Cheo Reo
Khoảng trời xanh bát ngát mở ra đột ngột sau một khúc quanh của con đường mòn làm Sơn choáng ngợp. Sông Mê-kông đó. Từ trên bờ sông cao nhìn xuống, ánh mắt Sơn chới với lọt vào khoảng không gian vô hạn thật khác xa với quãng đường bọn hắn đi mấy hôm nay - những con đường mòn quanh co trong đám rừng cây nám đen rình rập với những cành khẳng khiu đan che trên đầu.
Sau bãi cát trắng trải dài, khúc quanh của con sông mở ra thật rộng mờ lam khói sương buổi sớm mai. Phía thật xa bờ bên kia, có lẽ phải cách đến hai cây số, một vài căn nhà ngói cũ kỹ đứng chìm khuất trong vùng mờ tối nơi mặt trời chưa chiếu tới, nhưng khoảng trời không gợn mây phía trên, hứa hẹn của một ngày nắng đẹp, thì thật lung linh xanh, chất ngất xanh. Sơn cảm thấy căng phồng hít thở thật tham lam bầu khí mát lạnh.
Buổi sáng thật êm ả, tiếng chim cu gù trong rặng tre ven sông cất lên buồn buồn rồi chìm vào tiếng lá xao xác. Đoàn quân bước nhẹ hẳn đi chỉ vì không muốn tự tố giác sự hiện diện của mình. Một tiếng cành khô gẫy dưới bước chân đi vẫn nghe rất rõ trong thứ im lặng này.
Tĩnh đi phía trước Sơn quay lại cười không thành tiếng. Nụ cười Tĩnh thật hiền. Tĩnh thì lúc nào cũng vậy - ít nói, điềm đạm, ngay cả nụ cười cũng không mấy khi vui, có lẽ vì một bên miệng luôn trễ xuống khi cười, vì những quầng thâm quanh mắt và những nếp nhăn xuất hiện sớm trên trán. Nụ cười Tĩnh không cố ý làm ra vẻ khinh bạc, nó chỉ tự nhiên như vậy thôi, tự nhiên như nhiều lúc Tĩnh nhìn một người hoặc một vật thể nào đó mà thật sự không thấy gì hết, ánh mắt Tĩnh không dừng lại ở vật thể trước mắt mà đi xa hơn nữa, vào thật sâu bên trong như hòng khám phá ra cái nội dung phong phú ẩn mật sau lớp vỏ bên ngoài, vào cái bản thể chân thật của sự vật. Có nhiều khi hơn thế nữa, Sơn biết ánh mắt Tĩnh còn đi xa hơn, vượt qua những gì hiện diện trước mặt để suy nghĩ lung lắm về những điều gì đó xa xôi Sơn không hiểu và không dám hỏi. Nhiều lúc Sơn nghi ngờ về cái gọi là tình thân giữa Tĩnh và mình. Ừ, thì Tĩnh là người Sơn cảm thấy gần gũi nhất trong đại đội này nhưng Sơn thấy Tĩnh hình như vẫn chưa coi mình như một người bạn thân hay ít ra Tĩnh cũng không biểu lộ điều đó. Những lúc rảnh rỗi cuối ngày tìm tới nhau, hai thằng thường chỉ ngồi trầm ngâm, nói với nhau rất ít. Tĩnh hầu như chẳng bao giờ tâm sự với Sơn về cuộc sống của mình nơi quê nhà hoặc những mối bận tâm hằng ngày. Những lúc Tĩnh ngồi lặng hằng giờ như vậy, Sơn sợ không dám khua động sự suy nghĩ của bạn nên cũng ngồi im cho đến khi Tĩnh buông một tiếng “Về”, rồi đứng dậy chờ cho Sơn gật đầu ra dấu có nghe trước khi quay lưng đi.
Giơ tay gạt một nhánh tre mọc chắn đường, Tĩnh lại ngoái nhìn, cười, vẫn cái khoé miệng trễ xuống tạo thành nụ cười buồn rất ‘Tĩnh’. Hắn thì thào:
“Con sông này làm nhớ quê quá!”
Ừ, đúng rồi, bây giờ Sơn mới biết vì sao cảnh tượng bao la của con sông Mê-kông lại làm hắn bàng hoàng. Chắc chắn là ở quê Tĩnh và quê Sơn, một thằng ở Bắc và một thằng ở Nam, không có cảnh nào giống cảnh này. Quê Tĩnh ở Hà Bắc làm gì có con sông nào rộng mênh mông như con sông này. Những con sông ở quê Sơn, Nha Trang, thì lại còn nhỏ hơn nữa. Bãi cát ven sông này trắng và rộng hơn bãi biển Nha Trang nhiều lắm. Ấy vậy mà vẫn có cái gì đó trong sông nước gờn gợn gió, sương khói ngát xanh, trong tiếng chim cu gù chìm mất hút vào tiếng lá tre xao xác giữa cái nắng trong vắt đầu ngày làm Sơn nhớ nhà. Có lẽ khi đã nhớ nhà thì bất cứ một chi tiết nhỏ nào của cảnh vật chung quanh cũng có thể làm mình liên tưởng tới những cảnh tương tự nơi quê nhà. Đất Việt hay đất Miên chỉ là những cái tên, sự ràng buộc quyến luyến chỉ được tạo thành sau nhiều năm gần gũi. Dẫu sao, Sơn không nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng quên đi cảnh non sông bát ngát xanh này một mai khi ở nơi nào khác, nhất là cái cảm giác bàng hoàng, sững sờ trước cảnh tượng vụt hiện ra sau một khúc quanh.
Đoàn quân vừa tới một ngã rẽ khác. Con đường mòn hướng về phía tay phải, bỏ lại con sông sau lưng. Phía trước mặt, cảnh nhàm chán mấy ngày hôm nay lại hiện ra - những thân cây khẳng khiu đen, không lá, đất không cỏ, con đường đất bụi đỏ ngập đến mắt cá chân. Sơn ngoái đầu nhìn lui, đoàn bộ đội dài ngoằng lỉnh kỉnh súng đạn, soong nồi, quần áo lếch thếch đẫm mồ hôi, những khuôn mặt mệt nhọc, đăm đăm. Ừ, có lẽ bọn họ trông có vẻ thích hợp trong cảnh rừng như thế này hơn là cảnh sông êm đềm kia. Cuộc hành quân kéo dài gần tuần nay dọc theo con sông Mê-kông này khá êm thắm. Dĩ nhiên dối với cấp chỉ huy thì cuộc hành quân không đạt yêu cầu nhưng bọn lính quèn như hắn thì có cần gì, miễn không đụng địch là được.
Có lệnh nghỉ giải lao từ phía sau truyền lên. Sơn tấp ngay vào gốc cây gần nhất bên cạnh con đường mòn, hất cái ruột tượng gạo vắt chéo trên vai xuống đất, buông cái ba lô xuống bên cạnh rồi gác cây súng AK lên trên. Hắn ngồi phịch ngay lên cái ruột tượng gạo, dựa vào thân cây, thở phào nhẹ nhõm. Một tiếng đồng hồ hành quân đầu tiên của buổi sáng đủ làm mình mẩy hắn đẫm ướt mồ hôi. Sơn bỏ mũ cối ra, vò mạnh đầu tóc ngắn củn cởn của mình cho những giọt mồ hôi bắn tung toé. Ở phía sau, đoàn quân rải ra ngồi la liệt hai bên con đường mòn nhưng vẫn để ý quay ra trông chừng đủ các hướng - thói quen của những kẻ luôn kề cận với hiểm nguy, những kẻ sống trong một môi trường thù địch.
Tĩnh đang bước về phía Sơn với điếu thuôc vấn nhỏ xíu trên tay thì có tiếng súng nổ vang ở giữa đoàn quân. Hắn vất vội điếu thuốc, phóng trở lại nơi để súng. Sơn cũng chụp khẩu súng của mình vùng dậy. Cả đoàn quân bây giờ ào về phía bên tay phải, nổ súng vang rừng về phía hai bóng đen chạy lúp xúp. Hàng cây xanh xa xa hướng bọn hắn đang chạy tới có lẽ là nơi có suối. Có lẽ bọn áo đen kia vừa vượt qua con suối, đi về hướng bọn hắn đang ngồi và bị phát hiện nên chạy ngược trở lại. Hai bóng người chạy thoáng ẩn thoáng hiện sau những thân cây rất khó bắn. Sơn đang chạy ngon trớn bỗng vấp cái rễ cây té nhào, khẩu súng văng ra khỏi tay nằm lăn lóc trước mặt. Quên cả đau, Sơn vùng dậy chộp khẩu súng chạy tiếp.
Khi Sơn đến được hàng cây xanh ven con suối thì tiếng súng đã ngưng. Tĩnh đang ngồi bên một cái xác bận đồ đen nằm sóng soãi giữa lòng con suối cạn. Phía bên kia con suối, cuộc săn đuổi bóng đen thứ hai vẫn còn tiếp tục nhưng có lẽ nó đã biến mất hút nên không nghe tiếng súng bắn đuổi.
Bước đến bên cạnh Tĩnh, Sơn mới thấy cái xác nằm đó là của một người con gái nhỏ thó nằm sấp mặt xuống cát, chiếc khăn rằn xanh trùm đầu rũ xuống che khuất cả mặt. Viên đạn trúng giữa lưng người con gái, máu loang rộng khoảng bằng bàn tay trên vuông áo vải đen đã bạc. Bên cạnh xác người con gái là khẩu súng carbine cũ kỹ, chiếc túi vải xanh lá cây và cái bi-đông nước đeo bằng một sợi dây vải vắt chéo vai.
Tĩnh vụt đứng dậy, bắt gặp ánh mắt Sơn, quay đi và buộc miệng:
“Không phải Chanta!”
Sơn nhìn sững Tĩnh. Chanta, Chanta nào? Làm gì có chuyện Chanta ở đây? Ngôi làng của Chanta nằm cách đây cả hơn ngày đường. Làm sao Tĩnh biết không phải Chanta khi chưa nhìn rõ mặt? Mà Chanta làm gì ở đây mới được chứ?
Hai hôm trước, được nghỉ quân sớm bên cạnh một ngôi làng nhỏ, Tĩnh và Sơn vác súng vào làng chơi. Ngôi nhà đầu tiên ven làng bọn hắn bước vào chỉ có một cô gái. Người con gái bé loắt choắt vấn chiếc khăn rằn xanh phủ kín đầu chỉ còn chừa đôi mắt đen và cái miệng tươi cười. Cô bé cười luôn miệng và chỉ cười vì số vốn tiếng Miên của Tĩnh và Sơn không cho phép nói gì hơn dăm ba câu thăm hỏi vớ vẩn. Tên cô gái là Chanta. Buổi chiều hôm đó khi về, Tĩnh và Sơn hơi hối hận vì đã ăn gần hết nửa bụi mía nhỏ trước nhà mà Chanta đã luôn tay chặt mời.
Sơn ngại ngùng liếc nhìn thêm lần nữa cái xác nằm trước mặt, da dẻ hắn nổi gai ốc. Bây giờ thử xem mặt cho biết có phải Chanta nằm đó không thì cũng chẳng để làm gì. Chanta hay chẳng Chanta thì cái xác rồi cũng nằm khô héo đó như cái xác con khỉ bọn hắn thấy hôm trước - con khỉ có lẽ chết khát giữa lòng suối khô trên đường đi tìm nước, nằm đó không biết đã bao lâu mà xác không thối rữa vì trời quá nắng. Những cái xác chết như thế này nằm yên ổn ở đó ít ra cũng được hết mùa khô khi những con suối tràn ngập nước mưa.
Tuy vậy, cái ý nghĩ rằng người con gái nhỏ với đôi mắt lấp lánh cười bây giờ nằm đó làm Sơn chóng mặt. Hắn như nghe lại tiếng cười khúc khích của Chanta và thấy lại hai bàn chân nhỏ thó của người con gái quanh bụi mía trước nhà. Khẩu súng nặng muốn tuột ra khỏi tay Sơn ướt mồ hôi. Hắn leo vội lên khỏi bờ suối. Chuyện Chanta hoặc người con gái nào khác nằm kia có theo Khờ-me đỏ hoặc ông hoàng Sihanouk thì bây giờ lại càng chẳng có ý nghĩa gì. Sơn nhớ có lần bên con lộ 13 vắng vẻ chạy từ Tây Ninh sang, bọn hắn bắn thử mấy quả đạn B.40 tịch thu được, tiếng đạn nổ vang động cả khu rừng vắng. Chỉ ít phút sau, cả một đoàn dân Miên nheo nhóc từ trong rừng kéo nhau ra, dáng điệu hoảng hốt vì tưởng rằng sắp có trận đánh lớn. Họ là dân của nguyên một làng kéo nhau đi tìm ông hoàng Sihanouk nghe đâu đã về trong rừng. Họ có biết đâu ông hoàng của một thời thái bình thịnh trị nào đó bây giờ còn đang lưu lạc bên Tàu, bên Tây, hoặc có khi đang bận rộn với ban nhạc kèn đồng của ông.
Phía bên kia rặng thốt nốt ven làng, mặt trời đã lặn sau cánh rừng âm u. Sơn nằm trên chiếc võng mắc giữa hai thân ổi trong khu vườn cỏ mọc tràn lan. Những ngôi nhà sàn trong cái xóm không người này như mọc lên từ đám cây cỏ dại cao ngang ngực. Ngày mai, đại đội Sơn lại trở về bên kia sông Mê-kông vì cuộc hành quân chấm dứt. Tĩnh thì bây giờ đã ở bên đó.
Từ hôm kia, khi xảy ra vụ người con gái bị bắn chết dưới lòng suối, Tĩnh có vẻ không được khoẻ lắm, khuôn mặt xanh tái của hắn vốn đã đăm chiêu lại càng u tối thêm lên, gần như cáu kỉnh. Chiều hôm đó, khi Sơn tìm tới bên võng Tĩnh nói chuyện, Tĩnh than với Sơn:
“Bực mình, thằng Toàn nó bảo là chính nó bắn chết con bé Miên mà tôi lại tranh công với nó. Nó sợ chuyến này không được bầu làm chiến sĩ thi đua ấy mà.”
“Lúc đó mày với nó cùng rượt đuổi hả?”
“Vâng, nhưng tôi biết là chính tôi...,” Tĩnh ngập ngừng rồi nói tiếp, “Lúc đó, mình cứ như làm theo phản xạ tự nhiên, gặp địch ít như thế là phải đuổi, mà bắn thì phải ngắm đàng hoàng. Không biết là mình học cái phản xạ tự nhiên đó từ lúc nào.”
Thấy Sơn không hỏi gì thêm, Tĩnh cũng không muốn nói tiếp. Ngồi trên võng, hai khuỷu tay chống lên đùi, hai tay đỡ lấy trán, Tĩnh có vẻ như đang nhìn xuống đàn kiến đang bò trên mặt đất. Một lúc lâu sau, Tĩnh mới tiếp:
“Khi còn bé, tôi chuyên môn đi tìm ổ kiến lửa đốt chơi. Những lần như thế, mẹ tôi biết được ngăn lại, chẳng nói gì, mà trông bà không được vui lắm. Chỉ có một lần khi tôi ngắt một bó hoa cúc dại mọc ven rào xé tung toé từng cánh chơi, bà mới nói: ‘Con xem, hoa đẹp như thế này mà tại sao lại xé tan nát nó đi. Những gì mình không tạo ra được thì không có quyền huỷ hoại.’ Câu đó đến bây giờ tôi mới hiểu thấm thía.”
Sáng hôm nay, vùng dậy khỏi chiếc võng chụp vội khẩu súng trong bóng tối lờ nhờ buổi sớm mai khi nghe tiếng súng nổ, Sơn cứ tưởng địch rình đánh trộm cho đến khi nghe tiếng la:
“Thằng Tĩnh nó chết rồi!”
Khi Sơn băng nhanh qua tới đầu vườn bên kia, nơi Tĩnh mắc võng, Tĩnh đang nửa ngồi, nửa nằm trên võng, khẩu AK nằm lăn lóc trên mặt đất, đầu Tĩnh lún sâu vào võng nên Sơn không nhìn thấy được mặt. Có ai đó nói với Sơn là viên đạn đi qua lỗ tai trổ sang bên kia. Máu thấm qua lớp vải xanh của chiếc võng Trung Quốc nơi mặt Tĩnh áp vào. Có lẽ còn có máu vương vãi trên mặt đất nhưng trời chưa đủ sáng để nhìn thấy. Sơn còn nghe mùi thuốc súng khen khét khi quay lưng bước vội khỏi chỗ đó.
Tiếng ơi ới gọi lấy cơm từ phía bếp anh nuôi. Sơn ngồi bật dậy khỏi chiếc võng. Buổi chiều, nhóm chở xác Tĩnh sang bên kia sông trở về xì xào với nhau rằng khi bọn vận tải trung đoàn rửa xác Tĩnh, óc Tĩnh đổ ra cả thau, thứ thau nhôm họ thường dùng đựng cơm và thức ăn. Sơn không hiểu hắn có nên tin rằng Tĩnh có cái quyền tự huỷ hoại thân xác mình không. Có lẽ nào đó là lối thoát duy nhất, một thứ phản kháng tuyệt vọng đối với cái thân xác mà mình không làm chủ, cái thân xác không hiểu từ bao giờ đã học bóp cò huỷ hoại một thân xác con người khác như một phản xạ tự nhiên.
Vạch đám cỏ dại băng ngang qua vườn, Sơn nhận thấy bóng tối đã ập về từ lúc nào. Cơm nước nấu xong, bếp anh nuôi đã được dập lửa nhưng một ít than hồng vẫn còn cháy hắt hiu, buồn bã giữa đám người xúm xít chia cơm. Đôi mắt đăm chiêu và nụ cười lặng lẽ của Tĩnh mới hôm qua đã xa thật xa. Không bao giờ nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét