Về Kon Tum đi em
Gửi những người dân "Làng Hồ" xa xứ...
Núi sông này của em.
Con đường nhỏ in dấu chân em.
Cánh phượng vỹ thẫn thờ hình bóng cũ.
Hàng Keo* xưa nay chỉ ký ức mờ.
Khẽ khọt bước, mẹ còng bao thuở.
Rộn rạo đời-phiên chợ.
Dòng Đăk Bla trĩu nặng đôi bờ.
Lối cũ dã quỳ lơ thơ
Bến vắng em buồn bao kiếp,
Em, vẫn còn kịp
Kon Tum mình e ấp dáng nguyên trinh.
Em,
Đi đâu mới thấy đẹp xứ mình?
Lộ dọc, lối ngang-bàn cờ thế cuộc,
Rướn sức ngàn đời nối ngược với xuôi.
Vươn tới muôn đời nỗi nhớ niềm mong.
Vẫn đó, núi và sông!
Làng trong phố hồn nhiên hàng kiếp sống.
Người Bahnar, nhánh Rơngao ân tình ánh xa xăm.
Mùa trăng gọi mùa trăng
Năm nhớ năm.
Đời gọi đời.
Mẹ mừng mùa lúa mới.
Gùi trên lưng cả kiếp nhân sinh.
Cha vít cần lễ hội
Nhịp xoang quay quắt vòng đời,
Mùi cơm lam sực nức.
Về đi
để
chân trần rạo rực,
lòng thổn thức;
để
ngày nào bay bổng cánh diều thơ
hè ngân mãi ve trưa.
Kon Tum hai mùa nắng mưa.
Đâu còn nhiều lưu dấu cha xưa.
Có còn kiểu nhà đặc trưng Kon Tum trong mắt hôm nay?
Lịch sử là đây!
Lịch sử là hôm nao cha lên rừng tìm cây hương, cây cà chít về làm nhà ba gian-không Kinh, chẳng Thượng.
Lịch sử là mẹ ra đồng gom rạ về cùng cha làm nên bốn bức tường tình thương (ngoài vôi trong rơm đất mà ai chưa gian khó thì đâu tận tường).
Em,
Bốn phương
Vui phố thị!
Phơi xuân thì!
Tìm chân thiện mỹ!
Nơi đâu?
Ai cũng trút thời thơ ấu
để
làm thi sỹ,
chính trị gia,
nhà khoa học...
để
khi nhớ về ray rứt.
Ai cũng rời chốn xưa đi tìm vùng “đất hứa” thì lấy ai yêu đất mặn nồng, giữ trong Đăk Bla nghìn năm kiến tạo và phát triển?
Em có biết không, vẫn nằm đó dưới lòng hồ Ya Ly di chỉ Lung Leng khép mở một nền văn hóa mấy ngàn năm của người bản địa.
Biết đâu, từ những cổ vật ở Lung Leng, Sa Bình, Sa Thầy này các nhà khảo cổ học thế kỷ XXI sẽ giải mã sự thật trong truyện cổ "Kinh và Bahnar là anh em" như thuở nào Nội kể em nghe; sẽ lý giải cội nguồn dân tộc Việt Nam khoa học chứ không phải chỉ là huyền thoại như trong truyện "Quả bầu mẹ" và quan trọng hơn là sẽ tìm được dòng tổ ở các cao nguyên miền Trung, dải đất hình chữ S đẹp tựa tà áo người con gái Việt Nam này là con thứ mấy của mẹ Âu Cơ huyền sử vĩ đại.
Em biết không,
Ngày xửa ngày xưa,
người Bahanar, Jrai, Jeh, Triêng, Rhades, Hre định cư khúc miền Trung nồng mặn nhưng rồi chán cảnh chung chạ với Champa, Chân Lạp mà vượt ngàn tìm tự do, độc lập.
Em không thấy những ánh mắt màu Indonesia hoặc Malaysia trong mắt trẻ con?
Như thể một cuộc tình,
em đủ quyền lựa chọn.
Như thể một đời hôn nhân,
em dứt lòng dấn bước.
Như thể một công dân,
em ngao du khắp chốn.
Như thể một đời chim,
em tìm đất mới.
Là người chôn nhau cắt rốn ở Kon Tum,
xin em hãy nhớ về một dòng trong hồn cũ lượn lờ.
Nhưng,
cuộc tình nào cũng có "duyên", hôn nhân nào cũng có "nợ"
(còn nhớ Nguyễn Hiến Lê đã dặn con trong hồi ký như thế).
Công dân nào cũng phải có trách nhiệm với vùng đất đang cưu mang mình, với dân tộc mình.
Và, con chim nào cũng nhớ về tổ ấm!
Cánh cò nào cũng luyến ruộng đồng xưa.
Con chim Phí lồng lộng trời xanh.
Con chim Lạc thiên di phương Nam mùa lạnh...
Và từ đó, hình thành nòi giống Việt Nam.
Về đi em!
Về để vào "Hội Người cùng quê Kon Tum" mà góp xây nơi này
bởi nào thấy ai lập hội đồng hương mang tên vùng đất đang cưu mang mình đâu.
Kiểu cách sau khác chi người đàn ông đang hạnh phúc trong vòng tay của thiếu phụ dịu dàng mà vẫn ngoay ngoắt về mối tình xa lắc.
Về đi em!
Sẽ đưa em lên Phương Quý thưởng cánh mai vàng mùa vào Nguyên đán,
Sẽ dìu em về Phương Nghĩa để nhớ một vùng rau của thời chưa sốt đất; hẳn em còn nhớ, những vườn xanh tít tắp nước xăm xăm.
Phố vẫn chờ em trong ánh điện vàng tháng năm.
Mưa dầm dề tháng mười vẫn sụt sùi em con đường úng.
Đăk Bla đỏ ngầu mùa nước lũ vẫn quằn quại nỗi đau sinh thành từ bao dạo người đi.
Về góp xây phố thị!
Về đi em, núi sông đang chờ!
Về đi em!
Đào Duy An- Kon Tum 21/ 9/2005- 23/5/2009
(*) Tên xưa của một đoạn phố Kon Tum, nơi có rất nhiều keo, nay là đoạn đường Trần Hưng Đạo giữa Trần Bình Trọng và Lê Hồng Phong.
Nguồn: http://www.nhuygialai.com/2012/12/ve-kon-tum-di-em-dao-duy-an.html#ixzz3Be5jLvUA
(blog: Phố núi và bạn bè...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét