Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ - (18) NHỮNG GƯƠNG TỐT VÀ CÔNG VIỆC MÀ CÁC VỊ THỪA SAI TIỀN BỐI ĐÃ LÀM - Lm Phêrô Nguyễn Vân Đông


NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ


LỜI CÁM ƠN.

      Trong tập hồi ký "Những Điều Chia Sẻ" của tôi, có ít nhiều nhận định mang yếu tố chủ quan, bên cạnh đó là một vài sự suy nghĩ có tính cách cá nhân. những suy nghĩ và nhận định này đối với nhiều người, nhất là với những Linh Mục đã từng phục vụ cho người dân tộc Tây Nguyên lâu nay, sẽ thấy những suy nghĩ của tôi còn nhiều thiếu sót, rất mong có được những lời góp ý và động viên để công việc phục vụ cho người dân tộc nghèo được tốt đẹp hơn về mặt Đạo cũng như Đời.
      Tôi xin gởi lời cám ơn đến:
      * Cám ơn Thầy Bắc - Dòng Ngôi Lời - đã khởi xướng, động viên và mua máy về để cho tôi được nói lên những suy nghĩ của mình về cuộc đời làm linh mục và việc phục vụ cho những người nghèo khó.
      * Cám ơn Anh Sĩ Hùng và chị Lan vợ anh Hùng- Hiếu Đạo - đã đọc lời nói của tôi cho chồng đánh máy, và đã tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành công việc này.
      * Cám ơn Cháu Hoa Phượng, con của anh chị Tấn Tịnh- Pleiku- đã cố gắng chuyển gần hết tập tài liệu từ văn nói thành văn viết.
      * Cám ơn Chị Trần Ngọc Hải là người quen của tôi - đã giới thiệu chị Hồ Thủy là bạn thân của chị Hải - với tôi.
      * Cám ơn chị Hồ Thủy là người đã có công biên soạn toàn bộ "Những Điều Chia Sẻ" của tôi thành một tập Hồi ký hoàn chỉnh và đặt tên cho tập hồi ký này là "Mùa Đông Ấm Áp". Chính sự quyết tâm của chị Hồ Thủy đã làm cho "Những Điều Chia Sẻ" của tôi được nhiều người biết đến, và cũng qua chị Hồ Thủy, mà Những Điều Chia Sẻ của tôi đã được cập nhật trên Newvietart.
      * Cám ơn Anh Nguyễn Thành Tấn là chồng của chị Hồ Thủy, đã luôn đồng hành với chị Hồ Thủy, từ lúc khởi đầu cho đến khi hoàn thành tập tài liệu Những Điều Chia Sẻ của tôi, và trong việc xuất bản anh chịu toàn bộ chi phí.
      Mỗi khi mùa Đông đến, trời lạnh giá, nhưng ước mong sao mỗi một người trong chúng ta cùng đốt lên ngọn lửa yêu thương, để sưởi ấm và chia sẻ những gì chúng ta có cho những người nghéo khổ, chắc chắn rằng họ được đón nhận một "Mùa Đông ấm áp" thay cho mùa đông giá rét.
      Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.


      Linh Mục Phêrô Nguyễn Vân Đông.
      ____________________________

18 .
NHỮNG  GƯƠNG TỐT VÀ CÔNG VIỆC MÀ CÁC VỊ THỪA SAI TIỀN BỐI ĐÃ LÀM

Tôi muốn nói về gương tốt của các Linh Mục cũng như công việc mà các Linh Mục đã làm, từ xưa cho tới bây giờ. Đó chính là nguồn động lực rất lớn đã luôn động viên tôi trong công việc và trong cuộc đời làm Linh Mục của tôi ở Giáo Phận Kontum.          
Nếu chúng ta được đọc cuốn sách "Dân Làng Hồ" chúng ta sẽ biết là từ năm 1848 công việc của các Linh Mục là vô cùng gian nan khổ cực, gặp biết bao nhiêu là khó khăn vất vả, với đủ thứ bệnh tật, đau yếu. Với tình yêu thương, lòng can đãm, sự quyết tâm, sức chịu đựng bền bỉ không lùi bước trước mọi gian nan thử thách... Nhờ những đức tính đó mà các Ngài đã làm nên sự nghiệp vô cùng lớn lao cho Giáo Phận Kotum  như chúng ta đang thấy bây giờ.          
Và nếu chúng ta đọc cuốn sách "Mở Đạo Kontum" của Cha Phaolồ Bang và cha Simon Thiệt thì chúng ta cũng thấy được điều đó. Song song với công  việc đi rao giảng Tin Mừng của Chúa, thì các Linh Mục đã làm thêm nhiều điều rất quan trọng cho những người dân tộc thiểu số, thuộc các sắc tộc khác nhau, đó là khai hóa cho đầu óc còn hoang sơ của họ, đồng thời đem nền văn minh Tình Thương của Chúa đến với họ. Như tôi đã kể, thì trước đó họ thường đánh nhau để tranh giành quyền lợi về đất đai, lương thực hay là về một vấn đề gì đó, sự hiềm khích luôn có trong lòng họ giữa sắc tộc này với sắc tộc khác. Nhưng khi đã được nghe các vị Thừa Sai rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, thì họ nhận ra một điều: họ cùng là anh em với nhau, vì họ có chung một niềm tin. Khi chịu phép rửa thì họ ăn một bánh uống một chén. Họ đã từ bỏ mọi hiềm khích để ngồi lại với nhau mà yêu thương và giúp đở lẫn nhau. Đây chính là ảnh hưởng Tin Mừng Tình Thương của Chúa; mà các Linh Mục đã dày công rao giảng cho người dân tộc thiểu số thuộc các sắc tộc khác nhau thời xa xưa ấy. Có một điều rất quan trọng cần đề cập tới: Ấy là chữ viết của các sắc tộc khác nhau mà các vị thừa sai đã có công gầy dựng, vì các Ngài muốn người dân tộc biết đọc, biết viết, biết học hành, đó là cả một vấn đề rất lớn, mặc dù là một công việc rất khó khăn nhưng các Ngài đã làm được và đã thành công.          
Sau này, nghĩa là sau năm 1975,  cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng Giáo Hội Công Giáo ở trên Kontum đã hơn 100 năm nay mà không làm được gì cho người dân tộc. Theo họ thì người dân tộc vẫn chậm tiến, vẫn nghèo... Thế nhưng họ đâu biết được những công việc ngay từ đầu đặt chân lên đất Kontum, các vị Thừa Sai đã làm như thế nào ? đã gian nan vất vả ra sao ? đã gặp biết bao nhiêu là khó khăn và nhiều thử thách ?... Tôi có quen một người là cán bộ, tôi cho ông ta mượn cuốn sách "Dân Làng Hồ". Sau khi đọc xong cuốn sách đó ông ta hỏi tôi rằng:          
- Những chuyện được viết trong sách là thật hay chỉ là sự tưởng tượng?          
Tôi trả lời:          
- Chúng tôi không tưởng tượng đâu, chúng tôi viết hoàn toàn là sự thật. Những cố gắng, sự hi sinh, tình yêu thương của các Ngài rất đáng để cho con cháu chúng ta trân trong, khâm phục, tri ân, và phải luôn ghi nhớ. Vì các Ngài đã làm nên những việc hết sức lớn lao, có ích lợi cho con người, nhất là những người dân tộc thiểu số ở tận những nơi xa xôi hẻo lánh, trong rừng trong núi...          
Từ đầu thế kỉ XX Giáo Phận Kontum đã có nhà in đặt tại trường Cuénot để in các loại sách như: giáo lý,  sách về Tin Mừng, sách về thiên văn, rồi đến các sách dạy cấy cày, những sách này đều nhờ nhà in họ in bằng các thứ tiếng dân tộc khác nhau, và Trường Cuénot là trường đã có công đào tạo ra nhiều hoa trái vô cùng to lớn cho đồng bào các sắc tộc khác nhau. Bắt đầu là công việc dạy học chữ, dạy giáo lý, dạy văn hóa, khai hóa tâm trí và đời sống của họ.
      Những người học ở trường Cuénot từ 7 đến 8 năm, sau khi ra trường họ được gọi là Giáo Phu. Các Giáo Phu đi về các làng xa xôi, hay các làng ở tận trong rừng núi... họ là những giáo viên dạy cái chữ, dạy giáo lý cho người dân tộc và cũng là những người chủ sự các buổi cầu nguyện ở trong các  buôn làng. Chính vì thế mà trường Cuénot là một công trình sáng tạo vô cùng thông minh, thiết thực cùa Đức Cha Phước khi Ngài còn là Linh Mục vào đầu thế kỷ XX.            
Năm 1947, Đức Cha Khâm, người kế vị Đức Cha Phước đã lập ra Dòng Ảnh Phép Lạ. Đây là Dòng dành cho các thiếu nữ người dân tộc muốn dâng mình cho Chúa, những thiếu nữ này tuy khác nhau về sắc tộc sắc, nhưng họ cùng có chung một lý tưởng là phục vụ cho những người thuộc các dân tộc thiểu số, trong các buôn làng khác nhau, nói những thứ tiếng khác nhau bằng tiếng mẹ đẻ của họ.          
Chính các Linh Mục đã đưa những giống cây cà phê, cây cao su, cây bơ... từ các nước khác lên trồng ở miền đất cao nguyên, vì các Ngài thấy đất bazan của vùng cao nguyên khá thích hợp với các loại cây trồng này. Các Linh Mục cũng đã đem thuốc men lên cho người dân tộc, nhất là thuốc sốt rét, và nhiều loại thuốc khác nữa để chữa bệnh cho họ. Chúng ta là hậu thế, nhưng chúng ta phài biết rằng những công việc mà các Linh Mục ngày đó đã làm thật vô cùng quan trõng và cần thiết cho người dân tộc, mặc dù các Ngài đã gặp rất nhiều khó khăn. Không phải dễ dàng gì để thuyết phục người dân tộc những điều như: nào là phải canh tác và sử dụng trâu bò để cày bừa, nào là phải uống thuốc để chữa bệnh, nào là phải biết giữ vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày...          
 Năm 1933 Chủng Viện Thừa Sai Kontum bắt đầu được xây dựng, có chiều dài là 100m, chỗ rộng nhất là 25m.Chúng tôi vừa mới dâng lễ mừng kỷ niệm 75 năm thành lập Chủng Viện. Mặc dù đã trải qua thời gian dài 75 năm nhưng cho tới bây giờ thì Chủng Viện Kontum vẫn là một công trình sáng tạo đầy nét thẩm mỹ mới lạ, và chính Đức Cha Phước đã xây dựng nên. Ngài có đầu óc của một kỹ sư và một kiến trúc sư; nên khi Ngài xây dựng công trình này thì nó có một vẻ đẹp độc đáo; uy nghi sừng sững đứng vững với thời gian. Đây là một công trình vô cùng to lớn, nhất là còn có tính lịch sữ của vùng đất Tây Nguyên  này. Bây giờ thì Chủng Viện Kontum còn mang giá trị du lịch cao, thu hút rất nhiều khách nước ngoài cũng như trong nước đến tham quan. Hầu hết mọi người đều trầm trồ khen ngợi và vô cùng khâm phục đầu óc của những người đã xây dựng nên Chủng Viện Kontum này.            
Năm 1955 tôi đi tu và tôi được tiếp xúc với những vị Linh Mục thời đó. Địa phận Kontum lúc đó gồm có Kontum và Ban Mê Thuộc bây giờ. Các Linh Mục đã đi làm lễ khắp các rừng núi, có những lúc bị cọp rượt chạy, sợ quá trời nhưng vẫn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ và bổn phận mà Chúa đã giao cho các Ngài.
      Tôi nhớ cha già Diện, có một thời gian Ngài là cha Bề Trên của địa phận Kontum, tới năm 1975 thì tôi về làm việc tại địa phận Kontum, khi đó các Ngài thuộc vào hàng các cha già và nghỉ hưu. Cha già Diện là một Linh Mục rất đạo đức, tuy mù lòa nhưng ngày nào Ngài cũng cầm chổi quét sân. Mỗi lần tôi đến nhà hưu dưỡng thăm các Cha thì Ngài nói với tôi:          
- Cha đến đây để tôi sờ má xem cha mập hay ốm.          
Tôi cảm động rưng rưng nước mắt khi Ngài đưa tay chạm vào má của tôi.
Thời gian từ 1975 đến 1980: Ngài ở nhà hưu dưỡng, lúc đó nhà hưu dưỡng có 4 Linh Mục là: cha Nghĩa, cha Diện, cha Cẩn, cha Thận. Các Ngài nghỉ hưu nên không làm gì, suốt ngày giải tội cho giáo dân đến nhà hưu xưng tội.
Từ năm 1976  đến năm 1983 tôi làm quản lý ở tòa giám mục, bổn phận của tôi là phải lo cho các Cha già ở nhà hưu, nói là lo nhưng thời kỳ đó các Cha già sống rất là thiếu thốn. Có một lần vào khoảng năm 1977, cha Diện hỏi tôi:
- Cha Đông ơi! Bây giờ người ta có còn làm sữa không?          
Tôi không hiểu nên hỏi lại:          
- Sữa gì cơ ạ?          
Ngài nói:          
- Sữa đặc, sữa lon đấy mà.          
Tôi trả lời:          
- Bây giờ thì có, nhưng Hợp Tác Xã chỉ bán cho những người có giấy chứng nhận vừa sinh đẻ mà thôi.          
Ngài thở ra và nói:          
- Không biết làm sao mà đẻ được bây giờ?          
Rồi Ngài hòi tôi:          
- Mà có ngon không?          
Tôi trả lời:          
- Con cũng không biết nữa vì mấy năm nay con không uống sữa.          
Tôi cảm thấy thương Ngài quá, vì người già thường hay hóa trẻ, thèm gì thì nói nấy, vì vậy nên tôi đi gặp một giáo dân là cô Nữ, thuộc giáo xứ Tân Hương. Tôi nhờ cô cố gắng bằng cách nào đó mua dùm tôi một lon sữa, nhưng cô nói:          
- Người ta có sanh đẻ thì mới được mua sữa, còn như con không đẻ thì làm sao mua được sữa bây giờ?.          
Tôi nói đùa với cô Nữ:          
- Giờ cô cố gắng tìm cách đi đẻ... cũng được, để mua một lon sữa.          
Tôi không ngờ và cũng không biết cô Nữ làm sao mà mua được một lon sữa đặc có đường, cô gói rất kỹ lưỡng và đưa cho tôi vào ban đêm.
Sáng hôm sau tôi mang lon sữa xuống nhà hưu dưỡng nói nhỏ với cha Diện:          
- Cha ơi! con có sữa rồi.          
  Ngài hỏi tôi:          
- Làm sao cha có sữa?.          
Tôi cười và trả lởi:          
- Con mới đẻ.          
Ngài mắc cười vì câu trả lời của tôi.          
Nghe tôi nói có sữa, bốn Cha già cầm 4 cái ca vội vàng xuống nhà cơm, ai cũng mừng...          
Chúng tôi xuống nhà cơm, dì Mười Đào là người phụ trách nấu cơm cho các Cha già, tôi nói dì nấu cho tôi một nồi nước sôi để pha sữa, nghe tôi nói có sữa dì cũng ngạc nhiên không biết vì sao mà tôi có...sữa? Tôi cũng nói đùa là.. mình mới đẻ làm dì cũng mắc cười quá chừng luôn. Tôi bảo dì mang thêm 2 cái ly, 1 cho dì và 1 cho tôi. Tôi đục 2 lỗ trên nắp lon sữa, sữa nó trào ra. Cha Diện tuy bị mù, nhưng Ngài cũng tinh ý và hỏi tôi:          
- Sữa có ngon không cha Đông?.          
Tôi thắc mắc là tại sao Ngài lại hỏi vậy thì Ngài nói:          
- Tôi biết thế nào cha cũng liếm chỗ sữa trào ra.          
Mà đúng là tôi có liếm phần sữa bị trào ra. Sữa thật là ngon và chúng tôi ngồi nhâm nhi hằng nửa giờ chỉ với một ly sữa. Sau bao nhiêu năm bây giờ mới được uống sữa nên các Ngài có vẻ vui lắm.          
Cha Diện cũng là một gương sáng cho tôi về sự hy sinh và tấm lòng luôn biết chia sẻ, Ngài luôn nghĩ đến người khác. Hồi đó mua vải rất khó khăn, một năm mỗi người chỉ được mua 2m mà thôi, Ngài biết điều đó nên nói với tôi:          
- Cha Đông à, bây giờ  mua vải cũng khó khăn, quần áo cũ của tôi vẫn còn dùng được, Cha chỉ cần để dành cho tôi 1 bộ quần áo cũ tương đối còn tốt, để sau này tôi chết thì mặc cho tôi, phần còn lại Cha đem chia hết cho người nghèo. Áo ấm thì cha để cho tôi 1 cái mà thôi, còn lại bao nhiêu thì Cha cho những người thiếu thốn, tôi già rồi, tôi không mặc nhiều đâu, sandal, giày dép cũng vậy, tôi không mang nhiều đâu. Còn cài đồng hồ treo tường, vì tôi mù nên nghe tiếng gõ của nó thì tôi biết giờ, Cha để lại cho tôi, sau này khi tôi chết thì Cha cho ông Qúy, người đã giúp tôi lâu năm rồi.          
Đó cũng là gương tốt cho tôi.          
Tôi nhớ có một lần vào khoảng đầu tháng 11 năm 1980, tôi khoe với Cha gìa Diện:          
- Cha ơi! Mình sắp có lúa mới rồi.          
Vì hồi đó tôi làm ruộng. Ngài hỏi:          
- Khi nào thì có?          
Tôi trả lời:          
- Khoảng 2 tuần nữa thì gặt được.          
Ngài nói:          
- Có khi là trễ rồi.          
Lúc đó tôi không hiểu ý Ngài vì tôi thấy Ngài vẫn còn mạnh khỏe. Nhưng mà...thật đúng là như vậy, vì khoảng 10 ngày sau khi tôi chuẩn bị đi làm lễ ở dòng Phaolồ Têrêxa thì tôi thấy chú Phước là người giúp các Cha già, chú đang ngồi trước hè nhà tôi, chú thông báo với tôi là cha Diện mất rồi. Tôi vội vàng đến nhà hưu.
      Sơ Hạnh dòng Bác Ái Vinh Sơn giúp các Cha vào ban ngày, nhưng vì cha Diện ngày càng yếu nên hôm đó sơ ở lại đêm. Sơ kể với tôi:          
- Đêm hôm qua khoảng 12 giờ  thì Cha kêu con dậy, bảo con dẫn đi tiểu, bảo con thay quần áo mới cho Ngài, rối Ngài nói với con là Ngài sắp đi, sơ hãy đọc kinh cầu nguyện cho tôi. Con nói để con nhờ chú Phước gọi cha Đông xuống, nhưng Ngài bảo là " đã chào cha Đông rồi, cũng đừng làm phiền các cha già vì tôi đã chào các Ngài rồi ". Con đọc Kinh cho Cha, Cha âm thầm đi lúc nào con cũng không biết.          
Tôi thấy chú Phước và sơ đã mặc áo lễ cho Cha. Cha nằm mà như đang ngủ vậy. Tôi thấy Ngài có một cái chết thật bình an ở vào cái tuổi 90, tôi luôn nhớ điều này và tôi ao ước cũng được như Ngài vậy.          
Tôi có quen với một bác sĩ hiện đang ở bên Mỹ, đó là bác sĩ Bùi Trọng Căn. Bác sĩ Căn đã từng ở tù Pleibông tại Gia Lai. Sau khi học tập cải tạo xong thì ông về với gia đình ở Sài Gòn. Sau này gia đình của bác sĩ đều theo đạo Công Giáo, trong lòng tôi luôn thắc mắc về điều này. Vì ông là một bác sĩ giỏi nên sau khi ở tù về thì được làm việc tại bệnh viện Nhi Đồng 2. Ông từng bị cải tạo chung với em tôi nên tôi cũng có ý muốn gặp ông. Nhân dịp một lần về Sài Gòn, chúng tôi đã có cuộc hẹn và sau đó gặp nhau. Tôi hỏi ông:          
-  Tại sao bác sĩ và luôn cả gia đình của bác sĩ lại theo đạo?.          
Bác sĩ Căn đã tâm sự với tôi:          
- Con học tập chung với linh mục Hoàng, lúc đó cha Hoàng bị biệt giam, vì con là bác sĩ nên con có thể đi thăm sức khỏe cho Cha mỗi tuần một lần, và lần nào cũng thế, tới thăm sức khỏe cho Cha, con thấy Ngài vẫn luôn vui vẻ, bình an, nói năng nhẹ nhàng nhã nhặn. Thường thì khi bị biệt giam, không được nói chuyện với ai nên tâm lý con người ta rất dễ trở nên khó chịu, bẳn gắt, thù hận, bất mãn, có khi còn bị trầm cảm nữa... Nhưng với cha Hoàng thì con thấy điều ngược lại. Con nghĩ rắng Ngài đã có một sức mạnh siêu nhiên nào đó rất đặc biệt nên mới được thư thái như vậy. Từ đó lòng con muốn có được điều bình an như Ngài trong cuộc đời đầy sóng gió của mình. Con cần nó và con biết rằng sở dĩ Ngài được như vậy là do Ngài có một đức tin tuyệt đối vào Chúa. Ở trong trại cải tạo con đã tìm hiểu về Chúa, về đạo, và con quyết tâm sau này con sẽ theo đạo, vì chỉ có đạo mới ban cho con sức mạnh đó. Những điều gì tốt đẹp cho con thì con cũng muốn có điều tốt đẹp đó cho người thân, cho gia đình của mình, nên cả gia đình con theo đạo cũng là như thế.          
Những hình ảnh về cha Hoàng mà bác sĩ Căn đã kể cho tôi nghe, đó cũng là tấm gương tốt cho bác sĩ và cho cả tôi nữa.          
Khi còn làm việc ở Gia Lai thì tôi luôn nhớ hình ảnh của cha Antôn Vương Đình Tài, Ngài là Linh Mục của Dòng Chúa Cứu Thế. Ngài đã lên Tây Nguyên sống và rao giảng Tin Mừng Cứu Thế cho những người dân tộc thiểu số. Ngài đã sống như một người dân tộc thực sự, từ việc ăn uống hết sức đạm bạc cho đến nhà ở của Ngài cũng rất là đơn sơ, Ngài nói tiếng Jarai rất giỏi nên Ngài rất gần gủi với họ, yêu thương và lo lắng cho họ, vì thế số lượng người dân tộc trở lại đạo rất đông, đó chính là công lao to lớn của Ngài. Phương tiện đi lại của cha Tài cũng rất là thô sơ... Ngài luôn thao thức suy nghĩ về công việc rao giảng Tin Mừng của Chúa cho người dân tộc. Dù thuận tiện hay không thì cha Tài vẫn là người luôn rong ruỗi trên con đường đầy gian khó mà không nãn lòng.
      Cha Vương Đình Tài đã miệt mài làm việc như vậy nên đến tuổi 70 thì Ngài kiệt sức. Nhưng cuộc sống cũng như cái chết của Ngài đã để lại ấn tượng sâu đậm cho người dân tộc mà Ngài yêu thương. Ngài cũng chính là tấm gương sáng cho đời sống Linh Mục của tôi: đó chính là sự yêu thương, hy sinh và lo lắng cho người dân tộc thiểu số bằng tất cả sức lực và tâm huyết của mình.          
Cha già Ánh cũng thế, Ngài bị đi cải tạo bao nhiêu năm trời. Sau này khi được tha về thì Ngài sống rất hiền hòa trong tòa Giám Mục. Ở tuồi 80  Ngài được bổ nhiệm về làm Cha xứ ở giáo xứ An Mỹ, tỉnh Gia Lai. Mặc dù 80 tuổi nhưng Ngài đã làm nhiều việc như: tìm mọi cách để xây nhà thờ, nhà xứ... Sau này mỗi lần đi ngang qua An Mỹ là tôi lại nghĩ tới Ngài, nghĩ tới sự cố gắng của Ngài để phục vụ cho Giáo Phận, Giáo Hội, Đó cũng là tấm gương tốt cho cuộc đời làm Linh Mục của tôi.          
Cha Tổng đại diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, khi  còn khỏe, thì Ngài đã làm việc quần quật suốt ngày không nghỉ ngơi, bất chấp mọi nguy hiểm, khó khăn, cực khổ... Tính Ngài rất xuề xòa, vui vẻ với mọi người, không hế chấp nhất điều gì đối với một ai. Đến khi bị bệnh ung thư, nhiều người bảo rằng nhờ Ngài sống vui vẻ, lạc quan, rộng lượng nên Ngài có thể chịu đựng được căn bệnh nan y mà hiếm có người nào chịu được. Ngài cũng chính là tấm gương tốt cho đời tôi. Sự đau yếu của tôi so với căn bệnh ung thư của Ngài thì không là gì, thế nhưng Ngài vẫn gọi điện thoại thăm hỏi tôi, và Ngài rất mừng khi biết tôi cũng đã bớt bệnh. Giáo Phận luôn ở trong tim của Ngài, mặc dù Ngài đang ở xa Giáo Phận.
      Các Linh Mục trẻ bây giờ ở trong Giáo Phận cũng là tấm gương tốt cho tôi. Các cha, các thầy mặc dù ở những Dòng tu khác nhau nhưng sống và đối xử với nhau như anh em một nhà: luôn yêu thương gần gũi nhau và cùng nhau tận tình lo cho Cánh Đồng Lúa của Chúa. Bằng tất cả tâm tình yêu mến, các Cha đã luôn quan tâm lo lắng, giúp đỡ cho người dân tộc, kể cả người kinh ở những vùng xa xôi hẽo lánh, những vùng kinh tế mới, đó là phần đất mà các cha có trách nhiệm phải trông nom. Tôi rất cảm phục những Linh Mục với công việc mà các Ngài đang làm: Đó là rao giảng và đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.          
Có những người tôi không biết, mà tôi chỉ được biết  các vị ấy sau khi đọc cuốn sách "Dân Làng Hồ", hay cuốn "Mở Đạo Kontum". Tôi vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ các Ngài vì những thành  quả, những hoa trái mà các Ngài đã tạo dựng được trong sự gian  nan, vất vả đầy khó khăn, thử thách vào thời mà các Ngài sống và làm việc... Đó là những tấm gương sáng đã soi đường chỉ lối cho đời sống Linh Mục của tôi.            
Kể từ năm 1975, khi tôi sống với các Linh Mục đến nay, có người đã qua đời nhưng để lại cho tôi nhiều gương tốt, như cha Phêrô Phaolồ Hoàng văn Quy, cha Antôn Đinh Bạt Huỳnh, cha Giuse Trần Sơn Nam, cha Daminh Đinh Hữu Lộc... mặc dù các Ngài đã ra đi nhưng công việc của các Ngài làm vẫn ở mãi cùng chúng tôi. Với lòng kính trọng yêu thương,  chúng tôi luôn muốn hoàn thành công việc mà các Ngài để lại.            
Tôi xin chân thành cảm ơn các cha trong địa phận đã trở nên những tấm gương tốt và đó là động lực để cho công việc thực hiện sứ mệnh Linh Mục của tôi ngày càng được tốt hơn.

... CÒN TIẾP ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét