Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Đọc... chơi vài bài ca dao


Nguyễn Hưng Quốc


Ca dao, ai cũng biết là hay. Tuy nhiên, có nhiều bài ca dao chúng ta đọc đi đọc lại cả trăm lần, mơ hồ cảm nhận là chúng hay, mà chả hiểu chúng hay ở chỗ nào cả. Chỉ đến một lúc nào đó...
Ví dụ bài ca dao rất quen thuộc này:
Mình nói dối ta mình hãy còn son,
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò.
Con mình những trấu cùng tro,
Ta đi xách nước tắm cho con mình.
Tôi thuộc bài ca dao này từ nhỏ. Nhưng chỉ gần đây, tôi mới bắt đầu loé thấy một ít cái hay của nó. Trước hết, chúng ta biết ngay bài ca dao này được làm theo thể lục bát. Bình thường, trong thơ lục bát, câu sáu chữ nằm trên câu tám chữ, lục rồi mới đến bát. Tuy nhiên, trong bài này có điểm lạ: là thơ lục bát, nhưng thay vì mở đầu bằng một câu lục thì nó lại mở đầu bằng một câu bát phá thể. Hệ quả là gì? Hệ quả là hơi thơ của câu thứ nhất dài hẳn ra. Dài và thiết tha vô hạn: tấm lòng của anh thanh niên mở ra bao la với những nguyên âm ‘o’ và nguyên âm ‘a’ rộng rãi và khép lại ở nguyên âm ‘i’ thầm thì trong chữ ‘mình’, một chữ được dùng để gọi người yêu, lặp lại đến hai lần ở câu thứ nhất. Thành ra ở đây, ngay câu thứ nhất, đã có một nghịch lý: ý câu thơ là tố cáo một sự dối trá (‘Mình nói dối ta...’) mà giọng thơ thì lại rất mực ngọt ngào và ấm áp: anh thanh niên biết mình bị lừa mà lại sẵn sàng chấp nhận bị lừa, sung sướng để chịu bị lừa.
Hay nhất trong bài ca dao vẫn là chữ ‘mình’. ‘Mình’ là cách xưng hô đầy âu yếm để gọi người mình yêu. Chữ ‘mình’ ấy lại lặp đến lại năm lần, mang hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau: bốn lần đầu, ‘mình’ là em, chỉ người con gái, ngôi thứ hai số ít: ‘con mình’ là con của em, là ‘your child’. Đến lần thứ năm, cũng là ‘mình’, nhưng ‘mình’ ở đây lại là ta, là chúng ta, ngôi thứ nhất số nhiều, bao gồm cả người con trai lẫn người con gái: ‘con mình’ ở câu cuối là ‘our child’. Người thanh niên chấp nhận đứa con riêng của người yêu làm con của mình.
Bài thơ mở đầu bằng chữ ‘mình’, kết thức cũng bằng chữ ‘mình’. Từ chữ ‘mình’ đầu bài đến chữ ‘mình’ cuối bài, cách nhau chỉ có 28 từ mà thực ra là cả một quá trình chuyển hoá của mối quan hệ giữa người con trai và người con gái, là lịch sử của một mối tình vừa ngang trái lại vừa cảm động. Trước là hai, sau chỉ là một: người thanh niên chấp nhận người tình ngay cả khi bị chị đánh lừa.
Cuối cùng, vì lặp đi lặp lại nhiều lần từ ‘mình’, chứa đựng nhiều âm ‘m’ vốn là một phụ âm môi, nhẹ nhàng và ngọt ngào, bài ca dao mang đầy giọng tâm tình. Như một lời thủ thỉ, thầm thì. Hiếm có bài ca dao nào của Việt Nam mà có cái giọng ngọt và ấm đến như vậy.
Hay bài ca dao này, còn nổi tiếng và quen thuộc hơn nữa:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc;
Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay...
- Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ;
Chim vào lồng, biết thuở nào ra.
Bài ca dao này đã được khá nhiều người phân tích. Phần lớn đều tập trung ở khía cạnh hình tượng và ngữ nghĩa. Những sự phân tích ấy ít khi khác nhau cho nên tôi không muốn nhắc lại làm gì. Tôi chỉ xin lưu ý đến khía cạnh ngữ âm, một khía cạnh ngờ như có khả năng tiết lộ khá nhiều điều thú vị, đặc biệt là cảm xúc của người con gái.
Bài ca dao được cấu trúc bằng hai ngôn ngữ: ngôn ngữ của người con trai và ngôn ngữ của người con gái. Bài ca dao giống như một vở kịch với hai lời đối thoại. Nhưng lời nói của người con trai không hẳn là một lời nói, có vẻ như là lời kể của ai đó, một nhân vật thứ ba, ở ngoài. Tại sao? Không có gì khó hiểu cả: người con trai đang ở trong một trạng thái bất ổn, phân thân, hồn một nơi mà thân xác một nơi. Nhiều người ngạc nhiên tự hỏi: không hiểu anh loăng quăng, líu quíu trèo lên, trèo xuống để làm gì vậy? Thật ra, có gì lạ đâu. Nhớ, trong một bài ca dao khác, một người con gái cũng có cái dáng điệu loăng quăng líu quíu như thế: “Khăn thương nhớ ai / Khăn rơi xuống đất / Khăn thương nhớ ai / Khăn vắt lên vai...”. Sự loăng quăng líu quíu ấy chỉ là một cách để làm nguôi ngoai một tâm trạng bời bời, đồng thời cũng là một dấu hiệu cho thấy anh không còn tự chủ được mình nữa, anh bị thất lạc tâm hồn. Anh bàng hoàng. Anh thảng thốt. Anh chấn động trước sự việc người anh yêu thầm đi lấy chồng.
Ngắm nụ hoa tầm xuân xanh biếc, người con trai ngẩn ngơ: “Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay.” Một câu hỏi quan trọng mà người đọc thơ không thể không đặt ra: có quan hệ gì giữa nụ tầm xuân và việc người con gái lấy chồng, từ đó, dẫn đến niềm tiếc nuối, xót xa kia? Ngỡ như không có. Mà lại có. Ở cái vần ‘iếc’ trong chữ ‘biếc’ cuối một câu thơ vốn có thật nhiều nguyên âm mở. Nó như một sự khép lại. Nó mảnh. Nó sắc. Như một sợi khói bay lên, bay lên, xa hút: nó hình tượng hoá một sự mất mát, một cái gì vuột khỏi tầm tay.
Người con gái chắc cũng yêu bạn mình. Chị đã từng chờ đợi. Hoài công vì sự nhút nhát của anh. Chị vừa thông cảm lại vừa giận. Chị đay nghiến: “ba đồng... một mớ....”. Sở dĩ đay nghiến là vì còn yêu, còn thương. Nhưng dẫu sao thì cũng đã lỡ: chị đã có chồng. Người con gái ý thức rất rõ điều đó, cho nên, giọng chị cứng lại:
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng...
Vần hai câu thơ rơi vào âm ‘ông’ sang sảng, ngân vang. Mạnh, rất mạnh. Dứt khoát, rất dứt khoát. Nhưng tôi ngờ là chị chỉ cao giọng để lừa dối chính chị. Bởi, nói chưa hết câu ấy, giọng chị đã trầm xuống, thổn thức:
....Như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra.
‘Câu’, ‘đâu’, ‘gỡ’, ‘thuở’: những chữ kết thúc bằng nguyên âm ‘u’ và ‘ơ’, nửa khép nửa nhẹ, bềnh bồng, rưng rưng, không chừng là một tiếng khóc.
Một ví dụ khác:
Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó chạy rông trên bờ.
Từ trước đến nay, bài ca dao này thường chỉ được đọc trong những lúc nói chuyện phiếm, như một bài ca dao trào lộng. Đọc cho vui, đọc để cười chơi, vậy thôi. Trong ý nghĩa ấy, bài ca dao được nhìn nhận như một cái gì khá tục và khá nhảm.
Tuy nhiên, theo tôi, không chừng đó là một bài ca dao hay.
Vấn đề là: nó hay ở chỗ nào?
Trước hết là nó bạo và nó mới. Nó không có một chút sáo ngữ nào cả. Dĩ nhiên, nói thế, chúng ta cần thận trọng. Không phải cứ hễ viết tục là thoát sáo. Từ trước đến nay, ở đâu cũng có những người khoái viết tục và viết bạo. Hiện nay, người ta lại càng viết tục và viết bạo. Nhưng chưa chắc đã hay. Dù sao, theo tôi, cái tục của câu ca dao này quả là hay thực. Nó không phải chỉ bạo để bạo, chỉ mới vì mới mà còn là một sự sáng tạo hầu vẽ nên một thế giới gần hiện thực hơn. Chúng ta hãy nhớ lại xã hội Việt Nam ngày xưa. Đâu phải ai cũng như là Thuý Kiều và Kim Trọng, cũng là “người quốc sắc, kẻ thiên tài”, là “trai anh hùng, gái thuyền quyên” cả. Trong xã hội thời xưa, đặc biệt là ở nông thôn, đại đa số các cặp tình nhân là những anh thợ cày và những chị đầy tớ. Anh đi làm mướn, chị đi ở đợ. Anh giống như Chí Phèo, chị giống như Thị Nở. Đời sống của họ cơ cực, tối tăm. Cho nên, không có gì lạ khi họ tự ví
Em như cục cứt ...
Anh như con chó ...
Cái tục của ngôn ngữ, cái thô của hình tượng ở đây lại là những cái thực và là một sự sáng tạo. Nó phá đổ những khuôn sáo cũ kỹ và giả tạo trong văn chương bác học. Nó vứt bỏ những son phấn những mũ mão đai hia để làm hiện hình những con người gần gũi với cuộc đời hằng ngày.
Hơn nữa, điều đáng cảm động ở đây là cặp tình nhân tự biết thân phận của người họ yêu và của chính họ chẳng ra gì. Em không ra gì. Mà anh thì cũng chẳng ra gì. Thế nhưng họ vẫn cứ yêu nhau, thương nhau. Chúng ta nhớ trong truyện ‘Chí Phèo’, Chí Phèo và Thị Nở cũng từng có lúc yêu nhau như tất cả mọi cặp tình nhân khác trên đời này. Và trên đời này, tất cả những con người bất hạnh khác, khi yêu nhau, thì cũng yêu nhau như tất cả những con người bình thường hay may mắn khác yêu nhau. Cách biểu hiện tình yêu có thể khác nhau nhưng những rung cảm những những xao xuyến những quyến luyến những ngây ngất trong lòng thì chắc chắn là không có gì khác nhau cả.
Ở giữa câu lục là hai từ bắt đầu bằng phụ âm ‘k’ (‘cục cứt’) mạnh, gắt, như một nỗi đau uất. Ở giữa câu bát là hai từ bắt đầu bằng phụ âm ‘ch’ (‘chó chạy’) mềm mại, ngân vang, như một nỗi buồn tênh. Câu ca dao, như thế, không phải chỉ tả mối tình giữa hai người khốn khó bất hạnh tự ví mình với những gì hèn mọn, thậm chí hèn hạ nhất trên mặt đất. Điều đáng đau xót, toát lên từ câu ca dao này là ở chỗ, mặc dù họ tự biết thân phận của mình, mặc dù họ hoàn toàn an phận, chấp nhận cái số kiếp làm phân, làm chó, họ vẫn không được gần nhau. Em vẫn lênh đênh giữa sông và anh vẫn chạy rông trên bờ. Anh vẫn không bắt được em, vẫn ở từ xa mà nhìn em một cách thèm thuồng. Giữa hai người vẫn có một khoảng cách vời vợi. Không cùng.
Bài ca dao, do đó, mặc dù có một số chữ có vẻ tục, có vẻ sỗ sàng lại chứa đựng một ý nghĩa hết sức thâm trầm, thể hiện được đúng số phận của hàng triệu triệu cặp thanh niên nam nữ nghèo khó, lam lũ và bất hạnh trong cuộc đời, nhất là cuộc đời ngày xưa.
Còn một câu ca dao khác cũng rất đáng bàn. Đó là câu
Vân Tiên ngồi dưới gốc môn
Chờ cho trăng lặn bóp l... Nguyệt Nga
Xin nói ngay: tôi không có ý định khen đây là bài ca dao hay.
Không hay, nhưng nó không hẳn chỉ là một cách nói tục tĩu, nhảm nhí, và chắc chắn không phải là những câu vần vè vô nghĩa như lâu nay chúng ta vẫn thường tưởng.
Chỉ cần đặt câu hỏi: tại sao người ta lại không nói Kim Trọng hay Từ Hải hay Sở Khanh hay Mã Giám Sinh ‘ngồi dưới gốc môn’? Trả lời câu hỏi ấy, chúng ta sẽ thấy ngay tác giả của câu ca dao này chính là những độc giả của Nguyễn Đình Chiểu. Thế nhưng, ở đây lại nảy ra một câu hỏi khác: tại sao, trong truyện Lục Vân Tiên, người ta không chọn nhân vật nào khác, như Bùi Kiệm, một nhân vật được Nguyễn Đình Chiểu mô tả bằng những lời lẽ rất nặng nề, rất thích hợp với vai trò của kẻ ‘ngồi dưới gốc môn’: “Còn thằng Bùi Kiệm máu dê / Ngồi chề bê mặt như sề thịt trâu”? Tại sao?
Tại sao người ta lại chọn ngay chính Lục Vân Tiên, một nhân vật được xem là nghiêm trang, nghiêm túc, thậm chí nghiêm khắc, có thể xem như một khuôn mẫu về đạo đức, để bắt làm cái chuyện phàm phu tục tử ấy? Tại sao người ta lại chọn cái nhân vật không dám nhìn cả phụ nữ “Khoan khoan ngồi đó chớ ra / Nàng là phận gái, ta là phận trai”, không dám lần khân lâu bên phụ nữ “Vân Tiên ngó lại rằng: Ừ / Làm thơ cho kịp chừ chừ chớ lâu” lại làm cái việc ‘công xúc tu sỉ’ ấy?
Tại sao? Chắc chắn là có lý do. Và lý do cũng không có gì khó hiểu: Chúng ta dễ dàng thấy được câu ca dao trên là một cách phản ứng chống lại thái độ đạo đức khắt khe, có phần giả tạo của Lục Vân Tiên, và phần nào cũng là của Nguyễn Đình Chiểu. Chế diễu thái độ đạo đức cứng nhắc ấy, dân chúng đã cho Lục Vân Tiên làm cái việc nhảm nhí là ‘ngồi dưới gốc môn, chờ cho trăng lặn...’ Trong cách nhìn này, câu ca dao trên có cùng trường nghĩa với một câu ca dao khác, từ lâu vẫn được xem là có ‘lập trường tiến bộ’ và ‘đứng đắn’ hơn:
Ban ngày quan lớn như thần,
Ban đêm quan lớn tần mần như ma.
Nói cách khác, tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có lý để xem câu ‘Vân Tiên ngồi dưới gốc môn...’ như một cách đọc truyện Lục Vân Tiên. Đó là một lời phê bình cuốn Lục Vân Tiên. Trong vô số những lời phê bình truyện Lục Vân Tiên, không chừng cách phê bình này của dân gian là một cách phê bình hay. Hay và sắc sảo. Nó nhắm vào một trong những vấn đề trung tâm của tác phẩm là quan niệm đạo đức cũng như cách thức xây dựng nhân vật của cụ Đồ Chiểu nói chung.
Cũng vậy, chúng ta có thể đọc những câu:
Vân Tiên cõng mẹ chạy ra,
Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô.
Vân Tiên cõng mẹ chạy vô,
Đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra.
Vân Tiên cõng mẹ chạy ra...
như một sự phê phán quan điểm đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu: ông một mực đề cao những chuẩn mực đạo đức cổ điển và cổ kính như trung, hiếu, tiết, nghĩa với hy vọng là chúng sẽ giúp duy trì sự ổn định trong xã hội, tuy nhiên, một là, xã hội Việt Nam vào nửa sau thế kỷ 19, trong sự cọ xát dữ dội với văn minh Tây phương và thế lực thực dân, cứ ngày một rạn nứt, vô phương hàn gắn; hai là, bản thân những chuẩn mực đạo đức tưởng đâu là chân lý vĩnh cửu ấy thật ra rất đáng ngờ, và với sự lung lay của Nho học, càng ngày càng đáng ngờ thêm. Con thuyền ‘chở đạo’ của Nguyễn Đình Chiểu, do đó, không phải chỉ trôi trên một dòng nước ngược mà còn, hơn nữa, trên thực tế, chỉ loay hoay mãi trong một vũng nước tù, không có lối thoát, hết ‘đụng’ cái này thì ‘đụng’ cái kia, cứ quanh quanh quẩn quẩn mãi trong sự tuyệt vọng và bế tắc. Nói cách khác, đó là những lý tưởng ở đường cùng. Biện pháp dựa trên nguyên tắc đạo đức mà Nguyễn Đình Chiểu đề xuất, hay đúng hơn, cổ vũ, đã không giải được bài toán của thời đại.
Theo tôi, chỉ với cách hiểu như thế, chúng ta mới giải thích được tại sao một nhân vật chính diện trong một tác phẩm nặng dụng tâm giáo huấn của một tác giả được xem là tiêu biểu nhất của dòng văn học giáo huấn lại biến thành - không phải một lần mà là nhiều lần, ít nhất là hai lần như vừa nêu - một nhân vật hài trong nền văn học dân gian.
Một ngày nào đó, nếu tôi đủ hứng thú và can đảm làm một tuyển tập phê bình về Nguyễn Đình Chiểu, có khi tôi sẽ chọn in những câu ca dao trên ngay ở trang đầu. Ở đâu đó, bên kia thế giới, đã xa lắm lắm những lời dạy lẩm cẩm kiểu ‘trai thời trung hiếu làm đầu / gái thời tiết hạnh làm câu trau mình’, đọc những lời phê bình thông minh và hóm hỉnh ấy, không chừng cụ Đồ sẽ cả cười.

Nu cười lặng lẽ


Cheo Reo


        Khoảng trời xanh bát ngát mở ra đột ngột sau một khúc quanh của con đường mòn làm Sơn choáng ngợp. Sông Mê-kông đó. Từ trên bờ sông cao nhìn xuống, ánh mắt Sơn chới với lọt vào khoảng không gian vô hạn thật khác xa với quãng đường bọn hắn đi mấy hôm nay - những con đường mòn quanh co trong đám rừng cây nám đen rình rập với những cành khẳng khiu đan che trên đầu.
        Sau bãi cát trắng trải dài, khúc quanh của con sông mở ra thật rộng mờ lam khói sương buổi sớm mai. Phía thật xa bờ bên kia, có lẽ phải cách đến hai cây số, một vài căn nhà ngói cũ kỹ đứng chìm khuất trong vùng mờ tối nơi mặt trời chưa chiếu tới, nhưng khoảng trời không gợn mây phía trên, hứa hẹn của một ngày nắng đẹp, thì thật lung linh xanh, chất ngất xanh. Sơn cảm thấy căng phồng hít thở thật tham lam bầu khí mát lạnh.
        Buổi sáng thật êm ả, tiếng chim cu gù trong rặng tre ven sông cất lên buồn buồn rồi chìm vào tiếng lá xao xác. Đoàn quân bước nhẹ hẳn đi chỉ vì không muốn tự tố giác sự hiện diện của mình. Một tiếng cành khô gẫy dưới bước chân đi vẫn nghe rất rõ trong thứ im lặng này.
        Tĩnh đi phía trước Sơn quay lại cười không thành tiếng. Nụ cười Tĩnh thật hiền. Tĩnh thì lúc nào cũng vậy - ít nói, điềm đạm, ngay cả nụ cười cũng không mấy khi vui, có lẽ vì một bên miệng luôn trễ xuống khi cười, vì những quầng thâm quanh mắt và những nếp nhăn xuất hiện sớm trên trán. Nụ cười Tĩnh không cố ý làm ra vẻ khinh bạc, nó chỉ tự nhiên như vậy thôi, tự nhiên như nhiều lúc Tĩnh nhìn một người hoặc một vật thể nào đó mà thật sự không thấy gì hết, ánh mắt Tĩnh không dừng lại ở vật thể trước mắt mà đi xa hơn nữa, vào thật sâu bên trong như hòng khám phá ra cái nội dung phong phú ẩn mật sau lớp vỏ bên ngoài, vào cái bản thể chân thật của sự vật. Có nhiều khi hơn thế nữa, Sơn biết ánh mắt Tĩnh còn đi xa hơn, vượt qua những gì hiện diện trước mặt để suy nghĩ lung lắm về những điều gì đó xa xôi Sơn không hiểu và không dám hỏi. Nhiều lúc Sơn nghi ngờ về cái gọi là tình thân giữa Tĩnh và mình. Ừ, thì Tĩnh là người Sơn cảm thấy gần gũi nhất trong đại đội này nhưng Sơn thấy Tĩnh hình như vẫn chưa coi mình như một người bạn thân hay ít ra Tĩnh cũng không biểu lộ điều đó. Những lúc rảnh rỗi cuối ngày tìm tới nhau, hai thằng thường chỉ ngồi trầm ngâm, nói với nhau rất ít. Tĩnh hầu như chẳng bao giờ tâm sự với Sơn về cuộc sống của mình nơi quê nhà hoặc những mối bận tâm hằng ngày. Những lúc Tĩnh ngồi lặng hằng giờ như vậy, Sơn sợ không dám khua động sự suy nghĩ của bạn nên cũng ngồi im cho đến khi Tĩnh buông một tiếng “Về”, rồi đứng dậy chờ cho Sơn gật đầu ra dấu có nghe trước khi quay lưng đi.
        Giơ tay gạt một nhánh tre mọc chắn đường, Tĩnh lại ngoái nhìn, cười, vẫn cái khoé miệng trễ xuống tạo thành nụ cười buồn rất ‘Tĩnh’. Hắn thì thào:
        “Con sông này làm nhớ quê quá!”
        Ừ, đúng rồi, bây giờ Sơn mới biết vì sao cảnh tượng bao la của con sông Mê-kông lại làm hắn bàng hoàng. Chắc chắn là ở quê Tĩnh và quê Sơn, một thằng ở Bắc và một thằng ở Nam, không có cảnh nào giống cảnh này. Quê Tĩnh ở Hà Bắc làm gì có con sông nào rộng mênh mông như con sông này. Những con sông ở quê Sơn, Nha Trang, thì lại còn nhỏ hơn nữa. Bãi cát ven sông này trắng và rộng hơn bãi biển Nha Trang nhiều lắm. Ấy vậy mà vẫn có cái gì đó trong sông nước gờn gợn gió, sương khói ngát xanh, trong tiếng chim cu gù chìm mất hút vào tiếng lá tre xao xác giữa cái nắng trong vắt đầu ngày làm Sơn nhớ nhà. Có lẽ khi đã nhớ nhà thì bất cứ một chi tiết nhỏ nào của cảnh vật chung quanh cũng có thể làm mình liên tưởng tới những cảnh tương tự nơi quê nhà. Đất Việt hay đất Miên chỉ là những cái tên, sự ràng buộc quyến luyến chỉ được tạo thành sau nhiều năm gần gũi. Dẫu sao, Sơn không nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng quên đi cảnh non sông bát ngát xanh này một mai khi ở nơi nào khác, nhất là cái cảm giác bàng hoàng, sững sờ trước cảnh tượng vụt hiện ra sau một khúc quanh.
        Đoàn quân vừa tới một ngã rẽ khác. Con đường mòn hướng về phía tay phải, bỏ lại con sông sau lưng. Phía trước mặt, cảnh nhàm chán mấy ngày hôm nay lại hiện ra - những thân cây khẳng khiu đen, không lá, đất không cỏ, con đường đất bụi đỏ ngập đến mắt cá chân. Sơn ngoái đầu nhìn lui, đoàn bộ đội dài ngoằng lỉnh kỉnh súng đạn, soong nồi, quần áo lếch thếch đẫm mồ hôi, những khuôn mặt mệt nhọc, đăm đăm. Ừ, có lẽ bọn họ trông có vẻ thích hợp trong cảnh rừng như thế này hơn là cảnh sông êm đềm kia. Cuộc hành quân kéo dài gần tuần nay dọc theo con sông Mê-kông này khá êm thắm. Dĩ nhiên dối với cấp chỉ huy thì cuộc hành quân không đạt yêu cầu nhưng bọn lính quèn như hắn thì có cần gì, miễn không đụng địch là được.
        Có lệnh nghỉ giải lao từ phía sau truyền lên. Sơn tấp ngay vào gốc cây gần nhất bên cạnh con đường mòn, hất cái ruột tượng gạo vắt chéo trên vai xuống đất, buông cái ba lô xuống bên cạnh rồi gác cây súng AK lên trên. Hắn ngồi phịch ngay lên cái ruột tượng gạo, dựa vào thân cây, thở phào nhẹ nhõm. Một tiếng đồng hồ hành quân đầu tiên của buổi sáng đủ làm mình mẩy hắn đẫm ướt mồ hôi. Sơn bỏ mũ cối ra, vò mạnh đầu tóc ngắn củn cởn của mình cho những giọt mồ hôi bắn tung toé. Ở phía sau, đoàn quân rải ra ngồi la liệt hai bên con đường mòn nhưng vẫn để ý quay ra trông chừng đủ các hướng - thói quen của những kẻ luôn kề cận với hiểm nguy, những kẻ sống trong một môi trường thù địch.
        Tĩnh đang bước về phía Sơn với điếu thuôc vấn nhỏ xíu trên tay thì có tiếng súng nổ vang ở giữa đoàn quân. Hắn vất vội điếu thuốc, phóng trở lại nơi để súng. Sơn cũng chụp khẩu súng của mình vùng dậy. Cả đoàn quân bây giờ ào về phía bên tay phải, nổ súng vang rừng về phía hai bóng đen chạy lúp xúp. Hàng cây xanh xa xa hướng bọn hắn đang chạy tới có lẽ là nơi có suối. Có lẽ bọn áo đen kia vừa vượt qua con suối, đi về hướng bọn hắn đang ngồi và bị phát hiện nên chạy ngược trở lại. Hai bóng người chạy thoáng ẩn thoáng hiện sau những thân cây rất khó bắn. Sơn đang chạy ngon trớn bỗng vấp cái rễ cây té nhào, khẩu súng văng ra khỏi tay nằm lăn lóc trước mặt. Quên cả đau, Sơn vùng dậy chộp khẩu súng chạy tiếp.
        Khi Sơn đến được hàng cây xanh ven con suối thì tiếng súng đã ngưng. Tĩnh đang ngồi bên một cái xác bận đồ đen nằm sóng soãi giữa lòng con suối cạn. Phía bên kia con suối, cuộc săn đuổi bóng đen thứ hai vẫn còn tiếp tục nhưng có lẽ nó đã biến mất hút nên không nghe tiếng súng bắn đuổi.
        Bước đến bên cạnh Tĩnh, Sơn mới thấy cái xác nằm đó là của một người con gái nhỏ thó nằm sấp mặt xuống cát, chiếc khăn rằn xanh trùm đầu rũ xuống che khuất cả mặt. Viên đạn trúng giữa lưng người con gái, máu loang rộng khoảng bằng bàn tay trên vuông áo vải đen đã bạc. Bên cạnh xác người con gái là khẩu súng carbine cũ kỹ, chiếc túi vải xanh lá cây và cái bi-đông nước đeo bằng một sợi dây vải vắt chéo vai.
        Tĩnh vụt đứng dậy, bắt gặp ánh mắt Sơn, quay đi và buộc miệng:
        “Không phải Chanta!”
        Sơn nhìn sững Tĩnh. Chanta, Chanta nào? Làm gì có chuyện Chanta ở đây? Ngôi làng của Chanta nằm cách đây cả hơn ngày đường. Làm sao Tĩnh biết không phải Chanta khi chưa nhìn rõ mặt? Mà Chanta làm gì ở đây mới được chứ?
        Hai hôm trước, được nghỉ quân sớm bên cạnh một ngôi làng nhỏ, Tĩnh và Sơn vác súng vào làng chơi. Ngôi nhà đầu tiên ven làng bọn hắn bước vào chỉ có một cô gái. Người con gái bé loắt choắt vấn chiếc khăn rằn xanh phủ kín đầu chỉ còn chừa đôi mắt đen và cái miệng tươi cười. Cô bé cười luôn miệng và chỉ cười vì số vốn tiếng Miên của Tĩnh và Sơn không cho phép nói gì hơn dăm ba câu thăm hỏi vớ vẩn. Tên cô gái là Chanta. Buổi chiều hôm đó khi về, Tĩnh và Sơn hơi hối hận vì đã ăn gần hết nửa bụi mía nhỏ trước nhà mà Chanta đã luôn tay chặt mời.
        Sơn ngại ngùng liếc nhìn thêm lần nữa cái xác nằm trước mặt, da dẻ hắn nổi gai ốc. Bây giờ thử xem mặt cho biết có phải Chanta nằm đó không thì cũng chẳng để làm gì. Chanta hay chẳng Chanta thì cái xác rồi cũng nằm khô héo đó như cái xác con khỉ bọn hắn thấy hôm trước - con khỉ có lẽ chết khát giữa lòng suối khô trên đường đi tìm nước, nằm đó không biết đã bao lâu mà xác không thối rữa vì trời quá nắng. Những cái xác chết như thế này nằm yên ổn ở đó ít ra cũng được hết mùa khô khi những con suối tràn ngập nước mưa.
        Tuy vậy, cái ý nghĩ rằng người con gái nhỏ với đôi mắt lấp lánh cười bây giờ nằm đó làm Sơn chóng mặt. Hắn như nghe lại tiếng cười khúc khích của Chanta và thấy lại hai bàn chân nhỏ thó của người con gái quanh bụi mía trước nhà. Khẩu súng nặng muốn tuột ra khỏi tay Sơn ướt mồ hôi. Hắn leo vội lên khỏi bờ suối. Chuyện Chanta hoặc người con gái nào khác nằm kia có theo Khờ-me đỏ hoặc ông hoàng Sihanouk thì bây giờ lại càng chẳng có ý nghĩa gì. Sơn nhớ có lần bên con lộ 13 vắng vẻ chạy từ Tây Ninh sang, bọn hắn bắn thử mấy quả đạn B.40 tịch thu được, tiếng đạn nổ vang động cả khu rừng vắng. Chỉ ít phút sau, cả một đoàn dân Miên nheo nhóc từ trong rừng kéo nhau ra, dáng điệu hoảng hốt vì tưởng rằng sắp có trận đánh lớn. Họ là dân của nguyên một làng kéo nhau đi tìm ông hoàng Sihanouk nghe đâu đã về trong rừng. Họ có biết đâu ông hoàng của một thời thái bình thịnh trị nào đó bây giờ còn đang lưu lạc bên Tàu, bên Tây, hoặc có khi đang bận rộn với ban nhạc kèn đồng của ông.
        Phía bên kia rặng thốt nốt ven làng, mặt trời đã lặn sau cánh rừng âm u. Sơn nằm trên chiếc võng mắc giữa hai thân ổi trong khu vườn cỏ mọc tràn lan. Những ngôi nhà sàn trong cái xóm không người này như mọc lên từ đám cây cỏ dại cao ngang ngực. Ngày mai, đại đội Sơn lại trở về bên kia sông Mê-kông vì cuộc hành quân chấm dứt. Tĩnh thì bây giờ đã ở bên đó.
        Từ hôm kia, khi xảy ra vụ người con gái bị bắn chết dưới lòng suối, Tĩnh có vẻ không được khoẻ lắm, khuôn mặt xanh tái của hắn vốn đã đăm chiêu lại càng u tối thêm lên, gần như cáu kỉnh. Chiều hôm đó, khi Sơn tìm tới bên võng Tĩnh nói chuyện, Tĩnh than với Sơn:
        “Bực mình, thằng Toàn nó bảo là chính nó bắn chết con bé Miên mà tôi lại tranh công với nó. Nó sợ chuyến này không được bầu làm chiến sĩ thi đua ấy mà.”
        “Lúc đó mày với nó cùng rượt đuổi hả?”
        “Vâng, nhưng tôi biết là chính tôi...,” Tĩnh ngập ngừng rồi nói tiếp, “Lúc đó, mình cứ như làm theo phản xạ tự nhiên, gặp địch ít như thế là phải đuổi, mà bắn thì phải ngắm đàng hoàng. Không biết là mình học cái phản xạ tự nhiên đó từ lúc nào.”
        Thấy Sơn không hỏi gì thêm, Tĩnh cũng không muốn nói tiếp. Ngồi trên võng, hai khuỷu tay chống lên đùi, hai tay đỡ lấy trán, Tĩnh có vẻ như đang nhìn xuống đàn kiến đang bò trên mặt đất. Một lúc lâu sau, Tĩnh mới tiếp:
        “Khi còn bé, tôi chuyên môn đi tìm ổ kiến lửa đốt chơi. Những lần như thế, mẹ tôi biết được ngăn lại, chẳng nói gì, mà trông bà không được vui lắm. Chỉ có một lần khi tôi ngắt một bó hoa cúc dại mọc ven rào xé tung toé từng cánh chơi, bà mới nói: ‘Con xem, hoa đẹp như thế này mà tại sao lại xé tan nát nó đi. Những gì mình không tạo ra được thì không có quyền huỷ hoại.’ Câu đó đến bây giờ tôi mới hiểu thấm thía.”
        Sáng hôm nay, vùng dậy khỏi chiếc võng chụp vội khẩu súng trong bóng tối lờ nhờ buổi sớm mai khi nghe tiếng súng nổ, Sơn cứ tưởng địch rình đánh trộm cho đến khi nghe tiếng la:
        “Thằng Tĩnh nó chết rồi!”
        Khi Sơn băng nhanh qua tới đầu vườn bên kia, nơi Tĩnh mắc võng, Tĩnh đang nửa ngồi, nửa nằm trên võng, khẩu AK nằm lăn lóc trên mặt đất, đầu Tĩnh lún sâu vào võng nên Sơn không nhìn thấy được mặt. Có ai đó nói với Sơn là viên đạn đi qua lỗ tai trổ sang bên kia. Máu thấm qua lớp vải xanh của chiếc võng Trung Quốc nơi mặt Tĩnh áp vào. Có lẽ còn có máu vương vãi trên mặt đất nhưng trời chưa đủ sáng để nhìn thấy. Sơn còn nghe mùi thuốc súng khen khét khi quay lưng bước vội khỏi chỗ đó.
        Tiếng ơi ới gọi lấy cơm từ phía bếp anh nuôi. Sơn ngồi bật dậy khỏi chiếc võng. Buổi chiều, nhóm chở xác Tĩnh sang bên kia sông trở về xì xào với nhau rằng khi bọn vận tải trung đoàn rửa xác Tĩnh, óc Tĩnh đổ ra cả thau, thứ thau nhôm họ thường dùng đựng cơm và thức ăn. Sơn không hiểu hắn có nên tin rằng Tĩnh có cái quyền tự huỷ hoại thân xác mình không. Có lẽ nào đó là lối thoát duy nhất, một thứ phản kháng tuyệt vọng đối với cái thân xác mà mình không làm chủ, cái thân xác không hiểu từ bao giờ đã học bóp cò huỷ hoại một thân xác con người khác như một phản xạ tự nhiên.
        Vạch đám cỏ dại băng ngang qua vườn, Sơn nhận thấy bóng tối đã ập về từ lúc nào. Cơm nước nấu xong, bếp anh nuôi đã được dập lửa nhưng một ít than hồng vẫn còn cháy hắt hiu, buồn bã giữa đám người xúm xít chia cơm. Đôi mắt đăm chiêu và nụ cười lặng lẽ của Tĩnh mới hôm qua đã xa thật xa. Không bao giờ nữa.

Thơ là gì?


Huyền Lan


Là một người yêu thơ, trước đây, tôi cứ đọc thơ một cách hồn nhiên như nghe một bản nhạc, thích thì đọc, không thích thì thôi. Nhưng gần đây, đọc thơ tiếng Việt trên các tạp chí văn học nghệ thuật xuất bản bên Mỹ, tôi hay thắc mắc tự hỏi: “Những bài gọi là thơ ấy có thực là thơ hay không?”
Để trả lời câu hỏi ấy, chúng ta lại phải trả lời một câu hỏi khác khó hơn: “Thế nào là thơ?”
Bản thân tôi không đủ sức để trả lời những câu hỏi phức tạp ấy, cho nên tôi tìm đọc bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình để xem họ nghĩ gì. Dần dần tôi tập hợp được khá nhiều tài liệu. Dưới đây, tôi xin giới thiệu ý kiến của một số cây bút ở trong nước và ở ngoài nước. Quan niệm của họ khác nhau. Tôi không cho đó là điều quan trọng. Điều quan trọng là tất cả những ý kiến ấy đều gợi lên một vấn đề: thơ không phải là cái gì đơn giản như lâu nay chúng ta thường tưởng.
Đặc trưng của thơ:
Cuốn Đổi mới phê bình văn học của Đỗ Đức Hiểu xuất bản tại Việt Nam năm 1993 đã được nhiều người khen ngợi là một công trình phê bình nghiêm túc, đặc biệt là nó đã giới thiệu cho độc giả Việt Nam một số lý thuyết văn học mới của Tây phương. Dưới đây là một đoạn trích từ cuốn sách ấy (trang 19 và 20):
Thơ là gì?
Thật khó trả lời. Blaga Dimitrova viết trong Những ngày phán xử cuối cùng: “Ôi, nếu tôi biết thơ là gì thì cả đời tôi, tôi chẳng đau khổ thế này.” Và biết bao nhà thơ lớn, biết bao nhà lý luận lỗi lạc trên thế giới và ở Việt Nam, đã thử định nghĩa thơ: “Thơ là tiếng vọng của tâm hồn”, “Thơ là sự thể hiện sâu sắc tâm trạng”, “Thơ là tiếng hát, nhà thơ là người hát rong, hát lên niềm khát khao sự sống, tình yêu, tự do”, v.v... Còn nhiều định nghĩa khác. Song các định nghĩa ‘truyền thống’ như vậy không phân biệt rõ ràng thơ với văn xuôi; văn xuôi cũng có thể “thể hiện sâu sắc tâm trạng”, “nói lên niềm khát khao sự sống, v.v...” Phải đợi đến các nhà thi pháp học thế kỷ 20, việc phân định Thơ / Tiểu thuyết mới có sức thuyết phục.
Một ý kiến cho rằng trên không gian trên giấy, trang in thơ có nhiều khoảng trắng hơn trang in văn xuôi; đây không phải chỉ là hình thức; hình thức này mang nhiều ý nghĩa: thơ nói ít mà chứa đựng nhiều nghĩa; những khoảng trắng, đậm chất thơ, nơi chất thơ lan toả; nó còn có ý nghĩa Thơ là văn bản không liên tục, thơ có nhiều chỗ ‘lặng’, cái lặng của thơ tràn ngập cảm xúc và tư duy.
Ý kiến thứ hai: Đặc trưng của thơ là sự trùng điệp (câu thơ - vers, versus - luôn luôn quay trở lại): sự trùng điệp của âm vận (thơ lục bát có ba âm trùng ở vần; thơ thất ngôn bát cú có năm âm trùng ở vần thơ); trùng điệp ở nhịp (thường thường, trong Thơ Mới, mỗi câu tám âm tiết, là nhịp 3-5); trùng điệp ở ý thơ (biểu đạt bằng những phạm trù tương đương, hệ quy chiếu, v.v...); trùng điệp của câu thơ, hoặc một bộ phận câu (‘Chàng Cóc ôi! Chàng Cóc ôi!’). Trùng điệp có tác dụng tạo những nhịp điệu tương ứng trong suốt bài thơ, tạo những âm vang, những tiếng rung trong thơ. Bởi vậy, thơ được một học giả gọi là một ‘kiến trúc đầy âm vang’.
Thơ khác văn xuôi chủ yếu ở nhịp điệu, nhịp điệu là linh hồn của thơ. Có thể nói: thơ là văn bản được tổ chức bằng nhịp điệu của ngôn từ.
Âm thanh trong thơ có vị trí quan trọng bậc nhất; theo nhiều nhà thi pháp học, ‘âm mang nghĩa’: có một bài thơ của Mallarmé được gọi là ‘bản giao hưởng những âm ‘i’’, ‘phòm’, ‘tom’, ‘eo’ của thơ Hồ Xuân Hương mang ý nghĩa cười cợt và biến đổi ý nghĩa ‘nghiêm trang’ của một hang động đẹp; nó có tác dụng chuyển nghĩa.
Tóm lại, những đặc trưng của thơ là:
* Cấu trúc: trùng điệp (âm thanh, nhịp điệu, ngữ nghĩa...)
* Kiến trúc đầy âm vang.
* Nhiều khoảng trắng trên không gian in thơ.
* Chất nhạc tràn đầy.
Thơ và văn xuôi: nhìn từ góc độ lý thuyết
Cũng tìm hiểu sự khác biệt giữa thơ và văn xuôi, trong cuốn Cấu trúc thơ do Văn Nghệ xuất bản tại California năm 1995, nhà phê bình Thuỵ Khuê đưa ra một cái nhìn rộng rãi, trích dẫn nhiều tài liệu nước ngoài hơn. Dưới đây, tôi trích một số đoạn rải rác từ trang 47 đến trang 71 trong cuốn sách ấy:
Trên phương diện tinh thần, ‘thơ là nguồn cảm thông chung của nhân loại’ (Hegel). Về cấu trúc, ‘thơ là một ngôn ngữ riêng trong ngôn ngữ chung của loài người’ và làm thơ tức là làm thế nào cho ‘ngôn ngữ trở thành một tác phẩm nghệ thuật’ (Paul Valéry). Về phương diện ngữ học, ‘thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó’ (Jakobson).
Nói như thế, không có nghĩa các triết học, nhà phê bình, nhà ngữ học trên đây đã định nghĩa thơ. Vì thơ, cũng như trí thông minh hay Thượng đế... là những ý niệm khó định nghĩa. Người ta chỉ có thể nhận diện: Đâu là thơ? Đâu chỉ là những câu văn vần? Và muốn nhận diện, trước hết phải tìm hiểu một số tính chất căn bản của thơ.
Thế kỷ 18, Giambattista Vico, triết gia và là một trong những người khai phá khoa học nhân văn và đi tiên phong trong ngữ học hiện đại, đã có những tìm tòi cặn kẽ về bản chất thi ca và gần đây hơn, Jean Paul Sartre cũng đưa ra những luận điểm kề cận.
Vico cho rằng đặc tính căn bản của thơ là ‘gán ý nghĩa và nhiệt tình cho những vật vô tri vô giác và là một đặc tính của nhi đồng’. Theo ông, hai tính chất ấy - thuộc phạm vi triết học và ngữ học - xác nhận cho chúng ta tin rằng những người thuở sơ khai trên trái đất phải là những nhà thơ có tài. Giả thuyết này giải thích tại sao những tác phẩm đầu tiên của nhân loại còn lưu lại đến ngày nay là những tập thơ:Kinh Thi và Iliade.
Trẻ con hay hỏi “Cái này là cái gì?”, “Cái này làm bằng gì?”. Triết học, nguồn cội của sự hiểu biết, cũng bắt nguồn từ việc muốn giải đáp những câu hỏi đơn giản nhất trong trí óc con người như ‘cái này là cái gì?’, ‘Cái này làm bằng gì?’.
Sang thơ, nếu chúng ta đọc những câu ca dao sau đây:
Giã ơn cái cối, cái chày
Nửa đêm gà gáy, có mày có tao
Giã ơn cái cọc cầu ao
Nửa đêm gà gáy có tao có mày
Thì cái cối, cái chày, cái cọc, con trâu (sic) đã trở thành bầu bạn, thành người, hay ít nhất, một bộ phận nào đó trong con người. Tại sao lối ‘đối thoại’ trên đây lại là một đặc tính của nhi đồng? Vì trẻ con ưa nói chuyện với chó, mèo hay nắm lấy những vật bất động mà chơi, ‘giao thiệp’ với những vật ấy như con người, tạo một đời sống tinh thần linh động cho mọi sinh vật và tĩnh vật.
[...]
Tuy lối nói của nhà thơ tựa như lối xử sự của trẻ thơ, nhưng không có nghĩa là trẻ con biết làm thơ: nhà thơ, với cách nói đặc biệt, sáng chế ra một loại ‘thần thoại’ ở đó muôn loài đều bình đẳng, giống như trẻ con ‘đối thoại’ với muôn loài. Nhưng muốn sáng tạo, thi nhân còn phải làm hơn nữa: ngoài tri thức và kinh nghiệm sống, nhà thơ còn phải tạo dựng kỹ thuật thi ca.
Phân tích hành trình kỹ thuật đó, Sartre trong Qu’est-ce que la littérature cho rằng thi nhân “dùng chữ như dùng đồ vật mà không dùng chữ như dấu hiệu” (Les mots comme des choses et non comme des signes).
[...]
Khi viết “nhà thơ coi chữ như đồ vật chứ không coi như những dấu hiệu” [...], Sartre đã đối lập hai lãnh vực thơ văn: chữ trong văn xuôi là những dấu hiệu để chỉ định, diễn tả. Chữ trong thơ là ‘đồ vật’ (chose) tức là một Thể hoàn tất. Chức năng ngữ học của văn xuôi là định danh và biểu đạt, và chức năng ngữ học của thơ là khơi gợi trí tưởng tượng.
Về phong cách, nhà văn dùng ngôn ngữ để giải thích, kể lể... Nhà thơ để ngôn ngữ tiếp xúc trực tiếp với chúng ta, giống như hoạ sĩ để bức tranh mặc sức ‘nói chuyện’ với người xem, nhạc công buông âm giai tự do ‘đi vào’ thính giả; cũng như miếng đá ong xù xì trên kia quyến rũ ta, có thể vì nó gợi lại trong ta một dĩ vãng xa xôi nào đó, đẵm trong tiếng võng cót két của chị Thắm ru con bên giếng nước ‘nhà đồi’ dựng trên ‘đất đá ong khô nhiều ngấn lệ’[1].
Cho nên, cuối cùng thơ hiện ra dưới một Thể hoàn bị, khác biệt với văn và rất gần với những ngành nghệ thuật tạo âm và tạo hình khác như âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, kịch nghệ, v.v...
Về mặt cấu trúc, văn lấy ý nghĩa làm biểu tượng, thơ gợi trí tưởng tượng bằng hình ảnh, và nói rằng thi nhân tạo linh hồn cho vạn vật còn có nghĩa là trên phương diện ngữ học và trong kỹ thuật thi ca, nhà thơ đã làm một phép tu từ để tạo hình: đó là ẩn dụ (métaphore), và ẩn dụ là cấu trúc cơ bản trong ngôn ngữ thơ.
Thơ và văn xuôi: nhìn từ kinh nghiệm của một nhà thơ
Những vấn đề được nhà phê bình Thuỵ Khuê bàn luận ở trên cũng đã được nhà thơ Đỗ Quý Toàn phân tích một cách cặn kẽ nhưng với một phong cách giản dị và nhiều dẫn chứng cụ thể hơn trong cuốn Tìm thơ trong tiếng nói do Thanh Văn xuất bản tại California năm 1992. Dưới đây là một đoạn trích từ trang 143 đến145:
... tôi thử bắt chước Umberto Eco. (Một lần Eco đã dịch thử mấy câu thơ Pétarque ra văn xuôi). Dưới đây là một đoạn văn xuôi tả cảnh, tả tình.
“Hai người cảm thấy họ đang sống như trong một giấc mơ. Họ biết đây là sự thật, họ đang trông thấy nhau. Nhưng cái cảm giác êm dịu này thường chỉ có trong mơ mà thôi, nên họ chập chờn trôi nổi giữa mộng và thực. Nàng muốn bảo các em đã đến lúc nên đi về. Nhưng nàng không thể nói được. Chàng cũng thấy đứng lại thêm nữa thật bất tiện, nhưng chàng chưa có dịp nói câu nào với nàng cả. Liệu quay về ngay bây giờ có tiện chăng? Buổi chiều xuân đang tàn, nắng phai chậm chạp. Nắng chiều soi trên bãi cỏ, một ngày vui vừa mới qua, ánh nắng xiên qua làm cho lòng người buồn thêm. Khi chàng lên ngựa quay đi thì nàng biết cuộc gặp gỡ bất ngờ và êm ái đã hết. Nàng bước đi nhưng hơi nghiêng đầu lại, ngó chàng văn nhân thanh tú lần nữa. Nàng bước tới bên dòng nước trong veo, đi qua cây cầu nhỏ. Bên cầu cây liễu rủ, gió thổi lá thướt tha, ánh nắng chiều dọi lên như thể nắng chiều cũng thướt tha với gió.”
Bây giờ xin đọc đoạn thơ trong Truyện Kiều:
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn
Bóng tà như dục cơn buồn
Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo
Dưới dòng nước chảy trong veo
Dưới cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
So sánh hai đoạn văn xuôi và thơ đó, chúng ta đã thấy có sự khác biệt trong cách dùng ngôn ngữ ở văn xuôi và ở thơ, như đánh ‘bài cào’ khác với binh ‘xập xám’.
Tôi viết đoạn văn xuôi, cố hết sức nói lại những điều thấy ở trong đoạn thơ. Nhưng không thể thành công được. Nhất là hai câu chót. Những tình ý mênh mang trong hai câu thơ đó, không thể nào diễn tả lại được. Nếu bạn muốn diễn đạt lại ý nghĩa của đoạn thơ trên ra văn xuôi lần nữa, chắc bạn sẽ viết một đoạn văn xuôi khác với đoạn văn tôi viết. Nhưng tứ thơ không thể nào nói lại bằng văn xuôi, để gây ra cùng một hiệu quả như thơ. Vì sao? Vì người viết đoạn văn xuôi đã dẫn giải tứ thơ đã cố sức truyền các ý tứ rõ ràng. Viết văn xuôi thường cố làm cho thông điệp của mình càng rõ nét càng tốt. Mức rõ ràng nhất là mức độ của các tấm bảng chỉ đường. Đoạn thơ thì không cốt ý diễn tả một chuyện rõ ràng như bảng chỉ đường. Vì những điều được nói trong đó, ý thơ và tứ thơ, nó vốn không thể rõ ràng như vậy. Có những tình tứ không thể tìm thấy một lời nói hay một câu nói nào để nói lại. Có những tình tứ mà càng nói rõ ra bao nhiêu thì càng đi xa nó bấy nhiêu. Cố gắng nói rõ hết sức, thì chỉ còn bộ xương khô. Cái phần rõ rệt của thông điệp có thể truyền đạt, nhưng bao nhiêu tình tứ mênh mang của đoạn thơ đã bị mất. Giống như một toà kiến trúc ba chiều đã bị giản lược lại, để chỉ còn là một bản đồ án hai kích thước trên mặt giấy.
Đoạn thơ và đoạn văn xuôi cùng dùng chung một hệ thống ký hiệu, đó là tiếng Việt. Trong đoạn văn xuôi người viết ký hiệu hoá các ý nghĩa muốn truyền đạt để người đọc có thể giải ký hiệu ra, nhận được rõ ràng và đầy đủ thông điệp. Nhận được thông điệp là đủ, không thể nhận thêm một tình ý nào khác ngoài các điều đã được giải ra.
Trong đoạn thơ, người đọc cũng nhận được nhiều ý nghĩa như trong đoạn văn xuôi. Nhưng ngoài thông điệp đó, người đọc còn biết còn cảm nhận được rất nhiều tình tứ khác. Dù rằng thơ cũng dùng hệ thống ký hiệu là tiếng Việt, nhưng thơ sử dụng theo những quy thức của cuộc chơi ngôn ngữ khác. Cách đem ký chú thông điệp và cách giải thông điệp không theo quy tắc định sẵn. Có yếu tố bất ngờ, có vẻ thiếu trật tự, hỗn mang, mà ngôn ngữ văn xuôi không có, không cần đến. Bây giờ nếu các độc giả muốn thử lần nữa, tôi đề nghị mấy câu thơ sau đây để thử ‘nói lại’ văn xuôi, coi có nói gì được không.
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù
(Bùi Giáng)
Riêng tôi nhất định không muốn xúc phạm đến những câu thơ như thế. Không thể nào đem diễn lại theo lối văn xuôi. Nếu quý độc giả không đồng ý như vậy tôi cũng xin chịu. ‘Lá rơi có dội ở trong sương mù’. Viết lại thế nào đây? Chỉ có thể viết lại: ‘Lá rơi có dội ở trong sương mù’, rồi uống một hớp trà, cho nó thấm thía.
Cách thưởng thức khác nhau đưa tới một kích thước khác để đo lường chất thơ. Chất thơ càng cao khi nào người ta không thể bắt chước, mô phỏng.
Mỗi chữ một tướng mạo
Về đặc điểm bất khả diễn dịch của ngôn ngữ thơ, nhà văn Võ Phiến cũng có lần phân tích một cách dí dỏm và duyên dáng trong cuộc nói chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, in trong cuốn Viết, do Văn Nghệ xuất bản tại California năm 1993. Tôi xin trích một đoạn ngắn từ trang 200 đến 204:
V.P: ... cách đây vài tháng bà Phan Thị Trọng Tuyến có gửi cho mượn cuốn Ngày tháng ngao du, in từ năm 1971, đọc thấy có những ý kiến bây giờ vẫn còn hay còn đúng. Tôi khoái quá, liền ca ngợi ngay, giờ lại muốn ca ngợi nữa. Không nhịn được.
N.X.H: Ủa, việc gì phải nhịn cho nó bí người? Muốn ca, xin cứ ca bằng thích.
V.P: Xin vâng. Này nhé, ai nấy đều biết Nguyễn Du có câu ‘Phong lưu rất mực hồng quần’ chứ gì? Ông Bùi Giáng liền đặt ra vấn đề: “Hồng quần là quần hồng. Quần hồng là biểu tượng đàn bà. Nhưng chỗ kỳ dị là: không thể dùng tiếng ‘đàn bà’ thay thế cho tiếng ‘hồng quần’ trong câu thơ đó. Thử đọc ‘Phong lưu rất mực đàn bà’??? Và kỳ dị hơn nữa: không thể đem tiếng ‘quần hồng’ thay thế cho tiếng ‘hồng quần’. Thử đọc: ‘Phong lưu rất mực quần hồng’ thì mọi người đều phì cười. Tại sao có sự lạ đó?”
Bùi quân lại còn giải rõ thêm: “Nếu đem ‘quần hồng’ thay thế cho ‘hồng quần’, thì lời thơ tan hoang tinh thể. Làm sao một ông giáo sư trịnh trọng có thể giải thích sự huyền bí đó cho học sinh luyện thi? Ông chỉ có thể bảo rằng: Nàng Thuý Kiều sống phong lưu rất mực, ngày ngày tháng tháng nàng luôn luôn vận chiếc quần hồng. Và học sinh sẽ cười rộ suốt cả lớp. Còn học hành gì được nữa?”
N.X.H: Ông Bùi Giáng vui thật. Vừa vui vừa thâm.
V.P: Chưa hết. Bùi quân còn vui còn thâm hơn nữa. Ông ấy giễu Crayssac bằng cách trích đúng nguyên bản dịch của Crayssac cho bà con coi chơi thôi, không hề thêm bớt gì cả:
Elle vivait ainsi, de facon indolente
Les beaux jours de loisir d’une vie élégante,
De par le rang des siens pouvait porter, selon
La coutume chinoise, un rouge pantalon.
Ông phán: “Ngôn ngữ tèm nhem!” Đố René Crayssac cãi được.
N.X.H: Ngộ thật. Chỉ có sáu chữ đơn giản mà loay hoay dài dòng tới bốn câu vẫn không dịch được. ‘Hồng quần’ là quần hồng mà không phải là quần hồng. Thay thế bằng quần hồng không được, bằng quần đỏ quần điều đều không được; thậm chí thay thế bằng những tiếng đàn bà hay phụ nữ, v.v... đều bất khả. Cắc cớ thật.
V.P: Đã sẵn lan man, mình lan man luôn. Hãy tưởng tượng mai kia rồi nước ta lại xảy ra cách mạng (Ối, gì chứ cách mạng thì ai cấm được nó xảy ra bất cứ lúc nào). Cách mạng xong, xuất hiện một nhà lãnh đạo văn hoá rất mạnh tay, một vị tên là Giang Tục nào đó chẳng hạn, từng là cựu tù nhân Côn Lôn, cựu nạn nhân Chuồng Cọp. Bèn có chủ trương triệt để tiêu diệt tàn tích văn hoá phong kiến, xoá sạch dấu vết dâm thư đồi truỵ có thể làm bại hoại luân thường đạo lý. Truyện Kiều đi đời. Khi cách mạng hoàn thành sứ mạng lịch sử và bị xua đuổi như đuổi tà, đất nước thở dài khoan khoái, nhiều người sực nhớ lại Truyện Kiều, muốn tìm đọc để mua vui một vài trống canh chơi, bấy giờ mới hay Truyện Kiều đã mất tích hẳn trên đời. Đây đó trên thế gian chỉ còn rải rác các bản dịch nằm trong góc các thư viện Âu Mỹ. Có còn hơn không. Có người tóm được bản René Crayssac, quyết tâm căn cứ vào bản này để phục hồi Truyện Kiều Việt ngữ. ‘Phong lưu rất mực hồng quần’ bèn được dịch phăng phăng. Dịch rằng:
Thế là nàng sống nhởn nhơ
Những ngày đẹp đẽ phong lưu tuyệt trần
Giàu sang cùng một giai tầng
Mặc theo lối xẩm cái quần đỏ tươi.
Ông nghĩ sao?
N.X.H: Tôi nghĩ dịch như thế, đọc bản Kiều ‘phục hồi’ tha hồ mua vui một hơi suốt năm canh.
V.P: Không những học sinh cười rộ, mà bà con cả nước sẽ cười bò lê bò càng, còn luyện thi luyện thiếc, còn nói chuyện văn hoá văn huyếc gì được nữa.
Đấy, ông thấy không? ‘Hồng quần’ là cái quần hồng, nghĩa nó thì giản dị mà lắng nghe cho được cái xúc cảm đích thực nó gây ra nơi lòng mình lại không hề giản dị. Mấy tỉ người trên đời không ai giống ai, mỗi người một vẻ. Cái tiếng, cái chữ cũng vậy. Mỗi chữ một tướng mạo. Có chữ trông hung tợn, có tiếng nghe chịu liền. Có chữ mới chạm mặt nó đã phát dội, có tiếng đọc lên càng ngẫm càng thấy nó có cái duyên ngầm, ý vị thấm thía v.v... Ông Bùi bảo: “làm sao [...] có thể giải thích sự huyền bí đó?” Tôi khoái Bùi quân ở cái chữ ‘sự huyền bí’.
Mỗi chữ một lịch sử:
Với nhà phê bình Nam Chi, trên báo Đoàn Kết số 420 (1990), chữ trong thơ không phải chỉ có một tướng mạo riêng mà nó còn có một lịch sử phát triển riêng, nó gắn liền với cả bối cảnh văn hoá và bối cảnh văn học nói chung. Chính vì thế, khi chúng ta đọc thơ, có thể một chữ nào đó sẽ dẫn dắt chúng ta đến vô số những liên tưởng khác nhau. Điều đó làm cho ý nghĩa của bài thơ trở thành rộng rãi hơn, giàu có hơn và cũng thú vị hơn.
Bình chữ ‘đâu’ và chữ ‘những’ trong hai câu thơ của Thế Lữ:
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt.
Nam Chi viết:
1. Trước hết, ta xét chữ ‘đâu’, một từ nghi vấn, dùng theo nghĩa phủ định. Trong bài ‘Nhớ rừng’, đơn vị thơ Thế Lữ không phải là câu mà là khổ thơ (strophe), chữ ‘đâu’ ở đây là tiếng vọng của ‘nào đâu những đêm vàng bên bờ suối’ ở đầu khổ và sẽ tắt ngấm với ‘than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu’ ở cuối khổ. ‘Nào đâu’ và ‘còn đâu’ là từ thông dụng, nhưng chữ ‘đâu’ phủ định đặt ở đầu câu là một cách tân, có thể là nó phát xuất từ câu thơ Pháp ‘Où sont les neiges d’antan’ (Đâu tuyết tuyết ngày xưa, Vilon). ‘Đâu’, nguyên uỷ là do hai từ ‘đằng nào’ thu gọn - cũng như ‘đây’, ‘đấy’ là do ‘đằng này’, ‘đằng ấy’ thu gọn [2] -, Nguyễn Du dùng chữ ‘đâu’ 104 lần theo nghĩa ấy:
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi.
Nhưng chúng ta không tìm thấy chữ ‘đâu’ dùng theo kiểu Thế Lữ. Ngược lại, các nhà Thơ Mới sẽ sử dụng kinh nghiệm ấy, như Huy Cậïn trong ‘Tràng giang’:
Đâu những làng xa vãn chợ chiều
Nhiều người hiểu chữ ‘đâu’ theo nghĩa phiếm chỉ (indéfini): đâu đây, đâu đó, có tiếng làng xa... Nhưng ý Huy Cận không phải vậy. ‘Đâu’ có nghĩa phủ định (négatif), như trong câu thơ Thế Lữ: đâu có, không có tiếng làng xa; cũng như ‘không một chuyến đò ngang', 'không cầu gợi chút niềm thân mật’. Chữ ‘đâu’ phủ định tất cả phương tiện giao lưu, làm tăng không khí ‘đìu hiu’ của cảnh ‘sông dài, trời rộng’.
Ngày nay, chữ ‘đâu’ đưa bao nhiêu nhớ nhung, luyến tiếc vào đầu câu thơ (hay câu hát) đã trở thành quen thuộc. Nhưng thời Thế Lữ, nó là một cách tân.
2. ‘Đâu những chiều...’. Chữ ‘những’ chỉ số nhiều, ngày nay là một trong những từ được thông dụng nhất. Nhưng xưa kia thì khác. Nguyễn Du, trong Kiều, sử dụng chữ ‘những’ 67 lần, nhưng chỉ 26 lần trong nghĩa số nhiều, theo tỉ lệ rất thấp, “chỉ trên 1 phần ngàn trong khi danh sách tần số (ngày nay) là 0,487 phần trăm”[3], theo nhận xét của Phan Ngọc:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Chữ ‘những’ trong câu ca dao, có lẽ xưa ấy, không chỉ số nhiều như ta thường tưởng, mà có nghĩa thời gian: từ ngày, từ thuở, từ dạo... Nguyễn Du đã dùng 10 lần như vậy. Những ngày = từ ngày:
Thân này đã bỏ những ngày ra đi...
Ngày xưa các cụ cũng phân biệt số nhiều và số ít, nhưng không rõ rệt như trong tiếng Pháp. Khi tiếp xúc với các ngôn ngữ phương Tây, ta thấy sự phân biệt nhiều - ít làm sáng tỏ thêm một số ý tưởng, nên tiếp thu rộng rãi ngữ pháp ấy, rồi dần dần chữ ‘những’ được trọng dụng và mang một giá trị thẩm mỹ mới. Điều này anh Phan Ngọc đã chứng minh một cách rõ ràng và tài hoa. “Chữ ‘những’ lúc đầu là một phó từ như ta thấy trong Truyện Kiều: ‘những mong cá nước sum vầy’ [...] Từ chỗ chỉ một số nhiều mơ hồ với tính cách phó từ, nó chuyển sang chỉ số nhiều phiếm định của danh từ [...]. Chữ ‘những’ do quá khứ của nó là một phó từ chứa đựng cảm xúc, cho nên ngay khi nó làm mạo từ (số nhiều) trong tiếng Việt hiện đại, nó vẫn chứa đựng cảm xúc [...] Miêu tả một mùa xuân thì thế nào cũng phải nói ‘những bông hoa’, ‘những con chim’, ‘những ngọn gió’. Chỉ cần đổi thành ‘các bông hoa’, ‘các con chim’, ‘các ngọn gió’, thế là chẳng còn mùa xuân nữa”. Đúng và hay. Như vậy thì, trong đoạn thơ Thế Lữ, ‘những đêm vàng’, ‘những ngày’, ‘những bình minh’, ‘những chiều’ số nhiều ở đây đã mang trọng lượng tình cảm, như số nhiều trong ‘les neiges d’antan’ của Vilon.
Sau này, nhiều nhà thơ đã tận dụng giá trị tâm cảm và luận lý của chữ ‘những’:
Những chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim...
(Hữu Loan)
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa [...]
Ôi những cánh đồng quê chảy máu...
(Nguyễn Đình Thi)
Thơ: ý tại ngôn ngoại
Những sự phân tích trên dẫn đến một kết luận đã có từ lâu: thơ là cái gì ý tại ngôn ngoại. Nhà thơ Lê Đạt phân tích quan niệm này một cách thú vị trong bài ‘Nhân Thánh Thán bình thơ Đường’ đăng trên Tạp chí Thơ xuất bản tại California số 8 (mùa đông 1996) như sau:
Văn xuôi chủ yếu dựa vào ý tại ngôn tại. Thơ khác hẳn, không có nghĩa hơn hẳn, chủ yếu dựa vào ý tại ngôn ngoại; đã ý tại ngôn ngoại thì câu thơ không những đa nghĩa: mặc người đọc đời sau muốn hiểu ra sao thì hiểu mà nhiều khi ngay cả chính mình (nhà thơ) rốt cuộc cũng không biết nữa. Câu thơ đa nghĩa vì nó không những chỉ là hiện tại mà còn mang nặng lịch sử thi ca, nó không chỉ hoạt động ở cõi ý thức mà còn ở cả cõi vô thức của người viết. Một câu thơ đạt như con búp bê Nga Matriốttsca, trong ruột con búp bê lại chứa đựng một búp bê khác và cứ tầng tầng lớp lớp thế. Có người hỏi Mallarmé:
- Ông định nói gì trong bài thơ?
- Nếu biết định nói gì thì nói... chứ viết thơ làm gì?
Kết luận:
Để kết luận, tôi chỉ xin phép nhắc lại hai câu nói đã xuất hiện trong bài này, một ở đầu và một ở cuối.
Trong phần đầu bài viết này, giáo sư Đỗ Đức Hiểu trích lại lời nói của Blaga Dimitrova: “Ôi, nếu tôi biết thơ là gì thì cả đời tôi, tôi chẳng đau khổ thế này.” Ở phần cuối, Lê Đạt dẫn lại câu nói của nhà thơ Mallarmé của Pháp: “Nếu biết định nói gì thì nói... chứ viết thơ làm [cái quái] gì?”
Chúng ta có thể nói thêm được điều gì khác?
_________________________
[1]tên một một truyện ngắn và một câu thơ của Quang Dũng
[2]Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê, Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, Viện đại học Huế xuất bản, 1963, tr. 135 (và tr. 432-434 về quá trình chữ ‘đâu’, ‘biết đâu’).
[3]Phan Ngọc, Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á xuất bản, Hà Nội, 1983, các trang 274, 275, 277.

Đọc ca dao


Lê Văn Tài

Vũ điệu lửa
Mắt ngủ không yên
Bên kia bờ đại dương
Bướm
Ước

Giới thiệu bài thơ “Tiểu chước” của Cao Bá Quát




小 酌
拙 妻 不 信 尙 朱 顏
笑 把 菱 花 送 與 看
試 酌 小 杯 還 自 炤
分 明 红 氣 動 眉 端
高伯适

Tiểu chước
Chuyết thê bất tín thượng châu nhan
Tiếu bả lăng hoa tống dữ khan
Thí chước tiểu bôi hoàn tự chiếu
Phân minh hồng khí động mi đoan
Cao Bá Quát

Dịch nghĩa:
Người vợ vụng về của ta không tin mình còn nhan sắc mặn mà
Mỉm cười cầm cái bông ấu đưa cho ta cùng xem
Nàng rót cho ta chung rượu nhỏ (trong đó) phản chiếu
Rõ ràng khí sắc hồng nhuận (khiến nàng cũng) nhíu động đôi mày đoan chính.

Ghi chú về cái bông ấu trong bài:
Ấu, tên Hán Việt là lăng (chữ Hán: 菱 – bính âm: ling), tiếng Anh gọi bằng nhiều tên: water caltrop, water chestnut, buffalo nut, bat nut, vân vân, thuộc hai loài Trapa natans và Trapa bicornis, một loại cây thủy sinh, được trồng trong ao hay ruộng nước như sen hay súng để lấy trái làm lương thực. Trái ấu, thường được gọi lầm là củ (ca dao: “Thương nhau củ ấu cũng tròn…”), loài Trapa bicornis màu đen hay nâu cũ trông giống bộ sừng trâu tí hon (cho nên tiếng Anh có tên là buffalo nut). Trái của loài Trapa natans có bốn cạnh, đầu mỗi góc cạnh là một gai nhọn. Cả hai loài ấu này đều có ở Việt Nam, nhưng dường như củ ấu “sừng trâu” được biết nhiều hơn.
Đây là loại cây lương thực phụ lâu đời của nhiều dân tộc cho đến thế kỷ trước, có mặt ở khắp cả châu Phi, châu Âu và châu Á. Người ta thấy củ ấu được ghi chép từ rất sớm trong sách Chu Lễ của Trung quốc, khoảng thế kỷ 2 trước công nguyên. Thời đó, củ ấu được coi là một loại lương thực quan trọng dùng làm lễ vật cúng tế. Còn theo sách Bản thảo bị yếu của Uông Ngang (Tàu), thế kỷ 17, thì củ ấu có tính mát, giải cảm và giải rượu.
Củ ấu luộc chín, gọt bỏ vỏ bên ngoài, thịt bên trong màu trắng, ăn bùi bùi, như hột mít. (Có người nói ngon hơn hột mít). Ngay ở thành phố Sài Gòn thỉnh thoảng thấy có người đẩy xe ba-gác chở củ ấu đi bán dạo.
Dường như không mấy người quan tâm chuyện củ ấu có mặt ở Việt Nam từ bao giờ. Chỉ biết củ ấu mang một hình ảnh mộc mạc, dân dã và rất quen thuộc. Bông ấu cũng chẳng phải loại hoa sang trọng hay hiếm quý gì. Đó chỉ là một thứ hoa màu trắng đơn sơ có bốn cánh, (Google image cho thấy loài Trapa natans hoa có màu đỏ), là một trong những thứ hoa bình dị, chất phác của đồng quê.
Khi đưa cái bông ấu cho chồng xem, có lẽ bà Cao Chu Thần muốn nói mình giờ đây không còn giữa thời xuân sắc, mà giống như cái bông ấu quê mùa bình dị này. Nhà thơ tài hoa họ Cao, người mà theo một số giai thoại văn học nói, từng tự cho mình chiếm hai trong số bốn bồ chữ của thiên hạ, đã gián tiếp cải chính cái ý tự khiêm của vợ và đã khen bà một cách kín đáo và tao nhã: trong bài thơ, ông mô tả sắc mặt hồng nhuận đoan trang của bà phản chiếu trong chung rượu bà rót mời chồng.
Do kiến thức văn học hạn hẹp, người viết không biết bài thơ “Tiểu chước” này được chép hay lưu truyền ở đâu hay trong tác phẩm nào của Cao Bá Quát. Bài được dịch và giới thiệu ở đây là căn cứ theo bản chữ Hán do người bạn rất nhiệt tình tìm tòi và giới thiệu thơ chữ Hán của tiền nhân, là Lại Quảng Nam, đưa cho đọc. Cám ơn người bạn đất Quảng này.

Dịch thơ:

Mời chồng uống rượu suông
                              (lục bát)
Nhà tôi đang nghĩ mình già
“Chàng xem cây ấu nở hoa đây này!”
Mời chồng chén rượu trên tay
Ánh vui tươi nhuận nét mày đoan trang

                               (song thất lục bát)
Nàng nghĩ mình lúc này già xấu
Đưa chồng xem bông ấu trên tay
Mời ta chung rượu rót đầy
Lung linh phản chiếu nét mày thắm tươi

                               (thất ngôn tứ tuyệt)
Nàng nghĩ dung nhan đã luống rồi
Trao chồng hoa ấu để xem chơi
Mời ta chung rượu còn tương ánh
Hồng nhuận đoan trang nét rạng ngời

Bài dịch tiếng Anh:

Having a small glass of wine
                              by Cao Bá Quát
My wife doesn’t believe in her charm and beauty
Smiling she shows me a flower of trapaceae family
Then she offers me a small glass of wine
Which reflects herself — so lovely and benign.

Thiếu Khanh