NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ
LINH MỤC PHÊRÔ
NGUYỄN VÂN ĐÔNG
NGUYỄN VÂN ĐÔNG
LỜI CÁM ƠN.
Trong tập hồi ký "Những Điều Chia Sẻ" của tôi, có ít nhiều nhận định mang yếu tố chủ quan, bên cạnh đó là một vài sự suy nghĩ có tính cách cá nhân. những suy nghĩ và nhận định này đối với nhiều người, nhất là với những Linh Mục đã từng phục vụ cho người dân tộc Tây Nguyên lâu nay, sẽ thấy những suy nghĩ của tôi còn nhiều thiếu sót, rất mong có được những lời góp ý và động viên để công việc phục vụ cho người dân tộc nghèo được tốt đẹp hơn về mặt Đạo cũng như Đời.
Tôi xin gởi lời cám ơn đến:
* Cám ơn Thầy Bắc - Dòng Ngôi Lời - đã khởi xướng, động viên và mua máy về để cho tôi được nói lên những suy nghĩ của mình về cuộc đời làm linh mục và việc phục vụ cho những người nghèo khó.
* Cám ơn Anh Sĩ Hùng và chị Lan vợ anh Hùng- Hiếu Đạo - đã đọc lời nói của tôi cho chồng đánh máy, và đã tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành công việc này.
* Cám ơn Cháu Hoa Phượng, con của anh chị Tấn Tịnh- Pleiku- đã cố gắng chuyển gần hết tập tài liệu từ văn nói thành văn viết.
* Cám ơn Chị Trần Ngọc Hải là người quen của tôi - đã giới thiệu chị Hồ Thủy là bạn thân của chị Hải - với tôi.
* Cám ơn chị Hồ Thủy là người đã có công biên soạn toàn bộ "Những Điều Chia Sẻ" của tôi thành một tập Hồi ký hoàn chỉnh và đặt tên cho tập hồi ký này là "Mùa Đông Ấm Áp". Chính sự quyết tâm của chị Hồ Thủy đã làm cho "Những Điều Chia Sẻ" của tôi được nhiều người biết đến, và cũng qua chị Hồ Thủy, mà Những Điều Chia Sẻ của tôi đã được cập nhật trên Newvietart.
* Cám ơn Anh Nguyễn Thành Tấn là chồng của chị Hồ Thủy, đã luôn đồng hành với chị Hồ Thủy, từ lúc khởi đầu cho đến khi hoàn thành tập tài liệu Những Điều Chia Sẻ của tôi, và trong việc xuất bản anh chịu toàn bộ chi phí.
Mỗi khi mùa Đông đến, trời lạnh giá, nhưng ước mong sao mỗi một người trong chúng ta cùng đốt lên ngọn lửa yêu thương, để sưởi ấm và chia sẻ những gì chúng ta có cho những người nghéo khổ, chắc chắn rằng họ được đón nhận một "Mùa Đông ấm áp" thay cho mùa đông giá rét.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.
Linh Mục Phêrô Nguyễn Vân Đông.
____________________________
17 .
NHỮNG TẤM GƯƠNG SÁNG CHO ĐỜI TÔI
Tôi quan niệm rằng: cuộc đời của mỗi người được dệt thành bởi những công việc mình đã làm. Đời của tôi, 70 năm qua tôi đã làm những việc này việc khác, và trong những công việc ấy, có được sự tốt lành là cũng bởi nhờ những tấm gương sáng luôn soi đường chỉ lối cho tôi.
* Cha tôi. Tấm gương sáng đầu tiên mà tôi muốn nói đến, đó chính là cha mẹ của tôi. Tôi lớn lên trong giai đoạn việt minh kháng chiến 9 năm: từ năm 1945 đến năm 1954. Suốt trong những năm kháng chiến đó, gia đình tôi cũng như bao nhiêu gia đình khác luôn phải ăn cơm ghé (độn) với khoai mì lát phơi khô, vì gạo thì phải để dành cho quân kháng chiến.
Tôi còn nhỏ, gia đình tôi lại có nhiều anh em (cha mẹ tôi có tới 8 người con, như tôi đã nói ở trên), nên lúc nào cũng thấy có nhiều mì ở trong cơm thì anh em chúng tôi ngán lắm. Cơm thì ít mà mì thì nhiều. Vì là mì lát phơi khô nên nó cứng lắm, muốn ghé cơm thì phải ngâm nước trước một ngày, tới giờ nấu cơm phải bẻ nó ra thành từng miếng nhỏ, chờ đến khi cơm sôi thì mới bò mì vô trong nồi cơm. Biết anh em tôi rất ngán không muốn ăn cơm có ghé mì nên mỗi bữa cơm như thế, cha tôi luôn đơm lấy phần mì vô trong chén cơm của mình và lựa phần cơm nhiều hơn để đơm cho con cái. Ngày ấy tôi còn nhỏ nên không cảm nhận được điều đó chính là sự hy sinh thầm lặng của cha tôi, vì tình yêu thương đối với các con của mình, mà tôi chỉ nghĩ rằng:" người lớn thì phải như vậy thôi!"
Nhưng đến khi tôi lớn lên, nhất là những năm sau 1975, thì Tòa Giám Mục cũng buộc phải ăn cơm ghé mì, đương nhiên là không ngon bằng ăn cơm mà không có mì. Điều này làm tôi nhớ lại hình ảnh của cha tôi mỗi lần đơm cơm cho chúng tôi, cha tôi đã luôn dành lấy phần mì mà ăn; còn phần cơm thì chừa cho các con... Tôi vô cùng cảm phục và kính yêu cha của tôi. Đó là tấm gương sáng tốt đẹp về sự hi sinh của cha tôi như một bài học cho cuộc đời tôi.
Tôi nhớ năm 1965 cha tôi phải đi cải tạo trên núi, chỉ vì cha tôi là ông Biện của giáo xứ, và cũng trong đợt cải tạo này ông đã bị chết. Nhắc đên cái chết của cha tôi, lòng tôi xót xa đau đớn lắm. Cha tôi đi cải tạo, tuy sắp được phóng thích nhưng chưa đến ngày. Vì thế nên ông được tự do hơn những người cải tạo khác, có nghĩa là cha tôi có thể xuống cánh đồng ở chân núi hái rau để bồi dưỡng thêm cho khẩu phẩn ăn, nhất là trong trại cải tạo có một ông già tên là ông Mâu, ở cùng xứ đạo của cha tôi. Ông Mâu bị đau liệt người phải nằm một chỗ. Hôm đó cha tôi đang hái rau ở trên cánh đồng thì máy bay Mỹ bay tới để thả bom trại tù. Mới thả bom đợt đầu nhưng cha tôi sợ ông Mâu đang đau nằm một chỗ, nếu không có ai cõng ông ra ngoài thì ông có thể chết khi trại bị cháy. Cha tôi liền chạy về rồi vội vàng cõng ông Mâu ra khỏi trại. Bom bắt đầu thả xuống đợt thứ hai. Cha tôi nằm xuống, ông Mâu tưởng cha tôi nằm xuống để tránh bom, nhưng đến khi máy bay bay xa rồi mà cha tôi vẫn nằm yên bất động. Ông Mâu kêu cha tôi dậy...nhưng hỡi ơi! Cha tôi đã bị một mảnh bom ghim vô trán và ông đã chết ngay tại chỗ.
Sau này khi nghe ông Mâu kể lại về cái chết của cha tôi thì tôi càng khâm phục và thương mến cha tôi nhiều hơn. Đây là tấm gương sáng của cha tôi: ông sẵn sàng hi sinh tánh mạng của mình để cứu người khác. Tôi luôn ghi nhớ trong lòng những tấm gương sáng về sự hi sinh trong suốt cuộc đời của cha tôi cho tới lúc chết, đó là hành trang vô cùng quí giá và tốt đẹp cho đời của tôi.
* Mẹ tôi.
Cha tôi chết khi ông được 51 tuổi. Lúc đó mẹ tôi 48 tuổi. Cha tôi chết đi để lại cho mẹ tôi gánh nặng là 8 đứa con đang tuổi lớn. Mẹ tôi đành phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn là Nhà Đá, mang theo các con tới Qui Nhơn để lập nghiệp. Cuộc đời của mẹ tôi cực khổ vất vả lắm, bà phải làm việc quần quật suốt ngày, buôn tảo bán tần, mua đầu chợ, bán cuối chợ chỉ mong kiếm chút đồng lời để nuôi các con ăn học. Bởi vì theo như cha tôi nghĩ, và ông cũng thường hay nói với chúng tôi:
- Các con cố gắng học hành để sau này đời sống của các con có thề sung sướng hơn, chứ ít học như cha mẹ, làm nông quần quật thì sau này khổ lắm.
Hơn nữa cha tôi cũng có thêm một quan niệm khác, đó là: "đi tu cũng sướng hơn ở ngoài đời". Lúc nhỏ tôi nghe như vậy nhưng không hiểu gì cho lắm về đời sống tận hiến, nhưng dù sao đi nữa thì tôi cũng biết rằng đó chính là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái của mình.
Mẹ tôi luôn chịu thương chịu khó, ngày nào cũng thức khuya dậy sớm, buôn bán tảo tần, ngày nào cũng bôn ba đi lấy hàng chỗ này chỗ kia để bán, có khi là hàng thịt, hoặc nơi thì hàng cá, cũng có khi là hàng này hàng nọ, mua đi bán lại kiếm lời nuôi các con , suốt một đời mẹ tôi đã phải lao khổ nhọc nhằn, hy sinh cho chúng tôi đến nổi quên cả bản thân mình. Tôi không bao giờ quên gương sáng của mẹ tôi. Điều này tôi cũng luôn khắc ghi trong tâm trí mình. Mỗi lần nhớ đến sự hy sinh vất vả của cha mẹ, lòng tôi luôn cảm động và kính yêu, không bao giờ tôi quên.
Những năm cuối đời mẹ tôi ngày nào cũng đến nhà thờ dự lễ, bà phải ngồi trên xe lăn, các cháu nội của bà đẩy xe đưa bà đi và bà cũng hay dấm dúi chút tiền cho các cháu. Một lần về thăm mẹ tôi nói đùa với bà:
- Mẹ ơi! Ngày xưa mẹ làm ra tiền để nuôi tụi con ăn học, nhưng bây giờ sức mấy mà mẹ làm ra tiền nổi. Bây giờ cần tiền thì mẹ phải xin tụi con chớ.
Nghe nói vậy, bà hứ một cái “cóc”. Tôi lại nói tiếp:
- Bây giờ mẹ có thể làm ra một thứ còn quý hơn tiền bạc gấp nhiều lần, là mẹ hãy lần hạt Mân Côi và cầu nguyện cho con cái... đem lại ơn Chúa cho con cái vì ơn Chúa luôn quý giá và cần thiết hơn tiền bạc.
Mẹ tôi rất tâm đắc về ý kiến của tôi.
Mẹ tôi mất khi bà được 94 tuổi.
* Các giám mục và các thầy dạy của tôi.
Thời mà chúng tôi còn đi học:
- Chủng Viện Kontum từ năm 1955 đến 1959.
- Dòng Phanxicô- Thủ Đức từ năm 1959 đến 1964.
- Giáo Hoàng Học Viện từ năm 1965 đến 1973.
Các thầy dạy của tôi là những tấm gương sáng vô cùng quan trong và rất cần thết cho cuộc đời làm linh mục của tôi sau này.
Năm 1972 tôi chịu chức Linh Mục. Trong suốt cuộc đời làm Linh Mục của tôi, tôi đã sống cùng với các Giám Mục trong Giáo Phận Kontum, các bậc Linh Mục đàn anh, cũng như các anh em Linh Mục, những người đó đã cho tôi nhiều tấm gương sáng trong cuộc đời tận hiến của họ, nhất là sự hi sinh của các nữ tu cũng là gương sáng cho đời sống Linh Mục của tôi. Không những vậy, còn có rất nhiều những giáo dân, nhất là những giáo dân nghèo, họ cũng đã để lại cho tôi rất nhiều bài học.
Tôi có quen biết một số các nhà sư cũng như các vị mục sư trong thành phố Pleiku này, những người đó đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt về công việc rao giảng Tin Mừng của các vị, và điều này cũng là một tấm gương tốt cho tôi.
Ngoài ra còn có một vài cán bộ trong chính quyền, mà qua những lời phát biểu cũng như qua cử chỉ của họ, đã để lại cho tôi nhiều bài học quí giá và hiểu thêm về con người sống trong chế độ xã hội vô thần là như thế nào.
I- Đức Cha Phaolồ Kim.
Năm 1972 là thời của giám mục Phaolồ Kim. Đức Cha đã bổ nhiệm tôi làm quản lý nhà Sohier ở Đà Lạt. Đức cha mua nhà này của một bác sĩ người Pháp tên là Sohier, vốn là bệnh viện của gia đình ông, căn nhà này ở số 1 đường Thống Nhất, sát hồ Xuân Hương. Mua nhà này là để Chủng sinh Kontum học cấp 3 đến ở và học văn hóa ở trường Adran của các sư huyng La San. Lúc đó trong nhà có 70 chủng sinh. Khi làm quản lý thì Đức Cha dặn dò tôi những nguyên tắc mà tôi nhớ suốt đời:
Muốn có một tập thể tốt thì phải làm tròn 3 điều:
* Điều thứ nhất là phải có một Bồn Nước Tốt, tức là phải có đầy đủ nước cho tập thể. Ngài cũng dặn dò tôi là nếu sau này có mua đất ở chỗ nào để làm nhà Thờ hay nhà ở...v.v... thì việc trước tiên là phải xem nguồn nước như thế nào? Có sạch hay không? Và chỗ đó có thể đào giếng được không? Nếu không có nước hoặc không thể đào được giếng thì đi tìm chỗ khác mà mua.
* Điều thứ hai là phải có Nhà Vệ Sinh, Nhà Tắm đầy đủ. Đó là điều rất cần thiết cho tập thể, nên bất cứ nhà ở tập thể nào cũng phải đáp ứng được vấn đề Nhà vệ sinh đầy đủ.
* Điều thứ ba là Nhà Bếp: Nghĩa là phải có nhà bếp đầy đủ mọi tiện nghi và có thêm người đầu bếp biết nấu ăn ngon.
Đó là 3 vấn đề cần phải có để một nhà ở tập thể hoạt động tốt. Sau này khi nào và bất cứ ở đâu tôi cũng luôn nhớ đến và thực hiện đúng 3 nguyên tắt đó.
Ngài đã dạy cho tôi nhiều bài học. Đây là bài học thứ nhất khi Ngài dặn dò tôi:
- Đã làm quản lý Chủng Viện thì cha phải cho chủng sinh ăn uống đầy đủ, có chất lượng, đừng hà tiện. Vì được ăn uống đầy đủ thì mới có năng lượng và sau này khi ra làm Linh Mục thì mới có sức khỏe tốt, mà có sức khỏe tốt thì mới làm việc tốt được. Vậy cho nên cha phải tìm mọi cách để cho chủng sinh của mình được ăn uống đầy đủ.
Bài học thứ hai Ngài dạy tôi:
- Người dân tộc đa số theo chế độ mẫu hệ, họ lại ít được học hành nên chúng ta phải tạo mọi điều kiện để cho các thiếu nữ dân tộc được học, sau này họ sẽ trở thành những người vợ, người mẹ tốt, và một gia đình tốt là nhờ có người vợ và người mẹ tốt.
Đức Cha đã mở nhà nữ công gia chánh tại Kontum để đào tạo các thiếu nữ người dân tộc. Ngài nhờ các sơ Bác Ái Vinh Sơn và các sơ dóng Ảnh Phép Lạ tới giúp nên đã đào tạo nhiều lớp thiếu nữ, sau này khi kết hôn với các Giáo Phu mới ra trường, họ là những gia đình gương mẫu cho các buôn làng. Khi làm Linh Mục tôi cũng nghĩ như vậy. Ở Gia Lai thì người Jarai cũng có truyền thống là theo chế độ Mẫu hệ, vậy nên chúng tôi đã mở nhiều lớp đào tạo "làm vợ, làm mẹ tốt", cho các thiếu nữ người dân tộc ở vào độ tuổi 15 trở lên mà chưa có gia đình, hoặc sắp lập gia đình nhưng lại không được học hành. Những lớp học này đem đến rất nhiều ích lợi cho các thiếu nữ dân tộc, và đã có nhiều hoa trái tốt đẹp nhờ vào những khóa học đào tạo này. Những công việc này là cũng nhờ vào Đức Cha Phaolồ Kim đã soi đường chỉ lối cho tôi.
Năm 1975 thì Đức Cha và một số Linh Mục khác bị nhà nước trục xuất về Pháp. Mặc dù về Pháp nhưng lòng Ngài vẫn rất yêu thương và luôn hướng về Giáo Phận Kontum của mình. Tôi được nghe kể là Đức Cha có một tấm hình chụp chung với các cha trong Giáo Phận Kontum, Ngài đã để tấm hình này trên bàn làm việc của mình, để Ngài luôn luôn nhớ đến và cầu nguyện cho Giáo Phận Kontum của Ngài mà Ngài rất yêu mến.
Tôi nhớ vào năm 1978, nhà nước ra chỉ thị là không được sử dụng xe gắn máy, nên trong thời gian đó thì xe đạp lên giá...Không biết thế nào mà tôi lại thổ lộ với Đức Cha là tôi muốn có một chiếc xe đạp. Thế là Ngài bảo Cha quản lý gởi cho tôi một chiếc xe đạp rất là tốt, chiếc xe đạp này được gởi từ Pháp về Việt Nam, và bà sáu Dung đã đi nhận giúp tôi, nhờ thầy Bảy ra Hải Quan lãnh hàng rồi gởi bằng xe tải lên Kontum cho tôi. Tôi nhận một cái thùng to, mở thùng đem chiếc xe ra, vặn lại ốc ghi đông cho chuẩn là sử dụng được ngay. Lúc bấy giờ chiếc xe đạp của tôi là xe xịn nhất ở Kontum. Người ta nói với tôi:
- Xe của cha Đông là chiếc xe đáng để bọn trộm "ra tay" nhất.
Công an cũng bảo tôi:
- Người ta để ý xe của Linh Mục lắm đấy.
Tôi rất cảm động và biết ơn Đức Cha, vì trong lúc khó khăn như vậy mà Ngài luôn có lòng thương các Linh Mục của Ngài. Và chính những điều đó là tấm gương tốt đã để lại những bài học có giá trị rất lớn trong đời tôi.
II - Đức Cha Alexi Lộc
Là người gốc Quảng Bình, gia đình Ngài ở Phú Cam- Huế. Ngài cũng đã để lại cho tôi rất nhiều gương tốt.
* Chuyện thứ nhất là đóng hòm.
Thời bấy giờ, sau năm 1975, nếu trong gia đình có người qua đời thì phải khai báo với chính quyền để họ cấp cho một tờ giấy khai tử, sau đó đến cửa hàng của Nhà Nước mua mấy miếng ván đủ đóng một cái hòm. Có khi mua phải ván còn tươi. Mua được ván rồi thì phải kiếm thợ mộc, thời đó mà kiếm cho được một người thợ mộc để đóng cho người chết một cái hòm thì thật là vô cùng khó khăn, đôi khi đóng qua quýt cho xong, chỉ cần làm sao có hòm để chôn người thân của mình là được rồi.
Đức Cha Lộc bảo tôi:
- Anh hãy tháo tất cả ván đóng các lớp học ỡ dưới tầng hầm nhà Chủng Viện, ván này có thề dùng để đóng hòm được.
Mà đúng là như vậy thật, vì ván đó dùng để đóng hòm rất tốt. Ngài còn bảo tôi phải mướn ông Sa là thợ mộc ở giáo xứ Phương Nghĩa về. Thế là ngày nào ông Sa cũng đóng hòm. Gia đình nào có người chết thì chỉ cần mang giấy khai tử đưa cho ông Sa, ông sẽ ra cửa hàng của nhà nước mua ván, nếu ván chưa khô thì đem phơi. Còn người nhà thì đến gặp tôi để nhận một cái hòm vì tôi là quản lý mà.
Đức Cha Alexi Lộc là một tấm gương sáng trong công việc bác ái yêu thương mà tôi không bao giờ quên. Sau này khi tôi được bổ nhiệm làm cha xứ ở Tân Phú, tôi cũng xin Ngài cho tôi mang một số hòm xuống Tân Phú, chúng tôi cất trong nhà mặc áo, các em giúp lễ rất sợ, nhưng nhờ đó mà giáo dân Tân Phú có được những cái hòm tốt để chôn cất người thân của mình.
* Chuyện thứ hai là cho mượn đồ cưới.
Lúc bấy giờ nếu nhà nào có đám cưới thì phải đi mượn từng cái chén, cái dĩa, rồi mượn từng cái bàn, cái ghế, vì thế mà không có cái nào đồng nhất: cái thì vuông, cái thì tròn... Đức Cha Lộc bảo phải gom đồ của Chủng Viện và của cả tòa Giám Mục lại, từ bàn ghế cũng như các khung gỗ đã tháo ván để làm hòm. Ngài bảo tôi phải làm những cái rạp tháo ráp được bằng bù lon, to hay nhỏ tùy mình ráp. Những tấm bạt phơi lúa của chủng viện là những tấm bạt của Mỹ rất tốt được dùng làm mái che. Những đồ dùng cho đám cưới ấy của tòa Giám Mục phải chia ra làm 2 phần: dự trù nếu như một ngày có đến 2 cái đam cưới, thì tòa Giám Mục cũng đủ đồ để cho 2 đám cưới mượn cùng một lúc. Và tôi là ông Linh Mục, là ông Cha cho mượn đồ cưới. Những tháng trong mùa cưới thì tòa Giám Mục đã phục vụ tất cả: cho mượn bàn, ghế, chén, dĩa,...v.v... rồi cây để làm rạp, bạt làm mái che.
Như thế thì ta cũng thấy rỏ Đức Cha là một vị giám mục rất có lòng thương người, không hế phân biệt tôn giáo. Trong những năm khốn khó như thế, nếu ai có điều gì cần đến thì Ngài luôn sẵn lòng giúp đở họ. Tuy là giám mục nhưng Ngài không sắm cho mình một chiếc xe Honda, mà suốt ngày đi lại trên chiếc xe đạp bằng nhôm, chỗ nào ta thấy có dựng chiếc xe đạp bằng nhôm màu trắng, ấy là xe của Đức Cha Alexi Lộc. Chỉ khi nào có việc gì cần phải đi gấp thì Ngài mới phải nhờ tôi hoặc ai đó chở Ngài đi bằng xe Honda.
Người này hay chỗ nọ cho Ngài thuốc thì Ngài luôn để dành cho người nghèo. Thời đó mua thuốc rất khó khăn. Khi người nghéo cần thuốc men, người ta đến nói với Ngài, Ngài nhờ chỗ này chỗ khác mua giúp để cho người nghèo chữa bệnh. Cũng vào thời đó thì người nghèo dân tộc sống rất là khó khăn, thiếu thớn từ cái quần, cái áo cho đến viên thuốc để uống khi bị bệnh. Ngài còn mua gạo theo giá sỉ để chia lại cho người nghèo, và chính Ngài cũng đích thân ngồi đong gạo phát cho người họ. Gương sáng tốt lành của Ngài luôn ở trong tâm trí tôi.
III - Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung.
Ngài là người Quảng Nam, giáo xứ Cồn Dầu. Năm 1995Ngài chính thức đãm nhiệm Giáo Phận Kontum. Tôi rất thương Ngài. Đức Cha Chung là một người hiền lành, sống đời sống khiêm tốn nên trong lễ tấn phong Giám Mục của Ngài cũng diễn ra trong ầm thầm. Tôi nhớ 8 giờ tối hôm đó, khi không có cách nào khác trong việc làm lễ tấn phong Giám Mục cho Ngài, thì Đức Giám Mục Alexi Kim đã làm lễ phong chức cho Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung trong nhà nguyện của Chủng Viện Thừa Sai Kontum, đó là năm 1981. Không có điện nên chỉ phải thắp đèn cầy. Mặc dù lễ phong chức diển ra âm thầm, khiêm tốn nhưng rất là cảm động, tôi nghĩ rằng đây là một buổi lễ phong chức Đức Giám Mục độc nhất vô nhị của nước Việt Nam và có lẽ của cả thế giới nữa.
Đức Cha Phêrô Chung rất thương các Linh Mục và các giáo dân của mình. Đôi khi Ngài cảm thấy buồn và áy náy trong lòng, vì thương mà không làm được gì cho các Linh Mục hay giúp đở cho các giáo dân nghèo của mình. Ngài đi chỗ này chỗ nọ để xin ý lễ, Ngài cũng xin ý lễ từ bên Lộ Đức đưa về cho các Linh Mục, để các Cha nhờ vào tiền xin lễ mà có điều kiện sống tốt hơn.
Từ năm 1995 đến năm 2003 khi Ngài làm Giám Mục thì tôi đang ở Gia Lai nên không được sống gần Ngài như đã từng sống gần Đức Cha Alexi (từ năm 1975 đến 1986). Mặc dù không được ở gần Đức Cha Phêrô nhưng tôi biết chắc chắn rằng Ngài rất yêu thương các Linh Mục của mình, cũng như Ngài đã sống một đời sống tốt lành trong sự hi sinh và khiêm tốn, âm thầm. Ngài cũng là tấm gương sáng của đời tôi.
VI- Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh.
Năm 2003 thì Đức Cha Hoàng Đức Oanh lên làm Giám Mục. Tôi rất khâm phục vị Giám Mục này. Ngài là một vị Giám Mục ở ngoài đường nhiều hơn là ở trong nhà, có khi Ngài ngủ đêm ở trên xe giữa rừng núi. Ngài rong ruỗi trên đường nhiều hơn là ở trong tòa Giám Mục, Ngài đi hết chỗ này đến chỗ nọ trong Giáo Phận, Ngài là người ý thức hơn ai hết về cánh đồng bao la bát ngát của Giáo Phận Kontum mà Ngài đang trông coi. Ngài không đủ sức, mà các Linh Mục trong Giáo Phận thì ít nên Đức Cha đã đi tìm thợ gặt ở những nơi khác: Ai cũng được Ngài mời, dòng tu nào cũng được Ngài kêu gọi. Sau bao nhiêu năm nhờ vào sự nổ lực, xông xáo của Ngài mà Giáo Phận Kontum có được nhiều ơn gọi hơn. Linh Mục ở các nơi đã về giúp Giáo Phận Kontum khá nhiều. Đây chính là hoa trái trên cánh đồng của Giáo Phận Kontum. Đức giám Mục Micae được Chúa ban cho ơn lạ, ấy là Ngài đã từng mang trong người cái máy trợ tim, tưởng như Ngài không đủ sức đảm nhiệm công việc của mình, thế nhưng cũng bởi nhờ ơn Chúa nên Ngài đã làm được rất nhiều việc mà một Linh Mục có sức khỏe dồi dào cũng chưa chắc đã làm được như Ngài. Cám ơn Chúa vì đã cho Giáo Phận Kotum một vị Giám Mục như Ngài.
Tôi luôn cảm tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho Giáo Hội Viêt Nam của chúng ta có được những vị Thừa Sai đầy nhiệt huyết, các Ngài đã không quản ngại bao gian nan vất vả đầy khó khăn và lắm thử thách, để đem Tin Mừng Tình Thương của Chúa Giêsu đến cho mọi người, nhất là những người anh em dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Và Chúa đã ban cho giáo Phận Kontum chúng tôi những vị Giám Mục giàu lòng yêu thương, sống bác ái khiêm nhường, đã luôn lo lắng giúp đở cho những người nghèo khó, những người bệnh tật, phung cùi... Tất cả đều là những tấm gương sáng cho đời sống linh mục của tôi.
... CÒN TIẾP ...
LINH MỤC PHÊRÔ
NGUYỄN VÂN ĐÔNG
NGUYỄN VÂN ĐÔNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét