năm 1641, vì không lẽ trong có mấy năm mà chúa Thượng thay đổi vị tư lệnh ở biên giới tới hai lần.
Sau ông Nguyễn Phúc Vinh, ta biết tên một vị trấn thủ khác ở Phú Yên là phó tướng Tôn Thất An (Yên, Yến) mà trên đây ta đã thấy từ Thuận Hóa đem binh vào Quảng Nam lập công trận trong cuộc tiễu loạn năm 1635. Quả thực sử có ghi: Đời Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng Đế, tức chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, năm thứ 11, mậu tuất (1658), quan phó tướng dinh Trấn Biên là Tôn Thất An tước An Võ hầu, được cử đem quân vào đánh Chân Lạp, bắt sống được vua xứ ấy là Nặc Ông Chân45. Rất có thể rằng, sau chiến công ở Quảng Nam năm 1635 và một thời gian phục vụ ở đó, chính ông là người đã được bổ nhiệm trấn thủ Phú Yên năm 1644 thay Nguyễn Phúc Vinh rồi đến năm 1658, uy thế và kinh nghiệm có thừa, ông được cử trọng trách lịch sử mở đường nam tiến vào tận Gia Định lần thứ nhất. An Võ hầu chính là con trai thứ năm của chúa Sãi, em cha khác mẹ với bà Ngọc Liên.
Trong các ký sự, giáo sĩ Đắc Lộ phân biệt rõ ràng, trong hai ông bà thì riêng bà là “có họ gần (proche parente) với nhà Vương”46, “bà ở trong phủ chúa”47, “bà từ phủ chúa mà về”48. Quả thực, mặc dầu mang họ Nguyễn Phúc, ông Nguyễn Phúc Vinh không có họ hàng gì với chúa Nguyễn – trái với Tôn Thất An là người vương tộc. Ông vốn họ Mạc, con Mạc Cảnh Huống, gọi Khiêm vương Mạc Kính Điển (cha vợ chúa Sãi) bằng bác ruột. Khi ông Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, cha ông đi theo phò tá, làm đến chúc Thống binh; đến đời ông làm phó tướng, được chúa Sãi gả cho con gái đầu lòng, chị của chúa Thượng, và ban “quốc tính” tức họ nhà vương (Nguyễn Phúc), đến đời con mới cải là Nguyễn Hữu.49
Giáo sĩ Đắc Lộ còn cho biết ông cựu trấn thủ Phú Yên, khi đã về Quảng Nam, trạc khoảng 80 tuổi vào năm 164450. Về bà Maria thì một nguồn sử liệu công giáo khác cho biết, vào năm 1665, nghĩa là 21 năm sau, bà vẫn còn sống51. Như vậy ta có cảm giác bà trẻ tuổi hơn ông khá nhiều.
Xét nguồn sử ta, không biết ông Nguyễn Phúc Vinh tuổi tác bao nhiêu, chỉ biết sơ lược rằng cha ông, Mạc Cảnh Huống, là người đồng thế hệ với Nguyễn Hoàng52, còn ông là người đồng thế hệ với Sãi vương và là em họ của vợ Sãi vương, mà lại lấy con gái Sãi vương. Như vậy tất là ông nhiều tuổi hơn vợ.
Bà Ngọc Liên tuổi bao nhiêu? Người ta được biết bà là con đầu lòng Sãi vương, cùng một mẹ với hoàng tử Kỳ và Công thượng vương53. Sãi vương sinh năm giáp thìn 1563, chết năm ất hợi 1635, thọ 73 tuổi. Vợ tên là Giai, họ Mạc đổi ra Nguyễn, tước Hy tôn Hiếu văn. Hoàng hậu, sinh năm mậu dần 1578, chết năm canh ngọ 1630, thọ 53 tuổi54. Được biết Công thượng vương (em hoàng tử Kỳ) sinh năm tân sửu 160155, vậy thì bà chị cả Ngọc Liên ít nhất phải ra đời khoảng 4-5 năm về trước tức là năm 1596-1597: lúc ấy Hiếu văn Hoàng hậu, mẹ bà, mới khoảng 18, 19 tuổi xuân mà thôi, nghĩa là mới về nhà chồng.
Nếu ta nhận bà Ngọc Liên sinh vào khoảng năm 1596, và kết bạn với ông Nguyễn Phúc Vinh lúc mới đến tuổi cập kê, tức là khoảng năm 1614, thì điều ấy rất hợp với sử liệu, vì sách Liệt truyện56 cho biết cuộc hôn nhân này xảy ra dứơi triều chúa Sãi (1613-1635), hiểu cho đúng là đầu đời chúa Sãi.
Nếu bà Ngọc Liên quả là bà Maria Mađalêna thì năm 1643-1644, lúc chồng bà là Nguyễn Phúc Vinh từ Phú Yên đổi về Quảng Nam, bà được 47 tuổi, và năm 1665, lúc bà phải bắt vị đạo dưới đời chúa Hiền57 bà thọ 69 tuổi, và chồng bà hình như đã từ trần lâu rồi, vì lúc ấy các giáo sĩ không nói gì đến chồng bà nữa.
Nếu ông Nguyễn Phúc Vinh quả là ông trấn thủ mà giáo sĩ Đắc Lộ đã gặp, thì vào năm 1644, ông trạc khoảng 80 tuổi như đã nói trên: cái tuổi hơi quá chênh lệch đối với bà Ngọc Liên, song sự chênh lệch đó cũng thường có trong nhiều gia đình và càng không đáng lấy làm lạ đối với một võ quan ở vào một thời “biến” (di cư từ Bắc vào Trung, Trịnh Nguyễn tranh hùng v.v…). Ngay như Hiếu văn Hoàng đế chẳng hơn bà Hoàng hậu đến 15 tuổi là gì? Điều đáng chú ý là ngay trong sự chênh lệch về tuổi tác này, hai nguồn sử liệu Au Việt cũng tỏ ra tương hợp. Sự chênh lệch ấy là 32 năm theo nguồn Au, tức non một “thế hệ” theo nguồn Việt (mỗi thế hệ trung bình 35 năm).
Đi tới tận cùng việc đối chiếu, ta chỉ nhận thấy một điểm dị đồng nhỏ: theo gia phả dòng họ Hiếu văn Hoàng hậu, vợ chúa Sãi, thì ông bà Nguyễn Phúc Vinh và Ngọc Liên có người con trai là Nguyễn Phúc Khuê làm chức nội đội trưởng58. Phần giáo sĩ Đắc Lộ có chép rằng: hồi năm 1645, nhân dịp bốn nữ tu dòng kín Clara Y Pha Nho đi ngang qua Quảng Nam, bà Maria Mađalêna vợ quan cựu trấn thủ Phú Yên, “cho con gái duy nhất của bà”, 13 tuổi, đến ở chung với các nữ tu kia trong mấy ngày, và cô ấy đòi đi tu luôn với các bà tại Phi Luật Tân, nếu người ta không hết sức giữ lại59. Hai tài liệu xem có vẻ mâu thuẫn, nhưng rất có thể chỉ là bổ túc cho nhau: Một đàng, đối với bà Ngọc Liên là ngành con gái, hệ thứ ba tính từ Mạc Khiêm vương, gia phả chỉ cốt ghi người con trai thừa kế, có khi không phải con đẻ mà chỉ là con “lập tự” được mang họ cha; một đàng giáo sĩ Đắc Lộ chỉ có dịp nói đến người con gái (có lẽ là duy nhất trong hàng con gái?) mà không có dịp nói đến con trai, hoặc con trai lập tự của gia đình này. Dẫu sao thì nguyên một điểm dị đồng nhỏ này không làm lệch được cán cân bao nhiêu yếu tố tương hợp quan trọng trên kia.
Do tất cả các lý luận trên đây, và trừ phi có tài liệu cụ thể nào minh chứng trái ngược, ta có thể nhận ông trấn thủ Phú Yên năm 1641, chính là ông phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, và do đó, bà Maria Mađalêna, người đã tổ chức lễ rửa tội cho Anrê chính là Ngọc Liên công chúa vậy.60
Rồi đây ta còn gặp bà nhiều lần trong lịch sử thầy giảng Anrê, mối liên hệ giữa hai linh hồn thật là rõ rệt. Có lẽ nhờ đó mà sau này bà đã được ơn thống hối sau một phút lỗi lầm, và nếu bà không được phúc tử đạo, bà là người đã góp công đào tạo vị tử đạo tiên khởi vậy.61
___________________________________________
Chú thích
(1) A.Laborde, La province de Phu Yen, trong B.A.V.H 1929, tr.199
(2) A.Laborde, sách đã kể
(3) Xưa kia Hội An phồn thịnh, phần lớn cũng do sự buôn bán của phường Minh Hương với người Tây Phương và Nhật Bản.
(4) Các giáo sĩ Tây phương hồi ấy gọi tên dinh Quảng Nam và cả nơi thủ phủ là Cacciam, Cacham, Cachan, Province de Cham (tiếng Pháp) hoặc Cachao (tiếng Bồ Đào Nha). Chúng tôi đã tìm thấy địa điểm và di tích thủ phủ ấy ngày nay tại thôn Thanh Chiêm, xã Vĩnh Thọ, quận Điện Bàn, chương VII sẽ nói rõ.
(5) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.83.
(6) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.90
(7) Danh từ Nước Mặn nay còn dùng để chỉ một cửa sông nhỏ ở phía Bắc vinh Thị Nại (Quy Nhơn) thộc làng Tân Giảng, quận Tuy Phước. Bản đồ 1/100.000 của sở địa dư Đông Dương cũ ghi cửa đó là “Port d’Eglise” (cửa Nhà thờ). Theo ông Nguyễn Lê Thọ, nguyên quán Bình Định, quận trưởng Quế Sơn (Quảng Nam) thì ngôi nhà thờ Nước Mặn xưa có lẽ cất lại làng Hòa Quang, xã Phước Quang, quận Tuy Phước ngày nay, vì ở đó có một di tích cũ gọi là “nền nhà thờ” (xem Việt tiến, bài “Đốt đuốc xem gương tiền bối” của tôi số 19, tháng 10-1958.)
(8) Relation Borri trong B.A.V.H (1931) tr.362-372. Hoặc xem Việt tiến, bài “Đốt đuốc xem gương tiền bối” của tôi từ số 15 đến số 19, năm 1958.
(9) Xem: Cadière, Princesse chrétienne – và Minh Đức Vương Thái phi của chúng tôi.
(10) Gaide, Quelques renseignements sur la famille de Rhodes, trong B.A.V.H, 1927 từ trang 225.
(11) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.114
(12) Về nguồn gốc giáo hội Trung Hoa, xin xem tài liệu Pasquale M.D’Elia S.J, Fonti Ricciane, hoặc cuốn truyện ký: Jos.Cronin, Le Sage venu de l’Occident.
(13) Chương VI sau đây sẽ nói rõ về ông quan này.
(14) Chappoulie: Rome et les Missions d’Indochine au XVIIè siècle, tr.171, nói cha Buzomi có giảng đạo ở Phú Yên (Ranran) song không cho biết vào thời kỳ nào.
(15) Relation Cardim, tr.160. Kể trong L.Cadière: Princesse chrétienne, tr.114.
(16) Relacao, chương 9 (số trang ở microfilm của chúng tôi bị mờ, nên về tài liệu này, chúng tôi xin miễn kể trang).
(17) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.169-179, và Relation Cardim, kể trên.
(18) Relation Cardim, đã kể
(19) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.167-169
(20) A.R, Glorieuse mort tr.75.
(21) và (22) A.R, Glorieuse mort tr.75. Ph.Bỉnh, truyện Đàng Trão, tr.46.
(23) Relation Cardim. Kể trong: Cadière, Une princesse chrétienne, B.A.V.H, 1939, tr.114-115. Ở đây, Cardim kể lại một bức thơ của De Rhodes viết năm 1641, cho biết nhiều chi tiết tỉ mỉ: “Chúng tôi đến Hà Lam ngày lễ Đức Mẹ dâng Con trong đền thờ (2 tháng 2, 1641) tôi làm phép nến… Chúng tôi đến Caitlam(?) gặp kỳ tết Nguyên Đán, đầu tháng hai dương lịch… từ đó tôi xuống thuyền đi Ciomoy (?) theo đường bể… khi tôi ở đó, thì giáo hữu ở Baobam (?) cử ba viên chức đến rước tôi về thị trấn của họ… Tôi ở đấy 18 ngày… Tôi cho chép lại 20 quyển sách về đạo, mà các cha Dòng ta đã in ở Đàng Ngoài và mới gởi cho tôi… Từ đó, tôi đi Bedda (?)… Tôi ở lại đây mười ngày… Tôi làm Tuần thánh với bổn đạo ở đây, cử hành đủ các lễ nghi Hội thánh và giảng sự Thương khó Chúa… Ngày thứ sáu Tuần thánh sau lễ nghi, tôi xuống thuyền đi Phú Yên (Ranran) – Năm 1641, lễ Phục Sinh nhằm ngày 31 tháng 3 (P.Hoàng: De Calendario sinnico), vậy thứ sáu Tuần thánh là 29 tháng 3.
(24) Giáo sĩ Đắc Lộ ghi là Bađay. Nhờ sách Đại Nam nhất thống chí, chúng tôi nhận được là Bà Đài, tên cũ do người Chàm đặt, sau người Việt đổi là Xuân Đài.
(25) Giáo sĩ Đắc Lộ chép là: “gouverneur de toute la province” (Cardim, đã kể) Ta biết Phú Yên lúc ấy vừa có dinh Trấn Biên, vừa là một Phủ hành chánh. Nhiều chi tiết ở các tài liệu khác cho biết ông này là võ quan và có quyền hành lớn nhất trong “tỉnh” nên ta nhận được ông là quan trấn thủ dinh Trấn Biên chứ không phải là quan tri phủ Phú Yên. Dưới đây sẽ nói rõ.
(26) Cardim, nơi đã kể, ghi là “Cour du Roy”, tức phú chúa Nguyễn ở Thuận Hóa, lúc ấy là Kim Long, ngoại ô Huế ngày nay.
(27) Relation Cardim tr.108-115, kể trong: Cadière, Une princesse chrétienne, B.A.V.H, 1939, tr.114-115.
(28) A.R, Glorieuse mort tr.75. Đối chiếu A.R, Voyages et Missions (1854), tr.235.
(29) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.174
(30) James E.Walsh, bài Harvest Time, trong Mission Bulletin, Hongkong, tháng 6.1954
(31) A.R, Glorieuse mort tr.75, nói rõ Anrê rửa tội lúc 15 tuổi, song lại ghi thêm “chính là ba năm trước khi chết”. Voy et.Mis (1854) tr.235 cũng xác nhận “ba năm trước khi chết”. Anrê chết năm 1644, thọ 19 tuổi, vậy “ba năm trước” là 16 tuổi mới đúng. Vả lại năm 15 tuổi, tức 1640, giáo sĩ Đắc Lộ chưa có đến Phú Yên lần nào.
(32) A.R, Glorieuse mort tr.3
(33) Thực lục quyển II tờ 14 – Liệt truyện quyển II tờ 38 và quyển III tờ 9.
(34) Cadière, Généalogie de l’Epouse de Sãi vương, trong B.A.V.H. 1943 tr.390, 403.
(35) Thoạt đầu (1558) ông Nguyễn Hoàng đóng dinh tại Ai Tử (Quảng Trị) sau ít lâu đi đến Trà Bát. Mùa xuân năm 1626 Sãi vương dời dinh về Phước Yên. Đến năm 1636, con là Công thượng vương lại dời về Kim Long, ngoại ô Huế ngày nay.
(36) Liệt truyện, quyển II, tờ 38. Ngọc Liên còn hai người em gái khác nữa: Ngọc Vạn (lấy vua Chân Lạp) và Ngọc Khoa (lấy vua Chiêm Thành) – xem bài diễn văn: Từ Đồng Nai đến đèo Cả, hay là: Theo dấu hai bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, của Thái Văn Kiểm, và: Từ đèo Cả đến sông Gianh, hay là: Theo dấu hai bà Ngọc Liên, Ngọc Đỉnh của chúng tôi trong Văn hóa Nguyệt san, tháng 9.1959.
(37) Thực lục quyển III, tờ 3. Về Tôn Thất An, có chỗ chép là Yên, có chỗ chép Yến. Chúng tôi cho chữ An đúng hơn cả, vì ông có tước là An Võ hầu, cũng như Nguyễn Cửu Vân: Vân Trường hầu, Nguyễn Văn Thoại: Thoại Ngọc hầu…
(38) và (39) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.226
(40) và (41) Relation Evesques francois, kể trong Cadière: Une princesse chrétienne, B.A.V.H, 1939, tr.122-123.
(42) xem ở trên
(43) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.228.
(44) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.1194-195, giáo sĩ Đắc Lộ còn cho biết ông trấn thủ Phú Yên được “nhà vương gọi về cai trị đất Quảng Nam” (Relation Progrès Foi, tr.7-8) – Voyages et Missions (1854), tr.289-290, cũng cho biết vợ chồng bà Maria Mađalêna có mặt ở Quảng Nam vào đầu năm 1645. Ta biết lúc ấy thế dử Dũng lễ hầu làm trấn thủ Quảng Nam, ông Nghè Bộ đứng đầu hành chánh, thuế má (xem chương VI). Vậy chồng bà Maria Mađalêna không phải về đó làm trấn thủ, cai bạ hay ký lục. Lúc ấy ông đã ngoài 80 tuổi (Voy et Mis tr.227) và đã tới đỉnh danh vọng; vậy hoặc là ông về hưu trí ở Quảng Nam, hoặc chỉ giữ một nhiệm vụ nào tương tự như cố vấn cho cháu là Dũng lễ hầu Nguyễn Phúc Tần.
(45) Trịnh Hoài Đức: Gia Định thông chí. Thành trì chí. Trần Kinh Hòa chú thích, Nam dương học báo (chữ hán) quyển 12 tập II – Aubaret, Histoire et descriptions de la Basse-Cochinchine, 1ère partie, p.2 – Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, có nói việc này song không kể tên (tr.329).
(46) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.195
(47 và (48) Relation Cardim, nơi đã kể
(49) Thực lục quyển II tờ 15, Liệt truyện, quyển II tờ 38.
(50) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.227
(51) Relation Evesques Francois. Kể trong Cadière: Une princesse chrétienne, B.A.V.H, 1939, tr.123.
(52) Liệt truyện, quyển III tờ 9
(53) Liệt truyện, quyển III tờ 38, chép bà cùng mẹ với Hoàng tử Kỳ, và là chị. Bà đứng đầu hàng con gái, Kỳ đứng đầu hàng con trai: vậy bà là con đầu lòng.
(54) và (55) Tôn Thất Hàn: Généalogie des Nguyễn avant Gia Long, B.A.V.H.1920.
(56) Liệt truyện, quyển III tờ 9
(57) Relation Evesques Francois, nơi đã kể
(58) L.Cadière. Généalogie de l’épouse de Sãi vương, trong B.A.V.H. 1943 tr.390. Chính tập gia phả này cũng có đôi chỗ dị biệt với chính phủ nhà Nguyễn. Thí dụ: Nguyễn Phúc Vinh (trong gia phả nhà Nguyễn), ở đây chép là Nguyễn Phúc Ban; gia phả nhà Nguyễn nói đời con Nguyễn Phúc Vinh phải đổi họ là Nguyễn Hữu; ở đây chép tên con là Nguyễn Phúc Khuê.
(59) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.290
(60) Trong tài liệu Princesse Chrétienne (B.A.V.H 1939) giáo sĩ Cadière đã có công thu thập nhiều mẫu tài liệu đầu tay về bà Maria Mađalêna Phú Yên, song giáo sĩ không luận ra bà ấy là ai. Giáo sĩ có nói sơ qua đến ông Nguyễn Phúc Vinh, song không đi sâu vào vấn đề và không nghiên cứu về Ngọc Liên Công chúa, để đem đối chiếu với Maria Mađalêna. Giáo sĩ đặt ra giả thuyết bà Maria Mađalêna 75 tuổi lúc ông trấn thủ 80 tuổi, đó là một phỏng đoán rất dễ sai thực tế vì sự chênh lệch tuổi giữa vợ chồng (chồng già vợ trẻ) không phải là điều hãn hữu trong xã hội Việt Nam.
(61) Sau khi chồng bà rời Phú Yên, bà bị ông quan kế tiếp làm khó vì việc giữ đạo, khoảng năm 1643-1644. Sau bà về ở Quảng Nam, lập một nhà thờ ở cách Hội An nửa dặm, làm nhiều việc đạo đức, từ thiện, giúp nhiều người trở lại đạo. Trong cuốn cấm đạo đời chúa Hiền năm 1665, mặc dầu tuổi tác và dòng dõi quý phái, bà cũng bị bắt, bị hành hạ cực khổ đến nỗi, trong một phút yếu hèn, bà trót chối đạo; song khi về tới nhà, bà thống hối, ăn năn, khóc lóc, tìm ngay đến giáo sĩ để xưng tội, được cha bề trên Louis Chevreuil giải tội cho. Người ta không biết bà chết bao giờ và trong hoàn cảnh nào. (Relation Progrès Foi, Rhodes tr.39 – Relation Evesques Francois tr.86-90 kể trong Cadière: Une princesse chrétienne, B.A.V.H, 1939, tr.121-123.)
Người ta có thể nêu vấn nạn: nếu bà Maria Mađalêna là em ruộc Công thượng vương tất giáo sĩ Đắc Lộ phải đặc biệt chú ý đến địa vị đó của bà, và ghi rõ bà là “em chúa đương thời” cũng như giáo sĩ đã nói về bà Catarina, em ruột chúa Trịnh ở ngoài Bắc – thay vì chỉ nói mơ hồ: bà có họ gần với nhà Vương. Câu vấn nạn nghe như có lý, nhưng không phải không giải đáp được. Giáo sĩ biết rõ bà Catarina là em chúa Trịnh, vì bà ở ngay trong phủ chúa và hình như không xuất giá. Bà Mađalêna, trái lại, đã xuất giá từ ba chục năm trước khi giáo sĩ Đắc Lộ gặp bà ở Phú Yên: nam nội, nữ ngoại, có lẽ vì thế mà ở tỉnh xa xôi này người ta thường biết bà có họ gần với nhà Vương, song không rõ họ như thế nào. Một thí dụ khác: bà vợ ông trấn thủ Nguyễn Cửu Kiều, cũng là em gái chúa Thượng, mà giáo sĩ không hề biết, và cũng không biết cả đến việc bà ấy “có họ” với chúa nữa, mặc dầu giáo sĩ đã được ông bà này tiếp đón ân cần ở Quảng Bình, và giáo sĩ rất chú ý đến việc ông trấn thủ hiểu biết lẽ đạo. Còn như nếu ai ngạc nhiên vì lẽ một bà em ruột chúa mà tòng giáo, thì ta nên gợi lại cái gương của bà Minh Đức, thứ phi chúa Nguyễn Hoàng, lúc ấy, hoặc của Nguyễn Phúc Lễ, cháu nội chúa Hiền sau này (J.B.Roux: Le petit prince chrétien de Dinh Cát trong B.A.V.H 1915, tập 4).
 ______________________________________________



NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG III: TIẾNG GỌI LÊN ĐƯỜNG

Sau sáu tháng hoạt động tại ba phủ phía Nam: Quảng Nghĩa, Quy Nhơn và Phú Yên, giáo sĩ Đắc Lộ trở về Quảng Nam, thì bạn đồng liêu là Benoit de Mattos đã theo tàu Bồ Đào Nha về Ao Môn rồi. Trước thái độ thù nghịch của Ông Nghè Bộ tại Dinh trấn Quảng Nam, giáo sĩ hoạt động rất kín đáo. Nhưng ông quan này cũng dò xét thấy, và tống đạt cho giáo sĩ một sắc lệnh của Công thượng vương bắt phải dời xứ. Sau khi hội ý với các bổn đạo, cha Đắc Lộ tuân lệnh nhà vương, hy vọng vài ba tháng sau sẽ trở lại.
Rời Quảng Nam ngày 2 tháng 7 năm 1641, giáo sĩ qua Phi Luật Tân rồi về Ao Môn. Nhớ lời hẹn với giáo hữu Việt Nam, cuối tháng giêng 1642, nhân có chuyến tàu Bồ Đào Nha, giáo sĩ lại từ Ao Môn sang Hội An.
Trước hết giáo sĩ vào trình diện ông quan trước đã trục xuất mình và dâng tặng mấy đồ vật lạ của Tây phương. Ông Nghè Bộ đổi thái độ rất nhiều. Tiếp đó giáo sĩ lên thẳng Thuận Hóa trình diện chúa Nguyện và dâng cho chúa mấy chiếc đồng hồ mặt in chữ Hán. Chúa Thượng rất hài lòng giữ giáo sĩ ở lại trong Phủ. Trong thời gian ở kinh đô, lúc ấy là Kim Long, ban ngày giáo sĩ cắt nghĩa toán học cho nhà vương, ban đêm ra giảng đạo ở ngoài thành.
Sau ít lâu, sợ giáo sĩ gây thanh thế quá nhiều, chúa Thượng không muốn để ông ở phủ chúa nữa, song cũng không nỡ trục xuất khỏi xứ. Thế là giáo sĩ lại lần lượt đi khắp nước, thăm viếng các bổn đạo cũ, giảng đạo cho người chưa biết Thiên Chúa, cả hai nhiệm vụ rất có kết quả. Tuy nhiên, từ sau khi tàu Bồ Đào Nha nhổ neo, giáo sĩ phải hoạt động kín đáo hơn, đi đâu thường dùng cáng có mui che khuất, ban ngày ẩn náu, ban đêm ngủ ngoài đồng.
Chính trong giai đoạn này, giáo sĩ Đắc Lộ đã hoàn thành công cuộc rất quan trọng, làm nền móng cho việc xây dựng hàng giáo sĩ Việt Nam: đó là việc tổ chức một đoàn thầy giảng có hệ thống và sinh hoạt cộng đồng.
Tông đồ Việt Nam
Buổi khai nguyên Thiên Chúa giáo, các thánh tông đồ đi tới đâu thì chọn người ở đó làm phó tế, linh mục hay giám mục, để mở rộng việc truyền giáo. Thời ấy, bộ giáo luật chưa thành hình, các thánh tông đồ và các vị giám mục thừa kế trực tiếp, chỉ lấy quyền mình mà tuyển chọn những giáo hữu nhiệt thành, đạo đức, và phong cho các chức vụ trong Hội thánh. Khi đạo càng truyền rộng ra, thì luật lệ càng nghiêm chỉnh chặt chẽ, việc phong chức thánh càng khó khăn hơn. Đối với các nhà truyền giáo ở giữa dân ngoại trong thế kỷ XVII, vấn đề này thật là phức tạp. Không có quyền truyền chức thánh, không có phương tiện đào tạo ngay các linh mục theo những luật lệ và điều kiện đã quy định sẵn, các vị này, do nhu cầu thúc bách, đã tạo ra một giải pháp trung gian mà đến nay vẫn còn cần thiết: đó là các “Thầy giảng” lựa chọn ngay trong số các giáo hữu tại địa phương để tham gia nhiệm vụ truyền giáo.
Việc dùng các thầy giảng đã có ở Nam Mỹ từ thế kỷ XVI, và tại Á Châu, chính thánh Phanxicô Xaviê cũng đã áp dụng tại An Độ. Phương cách này được Tòa thánh khuyến khích, và thánh Phanxicô Borgia có đề cập đến trong các chỉ thị gởi cho các cha dòng Tên năm 1567.
Tại Việt Nam, vấn đề thầy giảng cũng nảy sinh do nhu cầu truyền giáo và hoàn cảnh lịch sử như trên, nhưng do một sự sắp đặt riêng của Chúa Quan Phòng, tổ chức này đã trở nên một phương pháp chuẩn bị trực tiếp để thiết lập hàng linh mục vì tất cả các linh mục Việt Nam đầu tiên đều xuất thân từ hàng thầy giảng. Đó là công nghiệp đặc biệt của giáo sĩ Đắc Lộ.1
Thực ra trước khi giáo sĩ Đắc Lộ đến Đàng Trong lần thứ nhất (cuối năm 1624) và trở lại lần thứ hai (1640), giáo sĩ Buzomi và các đồng liêu đã dùng giáo hữu người Việt cộng tác vào việc truyền giáo, và cũng gọi là “thầy giảng” song những thầy giảng này không có khấn hứa, không thành đoàn thể. Chính trong thời kỳ truyền giáo ở xứ Bắc từ 1627 đến 1630, giáo sĩ Đắc Lộ đã có sáng kiến lập đoàn thầy giảng đầu tiên, với những phần tử nổi tiếng như Antôn và Phanxicô, trước là thầy chùa, Ynhaxô và Anrê v.v…
Đoàn thầy giảng này làm lễ khấn vào tháng 5 năm 1630, trước khi giáo sĩ Đắc Lộ phải trục xuất. Từ đó, mặc dầu trong xứ không có giáo sĩ nào, họ vẫn hăng hái truyền giáo, chỉ trong 10 tháng đã dạy dỗ và rửa tội được 3.340 người, và xây cất hai mươi ngôi thánh đường ở khắp xứ.
Nay trở lại với xứ Đàng Trong lần nữa, giáo sĩ Đắc Lộ lại dùng kinh nghiệm tốt đẹp đó để củng cố và bành trướng Giáo hội miền Nam. Ngài không ngờ rằng tổ chức mới này sẽ đem lại kết quả còn vẻ vang hơn tổ chức trước, vì trong mười thầy giảng đầu tiên, có đến ba vị được phúc tử đạo, mà trong ba vị đó, lại có một anh hùng lừng lẫy: thầy giảng Anrê.
Giáo sĩ ghi chép công cuộc gây dựng đoàn thầy giảng trong năm 1642 như sau:
“… Tôi bắt đầu đi về phía Nam, qua hết các tỉnh, đến tận biên cảnh Chiêm Thành, rồi lại ngược lên phía Bắc, đến tận giáp giới Đàng Trong.
“Lòng đạo đức của giáo hữu vẫn như các năm trước, nên tôi không có điều gì đặc biệt phải nói, nhưng tôi không thể không kể đến ơn Đức Chúa Trời đã xui khiến mười thanh niên đến hợp tác với tôi trong việc truyền bá Đức Tin cho dân chúng ở đây. Mười thanh niên ấy ở các tỉnh khác nhau mà đến, nhưng có một tâm hồn như nhau, tất cả đều dâng mình cho Chúa và tận tâm với Hội thánh. Trong số đó có ba người được Chúa ban phúc tử đạo vinh quang: Ay là hiền nhân Anrê đến với tôi tại Phú Yên; thầy Ynhaxô một nhân vật có địa vị lớn, vì trước đã làm quan, có kiến thức rộng vì tinh thông hán học, nhất là có nhân đức cao cả, vì chính là một đấng thánh. Thầy nguyên quán ở một tỉnh phía Bắc, được tôi rửa tội, rồi từ đó không muốn rời tôi nữa, và nói thật ra, chưa bao giờ tôi được hạnh ngộ như đã gặp thầy.
“Người thứ ba là Vinh Sơn, đã nài nẵng tôi từ lâu để nhập đoàn thầy giảng; thân phụ là một giáo hữu rất lâu đời ở Quảng Nghĩa, đã bằng lòng dẫn thầy đến cho tôi, mặc dầu thầy là hy vọng lớn lao của cả gia đình và là sự nương tựa của ông trong tuổi già.
“Bảy thầy giảng khác đều giống hệt như ba thầy trên…”2
Từ nhà mẹ đến nhà Chúa.
Con đường nào đã dẫn cậu Anrê từ một thiếu niên nơi đồng bãi, trở nên một phần tử xuất sắc trong đoàn thầy giảng nói trên?
Sau khi được rửa tội vào khoảng tháng 5 năm 1641, thiếu niên Anrê vẫn ở nhà với mẹ. Trước kia, bà đã chăm sóc dạy dỗ con, thì từ lúc con vào đạo, bà lại càng chăm sóc hơn nữa, nhờ đó mà Anrê sớm có căn bản đạo đức. Giáo sĩ Đắc Lộ nói:
“Thầy bản tính hiền lành, trong sạch, ngay thật, rất có khả năng chịu mọi tác dụng của ơn thánh hóa. Mới chịu phép Rửa tội chưa bao lâu, thầy đã miệt mài trên đường nhân đức, và đã tiến bộ mau chóng, đến nỗi chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt được trình độ mà người khác phải nhiều năm mới đạt tới”.3
Chẳng bao lâu, tự thâm tâm, Anrê đã nghe tiếng gọi thiêng liêng:
“Không mãn nguyện với bậc giáo hữu, thanh niên ấy nảy ý định tham gia vào việc làm cho nhiều người trở lại”.4
Dịp may đưa đến: năm 1642, giáo sĩ Đắc Lộ trở lại Phú Yên lần thứ hai 5. Anrê liền ngỏ ý tình nguyện đi theo giáo sĩ giúp việc truyền giáo. Thoạt đầu, giáo sĩ từ chối không nhận, vì nghĩ rằng thời buổi cấm đạo, không nên đem nhiều người theo. Vả lại, Anrê hãy còn nhỏ tuổi, chưa biết giảng dạy cho bổn đạo, mà chữ nghĩa cũng còn ít. Nhưng Anrê vẫn năn nỉ mãi không thôi, lại cậy nhờ những người quen thuộc nói giúp, sau cùng cả hai mẹ con cùng đến van nài, giáo sĩ phải nhận lời.6
Thế là Anrê từ giã gia đình, đồng ruộng, từ giã dòng sông Cái với nghề chài lưới, giữ bỏ trần tục giữa buổi hoa niên để đi theo tiếng gọi của Chúa. Mười bảy thế kỷ trước, một trường hợp y hệt như vậy đã xảy đến cho một Anrê khác, bổn mạng của Anrê này. Đó là lúc Chúa Cứu Thế bước vào đời công khai truyền giáo. Trên bờ sông Giođan, hai thanh niên nghe nói Người là Đấng Cứu Thế, liền tự ý đi theo Chúa. Chúa quay lại hỏi: Các bạn đi tìm ai? – Họ trả lời: lạy Thầy, Thầy ở đâu? – Chúa nói: hãy đến rồi sẽ biết. – Họ liền theo về nơi Chúa ngụ và đã trở nên Tông đồ Chúa trước hết: Gioan, ngót 20 tuổi và Anrê. Ngày hôm sau, Anrê lại dẫn anh một mình là Simon, làm nghề chài lưới đến cùng Chúa, được Chúa nhận và đổi tên là Phêrô, nghĩa là đá. Lần lượt, Chúa chọn thêm chín người khác nữa lập thành giáo đoàn thập nhị tông đồ.7
Trường huấn luyện
Lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng, cho nên lại có một Anrê, trên bờ sông Cái, bỏ hết mọi sự để theo Chúa. Được nhận vào đoàn Tông đồ đầu tiên ở xứ Nam cùng với chín thành niên khác, lựa chọn trong lớp ưu tú của giáo đoàn sơ khởi, Anrê bắt đầu thời kỳ tập sự. Lúc ấy giáo đoàn có hai trụ sở chính: Đà Nẵng và Hội An. Mỗi nơi đều có nhà thờ chung cho bổn đạo, và nhà riêng cho cha Đắc Lộ và các thầy. Những khi gặp khó khăn phải ẩn náu, đoàn tông đồ thường ở Hội An hơn ở Đà Nẵng. Nhưng nói cho đúng hơn, đó là một trường huấn luyện lưu động: đoàn tông đồ vừa học tập vừa thực hành, học tập ngay trong thực hành, nay đây mai đó, không khác gì mười hai tông đồ của Chúa Cứu Thế xưa kia.
Tại “trường Thầy giảng” hay “Chủng viện” đầu tiên này ở xứ Nam, giáo sĩ Đắc Lộ vừa là giám đốc, linh hướng và giáo sư chính. Là đệ tử của đại thánh Ynhaxô, sáng lập dòng Tên, giáo sĩ lại có dịp đem ra áp dụng các nguyên tắc của vị thánh tổ, vừa chăm lo đào tạo nhân đức đến bậc anh dũng, vừa chú ý mở rộng trí thức, nâng cao trình độ văn hóa của người tông đồ.
Ngoài sự thuyết giáo hằng ngày và hướng dẫn đạo đức thường xuyên của giáo sĩ, các thầy giảng cũng có sẵn một số tài liệu huấn luyện căn bản, đồng thời là những lợi khí thực tập việc truyền giáo.
Hồi mùa xuân năm trước (1641), giáo sĩ Đắc Lộ đã nhận được một số sách tôn giáo do các cha Dòng Tên in ở Đàng Ngoài, giáo sĩ liền cho chép ra làm nhiều bản để tiện dụng ở các họ giáo Đàng Trong8. Ta biết rằng lúc cha Đắc Lộ còn ở xứ Bắc, ngài đã bắt đầu soạn cuốn sách giáo lý bằng chữ “quốc ngữ”9, mà sau này (1651) nhà in của Tòa thánh La Mã đã phải đúc chữ riêng để ấn hành: Cuốn Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà beào (vào) đạo thánh Đức Chúa Blời (Trời, Lời)10. Giáo sĩ cũng soạn sách suy ngắm sự thương khó Chúa Giêsu, và bà công chúa Catarina, em chúa Trịnh Tráng, là một nữ thi sĩ, soạn quyển tiểu sử Chúa Giêsu bằng thơ nôm11. Nay trở lại Đàng Trong, giáo sĩ không thể không đem ra khai thác các tài liệu ấy, nhất là cuốn Phép giảng tám ngay.
Tác phẩm này, gọi như thế, vì các đề tài giảng dạy chia ra tám ngày – như tám chương sách – trình bày khá cặn kẽ các kiến thức căn bản về Đạo, cả về hai phương diện giáo lý và lịch sử. Cứ nội dung và hình thức, đó là một tài liệu tiện dụng cho các thầy giảng, và cả cho các giáo sĩ – hơn là “sách phần” phổ thông cho bổn đạo.
Mặt khác, cha Đắc Lộ còn nhập cảng một số sách do các cha dòng Tên soạn và in bằng chứ hán ở Trung Hoa, như cuốn giáo lý mà ngài dâng tặng quan thái sư, hay bộ sách toán pháp tặng chúa Thượng.12
Ta biết rằng, từ năm 1584, tại Trung Quốc đã xuất bản một cuốn giáo lý đầu tiên bằng chữ hán, do giáo sĩ Ruggieri, dòng Tên, biên soạn. Ít lâu sau, cuốn ấy được thay thế bằng một tác phẩm đầy đủ hơn, thích hợp hơn với khung cảnh văn hóa Trung Hoa, do giáo sĩ Mateo Ricci (Lợi Mã Đậu), dòng Tên người Ý, soạn trong chín năm liền, từ lúc còn ở Triều Châu (Quảng Đông) năm 1594, và ấn hành tại Bắc Kinh năm 1603 dưới nhan đề Thiên Chúa thực nghĩa. Giáo sĩ Ricci còn soạn và xuất bản nhiều sách chữ hán khác để phổ biến lý tưởng Thiên Chúa giáo, như các cuốn:
Giao hữu luận
Thiên Chúa giáo yếu
Kỳ nhân thập thiên
Những tác phẩm này gây ảnh hưởng rất lớn trong giới sĩ phu Trung Quốc, và giáo sĩ Ricci nghiễm nhiên trở thánh một vị “tiến sĩ” thời danh13. Giáo sĩ Đắc Lộ cùng một dòng tu với giáo sĩ Mã Đậu, và đến Ao Môn chỉ cách 13 năm sau khi ông này từ trần ở Bắc Kinh (1610), không thể nào không thừa hưởng gia tài văn hóa đó. Là một nhà giáo dục, đã từng làm giáo sư ở tu viện Ao Môn trong mười năm, nay phải đào luyện các tu sĩ Việt Nam biết chữ hán, lẽ nào cha Đắc Lộ không đem xử dụng các sách giáo khoa giá trị có sẵn ấy, nhất là cuốn giáo lý hán văn.
Ngoài việc tu luyện nhân đức và học tập giáo lý bằng quốc ngữ, chữ nôm và chữ hán, các thầy giảng lại tiếp tục học các khoa kinh sử cổ điển, vừa để bồi bổ văn hóa truyền thống, vừa để rút ở đó những lý luận thích ứng để áp dụng vào khoa minh giáo14. Về môn học này, trong đoàn thầy giảng có sẵn một giáo sư tài ba là thầy giảng Ynhaxô, một vị sinh đồ15 và cựu quan ở Chính Dinh. Và thầy giảng Anrê Phú Yên đã tỏ ra một môn sinh xuất sắc hơn cả. Giáo sĩ Đắc Lộ làm chứng:
“Tôi giao thầy (Anrê) cho một trong những thầy giảng khác của tôi là Ynhaxô, là người rất khôn ngoan, thông thái, để học văn chương Trung Quốc; Anrê học hành có kết quả đến nỗi Ynhaxô phải nói với tôi rằng: trong tất cả các môn sinh, không một người nào đọ kịp trí tuệ của Anrê; thầy linh lợi thông minh, học đâu hiểu đó”. 16
Trên, ta đã thấy, ngay từ những năm còn nhỏ bé ở quê nhà, Anrê đã được mẹ cho theo học chữ nghĩa thánh hiền. Nay thầy 18 tuổi, với một trí thông minh và một chí hiếu học như vậy, Anrê đã phải học hết Tứ thư, Ngũ kinh, căn bản luân lý và văn hóa Á Đông.
Tóm lại, trường các thầy giảng, ngoài tính cách là trường tu sĩ, còn là trường quốc ngữ đầu tiên, và cũng là trường đầu tiên ở xứ Nam dung hợp hai nền văn hóa Đông Tây. Riêng về chữ quốc ngữ, các thầy giảng có lẽ không chỉ đóng vai học trò, mà còn có thể đã góp ý kiến với giáo sĩ Đắc Lộ, giúp giáo sĩ rút kinh nghiệm thực tế để hoàn bị lối phiên âm quốc ngữ17, và sửa chữa bản thảo cuốn giáo lý và cuốn tự điển Việt Bồ La của ngài.18
Trong khi theo đuổi việc tu đức và học vấn, thầy giảng Anrê lại chăm chỉ làm việc phần xác, một phương tiện thánh hóa rất hiệu nghiệm. Giáo sĩ Đắc Lộ cho biết:
“Người thầy không khoẽ mạnh gì lắm, thế mà việc khó mấy trong nhà, thầy cũng làm luôn, nhiều khi lại làm quá sức mình; thầy quên mình để giúp kẻ khác.”19
Ngày nay ta thấy các thầy trợ sĩ trong dòng tu, làm mọi việc: dọn dẹp nhà thờ, dọn nhà, nấu bếp, giặt ủi, đi chợ, làm vườn, làm ruộng, phá rừng, chăn nuôi v.v… Thầy giảng Anrê đã làm một phần những dịch vụ ấy với tất cả sự tận tâm để nên thánh bằng cần lao, như biết bao vị đại thánh của Giáo hội.
Thời kỳ huấn luyện này kéo dài từ khoảng giữa hoặc cuối năm 1642 đến hết tháng bảy năm 1643. Tóm tắt những hiệu quả đối với thầy giảng Anrê về đường nhân đức, giáo sĩ Đắc Lộ đã ghi:
“Anrê ở nhà tôi chỉ ít lâu, nhân đức trong linh hồn thầy đã biểu lộ ra ngoài; thầy sống giữa chúng tôi như một vị thánh nhỏ; thầy có tư thái hiền hậu, đức vâng lời mau lẹ, rất kính trọng mọi người, khiến ai ai cũng đều cảm phục”. 20
Giáo sĩ lại cho biết, đối với Anrê, tất cả những thiên tư về đường tự nhiên chẳng làm hại chút nào đến những thiên tư về đường siêu nhiên, và:
“Tất cả những lợi điểm đó chẳng làm cho thầy có chút vẻ gì là kiêu ngạo hay tự mãn: Thầy coi mình như kém hết mọi người, và không có gì làm cho thầy bằng lòng hơn là được dịp phụng sự kẻ khác”.21
Lời thề năm ấy…
Vào khoảng giữa năm 1643, tàu Bồ Đào Nha đã trở qua lần nữa, và sau một thời gian đậu ở Hội An, đã bán hết hàng hóa, chỉ còn chờ ngày nhổ neo về Ao Môn. Nghe tin ấy, giáo sĩ trở về Hội An22 để gặp các người Bồ Đào Nha. Mọi người khuyên giáo sĩ xuống tàu với họ, tạm rời xứ ít tháng để vua quan yên lòng, rồi chuyến sau sẽ trở lại, sẽ lại trình diện chúa Nguyễn, và có lẽ sẽ được tự do hơn trong việc giúp đỡ bổn đạo.
Cha Đắc Lộ nhận lời khuyên hợp lý ấy. Nhưng trước khi rời xứ, giáo sĩ muốn tổ chức lễ khấn hứa long trọng cho các thầy giảng, cũng như ngài đã làm ở Đàng Ngoài trước khi bị trục xuất.
Để làm việc hệ trọng này, giáo sĩ đã chọn ngày lễ kính thánh Ynhaxô, 31 tháng 7. Một sự lựa chọn đầy ý nghĩa: sau khi đã được huấn luyện theo tinh thần và phương pháp của vị thánh tổ, các thầy lại làm lễ xuất phát dưới sự bảo trợ của Người để lên đường đi chinh phục các linh hồn, khác nào như phần tử của đại gia đình dòng Tên vậy.
Hôm ấy, nhà thờ Hội An23 trang hoàng rất trọng thể, đông chật các giáo hữu. Trong một bầu không khí trang nghiêm, sốt sắng, mười thanh niên – trong đó có Anrê Phú Yên – tay cầm đuốc sáng, tiến lên trước bàn thờ. Sau khi phủ phục làm việc thống hối và cầu nguyện Chúa Thánh Thần, họ đặt tay lên sách Phúc Am “tuyên thệ suốt đời phụng sự Hội thánh, không bao giờ lấyvợ, và sẽ vâng lời các cha Dòng đến giảng đạo trong nước hoặc những vị thay mặt các cha”.24
Các thầy đọc lời khấn hứa rất sốt sắng, nước mắt dàn dụa, khiến những người chứng kiến vô cùng xúc động, và thêm vững mạnh trong nhân đức Tin. “Phần tôi – lời cha Đắc Lộ – đứng cạnh bàn thờ, nhìn thấy những con người trong sạch kia dâng mình làm của lễ cho Chúa cách thành khẩn như vậy, tôi sung sướng vô cùng, trong lòng ngợi khen Thiên Chúa, nước mắt chảy dòng dòng”.25
Sau đó giáo sĩ chỉ thị cho các thầy giảng những việc phải làm trong khi giáo sĩ vắng mặt. Các thầy giảng được chia làm hai toán. Một toán do Ynhaxô cầm đầu, sẽ hoạt động ở các dinh phía Bắc, đến tận sông Gianh. Một toán phụ trách các phủ miền Nam, đến tận đèo Cả, dưới quyền điều khiển của Đamasô.
Thầy giảng Anrê Phú Yên rất có thể xin gia nhập phái đoàn miền Nam, để được dịp về thăm mẹ già, ra mắt bà con họ hàng. Nhưng không! Ông đã là thành phần của phái đoàn miền Bắc, luôn luôn hoạt động bên cạnh thủ lĩnh Ynhaxô26. Vì vâng lời hay lựa chọn tự do, cử chỉ này đã biểu lộ ý chí siêu thoát, nhân đức khiêm nhường và tinh thần tận hiến của ông cho sự nghiệp tông đồ.
Ynhaxô, trưởng toán miền Bắc, được cử kiêm lãnh nhiệm vụ chỉ huy toàn thể các thầy giảng. Đó là một thanh niên sĩ khí, nguyên quán tại Liêm Công, gần Cửa Tùng, trong tỉnh Quảng Trị, sinh năm 1609, đời chúa Nguyễn Hoàng. Học thức rộng, tinh thông kinh sử, ông được bổ một chức quan trong Dinh ông tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, con bà Minh Đức Vương thái phi. Ông đã lập gia đình, song vợ chết sớm. Ông trở lại đạo cùng một năm với thầy giảng Anrê (1641) hồi 32 tuổi, nhờ một người chú có đạo giới thiệu với cha Đắc Lộ, và được rửa tội tại Quảng Nam. Giáo sĩ đặt cho ông tên thánh là Ynhaxô vì nhận thấy ông là người văn học sáng trí, học đạo rất mau và thông hiểu nhiều lẽ cao siêu, xứng đáng là môn đệ vị thánh sáng lập dòng Tên. Sau đó ông từ chức quan, bỏ hết của cải, danh vọng, để nhập đoàn thầy giảng. Ong rất khiêm nhường nên không nhận chức Bề trên, song cha Đắc Lộ truyền cho ông phải vâng lời, ông mới chịu27. Mọi người đều hoan hỉ về việc tranh cử ấy, vì thầy Ynhaxô “lớn tuổi hơn, có khả năng hơn hết, và nhất là cũng rất nhân đức như các thầy khác”. 28
Giáo sĩ Đắc Lộ cảm phục ông nhất là vì “ông được Chúa ban ơn riêng có biệt tài giảng thuyết, đến nỗi nhiều khi giảng, suốt đêm mà người nghe không chán, không một thính giả nào đã nghe ông mà không muốn ông cứ nói mãi”. Và giáo sĩ nói thêm: “Tôi biết chắc nhiều người đọc những dòng này khó lòng mà tin điều tôi nói, song chắc chắn tôi chỉ nói điều mà tôi đã thấy”. 29
Như vậy, thầy giảng Anrê, cũng như các bạn đồng sự, đã được hưởng nhờ nhiều do tài ba, học thức cũng như kinh nghiệm và nhân đức của thầy đoàn trưởng Ynhaxô.
Bổ túc cho nền giáo dục căn bản ở gia đình và những gương sáng trong họ giáo quê hương, trường thầy giảng đã hoàn thành việc đào tạo Anrê, giúp Anrê tiến bước cao trên đường thánh thiện và đầy đủ khả năng tông đồ.
_____________________________________________
Chú thích
(1) Nguyễn Hữu Trọng, Les Origines du Clergé Vietnamien, tr.107-109.
(2) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.187-188. Sau đây, sẽ nói rõ thêm về thầy giảng Ynhaxô.
(3) A.R, Glorieuse mort tr.76
(4) A.R, Glorieuse mort tr.76
(5) Có lẽ khoảng giữa năm, theo văn mạch ở chương XXI, Voyages et Missions, tr.184-188
(6) Theo Glorieuse mort tr.77, Anrê “nài xin hơn một năm” mới được nhập đoàn thầy giảng. Theo Voyages et Missions (1854), tr.187, thầy giảng Anrê “đến gặp cha Đắc Lộ khi giáo sĩ đến Phú Yên” (khoảng giữa năm 1642); cứ văn mạch thì có lẽ ông theo giáo sĩ ngay từ lúc đó. Vậy “hơn một năm nài xin” tức phải kể ngay từ lúc rửa tội (tháng 5-1641). Đối chiếu P.B. Truyện Đàng Trão, tr.47.
(7) Jo.I,35-51. Khi viết Phúc âm, thánh Gioan không kể tên mình ở chỗ này, song nhiều nhà nghiên cứu Phúc âm coi là chính tác giả. Đối chiếu: Daniel-Rops: Jésus en son temps, tr.190-191.
(8) Relation Cardim, kể trong Cadière, Princesse chrétienne tr.114-115.
(9) Xem Chappoulie, Rome et les Missions d’Indochine, I tr.35.
(10) Cuốn này in bằng hai thứ tiếng La Tinh và Quốc ngữ đối chiếu, dày 319 trang, nhan đề La tinh: “Cathechismus pro ijs qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus. Lần đầu tiên được dịch đầy đủ ra tiếng Pháp và in làm phụ lục trong Chappoulie, s.đ.k từ tr.147 đến 261.
(11) Rhodes, Histoire du royaume de Tonkin, tr.26.
(12) Xem chương V dưới đây.
(13) Mateo Ricci là người đầu tiên đã dịch bộ sách toán học của Euclide ra một thứ tiếng Á Châu, Hoa ngữ (1607), và cũng là người đầu tiên dịch bộ Tứ thư ra một thứ tiếng Châu Au, La tinh (1591-1593). Ông còn để lại một bộ ký sự về việc truyền giáo ở Trung Hoa bằng tiếng Ý rất giá trị: Storia dell’Introduzonei del Christianesimo in Cina (1609). Cuốn toán học nhan đề: Kỷ hà nguyên bản Viên Dung hiệu nghĩa.
(14) Đối chiếu: A.R, Voyages et Missions (1854), tr.222
(15) P.B. Truyện Đàng Trão, tr.105 – Theo phép thi đời Lê, ai đậu ba kỳ thi hương gọi là sinh đồ. Đến thời Nam-Bắc phân tranh, năm nhâm thân 1632, đời chúa Sãi, có mở các kỳ thi để chọn các hàng quan lại cấp nhỏ, song chưa đặt thành quy củ. Đến đời chúa Thượng, năm đinh hợi 1647, đặt lại thể lệ các khoa thi. Thi “chính đồ” đậu hạng nhất gọi là giám sinh, được bổ tri phủ tri huyện, hạng nhì gọi là sinh đồ, được bổ làm huấn đạo, hạng ba cũng gọi là sinh đồ, song chỉ được bổ làm lễ sinh hoặc nhiêu học. Từ đời Minh Mạng, sinh đồ, đổi là tú tài – Philipphê Bỉnh gọi Ynhaxô là sinh đồ, hẳn căn cứ vào tài liệu cha Đắc Lộ nói “trước ông đã làm quan, và tinh thông hán học”: vậy ít nhất ông cũng phải có bằng sinh đồ.
(16) A.R, Glorieuse mort tr.77
(17) Nhà học giả Nguyễn Văn Tố cũng có nêu ý kiến tương tự trong bài: Le Père Alexandre de Rhodes et la transcription du quốc ngữ. Tạp chí “Indochine”, số 41 (1941), tr.27.
(18) Đó là cuốn Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum, do nhà in của thánh bộ truyền giáo La Mã ấn hành năm 1651.
(19) A.R, Glorieuse mort tr.78
(20) và (21) A.R, Glorieuse mort tr.77
(22) Ở chỗ này, giáo sĩ Đắc Lộ gọi cửa bể này là “Port de la Rivière de Cham” (Voy et Mis, tr.192). Cứ theo mạch lạc tường thuật ở chương XXIII (Voy et Mis) thì cửa này khác hẳn với một cửa bể khác mà giáo sĩ gọi là “Province de Kean” (ibid, 194) hoặc “Port de Kean” (ibid,198)
Vậy “Port de la Rivière de Cham” chính là Hội An, ở cửa sông Thu Bồn. Sông này là sông lớn nhất tỉnh Quảng Nam, và chảy trước dinh trấn Quảng Nam (tại làng Thanh Chiêm ngày nay). Giáo sĩ gọi tỉnh này là “Cacciam” hoặc “Province de Ciam” và dùng chữ “Dinh Ciam” để vẽ địa điểm dinh trấn ở làng Thanh Chiêm, vì vậy sông Thu Bồn được gọi là “Rivière de Cham” và cửa bể là “Port du Cham” (Voy et Mis tr.90, 287). Giáo sĩ ghi cửa bể này trong bản đồ là “Haifo” (có lẽ do chữ “Hải Phố” ngày xưa) hoặc chép “Faiso” (Voy et Mis 1854, tr.146) tức Faifo.
Còn danh từ “Port de Kean” chính là Cửa Hàn, Đà Nẵng, Tourane (giáo sĩ ghi trên bản đồ là “Touron”). Chữ “Kean” có lẽ là phiên âm chữ “Kẻ Hàn”, tiếng bình dân ngày trước chỉ người ở Cửa Hàn (cũng như Kẻ Chợ: Hà Nội). Cũng vậy, chữ “Cacciam”, “Cacham” do Kẻ Chiêm”, người ở làng Thanh Chiêm (chứ không phải như người ta vẫn nghĩ là Kẻ Chàm, với ý nghĩa đất của người Chàm).
(23) Sở dĩ biết được lễ khấn này làm tại nhà thờ Hội An, vì lúc ấy giáo sĩ Đắc Lộ đang có mặt tại đó để sửa soạn đáp tàu đi Ao Môn (Voy et Mis (1854) tr.192) và sau khi giáo sĩ rời xứ, các thầy giảng liền đi Cửa Hàn (Kean, ibid, tr.194) và ở đó một tháng. Căn nhà giáo sĩ cũng như nhà thờ Hội An lúc đó, có lẽ ở phương Sơn Phố ngày nay, trong thành phố Hội An: tại đây, người ta đã tìm thấy mộ cổ của một giáo sĩ dòng Tên chết năm 1726. Vị trí mộ cổ ấy có thể là dấu chỉ địa điểm trụ sở truyền giáo xưa (xem A.Sallet: Le Vieux Faifo, trong B.A.V.H, 1919 tr.501-555).
(24) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.193 – A.R, Glorieuse mort tr.79
(25) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.193 – A.R, Glorieuse mort tr.79
(26) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.193
(27) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.187, 198 – Relation Saccano tr.27 – P.B. Truyện Đàng Trão, s.đ.k, tr.105-107 – Cadière, Princesse chrétienne, B.A.V.H.1939 tr.79. Chú 1, Phạm Đình Khiêm, Minh Đức Vương thái phi, tr.83 – Giáo sĩ Đắc Lộ ghi quê ông Ynhaxô ở làng Hemcum. Cha Cadière nhận định nơi đó là Liêm Công, gần cửa Tùng.
(28) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.193
(29) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.301-302
 ________________________________________________

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG IV: TỪ ĐÈO CẢ ĐẾN SÔNG GIANH

Tháng 9 năm 643, sau khi giáo sĩ Đắc Lộ đáp tàu đi Phi Luật Tân để về Ao Môn, mười anh em thầy giảng Việt Nam cũng rời Hội An đi Đà Nẵng1. Tại đây, cha con giáo sĩ có một ngôi nhà, nhưng đã bị người ngoại phá hỏng. Các thầy hiệp sức dựng lại ngôi nhà ấy để ở. Trong khi đó, Anrê Phú Yên, vì quá nhiệt thành, làm việc đến quên mình, nên mắc bệnh trầm trọng, tưởng khó lòng sống sót nếu Đức Chúa Trời không gìn giữ để được hy sinh trong một dịp khác tốt lành hơn2. Mấy bạn đồng liêu khác cũng mắc bệnh.
Thầy Ynhaxô, bề trên, hạ mình làm tôi tớ mọi người, ngày đêm săn sóc các bệnh nhân, không một việc gì, dẫu tầm thường hay khó nhọc đến đâu, mà thầy không làm để giúp đỡ anh em.
Vào đầu tháng chạp 1643 3 sau khi mọi người đã khỏe mạnh, các thầy chia nhau đi giảng đạo theo lời dặn của cha Đắc Lộ.
Phái đoàn miền Nam
Đamasô hướng dẫn bốn bạn đồng liêu xuống miền Nam, lần lượt qua các phủ Quảng Nghĩa, Quy Nhơn, rồi xuống tận Phú Yên. Các thầy hoạt động có hiệu quả đến nỗi trong ba tháng, rửa tội được hai trăm chín mươi ba người trong hoàn cảnh không thể trì hoãn được. Ngoài ra các thầy còn sửa soạn cho nhiều người khác sẵn sàng chịu phép rửa tội khi giáo sĩ Đắc Lộ trở lại.
Tại Phú Yên, lúc ấy ông trấn thủ chồng bà Maria Mađalêna đã đổi đi nơi khác4. Ông trấn thủ mới không như ông cũ, rất ghét người công giáo. Thấy đoàn thầy giảng hoạt động có hiệu quả nhiều người ngoại đến khiếu nại với ông, ông liền sai người đi lùng bắt các thầy. Lính không từ cả nhà bà Maria Mađalêna, mặc dầu bà là người hoàng tộc và là vợ ông trấn thủ trước. Chúng xông xáo trong nhà bà, lục lọi từng phòng, để tìm các thầy giảng, nhưng các thầy không còn ở đó nữa. Đến khi biết chuyện này, các thầy lấy làm buồn vì đã mất một cơ hội chịu khó vì Chúa, nhưng bà Maria Mađalêna lại chẳng hề buồn vì đã phải xỉ nhục vì danh Chúa.5
Nhiều giáo hữu khác cũng bị khủng bố. Một bà quả phụ đạo đức kia, trong nhà có nhà nguyện, lính đến bắt bà phải triệt hạ đi. Bà nhất quyết không nghe, lúc thì mạnh mẽ chống trả, lúc dùng lời hiền hậu, luôn luôn bênh vực danh Chúa, sau cùng bà đã thắng dã tâm của kẻ nghịch đạo. Một bà khác, tên thánh là Angiêla, thấy mẹ chồng là Monica triệt hạ bàn thờ vì quá sợ lệnh quan, buồn phiền đến nỗi phát bệnh mà chết, như không chịu nổi tội lỗi nặng nề của mẹ chồng.
Phái đoàn miền Bắc
Trong khi phái đoàn miền Nam hoạt động có hiệu quả như vậy, phái đoàn miền Bắc do Ynhaxô lãnh đạo, còn tỏ ra đắc lực hơn nữa. Cũng trong thời gian ngắn ngủi ba tháng, họ đã rửa tội được ba trăm ba người.
Trước hết các thầy hoạt động tại Thuận Hóa6, kinh đô chúa Nguyễn. Tại đây các thầy rất vui mừng được gặp bà Minh Đức Vương thái phi và được bà giúp đỡ đắc lực. Riêng thầy giảng Ynhaxô lại càng có liên hệ mật thiết với bà, bởi vì trước khi tòng giáo, Ynhaxô đã từng làm quan trong dinh ông tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, con bà, do đó mà được nhờ gương sáng đạo đức của bà7. Nay Ynhaxô đã trở nên lãnh tụ các thầy giảng, trong khi bà Minh Đức vẫn là thủ lãnh các giáo hữu, hai tông đồ gặp nhau, càng chiếu sáng Đức tin ở chốn Kinh đô.
Ngoài bà Minh Đức, các thầy giảng còn được sự cộng tác đắc lực của ba giáo hữu từ nơi xa đến kinh đô trú ngụ để tiện bề giữ đạo và làm tông đồ.
Nguyên trước đây hai năm, giáo sĩ Đắc Lộ đến giảng đạo ở Kẻ Đại trong ba ngày, rửa tội được ba trăm người do các thầy giảng sửa soạn trước8. Sau cuộc rửa tội lớn lao này, những giáo hữu đứng đầu đều bị kẻ nghịch thù oán, nhất là ông Aucơtinh người dạy giáo lý, ông Phaolô, một người thế giá giáu có, và con trai ông là Philipphê. Để tiện bề giữ đạo, ba người sẵn lòng bỏ nhà cửa, ruộng vườn, tản cư đến Kim Long, sống trà trộn trong đám dân cư đông đúc ở Kinh đô. Hai cha con ông Phaolô là người văn học, liền mở hai trường dạy học, ở đối diện nhau, để vừa có kế sinh nhai, vừa tiện làm việc truyền giáo. Quả thực, họ đã khuyên được nhiều người sẵn sàng trở lại đạo.
Một hôm Công Thượng vương ra phố, đi ngang qua trường học, bắt gặp ông Phaolô, mà trước kia chúa đã quen biết và có lòng yêu. Chúa liền gọi vào phủ, phong cho một chức ở ty Xá Sai9. Được hưởng sự may mắn bất ngờ, ông Phaolô hết lòng tạ ơn Thiên Chúa, và càng nhiệt thành hơn với việc tông đồ, “khiến người ta có thể nói đó là một thánh Phaolô tông đồ ở Kinh đô Đàng Trong”.10
Như vậy, khi Ynhaxô và bốn thầy giảng đến Thuận Hóa, cánh đồng đã nhiều lúa chín, chỉ còn chờ gặt: các thầy rửa tội, dạy đạo lý, và khuyến khích mọi người giữ vững Đức tin.
Lễ Sinh nhật năm ấy (1643), đoàn thầy giảng được có mặt tại Kinh đô. Và lịch sử Giáo hội Việt Nam đã được ghi một cuộc mừng lễ Sinh nhật khá ly kỳ, tổ chức ngay trong dinh ông tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, con bà Minh Đức. Tại đây, thầy giảng Anrê, vốn có tài khéo léo, dựng nên một hang đá rất đẹp, có tượng Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ giữa thánh Giuse và Đức Mẹ11. Giáo hữu khắp vùng lân cận kéo đến viếng Chúa Hài Đồng. Chính ông tổng trấn Nguyễn Phúc Khê cùng tất cả con cháu, gia nhân cũng “đến thờ lạy và triều yết Vua vinh hiển xuống thế làm người”12. Không có linh mục, không có thánh lễ Misa, nhưng có một điều đặc biệt: một phụ nữ đã mạnh dạn và sốt sắng lên tiếng trước mặt giáo hữu và quan khách để giảng những sự cao cả về Chúa giáng trần. Phụ nữ ấy chính là bà Minh Đức, mẹ quan tổng trấn, bà dì của chúa Thượng.
Sau đó, các thầy đi lên Quảng Trị, đến quê hương của thủ lãnh Ynhaxô tại Liêm Công, hy vọng sẽ chinh phục được nhiều người đồng hương. Nhưng lời Chúa phán đã ừng nghiệm: “Không ai làm tiên tri trong xứ mình”. Quả thực Ynhaxô chẳng những không khuyên bảo được ai, lại bị những kẻ trước kia đã cảm phục mình khi còn làm quan, nay coi mình như người điên. Sau cùng ông chỉ rửa tội được hai người thân nhất: bà mẹ và bà nội, lúc ấy đã 80 tuổi.
Trong giai đoạn truyền giáo này, thầy giảng Anrê Phú Yên đã giữ một nhiệm vụ rất quan trọng, mà giáo sĩ Đắc Lộ tóm tắt như sau:
“Thầy Anrê đặc biệt chăm chỉ đi theo thầy giảng sốt sắng Ynhaxô trong mọi hoạt động vì lòng bác ái, thầy đến tận kinh đô xứ Đàng Trong, ở đó riêng mình thầy làm việc bằng nhiều kẻ khác.
Thầy giảng đạo cho người ngoại giáo, dạy dỗ kẻ tân tòng, dọn dẹp nhà thờ rất sạch sẽ, trang hoàng nhà thờ những ngày lễ lớn quanh năm, khéo léo đến nỗi làm cho bổn đạo tăng thêm lòng sốt sắng và cả người ngoại giáo cũng phải trọng kính mầu nhiệm của đạo”.13
Vui ngày tái ngộ
Sau ba tháng đi giảng đạo khắp nơi, nhớ kỳ hẹn cha Đắc Lộ sắp trở lại, Ynhaxô, Anrê và ba thầy khác lên đường về Đà Nẵng. Năm thầy giảng miền Nam cũng vừa về tới14. Ai tả được nỗi vui mừng của đoàn tông đồ khi đoàn tụ để cùng nhau kiểm điểm những kết quả của ba tháng hoạt động trên khắp các ngả đường đất nước, từ luỹ Đồng Hới từ núi Đá Bia. Họ càng hoan hỉ hơn nữa khi được tái ngộ cùng cha thiêng liêng sau hơn năm tháng cách biệt, nay trở lại cùng đoàn con như lời hẹn. Lúc ấy là đầu tháng ba năm 1644.15
Sau những cuộc hàn huyên thân ái, cha con cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa. Nhân dịp này, cha Đắc Lộ phong cho Ynhaxô chức “thầy” và cho mặc áo dòng mỗi khi ra trước công chúng để tăng uy tín cho vị thủ lãnh các thầy giảng.16
Liền sau đó, cha Đắc Lộ lên đường đi Thuận Hóa, bề ngoài là để chầu kính và dâng lễ vật cho chúa Nguyễn, song thực ra là để thăm viếng các bổn đạo cũ và mới. Cả mười thầy giảng cùng đi theo.
Công thượng vương nhận lễ vật và tiếp giáo sĩ rất thân mật. Ngày hôm sau, nhà vương xuống tận thuyền của giáo sĩ để hỏi thăm, may lúc ấy giáo sĩ vừa đi thăm bổn đạo về, có mặt trong thuyền để thừa tiếp nhà vương.
Tối hôm trước, giáo sĩ và các thầy giảng vừa rửa tội được cho hai trăm bổn đạo mới, trong đó có nhiều binh sĩ của nhà vương, đứng đầu là một vệ uý, được đặt tên thánh là Gioankim và vợ là Anna.
Mặc dầu chúa Thượng tỏ ra có cảm tình, giáo sĩ Đắc Lộ vẫn dè dặt. Giáo sĩ không dám công khai đến thăm bà Minh Đức, sợ phật ý nhà vương. Lý do chính khiến giáo sĩ phải dè dặt, ấy là vì chúa Thượng ngờ bà Minh Đức lợi dụng các giáo sĩ dòng Tên là những người giỏi toán pháp, thiên văn và địa lý để giúp bà tìm hướng tốt, đất lành cho mồ mả của mình mai sau phát phúc, và như vậy sẽ chiếm đoạt nghiệp chúa về cho con cháu mình. Nhà vương có biết đâu bà đạo đức ấy chỉ cần giáo sĩ giúp đỡ để đoạt ngôi báu trên nước Thiên đàng mà thôi!17
Từ khi nghe tin giáo sĩ Đắc Lộ đến kinh đô, nhiều lần bà đã sai người đến mời giáo sĩ. Giáo sĩ đành phải đến nhà bà kín đáo ban đêm. Bà xưng tội rước lễ cùng tất cả mọi người trong nhà. Giáo sĩ cử hành lễ Lá trong dinh bà, có rất đông giáo hữu ở ngoài vào tham dự. Sau đó, giáo sĩ cùng các thầy giảng về Quảng Nam mở lễ Phục Sinh.
Hai tuần sau, giáo sĩ lại lên Kinh đổ để thỏa mãn sự đòi hỏi của các giáo hữu Thuận Hóa. Dịp này giáo sĩ rửa tội cho nhiều người phục vụ trong phủ chúa.
Đôi bờ sông Gianh
Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn tông đồ lên tới dinh Quảng Bình. Tại đây giáo sĩ Đắc Lộ vào yết kiến và tặng lễ vật cho ông trấn thủ Nguyễn Cửu Kiều. Ông trấn thủ đối đãi rất tử tế và tỏ ra rất thông hiểu lẽ đạo, khiến giáo sĩ tưởng trước kia ông đã có đạo, song ông ta không chịu nói rõ18. Giáo sĩ đã không ngờ rằng bà vợ ông, tôn nữ Ngọc Đỉnh, chính là em gái thứ tư của tôn nữ Ngọc Liên, vợ ông trấn thủ Nguyễn Phúc Vinh, người mà ta nhận định là bà Maria Mađalêna, trước đây ba năm đã tiếp đón giáo sĩ ở Phú Yên. Như vậy thì không lạ gì mà ông Nguyễn Cửu Kiều không am hiểu ít nhiều về đạo công giáo.
Bên kia bờ sông Gianh, giáo hữu Đàng Ngoài, nghe tin cha Đắc Lộ có mặt ở Đồng Hới, liền bí mật gởi thơ vào, tha thiết mời giáo sĩ ra Bắc.19
Nguyên mười lăm năm về trước (1629) sau một năm rưỡi truyền giáo tại xứ Bắc, giáo sĩ Đắc Lộ bị chúa Trịnh trục xuất, giao xuống thuyền cho lính trở vào Đàng Trong để chờ tàu Bồ Đào Nha về Ao Môn. Trên đường phát lưu, giáo sĩ khuyên được 24 thuỷ thủ của chúa Trịnh trở lại đạo. Thế rồi, thay vì “đầy” giáo sĩ vào Đàng Trong, họ cho giáo sĩ lên bộ tại Cửa Chúa, trong miền Bắc Bố Chính. Giáo sĩ ở miền này bốn tháng, rửa tội rất nhiều người, đến đầu năm 1630, nhân có tàu Bồ Đào Nha chở mấy cha dòng Tên đến rước, cha Đắc Lộ mới rời địa phương này trở về Hà Nội.20
Sau mười lăm năm xa cách, nghe tiếng gọi của bổn đạo xưa, giáo sĩ nóng lòng muốn đi thăm viếng họ ngay. Nhưng nếu ngài ra Bắc như vậy, việc thế nào cũng đến tai chúa Trịnh hoặc chúa Nguyễn, và sẽ gây nên mối hoài nghi của các chúa đối với công cuộc truyền giáo của ngài, một công cuộc không hề dính líu đến chánh trị. Vì thế, giáo sĩ đành chỉ viết thư phúc đáp, và phái thầy giảng Ynhaxô bí mật ra thăm giáo hữu Đàng Ngoài, để giúp họ vững vàng trong nhân đức tin.21
Theo gương các môn đệ xưa, trên đường công tác, luôn luôn đi hai người để nâng đỡ nhau, các thầy giảng Việt Nam cũng thường hoạt động tập đoàn. Vậy thì trong cuộc hành trình khó khăn và gian nan này, thủ lãnh Ynhaxô không lẽ chỉ đi một mình, tất phải có một hai thầy đi theo và ít nhất cũng có Anrê, vì như trên đã nói, cha Đắc Lộ phó thác Anrê cách riêng cho Ynhaxô coi sóc22 và Anrê sẽ chăm chú cách riêng đi theo Ynhaxô trong mọi hoạt động.23
Mạo hiểm vượt qua luỹ Trường dục24 và dòng sông Gianh, các tông đồ Chúa đi rao giảng lời dạy thương yêu và hiệp nhất, không khỏi ngậm ngùi đau xót vì nỗi đất nước phân chia, gây nên những trận nội chiến tương tàn giữa người cùng máu mủ, làm cho việc truyền bá Phúc âm cũng bị trở ngại.
Các giáo hữu Bắc Bố chính tiếp đón phái đoàn Ynhaxô rất nhiệt thành, và quyến luyến đến nỗi không muốn cho về Đàng Trong nữa. Sau cùng họ cử một phái đoàn mười người, gồm những người do chính cha Đắc Lộ rửa tội xưa kia lúc còn nhỏ hoặc còn thanh niên, để theo Ynhaxô vào Nam với hy vọng thuyết phục giáo sĩ ra Bắc. Nhưng phái đoàn ấy chỉ được thỏa mãn một phần, là hưởng nhờ các phép bí tích tôn giáo đã bao lâu mong đợi vì không có linh mục. Còn cha Đắc Lộ, do sự khôn ngoan, thay vì ra Bắc, lại quay gót trở về Thuận Hóa cùng với mười môn đệ thân yêu.25
________________________________________
Chú thích
(1) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.194
(2) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.78 – A.R, Glorieuse mort tr.194
(3) Về thời gian vắng mặt của cha Đắc Lộ và lịch trình hoạt động của các thầy giảng, giáo sĩ Đắc Lộ tường thuật có hơi xê xích nhau trong hai cuốn: Relation des progrès de la Foi và Voyages et Missions. Chúng tôi theo cuốn thứ nhất, vì là bản báo cáo viết ngay từ năm 1645, tám năm trước cuốn thứ hai, gần với sự việc hơn. Theo tài liệu đó (tr.5) các thầy ở Đà Nẵng ít tháng.
(4) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.194. Theo lịch trình như trên thì các thầy giảng đến Phú Yên vào quãng tháng 2 năm 1644. Việc thuyên chuyển trấn thủ xảy ra trước đó ít lâu, có lẽ cuối năm 1643 hay đầu năm 1644, vào kỳ tết nguyên đán.
(5) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.195
(6) Sinoa (Voy et Mis, 1854, tr.196).
(7) P.Đ.K. Minh Đức Vương thái phi, tr.33-34.
(8) Như đã nói trên, ngay từ đầu hết, các giáo sĩ đã dùng thầy giảng song các thầy giảng chưa khấn và chưa tổ chức thành đoàn thể.
(9) “Le roi lui donna une des premières charges de justice” (Voy et Mis, 1854, tr.197). Cơ quan tư pháp thời ấy gọi là Xá Sai ty, do quan Đô tri và quan Ký lục cầm đầu (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tr.324).
(10) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.198
(11) A.R, Relation des progrès de la Foi, tr.17-18 – P.B, Truyện Đàng Trão, tr.47.
(12) A.R, Relation des progrès de la Foi, tr.18 – P.Đ.K. Minh Đức Vương thái phi, tr.34-35.
(13) A.R, Glorieuse mort tr.80
(14) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.198
(15) A.R, Relation des progrès de la Foi, tr.18 (Voyages et Missions, (1854) tr.200, cho biết giáo sĩ rời Ao Môn vào cuối tháng giêng 1644)
(16) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.201.
(17) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.204-205.
(18) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.214
(19) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.216
(20) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.130-132
(21) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.217.
(22) A.R, Glorieuse mort tr.77
(23) A.R, Glorieuse mort tr.80
(24) “Grosse muraitle qui sépare les deux royaumes”. Voyages et Missions (1854), tr.217 – Luỹ này còn gọi là Luỹ Thầy do ông Đào Duy Từ xây cho chúa Nguyễn, tại làng Trường Dục, Đồng Hới.
(25) Voyages et Missions (1854), tr.220.
 ____________________________________________


NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT



Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG V: CHÚA NGUYỄN, SĨ PHU VÀ CÔNG GIÁO

Vào khoảng tháng 6 năm 1644, thầy giảng Anrê Phú Yên cùng với đoàn trưởng Ynhaxô, linh mục Đắc Lộ và các bạn đồng liêu, lại có mặt ở Kinh đô.
Chưa bao giờ Công Thượng vương tỏ ra dễ dãi với các tông đồ Phúc âm như lúc này. Cha Đắc Lộ được phép tự do ra vào phủ chúa. Chính giáo sĩ cho biết: “Nhà Vương còn tỏ ra có nhiều cảm tính tốt đối với đạo thánh ta, và chúng tôi được hưởng hiệu quả của mối thiện cảm đó trong ít lâu”.1
Có lẽ đoàn tông đồ lúc ấy chưa hề có hy vọng nhà Vương trở lại Công giáo, nhưng họ đã lợi dụng hoàn cảnh thuận lợi này để tích cực hoạt động trong giới cận thần và sĩ phu. Họ không ngờ rằng cuộc “tấn công Đức Tin” lớn lao này sắp đem lại cho họ một thành công vẻ vang, mở đầu cho nhiều thành tích anh dũng khác về sau: cuộc tử đạo đầu tiên của một tông đồ.
Muốn hiểu rõ mọi khía cạnh của biến cố quan trọng này, ta không thể không gợi ra đây bối cảnh lịch sử của thời đại: thái độ nhà cầm quyền và sĩ phu thời ấy đối với tôn giáo mới.
 Từ Sãi vương đến Công Thượng vương.
Ta biết rằng cuộc truyền giáo được tổ chức liên tục và có quy củ ở Việt Nam bắt đầu từ xứ Nam (Đàng Trong), dưới đời Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyễn (1613-1635), con kế nghiệp tiên vương Nguyễn Hoàng (1600-1613).
Khi giáo sĩ Francesco Buzomi, dòng Tên, người Ý, đến Cửa Hàn lần đầu tiên năm 1615, trấn thủ Quảng Nam là Nguyễn Phúc Kỳ, con cả Sãi vương, tiếp đón giáo sĩ rất đại lượng, lại cho đất làm nhà thờ. Không đầy một năm, do áp lực của một số người hiềm khích đối với đạo mới, giáo sĩ Buzomi bị nhà cầm quyền sở tại ra lệnh trục xuất, nhưng may được gặp ông tri phủ Quy Nhơn2 rước về giảng đạo tại Nước Mặn, lập nên ở đó một họ giáo vẻ vang vào bậc nhất trong lịch sử Giáo hội sơ khai. Các giáo sĩ tiếp tục đến Đàng Trong mỗi năm một đông hơn, và người Việt tòng giáo càng ngày càng tăng, thì sự hiềm khích của những người ghét đạo cũng tăng thêm, đúng như lời Chúa Cứu Thế đã tiên báo: “Chúng con sẽ bị thù ghét vì Ta”. Mỗi khi có hạn hán, thuỷ lạo hay thiên tai nào khác, những người mê tín hoặc thù ghét lại đổ tội tại các giáo sĩ giảng đạo mới. Một số người quyền thế, nhiều vợ, bất mãn vì các giáo sĩ bài bác tục đa thê, trong khi đó giới nho sĩ lại công kích các ngài cấm thờ cúng ông bà theo tục lệ cũ. Về điểm này, giáo sĩ Đắc Lộ nhìn nhận rằng, với một chút mềm dẻo, có thể tránh được sự hiểu lầm, vì trong tục lệ thờ tổ tiên của người Việt, có nhiều lễ nghi rất “vô tội”, nghĩa là không xúc phạm đến “sự thánh thiện của đạo giáo”. Rút kinh nghiệm, về sau các giáo sĩ dòng Tên tỏ ra rộng rãi trong vấn đề nghi lễ đối với người chết. 3
Sãi vương nghe thấu những bất bình đó, song hình như nhà vương không quan tâm mấy đến vấn đề tôn giáo. Ông mải lo củng cố thế lực để đối phó với chúa Trịnh, và vì vậy, cần giao hảo với người ngoại quốc để tiện việc buôn bán. Nhưng năm 1625, không có một chuyến tàu Bồ Đào Nha nào cập bến như các năm trước. Nhà vương tuy mới cho phép bảy giáo sĩ vào xứ, bỗng đổi ngay thái độ, không cho các giáo sĩ đi lại giảng đạo, bắt phải tập trung ở Hội An. Ba tháng sau, nhờ sự can thiệp của hoàng tử Kỳ, nhà vương đổi thái độ, cho các giáo sĩ lại được dễ dãi.
Năm 1639, sau khi cầm quyền thay cha được ba năm, Công Thượng vương (1635-1648) nghe lời xúc xiểm của “Ông Nghè Bộ” ở Quảng Nam, ra lệnh trục xuất tất cả các giáo sĩ. Cha bề trên Buzomi, trước đấy đã về Ao Môn để “lo liệu một việc lợi ích cho chúa Nguyễn” 4 chưa kịp sang, nghe tin ấy buồn phiền đến ngã bệnh mà chết, vì quá thương nhớ một Giáo hội do ngài tận tâm xây dựng trong 24 năm liền.
Được cử sang thay thế giáo sĩ Buzomi vào tháng 2 năm 1640, giáo sĩ Đắc Lộ sau khi chinh phục được cảm tình của viên bang trưởng Nhật kiều tại Hội An, đựơc ông này dẫn lên Kim Long yết kiến chúa Thượng. Bao nhiêu tiền mang từ Ao Môn để làm lương ăn trong một năm, giáo sĩ bỏ ra hết để mua lễ vật kỷ niệm dâng cho nhà vương, được nhà vương tiếp đãi rất ân cần. Chính lúc ấy cha Đắc Lộ gặp lại bà Minh Đức Vương thái phi lần đầu tiên sau 14 năm xa cách. Nhân dịp này và do ảnh hưởng của bà Minh Đức, có ba bà có họ rất gần với nhà vương, cùng với 91 người khác được chịu phép rửa tội.5
Chưa đầy 8 tháng, cha Đắc Lộ lại bị trục xuất do lệnh ông quan ác cảm tại Quảng Nam.
Trở lại Đàng Trong lần thứ ba vào dịp lễ Sinh nhật 1640, giáo sĩ hoạt động xuống tận Phú Yên, trong khi đó thì Ông Nghè Bộ tự động mở cuộc khủng bố các giáo hữu và giáo sĩ tại Hội An: bắt giam ông già Anrê Sen (Sơn) và đốt ảnh tượng đạo. Để tránh sự khiêu khích, giáo sị tự động rời Hội An ngày 2 tháng 7 năm 1641 như đã kể trước đây, để rồi trở lại lần thứ bốn vào cuối tháng giêng 1642 và ở luôn trong xứ được gần hai năm.
Cũng vì chúa Thượng hay thay đổi thái độ, mà giáo sĩ Đắc Lộ còn phải tự đọa đầy một lần nữa vào tháng 9 năm 1643, trước khi trở lại Việt Nam lần chót hồi tháng giêng 1644. Dầu sao, chúa Thượng không hề tỏ ra độc ác với giáo sĩ và giáo hữu, và càng không muốn đổ máu con chiên vô tội. Trái lại, chưa bao giờ nhà vương tỏ ra có thiện cảm với công giáo như khoảng giữa năm 1644 này.
Thái độ đó của chúa Thượng càng đáng chú ý hơn, nếu ta nhớ lại rằng, chính lúc ấy, một nước Tây phương vừa mới cử hạm đội hùng hậu tấn công vào đất chúa Nguyễn.
Nguyên năm 1641, có hai chiếc thuyền buôn Hòa Lan mắc cạn ở gần Cù Lao Chàm, bị chúa Thượng hạ lệnh bắt giam thuỷ thủ, vì chúa giận người Hòa Lan giúp đỡ họ Trịnh. Đồng thời một cửa hiệu Hòa Lan tại Hội An cũng bị đốt phá, vì họ tỏ ra khinh thường luật pháp nước ta. Để báo thù, cuối năm 1642, Công ty Hòa Lan ở Batavia (nay là Djakarta, thủ đô Nam Dương quần đảo), phái năm chiếc thuyền chở quân lính đến đánh phá cửa Hội An. Hai bên đều thiệt hại, song sự thất bại hoàn toàn về phía Hòa Lan.
Để rửa nhục, nhà đương cục Hòa Lan phái ba chiến hạm với một lực lượng hùng hậu hơn, do đề đố Pierre Breck chỉ huy, đến khiêu chiến ở ven biển Quảng Nam năm 1644. Thế tử Dũng lễ hầu, con Công Thượng vương (sau này là chúa Hiền), lúc ấy làm trấn thủ Quảng Nam, chỉ huy sáu chục thuyền trận xông ra vây đánh.
Quân ta chia ra ba đạo, tiến sát vào các tàu địch mà bắn súng, đốt lửa, chặt bánh lái, đục sườn tầu, lại leo hẳn lên sàn tàu mà đánh xáp lá cà. Trong lúc nguy kịch, biết thế không chạy thoát, mà để bắt sống thì nhục, chiếc soái hạm đành tự đánh chìm bằng cách châm lửa vào lò thuốc súng cho cháy. Hai chiếc kia vội vã tìm đường chạy trốn, một cái chạm vào mỏm đá bị vỡ, một cái chạy thoát được ra Đàng Ngoài. 6
Chính sau cuộc toàn thắng đó mà Công Thượng vương lại càng tỏ ra dễ dãi với giáo sĩ Đắc Lộ. Lý do có lẽ một đàng do tinh thần tự tín sau cuộc chiến thắng, đàng khác nhà vương hẳn biết rõ giáo sĩ Đắc Lộ là người xứ Avignon, đất của Tòa thánh lúc ấy – vả lại đạo của giáo sĩ rao giảng đối lập với đạo Thệ phản của Hòa Lan, và giáo sĩ lại thân với người Bồ Đào Nha, đang giúp chúa Nguyễn về nhiều phương diện.
Cận thần và sĩ phu
Trong bầu không khí tương đối thuận tiện ấy, các thầy giảng Việt Nam và giáo sĩ Đắc Lộ quyết gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa trong giới thượng lưu đương thời.
Lúc ấy trong phủ chúa có một vị quan lớn, rất được lòng nhà vương, và đã từng làm thái sư (thầy dạy vương). Giáo sĩ Đắc Lộ đã quen biết ông từ hai mươi năm trước, khi mới đến Đàng Trong lần đầu hết, và nhận thấy ông có cảm tình với người Công giáo, song chỉ vì quá tự ái mà chưa tìm được ánh sáng Đức tin. Nay (1644) giáo sĩ Đắc Lộ quyết tìm gặp ông để thuyết phục. Ông tiếp đãi rất thân mật, và sẵn sàng nghe giáo sĩ nói lẽ đạo. Giáo sĩ tặng ông mấy cuốn sách giải nghĩa các chân lý công giáo bằng chữ hán do các cha dòng Tên soạn và in ở Trung Hoa7…. Ông kính cẩn nhận sách, hứa sẽ đọc kỹ càng, và sau khi đọc và hiểu, sẽ đến nói với nhà vương về vấn đề đạo Thiên Chúa. Giáo sĩ khuyên ông tòng giáo trước, mới dễ thuyết phục nhà vương. Ông không dám tiến bước nhưng ông cho phép bà vợ và tất cả giai nhân ai muốn thì được tòng giáo. Cha Đắc Lộ liền rửa tội cho bà thái sư cùng nhiều người khác trong gia đình quý phái này, với hy vọng có ngày Thiên Chúa sẽ đánh động lòng ông nhiều hơn.8
Trong dinh bà Minh Đức Vương thái phi, người “quản lý sự vụ” cho ông tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, tên thánh là Gioan, hợp tác với bạn đồng liêu cũ là Ynhaxô, giúp việc truyền giáo rất đắc lực tại Kinh đô9. Ông lập được một kỳ công: thuyết phục được một nhân sĩ lão thành (80 tuổi) rất có uy tín trong Triều và cả xứ Thuận Hóa. Chẳng những ông ấy trở lại mà còn cho tất cả gia đình gồm ba mươi người cùng rửa tội. Từ đó ông chỉ dùng ngày giờ còn lại để làm cho nhiều người biết Chúa.
Nhưng ông quản sự Gioan lại phải thất bại đáng tiếc trong việc chinh phục một quan Chưởng vệ. Ông này đã được nghe cắt nghĩa tường tận về giáo lý, nhận thấy là hợp với lẽ phải, và quyết định tòng giáo. Ông đã bỏ việc thờ cùng dị đoan, chăm đọc sách giáo lý, và chuyển cho người khác đọc, lại tôn kính ảnh đạo trong nhà mình.
Lúc ấy ông phải đi đánh giặc10, vì có cuộc tấn công của hạm đội Hòa Lan. Vì đã biết đạo, ông không tham dự các cuộc lễ cúng vái thần linh trước khi ra quân, như các bạn đồng ngũ, chỉ muốn cầu nguyện cùng Thiên Chúa vạn năng. Các quan khác thấy vậy, lấy làm bất mãn, tâu trình về Kinh. Nhà vương sợ ảnh hưởng không hay cho cuộc chiến đấu, bèn gọi quan Chương vệ đến khiển trách, và truyền phải bỏ các “tệ đoan bên giáo” mà giữ “phép nước”. Ông sợ hãi quá, đành bỏ ý định tòng giáo, khiến các thầy giảng và nhất là ông Gioan buồn tiếc vô cùng. Các thầy lại càng đau lòng hơn, vì cũng chỉ một cớ nhỏ ấy, đã làm cho ông phó tướng chồng bà Maria Mađalêna không được chịu phép rửa tội.
Trên đây ta thấy ông cựu trấn thủ dinh Phú Yên, tức phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, đã tỏ ra có thiện cảm với công giáo như thế nào. Nhưng chưa ai thuyết phục được ông theo đạo.
Một hôm có mặt bà phó tướng, giáo sĩ Đắc Lộ nói với ông rằng: Năm nay ông đã quá 80 tuổi, sống không được bao lâu nữa vậy ông chẳng nên từ chối ơn Đức Chúa Trời mãi, hãy lo cứu linh hồn mình, hãy nghĩ đến cõi đời sau vô tận. Ông tỏ ra rất cảm động. Bà vợ ông cũng hết lời khuyên giục. Ông liền tuyên bố sẵn sàng tòng giáo và tỏ ý tiếc vì đã trì hoãn quá lâu. Giáo sĩ Đắc Lộ và bà Maria vui mừng vô hạn. Giáo sĩ và các thầy giảng giúp ông dọn mình chịu phép Rửa tội. Giáo sĩ đã mặc áo dòng, nến đã đốt, và nước đã sẵn sàng.
Cha Đắc Lộ nhắc lại cho ông một lần nữa các bổn phận người công giáo, dặn từ nay không được cúng kiếng chi cả. Ông ngỏ ý không tin tưởng gì ở các việc cúng kiếng, song có một việc ông không thể bỏ được: thờ cúng một vị thần trong quân đội; ông thật không tin, song ông cũng sẽ cứ cử hành nghi lễ bề ngoài, nếu không sẽ phải nguy hại về tài sản hoặc cả tính mạng.
Giáo sĩ cũng như bà phó tướng vừa ngạc nhiên vừa lo lắng, đem hết lời lẽ ra thuyết phục, để giúp ông thắng vượt trở ngại chót ấy, song vô hiệu. Cuộc lễ Rửa tội đã sửa soạn đành phải bỏ. Tuy nhiên, ông phó tướng xin cha Đắc Lộ tự tay viết thánh danh Giêsu và Maria trên một tờ giấy giao cho ông, để ông giữ luôn trong người. Giáo sĩ hy vọng rằng một chút lòng tin ấy, hiệp cùng lời cầu nguyện của bà vợ đạo đức sẽ kéo ơn Thiên Chúa xuống cho ông trước khi từ trần.11
Hồi này, thầy giảng Ynhaxô (với Anrê Phú Yên luôn luôn đi theo) thường được dịp công khai thảo luận vấn đề tôn giáo trong dinh một vị đại thần khác, ở Kinh đô. Một hôm, ông này cho mời giáo sĩ Đắc Lộ đến dinh, không nói rõ vì mục đích gì. Tới nơi, giáo sĩ thấy rất đông người hội họp, trong đó có nhiều thầy sãi. Giáo sĩ được mời giải nghĩa về đạo công giáo. Nhiều người nghe lấy làm thích, song nhiều người khác tỏ ý bất mãn, thường cắt lời giáo sĩ, đưa các lý lẽ rút ở sách Nho, sách Lão để phản đối.
Giáo sĩ nhường lời cho thầy giảng Ynhaxô hiện có mặt, để bài bác các lý lẽ đó, vì Ynhaxô có biệt tài đối phó trong những trường hợp này. Theo lời giáo sĩ Đắc Lộ, vị lãnh tụ các thầy giảng biện luận hùng hồn và khúc triết, đến nỗi khiến đối phương phải thua lẽ, xấu hổ, song không ai chịu trở lại.
“Từ chỗ xấu hổ, họ đem lòng oán hận thầy giảng, và quyết lạm hại thầy, vẫn lời cha Đắc Lộ. Muốn đạt mục đích ấy, họ nhờ cậy một bà mà nhà vương coi như vợ, mặc dầu trước kia bà ấy đã là vợ của người anh nhà vương, một điều luật nước nghiêm cấm, song sự dâm ô xá kể gì luật pháp”.12
Riêng ông quan chủ nhà tỏ ra tử tế hơn. Cuộc thảo luận tôn giáo chẳng làm cho ông trở lại, song ông tỏ ra rất hài lòng và từ đó ông rất tử tế với giáo hữu. Chính ông đã nói tốt với chúa Thượng về giáo sĩ và người công giáo13, khiến chúa Thượng để cho giáo sĩ được tự do ra vào phủ chúa, và còn tỏ ra thiện cảm với đức tin công giáo, như đã nói trên.
Tóm tắt những hoạt động của ngài và các thầy giảng trong thời kỳ này, giáo sĩ Đắc Lộ đã nói:
“Chúng tôi đã cùng nhau đi khắp các thị trấn và thôn xóm ở xứ Đàng Trong; nhờ ơn Thiên Chúa, số giáo hữu chỉ trong ít lâu đã tăng thêm hơn một ngàn người”.14
Thế là các thầy giảng Việt Nam đã tích cực thi hành nhiệm vụ tông đồ trên khắp các nẻo đường đất nước. Tinh thần xung phong truyền giáo, một đặc điểm của dòng Tên, đã là tinh thần của các thầy vậy.
Đồng thời với những hoạt động ấy, các thầy chăm chú tu luyện bề trong, đào tạo nhân đức trọn lành. Về phương diện này thầy giảng Anrê tuy trẻ tuổi hơn hết, nhưng đã tỏ ra xuất sắc:
“Từ ngày khấn – lời cha Đắc Lộ – thầy giảng Anrê tự cho mình có bổn phận sống trọn lành hơn khi trước nhiều lắm; sự thật thì suốt năm ấy, chính là năm cuối cùng đời thầy, thầy tiến rất cao trên đường thực hành mọi nhân đức, khiến chúng tôi chẳng hiểu ý Chúa dự định về thầy như thế nào, nhưng chúng tôi biết rõ, những tác động ấy của ơn thánh sủng chẳng phải là sự thường”.15
Vậy rồi đây, Anrê sẽ làm gì?
_________________________________________
Chú thích
(1) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.223
(2) Các giáo sĩ Au Châu cũng gọi ông quan này là “Gouverneur” song không thể dịch là trấn thủ vì lúc ấy, Quy Nhơn chỉ là một phủ thuộc dinh Quảng Nam.
(3) Chappoulie: Rome et les Missions d’Indochine au XVIIe siècle, quyển I, tr.25.
(4) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.144
(5) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.148 – P.Đ.K, Minh Đức Vương thái phi, tr.32
(6) Sử liệu ta có ghi cuộc chiến thắng hiển hách này (Thực Lục, q.III, tờ 9) Đào Trinh Nhất, trong Việt Sử giai thoại (trang 39 trở đi), tường thuật kỹ cuộc hải chiến này.
(7) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.221, xem chương III ở trên.
(8) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.220-221.
(9) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.224 và tiếp P.Đ.K, Minh Đức Vương thái phi, tr.42-43.
(10) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.226. Xét ra xứ Nam lúc ấy (1644) không có đánh nhau với chúa Trịnh, cũng không có cuộc nội loạn nào, chỉ có cuộc tấn công của ba chiến thuyền Hòa Lan vào miền duyên hải Quảng Nam như đã nói trước. Có lẽ chúa Thượng cũng điều động một phần quân lực ở Thuận Hóa, hoặc cho vào Quảng Nam tiếp tứng, hoặc tăng cường việc canh phòng ngoại cửa Nộn Hải. Vì thế nên ông võ quan nói trên phải “đi đánh giặc”.
(11) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.226-228. Tác giả không nói rõ việc này xảy ra tại đâu, song theo lẽ, là ở Quảng Nam chứ không phải tại Kinh đô.
(12) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.222. Đó là Tống Thị, chương sau sẽ nói rõ.
(13) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.223
(14) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.188.
(15) A.R, Glorieuse mort, tr.79-80. Đối chiếu: Summarium num.II
 ________________________________________________

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG VI: BÁO ĐỘNG TRONG PHỦ CHÚA



Giữa lúc chính sách công khai của Công Thượng vương tỏ ra khoan dung đối với Công giáo, thì trái lại, trong hậu cung, một âm mưu đen tối đang được xếp đặt để gây giông tố cho giáo hữu.
Trong trường hợp này, cũng như các trường hợp tương tự của lịch sử, ta lại thấy bóng một đàn bà, một dâm hậu. Mà dâm hậu ấy còn là một nữ gián điệp nham hiểm, hai phen suýt làm sụp đổ ngai vàng chúa Nguyễn!
Đây là một trang sử vô cùng đen tối và bi thảm ở xứ Nam hồi đầu thế kỷ XVII, mà cho đến nay chưa có sách báo Việt ngữ nào đưa ra ánh sáng, mặc dầu sử liệu khá dồi dào.
Một kiếp sa đọa
Người đàn bà gây nên trang thảm sử này là Tống thị (người con gái họ Tống – không rõ tên riêng). Tống thị là con quan cai cơ Tống Phúc Thông, lấy hoàng tử Kỳ, trưởng nam chúa Sãi, trấn thủ dinh Quảng Nam, sinh được ba con trai. Thông mừng được vây cánh.
Đến khi Nguyễn Phúc Kỳ chết (1631) Thông không có chỗ nương tựa, bèn đem gia quyến trốn ra cửa Nhuyễn Hải, sau gọi là Nộn Hải, rồi ra Bắc (1632), duy Tống thị ở lại.
1. Cuộc phiêu lưu bắt đầu từ đó.
Sau khi Nguyễn Phúc Lan (chúa Thượng), em ruột hoàng tử Kỳ, lên nối nghiệp chúa Sãi vào năm 1635, Tống thị “được vào cung phủ, rất khéo đưa đón cầu cạnh, trở nên giàu có, tiền bạc châu báo chất lại như núi” – đó là dịch theo chính văn trong sử nhà Nguyễn 2. Tất nhiên sử thần nhà Nguyễn phải dè dặt lắm khi nói về đời tư của một vì tiên đế họ Nguyễn, nên chỉ dám hạ bốn chữ “phùng nghinh thỉnh thác” (đưa đón cầu cạnh) để ám chỉ những giao thiệp bất chính giữa chị dâu góa với em chồng, như các giáo sĩ có mặt lúc ấy xác nhận, và chúng tôi sẽ dẫn chứng sau này. Trước tình trạng ấy, “đình thần lên tiếng can ngăn, nhà vương vẫn không nghe”. 3
Chính vì cảnh chướng tai gai mắt ấy mà Tôn Thất Trung, con trai thứ tư của Sãi vương, em Thượng vương lúc ấy làm chưởng cơ, muốn diệt trừ mầm tội lỗi là Tống thị. Đến đây ta thấy rõ, nhan sắc khuynh thành của Tống thị 4 che dấu một tâm địa nham hiểm đến mực nào. Vì sử chính thức lại chép:
“Tống thị thấy vậy sợ hãi lắm. Nhân lúc ấy cha nàng là Phúc Thông đang được chúa Trịnh Tráng ở Đàng Ngoài trọng dụng, nàng liền viết mật thư, kèm theo một trăm hạt trân châu xâu thành chuỗi, sai người đưa ra cho Phúc Thông, để đem dâng Trịnh Tráng, yêu cầu Trịnh Tráng cất quân vào đánh chúa Nguyễn, lại hứa sẽ đem tài sản riêng ra giúp lương cho quân lính.
“Trịnh Tráng tiếp được mật thư, liền quyết nghị xâm lấn xứ Nam, sai đô đốc Trịnh Đảo thống lĩnh các đạo binh cả thuỷ lẫn bộ, kéo vào đánh chúa Nguyễn”.5
Đó là cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn lần thứ tư, xảy ra đầu mùa xuân, tháng giêng năm mậu tí (1648) đời chúa Thượng năm thứ 13. Cho đến nay người ta không ngờ rằng nguyên nhân cuộc nội chiến ấy chỉ vì một đàn bà trắc nết.
Công Thượng vương cùng thế tử Nguyễn Phúc Tần tước Dũng Lễ hầu, đem quân lên ứng chiến ở Quảng Bình. Cha con họ Nguyễn phá tan quân Trịnh, bắt được 30.000 tù binh đem về cho khai thác ở các phủ huyện từ Quảng Nam đến Phú Yên. Sau khi toàn thắng, trở về đến phá tam giang, chúa Thượng từ trần ngày 19 tháng 3 năm 1648. Nguyễn Phúc Tần lên nối nghiệp, gọi là Hiền vương.
Chúa Thượng đã chết, nhưng Tống thị chưa đóng hết vai trò của mình. Đánh từ ngoài vào không hiệu quả, phen này nàng quyết gây phản từ bên trong. Làm chân tay cho nàng sai khiến, lần này, lại chính là kẻ lúc trước đã định tâm giết nàng: chưởng cơ Trung.
Sách Đại Nam liệt truyện chép:
“Trung lúc đầu làm chưởng cơ, về sau càng nhiều quân công. Năm mậu tí 1648, đời chúa Thượng năm thứ 13, Thái tôn Hoàng Đế (chúa Hiền) lên ngôi, Trung được thăng chức chưởng dinh.
“Nhắc lại việc trước, lúc đó vợ lẽ Tôn Thất Kỳ là Tống thị, thời thường lui tới dinh phủ, không còn khiếp sợ ai. Trung muốn trừ, Tống thị sợ hãi, mới lén lút cám dỗ Trung. Trung sa ngã, tư tình cùng nàng. Tống thị nhân đó khuyên Trung làm phản. Trung liền bí mật kết bè cánh, trù tính việc phiến loạn, chẳng may bị bọn thuộc viên là Thắng, Bố tố cáo. Am mưu vỡ lở, Trung bị bắt với đủ chứng cứ buộc tội. Chúa không nỡ giết ngay, hạ lệnh trói bỏ ngục cho chết dần, còn giết Tống thị, đem gia sản chia cấp cho quân dân. Bọn Thắng, Bố được thăng thưởng chức Cai đội dinh Quảng Bình.”6
Cuộc báo động trầm trọng lần thứ hai này trong cung chúa Nguyễn xảy ra vào mùa hạ, tháng tư, năm giáp ngọ (1654), tức năm thứ 6 đời Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng Đế (chúa Hiền).7
Trên đây là bộ mặt thực của Tống thị, người phụ nữ lăng loàn, thủ đoạn và gian ác có một không ai trong lịch sử Việt Nam, mà lịch sử thế giới chưa chắc đã có ai bằng. Nhưng theo giáo sử, trước khi mưu phản để chuốc lấy đoạn đầu đài, Tống thị còn phạm một tội vô cùng nặng nề khác: đổ máu môn đệ Chúa Kitô.
Bạn đọc còn nhớ 8 sau cuộc thảo luận tôn giáo trong dinh một quan đại thần, một số người xấu hổ vì thua lẽ, quyết làm hại thầy giảng Ynhaxô, và để đạt đích ấy, “họ nhờ cậy một bà mà nhà vương coi như vợ, mặc dầu trước kia bà ấy đã là vợ của người anh nhà vương”.9 Đó là lời giáo sĩ Đắc Lộ chỉ Tống thị cách rõ rệt. Nơi khác giáo sĩ Đắc Lộ còn cho biết thêm:
“Bấy giờ trong phủ chúa, có một bà phi được nhà vương sủng ái, bắt người ta kêu bằng chính phi, mặc dầu các bậc hiền giả trong nước đều tỏ ý phản đối. Tôi không biết có phải vì tính nết lăng loàn mà bà ấy ghét đời sống nhân đức của các giáo hữu chăng, nhưng bà ấy rất thù oán những người có Đức Tin cũng là những người thù nghịch nết xấu”.10
Giáo sĩ Saccano, đến xứ Nam ngày 11 tháng 2 năm 1646 để thay thế giáo sĩ Đắc Lộ, cũng xác nhận như vậy, và cho biết chính Tống thị có lần đã tham dự cuộc bàn cãi lẽ đạo giữa Ynhaxô và các thầy sãi. Giáo sĩ nói:
“Bà vương phi trước kia là vợ của người anh cả nhà vương và nay là vợ chánh của nhà vương, mặc dầu theo luật nước thì không được công nhận làm hoàng hậu; bà thù ghét Ynhaxô hơn hết mọi giáo hữu khác, vì Ynhaxô cãi lẽ đạo với một thầy sãi cả rất được lòng bà. Ông sãi biết mình lầm, xấu hổ quá, ra khỏi phòng hội, tức giận vì mất thể diện ngay trước mặt bà Vương phi, và chính bà này cũng lấy làm xấu hổ. Do đó bà sinh lòng oán hận và thù ghết Ynhaxô… Thường tình đàn bà tức giận thì hay báo thù, bà ấy liền ra mật lệnh cho những người chân tay tìm mọi phương thế hãm hại thầy giảng Ynhaxô”.11
Một tay đẫm máu
Tháng bảy năm ấy (1644) – sau khi cha Đắc Lộ và các thầy giảng đã về Hội An rồi – “Ông Nghè Bộ” từ dinh Quảng Nam có việc lên kinh đô. Tống thị chụp ngay cơ hội đó, bí mật truyền lệnh cho ông này thi hành ý định đen tối của mình.12 Thực ra, bà phi ấy không thể tìm được ai làm chân tay đắc lực hơn ông quan kia vì như trên ta đã thấy, ông sẵn có ác cảm với người Công giáo, đã nhiều phen trục xuất giáo sĩ và khủng bố giáo dân. Ông làm quan ở xa Kinh đô, có thể tự tung tự tác, nhất là khi đã có Tống thị che chở. Các thầy giảng lại ở ngay dưới quyền kiểm soát trực tiếp của ông, tại dinh Quảng Nam. Giáo sĩ Đắc Lộ quả quyết rằng:
“Nhà vương đã không hạ lệnh cho ông ngăn cấm việc giảng Phúc âm và phạt tử hình những kẻ theo đạo thánh, vì sau này chính nhà vương thanh minh rằng mình không hề hay biết gì về việc ấy”.13
Ta có thể biết gì về lai lịch ông quan này chăng?
Theo sách Đại Nam Nhất Thống chí, năm nhâm dần (1602) tức năm thứ 45, Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế (tức chúa Nguyễn Hoàng) lập ra dinh Quảng Nam, đặt chức cai bạ, ký lục.14
Năm giáp dần (1614), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, theo khuôn mẫu hành chính nhà Lê, đặt ra tam ty (ba tòa), song lại chia công việc ra như sau:
– Xá sai ty, giữ việc từ tụng văn án, đứng đầu là quan Đô tri và quan Ký lục.
– Tướng thần lại ty, giữ việc tài chính, thâu thuế má, chi phát lương thực cho quân ở các đạo. Có quan cai bạ làm đầu.
– Lịnh sử ty, coi việc tế tự, lễ tết, và việc chi cấp lương thực cho quân ở Chính dinh. Có quan Nha Uý cầm đầu.
Đó là ở chính dinh, chỗ chúa đóng. Còn ở ngoài các dinh, thì tuỳ theo sự quan trọng, có nơi chỉ đặt một Lịnh sử ty kiêm cả việc hai ty khác, có nơi lại đặt Xá sai ty và Lịnh sử ty coi mọi việc quân dân, từ tụng, đinh điền, sổ sách, thuế khóa.15
Đó là về hành chính và chính trị. Ngoài ra dinh Quảng Nam còn là trụ sở của quan trấn thủ, thống suất binh đội khắp miền Nam và kiểm soát cả việc hành chính nữa.16 Trách nhiệm này thường được giao phó cho các thể tử (con nối nghiệp chúa) hoặc bà con thân tín nhất của chúa. Vào khoảng năm 1644, trấn thủ Quảng Nam là thế tử Dũng Lễ hầu17 tức Nguyễn Phúc Tần (sau là chúa Hiền), con Công Thượng vương, người chiến thắng hạm đội Hòa Lan.
Ông quan làm tay sai cho Tống thị mà các giáo sĩ chép là “Onghebo” là nhân vật nào trong các chức quan nói trên? Đó không phải là tên riêng, mà chỉ là một danh xưng phổ thông để chỉ một chức quan: chức Cai bạ (Cai bộ) mà dân chúng quen gọi là “Ông Bộ”, và có lẽ vì “Ông Bộ” này được thưởng hàm “Hàn Lâm”, nên người ta gọi là “Ông Nghè Bộ”18 như trường hợp “Ông Nghè Bộ” Lê Cảnh, hay “Ông Nghè Bộ” Nguyễn Hữu Kính mấy chục năm sau.19 Chức Cai bộ này tương đương với chức Bố chính về sau.
Cứ theo danh xưng như nói trên, và theo cách giáo sĩ Đắc Lộ tả về chức vụ của ông, thì ông không phải là trấn thủ cũng không phải là ký lục. Lúc ấy quan trấn thủ tuy có quyền tuyệt đối trong dinh, song có lẽ quá bận riêng về quân sự, nên ông cai bộ này hành động như không có ai quyền trên. Còn quan ký lục, tuy lo việc từ tụng văn án, nhưng chắc là quyền dưới, vả lại việc phân quyền giữa hành pháp và tư pháp lúc ấy chưa rõ rệt. Vì thế mà ta sẽ thấy “Ông Nghè Bộ” ra lệnh bắt thầy giảng Anrê, triệu tập phiên tòa (có quan khác dự) và tuyên án xử tử. Sử liệu không ghi lại tính danh của ông, song từ đây tiếng xưng hô “Ông Nghè Bộ” đã trở nên tên riêng của ông rồi.20
Ta hãy theo ông về Quảng Nam, không phải để xem tội ác của ông, nhưng là chứng kiến đức tin anh dũng của vị tử đạo tiên khởi.
Thật là lạ lùng, chưa bao giờ những thái cực như thế lại gặp nhau trong cùng một vương triều, ở cùng một thời đại. Trong khi bà Minh Đức, tựa vầng nhật nguyệt, chiếu giãi nhân đức cho muôn đời, thì Tống thị là hiện thân của tội lỗi, muôn đời còn di xú.
Đến như thầy giảng Anrê với Ông Nghè Bộ, thì không khác nào con chiên hiền lành trong nanh sói dữ.
Tóm lại, chưa bao giờ Thiện và Ac, Anh sáng và Bóng tối đối chiếu nhau cách hùng hồn như vậy. Và cũng chưa bao giờ Chân lý sẽ thắng gian tà cách rõ rệt như trong cuộc chiến đấu này.
_____________________________
Chú thích
(1) Thực lục quyển II, tờ 22.
(2) Thực lục quyển III, tờ 11
(3) Thực lục quyển III, tờ 5
(4) Thực lục quyển III, tờ 12
(5) Thực lục quyển III, tờ 12
(6) Liệt truyền, quyển VI tờ 33 – đối chiếu Thực lục quyển IV, tờ 6
(7) Thực lục quyển IV, tờ 6
(8) Xem chương V ở trên.
(9) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.222.
(10) A.R, Glorieuse mort, tr.8. Câu nói của De Rhodes: “Các bậc hiền giả trong nước đều tỏ ý phản đối” phù hợp hoàn toàn với sách “Thực lục”: “Cả đình thần lên tiếng can ngăn, chúa cũng không nghe” (q.III, tờ 5, đã kể trên, tr.110)
(11) Relation Saccano, tr.38-40 (coi phụ bản)
(12) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.7-8. A.R, Glorieuse mort, tr.236
(13) A.R, Glorieuse mort, tr.7 (Nhưng một năm sau, chính chúa Thượng sẽ xử tử hai thầy Ynhaxô và Vinh Sơn)
(14) Đại Nam Nhất thống chí, quyển V, tờ 3
(15) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, tr.324-325
(16) Cadière: Princesse Chrétienne, trong B.A.V.H, 1939, tr.113
(17) Đào Trinh Nhất: Việt sử giai thoại, tr.66 (không ghi xuất xứ)
(18) Giáo sĩ Christoforo Borri, ở Đàng Trong từ 1618 đến 1622, đã gặp tại Quảng Nam một chức quan giỏi về chữ nghĩa, thiên văn, mà giáo sĩ phiên âm là “Omgne” – tức là Ông Nghè (Relation Borri, B.A.V.H.1931, tr.378). Đến lượt giáo sĩ Đắc Lộ phiên ấm tiếng “Ông Nghè” là “Ounghé” (Histoire du Royaume de Tonkin, tr.170). Còn về tiếng “Onghebo” (có chỗ chép Ouenglebo, Longhebo, Ounghsbo, Ounghebo) giáo sĩ Cadière giải thích là “Ông Bộ” (B.A.V.H 1939, tr.112), linh mục Philipphê Bỉnh (s.đ.k, tr.45) nói là “Ou nghè bo”. Đức cha Chappoulie (Rome et les Missions d’Indochine, tr.28) cho rằng chữ “Onghebo” cũng như “Ounghe” đều là “Ông Nghè”. Theo ý chúng tôi “Ông Nghè Bộ” là đúng hơn cả, vì vừa hợp với cách phát âm, vừa hợp với chức quan Cai bộ.
(19) Ông Nguyễn Hữu Kính, người huyện Diên Phước (nay là Duy Xuyên) lãnh chức hương tiến, đời Túc tôn Hoàng Đế Nguyễn Phúc Trú (1725-1738), làm quan tới chức Cai bộ Quảng Nam, khi mất được thăng chức hàm tham nghị (Đại Nam nhất thống chí, quyển V, tờ 53). Ông Lê Cảnh, người huyện Hòa Vang, lãnh chức hương tiến, đời Hiến tôn Hoàng Đế (1691-1725) làm đến chức “Hàn lâm viện chính dinh cai bộ”, khi chết được thăng chức hàm tham nghị (Đại Nam nhất thống chí, quyển V, tờ 54). Đó là mấy “Ông Nghè Bộ” ngày xưa. Nên biết rằng thi hào Nguyễn Du đã có thời kỳ làm cai bộ Quảng Bình (1809) trước khi được bổ về Kinh.
(20) Giáo sĩ Đắc Lộ có khi gọi ông là “Gouverneur” có chỗ gọi “Juge” và chỗ khác gọi “Un des gouverneurs”. Như vậy đủ hiểu ông chỉ là một trong vài ba chức quan đứng đầu trong dinh, chứ không phải chính ông là trấn thủ.
 _____________________________________

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG VII: ĐẤT BẰNG NỔI SÓNG

Một nếp thành xưa

Trên đường quốc lộ 1, tỉnh Quảng Nam, giữa khoảng quận lỵ Điện Bàn và cầu Câu Lâu trên sông Thu Bồn, tại cây số 952, về phía đông, có một con đường đất rộng rãi nhẵn nhụi, dẫn vào thôn Thanh Chiêm thuộc xã Vĩnh Thọ, quận Điện Bàn. Đường này đi Hội An chỉ hết 7 số, trong khi theo quốc lộ, qua Điện Bàn, phải mất 9 cây số.
Từ quốc lộ vào hương lộ, trước hết du khách gặp một đám đất trống gọi là đất “Văn thánh”, trước kia có đền thờ Đức Khổng Tử, tiếp đến một ngôi chùa cổ, cổng đề “Hội phước tự”, rồi một ngôi đình. Theo con đường tẽ vào xóm bên cạnh đình, đi độ 500 thước, du khách gặp một khúc đường chạy dài theo chiều đông tây, ngăn đôi xóm nhà cửa ở phía nam với đồng ruộng phía bắc. Một khúc đường, cao lớn và rộng rãi như bờ đê, mà không phải đê, vì không ngăn nứơc sông, cũng không phải đường, vì không có lối giao thông. Một khúc đường cụt, nổi lên giữa thổ cư đồng ruộng, dài độ 800 thước không nối vào đâu, bề mặt rộng tới chín, mười thước, hiện để cỏ mọc trâu ăn và có khoảng chôn nhiều mồ mả. Đó chính là di tích một trong bốn mặt thành đất của dinh trấn Quảng Nam xưa, theo sự nhìn nhận của các bô lão trong làng và truyền thống lưu lại.
Vẫn theo lời các cụ, thì xưa kia sát bên bờ thành (lũy) có trì (hào), sau dần dần, dân bạt bớt đất trên thành xuống lấp trì để cấy cày.
Thành này là thành bắc. Mặt đông và mặt tây, thành đã bị bạt hẳn để lấp hào, làm ruộng, cất nhà, song người ta còn nhận thấy nhiều mô đất và nhất là nhiều mương ao cách quãng nhau theo đường thẳng, khiến liên tưởng đến thành và trì cũ. Mặt nam không thấy di tích gì ngoài con đường hương lộ rộng rãi, vững chắc: theo các bô lão, xưa đó là quan lộ đi Hội An.
Gần bờ thành bắc, có một đám đất gọi là đất “nhà lao” rộng trên 700 thước vuông, nếu là thổ cư rất đẹp đẽ, nhưng từ bao đời nay, không ai dám làm nhà trên đất đó: dân làng kiêng đất ấy xưa kia là nhà tù. Cách “nhà lao” vài trăm thước, có một khu thổ cư, địa thế đẹp và cao ráo, gọi là đất “hành cung”. Gần đó có một cái hồ chữ nhật rộng rãi, song lòng đã cạn, cày cấy được. Ngoài ra còn có chỗ gọi là “Kho muối”, chỗ gọi là “Tầu tượng” (nuôi voi), có chỗ gọi là “Mô súng”.
Trên khu đất chữ nhật rộng rãi này, có độ 500 dân cư, kể cả nam, phụ lão ấu tức là gần nữa dân số thôn Thanh Chiêm. Tất cả đều nhìn nhận đó là đất của thành nội xưa mà cha ông họ được vào chia nhau ở, từ sau khi vua Minh Mạng dời thành sang địa phận làng La Qua, cách vài cây số về phía bắc.1
Ở phía đông, có chỗ gọi là “tịch điền” có chỗ kêu “vọng khuyết”. Ta biết tịch điền là lễ kính Thần nông và mở mùa cầy cấy, có từ đời Lương Võ Đế bên Tàu, còn vọng khuyết là nhà để các quan tỉnh chầu vọng về kinh những ngày kỵ huý của nhà vua.
Phía tây thành có một xóm gọi là “Phường Đúc” nay thuộc thôn Phước Kiều, sát cạnh thôn Thanh Chiêm. Dân ở đó làm nghề đúc đồ đồng, cha truyền con nối từ bao đời nay.
Phía tây nam, bên quốc lộ, có chỗ gọi “chợ củi”, mặc dầu ở đó hiện nay không có chợ, và “Bến Chợ củi”, trên bở Sài Giang (sông Củi), nhánh nhỏ của sông Thu Bồn. Người ta nói chính Sài Giang xưa mới là con sông lớn, chảy gần bên thành, có bến tàu đậu, có chợ buôn bán tiếp tế cho thành, vì thế xưa có danh từ “Sài Giang – Hành Lãnh”2 để chỉ phong cảnh Quảng Nam.
Đàng sau chỗ Chợ củi, ở phía tây quốc lộ, có một miếu âm hồn rất cổ để cúng vong hồn, gần đó là chỗ pháp trường để xử tử tội nhân ngày xưa, nay gọi là “Gò sứ”, cách chỗ “dinh trấn” cũ độ 700 thước tây. Xa hơn độ 1000 thước nữa còn có dấu tích sơ sài “thành vệ” bằng đất, bị lở xuống sông Thu Bồn gần hết. “Thành vệ” là chỗ quân lính đóng để giữ thành, như một tiền đồn.
Chúng ta vừa thăm viếng một mảnh đất ghi dấu rất nhiều biến cố quan trọng trong lịch sử Việt Nam cận đại. Đây chính là nơi bốn thế kỷ trước, chúa Nguyễn Hoàng đã thiết lập dinh trấn Quảng Nam để kiểm soát hai cửa ngõ giao thiệp với ngoại bang – Hội An và Đà Nẵng – đồng thời dùng làm căn cứ phát triển về phương nam. Đây cũng chính là nơi thấm máu vị anh hùng tử đạo đầu tiên của xứ Nam từ khi tiếp nhận ánh sáng Đức Tin.
Thực ra từ trước đến nay chưa tác giả nào cho biết đích xác thủ phủ Quảng Nam ngày xưa đặt ở chỗ nào, mà các nguồn sử liệu thì lại mâu thuẫn nhau.
Sách Đại Nam thực lục tiền biên3 cho biết, tháng 7 năm nhâm dần (1602), năm 45 đời Gia Dũ Hoàng Đế (Nguyễn Hoàng), dinh trấn Quảng Nam được thiết lập tại xã Cần Húc4, huyện Duy Xuyên.
Phụ chính đại thần Tôn Thất Hân, trong cuốn Tiên nguyên toát yếu phổ, mục nói về thân thế ông Nguyễn Hoàng, có nhắc đến việc xây thành Quảng Nam ở làng Cần Húc, song lại nói:
“Người ta không biết gì về tên làng này, và cũng không rõ thuộc tổng nào”.5
Sách Đại Nam nhất thống chí chép:
“Hồi mới dựng nghiệp chúa, xây dinh trấn tại xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, sau loạn nên bỏ. Đến buổi trung hưng, sau khi thâu phục Quảng Nam, tạm lập dinh trấn tại phố Hội An, năm Gia Long thứ hai, dời vào xây tại chỗ đất cũ Thanh Chiêm, đắp thành bằng đất”.6
Nhưng tác giả sách ấy lại tự mâu thuẫn với mình, vì xa hơn, ở mục chùa miếu, nhân nói đến việc chúa Nguyễn Hoàng xây chùa Long Hưng tại xã Cần Húc, tác giả lại viết:
“Buổi mới dựng nghiệp chúa, xây dinh Quảng Nam tại xã đó (Cần Húc) nay hãy còn. Chùa Long Hưng xây ở phía đông dinh, nay không còn nữa”.7
Trước những dữ kiện mâu thuẫn ấy, nhiều nhà học giả như cha Cadière, ông Bonifacy, trong các tác phẩm, dẫu nhiều phen muốn giải quyết vấn đề vị trí trấn lỵ Quảng Nam ngày xưa, song không giải quyết được. Riêng giáo sĩ Cadière có nói trống rằng trấn lỵ này “ở trong vùng lân cận thành Quảng Nam ngày nay”8 – “cách độ hai hoặc ba cây số”9, nhưng không nói rõ ở chỗ nào, phía nào, thuộc làng nào và nhất là không đưa ra lập luận hay chứng cớ nào cả.
Nhưng điều mà lịch sử còn dấu kín, anh linh vị tử đạo Anrê sẽ phát giác ra để cho lịch sử người được đầy đủ, và di tích người được gìn giữ. Thực vậy, sở dĩ chúng ta quả quyết được làng Thanh Chiêm nói trên, với những di tích còn lại, là nơi đặt dinh trấn Quảng Nam ngày xưa, phần lớn nhờ những chi tiết lịch sử rõ rệt về cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê, như ta sẽ thấy sau đây10. Chính đó là thị trấn mà giáo sĩ Đắc Lộ cũng đã vẽ trên bản đồ của người và ghi tên là “dinh Ciam”, trên tả ngạn con sông lớn chảy thẳng ra “Haifo” tức Hải Phố – người Au Châu còn gọi là “Faifo” tức Hội An ngày nay. Hai chữ “dinh Ciam” rõ ràng là phiên âm bởi tiếng “Dinh Chiêm”, tiếng dân chúng gọi tắt dinh trấn Thanh Chiêm vậy.
Ông Nghè Bộ ra tay
Vào cuối tháng bảy năm 1644, ông Nghè Bộ từ Chính dinh, sau khi nhận mật lệnh của Tống thị, về tới dinh Quảng Nam ở Thanh Chiêm. Ông quyết định thi hành ngay chương trình đen tối của ông.11
Nạn nhân trước hết của ông là một trùm trưởng, nhà ở ngay bên cạnh dinh trấn. Đó là ông già Anrê Sơn, 73 tuổi. Ông là một trong những giáo hữu tiên khởi ở Đàng Trong, thông biết lẽ đạo, được các cha dòng Tên chọn làm thầy giảng sống ở ngoài đời vì có vợ con. Ông lấy ngay nhà của ông làm nhà thờ để bổn đạo đến đọc kinh sáng tối, và dự thánh lễ khi có linh mục đến. Ông lại thường đi thăm viếng khuyên bảo giáo hữu, giảng đạo cho người ngoại, đem nhiều người trở về cùng Chúa. Hai năm trước ông đã bị ông Nghè Bộ bắt bớ và đánh đập vì giảng đạo Thiên Chúa. Lần này ông lại bị lính bắt giải đến công đường, và vì ông vẫn mạnh mẽ xưng hô Đức Tin, nên ông Nghè Bộ không ngần ngại đóng gông ông và giam vào nhà lao.
Nhưng thực ra mục phiêu chính của ông Nghè Bộ là Ynhaxô, thủ lãnh các thầy giảng, tử thù của Tống thị. Vì vậy ông phái một toán lính ra thẳng Hội An, tìm đến nhà cha Đắc Lộ và các thầy giảng.
Hôm ấy là 25 tháng 7 năm 1644, lễ thánh Giacôbê tông đồ. Vì lòng kính mến thánh tông đồ, Anrê đã dọn mình xưng tội trước, và sáng hôm ấy xem lễ rước lễ rất sốt sắng12. Giáo sĩ Đắc Lộ sau khi làm lễ rồi, liền cùng mấy thầy giảng, xuống thuyền để đi dinh Chiêm, có ý thăm quan Nghè Bộ để lấy lòng ông, vì nghe tin ông mới ở chính dinh về. Theo lệ thường, mỗi khi giáo sĩ đi đâu đều đem thầy giảng Anrê theo. Nhưng hôm ấy, Anrê xin ở lại nhà, để săn sóc bốn thầy đang đau bệnh. Giáo sĩ bằng lòng để thầy ở lại, không ngờ rằng đức thương yêu của người thanh niên đạo đức ấy sắp được trọng thưởng bằng triều thiên tiên khởi tử đạo.
Lúc ấy đã gần trưa. Anrê đang ở trong nhà các thầy giảng thì một toán lính xông vào. Họ tìm bắt Ynhaxô. Nhưng Ynhaxô đã cùng đi với giáo sĩ và các thầy, bọn lính tìm khắp nhà không gặp.
Thầy giảng Anrê bạo dạn ra mặt với bọn lính và nói:
“Nếu các ông muốn bắt thầy Ynhaxô thì vô ích, vì Ynhaxô không có ở nhà. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng: tôi là giáo hữu, hơn nữa là thầy giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Ynhaxô để bắt thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì làm sao tôi vô tội được”.13
Lính rất ngạc nhiên gặp người như vậy. Họ nhất định không bỏ qua mồi ngon trươc mắt, liền bắt và trói thầy Anrê rất chặt. Anrê chẳng những không chống cưỡng mà còn giúp lính trói mình. Nhưng đến khi thấy lính hành hạ mình như vậy chưa lấy làm đủ, lại còn xúc phạm đến ảnh Chúa và Đức Mẹ thì bao nhiêu nhẫn nại, hiền từ trước biến thành nộ khí xung thiên: thầy chỉ trích hành động phạm thượng của bọn lính bằng những lời mạnh bạo, và nói tiếp: “Nếu các ông quyết định lấy những ảnh thánh ấy, thì cứ để tôi gấp xếp cẩn thận cho, càng dễ mang theo”.
Bọn lính nghe nói động lòng, liền cởi trói cho thầy Anrê, để thầy tự ý gói các ảnh tượng. Thầy gói kỹ lưỡng đặt trong những cái hộp, để người ta khỏi sờ vào đồ thánh. Xong, thầy lại giơ tay cho lính trói mình một lần nữa.
Cùng lúc ấy, thầy để ý thấy lính lôi ở giường ra một thầy giảng đang đau, định bắt giải đi. Anrê trước phản đối, sau dùng lời lẽ ngọt ngào thuyết phục bọn lính. Họ liền để cho thầy kia được tự do, trong khi chính kẻ biện hộ đắc lực lại sắp sửa vào tù.
Thầy giảng Anrê mang xiềng xích đi giữa bọn lính, nét mặt vui vẻ, khiến người ta có thể tưởng như chính bọn lính kia mới là kẻ đau khổ chứ không phải thầy. Sau khi xuống thuyền, tưởng chừng như đứng trên tòa giảng, thầy lên tiếng rao giảng Đức Tin cho bọn lính. Lời lẽ khôn ngoan và sốt sắng của thầy làm cho bọn lính ngơ ngác nhìn nhau, tỏ vẻ cảm động. Tuy lúc ấy không ai tỏ ý trở lại đạo, nhưng thầy Anrê đã không làm một việc vô ích: chính những lời giảng ấy đã đem lại cho thầy phúc tử đạo, bởi vì quan Nghè Bộ dựa vào chứng cớ ấy để giết thầy trong khi không bắt được thầy giảng Ynhaxô.
Một cuộc hội kiến sóng gió
Trong lúc tấn bi kịch trên đây diễn ra tại Hội An, thì cha Đắc Lộ đã đến Thanh Chiêm14. Ý Chúa xui khiến, giữa lúc giáo sĩ và các thầy giảng sắp bước vào cổng dinh trấn, thì một thương gia Ý đại lợi vừa chạy tới. Ông này tên là Horace Massa, cùng với các thương gia Bồ Đào Nha, đến xứ Nam buôn bán, là một người ngay lành, rất thân thiết với giáo sĩ Đắc Lộ 15. Ông cấp báo cho giáo sĩ hay ác tâm của ông quan đối với các giáo hữu, nhất là các thầy giảng: Ông già Anrê Sơn đã bị bắt rồi, và mới mấy giờ gần đây, một toán lính đã được phái đến nhà giáo sĩ, chắc là khi giáo sĩ trở về, sẽ thấy nhiều điều xáo trộn. Kết luận, ông khuyên cha Đắc Lộ nên đưa các thầy giảng đi lánh một nơi, nếu không, các thầy sẽ bị hại.
Thật là một tin sét đánh, khiến cha Đắc Lộ vô cùng kinh ngạc. Giáo sĩ vội vàng cho các thầy giảng về, và dặn phải ẩn náu kín đáo. Còn lại mình người, người làm như không hay biết gì về ác ý của ông quan, cứ vào thẳng dinh và chào mừng ông.
Thoạt trông thấy giáo sĩ, ông Nghè Bộ lấy làm ngạc nhiên, nét mặt ông biểu lộ sự trách móc của lương tâm vì làm điều ác. Ông nói với giáo sĩ: “Thượng vương rất giận ông, vì ông cả gan đi khắp xứ, truyền bá một thứ đạo mới chi đó làm cho người ta mất hết tin thần đạo giáo của tổ tiên. Nhà vương không nỡ hại ông, vì ông là người ngoại quốc, nhưng ông phải rời xứ ngay, nếu không nhà vương sẽ nổi cơn thịnh nộ và phạt ông xứng với tội trạng”.16
Câu nói đầy dọa nạt này chẳng làm cho giáo sĩ bối rối. Ông trả lời: “Tôi đến xứ Nam và ở lại đây chẳng vì mục đích nào khác ngoài ý muốn giữ trọn giới răn Thiên Chúa là Đấng mà nhà vương cũng như tôi, và các vua chúa thế gian đều phải thờ phượng kính mến. Cho đến nay tôivào rao giảng Đức Tin, song không hề cưỡng bách ai theo. Nhưng nếu ai nhận biết sự thật mà theo, lẽ nào tôi độc ác đến nỗi ngăn cản họ, vì làm như vậy là phạm một tội ghê gớm nhất. Vả lại ngoài việc giảng đạo làm sáng danh Thiên Chúa, tôi hoàn toàn vâng phục mọi lề luật của nhà vương và của quan lớn. Nhưng không một sự gì ở đời này có thể làm cho tôi phản bội Thiên Chúa để làm đẹp lòng người thế gian. Về điểm này tôi chẳng sợ hình phạt, cũng chẳng sợ chết. Nhà vương và quan lớn có thể giết tôi song không thể làm cho tôi đổi ý. Nhà vương và quan đừng khép tội các giáo hữu, hãy chỉ trích cứ mình tôi, vì chính tôi giảng dạy và rửa tôi cho họ”.17
Ông Nghà Bồ lại nói: “Giáo sĩ không phải thần dân nước tôi, nên chúng tôi không muốn giết ông. Nhưng chúng tôi quyết không cho phép ông lưu lại trong xứ. Còn những người kia là thần dân, họ phải tuân lệnh nhà vương cấm họ không được theo đạo ông giảng. Nếu họ còn cứ theo, họ sẽ bị coi là phản bội và sẽ bị xử theo tội trạng”.18
Giáo sĩ đáp lại: “Không có lý đo nào phạt những người vô tội, hoặc chỉ có một tội là kính thờ Thiên Chúa hơn tôn trọng người đời. Có lẽ nào người ta lại phạt một trẻ nhỏ vì nó vâng lệnh theo lệnh vua hơn là lệnh cha mẹ trong những điều liên hệ đến lợi ích quốc gia mà tất nhiên vua chúa có quyền hơn cha mẹ. Hai trường hợp này thật là giống nhau, chỉ khác một điều: quyền của Thiên Chúa đối với loài người, còn muôn phần lớn lao hơn quyền của vua quan đối với thần dân”.19
Nhưng lời lẽ của giáo sĩ chẳng làm cho Ông Nghè Bộ đổi ý. Ông vẫn cương quyết buộc giáo sĩ phải rời khỏi xứ Nam khi tầu của người Bồ Đào Nha nhổ neo về Ao Môn. Ong còn cấm giáo sĩ từ nay không được giảng đạo cho người Việt.
Trong ngục tù
Khi thấy ông quan nhất quyết như vậy rồi, giáo sĩ Đắc Lộ đành cáo biệt ông xuống thẳng nhà lao thăm ông già Anrê đã bị bắt giam vì Đức Tin.20
Giáo sĩ gặp ông trong một phóng tối rất khó chịu, nhưng ông lộ đầy sự yên ủi, khiến người ta tưởng ông như ở trong lâu đài.
Cổ ông đeo gông nặng, như các tù nhân trọng tội ở xứ này, nhưng theo lời cha Đắc Lộ, “người ta tưởng như đó là một cây kiềng danh dự, chẳng làm cho ông cực nhọc mà lại làm vinh hạnh cho ông: Ông tỏ ra vui mừng trong xiềng xích, khác nào một thánh Phaolô trong ngục tù vậy”.21
Lý do khiến ông vui mừng hơn hết, là thấy mình là người đầu tiên được chịu sự khó vì Chúa Giêsu ở đất Đàng Trong.
Cha Đắc Lộ đến gần ông, thoạt tiên không nói được lời nào, chỉ nói được bằng đôi mắt ướm lệ. Giáo sĩ ôm lấy ông, âu yếm hôn vào gông của ông, như hôn nhãn hiệu cao quý của Đức Tin mãnh liệt trong lòng người giáo hữu này. Giáo sĩ nói: “Ông thật là người có phúc được Chúa ban vinh hạnh lớn lao tham dự vào chính thánh giá của Chúa, để được xứng đáng lãnh triều thiên. Phần tôi không mong gì hơn được chia sự khốn khó cùng ông, và hạnh phúc đó tôi lấy làm quý hơn hết các lợi lộc thế gian”.22
Giáo sĩ muốn ở lại lâu hơn và thức đêm với người tù có phúc, nhưng lính canh ngục đã bảo giáo sĩ phải ra. Sau khi đã giúp ông Anrê dọn mình chiến đấu can đảm cho Chúa Giêsu và xưng danh Chúa trước mặt thiên hạ, giáo sĩ từ giã ông, bí mật trở về với các thầy giảng đang chờ giáo sĩ trên một chiếc thuyền nhỏ, để ẩn náu cho qua cơn bão táp, như giáo sĩ đã dặn.
Trong cơn nguy biến, cha con vội vã bàn tính cách đối phó. Nhận thấy không có phương thế nào cần thiết hơn ơn Thiên Chúa, cha con liền cùng nhau cầu nguyện.
Giờ khắc nặng nề trôi… Màn đêm đã buông xuống tự bao giờ mà đoàn tông đồ vẫn chưa thôi cầu nguyện.
Bỗng nhiên một toán lính ập xuống thuyền: chính là bọn lính lúc trưa đã khám xét nhà cha Đắc Lộ và bắt thầy giảng Anrê, song họ chưa mãn nguyện vì chưa bắt được thầy giảng Ynhaxô để nạp cho thỏa lòng giận của quan trên.
Sau khi tìm kiếm khắp nơi, bất ngờ họ xuống ngay thuyền của các thầy giảng, hỏi có ai thấy những đồ đệ của giáo sĩ người Au giảng đạo ở chỗ nào.
“Bóng tối của đêm khuya – lời cha Đắc Lộ ghi chép – hay nói đúng hơn, Cha của sự sáng đã ngăn cản họ không nhận thấy chúng tôi. Khi họ sờ vào chúng tôi và hỏi chúng tôi, thì một người trong bọn họ trả lời rằng: vừa lúc nãy những người ấy đã có ở đây: thật giống như trường hợp thánh Atanasiô xưa kia. Bọn ấy nghe vậy liền bỏ đi để đuổi theo, trong khi ấy chúng tôi đã kịp thì giờ rút lui”.23
_____________________________
Chú thích
(1) Thành mới này xây theo kiểu Vauban, năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), dùng làm tỉnh đường tỉnh Quảng Nam cho đến năm 1945 thì bị Việt Minh phá huỷ, nay còn di tích hào và luỹ chung quanh. Tỉnh đường Quảng Nam từ đó di chuyển ra Hội An.
(2) Hành Lãnh chỉ núi Ngũ Hành ở Đà Nẵng.
(3) Quyển I, tờ 21.
(4) Còn đọc là “Cần Hốc”
(5) Tôn Thất Hàn, Généalogie des Nguyễn, trong B.A.V.H. 1920, tr.295 và tiếp.
(6) Đại Nam nhất thống chí, quyển V, (Quảng Nam) mục thành trì, tờ 10.
(7) Sách dẫn thượng, mục Tự miếu, tờ 34.
(8) Lettre du P.Gaspar Luis sur la Concicina. Annotations par L.Cadière – B.A.V.H 1931, tr.415, 416, chú thích 4 và 5.
(9) Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, chú thích của Cadière, tr.240.
(10) Xem chương X dưới đây – Và đón xem tài liệu: Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII, của chúng tôi (diễn văn đọc tại trường Đại Học Văn Khoa ngày 22-12-1958)
(11) Đoạn này theo: A.R, Voyages et Missions (1854), chương XXXII. Glorieuse mort, chương I – P.B, Truyện Đàng Trão, đoạn 4-5. Summarium, De Andrea Catechisia, Num I – Relacao, chương 8.
(12) Truyện Đàng Trão (tr.49) nói hôm ấy Anrê xem lễ tại “nhà thờ bến Hội An, làm trên giải núi ở trong bến ấy, là bến tàu Macao đậu”. Nếu vậy là ở Cù Lao Chàm chăng?
(13) A.R, Glorieuse mort, tr.11
(14) Đoạn này theo: A.R, Voyages et Missions (1854), chương XXXII. Glorieuse mort, chương II – P.B, Truyện Đàng Trão, đoạn 5.– Relacao, chương 9.
(15) Sau đây ta sẽ thấy Horace Massa làm chứng về nhiều phép lạ của Thầy giảng Anrê.
(16) A.R, Glorieuse mort, tr.17.
(17) Như trên, tr.18-19 (Những đoạn dịch văn cổ, chúng tôi cố giữ đúng ý, song đổi cách chấm câu cho hợp với lối văn ngày nay và ý tưởng được rõ ràng).
(18) A.R, Glorieuse mort, tr.19
(19) A.R, Glorieuse mort, tr.20
(20) A.R, Glorieuse mort, tr.21: “Ông già Anrê bị giam từ mấy ngày nay” – P.B, Truyện Đàng Trão, tr.52: “bắt hai thầy hai nơi, song cũng trong một ngày hôm ấy”.
(21) A.R, Glorieuse mort, tr.21-22
(22) A.R, Glorieuse mort, tr.22-23
(23) A.R, Glorieuse mort, tr.25
 _________________________________________________

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG VIII: MỘT BẢN ÁN

Ở vào một thời chưa có điện khí, dinh trấn Thanh Chiêm mặc dầu là nơi đô thị, ban đêm cũng chìm trong bóng tối như các xóm làng khác. Có khác chăng chỉ là mấy ngọn đèn dầu le lói ở một vài điểm canh, trong dăm ba quán rượu, hoặc trên mấy mạn thuyền.
Lúc ấy phỏng cuối canh một sang canh hai. Trên sông Sài giang, từ ngả Hội An lên, một chiếc thuyền cặp bến Chợ củi, phía trước dinh trấn. Dưới ánh đèn mờ tỏ, một toán lính đổ bộ, áp giải một người trai trẻ, hai tay trói giặt cánh khỉ. Đoàn người tiến thẳng vào dinh trấn, qua một cửa nhỏ có lính canh.
Mặc dầu đêm tối, ông Nghè Bộ truyền giải ngay “tội nhân” đến phòng văn.1 Thấy tù nhân diện mạo khôi ngô, hiền lành, nhã nhặn như thiên thần, quan động lòng hỏi lính: “Người này là ai mà bay bắt? Sao không bắt tên Ynhaxô như lệnh truyền?”
Viên cai đội thưa: “Tên Ynhaxô không có ở nhà giáo sĩ người Au, nhưng chúng tôi bắt được tên này ở đó là người có đạo và cũng giảng đạo như Ynhaxô. Dầu bị bắt rồi, suốt dọc đường y vẫn luôn luôn nói đến đạo Thiên Chúa, và xúi giục chúng tôi bỏ đạo ông cha theo đạo ấy”.
Ông quan nghĩ bụng: tuổi trẻ non dại nào có gan dạ gì, thế nào mình chẳng cải hóa được nó. Ông bắt đầu bằng những lời dụ dỗ, đại ý nói nếu đã trót theo “tả đạo” vì dại dột chứ không vì tà tâm, mà bây giờ biết nghe theo lời quan, nhất quyết từ bỏ, thì quan sẽ thương giúp mọi bề, nhưng nếu cố tình không nghe, quan sẽ có cách khiến cho hối không kịp.
Tù nhân trẻ tuổi – chính là thầy giảng Anrê- mỉm cười lộ vẻ bình thản và cương quyết. Thầy chỉ nói vắn tắt rằng quan có thể giết thầy cách dễ dàng, nhưng quan và cả bộ hạ không thể nào làm lay chuyển được Đức Tin và lòng kính mến Chúa Giêsu trong tâm hồn thầy.
Ông quan xưa nay quen thấy một lời mình phán ra, những kẻ cứng lòng nhất cũng phải run sợ, lần thứ nhất gặp một thanh niên tín hữu cưỡng lời như vậy, lấy làm tức giận vô cùng, không nói lại nửa lợi. Thật hợp như lời Kinh thánh: “Chúa chọn kẻ yếu để làm xấu hổ kẻ mạnh” (Infirma mundi elegit Deus ut confundat fortia)2. Ông truyền lính đưa Anrê giam trong ngục và đóng gông vào cổ, để rồi mai sẽ định liệu: hoặc là y sẽ đổi lòng, hoặc là y muốn chết, sẽ được chết.3
Lệnh quan được thi hành tức khắc: bọn lính lấy gông rất nặng đóng vào cổ thầy giảng Anrê và giam chung một ngục với đồng đạo Anrê già.
Ai hiểu được sự vui mừng của hai môn đệ Chúa Giêsu khi họ gặp nhau và thấy mình đều được chịu gông cùm xiềng xích như Chúa mình, và giống Bổn mạng mình là thánh Anrê tông đồ. Họ ôm lấy nhau, vui mừng với hạnh phúc chung, và họ khuyến khích nhau ngày mai xông pha chiến trường, trong khi cửa Thiên đường như đã mở sẵn chờ đón họ.
Hai người sống qua đêm ấy trong ơn yên ủi không kể xiết. Đối với họ, nhà ngục này đã phảng phất hương vị của thiên đàng.
Phiên tòa chớp nhoáng
Đêm hè qua mau chóng. Sáng hôm sau, 26 tháng 7. Ông Nghè Bộ triệu tập một phiên tòa để giữ đôi chút hình thức pháp lý cho tội ác ông sắp phạm.4
Ông cựu trấn thủ Phú Yên, phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, rất có cảm tình với Công giáo, lúc ấy đã về ở Quảng Nam, cũng được triệu thỉnh đến tòa để hỏi ý kiến.5 Ông này ngỏ ý rằng: vụ án hai can phạm này, nên đưa lên phủ chúa xét xử mới phải, vì họ theo tôn giáo mới, mà người đến truyền giáo lại có phép của nhà vương, thì chính nhà vương mới định rõ được họ có tội hay vô tội.
Ông nói thế tưởng là thuợng sách để cứu những người vô tội khỏi bị luận xử vì lòng thù ghét.
Nhưng quan cai bộ không theo đề nghị ấy, vì nó trái với ý định thầm kín của ông quyết hại người Công giáo. Ông tuyên bố rằng ông được quyền chúa Thượng cho phạt tử hình những người ấy – điều mà sau này Công Thượng vương không nhìn nhận – Ông không phải khó khăn gì để kéo các quan khác – chức nhỏ hơn – về phe với ông. Thế là ông đã có đa số, ông liền quyết định xử tử hai giáo hữu, mà không cần lời biện minh nào khác.
Sau khi quyết định như thế rồi, ngừơi ta mới điệu hai thầy giảng từ nhà lao ra trước công đường để nghe tuyên án.
Hai đồng đạo bước chân đi vững mạnh, không hề sợ hãi, lại hân hoan “như đi dự tiệc cưới”6; vai mang gông nặng, họ vẫn tỏ ra khoan khoái dễ chịu vì đó là “những xe chở họ về nước thiên đường”.7
Họ đến trước mặt các quan với vẻ mặt vui tươi. Không một câu hỏi, không một lời biện hộ, không một chứng tá, ông Nghè Bộ dõng dạc đọc bản án: tử hình cho hai tín hữu, và đốt các đồ đạo đã tịch thâu! Liền sau đó, lính điệu hai tội nhân về ngục, và cho biết bản án sẽ thi hành nội trong ngày hôm ấy.
Trứơc cũng như sau, hai người chẳng nói nửa lời, chẳng phàn nàn chi, chẳng đòi thượng tố lên Phủ chúa. Họ chẳng kêu ca bản án bất công, vì một mình ông Nghè Bộ vừa là nguyên cáo, vừa là nhân chứng, lại vừa là quan tòa! Họ ưng nhận bản án và trở về nhà ngục, vui mừng như người chiến thắng, hết lòng ngợi khen Thiên Chúa. Họ chỉ tỏ vẻ buồn khi nghe quan truyền đốt ảnh tượng và các đồ đạo, khiến những người bàng quan phê bình họ chẳng lo cho mạng sống mình, lại lo đồ đạo phải đốt! 8
Phiên tòa đã diễnra cách đột ngột và bất thường đến nỗi – theo lời cha Đắc Lộ – “nhiều người công nhiên kết án sự hấp tấp của các quan, nội trong một ngày vừa bắt giam, vừa tra xét, vừa kết tội tử hình, lại còn định hành quyết ngay hai giáo hữu chẳng có tội tình gì kia”.9
Sử liệu ghi chép rằng, sáng hôm ấy, gió thổi mạnh, sông Sài giang cuồn cuộn nổi sóng, thuyền ngược sông cực kỳ vất vả10. Người ta có thể hình dung đó là một buổi sáng không có mặt trời, một buổi sáng biển động sóng gầm… Phải chăng trời đất cũng đã muốn cảm thông cùng lòng ngừơi trong một ngày tang tóc đầu tiên của giáo hữu nước này?
___________________________________
Chú thích

(1) Đoạn này theo A.R, Glorieuse mort, chương III, tr.25-28
(2) Thư I Corintô, I, 27 – Relacao dẫn lời Kinh thánh này ở ch.9.
(3) Linh mục Bỉnh trong Truyện Đàng Trão tường thuật cuộc đối thoại giữa ông Nghè Bộ và thầy giảng Anrê như sau:
“Tối đêm hôm ấy thì cuân cuốc mới điệu thầy Anrê trẻ về đến Kẻ Chợ Cachao (thủ phủ dinh Quảng Nam) liền điệu tù cũ (cùng) đồ đạo vào giải nạp cho Oũ Nghè Bo, mà quan thấy thầy ấy hãy còn trẻ tuổi, thì nghĩ rằng mình được trận chẳng sai. Liền hỏi rằng: Quê mày ở đâu trão nước này. Thầy ấy thưa rằng: Quê tôi ở xứ Ranran (Phú Yên). Điều hỏi thứ hai thì rằng: Mày giữ đạo đí gì? Thầy ấy thưa rằng: Tôi là bổn đạo mà thờ phượng Chúa Blời đất. Điều thứ ba thì hỏi rằng: Vì làm sao mà ở vuối thầy cả Portuguès (Bồ Đào Nha). Thầy ấy thưa rằng: Tôi ở vuối người mà học sự đạo cho chín. Quan ấy hỏi nắn lại điều hỏi thứ 2, cũ (cùng) thứ 3, mà lên cung gắt gão (gỏng), mặt mũi thì giận dữ. São (song) le thầy ấy cứ ở vững vàng mà thưa những mlẽ (nhẽ) chắc chắn mà chẳng sợ, thì quan ấy bảo rằng: Phải bỏ đạo Portugùes mà giở lại đạo nước nhà mình. Nghĩa là bỏ đạo Đ.C.J (Đức Chúa Giêsu) mà theo đạo Thích Ca. Thầy ấy thưa rằng: Thà chịu mọi sự khó mà chẳng thà bỏ đạo rất thánh mình đã chịu. Vì chưng mình ước chịu chết cho đựơc cám ơn blả (trả) nghĩa Chúa Blời đất đã dựng nên mình cũ (cùng) đã chịu chết vì mình. Quan ấy xấu hổ vì chẳng nạt được một con trẻ, thì giận, liền gầm thét như sư tử, mà gọi cuân lính đem tù ra khỏi trước mặt mình, cũ (cùng) điệu vào giam trão (trong) ngục đóng gòu (gông) cu (cùng) canh giờ cho cẩn thận, cho đến sáng ngày sẽ điệu ra cửa cù (công) đường mà luận phạt nhu tội đã đáng”. (truyện Đàng Trão, tr.54-55) – Đối chiếu: Relacao, ch.9
(4) Đoạn này theo: Glorieuse mort, chương IV – P.B, Truyện Đàng Trão, đoạn 6.– Relacao, chương 9.
(5) Cha Đắc Lộ chỉ nói trống: “L’ancien gouverneur qui avait fovorisé les chrétiens” (Glorieuse mort, tr.31), “l’ancien gouverneur don’t la femme est chrétienne, très vertueuse” (Relation des progrès foi, tr.30). Dầu không có tài liệu khác phù hợp, cùng đoán được đó là ông cựu trấn thủ Phú Yên, lúc này ở Quảng Nam, có lẽ hưu trí như đã nói trên. Tài liệu Relacao của cha Matihias da Maya (chương 9) xác nhận điều đó, vì nói rõ ràng đó là ông cựu trấn thủ Phú Yên, mà vợ là bà nhân đức Maria Mađalêna, rửa tội năm 1636 ở Phú Yên.
(6) và (7) Glorieuse mort, tr.31, 32
(8) Ph.B. Truyện Đàng Trão, tr.58
(9) A.R Glorieuse mort, tr.33
(10) A.R Glorieuse mort, tr.30
 ______________________________________________

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG IX: CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA NGƯỜI BỒ ĐÀO NHA

Cuộc khám xét nhà giáo sĩ Đắc Lộ và thầy giảng Anrê ngày hôm trước, đã gây nên một xúc động mạnh mẽ trong giới giáo hữu Việt Nam cũng như giới thương gia Bồ Đào Nha có mặt tại Hội An. Sáng sớm ngày 26 tháng 7, giáo sĩ Đắc Lộ sau khi cho các thầy giảng đi ẩn kín đáo, liền tìm gặp các người Bồ Đào Nha để bàn hỏi ý kiến1. Những người này tỏ ra rất lo buồn. Họ cho giáo sĩ hay tất cả những thiệt hại mà lính đã gây ra trong nhà giáo sĩ, nhất là đã tịch thu để nộp cho quan tất cả những ảnh tượng, đồ thờ và áo lễ.
Cha Đắc Lộ lo lắng vô cùng vì sợ người ngoại giáo xúc phạm đến các đồ thánh hoặc đốt đi nữa. Sau khi bàn luận, giáo sĩ cùng mười một thương gia Bồ Đào Nha, là những người đàn anh trong tàu đậu ở bến Hội An, liền quyết định đến dinh trấn để vận động xin tha cho các bổn đạo bị bắt và xin lại các đồ thánh.
Thuyền của họ ngược sông Sài giang bị gió to sóng lớn nên đi rất chậm, khiến họ càng lo lắng. Chưa đến nơi, họ đã nghe tin quan đã tuyên án xử tử hai thầy giảng và đốt các đồ thờ. Họ bàn với nhau nếu lời lẽ không cảm hóa được quan, thì phải bỏ tiền ra chuộc lại các đồ thánh và lo liệu cho hai thầy được sống để giúp bổn đạo.
Khi thuyền đến bến chợ Củi, họ lên thẳng dinh trấn, được Ông Nghè Bộ tiếp kiến ở công đường. Trong mười một thương gia Bồ, có một người nói được tiếng Việt Nam vì thường hay có việc đến dinh trấn. Ông nói với quan rằng: “Nhà vương đã cho phép các tàu Ao Môn chúng tôi đến buôn bán ở xứ này, cùng cho phép chúng tôi đem các linh mục đi theo để làm việc tế lễ ở trong tàu, theo thói người Bồ Đào Nha chúng tôi. Vì vậy xin quan lớn truyền trả lại các đồ đạo quân lính đã lấy ở nhà giáo sĩ của chúng tôi”.2
Ông Nghè Bộ trả lời: “Chúa Thượng chẳng muốn cho người ta giảng đạo mới ở xứ này, thế mà giáo sĩ cứ làm việc bất hợp pháp ấy; cho đến nay nhà nước tha cho sự lỗi ấy, song các ảnh tượng sẽ phải đem đốt nơi công cộng cho thiên hạ biết, còn các đồ lễ, khi nào tàu nhổ neo, ta sẽ trả”.3
Giáo hữu Bồ Đào Nha nghe nói vậy, động lòng chảy nước mắt, đồng thay kêu rằng: “Xin quan lớn trả các ảnh ấy cho chúng tôi, vì là của chúng tôi ưa chuộng hơn các kho vàng bạc, hơn cả sự sống chúng tôi nữa”.4
Quan chẳng dám từ chối, vì họ là những khách buôn được kính nể, chính chúa Nguyễn cũng trọng vọng. Quan liền trả một mẫu ảnh Đức Bà, hai ảnh Chúa Giêsu, song giữ lại hai ảnh “Chuộc tội” (Thánh giá) định đem đốt cho thỏa lòng giận. Giáo sĩ Đắc Lộ năn nỉ không được, đến lượt ông thuyền trưởng João de Resende de Figueroa5 lên tiếng: “Hai ảnh này thuộc về tôi, vì tôi là chúa tàu, khi đi biển gặp kẻ cướp, tôi cầm một ảnh, linh mục tuyên uý cầm một ảnh trong tay, giơ lên cho mọi người trong tàu xem thấy, họ liền hăng hái đánh đuổi quân cướp cho đến khi hết, vì không muốn cho hai ảnh ấy lọt vào thay chúng. Vậy nếu không có hai mẫu ảnh này, tàu tôi sẽ không nhổ neo, vì tôi chỉ trông cậy vào dấu đó để được vượt biển bằng an”.6
Nói rồi, ông ta đưa tiền xin chuộc ảnh. Quan tỏ vẻ phân vân, nửa muốn đốt ảnh để làm cho giáo hữu xấu hổ, nửa sợ chúa Thượng trách cứ vì người Bồ Đào Nha sẽ phản kháng hoặc tẩy chay không đến buôn bán nữa, mất mối lợi cho Nhà nước. Sau cùng ông làm một cử chỉ lịch sự: trả lại ảnh mà không nhận tiền chuộc. Tuy nhiên ông vẫn còn giữ một ảnh Thánh giá khác cùng với mấy quyển sách đạo bằng chữ Hán 7 bắt được ở nhà ông Anrê già. Nhóm người Bồ Đào Nha cũng tha thiết xin lại, song vô hiệu, quan nhất định truyền đem đốt những thứ ấy ở ngoài đồng.
Số phận hai tử tù
Cuộc vận động của người Bồ Đào Nha đã đưa đến kết quả đầu tiên là thâu hồi được tất cả những đồ thánh bị tịch thâu tại nhà cha Đắc Lộ. Sau khi ngỏ lời cảm ơn quan Cai bộ, người Bồ Đào Nha đề cập đến số phận hai đồng đạo Việt Nam. Họ nói: “Từ trước đến nay chưa hề thấy một giáo hữu Việt Nam nào phạm lỗi với nhà vương, vì phép đạo Đức Chúa Trời dạy phải kính đấng bề trên, yêu kẻ bề dưới, nộp thuế cho vua chúa, làm lành tránh dữ. Vậy hai giáo hữu bị bắt, một người đã 73 tuổi, già yếu, không sống được bao lâu nữa, chẳng phạt cũng chết, phạt làm chi? Một người còn trẻ, mới 19 tuổi, thì chúng tôi nghĩ: nhà vương cũng chẳng muốn giết hại kẻ mới đến tuổi khôn, không ăn trộm, ăn cướp, vẫn một lòng trung thành, nộp đủ sưu dịch thuế má, làm tôi nhà vương. Còn như việc tín ngưỡng thì tuỳ trí khôn người ta lựa chọn, và là quyền tự do riêng của mỗi người để lo việc cứu linh hồn mình đời sau. Vì vậy chúng tôi xin quan lớn cải án tha cho hai bổn đạo ấy khỏi chết”.8
Quan trả lời: “Đối với lão già, đã 73 tuổi, xin được sống để ở với con cháu ít lâu nữa, cứ lẽ ấy thì chẳng đáng tha. Vì tôi đã hỏi lão ba bốn lần rằng: có phải là bổn đạo chăng, thì lão thưa: tôi là bổn đạo đã nhiều năm, cũng chẳng bọ đạo Đức Chúa Trời, và sẵn lòng chịu phạt thể nào cũng được. Lời lão già nói rất dại, vì cứng cổ thì càng dại, song đã dại thì tha cho sống. Còn người con trẻ thì không tha: y bạo ngược và cả lòng, lại quyết mình không lầm, vì thưa rằng mình là bổn đạo thờ phượng Chúa Trời đất, dầu cách nào cũng không bỏ, lại sẵn sàng chịu mọi hình phạt, cả đến mất sự sống nữa. Ví bằng khi ấy, y nói với tôi rằng: mình là kẻ nghèo khó, phải ở với giáo sĩ để có ăn, thì bây giờ tôi tha. Song cả lòng thì chết”.9
Cha Đắc Lộ và các người Bồ Đào Nha giải thích rằng: thanh niên kia cũng vô tội như ông già nọ, anh nói năng tự nhiên như vậy là biểu thị lòng ngay lành và Đức tin của anh, chứ không có ý khinh mạn quan hay do tính nết lì lợm.
Quan nói: “Tôi đã nhiều lần xin y nghe lời khuyên của tôi, nếu không, sẽ thấy hiệu quả cơn thịnh nộ của tôi. Y nói y có đạo, y muốn giữ đạo, y thà chết còn hơn nghe lời tôi, y không làm theo ý tôi thì tôi sẽ làm theo ý y. Các ông xin cũng không được. Y phải chết!”10
Giáo sĩ Đắc Lộ lại nói: “Nếu theo đạo không phải là một tội thì tại sao thanh niên kia phải chết? Còn như theo đạo là có tội, thì tại sao tôi không được chết  như anh, vì tôi xin tuyên bố công khai: tôi có đạo, tôi giảng đạo, và tôi rửa tội cho tất cả những ai theo đạo!”11
Ông Nghè Bộ trả lời: “Ông là người ngoại quốc, nhà vương chỉ truyền lệnh cho ông ra khỏi đất nước, nếu không tuân, ông cũng sẽ bị xử như tên cứng đầu kia, nội ngày hôm nay nó sẽ bỏ mạng!”12
Nói rồi quan xoay lưng, đi khỏi.
Nhưng nhóm giáo sĩ và giáo hữu người Au Châu chưa tuyệt vọng. Họ kéo đến nhà quan cựu trấn thủ Nguyễn Phúc Vinh nài xin ông dùng uy tín can thiệp giùm với ông Nghè Bộ, cứu sống thầy giảng Anrê, để máu kẻ vô tội khỏi đổ trên đầu những kẻ sát nhân.
Ông già hiền hậu ứa nước mắt trả lời rằng ông không thể làm gì được, vì ông Nghè Bổ mới ở phủ chúa về với những mật lệnh nào đó, ông không nói ra, mà chính ông cựu trấn thủ cũng lấy làm sợ. Khi ông ấy vừa về đến dinh đã sai người đến tận nhà ông cựu trấn thủ, dặn bảo phải coi chừng và liệu sao cho cả gia đình không được có điều tiếng gì ra ngoài. Ông Nghè Bộ lại tỏ ý định thẳng tay đàn áp giáo hữu nên chính ông cựu trấn thủ cũng lo lắng – lo đến cả tính mạng mình – vì bà vợ và nhiều gia nhân đã tòng giáo. Như vậy, ông còn thế lực nào mà cứu kẻ khác. Ông đành để mặc cho ông Nghè Bộ thi hành mệnh lệnh từ phủ chúa mang về. 13
Trong ngục tù
Đến đây, giáo sĩ Đắc Lộ hiểu rằng Đức Chúa Trời đã muốn đội triều thiên cho thầy giảng Anrê, vì Chúa không còn cho phương thế nào để cứu thầy nữa.14
Từ giã ông cựu trấn thủ, giáo sĩ và các người Bồ Đào Nha đến thẳng nhà lao. Tại đây, hai giáo hữu không biết gì về cuộc vận động của người Bồ Đào Nha, chỉ chăm chú cầu nguyện và suy ngắm để dọn mình chết vì đạo. Khi có giáo hữu vào thăm và mừng cho hai thầy sắp được đội triều thiên tử đạo, hai thầy lấy lòng khiêm nhường cám ơn và xin anh em cầu nguyện cho mình được lòng can đảm xưng đức tin, lại tỏ ý trông mong cho chóng đến giờ chiều để về cùng Chúa.
Ông Anrê già là người đàng hoàng lịch sự, đã mặc sẵn quần áo trọng thể, để tỏ lòng tôn kính Chúa Giêsu khi dâng hồn xác mình cho Chúa. Khi cha Đắc Lộ đến thăm, và báo tin quan đã tha không giết ông, tức thì ông như mặt trời mất sáng, đang vui bỗng hóa sầu, hai hàng lệ tuôn rơi: ông buồn tủi vì mất phúc tử đạo.
Giáo sĩ Đắc Lộ đem hết lời khuyên giải, nào nhắc tích cha con ông Abraham và Isaác, tuy không phải làm lễ toàn thiêu, song được Chúa trọng thượng vì đức vâng lời, lại như Đức Mẹ Đồng trinh theo Chúa Giêsu lên núi Sọ, tuy không được chết cùng Con, nhưng vẫn được kể là Nữ Vương các thánh tử đạo. Tử đạo thật sự là ơn rất lớn, song tử đạo thiêng liêng trong lòng bằng cách chịu khó vâng theo ý Chúa, sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì Chúa, cũng là công trọng không kém.
Nghe lời khuyên giải ấy, ông Anrê Sơn cũng nguôi lòng, cúi đầu vâng theo ý Chúa. Ra khỏi tù, ông còn sống thêm bốn năm, chứng kiến nhiều cuộc bách hại tôn giáo, và chính ông cũng còn bị bắt bớ, tra tấn hai lần nữa. Như thế là trong đời ông, ông đã bị giam cầm vì đức tin đến bốn lần, lần nào cũng can đảm xưng danh Chúa, không bao giờ nản lòng thối chí. Giáo sĩ Đắc Lộ ca tụng ông là người thứ nhất được hân hạnh mang “cây kiềng danh dự” – các giáo sĩ thời ấy còn gọi là “thánh giá xứ Đàng Trong” – tức cái gông “với tư cách là quân binh và hiệp sĩ của Chúa”. Ông có một vợ, tên thánh là Ynhaxô, và hai con, Emmanuen và Luy, giống hệt các nhân đức của ông. Nhà ông là nơi trú ẩn rộng rãi tốt lành cho tất cả các giáo hữu lúc bình thời cũng như khi giông bão, và cũng là nơi đón nhận bao nhiêu người lương trở về cùng Chúa. Ông chết thánh thiện tại nhà ông năm 1648, thọ gần bát tuần.15
Nhưng ta hãy trở lại với Anrê trẻ. Khi các người Bồ Đào Nha kéo đến gặp thầy, thì thầy chắp tay lại, ngửa mặt lên tạ ơn Đức Chúa Trời, rồi quay mặt lại cảm ơn các bạn ngoại quốc đã tận tâm với mình như vậy. Giáo sĩ Đắc Lộ sau khi an ủi ông Anrê già, liền chạy lại ôm lấy thầy Anrê trẻ, hôn cây thánh giá của thầy, hai mắt ứa lệ, miệng nghẹn ngào không nói được nửa lời.
Tất cả những người Bồ Đào Nha lúc ấy cũng quỳ xuống dưới chân thầy, vừa hôn vừa khóc ròng ròng, xin người về Thiên đường nhớ cầu nguyện cho mình. Các giáo hữu và những người có mặt cũng bắt chước làm như vậy.
Thầy Anrê lấy làm xấu hổ vì sự kính chuộng ấy, song không biết làm thế nào tránh được, liền ngửa mặt lên trời, như có ý xưng mình chẳng đáng được kính chuộng như vậy, lại nói lớn tiếng rằng: “Tôi là kẻ rất có tội”, và xin mọi người cầu nguyện Đức Chúa Trời ban sức cho mình được chịu sự khó cho đến chết.
Đầy lòng tin cậy, thầy nói tiếp: thầy chẳng sợ cơn điên dại của kẻ dữ chỉ có thể giết mình phần xác, thầy chỉ sợ Đức Chúa Trời là đấng có quyền phạt cả hồn cả xác đời đời.16
Theo lời cha Đắc Lộ, các người Bồ Đào Nha rất ngạc nhiên được thấy một phong độ và nghe một ngôn ngữ như vậy. Họ đều nói rằng thanh niên có phúc này được Chúa Thánh Thần chẳng những ngự trong lòng, mà còn hiện ra ngoài dung nhan nữa.17
Quân lính và đồng bào ngoại giáo thấy cảnh tượng các người Au Châu, từ vị giáo sĩ đến ông chúa tàu và các thương gia, đều tôn kính một con trẻ nước mình như vậy, lấy làm ngạc nhiên vô cùng. Chẳng mấy chốc tiếng đồn lan ra khắp phố phường. Thiên hạ kéo đến đông nghịt chung quanh nhà lao, đủ mọi hạng người, lớn bé, đàn ông, đàn bà, bổn đạo hoặc bên lương.
Thầy Anrê đón tiếp mọi người rất niềm nở, và cảm ơn họ. Với anh em giáo hữu, mỗi lời thầy nói ra như một tia lửa yêu mến làm cháy lòng người. Thầy nói:
“Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu của ta, ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì ta, ta hãy lấy sự sống đáp lại sự sống.”18
Thầy lại khuyên mọi người vững lòng trong nhân đức tin, và xin anh em bổn đạo đừng khóc lóc thương mình, vì mình về cùng Chúa để hưởng sự sống và hoan lạc đời đời.
Nghe những lời sốt sắng ấy, mọi người đều cảm động. Cả những người bên lương có mặt cũng tỏ ra động lòng, họ cảm phục lòng tin tưởng và can đảm của người thanh niên công giáo.
Thầy Anrê không bỏ lỡ cơ hội để khuyên bảo họ những điều tốt lành và giảng giải cho họ về đức tin mà thầy sắp đổ máu để bênh vực. Thầy nói:
“Các anh em thấy rõ tôi đây đã bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết người hay làm thiệt hại ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa tể Trời đất và Con Một Người xuống thế chịu chết chuộc tội cho ta. Mọi sự ta có đều do nơi Người. thế mà người ta lại muốn tôi phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta có thể bắt tôi chịu, tôi chỉ sợ lửa hỏa ngục đời đời, là hình phạt dành cho kẻ từ chối không tin thờ Chúa Giêsu Kitô là Đức Chúa Trời thật. Hỡi anh em, anh em hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời muốn ban cho anh em, phải liệu sao cho khỏi bị xử phạt đời đời.”19
Những giờ sau hết
Như người lực sĩ mong sớm về tới đích vinh quang, thầy giảng Anrê, lực sĩ vô địch của đức tin, nóng lòng chờ đợi từng phút, giờ hạnh phúc của mình. Thầy năng hỏi lính: “Sắp đến giờ chưa? Tôi đã sẵn sàng rồi mà sao người ta chậm thế, còn chờ gì nữa?” Thầy lại thường nói:
“Tôi tưởng như cửa thiên đàng đã mở ra cho tôi, tôi thấy Chúa Giêsu đang đứng trước cửa đó để đón nhận tôi, bao nhiêu thánh tử đạo giơ cho tôi mũ triều thiên và cành thiên tuế. Ôi! Thiên đàng! Hạnh phúc dường nào! Mau mau cho tôi về thiên đàng! Tại sao người ta trì hoãn tôi lâu vậy.”20
Cảnh tượng này gây nên trong lòng giáo sĩ Đắc Lộ cảm tưởng như sau:
“Tôi thỏa mãn trong lòng nhìn thấy sự can đảm của một tinh binh trẻ tuổi của Chúa Giêsu. Trong sự đau khổ tột bực vì sắp phải mất thầy, tôi vẫn không ngớt khen Thiên Chúa, và trong lòng đầy sự yên ủi, vì Chúa đã ban sức mạnh cho một con trẻ để toàn thắng sự chết rất kinh khủng.”21
Mặc dầu thầy Anrê có thói quen cứ tám ngày xưng tội một lần22, và mới rước lễ sáng hôm qua, nhưng lúc này thầy muốn xưng tội lại để được trong sạch hơn, hầu ra trước tòa Chúa phán xét. Thầy cầm trí xét mình, ăn năn tội, rồi xưng tội rất mau chóng. Cha Đắc Lộ ghi chép:
“Thầy cáo mình một cách kỹ lưỡng, song tôi nói quyết rằng, tôi khó lòng tìm thấy điều gì đáng phải làm phép giải tội. Lương tâm rất trong sạch ấy chẳng làm cho tôi ngạc nhiên chút nào. Tôi đã quá rõ tấm lòng tinh tuyền vô tội mà thầy hằng gìn giữ, nhất là từ ngày chịu phép Rửa tội, cho nên tôi chẳng lấy làm lạ vì thấy trong sạch như Thiên thần”.23
Giáo sĩ viết tiếp:
“Trong hai năm liền, tuần lễ nào tôi cũng nghe thầy xưng tội, và thường thường tôi vẫn gặp khó khăn như vậy khi giải tội cho thầy. Đó là một tâm hồn thành thật, một lương tâm trong sạch, một trí tuệ minh mẫn. Mỗi lần thầy xưng tội, không lâu quá một kinh “Lạy Cha”, một kinh “Kính Mừng”. Tóm lại cuộc đời thầy giống hệt như đời một tập sĩ sốt sắng trong một dòng tu rất nghiêm ngặt.24
Đến đầu giờ thân – khoảng bốn giờ chiều – thầy giảng Anrê trông lên mặt trời, thấy hãy còn cao thì nói: “Sao mặt trời chẳng đi cho chóng?” Lúc ấy một người lính đến bảo đã sắp đến giờ đi xử, phải sửa soạn, muốn ăn gì thì ăn cho thong thả kẻo không kịp. Cha Đắc Lộ khuyên thầy nên dùng một chút của ăn để lấy sức đi đến pháp trường cách đó hơi xa. Giáo sĩ đã mang sẵn một ít đồ ăn nhẹ, thầy Anrê cầm lấy ăn một vài cái bánh, uống một ly nước, rồi nói thế là đủ, chẳng cần gì hơn nữa, “để dành ăn tiệc thịnh soạn trên thiên đàng” – theo cha Đắc Lộ25. Sau đó thầy làm việc tin, cây, kính mến Đức Chúa Trời, dâng phú mình cho Chúa, luôn luôn kêu tên Giêsu, Maria, và khiêm nhường cầu nguyện Ơn Trên nâng đỡ.
Nhóm Bồ Đào Nha cũng vẫn chưa rời người tù có phúc. Họ có ý ở lại xem xử án tường tận, để có thể làm chứng sau này. Họ nói rằng: “Từ khi lính đến báo tin, thầy Anrê càng vui vẻ hơn, diện mạo xem như Thiên thần”.26
________________________
Chú thích
(1) Đoạn này theo A.R Glorieuse mort, chương V-VI – P.B, Truyện Đàng Trão, đoạn 6.– Relacao, chương 10.
(2) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.59
(3) và (4) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.60
(5) Ông này 36 tuổi, sau về Ao Môn làm chứng, khai các sự thật trong cuộc tra án phong Thánh, cũng như các bạn đồng nghiệp khác.
(6) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.61.
(7) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.61. Chắc chắn đây là những sách của giáo sĩ Matteo Ricci xuất bản ở Bắc Kinh, nhất là cuốn sách phần “Thiên Chúa thực nghĩa”. Xem ch.III ở trên.
(8) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.62-63
(9) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.64
(10) (11) và (12) A.R Glorieuse mort, tr.38.
(13) A.R Glorieuse mort, tr.39-40 – Relation progrès foi, tr.50-51. Thái  độ sợ sệt của ông Nguyễn Phúc Vinh chẳng đáng lấy làm lạ mặc dầu ông là anh rể chúa Thượng và đã leo tới đỉnh danh vọng, tước Thanh quận công. Bởi vì trong chế độ quân chủ chuyên chế, tình anh em là một việc, nghĩa vua tôi lại là việc khác: chúa Thượng đã chẳng giết hai người em trai là gì?
(14) Đoạn này theo: A.R Glorieuse mort, ch.VI– Relation progrès foi, tr.51-53. Relacao chương 11 – P.B, Truyện Đàng Trão, đoạn 7.
(15) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.243-244– P.B, Truyện Đàng Trão, tr.66-68.
(16) A.R Relation progrès foi, tr.51 – Truyện Đàng Trão, tr.70– Relacao, chương 11.
(17) A.R Glorieuse mort, tr.42
(18) A.R Glorieuse mort, tr.44 – Đối chiếu Relacao ch.11
(19) A.R Glorieuse mort, tr.45
(20) A.R Glorieuse mort, tr.46
(21) A.R Glorieuse mort, tr.46
(22) A.R Glorieuse mort, tr.49 – Truyện Đàng Trão, tr.73
(23) A.R Glorieuse mort, tr.48
(24) và (25) A.R Glorieuse mort, tr.49
(26) Truyện Đàng Trão, tr.74
 __________________________________________

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG X: Ý NGHĨA MỘT CÁI CHẾT

Năm giờ chiều. Cùng với ngày tàn, ngôi sao của Giáo hội sơ khai sắp rụng!
Bốn mươi người lính dưới quyền chỉ huy của một cai đội, được lệnh đưa thầy giảng Anrê đi xử. Họ đến mở cửa tù, song không tháo gông cho thầy, chỉ bảo thầy đi theo. Thầy chẳng đợi kêu đến lần thứ hai, mỉm cười từ giã các giáo hữu đến thăm, dặn họ cầu nguyện cho sự hy sinh thầy sắp chịu, rồi vui vẻ lên đường “không khác nào như được mời đi dự tiệc cưới”, theo lời cha Đắc Lộ.1
Linh mục Bỉnh thuật rằng: Một người lính đi trước thỉnh thoảng ra lệnh “Vì theo đạo Portuguès thì phải phạt”.2 Hai người lính khác khiêng thanh la, một người đánh: tiếng thanh la ngân vang sầu thảm cả phố phường. Các lính khác võ trang bằng giáo, đòng và mã đao, nối nhau đi hai hàng nghiêm chỉnh. Thầy giảng Anrê đeo gông đi giữa, do một người lính áp giải, tay trái y nắm đầu gông thầy, tay phải cầm một ngọn giáo hai lưỡi, mỗi lưỡi dài tới hai gang, rộng bằng ba ngón tay.
Dân chúng lương và giáo, đi theo rất đông, như một đám rước, để chứng kiến sự can đảm của thầy. Dĩ nhiên cha Đắc Lộ và nhóm thương gia bđn cũng có mặt trong cuộc tiễn hành tối hậu này.
Bọn lính đi sau. Thầy Anrê mặc dầu đeo gông nặng cũng đi mau lẹ, khiến người ta nhớ đến câu Kinh thánh: “Curramus ad propositum nobis certamen: Ta hãy xông vào trận chiến đang chờ ta!”3. Muốn theo kịp, cha Đắc Lộ và những người bđn cứ phải chạy 4. Dọc đường thầy giảng Anrê tỏ ra rất bình tĩnh, vui vẻ, vừa đi vừa giảng đạo cho những người lính gần mình, ước mong cho họ được cứu rỗi. Giáo sĩ Đắc Lộ thường đi sát luôn bên cạnh thầy để yên ủi và khuyến khích thầy. Thỉnh thoảng bọn lính xô người ra, nhưng giáo sĩ lại áp tới. Giáo sĩ thuật rằng:
“Chúng tôi đi qua tất cả các phố lớn ở dinh Chiêm rồi đến một cánh đồng cách xa hai ngàn bước, là nơi để thầy giảng Anrê chiến đấu và thắng trận.”5
Lễ phẩm đầu mùa
Tới pháp trường, viên chỉ huy dừng lại, toán lính bao vây lấy thầy giảng Anrê. Thầy tự ý quỳ xuống, mắt nhìn trời, cầu xin Ơn Trên giúp sức.
Lúc ấy, giáo sĩ Đắc Lộ khổ tâm vô cùng, vì bọn lính bắt người ở ngoài vòng vây của họ. Giáo sĩ năn nỉ cùng viên chỉ huy:
“Thanh niên này chẳng khác nào như con tôi, vì tôi đã rửa tội cho anh và đã nuôi nấng anh trong nhà tôi trọn ba năm. Tôi đã chẳng có phương thế để cứu sống anh, thì bây giờ tôi nài xin ông vui lòng cho tôi được giúp đỡ anh ít là trong giờ lâm chung này”.6
Ông ta liền cho phép ngay. Giáo sĩ tiến lại gần thầy Anrê, ôm lấy thầy, khuyến khích thầy.
Giáo sĩ có nhờ người ta mua và mang sẵn mấy cái chiếu rất đẹp, mới tinh. Lúc ấy giáo sĩ trải chiếu ra, muốn cho thầy Anrê quỳ trên đó, để máu trong sạch đổ ra không rơi xuống đất. Thầy khiêm nhường từ chối, xin giáo sĩ bằng lòng cho thầy quỳ yên như trước, để được bắt chước Chúa đã đổ máu xuống đất. Giáo sĩ không dám cưỡng nhân đức khiêm nhường của thầy. Thế là thầy Anrê vẫn quỳ như trước, hai gối sát đất, hai tay chắp lại, mặt bình tĩnh, mắt nhìn trời.
Quân lính tháo gông ở cổ thầy ra để xuống đất rồi lấy thừng trói ngang người. Biết đã đến giây phút tối hậu, thầy giảng Anrê quay lại phía các giáo hữu để từ giã họ lần sau hết. Ở đây, giáo sĩ Đắc Lộ có thuật bằng tiếng Pháp lời từ biệt của vị tử đạo, dịch như sau:
“Hỡi anh em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết; cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng kính mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta”.7
Nhưng may mắn hơn, tài liệu tiếng bđn đã phiên âm và ghi chép trực tiếp câu nói tiếng Việt mà vị tử đạo nói ra lúc ấy, chẳng những để từ biệt các giáo hữu có mặt, mà còn như lưu lại chúc thư cho đời sau:
“Junghiao cũ dúe choé Jesu cho den est eoj cho den blen doj”8
Viết theo chính tả ngày nay, và nói trọn câu là: “Hỡi anh em, chúng hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.
Đến đây, thầy giảng Anrê phó mình trong tay Đức Mẹ, Nữ vương các thánh tử đạo. Thầy đọc kinh “Kính Mừng” nhiều lần rất sốt sắng9, và kêu tên Chúa Giesu và Đức Mẹ Maria tỏ tường nhiều lần.10
Người lý hình biết rằng đây là kẻ lành, cho nên trước khi hành quyết, y ngửa mặt lên trời, kêu lớn tiếng: “Lạy Trời, nếu tôi có phạm tội vì giết người này, thì xin tha cho tôi, vì tôi chỉ là người thừa hành”11. Nói rồi, y tiến đến sau lưng thầy Anrê, đâm một mũi giáo vào khoảng giữa hai bả vai, xuyên từ sau lưng ra trước ngực, thò ra ngoài tới hai gang tay.
Đến đây, chúng tôi xin nhường lời cho giáo sĩ Đắc Lộ:
“Thầy Anrê từ trước vẫn nhìn trời, lúc ấy quay mặt lại phía tôi, nhìn tôi rất âu yếm để từ biệt. Tôi thú thật rằng cái nhìn ấy là một lưỡi giáo đâm qua trái tim tôi, và làm cho đôi mắt tôi tuôn lệ ròng ròng, miệng tôi nghẹn ngào nói không nên lời.
“Tuy nhiên tôi cũng cố hết sức ngỏ lời cùng thầy: “Hỡi con Anrê, hãy nhìn lên trời, kìa Chúa chúng ta, Giêsu Kitô, Thần nhân từ của con, đang đưa triều thiên ra cho con, chỉ một lát nữa con đã ở bên Người trên thiên đàng, Người đang đứng ở cửa mà chờ con”. Bấy giờ thầy ngửa mặt nhìn trời, và cứ nhìn như vậy mãi, trong mỗi giây phút còn sống, miệng không ngớt đọc tên cực trọng: Giêsu! Maria!12
“Người lính lúc này, rút cây giáo lại, rồi đâm một lần nữa, và một lần nữa, như muốn tìm cho trúng trái tim.
“Tôi mê hồn nhìn thấy người thanh niên chân phước kia, lúc ấy quỳ gối, và đã bị đâm ba lần ở sau lưng, chẳng những không ngã quỵ, mà lại không hề lay chuyển; thầy được vững mạnh như vậy trong ơn thánh sủng nâng đỡ thầy; thầy vẫn luôn luôn không chuyển động, và tôi thấy diện mạo của thầy không mất chút nào vẻ bình thản cũng như về màu sắc. Người ta có thể tưởng như không phải thầy bị đâm, hoặc giả là thân xác thầy có sức tự nhiên bất động. Bấy giờ một người lính khác sốt ruột, hay là động lòng thương hại một con chiên bị khổ hình quá lâu, không nói nửa lời, tuốt gươm ra, chém một nhát mạnh vào cổ bên trái, vì thầy hơi nghiên đầu về phía tay mặt, nhưng người ấy thấy lát thứ tư này, cũng như ba lát trước, không làm cho thầy ngã xuống, họ lại chém một lát nữa ở phía trước, cắt đứt hết cuống họng, làm ngã hẳn đầu, chỉ còn dính sơ vào một chút da.
“Có lẽ người ta khó lòng tin điều tôi sắp nói sau đây, nhưng tôi nói quyết, với tất cả một lòng thành thực, rằng tôi không hề nói điều gì mà tôi không biết thật chắc chắn và không đích thân nghe thấy.
“Người thanh niên thánh thiện này (như trên đã nói) vẫn không ngớt đọc thánh danh Chúa Giêsu; ngay lúc đầu thầy đã rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rõ ràng tên cực trọng Giêsu ấy phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rất rõ ràng và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng lại vừa kinh ngạc.
“Thánh danh Giêsu không thể phát ra đàng miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim này dầu có chết, cũng còn giữ mãi thánh danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi tên Giêsu được thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi danh Chúa.
“Thầy Anrê muốn được bằng số vết thương của Chúa, thầy chỉ nhượng bộ, và chỉ bỏ mình sau thương tích thứ năm, như vậy là muốn hoàn toàn bắt chước Chúa Giêsu trong mọi sự.
“Bấy giờ, xác thầy mới ngã xuống đất, và linh hồn thong dong bay về trời; viên cai đội và quân lính lập tức rút về, chỉ còn chúng tôi và các giáo hữu ở lại, vây quanh thánh cốt. Tôi đã mang sẵn một tấm vải trắng lớn, dùng vải ấy liệm xác thầy; bao nhiêu máu chảy ra tự năm nguồn mạch oai hùng kia, tôi vẫn giữ từ ngày ấy như một thuốc thơm và một linh dược chữa mọi bệnh nạn.
“Tất cả các bổn đạo cùng làm như vậy, nhất là những người bđn, họ hứng lấy mọi giọt máu đào kia, lấy làm quý hơn hết các kho tàng.
“Một trong những người đó có tên là Francisco de Azevedo Tokera đòi cho kỳ được tấm áo của thanh niên có phước kia mới bằng lòng; ông ta muốn lấy áo ấy và nói rằng ông sẽ giữ mãi trong nhà mình, như một linh dược chữa mọi bệnh nạn hiểm nghèo, vì áo ấy đã được đâm thủng và được nhuốm máu trong một cuộc chiến đấu do đó mà Chúa Giêsu Kitô đã ban triều thiên cho một vị tử đạo mới của Giáo hội.
“Người ấy chẳng lầm trong sự hy vọng của mình vì ít lâu sau, trở về Ao Môn, thấy vợ mắc bệnh cực nguy nan và hầu như không phương cứu chữa, bỗng nhớ đến báu vật của hiền nhân Anrê, ông ta không hề  e thẹn với các thầy thuốc, lấy áo kia ra, đắp lên mình người vợ gần hấp hối; xác bà ấy vừa chạm đến áo, cơn rét liền lui ngay, và bà được lại sức khoẻ, khiến cả thành phố ngạc nhiên. Chính ông ta đã kể lại với tôi việc này khi tôi trở lại Ao Môn để lên đường về Au Châu. Đức Chúa Trời đã trọng kẻ trung thành xưng danh người như vậy.”13
Ý nghĩa một cái chết
Hoàng hôn đã buông xuống trên đồng vắng. Nhưng mọi người còn quây quần chung quanh thi hài vị tử đạo; giáo hữu thì tôn kính cầu nguyện, người lương cũng xúc động và nhất là họ ngạc nhiên trước thái độ tôn sùng của các giáo hữu và người ngoại quốc. Cha Đắc Lộ nhân cơ hội ấy, lên tiếng giảng một bài ngắn, cắt nghĩa nguyên nhân và hậu quả của một cái chết vẻ vang như vậy. Giáo sĩ lấy lời của vua Salomon làm đề tài: “Visus est oculis insipientium mort… Ille autem est in pace: Trước mắt người vô đạo, họ coi như đã chết… nhưng thật họ đang sống bình an”.14
Bài giảng ngắn của cha vừa dứt, tất cả các giáo hữu đều khóc. Họ phục xuống trước thi hài vị tử đạo, “một thi hài đã trở nên lạnh vì chết, nhưng lại có sức hun cháy lòng những kẻ đến gần hoặc động đến”, theo lời của cha Đắc Lộ.15
Giáo hữu đã mang theo sẵn một cỗ quan tài rất đẹp làm bằng gỗ quý. Họ kính cẩn đặt thi hài vào đó. Tôn kính máu tử đạo, họ lượm hết mọi nhánh cỏ, hốt lấy tất cả lượt đất có thấm máu Anrê.
Quan tài đóng rồi, mọi người cất tiếng đọc kinh, không phải để cầu hồn cho người quá vãng, nhưng là để tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho người sự sống vinh quang đời đời.
Trời vừa tối. Giáo hữu khiêng thi hài vị tử đạo xuống thuyền chở về Hội An. Tại đây, từ buổi sáng, các thầy giảng đang nóng lòng đợi tin. Khi cha Đắc Lộ trở về với xác chết của người bạn quý, các thầy giảng xúc động kinh hoàng, vừa đau đớn thương tiếc bạn, vừa hoan hỉ mừng bạn được phúc tử đạo, giờ đây đang làm thánh ở trên trời. Các thầy ôm lấy quan tài mà hôn, rồi khóc thảm thiết. Đoạn than thở với cha Đắc Lộ rằng:
“Tại sao cha giữ chúng tôi ở nhà, không cho chúng tôi đến xưng đạo trước mặt quan? Bao nhiêu con cái cha đều có thể là bấy nhiêu người tử đạo. Chúng tôi đều có can đảm chịu chết như Anrê. Kìa thầy ấy tự trên trời đang gọi chúng tôi, giơ triều thiên cho chúng tôi coi, khuyến khích chúng tôi đi theo thầy trên đường hạnh phúc”.16
Thầy giảng Ynhaxô, trưởng đoàn, tỏ ra cảm xúc hơn hết. Ông nói Anrê đã đoạt cái triều thiên đáng lẽ phần ông. Giáo sĩ Đắc Lộ phải đem hết lời lẽ ra an ủi ông cùng các đồng sự, nói rằng việc tử đạo là một ơn đặc biệt, duy Chúa ban cho ai mới được mà thôi.
Thầy giảng Anrê không còn nữa, nhưng hình ảnh và gương mẫu của người tồn tại mãi với thời gian.
Ngôi sao của người đã lặn ở thế gian, nhưng bắt đầu chiếu sáng ở trên trời.
Hạt giống mới đã gieo xuống đất, rồi đây sẽ nảy sinh những bông trái lạ lùng.
Ngày lịch sử ấy là 26 tháng 7 năm 1644 – đúng 30 năm sau khi các giáo sĩ dòng Tên đến đặt nền móng Giáo hội tại Việt Nam.
Là lễ phẩm đầu của người Công giáo Việt Nam, thầy giảng Anrê tử đạo lúc ấy giữa 19 tuổi xuân. Người được biết Chúa mới có ba năm, nhập đoàn tông đồ hai năm, làm lễ khấn một năm, rồi bị bắt và bị giết trong không đầy 48 tiếng đồng hộ. Một đời sống quá ngắn ngủi, một thời gian phục vụ không đáng kể. Nhưng sự nghiệp người lớn lao, nhân đức người cao cả đẹp lòng Chúa, đến nỗi Chúa sẽ không ngần ngại làm cho nên bao phép lạ để biểu dương tôi tớ Chúa trước mặt kẻ đồng thời và người hậu thế. Các sử liệu về người 17 đều coi người như hiện thân của lời Kinh thánh sau đây:
Consummatus in brevi explenit tempora multa:
Placita enim erat Deo anima illis.18
Dịch:
Người sống trong khoảnh khắc như một đời dài lâu
Và linh hồn người đẹp lòng Thiên Chúa.
Mảnh đất thấm máu
Như trên đã nói 19, nơi xử thầy giảng Anrê là chỗ đồng ruộng, cách xa dinh trấn độ hai ngàn bước (tức hơn một cây số). Nơi ấy là đâu?
Theo lời truyền tụng, lúc dinh trấn còn ở Thanh Chiêm, thì pháp trường xử tội nhân ở chỗ đất nay gọi là Gò Sứ, gần miếu Am hồn, sau xóm chợ Củi, bên tây đường quốc lộ số 1 (cây số 952 từ Hà Nội) thuộc thôn Đông Khương, giáp cạnh thôn Thanh Chiêm20. Nếu ta để ý rằng, xưa kia tội nhân trước khi xử, thường bị điệu qua các chỗ đông người nhất là chợ búa, cho dân chúng thấy mà sợ, thì sự gần kề giữa hai di tích Gò sứ và chợ Củi không phải không có ý nghĩa.
Nơi này sánh với dinh trấn, xưa kia chắc hẳn là đồng ruộng như cha Đắc Lộ nói. Ngày nay dân cư cất nhà lập xóm, ở đông đúc chật hẹp, duy miếng đất Gò sứ để hoang, mồ mả chôn đầy: đất cũ nhà lao của dinh trấn còn không ai ở, huống hồ nơi xử tội nhân!
Theo đường đi bây giờ, từ chỗ Gò sứ đến chợ Củi độ năm trăm thước, và từ Gò Sứ đi thẳng đến di tích nhà lao thì độ sáu, bảy trăm thước mà thôi. Song ngày xưa lối đi có khác, và tội nhân, từ nhà lao, phải ra bằng cổng hậu, vòng quanh thành bắc, thành tây, lại trong trường hợp này, thầy giảng Anrê còn phải “điệu qua các phố phường lớn”21 – chắc chắn qua chợ Củi nữa – lúc ấy có chợ thật – thế nên lộ trình phải xa hơn bây giờ: hai ngàn bước là phải lắm.
Như vậy, miếng đất nhà lao ở thôn Thanh Chiêm, nay thuộc xã Vĩnh Thọ, và miếng đất Gò sứ ở thôn Đông Khương, nay thuộc xã Vĩnh Phước, đúng là những di tích về cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê hơn ba thế kỷ trước.22
Mặt khác, nhân nói đến việc rước xác thầy Anrê từ nơi xử đến bến Hội An, giáo sĩ cho biết khoảng đường xa cách chừng hai dặm Pháp (lieues) tức tám cây số 23. Chi tiết quan trọng này vừa minh định địa điểm pháp trường tại chỗ Gò sứ, vừa xác nhận địa điểm dinh trấn tại thôn Thanh Chiêm, vì từ pháp trường đến dinh trấn “hai ngàn bước” tức hơn một cây số (theo cách tính của giáo sĩ Đắc Lộ) còn từ dinh trấn ra Hội An thì đúng bảy cây số.
Một thuỷ thủ bđn chứng kiến cuộc tử đạo, cho biết dinh trấn ở cách Hội An chừng sáu dặm Anh (miles) tức hơn chín cây số 24. Sự chênh lệch không đáng kể, song lại thêm yếu tố phù hợp để xác nhận các di tích về cuộc tử đạo này.
Nơi đây trước kia có họ nhánh Phước Kiều, lần lượt thuộc các địa sở Trà Kiệu, rồi Hội An, sau trở nên một địa sở riêng, có cha sở trông coi. Từ khi nhà thờ Phước Kiều, ở sát Thanh Chiêm, bị phá huỷ trong thời chiến (nay chưa xây lại) thì cha sở di ra Vĩnh Điện, tại quận lỵ Điện Bàn.
Nhà thờ Hội An hiện giữ một bản viết tay ghi nhớ việc truyền giáo tại địa phương, theo lời lưu truyền của các giáo sĩ kế tiếp. Chính tài liệu này cũng ghi nhận thầy giảng Anrê tử đạo tại chợ Củi – hiểu cho đúng là chỗ Gò sứ sau chợ Củi vậy. Còn trụ sở của quan trấn, tài liệu này nói ở làng Phước Kiều, cũng không sai lắm, vì tuy dinh trấn đặt ở Thanh Chiêm song bờ thành có lấn một ít sang đất Phước Kiều.
Đức cha Tardieu, cố giám mục địa phận Quy Nhơn, có lần nói đến thầy giảng Anrê, người gọi là “Anrê Hội An”, thoạt tưởng là lầm, song xét kỹ, ấy là tiếng vọng xa xôi nhưng trung thành của cuộc tử đạo xưa tại xóm chợ Củi, trước thuộc địa sở Hội An vậy.25
Về danh từ Gò sứ, không ai hiểu nguyên do và ý nghĩa thế nào. Người địa phương cho biết nơi đó xưa kia không có làm đồ sành, đồ sứ chi; vả lại, nếu có thì phải đặt tên là “Lò sứ”, “Lò bát” mới đúng, cũng như “Lò giấy”, “Lò đường” chỉ nơi làm giấy, làm đường. Vậy danh từ “Gò sứ” chỉ có thể là do chữ “Gò xứ” (cái gò giữa đồng để xử tội nhân) mà người đời sau đọc trại đi để khỏi gợi lại những hình ảnh bi thảm, cũng như tên “Kẻ thá” trên bờ sông Thu Bồn hiện nay, nơi xử bổn đạo đời Tự Đức – Văn thân, chính do tiếng “Kẻ tả” (tả đạo) biến thành.
… Thầy giảng Anrê đã từ trần, nhưng sứ mạng của người chưa chấm dứt. Cuộc tử đạo của người chỉ mở ra những trang sử mới, còn lạ lùng hơn những trang ta vừa đọc.
_______________________________
Chú thích
(1) A.R Glorieuse mort, tr.50. Có chỗ nói 30 lính (Summarium III, tr.265)
(2) Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.75. Đạo “Portuguès”: đạo của người bđn” – Lúc giáo sĩ Buzomi mới đến Đàng Trong năm 1615, thấy người trong xứ quen gọi đạo Công giáo là đạo “Hoalaom” (Hoa Long: chỉ người bđn, và nói rộng ra tất cả người Au), giáo sĩ đã cải chính và gọi là đạo “Christian” (đạo Kitô) (Relation Borri, trong B.A.V.H, 1931 tr.340). Đến đời cha Đắc Lộ thì các danh từ Thiên Chúa, Thiên Chúa giáo, Giatô, Giatô hội đã phổ thông ở Việt Nam, phần lớn do các sách chữ Hán của Matteo Ricci. Tuy nhiên, nhiều người theo thói quen chắc vẫn còn gọi đạo “Hoa Long”, cho nên Philipphê Bỉnh chép theo tiếng bđn là đạo “Portuguès”.
Danh từ “Hoa Long” cũng có thể là tiếng chỉ người Hòa Lan.
(3) Thư cho dân Hébreux XII, 1
(4) Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.74-75
(5) A.R Glorieuse mort, tr.50. Sau đây sẽ nói rõ địa điểm này
(6) A.R Glorieuse mort, tr.50
(7) A.R Glorieuse mort, tr.53
(8) Relacao, chương 11 – Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.76, cũng có ghi lời từ biệt tương tự: “xin anh em hãy ở cho vững vàng mà giữ Đạo cho đến blọn đời mình, mà đừng có blo buồn sự mh (viết tắt: mình), são (đọc: song) le cầu xin cũ (đọc: cùng) Đức Chúa Blời cho mình đe (được) giữ nghĩa cũ (cùng) Đức Chúa Jêsu cho đến khi hết hơi, cũ (cùng) đời đời”.
(9) Relacao, chương 11
(10) A.R Glorieuse mort, tr.77
(11) A.R Glorieuse mort, tr.77
(12) Ở đoạn này (Glorieuse mort) cha Đắc Lộ không thấy ghi tên Maria, song trong Relation Progrès Foi, tr.54, người có ghi rõ Maria, nên chúng tôi thêm vào cho đủ. Đối chiếu: Sumarium III, tr.265-266.
(13) A.R Glorieuse mort, tr.54-60. Đối chiếu: Sumarium III, tr.261-281.
(14) Sách Khôn Ngoan, III 1-3. Toàn khúc như sau: “Linh hồn người công chính nằm trong tay Thiên Chúa, và không một lo lắng nào làm vẩn lòng họ – Trước mắt người vô đạo, họ coi như đã chết, và cái chết của họ, có vẻ như tai ương – Sự họ lìa cõi tục, tưởng như bị tiêu tan, nhưng thực, họ đang hưởng bình an”.
(15) A.R Glorieuse mort, tr.62
(16) A.R Glorieuse mort, tr.65
(17) Relacao, chương 11 – A.R, Relation Progrès Foi, tr.51.
(18) Sách Khôn ngoan, đoạn IV, câu 13-14.
(19) Xem ở trên – Nơi khác, giáo sĩ Đắc Lộ nói từ nhà tù đến nơi xử xa nửa dặm Pháp (lieue) (Voy et Mis, 1854, tr.239) tức 2 cây số – đối chiếu: Ph.B, Truyện Đàng Trão, tr.75.
(20) Xem ở trên
(21) A.R Glorieuse mort, tr.49, đã nói trên, tr.153.
(22) Các tên “Vĩnh Thọ”, “Vĩnh Phước” mới đặt ra từ sau cuộc đảo chính 1945, không ngờ lại xứng hợp với mảnh đất thấm máu vị tử đạo tiên khởi đến thế.
(23) A.R, Relation Progrès Foi, tr.57.
(24) Summarium, num I, tr.254. Khi lấy dặm Anh làm đơn vị, giáo sĩ Đắc Lộ cũng có lần ước lượng 6 dặm (Glorieuse mort, tr.53).
(25) “… des persécutions très violentes qui rappellent celles des premiers siècles de l’Eglise, formant une suite preque ininterrompue depuis 1644, époque où le catéchiste André de Faifo ouvre la série des victimes…” (Mgr Tardieu: Compte-rendu et état de la Mission de Quy Nhơn, 1931-1932, tr.12).
Mặc dầu có những truyền thuyết như trên (lời của Đức cha Tardieu và bản Lược ghi ở nhà thờ Hội An), cho đến nửa năm 1958, chưa ai nhìn nhận những địa điểm có di tích vị tử đạo Anrê, và cũng chưa ai kiểm chứng những truyền thuyết ấy. Truyền thuyết mà không được kiểm chứng bằng sử liệu thì không dễ tin. Trong trường hợp này ta thấy vị tử đạo tiên khởi chẳng những “sống” mãnh liệt trong sử liệu mà cả trong truyền thuyết nữa, dầu xa cách hơn ba thế kỷ.
 ______________________________________________

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG XI: LỬA CHÁY DINH CHIÊM

Sau khi thầy giảng Anrê đổ máu làm chứng Đức tin, nhiều sự lạ đã xảy ra, trong đời sống thực tại, cũng như trong lãnh vực siêu nhiên. Ở đây, cũng như trong các giai đoạn khác về lịch sử vị tiên khởi tử đạo, người viết sử được cái lợi dùng chứng cớ trực tiếp của chính những kẻ đã tai nghe mắt thấy, hoặc đóng một vai tuồng trong những biến cố lạ xảy ra. Quan trọng và đầy đủ nhất là chứng cớ của giáo sĩ Đắc Lộ, được biết ra với tất cả danh dự và lương tâm của vị linh mục, và được xác nhận nhiều lần trong các tác phẩm khác nhau, xuất bản giữa Giáo đô La Mã hoặc các thủ đô lớn Au Châu, ngay khi các sự việc vừa mới xảy ra.
Theo những chứng cớ ấy, thì trong ba ngày liên tiếp sau cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê, “lửa cháy ngút trời ở Thanh Chiêm, làm cho thị trấn lớn này hầu như ra tro”1. Giáo sĩ Đắc Lộ nhìn thấy ở đó “sự báo oán của phép công bằng Thiên Chúa để tỏ rõ sự vô tội của vị tử đạo và quyền thế của vị ấy bây giờ ở trên trời”2.
Hỏa tai thứ nhất xảy ra ngay sau ngày thầy giảng Anrê tử đạo, tức là ngày 27 tháng 7 năm 1644.
“Người ta không bao giờ biết – lời cha Đắc Lộ – do cách nào và nguyên nhân nào, mà lửa thiêu cháy tất cả các nhà cửa ở chỗ đô hội nhất của thị trấn quan trọng này, nơi họp chợ lớn nhất trong xứ, có người bđn, người Trung Hoa, người Nhật Bản từ mọi nơi đến buôn bán. Tại đó có những nhà cửa lớn của những phú hộ trong nước và nhiều đền chùa, đều bị hỏa thiêu không còn một dấu vết…”3
Ngày hôm sau, 28 tháng 7, đến lượt nhà lao giam giữ thầy giảng Anrê – nơi thường không có bếp lửa – cũng tự nhiên bốc cháy4, lửa tràn tới các nhà lân cận rồi lan rộng ra khắp phố phường lớn mà thầy Anrê đã bị điệu đi qua để đến pháp trường.
Người ta không thể nào dập tắt được lửa, tất cả nhà cửa trên con đường ấy bị thiêu huỷ hết, “chỉ trừ một căn nhà duy nhất còn được tồn tại do một phép lạ hiển nhiên”, lời cha Đắc Lộ.5
Nhà ấy của một người lính trong toán đã đưa thầy Anrê đi giết: người lính này đã tỏ ra rất hung hãn đối với vị tử đạo, thù ghét các giáo hữu, và đã có những lời nói và việc làm rất ngạo ngược. Sau khi xử Anrê rồi, thấy người bđn và bổn đạo thấm máu và tôn kính thi hài vị tử đạo, y tức giận, đến xin phép quan để chém xác ấy ra nhiều mảnh, song quan không cho.
Khi y thấy lửa tràn khắp phố, và nhà y không còn hy vọng gì tránh khỏi tai họa từ các nhà khác lan đến, lại nghe thiên hạ kêu ca rằng: vì giết kẻ ngay lành nên Trời phạt cả phố, bấy giờ y bỗng nhớ lại sự thái quá của mình đối với vị tử đạo, và cũng nghĩ rằng có lẽ đó là nguyên nhân gây tại họa cho cả thị trấn.
“Tức khắc anh cầu nguyện cùng vị thánh tốt lành này – lời cha Đắc Lộ – và nài xin chính kẻ mình đã giết bầu cử cho mình. Lạ lùng biết bao! Tất cả các nhà giáp bên nhà người lính này đều bị cháy với cả dãy phố, duy nhà người lính thoát cảnh lửa thiêu, để cho ta biết cách các thánh báo oán kẻ thù của mình như thế nào”.6
Nhưng chưa hết. Đến đêm hôm sau cuộc hỗn loạn thứ hai này, tức là đêm thứ ba sau cuộc tử đạo, một phụ nữ công giáo rất đạo đức đang ở trong phòng mình, suy đến sự khốn khó do việc giết người vô tội gây nên cho cả thành, và chảy nước mắt ròng ròng, bỗng bà ta thấy thầy giảng Anrê hiện về như sống thật, mặc ánh hào quang. Không thể nào nói hết sự sợ hãi lẫn vui mừng xâm lấn lòng bà. Thầy giảng Anrê thân ái bảo bà đừng khóc nữa, lại nói nếu mình muốn báo thù thì rất dễ, nhưng trên Trời, người ta chỉ lấy ân để báo oán.
Trên đây là thuật theo ký sự của cha Đắc Lộ 7. Một nhân chứng trong cuộc tra vấn tại tòa Giám mục Ao Môn, cho biết thêm chi tiết: bà này, khi thầy Anrê còn ở trong ngục, đã đưa đồ ăn cho thầy, và khi lính toan xử, bà đã trải chiếu ở chỗ thầy sắp chịu xử.8
Cũng đêm nói trên, lại một hỏa tai thứ ba dồn dập xảy đến cho thị trấn Thanh Chiêm. Và giáo sĩ Đắc Lộ ghi chép:
“Tất cả những sự lạ ấy, gây nên sự kinh hoàng cho tất cả những người đã biết cái chết của thầy Anrê; không ai còn nghi ngờ chính tội ác kia đã gây nên những trận hỏa thiêu này; tuy nhiên vẫn còn nhiều người mù quáng đến nỗi cho những sự lạ ấy là do phù phép của các giáo hữu, họ lại nói: chính để làm các phù phép ấy, mà giáo hữu đã thâu lượm tất cả mọi giọt máu của người tử đạo một cách kỳ dị.”9
Phép lạ trong lòng người
Với cái chết của thầy giảng Anrê, cuộc cấm đạo mới chỉ bắt đầu: Ông Nghè Bộ mỗi ngày một truy nã các giáo hữu gắt gao hơn. Ông cho lính đi lục soát khắp các nhà bổn đạo, tìm các ảnh tượng để đốt, nhà nào dấu thì chủ nhà bị bắt và bị tra tấn10. Ông nghĩ rằng biện pháp khủng bố ấy, và nhất là cái gương kinh sợ của thầy giảng Anrê bị chém nơi chợ, sẽ làm nhụt nhuệ khí giáo dân và tận diệt nền đạo. Nhưng trái lại, chính lúc này là lúc hạt giống đã được gieo trong lòng đất, và đã tan rữa ra, để sắp sửa trổ sinh mùa màng phong phú.
Đoàn thầy giảng mười người khấn năm trước, nay đã mất một còn chín, nhưng hai tháng sau, lại có thêm ba người, quê ở Quy Nhơn, được thâu nhận giữa cơn bách hại 11. Thế là chẵn mười hai tông đồ. “Tất cả đều trong sạch và sốt sắng như thiên thần”12 và “thật sự có tinh thần của các thánh tông đồ xưa”13. Mỗi ngày lại có thêm nhiều thanh niên sốt sắng xin nhập đoàn, nhưng cha Đắc Lộ không thể nhận hơn được. Thấy các thầy giảng đều có thể bị bắt và bị giết bất cứ lúc nào, cha và các thầy không ra mặt nơi đô hội, ban ngày chỉ ẩn náu dứơi thuyền, chơi vơi trên các dòng sông mé biển, ban đêm mới lên bờ thăm viếng giáo hữu và làm các phép Bí tích.
Có lần cha Đắc Lộ xin các thầy xét có nên theo người nữa không, hay là hẵng tạm về quê với cha mẹ ít lâu để tránh qua cơn cấm đạo, vì trong hoàn cảnh này, các thầy rất dễ bị bắt và chịu số phận như thầy Anrê. Tất cả đều trả lời:
“Chính vì thế mà chúng tôi muốn ở cùng cha. Chúng tôi không chuyển động. Điều mà cha sợ cho chúng tôi, lại chính là điều chúng tôi mong ước hơn cả ở đời này.”14
Tấm gương của người em út Anrê, nay đã trở nên anh cả trên Trời, có sức quyến rũ dường nào! Chỉ ít lâu sau, một phần lớn trong số các thầy giảng cũng được thỏa mãn trong ước vọng làm chứng cho Chúa. Quả thực, chính ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1645, trong cuộc hành trình ngoài khơi từ Quảng Nam ra Quảng Bình để làm phúc cho các giáo hữu, tám thầy giảng cùng với cha Đắc Lộ đã bị bắt: Lính hải tuần tố cáo đoàn tông đồ muốn vượt biển ra Bắc.
Trong lúc bị giải từ Quảng Bình về Thuận Hóa, một giáo hữu tên là Batêlêmê đón giáo sĩ Đắc Lộ ở dọc đường, đòi giáo sĩ phải nhận mình vào đoàn thầy giảng. Nguyên trước đây ông ấy muốn tòng giáo song vợ ông không nghe, ông liền xin bỏ vợ để theo giáo sĩ. Giáo sĩ khuyên ông hãy về thuyết phục vợ trước đã, nếu vợ cứ nhất định không cùng chồng thờ một Chúa, thì lúc ấy giáo sĩ sẽ nhận cho ông đi tu. Bây giờ ông ấy đến để buộc cha Đắc Lộ thi hành lời hứa khi trước, vì ông ấy đã giữ lời hứa của mình rồi. Cha Đắc Lộ nói: “Ông không biết tôi đang bị tù ư? Bây giờ là lúc nên ra khỏi đoàn của tôi chứ sao lại vào?” Ông trả lời: “Cha nói sao? Chính vì lẽ ấy mà tôi ước mong nhập đoàn thầy giảng hơn bao giờ: sở dĩ tôi muốn theo cha, chính vì cha vào ngục để rồi tử đạo. Cha muốn sao thì sao nhưng cha không được quên lời cha, tôi không rời cha nữa”. Nói rồi ông ta nhảy xuống thuyền của giáo sĩ hiện có lính áp giải, và hòa mình với các thầy giảng.15
Thế là chín thầy giảng và giáo sĩ bị giải về chính dinh. Công Thượng vương đích thân chủ tọa phiên tòa, lên án xử tử giáo sĩ Đắc Lộ. Nhưng sau đó, vì sự can thiệp của vị thượng quan trước đã dạy nhà vương, mà vợ là người công giáo, án tử hình được đổi thành án trục xuất vĩnh viễn. Giáo sĩ Đắc Lộ than tiếc vô cùng vì mất phúc tử đạo, lại phải lìa biệt giáo đoàn Đàng Trong. Trong khi đó, chín thầy giảng phải đóng gông và chịu cực hình trong ngục thất vì Chúa Giêsu.
Sau khi giáo sĩ Đắc Lộ xuống tàu để về Ao Môn, đến lượt chín thầy giảng bị giải đến Công Thượng vương. Nhà vương bắt bỏ đạo. Tất cả đều can đảm xưng danh Chúa Giêsu, dầu chết cũng không đổi lòng. Chúa Thượng đích thân lên án xử tử hai người cầm đầu, còn bảy người kia phải chặt một ngón tay. Hai người được phúc tử đạo chính là Ynhaxô Quảng Trị, lãnh tụ các thầy giảng, cựu quan ở Thuận Hóa, thọ 37 tuổi, và thầy giảng Vinh Sơn Quảng Nghĩa, cũng 19 tuổi như thầy giảng Anrê.16
Lạ lùng thay! – và đó là dấu bầu cử rõ ràng của vị tiên khởi tử đạo: ngày ấy đúng là ngày giáp năm (kỷ niệm đệ nhất chu niên) cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên, tức 26 tháng 7 năm 1645.17
Thế là trong mười anh em thầy giảng làm lễ khấn lớp đầu tiên, chỉ sau hai năm truyền giáo, đã được ba vị tử đạo. Dòng dõi ấy, rồi đây, sẽ nối tiếp và nảy nở nhiều thêm mãi.
Nhưng ảnh hưởng của vị tử đạo tiên khởi không phải chỉ tác động trong hàng các thầy giảng, mà còn lan rộng ra toàn thể Giáo đoàn miền Nam. Nguyên một tích chứng sau đây do cha Đắc Lộ kể 18 đủ để tiêu biểu cho Đức tin can đảm của giáo hữu sau cuộc tử đạo của Anrê.
Khi các giáo hữu miền Quy Nhơn, nghe tin thầy giảng Anrê tử đạo, chẳng những họ quyết chí sẽ không nao núng khi bị bắt, mà còn tăng thêm lòng can đảm để đối phó với sự dữ. Trùm trưởng giáo khu này là ông Antôn Ngữ 19 nóng lòng ước muốn được triều thiên như Anrê, liền lên đường đi tìm giáo sĩ Đắc Lộ để tỏ ý kiến và xin phép đến xưng đạo trước mặt quan. Giáo sĩ bảo ông không được tự ý làm như vậy, phải về khuyến khích anh em vững lòng giữ đạo và can đảm xưng Đức tin nếu khi nào bị bắt.
Ông về làm như lời dặn, được kết quả đến nỗi, mấy ngày sau, khi một thuộc quan do ông Nghè Bộ ở Quảng Nam phái về truyền lệnh cho các bổn đạo phải ra khai để chịu phạt, không ngờ chưa đầy một ngày, đã có bảy trăm người chen nhau đến khai, và mỗi lúc càng tăng thêm nữa. Ông quan đó không biết tính sao, đành chọn lấy ba mươi sáu người giải về nộp cho ông Nghè Bộ. Trong số đó không may có một người giàu có, tiếc của và sợ chết, đành chối đạo, nhưng ba mươi lăm người kia lại càng mạnh mẽ xưng hô Đức tin để xóa nhòa gương xấu. Cuối cùng, quan chọn sáu người để đem ra đánh đòn trước công chúng, nhưng một cảnh tượng lạ lùng hiện ra: mọi người đều tranh giành nhau để được đánh đòn, vì ai ai cũng ước muốn chịu khó vì Chúa Giêsu.
Cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên, chẳng những làm cho các giáo hữu tốt càng nên tốt hơn và sẵn sàng đổ máu vì Chúa, lại làm cho kẻ khô khan cũng thêm lòng sốt sắng. Thực vậy:
“Trong một bức thư gởi về Ao Môn, giáo sĩ Đắc Lộ nói rằng: Sau cuộc xưng tỏ Đức tin (của thầy giảng Anrê), cả đến những kẻ nguội lạnh cũng tỏ lòng ăn năn, vội vàng đến tìm tôi để xưng tội, dầu có kẻ đã bỏ hơn mười năm không xưng tội. Trong một thư khác giáo sĩ lại viết: Giáo hội này vẫn phát triển luôn, và bây giờ, với hạt giống mới là máu của vị tử đạo thánh, tôi tin tưởng trong Chúa rằng: Giáo hội ấy còn trổ hoa sinh trái dồi dào hơn nữa; chính tôi đã kinh nghiệm điều ấy, vì có nhiều giáo hữu bỏ giữ đạo lâu năm, nay thống hối ăn năn trở về với đoàn chiên Chúa, cả những người Hòa Lan (theo đạo rối) hiện ở đây, cũng được vị tân tử đạo đánh động lòng, và đã có mấy người đến ngỏ ý với tôi về việc trở lại cùng Hội thánh và xin xưng tội”.20
Đoạn trên đây rút trong một cuốn sách bằng tiếng bđn, do giáo sĩ Emmanuel Perreyra, dòng Tên, viết về việc truyền giáo ở Việt Nam. Giáo sĩ này đến Việt Nam và Ao Môn, vào khoảng mười lăm năm sau khi thầy giảng Anrê tử đạo. Cuốn sách của ông, hoàn thành đúng năm mươi năm sau cuộc tử đạo (1694), đã dành ba thiên cho thầy Anrê, đủ tỏ cuộc tử đạo này, hồi ấy có ảnh hưởng sâu xa và tiếng tăm rộng lớn như thế nào.
Sau cùng, theo tài liệu của linh mục Philipphê Bỉnh, dòng Tên người Việt, thì những đồng bào bên lương “thấy thầy Anrê chịu tử vì đạo, cùng thấy phép lạ, liền tin là đạo thật, thì trong năm ấy, một vạn hai ngàn người chịu phép rửa tội, mà chẳng tiếc của cải và chẳng sợ chết là những phép lạ rất lớn”. 21
______________________________________
Chú thích
(1) A.R Glorieuse mort, tr.82. Đối chiếu: Sumarium III, tr.283-285.
(2) A.R, Relation Progrès Foi, tr.59.
(3) A.R Glorieuse mort, tr.83. Nơi đó là chợ Củi vậy.
(4) Sự sợ hãi của dân chúng đối với di tích đất nhà lao có lẽ đã bắt nguồn từ biến cố này.
(5) A.R Glorieuse mort, tr.83
(6) A.R Glorieuse mort, tr.84 – Đối chiếu P.B, Truyện Đàng Trão tr.85 (ở đây nói là quan cai quản thuỷ đạo (?) và Summarium tr.283 (ở đây nói lẫn là quan trấn). “Người lính” mà cha Đắc Lộ nói đây có lẽ là một viên cai hay đội.
(7) A.R Glorieuse mort, tr.85-86
(8) Summarium tr.282.
(9) A.R Glorieuse mort, tr.86-87. Ngoài tài liệu của cha Đắc Lộ, một trong những nhân chứng khác, ông Horace Massa, thương gia người Ý, có làm bản khai trình về các phép lạ lửa cháy nói trên, với lời tuyên thệ trên sách Phúc Am, và gửi về Tòa thánh. Bản khai trình này (có khác hoặc lẫn lộn ít nhiều chi tiết nhỏ sánh với lời thuật của cha Đắc Lộ) được dịch đăng trong L.E.Louvet, La Cochinchine religieuse, quyển I, trang 240-242.
(10) A.R, Voyages et Missions (1854), ch.XXXIII, XXXIV.
(11) A.R, Voyages et Missions (1854), ch.XXXV
(12) A.R Glorieuse mort, tr.66
(13) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.261
(14) A.R Glorieuse mort, tr.66
(15) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.306
(16) A.R, Voyages et Missions (1854) ch.LI. Đón đọc tiểu sử đầy đủ hai thầy giảng Ynhaxô và Vinh Sơn trong tập “Đốt đuốc xem gương tiền bối” sẽ xuất bản.
(17) Nhiều tài liệu về sau chép: 15 tháng 7 năm 1645, và chúng tôi cũng đã lầm như vậy (Minh Đức Vương thái phi, tr.82). Song giáo sĩ Đắc Lộ nói rất rõ ràng: “Ce fut au vingt-sixième de juillet de l’année 1645, justement à l’an révolu à la glorieuse mort de leur compagnon André, et trois jours après mon arrivée à Macao” (Voyages et Missions (1854), tr.330).
(18) A.R, Voyages et Missions (1854) ch. XXXIV
(19) A.R, Voyages et Missions (1854) tr.248 (Rất hiếm trường hợp giáo sĩ Đắc Lộ ghi cả tên thánh và tên gọi như ở đây).
(20) Noticias Summarias, tr.75. Hai bức thư của cha Đắc Lộ nói ở đây là tài liệu quan trọng lần thứ nhất được biết đến. Đối chiếu P.B. Truyện Đàng Trão, tr.85-86.
(21) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.86. Con số kể trên có lẽ còn cần minh chứng, song việc gia tăng giáo hữu do ảnh hưởng cuộc tử đạo là điều vững chắc rồi.
 __________________________________________

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG XII: KHẢI HOÀN TẠI ÁO MÔN

Như bạn đọc đã biết, thi hài thầy giảng Anrê sau khi tử đạo, đã được di chuyển từ chợ Củi về Hội An. Từ đó, giáo sĩ Đắc Lộ và các thầy giảng giữ luôn thi hài ấy trong thuyền của mình, kẻ sống và người chết đi đâu cũng có nhau. Giáo sĩ Đắc Lộ nói rằng: thi hài ấy là điều mà ngài lấy làm quý trọng hơn hết mọi sự ở đời, và người chăm lo gìn giữ hơn hết. Vì thế người muốn gửi ở nơi chắc chắn, để dầu người có chết, thi thể Anrê vẫn còn.1
Giáo sĩ đợi lúc tàu của người bđn sắp nhổ neo, mới ngỏ lời xin họ vui lòng chở xác vị tử đạo về Học viện của dòng Tên ở Áo Môn, một hải cảng ở ven biển tỉnh Quảng Đông, mạn nam Trung Quốc, thuộc quyền bđn từ giữa thế kỷ XVI. Người vừa ngỏ ý, các thương gia bđn hết sức vui mừng, coi đó như một ơn trọng, và tin tưởng nơi sự che chở của vị tử đạo linh thiêng, một khi tàu gặp phong ba giữa biển.
Tuy nhiên cha Đắc Lộ không muốn rời thủ cấp của vị tử đạo. Người đựng thủ cấp trong một cái hộp nhỏ, trân trọng giữ luôn bên mình.
Việc chuyển cữu lên tàu cử hành rất bí mật.
Lúc tàu trẩy, giáo sĩ vẫn để nguyên thi hài Anrê trong thuyền của các thầy giảng, dặn các thầy chở ra xa bến chừng ba hải lý, còn người thì lên tàu, trước mắt mọi người trong xứ, giả bộ như từ giã Việt Nam theo lệnh trục xuất của Ông Nghè Bộ. Khi tàu đã ra khuất tầm mắt người trên bộ, giáo sĩ liền xuống thuyền chở xác vị tử đạo lên. Thế là thầy giảng Anrê đã “thế mạng” cho giáo sĩ Đắc Lộ để về Ao Môn, trong khi giáo sĩ còn được ở lại Việt Nam ngót một năm nữa, bí mật cầm đầu giáo đoàn giữa cơn khủng bố.2
Người hoa tiêu vô hình
Hồi ấy là tháng 8 năm 1644, mới vài tuần sau cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê. Tàu chở thi hài vị tử đạo đã ra giữa đại dương. Người hoa tiêu bđn, tự nhiên, cố sức lái tàu theo đúng con đường quen đi, là đường ngắn nhất và có bảo đảm nhất. Ông ta sử dụng hết tài nghệ của mình, điều động lực lượng tất cả các thuỷ thủ, lại được thuận buồm xuôi gió, như vậy đáng lẽ tàu phải chạy đúng hướng. Nhưng không, bao nhiêu cố gắng của hoa tiêu, của thuỷ thủ, bao nhiêu thuận lợi của buồm, của gió đều không ích gì. Hoa tiêu, thuỷ thủ cảm thấy một sức lực vô hình nào lôi kéo họ ra ngoài con đường muốn đi, đẩy họ vào một con đường khác, không quen biết, không thuận tiện. Họ ngạc nhiên, không hiểu sao tàu cứ đi ngược gió, ngược cả ý muốn của họ, mà lại đi rất dễ dàng. Tình trạng ấy kéo dài mãi, khiến họ đành phải buông theo đường mới, mặc dầu lòng vẫn không muốn, và họ cũng nói rõ sự thực cho hành khách biết như vậy.
Nhưng bốn ngày sau, khi tàu về tới Ao Môn, họ được biết tin rằng, trong những ngày vừa qua, chính trên con đường quen thuộc mà họ muốn đi, có mấy chiếc tàu của người bđn bị hải quân Hòa Lan cướp. Bấy giờ họ mới hiểu rằng sức lực vô hình đã chống cưỡng lại họ, bẻ lái tàu đi lối khác, chính là bàn tay thân ái của vị tử đạo mà họ mang trong tàu. Tất cả những thuỷ thủ và hành khách thoát nạn đều tạ ơn Thiên Chúa đã gìn giữ họ bằng an nhờ lời cầu nguyện của vị tử đạo Việt Nam.
Ông chúa tàu này chính là João de Resende de Figueroa3 là người trước kia đã đến dinh Chiêm vận động xin tha cho thầy giảng Anrê, đã đi theo thầy tới pháp trường, đã chứng kiến cuộc tử đạo của thầy, và rồi đây, ông sẽ công khai làm chứng tất cả những điều tai nghe mắt thấy.
Vậy thì phép lạ này, chẳng những là cách Chúa tỏ quyền phép Chúa nơi tôi tá Chúa, mà còn là cách người trên trời trả ơn người dưới thế.4
Ngay sau đó, tin này được lan truyền khắp thành phố Ao Môn, chỗ nào người ta cũng nói đến và tỏ lòng cảm phục vị tử đạo Việt Nam. Cũng vì thế mà cuộc đón rước thi hài nhà tử đạo càng long trọng thêm bội phần.5
Cuộc khải hoàn
Viện trưởng Học viện dòng Tên tại Ao Môn, kiêm Bề trên phụ tỉnh Nhật Bản, cha Gasparo d’Amaral, trước đã từng giảng đạo ở Việt Nam, lúc ấy được tin báo hài cốt quý gởi đến cho mình, lấy làm vui sướng vô hạn. Để báo tin cho cả nhà Dòng và thành phố biết, người truyền lệnh cho kéo tất cả các chuông trong nhà thờ Thánh Mẫu thuộc tu viện thánh Phaolô.
Thế là tất cả thành phố chạy đến nhà Dòng và được biết tin rõ ràng có “hài cốt thánh”6 gởi đến.
Trong khi ấy, người ta bắt đầu lo trưng dọn nhà thờ để đón tiếp vị tử đạo cực kỳ long trọng. Nhà Dòng định tổ chức cuộc lễ nghinh đón và buổi chiều ngày 15 tháng 8 năm 1644. Quyết định này được loan báo trên tòa giảng cho giáo hữu, trong giờ lễ buổi sáng.
Hôm ấy, nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, ngoài thảm nhung, vải lụa của nhà Dòng, người ta còn mượn thêm đồ của các nhà sang trọng: không ai không sẵn lòng đóng góp nhưng đồ quý nhất để tô điểm cho cuộc lễ thêm huy hoàng. Người ta làm một nghinh giá phủ bằng gấm vóc, vải thêu, với một lá cờ lớn 7, để rước thi hài vị tử đạo. Người ta lại sửa soạn một chiếc thuyền đẹp nhất, mới tinh hảo chưa dùng đến, trang hoàng lộng lẫy, kết đủ thứ hoa.
Để cho cuộc lễ thêm phần hoan hỉ, cha Viện trưởng cho kéo tất cả bộ chuông nhạc và giao việc ấy cho mấy thanh niên Việt Nam người Bắc và người Nam, tòng học tại nhà Dòng từ mấy năm nay, và đã từng quen biết thầy giảng Anrê. Và sử liệu có ghi rằng: “Cảm tình của họ đối với vị tử đạo đồng hương ra như dạy âm nhạc cho họ, khiến cho họ kéo chuông thành những âm thanh trầm bổng, hòa hợp lạ lùng”.8
Giờ lễ đã đến, chuông nhạc vang lên. Cha Viện trưởng và tất cả các cha Dòng, mặc áo phép, cùng tất cả các tu sĩ khác, xuống tàu. Trên bến, dân chúng tụ tập đông vô kể.
Lúc “Xác Thánh”9 từ trên tàu chuyển xuống thuyền hoa, tất cả các chuông trống trong thành phố vang lên. Các ổ súng lớn trên tàu bắn ra, nghe như tiếng đại bác. Một ổ súng bị nổ, nhưng “Chúa không để một ai bị nạn, mặc dầu dân chúng chồng chất lên nhau, để cho cuộc lễ khỏi rối ren, và mang họa cho người dự”.10
Thuyền tiến vào bờ, giữa những âm thanh réo rắt của nhiều dàn nhạc trên các thuyền chung quanh, và tiếng hoan hô vui mừng của dân chúng. Hôm ấy, trời rất đẹp, bể lặng sóng êm, và mặc dầu đang mùa nóng nực khó chịu, bỗng nhiên đổi sang khí hậu mát mẻ: mọi yếu tố đều giúp cho cuộc lễ được hoàn toàn.
Thuyền cập bến, ông chúa tàu Resende de Figueroa trao thi hài vị tử đạo cho cha Viện trưởng d’Amaral. Trọng pháo lại nổ vang một lần nữa, điểm vào với những cung đàn, tiếng hát. Sau khi đặt thi hài lên nghinh giá, đám rước khởi hành rất trật tự. Đi đầu là các học sinh, y phục đẹp đẽ, tay cầm cành thiên tuế, tượng trưng thắng trận: rồi đến dân chúng đi thành hàng đông vô kể. Rất nhiều linh mục triều mặc áo phép cùng với các cha Dòng, đi tuỳ giá vị tử đạo.
Đám rước đi qua các phố, giữa mùi hương thơm ngát, vì đến đâu các gia đình cũng rất hoa tươi, hoặc đổ dầu thơm trước cửa nhà mình để chào đón vị tử đạo. Dọc đường người ta đã dựng nhiều khải hoàn môn trang trí lộng lẫy.
Sau cùng, hài cốt thầy giảng Anrê về tới nhà thờ dòng Tên. Vì quá đông, chỉ một số ít người vào được trong nhà thờ. “Xác Thánh” (danh từ trong sử liệu) được đặt trên một nghinh giá khác. Các học sinh tiến đến, kính cẩn đặt các cành thiên tuế dưới chân vị tử đạo và bao quanh khắp thi hài. Các cành ấy, sau cuộc lễ, người ta đua nhau thâu lượm lấy, để giữ một di tích đáng kính, vì đã dâng cho vị tử đạo.
Cuộc lễ khải hoàn kết thúc bằng kinh hát long trong Te Deum tạ ơn Thiên Chúa.
Giáo sĩ Đắc Lộ tường thuật những việc trên đây do theo các báo cáo nhận được và tóm tắt lại, cho biết thêm rằng cuộc lễ nghinh đón long trọng vị tử đạo Việt Nam đã gây cảm tưởng rất tốt đẹp ở Ao Môn, chẳng những trong giới công giáo mà cả người ngoài công giáo nữa, vì nhận thấy lòng ngưỡng mộ đặc biệt của giáo hữu đối với những người đã hết lòng phụng sự Thiên Chúa, đến đổ máu xưng Đức tin.11
Thi hài thầy giảng Anrê Phú Yên, sau được đặt tại khán đài bàn thờ Thánh thể, bên cạnh di cốt của nhiều vị tử đạo Nhật Bản. Trên mộ người, có để một tấm biển ghi những hàng chữ bđn như sau:
… (?) caixão esta o corpo do martir Andre catequista de Cochinchina que em Cacham foi alanceado e degolado pella confesão de nostra santa feé por mandado do mandarin Ounghebo a os 26 Juglio 1644.12
Dịch: Đây là thi hài vị tử đạo Anrê, thầy giảng xứ Đàng Trong, đã bị trảm quyết tại Quảng Nam vì xưng Đức tin, do lệnh ông quan gọi là Ông Nghè Bộ, ngày 26 tháng 7 năm 1644.
Ngoài ra, trên mộ lại có đặt một bức chân dung vị tử đạo do thầy trợ sĩ Mathêu Van minh họa.13
Hài cốt thầy giảng Anrê vẫn được gìn giữ cẩn thận tại đó cho đến năm 1835. Ngày 26 tháng giêng năm ấy, nhà thờ Thánh Mẫu của dòng Tên bị hỏa tai thiêu huỷ hoàn toàn chỉ để lại mặt tiền trơ trọi, nay là một thắng cảnh du lịch của tỉnh Ao Môn. Trong lúc hỏa hoạn, may mắn thay người ta đã chạy được hài cốt các vị tử đạo, song vì hoảng hốt nên để lẫn lộn cả.
Từ ấy đến nay, hài cốt vị tử đạo tiên khởi Việt Nam vẫn được giữ tại nhà thờ Chính tòa Giám mục Ao Môn trong phòng nguyện Thánh thể, cùng với di tích các vị tử đạo Nhật Bản, đựng trong mười tám cái bình sứ, không phân biệt riêng được của vị nào.14
Bức chân dung xưa không có tại đó, không rõ đã bị cháy hay còn ẩn khuất trong một kho tài liệu nào.15
___________________________________
Chú thích

(1) A.R Glorieuse mort, tr.69
(2) Đoạn trên theo A.R Glorieuse mort, tr.69-70 – Voyages et Missions (1854), tr.244-245.
(3) A.R, Relation Progrès Foi, tr.59- Sumarium III, tr.252 và nhiều nơi khác.
(4) A.R Glorieuse mort, tr.88 – A.R, Relation Progrès Foi, tr.59 – Voyages et Missions (1854), tr.328-329.
(5) Cuộc đón rước này cha Đắc Lộ chỉ nói sơ qua một câu trong Glorieuse mort tr.73, song cho rất đầy đủ chi tiết trong Relation Progrès Foi, tr.60-67.
(6)A.R Relation Progrès Foi, tr.61
(7) Tài liệu không nói rõ cờ nào. Cờ Hội thánh hay cờ bđn?
(8) A.R, Relation Progrès Foi, tr.61.
(9) A.R, Relation Progrès Foi, tr.62
(10) A.R, Relation Progrès Foi, tr.63
(11) A.R, Relation Progrès Foi, tr.69
(12) Relacao, ch.12 (chữ đầu viết không đọc được).
(13) A.R, Relation Progrès Foi, tr.76, ghi “Un des nos Frères, nommé Mathieu Van”, không nói rõ là người Việt, song chắc là người Việt, vì phải quen biết mới vẽ được chân dung, vả lại đoạn trên có nói: “Trong học viện có nhiều thầy Việt Nam nội trú từ mấy năm nay” (tr.61). Sau này, trong số những vị tử đạo năm 1665, đời chúa Hiền, có một vị tên là “Mathieu Van”. Phải chăng người đã họa chân dung Anrê nay tái diễn cuộc tử đạo của Anrê?
(14) Những chi tiết trên đây do cha Videira, dòng Tên, tu viện Sto.Agostion, Casa Ricci, Ao Môn, gởi cho chúng tôi kèm với các hình ảnh. Vẫn theo cha Videira, mặc dầu tấm biển đề ở cửa phòng nguyện chỉ nói đến các vị tử đạo Nhật Bản nhưng thực sự có cả hài cốt những vị tử đạo khác nữa và nhất là hài cốt thầy giảng Anrê Việt Nam. Điều này có lẽ chỉ những sử gia hoặc nhà chuyên môn mới biết, mới nhớ, và cũng vì thế mới có sự ngộ nhận của tác giả bức thư do cha Cadière công bố trong bài Inconographie du P.Alexandre de Rhodes, trong B.A.V.H, 1938, tr.27-61.
(15) Các tài liệu của dòng Tên tại Ao Môn, đã chuyển cả về Lisbonne (bđn). Cha Cadière (bài dẫn thượng) cũng đã muốn tìm bức chân dung này mà không được.
 _________________________________________

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG XIII: VINH QUY LA MÃ

Như đã nói ở trên, sau cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên, và trong khi hài cốt thầy được tôn kính tại Ao Môn, thì giáo sĩ Đắc Lộ còn bí mật hoạt động tại Việt Nam một năm nữa, giữa muôn vàn sóng gió. Ngày cũng như đêm, ở đâu, đi đâu, giáo sĩ cũng mang theo thủ cấp vị tử đạo “để được an ủi trong cơn khốn khó, bênh vực trong mọi hiểm nguy, trên đất cũng như dưới biển”1. Và thật sự giáo sĩ “đã không lầm” như chính ngài sẽ minh chứng.2
Chế ngự Thái Bình Dương
Ngày 3 tháng 7 năm 1645, cha Đắc Lộ ngậm ngùi vĩnh biệt đất nước Việt Nam – “vĩnh biệt bằng thể xác, lời giáo sĩ, chứ không phải bằng tâm hồn, vì thực ra tâm hồn tôi để cả ở xứ Nam cũng như xứ Bắc, và tôi tưởng không bao giờ lòng tôi có thể rời được hai xứ ấy”3. Giáo sĩ dàn dụa nước mắt, nửa thương các giáo hữu từ nay bơ vơ không linh mục, nửa thương chín thầy giảng còn mang gông trong ngục, chưa biết số phận ra sao: “Tôi thú thật rằng chưa bao giờ tôi cảm thấy đau lòng như trong cuộc biệt ly này”.4
Các giáo hữu ra tiễn đưa người tại bến Hội An, khóc lóc thảm thiết. Mấy viên chức ở dinh trấn theo giáo sĩ lên tận tàu, đọc bản án trục xuất trước mặt những người bđn: giáo sĩ bị cấm không bao giờ được trở lại Việt Nam nữa, và chủ tàu nào còn chở ông tới, sẽ bị tử hình.
Cha Đắc Lộ chỉ còn một yên ủi duy nhất: đầu của thầy Anrê, “kho tàng quý giá nhất của người”5. Người mang theo xuống tàu.
Trong cuộc hành trình này, vị tiên khởi tử đạo Việt Nam đã tỏ quyền phép chế ngự phong ba, và cứu mạng sống cha thiêng liêng mình để đền ân.
Chính giáo sĩ Đắc Lộ tường thuật:
“Cả biển Trung Hoa này thường xảy ra những trận phong ba rất lớn, nhất là ở vịnh Hải Nam, là nơi tôi qua lại mười lăm lần, nhưng trong cuộc hành trình này, chúng tôi bị ngược gió và gặp bão dữ dội đến nỗi tưởng chết không có đất cứu.
“Trong cơn bĩ cực chúng tôi gặp phải, thấy các buồm đều gãy, hoa tiêu thất đảm, thuỷ thủ kinh tởm, tôi liền chạy đến cùng vị Bảo hộ vinh quang của tôi.
“Tôi hết sức kính trọng cầm thủ cấp của người lên, đem lại chính giữa tàu, bảo mọi người quỳ xuống, rồi tôi cất tiếng xướng “kinh cầu Đức Mẹ” và cầu nguyện mấy lời cùng vị tử đạo tốt lành.6
“Chưa đọc hết “kinh cầu”, thì phong ba đã yên ngay tức khắc, khiến mọi người kêu lên: “Phép lạ! Phép lạ!”. Gió xuôi buồm thuận đưa chúng tôi về tới Ao Môn bằng an, đúng hai mươi ngày sau khi rời khỏi xứ Nam.
“Thiên Chúa biết lòng chúng tôi tạ ơn vị tử đạo đại danh này biết chừng nào! Nhưng chúng tôi càng ngạc nhiên hơn nữa, vì hai ngày sau khi cập bến, chúng tôi được biết, hai chiếc tàu lớn khác, một ở An Độ tới, một khởi hành cùng một lúc với chúng tôi từ xứ Nam, đã bị đắm thảm thương ở chính chỗ chúng tôi đã thoát nạn. Mấy người trong số những người sống sót rất ít ỏi đã kể lại với chúng tôi như vậy, và chúng tôi được biết họ đã bị nạn ngay trong giờ phút chúng tôi gặp nguy. Nhưng trong tàu chúng tôi có một điều lợi mà hai tàu kia không có, ấy là một cái đầu đã bị lìa thân vì Chúa Giêsu, bây giờ đã đáng được quyền sai khiến gió bão, chế ngự phong ba”.7
Đục đá vá tàu
Sau năm tháng lưu trú ở Ao Môn, giáo sĩ Đắc Lộ được cử về La Mã tâu trình Đức thánh cha cử các vị Giám mục sang coi sóc các giáo đoàn ở Việt Nam, và vận động cho công cuộc truyền giáo ở Viễn Đông.
Ngày 20 tháng 12 năm 1645, giáo sĩ đáp tàu bđn trong một đoàn tám chiếc đi An Độ để về Lịch bôn. Ngài mang thủ cấp thầy giảng Anrê, định mang về La Mã chứng minh đức tin của người Việt. Tới Malacca (Nam Dương quần đảo), giáo sĩ rời tàu bđn để chờ đáp tàu Hòa Lan theo lời Bề trên dặn, vì tàu bđn thường ghé rất lâu ở Goa (An Độ) trước khi về Au Châu. Chiếc tàu bđn mà đáng lẽ giáo sĩ cứ đi nếu không có lời dặn ki, sau bị đắm vì đụng đá ngầm: giáo sĩ Đắc Lộ nhìn nhận đó là ơn Chúa Quan Phòng cho mình thoạt nạn.8
Nhưng giáo sĩ sẽ gặp nạn khác và sẽ thoát nạn một cách lạ lùng, do sự can thiệp hiển nhiên của vị tử đạo Việt Nam.
Sau bốn mươi ngày ở Malacca không gặp tàu Hòa Lan về Au Châu, giáo sĩ định đi Djakarta9 thương cảng lớn nhất và là thủ phủ của Nam Dương quần đảo, lúc ấy đã thuộc quyền cai trị của Hòa Lan, vì tại đó thường có nhiều tàu đi Au Châu hơn ở Malacca. Thế là ngày 22 tháng 2 năm 1646, người đáp một chiếc tàu Hòa Lan đi thủ đô Nam Dương. Được ba ngày xảy ra một việc lạ lùng xưa nay chưa từng có trong lịch sử hàng hải thế giới.
Ta hãy nhường lời cho người trong cuộc kể chuyện:
“Ngày 25 tháng 2, khoảng hai giờ chiều, gió rất thuận, các thuỷ thủ tỏ ra không thông thạo, chẳng dè chừng một núi đá ngầm cao gần sát mặt nước, tàu của chúng tôi đụng mạnh vào núi đó, phát ra một tiếng động như sét. Sự đụng chạm mãnh liệt đến nỗi tàu bị thủng và dừng hẳn trên đá ngầm.
“Lúc ấy chúng tôi tưởng chết hết không còn phương cứu gỡ. Tôi lên sân tàu coi thì thấy một mảnh gỗ lớn của tàu nổi trên mặt nước, tôi liền khuyên bảo mọi người hãy dọn mình chết và cậy trông ơn Chúa cứu giúp. Chúng tôi giải tội lẫn cho nhau, vì trong tàu có hai cha nữa cũng đi từ Malacca với tôi, rồi chúng tôi quỳ gối xuống tất cả để cầu nguyện cùng thầy giảng Anrê nhân hậu của tôi. Tôi cầm thủ cấp của người trong tay và thân ái nói với người rằng: Hỡi thầy Anrê nhân lành, nếu tôi phải chôn dưới đáy biển này, tôi làm sao mang đầu của thầy về La Mã được! Ngay lúc chúng tôi còn đang cầu nguyện thì tức khắc tàu rời ra khỏi đá ngầm, và chúng tôi bắt đầu đi.
“Nhưng chúng tôi đinh ninh rằng mình đi thẳng xuống đáy biển, vì chúng tôi biết chắc tàu đã bị thủng, và gỗ ván đã nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chúng tôi đang chờ như vậy, thì mấy người thủy thủ bảo rằng tàu không bị nhiều nước hơn trước khi đụng đá ngầm, và điều đó không lạ, vì tàu đã cũ, người ta phải ghép thêm một lớp ván nữa ở nhiều chỗ, và những tấm ván mà chúng tôi trông thấy chỉ là những lượt bề ngoài, lượt bên trong còn nguyên vẹn.
“Tin như vậy, chúng tôi vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình, lòng cảm tạ Thiên Chúa đã cứu thoát chúng tôi bình an. Chúng tôi đi bảy ngày nữa trên mặt biển vô sự, nhưng khi chúng tôi tới bến (Djakarta), chúng tôi mới biết Đức Chúa Trời đã làm ơn cho chúng tôi hơn chúng tôi tưởng nhiều lắm.
“Lúc ấy người ta muốn sửa tàu, và khi đã trục tàu lên cạn, người ta thấy rõ một dấu lạ lùng của Chúa Quan Phòng. Dưới đáy tàu có một lỗ hổng lớn, nhưng núi đá khi làm vỡ đáy tàu, đồng thời cũng làm vỡ một tảng đá lớn, và tảng đá ấy đóng chặt vào chính lỗ hổng mà nó đã khoét ra. Tất cả thành phố kéo đến coi sự lạ ấy. Phần chúng tôi, chúng tôi hiểu rằng ơn ấy đã làm vì chúng tôi, nên chúng tôi cảm phục hơn ai hết, và tạ ơn Đức Chúa Trời và thầy giảng Anrê vì thầy đã lấy lòng thương yêu, dùng quyền thế mình mà giải phóng chúng tôi”.10
Phép lạ này, cũng như phép lạ ở ngoài khơi Hải Nam, được giáo sĩ Đắc Lộ tường thuật và xác nhận tới ba lần trong ba cuốn sách khác nhau: một cuốn tiếng Ý 11, hai cuốn tiếng Pháp 12, xuất bản giữa các thủ đô lớn nhất Au Châu trong hai năm 1652-1653, nghĩa là mới sáu bảy năm sau khi xảy ra sự việc, trong khi hàng trăm người đồng cảnh ngộ còn sống và có thể kiểm soát thực hư.
 Vinh quy La Mã
Sau tám tháng ở Djakarta, mà ba tháng bị người Thệ Phản Hòa Lan cầm tù vì ghét đạo Công giáo, cha Đắc Lộ theo tàu bđn đến Macassar (quần đảo Célèbes) ngày 21 tháng 12 năm 1646, với thủ cấp của vị tử đạo linh thiêng luôn luôn bên mình. Tới tháng 6 năm sau, giáo sĩ mới gặp và đáp một chuyến tàu của người Anh về Au Châu. Tàu này trở qua eo biển de la Sonde, tới hải cảng Surate, thuộc tiểu bang Bombay (An Độ) ngày 30 tháng 9 năm 1647, rồi bốn tháng sau mới lại nhổ neo đi Ba Tư. Tới Ba Tư vào đầu tháng 3 năm 1648, vì không gặp sẵn chuyến tàu vòng qua Hảo Vọng giác, giáo sĩ quyết định theo đường bộ để về La Mã, mặc dầu phải đi qua các xứ Hồi giáo rất hiềm khích đối với Công giáo, và các miền hiểm trở có nhiều giặc cướp. Dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới này, giáo sĩ tự nhận trước cho bản thân mọi bất trắc dọc đường, nhưng không muốn liều mình để mất kho tàng quý giá nhất: giáo sĩ liền gửi thủ cấp vị tử đạo Anrê cùng với ít nhiều đồ vật khác về cho các cha dòng Tên ở Goa để chờ dịp chắc chắn sẽ gửi về La Mã.13
Tiếp theo cuộc hành trình, giáo sĩ qua Aspaan, thủ đô Ba Tư, nay là tỉnh Ispahan, ngược lên xứ Médie nay là Azerbaijan, xứ Arménie thượng – cả hai miền này hiện bị Nga Xô thôn tính – rồi xuyên ngang nước Thổ Nhĩ Kỳ, sau đúng một năm đi bộ, mới tới hải cảng Smyrne trên bờ Địa Trung Hải. Tại đây giáo sĩ đáp tàu Ý Đại Lợi, về đến La Mã ngày 27 tháng 6 năm 1649, sau ngót ba năm hành trình gian khổ.14
Ngày tháng qua, cha Đắc Lộ ở La Mã chờ đợi đã gần ba năm mà chưa được tin tức gì về báu vật của mình. Giữa lúc bất ngờ, thì một ngày trong năm 1652 15, thủ cấp vị tử đạo Phú Yên cũng về tới kinh thành muôn thưở. Bao nhiêu đồ đạc khác của giáo sĩ Đắc Lộ gửi lại Goa đã bị mất hết, tước đoạt hết. “Không một sự gì thoát khỏi cuồng vọng của con người và những tráo trở của hoàn cảnh, chỉ trừ cái đầu của thầy Anrê tôi”! cha Đắc Lộ hiên ngang ghi chép như vậy.16
Người đã lo lắng gửi kho báu ấy về La Mã không ai khác hơn là chính giáo sĩ Mathias da Maya, quản nhiệm dòng Tên tỉnh hạt Nhật Bản và Trung Hoa, trụ sở tại Goa, tác giả bản tường trình Relacao, đã trở nên một sử liệu quý báu.
Khởi hành từ Goa năm 1649 17, thủ cấp vị tử đạo Phú Yên đã phải vòng qua Hảo Vọng giác, ngược Đại Tây Dương, và chắc hẳn đã phải ghé qua thủ đô bđn trước khi vào Địa Trung Hải để tới thủ đô Giáo hội.18
“Tôi tiếp nhận di tích ấy – lời giáo sĩ Đắc Lộ – với một lòng phấn khởi vô cùng. Tôi hôn kính cả ngàn lần, đến khi rời La Mã, tôi để lại cho cha Bề trên Cả. Ngài hân hạnh đặt thủ cấp vị tiên khởi tử đạo xứ Nam trong nhà mẹ Dòng Tên ở thủ đô thế giới”.19
Để giới thiệu vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam với Tòa thánh và thế giới, ngay năm ấy (1652) giáo sĩ viết cuốn Cuộc tử đạo oai hùng của thầy giảng Anrê xứ Đàng Trong bằng tiếng Ý, ấn hành ngay tại La Mã, và đến năm sau viết luôn ra tiếng Pháp in tại Balê. Cha Đắc Lộ còn nhờ một họa sĩ hữu danh người Ý, Giacinto Brandi vẽ hình cuộc tử đạo của thầy giảng Phú Yên in làm phụ bản trong hai sách ấy.
Từ khi về tới La Mã, thủ cấp vị tử đạo Anrê vẫn được giữ tại nhà dòng bên cạnh thánh đường Chúa Giêsu. Đến năm 1773, dòng Tên phải giải tán theo lệnh Đức Giáo hoàng Clêmentê XIV, di cốt của thầy giảng Anrê cũng như các di vật thánh khác của Dòng, được trao lại cho ban quản đốc nhà thờ Chúa Giêsu. Do sự thay đổi ấy, và để tránh sự thất lạc hoặc lầm lẫn về sau, người ta mới nhận thấy sự cần thiết lập một bản chứng thư. Bản này làm ngày 10 tháng giêng năm 1809, nhân danh Đức hồng y Julius Maria de Somalia, phụ tá Đức giáo hoàng Piô VII trong nhiệm vụ cai quản địa phận La Mã, và ký tên Đức cha Benedetto Fenaja, giáo chủ thành Constantinopoli, tá lý địa phận La Mã. Bản chứng thư liệt kê và nhìn nhận “sọ, tóc, răng và khăn liệm của Anrê 20, thầy giảng thuộc dòng Chúa Giêsu, đã đổ máu vì Đức tin ngày 26 tháng 7 năm 1644, hồi 19 tuổi. Những thứ đó đã lấy tự chính nguồn gốc…”
Đến khi dòng Tên được tái lập và xây tòa Bề trên Cả tại số 5 đường Borgo Santo Spirito, thì tất cả các tài liệu và di tích về thầy giảng Anrê được di chuyển về đó, đặt tại tầng lầu thứ hai, (không kể tầng dưới) trong phòng để hình ảnh, di tích và hài cốt các vị Thánh và Chân phúc của Dòng, do vị linh mục tổng thỉnh nguyện các vụ án phong thánh (postulateur général) trông coi.
Hiện nay, sọ thầy giảng Anrê (không có hàm dưới) vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có phía hữu trước mặt bị hao mòn chút ít, và đôi chỗ ngả mầu tím, còn tất cả trắng đẹp như ngà. Phía trên sọ, nét bút cổ xưa ghi năm lần những lời sau đây: “Andreas Catechista, primus in Cocincina pro Christi fide fuit occisus”: Thầy giảng Anrê người đầu tiên ở xứ Nam đã đổ máu vì tin Chúa Kitô. Hàm trên còn dính hai chiếc răng hàm lớn và hai răng hàm nhỏ, ngoài ra còn có sáu cái răng rời, cũng của hàm trên, một nắm tóc nâu còn tốt nguyên vẹn, một ít bông gòn, một ít vải thấm máu, và cả cái tùi bằng lụa bọc thủ cấp, có ghi hàng chữ bằng tiếng La tinh nói rằng cha Mathias da Maya, quản nhiệm dòng Tên tỉnh Nhật Bản và Trung Hoa, gửi cho cha Đắc Lộ sọ thầy giảng Anrê, người đầu tiên đã bị giết ở xứ Nam vì tin Chúa Kitô.21
Sau bao biến thiên trong khoảng thời gian trên ba thế kỷ, những di tích còn giữ được như vậy cho đến ngày nay là một điều quý trọng, hiếm có, lạ lùng. Mình năm ở Ao Môn, đầu ngự ở La Mã mắt nhìn thẳng vào Tòa đấng kế vị Chúa Cứu Thế ở trần gian22, thầy giảng Anrê tử đạo chẳng những là sứ giả đầu tiên và thường trực của dòng dõi Lạc Hồng bên cạnh Tòa thánh, người còn là cây cầu thiêng liêng nối liền Đông và Tây, hơn nữa là tiêu biểu vẻ vang cho sự quy tụ của anh em bốn bể dưới mái nhà Cha. Người phải xa quê hương trần gian chỉ vì sứ mệnh ấy, và người làm sứ mệnh ấy cũng chỉ vì hạnh phúc và danh dự của quê hương. Khi nào quê hương ước mong người về, có lẽ nào người từ chối quê hương. Mà thực ra lúc này người đang sống giữa quê hương rồi vậy.
_______________________
Chú thích
(1) và (2) A.R Glorieuse mort, tr.71
(3) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.362
(4) A.R Glorieuse mort, tr.80
(5) A.R Glorieuse mort, tr.90
(6) Cha Đắc Lộ thuật chuyện này trong ba cuốn sách Relation, Glorieuse mort, Voyages et Missions. Chúng tôi trích dịch đoạn trên đây trong Glorieuse mort tr.90, còn đoạn dưới sẽ theo Voyages et Missions (1854), tr.327-328, vì cách tường thuật linh động hơn.
(7) Voyages et Missions (1854), nơi đã kể
(8) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.343. Chúa tàu bị nạn tên là Dom Sébastien Lobo de Sylveira.
(9) Jacquetra, theo chính tả cha Đắc Lộ. Nay tiếng Pháp viết theo tiếng Hòa Lan: Djakarta, tức là tên chính thức của hải cảng Batavia.
(10) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.348-350. Đối chiếu Glorieuse mort, tr.93-97.
(11) Đó là cuốn Relatione della morti di Andrea Catechista, Roma 1652.
(12) Đó là Glorieuse mort và Voyages et Missions, Paris 1653.
(13) A.R, Glorieuse mort, tr.71
(14) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.353-434.
(15) A.R, Glorieuse mort, tr.72
(16) A.R, Glorieuse mort, tr.72
(17) Căn cứ theo niên hiệu bản Relacao.
(18) Hồi ấy chưa có kinh Suez, thì không có đường tàu nào khác để đi Ý Đại Lợi. Di cốt vị tử đạo, muốn được bảo đảm, chỉ có thể gửi tàu bđn, vậy tất nhiên có ghé nước ấy.
(19) A.R, Glorieuse mort, tr.71-72
(20) Nguyên văn chép lầm: “P, Andrae” (cha Anrê)
(21) Những chi tiết trên đây theo thơ cha Bottereau, văn phòng cha Bề trên Cả dòng Tên, gởi cho tác giả, từ La Mã ngày 22-1-1958.
(22) Từ Tòa Bề trên Cả dòng Tên có thể nhìn thấy Đền thánh Phêrô, không xa cách bao nhiêu.
 ______________________________________


NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG XIV: THI ÂN Ở BA LÊ

Từ khi về La Mã, giáo sĩ Đắc Lộ không lúc nào không tưởng nhớ tới Việt Nam và lo lắng thực hiện cái sứ mạng “đã khiến ngài tự đầu bên kia thế giời về đây”1. Người đã nhiều lần bệ kiến Đức giáo hoàng và “ngày nào cũng đến gõ cửa Đức hồng y” để xin Tòa thánh cử các giám mục sang dìu dắt các Giáo hội mới ở Việt Nam cũng như Trung Hoa, đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc để hoàn thành việc xây dựng Giáo hội tại các miền đó. Tòa thánh tỏ ra rất hưởng ứng và tán thành chương trình của cha Đắc Lộ, nhưng sau ba năm ở La Mã và nước Ý, giáo sĩ chưa tìm được vị nào đủ điều kiện và thích ứng hoàn cảnh để có thể được đề nghị phong giám mục gởi sang Việt Nam.
Ngày 11 tháng 9 năm 1652, giáo sĩ rời La Mã để đi vận động tại nước Pháp cũng vì mục đích nói trên. Bạn chí thân của người là thủ cấp thầy giảng Anrê, đã an ngự ở La Mã, từ nay không còn đi theo người nữa, nhưng người có bức ảnh của vị tử đạo luôn luôn bên mình.
“Chúng tôi không hiểu – lời cha Đắc Lộ – ý Chúa muốn ban vinh quang thế nào cho người thanh niên có phúc này, đã được Chúa chọn làm Người Chứng Thứ Nhất cho Chúa ở tận cùng Châu Á, nhưng từ khi tôi ở trên đất Pháp mấy tháng nay, tôi đã từng thấy biết bao người, thuộc mọi từng lớp, đều yêu mến và tôn kính vị tử đạo ấy, tôi tin chắc Chúa muốn làm cho người ta biết và tôn kính người trong nước này (…), bởi vì ngay ở Balê, người đã làm nhiều ơn lớn lao cho những nhân vật vị vọng nhờ cậy lời bầu cử của người trong cơn bệnh hoạn”.2
Và cha Đắc Lộ tường thuật:
“Cách đây ít lâu, tôi được mời đến thăm một bệnh nhân, làm giám đốc Ngân khố nước Pháp. Ông là người còn thanh niên, rất đáng yêu và tính tự nhiên hòa nhã, có tinh thần tốt và nhất là rất đạo đức. Y sĩ mới thăm ông buổi sáng, và tỏ ra rất lo ngại bệnh tình ông hết phương cứu chữa.
“Vì ông thổ ra huyết rất mạnh, kèm theo chứng đau bụng quặn, khiến y sĩ e rằng ông bị ung độc trong bụng.
“Tôi đi ngay đến phòng ông, lại bên giường bệnh, khuyên ông nhờ cậy lời cầu nguyện của thầy giảng Anrê; tôi tặng ông một bức ảnh của vị tử đạo mà tôi đã đặt làm tại La Mã; cả ông và tôi cùng cầu nguyện một lát, rồi tôi ra khỏi phòng.
“Bệnh nhân ở lại một mình, cầm bức ảnh tôi cho, và cầu nguyện. Ông khấn với Chúa rằng, mỗi năm cứ đến ngày tử đạo vinh quang của thầy giảng Anrê, ông sẽ rước Mình Thánh Chúa, và ngày hôm trước sẽ ăn chay. Ông vừa làm xong lời khấn, liền thấy nhẹ bớt, cơn đau dịu xuống, hết rét và hết ra máu, đến chiều y sĩ trở lại thăm, thấy ông đã khỏi bệnh. Ngày hôm sau ông thức dậy, mạnh khoẻ như thường, đến tìm tôi, và thuật cho tôi nghe điều tôi vừa kể. Ông lại làm cho tôi một tờ chứng nhận trước mặt Đức cha phụ tá Đức Tổng giám mục Balê, và loan báo khắp nơi: mình được cứu sống và lấy lại sức khoẻ là nhờ ơn thanh niên Chân phúc kia; từ đấy ông tôn kính người như bậc ân nhân”.3
Trường hợp thứ hai xảy ra cách sau đó vài tuần lễ.
Nguyên từ khi đến Balê, cha Đắc Lộ có quen một người có thế giá và nhân đức, người thường gặp để nói chuyện, và có lần người đã kể cho nghe câu truyện người vừa nói về thầy giảng Anrê. Người ấy rất lấy làm ái mộ vị tử đạo Việt Nam.
Một đêm đang nằm trên giường, ông ta liền bị tim đập mạnh, kéo dài luôn mấy tiếng đồng hồ. Ông dùng đủ mọi thứ thuốc người ta có thể tìm cho ông, nhưng đều vô hiệu. Ông lo sợ bị ngạt thở.
Bấy giờ ông nhớ đến vị tử đạo có quyền thế trước mặt Chúa, mà ông đã chọn làm quan thầy; ông liền quỳ xuống để cầu nguyện dưới chân giường; vừa bắt đầu cầu nguyện thì tim ông trở lại điều hòa, cơn đau tiêu tán hết, ông không cảm thấy bệnh nạn nào nữa, chỉ cảm thấy sự nhớ ơn sâu xa đối với Thầy thuốc thiêng liêng của ông.4
Thầy giảng Phú Yên tại điện Le Louvre
Không những làm ơn lành trong các giới dân chúng, thầy giảng Anrê Phú Yên còn gây ảnh hưởng cả trong chốn triều đình nước Pháp. Hồi ấy vua nước Pháp Louis XIV (1643-1715) còn vị thành niên, bà Thái hậu Anne d’Autriche giữ quyền nhiếp chính, ngự ở điện Le Louvre giữa kinh thành Balê.
Khoảng tháng giêng năm 1653 5, giáo sĩ Đắc Lộ vào điện Le Louvre yết kiến bà Thái hậu để nói về những tiến bộ của việc truyền giáo ở Viễn Đông. Nhiều thượng quan trong triều cũng có mặt trong cuộc yết kiến này, bên cạnh bà Thái hậu. Trong cuộc hội đàm, giáo sĩ Đắc Lộ đã nói đến thầy giảng Anrê, và kể lại sự lạ đã xảy ra ở Balê như đã nói ở trên.
Một trong những thượng quan có mặt liền tưởng đến trường hợp của vợ mình đang bị chứng đau tim rất nặng, nhiều khi tim đập mạnh luôn đến mười lăm tiếng đồng hồ, rất nhọc mệt, và nguy hiểm đến tính mạng. Ông tin rằng đây là dịp tốt Chúa ban cho ông để cứu chữa vợ ông.
Sau khi cha Đắc Lộ cáo biệt bà Thái hậu, ông cũng rời điện Le Louvre, đến tìm Đức giám mục địa phận Puy và xin một tấm ảnh vị tử đạo Việt Nam. Được nhận tấm ảnh do tay vị nhân đức này, ông ta đem về cho vợ. Bà vợ lúc ấy đang cơn đau, cầm ảnh áp vào trái tim, và khấn nguyện cùng vị tử đạo Việt Nam, tức khắc cơn đau dứt hẳn. Từ đấy mỗi lần cơn đau trở lại, bà lại dùng môn thuốc thiêng liêng ấy, và lại được khỏi đau như vậy.
Chính chồng bà đã kể lại với cha Đắc Lộ các việc xảy ra như trên, và tỏ lòng khâm phục, nhớ ơn thầy giảng Anrê Phú Yên. Cha Đắc Lộ không gặp bà này bao giờ, song nghe người ta nói bà là ngừơi rất có công phúc, và là con một nhân vật lỗi lạc lúc ấy mới từ trần mà cả nước Pháp tiếc thương.6
Giáo sĩ Đắc Lộ còn ghi lại một ơn lạ thứ bốn, xảy ra ở họ Thánh Phaolô, gần tu viện Thánh Luy của dòng Tên Balê. Tại đây có một người quý phái cao niên, mắc bệnh đau dạ dày rất nặng từ ba năm trước, rất gầy ốm và hầu như đã kiệt hết sức. Lúc ấy ông ta lên cơn đau kịch liệt, kéo dài luôn mười hai giờ. Bà vợ ông và cả nhà lo sợ rằng ông tuổi già sức yếu, khó lòng đối phó được với cơn bệnh trầm trọng như vậy. Chẳng ngớt được mấy lúc, ông lại lên cơn lần thứ hai, đau đớn hơn lần trước nữa.
Lúc ấy bà vợ ông đi tìm cha Đắc Lộ. Bà đã quen giáo sĩ từ trước và đã được nghe nói về thầy giảng Anrê. Giáo sĩ rất cảm phục nhân đức của bà, và ngợi khen lòng hy sinh rộng rãi của bà đối với công cuộc truyền giáo ở tất cả xứ Viễn Đông.
Sau khi bày tỏ nỗi lo lắng của mình, bà tỏ ý tin tưởng nơi sự cầu bầu của thầy giảng Anrê. Bà lại xin giáo sĩ đến thăm chồng bà và đem ảnh vị tử đạo Việt Nam đến cho bệnh nhân cầu nguyện.
“Tức khắc tôi đi ngay – lời cha Đắc Lộ – và tôi thấy ông quý phái này, đầy can đảm và đạo đức, song không còn sức lực, mà có lẽ ngày mai cơn khủng hoảng sẽ trở lại lần thứ ba. Tôi cùng với ông đọc kinh cầu khấn Thiên Chúa; tôi để lại cho ông một tấm ảnh vị tử đạo của tôi, ông cầu nguyện vị tử đạo với tất cả lòng thành của người tín hữu Đức Chúa Trời đã nhận lời ông: cơn khủng hoảng thứ ba không đến nữa, và từ đó trở đi không còn cơn đau nào khác, căn bệnh từ ba năm đã biến mất, ông khỏe mạnh như thường và hết lòng nhớ ơn Quan thầy của ông là vị tử đạo Anrê. Tôi hy vọng rằng nhờ lời bầu cử của tôi tớ Chúa, Chúa sẽ còn ban cho ông sống nhiều năm nữa và được sức mạnh, để phụng sự Chúa lâu dài hơn, và cùng với phu nhân là người nhân đức, kéo ơn trên Trời xuống cho cả gia đình”.7
Ngoài bốn sự lạ này, còn nhiều trường hợp khác mà giáo sĩ Đắc Lộ không tường thuật 8. Nhưng như thế đã đủ chứng tỏ uy danh của vị tử đạo tiên khởi Việt Nam giữa “kinh đô ánh sáng”, và quyền thế của người trước tòa Thiên Chúa.
Hai tâm hồn một sự nghiệp
Buổi ấy giữa Giáo hội Pháp và Giáo hội sơ khai Việt Nam, chưa có mối dây liên hệ nào. Nhưng khi vị tử đạo Anrê và nhà truyền giáo Đắc Lộ đi qua Balê, thành phố này sắp trở nên căn cứ xuất phát của một phong trào truyền giáo rộng lớn, ứng đáp chủ trương cải cách của Toà thánh La Mã tại các xứ truyền giáo. Quả thực Giáo hội Pháp chẳng những nhiệt liệt ủng hộ cuộc vận động của giáo sĩ Đắc Lộ, mà còn hiến hai nhà truyền giáo nhiệt thành, Lambert de la Motte và Francois Pallu, để Đức giáo hoàng Alexandre VII phong làm giám mục đầu tiên cho hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài ở Việt Nam (1659), mở đầu một giai đoạn quan trọng cho Giáo hội Việt Nam và cho tất cả các xứ truyền giáo trên thế giới. Tiếp sau đó, Hội Truyền giáo ngoại quốc được thành lập tại Balê (1663) để tuyển lựa các vị thừa sai cho các xứ truyền giáo và xúc tiến việc thành lập hàng giáo sĩ bản quốc tại các xứ đó.
Những biến cố lớn lao này trong Hội thánh đã được các sử gia nghiên cứu dưới mọi khía cạnh, không quên sót một nhân vật hay yếu tố nào. Nhưng, vì bị chi phối nguyên bởi những tài liệu cụ thể trước mắt, các sử gia đó quên hẳn một nhân vật vô hình đã nắm giữ yếu tố quyết định trong sự thành bại của công cuộc nói trên: Nhân vật ấy không ai khác hơn thầy giảng Anrê Phú Yên, tiên khởi tử đạo Việt Nam.
Quả thực, nếu không có thầy giảng Anrê, nếu không có sự bầu cử của người trước tòa Thiên Chúa, giáo sĩ Đắc Lộ đã bỏ mình dưới làn sóng Thái Bình Dương từ lâu, như chính giáo sĩ đã xác nhận. Và như vậy, không có các cuộc vận động tại Tòa thánh để gởi Giám mục sang Viễn Đông, không có cuộc vận động trên đất Pháp để tuyển lựa Giám mục và tông đồ, không có cuộc gặp gỡ với nhòm “Les Bons Amis” ở Paris, sự quen biết với Đức cha Francois Pallu… Tóm lại, không có phong trào vĩ đại đưa đến những quyết định của Tòa thánh năm 1658-1659, và của giới truyền giáo Balê năm 1663. Đã hẳn, bấy nhiêu công cuộc thực hiện đều do ý Chúa và nhờ ơn Chúa, chứ không phải tuỳ thuộc ở người thế gian. Song Chúa đã an bài như vậy, cho ta thấy rõ vai trò quan trọng của thầy giảng Anrê Phú Yên trong công cuộc này. Quả thực, hai lần cứu sống giáo sĩ Đắc Lộ, vị tử đạo Việt Nam không phải chỉ trả ân riêng đối với cha linh hồn của mình, mà còn thực hiện một sứ mạng cao cả có ảnh hưởng chung cho Giáo hội Việt Nam.
Cũng vậy, các phép lạ thầy giảng Anrê làm ở Balê không phải là chỉ làm ơn riêng cho những kẻ cầu nguyện người mà còn có tác dụng gây nên bầu không khí thuận lợi cho sự kết thúc công cuộc vận động Giám mục cho Việt Nam. Quả thực, theo tài liệu lịch sử như đã trình bày ở trên, giáo sĩ Đắc Lộ luôn luôn đưa thầy giảng Anrê ra làm “đầu đề” cho các cuộc vận động của ngài.
Với gương tử đạo của thầy giảng Anrê, giáo sĩ đã có bằng chứng cụ thể về những tiến bộ của Đức tin trên đất Việt Nam mới được truyền giáo. Với những phép lạ của người, giáo sĩ lại thu phục được bao nhiêu thiện cảm và tin tưởng đối với Giáo hội Việt Nam. Chính do những yếu tố đó một phần lớn mà các giới Công giáo ở Pháp đã nhiệt liệt hưởng ứng công cuộc vận động của cha Đắc Lộ.
Luận chứng trên đây không ra ngoài lãnh vực lịch sử, nhưng chính là đi sâu vào lịch sử, để khám phá động lực tiềm ẩn của sự kiện, tiềm ẩn nhưng rất thực tế, và có sử liệu chứng minh: Trong khi giáo sĩ Đắc Lộ vận động bằng lời nói và việc làm, thầy giảng Anrê Phú Yên đã vận động bằng gương tử đạo, và phép lạ.
Lúc công cuộc này đạt tới thành công (1658-1659) thì giáo sĩ Đắc Lộ mặc dầu tuổi già, đã rời đất Pháp sang giảng đạo ở Ba Tư rồi (1654). Trước đó ít lâu, Tòa thánh đã định phong người làm Giám mục tại Việt Nam, song vì nhiều lý do, người đã từ chối đặc ân ấy, và mặc dầu rất nhớ mến người Việt Nam, người không thể sang Việt Nam được nữa. Bao nhiêu cảm tình của người đối với người Việt tập trung lại nơi thầy giảng Anrê Phú Yên. Và thầy giảng Anrê đã trở nên nguồn an ủi duy nhất của người trong những ngày tàn của một đời tận hiến cho Phúc Am.
Trong cuốn sách tường thuật cuộc tử đạo của Anrê, giáo sĩ Đắc Lộ đã nói ở đoạn mở đầu như sau:
“Thầy giảng Anrê, tiên khởi tử đạo ở xứ Nam, làm vui thỏa lòng tôi vô cùng: mỗi khi nhắc đến tên thầy, tưởng nhớ đến thầy, tôi không cầm được mối xúc động vì bao tình yêu mến đối với nhân đức của thầy, vì thầy không phải là một thanh niên mà là một thiên thần. Tôi đã rửa tội cho thầy, đã nhận thầy vào đoàn của tôi, tôi đã nuôi nấng thầy, đã đến thăm thầy trong ngục thất, đã theo thầy đến nơi tử đạo, đã nghe tiếng thầy kêu tên cực trọng Giêsu trong lúc chẳng còn miệng lưỡi nào khác ngoài cái vết thương đã làm cho đầu thầy lìa thân. Như vậy, lẽ nào tôi chỉ có một lòng yêu bình thường, đối với tôi tá rất đáng mến của Chúa.”9
Đến đoạn kết, giáo sĩ Đắc Lộ lại nói những lời cảm động và khiêm tốn như sau:
“Xưa kia tôi đã yêu mến thầy (Anrê) như con tôi, bây giờ tôi kính mến thầy như cha tôi, tôi cầu nguyện cùng thầy trong cơn thiếu thốn, tôi chạy đến cùng thầy trong lúc nguy nan; thầy yên ủi tôi, dìu dắt tôi, giúp đỡ tôi; tôi đã cảm phục thầy khi còn sống, tôi đã khóc thương thầy lúc phải chết, giờ đây thầy được vinh quang, tôi hằng cầu nguyện cùng thầy trong mọi lúc, khấn xin thầy đừng trì hoãn lâu hơn nữa, hãy cho tôi sớm được hạnh phúc cùng thầy tái ngộ, và nắm tay thầy trên Thiên đàng cùng với tất cả các giáo hữu khác của tôi ở Trung Hoa ở xứ Bắc, xứ Nam, lúc này đang nhìn xem tôi và chờ đợi tôi ở trên Trời, tôi lấy lòng khiêm nhượng cầu khấn các linh hồn ấy giúp đỡ tôi cho tôi được thờ phượng và trung thành kính mến Chúa Giêsu Kitô trong những ngày tôi còn sống ở thế gian này”10.
Lời nguyện trung thành ấy đã được chấp thuận. Sau sáu năm truyền giáo ở Ba Tư, dầu tuổi tác song vẫn một lòng nhiệt huyết như xưa, giáo sĩ Đắc Lộ đã từ trần tại Ispahan, ngày 16 tháng 11 năm 1660, “đầy tuổi thọ và đầy công nghiệp”.11
Ở đây, người ta không biết phải cảm phục đàng nào hơn: lòng kính mến tri ân của thầy giảng Anrê Phú Yên đối với cha linh hồn mình, hay lòng ái mộ tin tưởng của giáo sĩ Đắc Lộ đối với người con thiêng liêng đã có phúc hơn cha trên đường thánh thiện và đã trở nên bổn mạng cho cha?
Nói cho đúng, hai linh hồn của hai cha con, hai bạn đường, hai tông đồ, đã hoàn toàn đồng hóa trong Đức tin và Đức mến, để nên giống hình ảnh Cha chung và dìu dắt nhau bước vào Quê hương muôn thưở.12
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­______________________________
Chú thích

(1) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.435
(2) A.R, Glorieuse mort, tr.98-99. Cuốn này có phép Bề trên dòng Tên ở Paris cho in, đề ngày 7 tháng 3 năm 1653, vậy những ơn lạ này xảy ra từ khoảng cuối năm 1652 sang đầu năm 1653. Bản tiếng Ý in trước nên không chép những việc ấy.
(3) A.R, Glorieuse mort, tr.99-101. Tờ chứng nhận này hiện nằm ở hồ sơ nào? Tìm lại được là điều rất quý cũng như bức chân dung do Mathêu Van vẽ ở Ao Môn.
(4) A.R, Glorieuse mort, tr.101-102
(5) A.R, Glorieuse mort, tr.102. Tác giả nói: “Cách nay một tháng hoặc khoảng độ một tháng”. Sách này được phép in của Bề trên dòng Tên đề ngày 7-3-1653, tất đã phải hoàn thành trong tháng 2, như vậy, việc này xảy ra vào tháng giêng.
(6) A.R, Glorieuse mort, tr.102-104
(7) A.R, Glorieuse mort, tr.102-107. Lối văn Pháp cổ rất ít chấm câu. Ở đây cũng như nhiều trường hợp khác, chúng tôi thêm dấu chấm câu cho gọn ý dễ hiểu.
(8) A.R, Glorieuse mort, tr.99
(9) A.R, Glorieuse mort, tr.3-4
(10) A.R, Glorieuse mort, tr.107-108.
(11) Lời người viết tựa khi cho tái bản cuốn Voyages et Missions (1854), tr.V.
(12) Năm 1960 tới đây sẽ là năm kỷ niệm tam bách chu niên giáo sĩ Đắc Lộ. Chắc chắn đồng bào ta, không phân tôn giáo, sẽ mừng kỷ niệm ấy cách thành kính và lòng trọng, xứng đáng với truyền thống của một dân tộc nổi tiếng với một đức tính cao quý: lòng nhớ ơn. Đối với các ông Tích Quang, Nhâm Diên, dân ta trước có lập đền thờ. Vậy đối với sự nghiệp lớn lao và quan trọng gấp bội của giáo sĩ Đắc Lộ, đến nước ta chỉ vì tinh thần tự nguyện phục vụ, chứ không phải như ông thái thú đô hộ, lòng biết ơn của ta sẽ biểu lộ thế nào mới xứng?
Nhân đây, để bảo toàn giá trị sự nghiệp giáo sĩ Đắc Lộ trước mắt người Việt, chúng tôi thấy cần đính chính luận điệu sai lầm của G.Taboulet, tác giả cuốn “La geste francaise en Indochine (Paris, 1955) khi ông viết ở nhan đề chương I, quyển I: “Le Père Alexandre de Rhodes introduisit le Christianisme et la France au Việt Nam” (giáo sĩ Đắc Lộ đem đạo Thiên Chúa và nước Pháp vào Việt Nam). Không. Giáo sĩ Đắc Lộ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: truyền bá Phúc âm, chỉ theo một mạng lịnh duy nhất: Tòa thánh La Mã. Chính ông đã phải nại đến lý do mình là người Avignonnais, nghĩa là công dân của Tòa thánh, chứ không phải quốc tịch Pháp, để được cha Bề trên Cả dòng Tên dễ dàng chấp thuận cử sang Viễn Đông truyền giáo: “Je ne pense pas non plus que mon lieu d’origine puisse être un obstalce àa mon départ pour l’Inde. Je suis en effet Avignonnais et sujet du Souverain Pontife…” (Xem: G.Bottereau, Textes anciens. “Quitter l’Europe et ses délice”. Alexandre de Rhodes. Trong tạp chí Christus, số 8, 1955, tr.535-539.
Avignon ngày nay đã quy hoàn về đất Pháp, và dân tộc Pháp rất nên hãnh diện vì Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên, nói như ông Taboulet chỉ là chủ quan nếu không trái lịch sử.
 ________________________________________

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG XV: ÁN PHONG THÁNH

Ở một chương trên, chúng ta đã thấy vị tử đạo Anrê khải hoàn tại Ao Môn như thế nào. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên, mà hẳn là do Chúa Quan Phòng định liệu.
Hồi ấy tại khắp khu vực Trung Hoa, Việt Nam và lân cận, chỉ mới có một tòa Giám mục duy nhất thiết lập tại Ao Môn. Cuộc khải hoàn của thầy giảng Anrê Phú Yên, đã có hiệu quả trực tiếp là khiến nhà cầm quyền chính thức của Hội thánh đặc biệt chú ý đến cuộc tự đạo của người. Do đó, một cuộc điều tra theo giáo luật đã dược mở ra tức khắc, để lập hồ sơ tâu trình Tòa thánh.
Sáng kiến này do cha Viện trưởng dòng Tên trình bày1 được tòa Giám mục chấp thuận liền. Lúc ây Ao Môn vẫn còn khuyết Giám mục; vị giám quản tông tòa là Emmanuel Fernandez 2 điều khiển địa phạn. Ngài cử cha Antonio de Sylva, Chưởng khế Tông tòa, làm lục sự trong vụ tra vấn này.3
Người ta cho đi tìm trong khắp thành phố Ao Môn tất cả những người đã có mặt ở xứ Nam trong lúc thầy giảng Anrê tử đạo, để làm chứng về những điều họ hay biết trong vụ này 4. Trong số hai mươi ba người đến cung khai và được tra vấn, có sáu nhân chứng đã đích thân mục kích cuộc tử đạo, tức là nhân chứng de visu, còn mười bảy người kia được nghe kể lại do những người đáng tin cậy5, giáo luật gọi là nhân chứng ex auditu a videntibus.6
Những người đã đích thân chứng kiến cuộc tử đạo và đã làm chứng trong vụ án là: Joannes de Resende de Figueroa7 36 tuổi, thuyền trưởng; Franciscus de Azevedo Feixeira 59 tuổi, Antonius Pecagna de Mendoca 40 tuổi; Emmanuel de Fonseca 53 tuổi; Antonius Mendez Goan 31 tuổi; Dominicus Rodriguez 36 tuổi.
Sáu người trên đây thuộc vào số những người đã cùng cha Đắc Lộ đến dinh trấn can thiệp xin tha cho thầy giảng Anrê nhưng vô hiệu, nên ở lại chứng kiến cuộc tử đạo.
Còn những người sau đây làm chứng đã nghe nhiều người bđn hoặc người Việt Nam kể lại với họ việc thầy giảng Anrê bị bắt, bị giam, và bị giết vì Đức tin.
Augustinus de Sylva 31 tuổi, Andreas de Sousa 23 tuổi, Antonius Fernandez 20 tuổi, Andreas Diaz 38 tuổi, Laurentius Diaz 37 tuổi, Andreas Norete 37 tuổi, Joannes Pinto 30 tuổi, Petrus Pinto de Figueiredo 30 tuổi, Dominicus Martinus Luiz 60 tuổi, Joannes de Sequeira 60 tuổi, Ludovicus de Brito 30 tuổi, linh mục Onophrius Borges dòng Tên, Laurentius Fernandez 30 tuổi, Lupus Sarmento de Carvaglio 62 tuổi, linh mục Georgius Lunez dòng Tên, 49 tuổi, và Ludovico de Carvaglio de Sousa 43 tuổi.8
Tất cả các nhân chứng, sau khi đặt tay trên sách Phúc âm để tuyên thệ theo luật, đã khai rõ tên tuổi, lý lịch và sự liên lạc quen biết đối với thầy giảng Anrê, trực tiếp hay gián tiếp. Tất cả đều khai thầy giảng Anrê quê ở tỉnh Phú Yên, sinh ra bởi cha mẹ có đạo, làm thầy giảng, ở chung nhà với cha Đắc Lộ tại Hội An, bị bắt tại đó, bị giải đến dinh Chiêm (Cachao), bị kết án tử hình và bị giết vì giữ và truyền bá đạo Thiên Chúa ngày 26 tháng 7 năm 1644, thọ 19-20 tuổi.
Các nhân chứng còn tả rõ về đời sống đạo đức và công cuộc tông đồ của thầy giảng Anrê Phú Yên. Họ cũng làm chứng về mấy phép lạ xảy ra ở Quảng Nam sau khi thầy giảng Anrê tử đạo, và lòng tôn kính sùng mộ của các giáo hữu đối với vị tử đạo.
Tóm lại, cuộc tra vấn dự thẩm này nhìn nhận cái chết của thầy giảng Anrê hoàn toàn là một cuộc tử đạo, một cuộc đổ máu để làm chứng cho Chúa Giêsu.
Theo cha Đắc Lộ, “cuộc tra vấn hoàn thành rất mỹ mãn dưới mọi hình thức, khiến cha Lục sự đã phải tuyên bố rằng: tại Ao Môn ngài đã dự nhiều cuộc tra án các vị tử đạo, nhưng chưa bao giờ ngài được nghe những chứng cớ quyết luận như trong vụ án này”. 9
Khởi sự từ hậu bán năm 1644, cuộc điều tra đã phải kết thúc trong tiền bán năm 1645, trước khi giáo sĩ Đắc Lộ rời vĩnh viễn nước Việt Nam về tới Ao Môn. Có lẽ vì thế mà cha Đắc Lộ đã không làm chứng trước tòa.
Hồ sơ vụ án lập bằng tiếng bđn, chép thành ba bản, có thị thực hợp pháp, rồi gởi về Au Châu do ba chuyến tàu khác nhau10 để đề phòng sự thất lạc, vì thời ấy việc giao thông rất khó khăn, tàu thường bị nạn gió bão, cướp bóc,hay rủi ro. Bản gốc được giữ lại ở tòa Giám mục Ao Môn.11
Bốn năm sau, ngày 20 tháng 10 năm 1649, Đức hồng y Capponi, Tổng trưởng Thánh bộ lễ nghi tiếp nhận được hồ sơ vụ án xin phong chân phước cho thầy giảng Anrê Phú Yên, do tòa Giám mục Ao Môn đệ trình.12
Theo giáo sĩ Đắc Lộ – lúc ấy mới về tới La Mã được bốn tháng – thì chính ngài “đệ nạp hồ sơ vụ án trong tay đấng có chủ quyền tuyên bố các vị đích thực tử đạo”.13
Vụ án vị tiên khởi tử đạo Việt Nam đã được các giới ở La Mã đặc biệt chú ý, vì ngay sau đó, trong khoảng 1649-1650 người ta đã dịch trọn vẹn tập hồ sơ ra tiếng Ý (có chỗ pha lẫn tiếng La tinh) và sao chép ra nhiều bổn, để các vị thẩm phán và trạng sư tiện bề cứu xét, và đem ra tranh luận. Tòa Bề trên Cả dòng Tên còn giữ được một bản dịch hồ sơ đó, viết tay, dầy 158 trang viết cả hai mặt: đó là bằng chứng tỏ rõ vụ án đã được quan tâm đặc biệt ngay lúc đầu, và đó là một trường hợp hiếm có.
Nhưng ngoài tài liệu đó ra, người ta không biết gì về số phận vụ án nữa. Theo thường lệ, thủ tục án tòa trong việc phong thánh rất là phức tạp, đòi hỏi nhiều tổn phí, nhiều thì giờ – có khi kéo dài hàng mấy thế kỷ – và cần có sự chăm lo thường xuyên của một nhân vật hoặc một tổ chức. Trong trường hợp này, vụ án chưa chính thức ra trước Tòa thánh, thì tình hình việc truyền giáo bên Việt Nam đã có nhiều biến chuyển. Những cuộc bất đồng ý kiến giữa dòng Tên và các Hội truyền giáo ngoại quốc tại Balê, sự rút lui của dòng Tên ra khỏi cánh đồng truyền giáo Việt Nam, rồi tiếp đến sự bãi bỏ dòng Tên trong một giai đoạn… có thể là những nguyên nhân khiến vụ án dần dần bị bỏ quên. Mặt khác cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê càng ngày càng hòa lẫn với hàng trăm hàng ngàn cuộc tử đạo khác dồn dập xảy đến trên đất nước, khiến cho kỷ niệm của ông tổ các vị tử đạo cũng lần lần mờ phai với thời gian…
Riêng tại tòa Bề trên Cả dòng Tên tại La Mã, kỷ niệm thầy giảng Anrê Phú Yên vẫn được duy trì và tôn kính. Hồi đầu thế kỷ XX, các cha Dòng định chính thức đệ trình vụ án để xin phong chân phước cho vị tiên khởi tử đạo Việt Nam, nên đã soạn thảo và ấn hành một bản “Đại cương” (Summarium) hồ sơ vụ án hầu tiện cứu xét. Một văn kiện khác, gọi là bản “Lược trình” (Informatio) đề ngày 17 tháng 12 năm 1901 lại tóm tắt bản “Đại cương” để chính thức yêu cầu Thánh bộ Lễ nghi thụ lý vụ án. Theo ý cha Camillo Beccari, tổng thỉnh nguyện các vụ phong thánh của dòng Tên (postulateur général), người ta định thâu gồm chung trong một vụ, tám án phong thánh của Dòng: bốn vị tử đạo ở Trung Hoa năm 1748, hai vị tử đạo ở Đàng Ngoài Việt Nam năm 1736, hai vị tử đạo ở Đàng Trong 1723, và chót hết là thầy giảng Anrê tử đạo năm 1644. Mọi việc đã sẵn sàng, không may vì điều kiện thời gian quá lâu và tiền bạc phí tốn quá nhiều cho mỗi vụ án, khiến phải lựa chọn từng vụ chứ không thể làm luôn tám vụ một lúc được, và người ta đã bắt đầu từ những vụ mới nhất 14. Thế là hồ sơ vụ thầy giảng Anrê Phú Yên vẫn còn nằm nguyên tại phong lưu trữ của cha Tổng thỉnh nguyện việc phong thánh của dòng Tên, cho đến khi phiếu tra cứu của chúng tôi gởi đến mới lại mở ra.
Vào giờ chót, một nhân vật có thẩm quyền vừa cho biết rằng: tòa Bề trên Cả dòng Tên vừa tìm được trong kho tài liệu cổ của nhà Dòng, chính bản nguyên cảo vụ án bằng tiếng bđn, hay nói cho đúng, đó là một trong ba bản chính thức lập tại Tòa Giám mục Ao Môn năm 164515. Theo ý kiến nhân vật nói trên, ít nhất một bản nguyên cảo khác cũng còn được lưu trữ tại Thánh bộ Lễ nghi, với đầy đủ giá trị của nó, và nếu “Thiên Chúa cho phép vụ án được đem ra cứu xét và đạt tới kết quả, thì tất cả công việc chuẩn bị đã làm rồi”.
Cũng nhân vật La Mã đó còn tuyên bố: “Thầy giảng Anrê tử đạo thực là vinh quang tinh khiết của Giáo hội Việt Nam”.16
Phải chăng ý Chúa nhiệm mầu đã muốn dành cho thế hệ thanh niên ngày nay cái hân hạnh thâu hái kết quả vinh quang của một công việc chuẩn bị từ trên ba thế kỷ? Vấn đề này vượt tầm người viết sử, vì đó là việc tương lai. Và Chúa làm mỗi việc theo thời giờ của Chúa.
Tuy nhiên từ khi thầy giảng Anrê trở về với Quê Hương, hai năm nay, một số người nhất là trong giới thanh niên, biết truyện vị tiên khởi tử đạo, tự nhiên nảy sinh lòng mến yêu và cảm phục lạ lùng đối với người, đúng như lời tiên đoán của cha Đắc Lộ17. Người ta lại khấn nguyện riêng cùng với người và tha thiết cầu xin cho người được tôn phong chân phước và thánh, để càng làm vinh danh Thiên Chúa, và mưu ích hơn nữa cho Quê Hương trong giai đoạn vừa vinh quang vừa bi đát ngày nay.18
________________________________
Chú thích
(1) A.R, Relation Progrès Foi tr.67
(2) A.R, Glorieuse mort, tr.73
(3) A.R, Relation Progrès Foi tr.68
(4) A.R, Relation Progrès Foi tr.67. Ở đây cha Alexandre de Rhodes nói: “Tất cả người bđn và người xứ Nam” song trong danh sách 23 người chứng, không thấy có người Việt Nam nào.
(5) A.R, Relation Progrès Foi tr.68 – Cứ theo lời khai của ông Joannes de Resende de Figueroa (Summarium, tr.263) thì số người bđn có mặt trong cuộc tử đạo còn nhiều hơn nữa, Philipphê Bỉnh nói là 11 người (Truyện Đàng Trão, tr.58). Vậy hẳn cũng có người có mặt trong cuộc tử đạo mà lại vắng mặt trong cuộc tra án.
(6) Theo Giáo luật (c.2020) muốn minh chứng danh tiếng (fama) thánh thiện, tử đạo, hay phép lạ, phải cần ít nhất tám nhân chứng do vị thỉnh cầu phong thánh (postutateur) nại ra hoặc do những người ấy tự ý xin đến làm chứng, và hai nhân chứng phụ thêm, do vị bảo vệ Đức tin (promoteur de la foi), hoặc nếu không thì vị chánh án (président du tribunal) nại ra.
(7) Ở đây chúng tôi giữ chính tả theo Summarium: tên thánh tiếng La tinh, tên riêng tiếng bđn.
(8) Summarium, num 1, tr.252-258.
(9) A.R, Relation Progrès Foi tr.68
(10) A.R, Relation Progrès Foi tr.68. Có lẽ công việc sao chép lâu, cộng chưa hoàn thành khi cha Đắc Lộ từ giã Ao Môn về Au Châu, nên giáo sĩ không mang theo bản nào.
(11) A.R, Relation Progrès Foi tr.68
(12) Theo thơ cha G.Bottereau, dòng Tên, La Mã, gởi cho tác giả ngày 22 tháng 1 năm 1958.
(13) A.R, Glorieuse mort, tr.74
(14) Muốn rõ thủ tục phong chân phước (béatification) và hiển thánh (canonisation), xem các sách về giáo luật, như cuốn Adrien Cance, Le code de Droit Canonique, t.IV, des procès, 2ème partie, p.433-498 – Tạp chí Tinh Thần, cơ quan tuyên uý công giáo quân đội cộng hòa, bộ mới, số 5-1959, có đăng bài phong chức thánh, nói về cách thức Hội thánh tôn phong các bậc chân phước và hiển thánh.
(15) Tài liệu này gồm 38 trang khổ rộng 30*20cm, giấy vẫn còn trắng tốt, viết bằng mực tàu trên cả hai mặt, chữ đứng nét nhỏ, rất cẩn thận. Cuốn tập làm thành những tờ giấy đơn khâu bằng chỉ lụa đỏ, bìa làm bằng lụa vàng bọc lấy tờ giấy thứ nhất. An tín và chữ ký chiếm trọn hai trang cuối cùng.
Sự chênh lệch quá xa về số trang giữa bản nguyên cảo tiếng Bồ và bản dịch tiếng Ý là vì chữ ở bản sau này viết xiên và lớn, thu lại trong một cột khá hẹp ở giữa trang hai bên lề để rộng rãi, khiến có hàng chỉ viết được ba, bốn tiếng, trong khi có bản tiếng Bồ viết chữ nhỏ, mỗi hàng từ 10 đến 15 tiếng. Hơn nữa trong bản tiếng Ý lại thêm 40 trang liên hệ đến việc kiểm nhận các chữ ký ở bản tiếng Bồ.
(16) “… cette gloire très pure de votre Eglise que fut André le catéchiste” (thư gởi cho tác giả).
(17) … et je me promets que tous ceux qui prendront la peine de lire ce que je veux dire de luy auront le coeur sensiblement touché d’amour pour ce grand martyr (A.R, Glorieuse mort, tr.4-5)
(18) Người viết sách được may mắn biết năm trường hợp mà trong đó năm thanh thiếu niên nhờ cậy lời cầu nguyện riêng của vị tử đạo Anrê, đã được hoàn toàn mãn nguyện và ghi nhớ ơn Người. Kẻ viết sách này cũng là kẻ thọ ân Người, nhất là cái ân hoàn thành cuốn sách trong những điều kiện không ngờ.
Ghi chú quan trọng – Do sắc lệnh Coelestis Jerusalem cives, ngày 5 tháng 7 năm 1634, Đức giáo hoàng Urbanô VIII cấm chỉ mọi việc tôn sùng công cộng (culte public) đối với những nhân vật không được phong chân phước (béatifié) hoặc hiển thánh (canonisé) do Tòa thánh La Mã. Vì vậy trong mỗi vụ án phong thánh, Đấng bản quyền địa phận (Ordinaire) sau khi cử hành xong cuộc điều tra dự thẩm (procès informatif), lại lập một tòa án tra xét về sự không có việc tôn sùng công cộng (procès de non culte) đối với tôi tá Chúa và tuyên án (giáo luật 2060) về sự có hay không có việc tôn sùng ấy. Đến khi nội vụ ra trước Thánh bộ Lễ nghi, các vị Hồng y lại hiệp nghị thẩm cứu bản án “không có việc tôn sùng công cộng” nói trên. Nếu Thánh bộ nhận thấy đã có sự tôn sùng công cộng, các vị Hồng y có thể tuỳ nghi sau khi đã tra xét mọi hoàn cảnh, truyền ngưng vụ án cho đến khi nào mọi dấu hiệu của việc tôn sùng này đã bãi bỏ, và có khi còn quyết định rằng việc đình chỉ sự tôn sùng phải kéo dài trong một thời hạn nhất định bao lâu trước khi được phép tái khởi vụ án (giáo luật 2085).
Chiếu theo giáo luật 1256 việc tôn sùng công cộng là việc tôn sùng được cử hành nhân danh Hội thánh do những người có nhiệm vụ hợp pháp được tổ chức và cử hành việc thờ kính, và bằng những hành vi hoặc nghi lễ được Hội thánh công nhận để tôn kính Thiên Chúa, các thánh và các chân phước.
Từ điển giáo luật giải thích: “Có việc tôn sùng công cộng là khi nào một giám mục, linh mục bổn sở, hay tu viện trưởng tổ chức những cuộc cầu kinh long trọng, những cuộc rước, những lễ nghi công cộng về một nhân vật không được phong chân phước; hoặc nếu vị nói trên trưng bày hoặc để cho bày tượng ảnh trong nhà thờ hay nghĩa địa cho giáo hữu tôn kính; hoặc nếu vị ấy, với tư cách bề trên giáo quyền, làm một trong những việc mà Đức giáo hoàng Urbanô VIII đã cấm”: họa hoặc giữ những ảnh có hào quang (cum aureola aut splendoribus), đặt trên các bàn thờ công cộng hoặc tư nhân những ảnh dầu không có hào quang; thắp đèn, nến bên mồ vị Tôi tá Chúa – “Nhưng không được coi là việc tôn sùng công cộng, những cách thức mà giáo hữu, dầu tựu hợp đông người, tỏ lòng tôn kính đối với một Tôi tá Chúa, do sáng kiến tự động của họ mà không có sự tham gia của giáo quyền”. R.NAZ, Diction, de Droit canon, causes de béat, col.22; kể trong A.Cance, Le Code de Droit Canonique, quyển IV, tr.465, chú thích 1.
 ______________________________________________

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

ĐOẠN KẾT: MỘT BỨC CHÂN DUNG

Từ trang đầu đến đây, chúng ta đã mải miết theo dõi mỗi bước đi, mỗi việc làm của vị tử đạo Phú Yên, trong cuộc đời trần gian ngắn ngủi, cũng như trong “cuộc sống thứ hai” của người qua hơn ba thế kỷ.
Giờ đây là lúc tạm biệt vị anh hùng thì cũng là lúc nên nhìn lại kỹ chân dung của người họa bằng những nét sử đậm đà.
Như ta đã biết qua lời giáo sĩ Đắc Lộ, thầy giảng Anrê bản tính hiền hậu, trong sạch, ngay thật chất phác1. Đó là những đức tính luân lý truyền thống của người thanh niên Việt Nam, nhất là thanh niên đồng quê. Những đức tính đó không thể không xuất hiện ra diện mạo, cử chỉ cũng như ngôn ngữ. Nó phảng phất trong nét vẽ của nhà danh họa Ý Giacinto Brandi, trong bức họa cuộc tử đạo của thầy giảng Phú Yên.
Thầy giảng Anrê lại có tư chất thông minh, và một tâm hồn đại lượng hay quên mình để giúp đỡ kẻ khác, dầu có vì vậy mà phải thiệt thân.2
Trên căn bản những đức tính truyền thống và tự nhiên đó, ơn Thánh sủng đã xây dựng những nhân đức siêu nhiên cao vời. Một  nhân chứng đương thời đã khai:
“Mọi người đều nói, và chính cha Đắc Lộ cũng nói với tôi: Thầy giảng Anrê có đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng, lại giầu lòng mến Chúa thương người, chẳng quản khó nhọc giúp đỡ giáo sĩ trong họ giáo, dạy đạo cho giáo hữu. Song nhất là người đã tỏ rõ các nhân đức khi bị giam tù và khi chịu chết vì đạo. Người siêng năng xưng tội rước lễ và chăm chỉ việc thờ phượng, như cha Đắc Lộ cũng nói”.3
Nói đến đức tin của vị tử đạo là thừa, vì tử đạo là hình thức tuyệt đối chứng tỏ đức tin. Nhưng tin mà không cậy sức mình, tin mà chỉ ở khiêm nhường cậy trông ơn Chúa giúp sức, như Thầy giảng Anrê đã tỏ ra trong đời sống cũng như khi bị bắt và bị hành hình, đó là đức tin được nuôi dưỡng bằng đức cậy.
Ở nơi Thầy giảng Anrê Phú Yên, đức tin, đức cậy đều hoàn hảo vì được biểu lộ bằng đức mến nhiệt thành: dâng hiến trọn đời phụng sự Chúa vì đức kính mến, và truyền bá giáo lý để cứu giúp các linh hồn vì lòng thương yêu. Về điểm này, sử liệu và các nhân chứng đều nhìn nhận Thầy giảng Anrê tận tâm sốt sắng trong việc phụng vụ và các bổn phận tu sĩ, và giàu lòng bác ái đối với anh em đồng tu cũng như với mọi người. Đức bác ái ấy diễn ra trong mọi hành vi đời thầy, nhất là chứng tỏ đặc biệt trong trường hợp tối hậu trước khi bị bắt: tình nguyện ở lại săn sóc bệnh nhân. Thế là Thầy giảng Anrê nắm giữ cả hai bí quyết để nên thánh, theo lời thánh Anphong 4: nơi hát kinh thờ phượng Chúa và phòng săn sóc bệnh nhân. Mà thực sự “chính lòng bác ái đối với bệnh nhân đã đem lại cho thầy triều thiên tử đạo đầu tiên ở xứ Nam”.5
§
Không kể ba nhân đức đối thần, các nhân đức luân lý nơi Thầy giảng Anrê cũng nổi bật. Khi giáo sĩ Đắc Lộ khen thầy “có nhân đức không phải của một thanh niên mà của một thiên thần”6 thì người ta liên tưởng trước hết đến đức trinh khiết mà người đã khấn hứa giữa lúc thanh xuân. Cứ theo sự diễn biến của lịch sử thì triều thiên tử đạo đầu tiên đáng lẽ về phần thầy giảng Ynhaxô, nhưng đường siêu nhiên lại có thể có một lỗi diễn biến khác: Chúa đã dành quyền ưu tiên cho người thanh tịnh: Thầy giảng Anrê.
Đã không dính bén bụi đời, thầy giảng Phú Yên lại không màng một chút danh lợi thế gian: thầy đã khấn ở khó khăn tuyệt đối và từ đó không bao giờ giữ của riêng, chỉ sống với đoàn thể, bằng công đức của đoàn thể. Thầy lại khấn giữ cho vâng lời và suốt đời đã “vâng lời mau lẹ”7, nhất nhất tuân theo giáo huấn của cha linh hồn, kỷ luật của đoàn thể và sự hướng dẫn của đoàn trưởng.
Làm việc thân xác đến mức ngã bệnh, từ chối một cuộc đi thăm quan trấn để ở lại bên giường bệnh nhân: đó là chứng tỏ một đức hãm mình đến cực độ – Thầy giảng Anrê đã sống trọn vẹn theo tinh thần và truyền thống của dòng Chúa Giêsu vậy.
Tất cả những nhân đức ấy ở nơi Thầy giảng Anrê Phú Yên lại được xây nền trên một nhân đức khiêm nhường rất vững chắc. “Thầy không hề có chút vẻ nào kiêu căng hay tự mãn”8. Trái lại “thầy rất kính trọng mọi người”9, và trong đoàn thầy giảng, Anrê tự nhận là “kẻ kém hết mọi người”10. Cho đến lúc sắp nên thánh vì ơn tử đạo, thầy vẫn coi mình là kẻ hèn kém, chỉ đáng đổ máu xuống bùn đen, chứ không dám nhận để người ta trải chiếu cho mình quỳ.
Với một nền nhân đức vững vàng như vậy, không lạ gì mà người không tiến bộ mau chóng trên đường siêu nhiên11, chỉ trong khoảnh khắc đã đạt tới “bậc trọn lành cao cả, đẹp lòng Chúa đến nỗi Chúa đã không ngần ngại làm nhiều phép lạ vì người”.12
Đứng trước một chân dung sáng lạn như vậy, giáo sĩ Đắc Lộ đã phải kêu lên rằng:
“Phần tôi, khi tôi suy nhân đức tốt lành của người thanh niên thánh thiện ấy, tôi chẳng chút nghi ngờ rằng bây giờ ở trên trời, người đã được ba triều thiên, mà ta thường gọi là Hào quang.
“Người đã giữ mình trong sạch cả thân thể và linh hồn, chưa hề bao giờ mất nhân đức ấy, một nhân đức nếu đã mất một lần, không bao giờ lấy lại được nữa; ngoài ra người lại còn thề hứa sống trọn đời trong bậc đồng trinh.
“Người đã làm chức vụ của thầy tiến sĩ, giảng dạy, cắt nghĩa giáo lý, rao giảng Chúa Giêsu Kitô trong mọi cơ hội.
“Sau hết cái chết oanh liệt của người đã đem lại cho người triều thiên của các vị tử đạo trên thiên đàng, và bao lâu Giáo hội Đàng Trong còn có giáo hữu, thì còn nhìn nhận rằng triều thiên trước hết của Giáo hội ấy, là triều thiên do hiền nhân Anrê mang lại cho Giáo hội ấy vậy”.13
Bức chân dung trên đây đã nên giống chân dung các thánh Tông đồ, nhất là thánh Anrê bổn mạng của người. Cũng như thánh Anrê cùng với anh là thánh Phêrô (thường gọi là Simon) đã mau mắn đáp tiếng gọi của Chúa, bỏ nghề đánh lưới cá đi chinh phục các linh hồn, và đã được phúc tử đạo, Anrê Việt Nam vừa gặp Chúa lúc 16 tuổi, đã có ý định rời gia đình trên bờ sông Cái, đi theo tiếng gọi Tông đồ, và đã đổ máu vì Chúa. Hai Anrê còn giống nhau cả trên con đường dẫn đến pháp trường: cả hai đều vui mừng biểu lộ hạnh phúc của mình, và lớn tiếng khuyên bảo mọi người nhận biết Thiên Chúa.
Thầy giảng Anrê Phú Yên còn giống cả thánh Gioan, vị Tông đồ được Chúa yêu mến cách riêng vì đức trinh khiết và cũng nhỏ tuổi nhất trong đoàn, như Anrê.
Thầy giảng Anrê Phú Yên lại là tử đạo tiên khởi ở Việt Nam, không khác thánh Tê-vọng (Stêphanô) là tiên khởi tử đạo của Giáo hội khắp thế sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Linh mục Philipphê Bỉnh14 ví Thầy giảng Anrê Việt Nam như thánh Stanislas Koska15 của nước Ba Lan: cả hai cùng một tuổi thanh xuân, cùng tu hành trong thời gian ngắn ngủi một hai năm, mà cùng đạt tới mức độ nhân đức trọn lành dưới ảnh hưởng của thánh Ynhaxô sáng lập dòng Tên. Nếu linh mục Bỉnh sống ở thời nay, hẳn ông không ngần ngại sánh tu sĩ Anrê Phú Yên với cả thánh nữ Têrêsa ở viện tu kín Lisieux (1872-1897): Cũng một tuổi trẻ đồng trinh, cũng một nết khiêm nhường đơn sơ, cũng một lửa kính mến nồng nàn, cũng một nhiệt huyết tông đồ, khi sống chẳng ai hay, mà chết rồi thì hương thơm bay tỏa Á Au.
Những ai cảm phục tâm hồn cao cả và cái chết anh hùng của các thánh tử đạo Nhật Bản khoảng năm 1597 và được phong thánh (sanctus) năm 1862, cũng phải nhìn nhận rằng Thầy giảng Anrê chẳng những là người đồng thế hệ, đồng cảnh ngộ, mà lại đồng đức hạnh, đồng công phúc, chỉ chưa đồng vinh quang mà thôi. Trong số những vị hiển thánh ấy, có một thanh niên cũng 19 tuổi như Anrê Phú Yên, và hài cốt cũng đưa về Ao Môn như Anrê: thánh Gioan Gotô.
Trên đất nước nhà, Thầy giảng Anrê ở Phú Yên (cùng với giáo hữu Phanxicô ở Hà Nội mà ta tiếc rằng không có lịch sử) đã xứng đáng mở đầu dòng dõi của 130.000 vị tử đạo kế tiếp trong ba thế kỷ. Ở mỗi người trong số những vị ấy, nhất là những vị đã được vinh thăng Chân phước, người ta đều thấy diễn lại những nhân đức của vị tử đạo tiền phong. Tuổi thanh xuân nhưng nhân đức già dặn, Thầy giảng Anrê vừa là hương thơm của hàng bổn đạo, lại vừa là vinh quang của bậc tu sĩ. Nếu người còn sống đến năm 1668, chắc chắn người đã là một trong số những linh mục tiên khởi Việt Nam như cha Trang, cha Bền trong Nam, cha Hiền, cha Huệ ngoài Bắc, là những người đồng thế hệ, và cùng xuất thân làm thầy giảng từ đời các cha dòng Tên. Nhưng Chúa đã sớm đưa người về Quê hương trên trời để ở đó, người làm ơn ích nhiều hơn cho Quê hương trần gian, như những trang lịch sử trên đây đã chứng minh. Vị tử đạo tiên khởi, cũng là tử đạo điển hình của Việt Nam, đã xứng đáng với Giáo hội Việt Nam và Tổ quốc Việt Nam vậy.
Thật là thánh và thật Việt Nam: đó là chân dung NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT của Chúa Cứu Thế trong dân tộc này.
Và, như bạn đọc nhận thấy, chân chung ấy đã rập theo đúng khuôn mẫu đầu tiên là chính Chúa Giêsu Kitô, Thống tướng của hàng Tông đồ, và Đức Mẹ Maria, Nữ vương các đấng tử đạo vậy.
__________________________________
Chú thích

(1) A.R, Glorieuse mort, tr.76.
(2) A.R, Glorieuse mort, tr.77-78
(3) Summariumm, tr.259.
(4) L’Etat religieux, ch.XII, 8. Kể trong: Linh mục Thất Sự, Thánh hóa giáo khoa, in lần thứ tư, tr.309.
(5) A.R, Glorieuse mort, tr.10
(6) A.R, Glorieuse mort, tr.3
(7) A.R, Glorieuse mort, tr.77
(8) A.R, Glorieuse mort, tr.78
(9) A.R, Glorieuse mort, tr.77
(10) A.R, Glorieuse mort, tr.78
(11) A.R, Glorieuse mort, tr.76
(12) A.R, Glorieuse mort, tr.107
(13) A.R, Glorieuse mort, tr.81
(14) Truyện Đàng Trão, tr.83
(15) Thánh Stanisla Koska (1550-1568) người Ba Lan, mới vào nhà tập dòng Tên được 10 tháng đã từ trần, trong một mực độ nhân đức cao cả, lạ lùng, mặc dầu mới 18 tuổi.
HẾT
Tác giả Phạm Đình Khiêm
 _______________________________________


NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT


Tác giả Phạm Đình Khiêm



_____________________________________________

Hướng tới Ngày Truyền Thống Giáo Lý Viên Giáo Phận Kon Tum & Mừng Lễ Thánh Anrê Phú Yên  25-26/7/2019.
Chủ đề: "Giáo Lý Viên - chứng nhân của tình yêu".

Kontumquehuongtoi
sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét